Trì Danh niệm Phật là pháp tu Tịnh Độ phổ thông nhứt hiện nay. Nhưng Trì Danh cũng được áp dụng với nhiều cách thức khác nhau tùy theo căn tánh của mỗi người. Người niệm Phật cầu vãng sanh cần biết: Có tổng cộng 10 cách trì danh niệm Phật.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Bản nguyện niệm Phật – Trọng yếu đường tu thời mạt pháp.
- Niệm Phật như thế nào để chắc chắn được vãng sanh.
- 10 Chuyện vãng sanh Cực lạc hay nhất.
- Niệm Phật A Di Đà được cảm ứng.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
Trong 10 cách này mức độ sâu cạn, thô tế khác nhau. Ta tùy theo căn tánh và sở thích của mình mà hành trì. Chỉ nhắc lại cùng bạn rằng, Tổ Ngẫu Ích dạy: “Ðược vãng sanh hay chăng toàn là do có tín nguyện hay không. Phẩm vị cao hay thấp toàn là do trì danh sâu hay cạn”. Do vậy Tín sâu và Nguyện thiết là quan trọng bậc nhất. Đừng lầm lạc nghe lời tà sư thuyết pháp rằng: “Phải niệm Phật được nhất tâm mới được vãng sanh”, mà tự gây chướng ngại, đoạn mất đường giải thoát của mình.
10 Cách Trì danh niệm Phật
1.Phản Văn Trì Danh
Phản văn trì danh niệm Phật là miệng vừa niệm, tai vừa nghe vào trong. Kiểm soát từng chữ từng câu cho rành rẽ rõ ràng hết câu này đến câu khác. Nghe có hai cách, hoặc dùng tai nghe, hoặc dùng tâm để nghe. Tuy nghe vào trong nhưng không trụ nơi đâu, lần lần quên hết trong ngoài. Cho đến quên cả thân tâm cảnh giới, thời gian không gian, chỉ còn một câu Phật hiệu.
Cách thức phản văn, khiến cho hành giả dễ gạn trừ vọng tưởng, mau được nhứt tâm. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Chân giáo thể phương này, thanh tịnh do nghe tiếng. Muốn chứng vào Tam Muội, nên như thế tu hành”. Chính là ý trên đây vậy.
2.Sổ Châu Trì Danh
Sổ Châu Trì Danh niệm Phật là cách thức miệng vừa niệm tay vừa lần chuỗi. Ban đầu ý niệm còn ràng buộc nơi tràng hạt, sau lần buông bỏ đi đến cảnh nhứt tâm.
Phương pháp sổ châu khiến cho niệm lực mạnh mẽ. Ví như người yếu chân đi núi, nhờ nương cây gậy mà tiến bước lên cao mãi. Niệm cách này lại cần phải ghi số mỗi thời hoặc mỗi ngày là bao nhiêu câu. Ghi số có điểm lợi là bắt buộc người tu phải giữ định số, trừ được bịnh biếng trễ. Tuy thế nhưng cần chú ý đừng quá tham mau tham nhiều mà niệm không được rành rẽ rõ ràng. Người xưa tuy niệm nhiều nhưng cũng ở trong sự rành rõ, do nhờ hai điểm là: Thuần thục và định tâm.
*
Ngẫu Ích đại sư vị Tổ thứ chín của Liên Tông, từng khai thị: “Muốn đi đến cảnh giới Nhất tâm bất loạn, không có cách chi kỳ diệu khác. Trước tiên hành giả cần phải lần chuỗi ghi số, niệm niệm rành rẽ rõ ràng. Mỗi ngày hoặc ba muôn, năm muôn, cho đến mười muôn câu. Giữ khóa trình quyết định chẳng thiếu, thề một đời không thay đổi. Niệm như thế lâu ngày lần lần thuần thục, không niệm vẫn tự niệm. Chừng ấy ghi số hay không ghi số cũng được.
Và niệm như thế kèm thêm tín nguyện tha thiết, mà không được vãng sanh, thì chư Phật ba đời đều mang lỗi nói dối. Khi đã vãng sanh, tất cả pháp môn đều được hiện tiền. Nếu ban sơ vì cầu cao tự ỷ, muốn tỏ ra không trước tướng. Muốn học theo lối viên dung tự tại, đó là tín nguyện chẳng bền sâu, hành trì không hết sức. Dù có giảng suốt mười hai phần giáo, giải ngộ một ngàn bảy trăm công án, cũng là việc ở bên bờ sanh tử mà thôi.”
