Người niệm Phật nhiều mà người được vãng sanh lại ít, là do cách niệm Phật thiên về Tự lực, tạp hạnh, tạp tu. Tổ Thiện Đạo, là hóa thân của đức Phật A Di Đà, dạy: “Nếu bỏ tạp hạnh, mà chuyên một câu sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật, nương hoàn toàn vào tha lực của Phật A Di Đà, thì vạn người tu, vạn người được vãng sanh”.
Pháp niệm Phật vô cùng thân thiết với người tại gia. Do người tại gia thân vướng lưới thế gian, cuộc sống nhiều bận buộc, không thể buông bỏ hết mọi thứ để tu hành được. Lại niệm Phật rất đơn giản, ai cũng niệm được, ở đâu cũng niệm được. Không phân biệt già trẻ, gái trai, không phân biệt sang hèn. Không phân biệt tịnh hay bất tịnh, giữ giới hay không giữ giới…Không phân biệt bạn đã Quy Y hay chưa, cứ niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật là thuận theo bản nguyện của Phật. Chắc chắn được vãng sanh!
- Hướng dẫn cách tu Tịnh Độ tại gia.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Từ bi là gì.
- Âm đức là gì.
- 10 chuyện Tâm linh có thật.
- 10 điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.

Cách niệm Phật tại nhà
Dù Phật A Di Đà cứu độ không có điều kiện, nhưng người sơ cơ vẫn nên cố định thời khóa niệm Phật. Sớm khi mới dậy và tối trước khi ngủ, tối thiểu nên từ 15 phút. Dù nhà bạn có bàn thờ Phật hay không cũng không ảnh hưởng gì đến việc niệm Phật của bạn. Bất cứ thời điểm nào, ở đâu, đi đứng, nằm ngồi…đều niệm Phật được. Lại nên thường nhớ niệm Phật để có pháp hỷ, mọi việc ổn định và thuận lợi.
Tín tâm càng tăng trưởng sâu tất sẽ niệm Phật nhiều. Còn niệm ít tất sẽ buông lung theo tập khí phiền não, lâu dần quên mất câu niệm Phật. Ta cứ gắng từng chút một, sau một thời gian tất sẽ tạo thành thói quen. Phàm phu chúng ta quen nhất là gì? Chính là ngũ dục phiền não. Xa lạ nhất là gì? Chính là niệm Phật. Vậy nên chúng ta cố gắng làm mờ nhạt cái quen nhất là ngũ dục, thường xuyên niệm Phật, hình thành thói quen, đây chính là ” từ chỗ quen thành lạ, từ chỗ lạ chuyển thành quen”.
Bí quyết là đừng vội vàng, đừng mong cầu nhất tâm. Đừng cầu thần thông hay phát hiện các cảnh giới. Cứ an nhiên niệm Phật, mọi thứ sẽ không mong cầu mà tự được. Niệm Phật quan trọng nhất nơi chí tâm chứ không phải nơi số lượng nhiều hay ít. Bởi mục đích trọng yếu của chúng ta khi niệm Phật là vãng sanh chứ không vì điều gì khác. Xin khắc cốt ghi tâm điều này!
*
Sáng sớm tĩnh tọa có thể nhanh chóng chuyển hóa tinh thần, tính tình và thân thể của chúng ta. Bởi sáng sớm là lúc tâm linh bình hòa yên tĩnh nhất. Lúc này tịnh tọa niệm Phật có thể nói như “trăng soi đầm lạnh”. Đầm lạnh trong suốt thấy đáy. Khi ánh trăng lộ diện, bóng trăng với nước, nước với bóng trăng, hầu như nhất thể không lìa. Cái tâm yên tĩnh của buổi sáng sớm, từng câu từng câu mà niệm Phật. Thì nghiệp chướng nhanh tiêu trừ, phước đức nhanh tăng trưởng. Nhất là khi trong từng câu Phật hiệu không xen tạp niệm, trong lòng sẽ cảm thấy an tường tịch tĩnh.
Ngoại trừ lúc ngủ hoặc động não, thời gian còn lại ta đều có thể niệm Phật. Niệm nhiều, niệm ít do hoàn cảnh mỗi người không giống nhau. Khi niệm Phật tâm tịnh hay không tịnh, mỗi người cũng có muôn vàn sai khác. Nhưng bạn chớ lo, điều này chẳng ảnh hưởng gì đến việc cứu độ bình đẳng của Phật A Di Đà. Khi vãng sanh rồi đều ở cùng một cảnh giới, không phân biệt cao thấp.
Các cách niệm Phật
Chỉ niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật: Bất kể hoàn cảnh, bất kể thời gian, xa, gần. Cứ niệm niệm bất xả, đó chính là Chánh Định Nghiệp. Thuận theo Bản Nguyện Niệm Phật vãng sanh của đức Phật A Di Đà.
