Giới Định Huệ còn gọi là Tam vô lậu học, là pháp tu căn bản của Phật pháp. Trong Kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy: “Nhiếp tâm giữ giới, nhân giới sinh định, nhân định sinh huệ. Đây là tam vô lậu học”.
Lậu tức là dục, có dục thì có phiền não, dục hết thì phiền não hết. “Do vậy, Tam vô lậu học có ý nghĩa là ba môn học giúp hành giả vượt khỏi sự trói buộc của mọi phiền não, hoàn toàn tự tại. Lậu cũng có nghĩa là rơi rớt, nên Tam vô lậu học là phương tiện giúp hành giả không còn rơi rớt trong ba cõi, tâm không còn bị ràng buộc bởi mọi lậu hoặc.
Như vậy, Tam vô lậu học là ba môn học đoạn trừ phiền não, chứng nhập quả vị giải thoát hoàn toàn. Không còn nằm trong sự kiềm tỏa của Tam giới và không dừng lại ở phước báo sanh thiên.”
- Cách giúp đỡ những người bị Ma nhập.
- Tam giới là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Thiên ma là loại ma gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Tam vô lậu học giới định huệ là gì
Tam Vô Lậu Hoặc Giới Định Huệ
Sao gọi là giới định huệ ? Phòng phi chỉ ác gọi là giới. Khi sáu căn tiếp xúc với cảnh, tâm không tùy duyên (mà khởi) nên gọi là định. Tâm và cảnh tròn đầy như hư không, và thường giác chiếu mà không mê hoặc, đó gọi là huệ. Phòng ngừa việc xấu, và đình chỉ việc ác của ba nghiệp, khiến dòng nước tâm tự lắng đọng trong sáng, tức do giới mà sanh định. Nước tâm lắng đọng trong sáng, khiến tự tánh chiếu soi khắp xum la vạn tượng, tức do định mà sanh huệ.
Về Giới Định Huệ, Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật bảo A-nan: “Ông thường nghe trong giới luật của Như Lai, giảng bày ba nghĩa quyết định của việc tu hành. Thu nhiếp tâm ý gọi là giới, nhân giới phát định lực, nhân định có trí huệ. Đây gọi là ba môn học vô lậu.”
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: Khi mọi người trong pháp hội đều đồng lòng hộ trì giáo pháp, Đức Phật bảo A-nan: “Ông thường nghe trong giới luật của Như Lai, giảng bày ba nghĩa quyết định của việc tu hành.
Tỳ-nại-da là những giới luật dành cho cả Đại thừa và Tiểu thừa. Trong đó nói về những giới điều. Ba phương diện chắc thực nầy là không thể thay đổi. Đó là, thu nhiếp tâm ý gọi là giới, nhân giới phát định lực, nhân định có trí huệ. Đó gọi là ba môn học vô lậu. Đó là giới, định, huệ.
*
Quý vị thu nhiếp tâm ý, như thỏi nam châm thu hút mọi sắt vụn. Điều nầy đặc biệt nói đến tâm phan duyên của chúng ta–luôn luôn tìm kiếm sự thuận lợi. Khi bị tâm phan duyên điều khiển, mình luôn luôn để ý đến người khác. Mình luôn luôn suy nghĩ tìm mọi cách để gần gũi người giàu có hoặc người quyền quý. Tâm niệm như vậy cứ tiếp diễn ngày nầy sang ngày khác. Đó gọi là tâm phan duyên, có nghĩa là mình chưa thu nhiếp được tâm ý.
Hãy gom nhiếp tâm lại, đừng để chúng tìm kiếm cách thoả mãn những thuận lợi. Đừng để chúng tuỳ tiện chạy rong. Nhưng tâm ta là cái mà ta chạy đuổi theo, dù mình chẳng muốn như vậy. Chúng ta có thể cấm chúng không được có vọng tưởng, nhưng phút sau vọng tưởng khác lại nổi lên. Vọng tưởng nầy dừng thì vọng tưởng khác sinh khởi. Niệm đầu vừa biến mất, niệm sau liền tái diễn. Và trước khi niệm đầu hoàn toàn mất hẳn, thì niệm sau đã sinh khởi. Tâm bám víu vào thứ khác không bao giờ dừng.
*
Điều quý vị cần phải làm là gom giữ tâm ý mình lại. Đưa tâm về lại một chỗ. Lý do lớn nhất mà chúng ta chưa thành Phật, không được giác ngộ, chưa được chứng đạo, đó là chúng ta không chế ngự được tâm mình. Nếu quý vị gom mọi tâm niệm mình lại, thì chẳng có việc gì mà quý vị chẳng làm được. Quý vị sẽ thành tựu mọi điều
Thế nên Giới là mục đích để thu nhiếp tâm ý. Giới luật tạo sự chấm dứt cho mọi việc ác và ngăn ngừa cho sự phạm lỗi. Nhân giới phát định lực. Trì giới giống như làm cho ly nước đục lắng trong, cho đến khi bùn dơ lắng đọng xuống và nước trở nên trong sạch. Định có nghĩa là “chỉ–không đao động.” Và nhân định có trí huệ. Như bài kệ của Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đã nói: Định cực viên minh. Khi quý vị giác ngộ, Trong định, trí huệ chân chính sẽ phát sinh. Đó gọi là ba môn học vô lậu. Nhân giữ giới, từ giới sẽ có định. Nhờ có định mà trí huệ phát sinh.