Lời khuyên dạy này thật là cây kim chỉ nam cho người niệm Phật.
3.Tùy Tức Trì Danh
Tùy Tức Trì Danh là Niệm Phật thầm hay niệm se sẽ tiếng, nương theo hơi thở, mỗi hơi thở ra vào đều một câu Phật hiệu. Đó là ý nghĩa của Tùy tức Trì Danh niệm Phật.
Bởi mạng sống con người liên quan với hơi thở, nếu biết nương theo đây mà niệm, thì khi sống hằng không rời Phật. Lúc lâm chung tất hơi vừa tắt, liền về cảnh giới Liên Bang. Nhưng nên chú ý là phương thức này khi tập đã thuần thục, cần niệm ra tiếng, chớ không nên chỉ niệm thầm. Như thế niệm lực mới mạnh, ý nguyện cầu sanh dễ được phát khởi. Bằng không, ý niệm vãng sanh sẽ khó tha thiết và sợ e lại lạc vào công dụng Ngũ Đình Tâm Quán của Tiểu Thừa.
4.Truy Đảnh Trì Danh
Khi dùng cách này, nên niệm nho nhỏ tiếng. Mỗi chữ mỗi câu đều kế tiếp nhau liên tỏa chặt chẽ, thành hình thế chữ sau đuổi theo chữ trước. Câu nọ gối đầu câu kia nên gọi là Truy Đảnh trì danh niệm Phật.
Áp dụng phương thức như thế, nhờ sự kín đáo bền chặt, trung gian không xen hở, nên tạp niệm không có chỗ len vào. Dùng đến pháp này, thì tình ý khẩn trương, tâm miệng dũng tiến. Oai lực của chánh niệm bao trùm tất cả, khiến cho nghiệp tưởng vô minh tạm thời chìm lắng, ánh mầu Tam Muội bộc phát chiếu xa. Từ xưa người tu tịnh nghiệp trong lúc tình tưởng mênh mang rối loạn, thường dùng cách thức này.
5.Giác Chiếu Trì Danh
Giác Chiếu trì danh niệm Phật là một mặt niệm Phật, một mặt hồi quang soi trở lại chân tánh của mình. Do niệm như thế, hành giả sẽ đi vào cảnh giới hư linh siêu tuyệt. Chỉ còn cảm giác thân tâm của mình cùng chân tâm Phật ngưng đọng thành một khối, sáng tròn rỡ rỡ, đầy rộng mênh mang. Khi đó phòng nhà vật dùng thảy đều ẩn mất, cho đến thân giả tứ đại của ta cũng không biết rơi lạc vào chỗ nào.
Niệm theo đây thì báo thân chưa mãn đã chứng tịch quang, Phật hiệu vừa tuyên liền vào Tam Muội. Đem thân phàm phu mà dự vào cảnh thánh, thật không chi mau lẹ hơn phương pháp trên đây. Song chỉ tiếc, nếu chẳng phải bậc thượng thượng căn tất không thể lãnh hội thật hành, nên phần độ cơ của cách thức này vẫn còn sơ hẹp.
6.Lễ Bái Trì Danh
Phương thức này là vừa lạy vừa niệm Phật. Hoặc niệm một câu lạy một lạy. Hoặc một mặt niệm một mặt lạy, không luận câu Phật nhiều hay ít. Cách lễ Phật lại phải hết sức nhẹ nhàng chậm rãi, lễ niệm song hành, thân miệng hợp nhứt. Nếu thêm vào đó ý thành khẩn tha thiết, thì thành ra ba nghiệp đều tập trung, ngoài câu Phật hiệu không còn một tơ hào vọng niệm. Phương pháp này có sở năng phá trừ hôn trầm, công đức và hiệu lực rất to lớn. Tại sao thế? Bởi vì hành giả vận dụng cả ba nghiệp để trì niệm.