Cách niệm Phật để tâm nhanh chuyên nhất là khi niệm Phật, nên nhiếp tâm lắng nghe. Tức dùng tai lắng nghe câu niệm Phật của chính mình. Bất luận là bạn niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng, kim cang trì hay mặc niệm. Cũng đều dùng tai lắng nghe, đây gọi là một vòng tuần hoàn: “Niệm tùng tâm khởi, thanh tùng khẩu xuất, âm tùng nhĩ nhập”. Bởi chuyên chú vào âm thanh câu Phật hiệu của chính mình, nên tất cả âm thanh xung quanh, ta không còn để ý. Nếu bạn dùng cách niệm Phật này, dù thời gian niệm có ngắn, nhưng do chí tâm nên công đức là vô lượng.
Chúng ta là phàm phu, vọng tưởng ai cũng có, nên không cần phải lo lắng. Bởi nó chẳng liên quan gì đến việc vãng sanh của ta cả. Cách niệm phật để đối trị vọng tưởng thì “chí thành cung kính đứng đầu”. Chỉ cần thành khẩn thì tâm sẽ nhanh chuyên nhất. Giống như khi con chúng ta gặp nạn, chúng ta khẩn cầu thần thánh hoặc Bồ Tát sẽ rất chí thành, tâm tuyệt nhiên không lăng xăng nghĩ Đông tưởng Tây. Chúng ta niệm Phật với tâm trạng như thế một thời gian, vọng niệm tự hết.
Cách niệm Phật Thập niệm ký số
Trong khi niệm Phật, nếu có thể từng câu từng chữ phân minh, không có tạp niệm. Thì sẽ thể hội được tâm cảnh an tường và tịch tĩnh, khí chất dần dần thay đổi. Nếu lúc niệm Phật mà vọng tưởng tạp niệm còn nhiều, ta có thể thể dùng cách niệm Phật thập niệm ký số của Tổ Ấn Quang. 3-3-4 cũng được, 5- 5 cũng được, một hơi niệm 10 câu cũng được. Tuy không thể hoàn toàn không còn vọng tưởng nhưng vọng tưởng sẽ ít hơn, vi tế hơn.
Thập niệm ký số là bất luận chúng ta niệm lớn, nhỏ, kim cang trì hay mặc niệm. Đều lấy 10 câu Nam mô A Di Đà Phật làm một đơn vị. Ta niệm câu thứ nhất, biết là câu thứ nhất. Niệm câu thứ hai, biết là câu thứ hai. Niệm câu thứ ba biết là câu thứ ba, cho đến câu thứ mười. Từng câu, từng câu rõ ràng như thế. Niệm đến câu thứ mười thì bắt đầu lại từ câu thứ nhất, đây gọi là cách niệm phật thập niệm ký số.
Khi còn thức chúng ta niệm Phật cách nào cũng được, cứ nhớ ra là niệm. Nhưng khi nằm hoặc ở nơi bất tịnh( như nhà cầu..) thì chỉ nên niệm thầm. Khi nằm nếu niệm ra tiếng thì bất kính, lại dễ bị tổn khí. Lâu ngày thành bệnh, điều này chẳng thể không biết. Đây là cách niệm Phật khi nằm ngủ và ở nơi bất tịnh của Tổ Ấn Quang.
Cách niệm Phật khi làm việc
Khi cuộc sống còn phải mưu sinh, chúng ta cần mang niệm Phật vào trong cuộc sống hàng ngày. Khiến niệm Phật thành cuộc sống, cuộc sống là niệm Phật. Như Tổ Thiện Đạo từng nói: “Đi đứng nằm ngồi, niệm niệm bất xả”. Bất kỳ là ta ở đâu, thời gian nào, làm chuyện gì đều có thể niệm Phật được. Chỉ cần bất cứ lúc nào nhớ ra, chúng ta niệm Phật ngay. Lâu ngày thành thói quen, câu Phật hiệu huân tập sâu nơi Tạng thức. Ta sẽ luôn nhớ niệm Phật không quên.
Khi rảnh rỗi, không có làm gì, ta nên chuyên tâm niệm Phật. Hoặc một giờ, hoặc 30 phút hoặc niệm một ngàn, hai ngàn câu, bao nhiêu cũng được. Đây gọi là chuyên tâm niệm Phật. Riêng về tán tâm niệm Phật. Bởi vì ta còn có công việc. Mắt, tai phải đối mặt với âm thanh sắc tướng, cho nên không phải chuyên. Tuy không chuyên nhưng không trở ngại chúng ta niệm Phật.
Cách niệm Phật như thế nào: Chúng ta vừa làm việc vừa nhép miệng niệm Phật. Như thế thì đi, đứng, ngồi, nằm, dù thời gian nào, ở đâu, ta đều niệm Phật được. Cách niệm Phật này khiến Phật A Di Đà với chúng ta thường kết hợp làm một. Bởi vì A Di Đà nhớ niệm chúng sanh, chúng sanh nhớ niệm A Di Đà. Thì Di Đà với chúng sanh, chúng sanh với Di Đà, nhất thể không xa.