Học Phật Cần Phải Tu Giới, Ðịnh, Huệ
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Thường dùng Giới Ðịnh Huệ để tự thức tỉnh, vì chúng giúp ích việc tu hành. Giới, Ðịnh, Huệ là việc học vô lậu, người tu hành cần phải có đầy đủ.
Giới tuy có năm giới, thập giới, Bồ-tát giới v.v… nhưng cơ bản nhất là Ngũ-giới: Không sát sanh, không ăn trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Trì giới thì không tạo tội.
Ðịnh là gì? Ðịnh tức là thiền định, nói rộng ra chút nữa có nghĩa là bất biến. Có kẻ tu hành đầy vọng tưởng. Hôm nay tu thiền, ngày mai nghe nói niệm Phật công đức to lớn, liền bỏ tham thiền mà niệm Phật. Sau vài ngày lại nghe nói trì chú là thù thắng bèn bỏ niệm Phật mà trì chú. Người như vậy, nay tu pháp môn này, mai tu pháp môn khác, kết quả chẳng tu thành cái gì.
Lại còn có kẻ niệm Phật, niệm Bồ-tát một ngày niệm, mười ngày nghỉ, hoặc ngày nay niệm ngày mai nghỉ, đó đều gọi là không có định lực. Ðịnh lực đối với người tu hành rất là quan trọng; không có định lực, tu đạo đương nhiên thất bại. Thiếu định lực thì đạo tâm chẳng kiên cố, dễ dàng bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối làm đọa lạc.
Tiếp đến là Huệ, tức là trí huệ. Làm người có kẻ thông minh, người ngu dốt. Vì sao có kẻ thông minh lại có người ngu độn? Ðấy là do nhân quả, nếu quá khứ tu hành niệm Phật thì đời nầy chắc chắn có được trí huệ; ngược lại chẳng trồng thiện căn thì trí huệ đương nhiên chẳng có. Trong Sách Ðại-học nói:
*
Ðịnh nhi hậu năng Tịnh,
Tịnh nhi hậu năng An,
An nhi hậu năng Lư,
Lư nhi hậu năng Ðắc.
Nghĩa là:
Có Ðịnh rồi mới Tịnh,
Có Tịnh rồi mới An,
Có An rồi mới Sáng,
Có Sáng rồi mới Ðược.
Do đó có Ðịnh mới sinh được Huệ. Nếu chẳng có Ðịnh, tạp niệm đầy dẫy, vọng tưởng lăng xăng thì làm sao có thể thấy suốt đúng, sai, rõ ràng chân lý được.
Giới nghĩa là quy luật giúp mình đề phòng phạm tội. Khi chưa phạm tội, mình cần tu Ðạo, bí quyết tu đạo là ở định lực. Có định lực thì sinh trí huệ, từ đó mới có thể liễu đạo thành Phật. Nên Giới, Ðịnh, Huệ là điều kiện tất yếu mà người tu Ðạo phải có. Không trì giới thì có thể tạo tội nghiệp, thiếu định lực thì tu Ðạo không thành, không trí huệ thì ngu si vô trí.
Tôi khuyên các vị hãy lấy “Giới Ðịnh Huệ” ba chữ này khắc sâu vào lòng, thường đem ra tự cảnh tỉnh. Tôi tin rằng đối với việc tu, chúng giúp ích mình lắm.
Không Tu Giới Định Thì Chẳng Sanh Trí Huệ
Không tu Giới mà muốn được Trí Huệ thì thật vô lý. Tu Giới thì lời nói phải đi đôi với việc làm, việc làm theo sát với lời nói, lúc nào cũng nghiêm giữ quy luật, không làm điều gì ra ngoài khuôn phép. Giới là sợi dây dọi, là cây thước đo của người xuất gia.
Tại sao có nhiều quy luật như vậy? Tại vì người tại gia không giữ quy củ, nên nếu xuất gia thì cần phải có pháp độ, quy tắc. Không giữ Giới thì đương nhiên sẽ không có được Ðịnh lực. Giới, Ðịnh không viên mãn thì tuyệt nhiên chẳng phát chân chính Trí Huệ. Nếu có thì cũng là một loại Thế Trí Biện Thông gọi là “tiểu thông minh,” chỉ khiến cho mình đi vào con đường khúc khuỷu, chật hẹp. Cái thông minh láu lỉnh đó không thể gọi là chân chính trí huệ; đối với Ðại Trí Huệ, thì đó chỉ là thứ thông minh xảo trá của loài quỷ!
Chẳng có mảy may hiểu biết sai lầm hay tà kiến thì mới là chân chính trí huệ. Nếu là người thật có trí huệ thì chuyện gì cũng không sợ bị thua thiệt, bất cứ chuyện gì chỉ nhìn qua là thấu suốt ngay.