Cư sĩ Vương Nhật Hựu khi xưa từng áp dụng cách trên đây. Mỗi ngày đêm ông lễ niệm trung bình là một ngàn lạy. Nhưng dường như đây là lối niệm đặc biệt của hạng người tâm lực tinh tấn, thiếu khả năng ấy tất khó vững bền. Bởi lạy lâu thân thể mỏi nhọc dễ sanh chán nản. Cho nên thông thường, lễ bái trì danh niệm Phật này chỉ hợp kiêm dụng, khó bề chuyên dụng.
7.Ký Thập Trì Danh
Đây là cách niệm ký số, cứ lấy mỗi mười câu làm một đơn vị. Người hơi ngắn có thể niệm thành hai lượt, mỗi đoạn năm câu. Hoặc chia ra ba lượt, hai đoạn ba câu một đoạn bốn câu. Sau khi niệm đủ mười câu, đều lần qua một hạt chuỗi.
Niệm theo lối này, tâm đã niệm Phật, lại còn phải ghi nhớ số. Như thế dù không chuyên cũng bắt buộc phải chuyên, nếu không chuyên thì số mục liền sai lạc. Cho nên pháp này đại để là một phương tiện cưỡng bức cho hành giả chuyên tâm, rất có công hiệu với những kẻ nhiều tạp niệm. Ấn Quang đại sư thường khuyên các liên hữu áp dụng cách trì danh niệm Phật này.
8.Liên Hoa Trì Danh
Lấy bốn sắc hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng. Vừa niệm vừa tưởng, luân lưu chuyển tiếp, là danh nghĩa của lối niệm trên đây. Hành giả khi niệm câu Phật hiệu thứ nhứt, tưởng trước mặt mình hiện ra một đóa sen xanh to lớn phóng ánh sáng xanh. Câu thứ hai, tưởng hoa sen vàng phóng ánh sáng vàng. Cho đến câu thứ ba thứ tư, là hoa sen đỏ, trắng, màu nào phóng ánh sáng ấy. Kế tiếp tục tưởng lại hoa sen màu xanh, cứ như thế luân lưu mãi. Đồng thời khi hoa hiện, lại tưởng có hương sen thanh nhẹ phảng phất xung quanh.
Bởi có nhiều hành giả trong Liên Hoa Tông dùng mọi pháp thức vẫn khó ngăn được tạp niệm, nên cổ nhơn mới phát minh ra lối niệm này. Đây là cách dùng hình sắc thay đổi để buộc tâm tưởng cho chuyên nhất. Lại hình sắc này lại lấy tướng hoa sen nơi ao thất bảo ở cõi Cực Lạc: “Một câu Di Đà, một đóa bảo liên”. Bởi hoa sen Tịnh Độ hiện thành không rời hoa sen công đức của tâm niệm Phật. Và khi mạng chung, thần thức của hành giả sẽ nương hoa sen báu ấy mà sanh về Cực Lạc. Chư liên hữu nếu thấy có duyên với phương thức trì danh niệm Phật này, nên áp dụng để mau đi vào Niệm Phật Diệu Liên Hoa Tam Muội.
9.Quang Trung Trì Danh
Vì có hành giả khi nhắm mắt niệm Phật, thường bất chợt thấy những hình tướng ô uế; Hoặc thấy màu sắc đen tối xao động nổi lên, nên cổ đức mới truyền dạy cho cách thức này.
Đây phương pháp vừa niệm Phật, vừa tưởng mình đang ngồi giữa vùng ánh sáng trong suốt to rộng. Khi tâm đã an định trong vùng quang minh ấy, hành giả cảm thấy thần trí sáng suốt mát mẻ. Không những tạp tưởng trừ dứt, mà các tướng uế ác cũng tiêu tan. Rồi chánh niệm do đó được bền lâu, và Tam Muội cũng do đó lần lần thành tựu. Đây tuy là phương tiện đặc biệt chuyên trừ tướng uế ác. Tuy vậy dù không có nghiệp bịnh ấy, nếu muốn tinh thần thơi thới để đi sâu vào Niệm Phật Tam Muội, hành giả cũng nên áp dụng cách trì danh niệm Phật này.
