Tứ Đại là bốn thứ cơ bản hình thành nên vạn vật trong vũ trụ, gồm có: Địa đại, Thủy Đại, Hỏa Đại và Phong Đại, tương ứng với bốn thứ Đất, nước, lửa và gió.
- Tam giới là gì.
- Lục căn, lục trần và lục thức là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
- Hội Long Hoa là gì.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Vạn vật thế gian hay thân thể của chúng sinh hữu tình đều là giả tướng của bốn đại hòa hợp mà tạo thành chứ không có một thực thể nhất định nào khác. Cơ thể sinh tồn của chúng ta do Tứ Đại hợp thành, trong đó: Những phần cứng và chắc trong thân thể là thuộc về Địa đại (đất), hơi nóng trong cơ thể thuộc về Hoả đại (lửa). Nước dãi, đàm dịch, nước mắt thuộc về Thuỷ đại (nước). Hơi thở thuộc về Phong đại (gió).
Khi chúng ta còn sống, thân thể chịu sự điều khiển của mình, nhưng sau khi chết thì tứ đại tan rã. Hơi ấm trong thân trở về với lửa. Các chất dịch trở về với nước. Các chất rắn trở về với đất. Hơi thở trở về với gió. Vậy nên “Cát bụi lại trở về với cát bụi” là như thế.
Tứ Đại hình thành nên vạn vật
Bốn nguyên tố “Đất, nước, lửa và gió được gọi là Tứ Đại vì thể tính của Chủng Tứ Đại đó rộng lớn, biến nhất thiết Sắc pháp. Hình tướng của Chủng Tứ Đại có thể to như núi cao, biển sâu, gió lốc, đại hỏa nên có ý nghĩa là hình tướng to lớn. Đồng thời tính dụng phát huy của bốn đại rộng lớn, làm sinh trưởng vạn vật do đó được gọi là Địa Đại, Thủy Đại, Phong Đại và Hỏa Đại.
Vạn vật, hiện tượng trong vũ trụ đều dựa vào Tứ Đại mà thành hình. Ví như cây muốn nở hoa tươi tốt thì cần đất đai phì nhiêu, đất đai chính là “Địa Đại”. Nước tưới đầy đủ là “Thủy Đại”. Ánh sáng ấm áp là “Hỏa Đại” và khí gió điều hòa là “Phong Đại”. Thiếu đi một trong Bốn Đại thì hoa không nở rộ tốt tươi. Sắc thân của chúng sinh hữu tình cũng vậy, đều do giả Tứ Đại mà hợp thành. Con người là động vật cấp cao trong vũ trụ thì thịt da, xương cốt là Địa Đại có tính rắn chắc. Máu mủ dịch đờm là Thủy Đại có tính lỏng ướt. Nhiệt độ ấm nóng của cơ thể là Hỏa Đại và hơi thở hô hấp là Phong Đại.
Cơ thể của chúng ta do Tứ Đại hợp thành, một trong bốn đại điều tiết không ổn định sẽ khiến cơ thể sinh ra các tật bệnh liên quan. Nếu Tứ Đại phân tán, sinh mệnh liền tử vong: Khi đó hơi thở hô hấp trở về Phong Đại, sự ấm nóng cơ thể trở về Hỏa Đại, máu mủ dịch đờm trở về Thủy Đại và thịt da xương cốt trở về Địa Đại.
Tứ Đại giai không
Tứ Đại giai không nghĩa là Tứ Đại vốn không thật. Nhiều Thầy giảng nghĩa của cụm từ này theo hướng bốn đại vốn là sự hư giả. Và mục đích để ta hiểu sự hư ảo, giả tạm của thế giới vật chất, cái không thực của thế giới vật chất. Bởi đơn giản như: “Chúng sanh thường chấp sắc thân này là ta, tâm thức có hiểu biết, có buồn giận thương vui là ta. Nhưng thật ra, sắc thân này giả dối. Ngày kia khi chết đi nó sẽ tan về với đất bụi, nên thân tứ đại không phải là ta”
Thực ra quan điểm này chỉ nói lên một phần của Bốn Đại. Bởi trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Thế Tôn bảo: “Tứ Đại là Như Lai Tạng”. Và để hiểu được tứ đại là Như Lai Tạng như thế nào bạn phải đọc Kinh Lăng Nghiêm. Bởi lời Phật ý sâu thăm thẳm, không phải bậc chân tu ắt khó có thể hiểu rốt ráo được.
Xin lược một đoạn Phật giảng về Hỏa Đại trong Kinh Lăng Nghiêm để bạn cùng tham cứu.
*
“Ông vốn không biết rằng trong Như Lai tạng. Tánh sắc là chơn không, tánh không là chơn sắc. Xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới. Biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh. A nan, tánh của hoả đại không có tự thể, nhờ các trợ duyên mà phát sinh. Ông hãy xem các nhà trong thành khi chưa đến bữa ăn. Muốn nhóm bếp thì tay cầm tấm kính đưa trước ánh sáng mặt trời để lấy lửa.
A nan, cái gọi là hòa hợp, cũng như Như Lai và ông cùng 1250 tỷ khưu họp thành một chúng. Chúng tuy chỉ một, nhưng xét từ căn gốc, thì mỗi người đều có thân riêng biệt, đều có tên gọi họ hàng riêng của mình. Như Xá lợi phất thuộc dòng Bà la môn. Ông Ưu lâu tần loa thuộc dòng Ca diếp ba, cho đến A nan thì thuộc dòng Cồ đàm.
A nan, nếu lửa ấy do hòa hợp mà có, thì khi người kia cầm kính lấy ánh sáng mặt trời, lửa đó từ kính ra, từ bùi nhùi có, hay từ mặt trời mà đến? A nan, nếu lửa từ mặt trời mà có, thì lửa ấy đã đốt được bùi nhùi trong tay ông rồi. Những rừng cây mà có ánh sáng mặt trời đi qua lẽ ra đều bị thiêu cháy cả.
*
Nếu lửa từ kính mà ra, thì lửa ấy có thể từ kính đốt cháy bùi nhùi, tại sao kính lại không bị chảy? Cho đến tay ông cầm kính còn không thấy nóng, làm sao kính chảy được? Nếu lửa do từ bùi nhùi bằng ngải cứu sinh ra, thì đâu cần gì đến mặt trời, kính và ánh sáng tiếp xúc với nhau mới sinh được lửa?
Ông hãy suy xét kỹ: Kính do tay cầm, mặt trời thì ở trên cao, bùi nhùi bằng ngải cứu thì từ đất sinh ra. Vậy lửa từ đâu mà đến đây? Mặt trời và kính xa cách nhau, không hòa không hợp. Không lẽ lửa chẳng do đâu mà tự có? Ông vẫn chưa biết trong Như Lai tạng, tánh lửa là chơn không, tánh không là chơn hỏa. Xưa nay vốn thường thanh tịnh, trùm khắp pháp giới, biến hiện tuỳ theo mức độ hiểu biết từ tâm chúng sinh.
A nan, ông không biết rằng người đời cầm kính ở đâu, thì ở đó phát ra lửa. Khắp pháp giới cầm kính, thì cả pháp giới có lửa. Lửa khắp cả thế gian, đâu có nơi chốn.
Theo nghiệp mà biến hiện ra các cảnh giới hiện hữu. Thế gian không biết, lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên. Tất cả đều là do thức tâm phân biệt suy lường. Chỉ là lời nói, hoàn toàn không có nghĩa chân thật.
(Tứ Đại là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Giảng)
Tuệ Tâm 2021.
Để lại một bình luận