Việc mà kẻ phàm phu không làm nổi chính là “đoạn dục, khử ái,” cắt đứt ái và dục. Tại sao họ không làm nổi? Là vì họ không có chân chính trí huệ nên bị vô minh, ngu si chi phối. Nếu mình có chân chính trí huệ thì mọi sự đều được giải quyết một cách tự nhiên, tốt đẹp.
Tam Vô Lậu Học Giới Định Huệ Không Phải Chuyện Tầm Thường
Để thực hành được Tam vô lậu học rất khó. Bởi trì giới phải tinh nghiêm thì mới sinh ra Định lực. Định lực sâu mầu thì Trí Huệ mới được khai mở. Đến được nấc thang này thì mới mong diệt được Phiền não phần Tế. Phiền não hết thì trí huệ bừng khai đắc tam thân, trí huệ, ngũ nhãn lục thông, cứu cánh viên mãn, cùng trí huệ Phật tương thông!
Giới vô lậu học.
Giới vô lậu học là trì giới ở mức độ tế và vi tế. Nghĩa là phải trì giới ở mức độ sâu mầu, tinh vi. Ví như giới không tà dâm chẳng hạn, ba mức độ sau đây là từ thô đến vi tế:
- Bạn sống thủy chung không ngoại tình, không gái gú mát xa, không thủ dâm, không đọc chuyện xem phim tà vạy, không nghĩ đến quan hệ nam nữ…Đây là giữ giới không tà dâm ở dạng thô.
- Bạn nếu lỡ có thấy cảnh hở hang hoặc người khác giới lõa thể đứng trước mặt mà tâm vẫn như như bất động, không khởi một niệm tà vạy… Đây là giữ giới không tà dâm ở dạng tế.
- Bạn ngay cả trong mơ cũng không có một niệm tà dâm thì gọi là giữ được giới ở mức vi tế.
Định vô lậu học.
Đinh vô lậu học phải được hiểu là Định lực hoặc Tam muội, chứ không phải là tầm thường đâu nhé. Người tu học nhập Định là kinh thiên động địa chứ chẳng phải tầm thường. Đây là một trạng thái sâu mầu, không thể dùng lời nói mà mô tả được.
Thường thì người Nhập Định nếu không vì nhân duyên phải xuất định thì có thể ở trong Định bao lâu tùy ý. Như tôn giả Ma Ha Ca Diếp chẳng hạn, hiện Ngài vẫn nhập Định tại núi Kê Túc Trung Quốc, chờ ngày đức Di Lặc hạ sanh thành Phật.
Huệ vô lậu học
Huệ vô lậu học là sự thấy biết sáng suốt được sinh ra bởi Định Lực. Đây là cảnh giới cao nhất của người học Phật trong tam vô lậu học “Giới, Định, Huệ”. Người tu học khi dụng công đến chỗ thuần thục, phá được Phiền hoặc thì trí Huệ tự khai mở. Thực ra thì Trí Huệ, vốn không phải là cái thấy biết thông thường, nên không thể dùng lời nói mà diễn tả được.
Tam Vô Lậu Học Giới Định Huệ: Lời Kết
Hòa Thượng Hư Vân bảo: “Bí yếu của Phật pháp nằm nơi ba pháp vô lậu học, tức giới định huệ. Trong ba pháp này, giới luật là nền tảng căn bản. Nhờ giới luật mà sanh định. Do định mà sanh huệ. Nếu trì giới thanh tịnh thì định huệ tự nhiên sẽ được viên thành.”
Tam vô lậu học khó thành tựu như thế đó! Vì vậy đối với người tu hành chân chính, cần làm chủ tâm mình, khiến tâm luôn bảo trì chánh niệm. Nếu tâm chạy lệch, phải kéo về chính niệm ngay. Nếu giữ được tâm không lăng xăng tà vạy, ắt là không tạo nghiệp.
Pháp môn tu hành tuy có vô số, nhưng chỉ cần làm chủ mình: Quản tâm không hướng ác, bảo trì chánh niệm thì tu pháp gì cũng đúng. Ngược lại, nếu chỉ chú trọng tu ngoài miệng mà tâm không tu. Nghĩa là tuy miệng có niệm Phật, trì chú, tụng kinh… mà không lưu ý điều tâm ly ác hướng thiện, bội trần hiệp giác, thì cho dù có tu pháp gì cũng vẫn là sai. Vì đây gọi là ngoài tâm cầu pháp, nên muốn thành tựu Tam vô lậu học thì không có lý đó.
( Tam vô lậu học giới định huệ là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa )
Tuệ Tâm 2021.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, đệ tử ngay việc giữ tâm 1 chỗ là không làm được rồi, ngày nào cũng vọng tưởng tràn ngập, chỉ có khi mình nghĩ sai – làm sai phạm giới (nhất là tạo khẩu nghiệp) – đệ tử sau đó tự biết nên sám hối …
Cảm ơn thầy
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm cũng y như bạn mà thôi, vọng tưởng tràn ngập, chưa từng cột được tâm một chỗ!