10.Quán Phật Trì Danh
Pháp quán tưởng trong Quán Kinh rất trọng yếu, công đức cực to rộng. Tuy vậy lại chưa phải là phương tiện phổ thông cho chúng sanh thời mạt pháp hành trì. Nhưng vì không muốn bỏ công đức đặc biệt của quán pháp, nên cổ nhơn đã thể dụng trong mười sáu phép quán: Lựa cách thức dễ tu tập nhứt, lấy trì danh làm chánh, quán Phật làm phụ. Gọi là Quán Phật Trì Danh.
Hành giả mỗi ngày sau khi niệm Phật, lại để riêng một thời tịnh tâm quán tưởng sắc tướng quanh minh của Phật A Di Đà. Cách quán Phật này rút lựa phép quán thứ mười ba trong Quán Kinh: Tưởng đức A Di Đà thân cao một trượng sáu, sắc vàng ròng, đứng bên bờ ao thất bảo.
Nếu chưa quán tưởng được ao thất bảo, hành giả có thể tưởng đức Phật đứng trong vùng ánh sáng giữa hư không trước mắt mình, tay trái đưa ngang ngực bắt ấn kiết tường, tay mặt buông sè xuống theo thế tiếp dẫn.
*
Muốn quán Phật cho thành tựu, trước tiên nên quán đại khái toàn thân, kế chỉ chuyên tâm quán tướng lông trắng giữa đôi mày. Tướng bạch hào này rỗng không trong suốt như bạch ngọc, có tám cạnh, xoay về bên hữu cao thành năm vòng. Bạch hào là tướng căn bản trong ba mươi hai tướng, khi tướng này quán thành, do sự cơ cảm, các tướng kia đều lần lượt hiện rõ. Tuy nhiên, muốn được phần chắc chắn hành giả cũng nên duyệt xem trong kinh, để ghi nhớ rõ ba mươi hai tướng tốt của Phật trước khi dụng công.
Phương pháp trên đây sở dĩ để Trì Danh vào phần chánh, vì nếu quán tưởng không thành vẫn còn phần Trì Danh để bảo đảm cho sự vãng sanh. Nhưng thật ra, Trì Danh cũng giúp quán tưởng, quán tưởng lại phụ dực cho Trì Danh, hai phần này hổ tương đưa hành giả đến chỗ song song thành tựu. Pháp thức trì danh niệm Phật này tuy có phần khó hơn các lối trên. Song nếu thành tựu thì công đức to rộng vô biên, nên xin đưa ra sau cùng để làm duyên khuyến tấn.
Trì danh niệm Phật – Lời kết
Như trên đã lược trình mười lối Trì Danh niệm Phật, cũng là mười phương pháp cốt yếu để đối trị tâm bịnh của người niệm Phật. Trong các sách Tịnh Độ, có đưa ra đến mấy mươi cách như: Cao Thanh Trì Danh, Đê Thanh Trì Danh, Mang Trung Trì Danh, Nhàn Trung Trì Danh, v.v…, Nhưng đó chỉ là những lối niệm cao tiếng, thấp tiếng, khi gấp, khi huỡn, chưa có thể gọi là một phương pháp niệm Phật.
Vì thế, bút giả đã chọn lọc lại rút ra mười cách thức căn bản, khả dĩ gọi là “phương pháp”, để đối trị mối chướng hôn trầm tán loạn, và có thể thông dụng cho một phần lớn căn tánh hiện thời. Trong mười pháp thức trên, các liên hữu có thể thí nghiệm qua, và sau cùng áp dụng một lối niệm nào mà mình thích hợp nhứt.
(10 Cách trì danh niệm Phật – Theo Niệm Phật Thập Yếu)
Tuệ Tâm 2021.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, đệ tử theo phương pháp lễ bái trì danh đã 03 năm. Ban đầu mỗi ngày đệ tử chỉ lễ bái trì danh khoảng 100 lạy, nếu mệt thì lễ bái ít hơn, hiện giờ đệ tử lễ bái trì danh hơn 200 lạy, tùy theo sức của mình…. Đệ tử cảm nhận nghiệp chướng của mình đã từ nặng chuyển thành nhẹ, an nhẫn đều vượt qua.
Thưa thầy, phương pháp lễ bái trì danh vô cùng tốt, tùy theo sức của mình mà lễ phật, do vậy sẽ không có chướng ngại…
Cảm ân thầy
Nam mô A Di Đà Phật