Cứ an nhiên mà niệm Phật
Pháp môn niệm Phật là đạo an lạc, nên cần ăn thì ăn, cần ngủ thì ngủ. Cần làm việc thì cứ làm việc, thời gian còn lại luôn niệm không rời. Cho nên, niệm Phật là một trạng thái thảnh thơi, an nhiên tự tại. Không nên cưỡng cầu hoặc cố gắng quá mức. Đừng yêu cầu bản thân quá mức, nếu không, không những thân tâm không an lạc, mà ngược lại còn tệ hại hơn.
Sai lầm lớn nhất của người niệm Phật là luôn tự tạo chướng ngại cho mình, ví như: Làm thế nào để niệm Phật được nhất tâm? Phải niệm Phật thế nào để được tịch tĩnh? Phải làm thế nào để niệm Phật được tinh tấn?….Vì tự chướng ngại nên tâm sanh khổ não, nên hết sức cẩn trọng! Bạn cần biết rằng người niệm Phật thuận theo Bản nguyện là “Bình Sanh nghiệp thành”. Nghĩa là hiện ta đang sống nhưng nghiệp vãng sanh là thành, chắc chắn là vãng sanh rồi, ở trong thuyền đại nguyện của Phật A Di Đà rồi. Đã được cứu vớt rồi, thì có chi mà phải sanh phiền não?
Cách niệm Phật kim cang trì
Kim cang trì được chư Tổ sư coi trọng. Bởi cách niệm Phật này tương đối miên mật, không mất nhiều sức mà niệm được lâu dài. Bởi khi niệm lớn dễ bị khan tiếng, còn mặc niệm dễ sanh vọng tưởng tạp niệm. Nguyên nhân là chúng ta đã quá quen thuộc với tạp niệm phiền não, mà không quen nhất là niệm Phật! Khi tâm chúng ta khởi niệm, miệng sẽ khởi nhép niệm theo tâm. Nếu miệng không động, chỉ mặc niệm thì nhanh bị hôn trầm, sẽ dễ sanh vọng tưởng tạp niệm.
Kim cang trì chỉ là nhép miệng niệm, không mệt, không tổn khí. Lại không có khuyết điểm hôn trầm của mặc niệm. Thói quen của phàm phu chúng ta chính là vọng tưởng tạp niệm sanh khởi không dứt. Vọng tưởng tạp niệm này không cần học mà tự có. Khi sanh ra đã có rồi, rất kiên cố và cực khó phá vỡ. Ta hay ảo tưởng tâm mình đang thầm niệm Phật, nhưng thực sự là rất ít khi có được điều này. Đa phần nó lăng xăng đủ thứ trên đời, đó gọi là rơi vào vọng tưởng tạp niệm một cách tự nhiên.
Cho nên cần phải động môi niệm Phật, lấy động môi để nhiếp giữ cái tâm lăng xăng của ta. Vậy nên thường ngày nên tập thói quen động môi niệm. Khi đi đường, khi làm việc, khi ở nhà cũng vậy…đều phải động môi niệm Phật. Dùng cách niệm Phật này lâu ngày, niệm Phật sẽ thành thói quen.
Cần hiểu đúng về niệm Phật
Chỉ cần chúng ta chuyên nhất niệm Phật, niệm nhiều hay ít đều là công đức vô thượng. Thế nào gọi là niệm nhiều niệm ít? Căn cơ của mỗi người không giống nhau. Người nhiều thời gian thì niệm nhiều hơn người ít thời gian, nhưng có khi ngược lại. Nhưng có khi người ít thời gian lại tinh tấn niệm Phật hơn. Dù vậy, về mặt công đức đều như nhau cả.
Bởi vì công đức có được ở đây không phải là do công phu của ta, mà là công đức vô lậu của đức Phật A Di Đà ban cho ta. Cũng giống như “Ngọc Như Ý”, bạn có một viên hay một triệu viên công dụng vốn cũng chẳng khác chi nhau. Bởi chỉ cần một viên thôi, bạn muốn gì mà chẳng được.
Tự lực niệm Phật rất khó vãng sanh
Chúng ta thường nghe: “Người niệm Phật thì nhiều mà người được vãng sanh thì ít”, tại sao lại như thế? Bởi vì người niệm Phật rơi vào Tự lực niệm Phật nên rất khó vãng sanh. Lịch đại Tổ sư đều dạy người niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật. Chứ không dạy người niệm bốn chữ A Di Đà Phật, chính là bởi lý do này. Người niệm bốn chữ do cầu nhất tâm nên đa phần rơi vào tự lực, rất khó vãng sanh. Điều này chẳng thể không biết!
Vậy thế nào là tự lực niệm Phật? Tự lực niệm Phật là xem câu Nam mô A Di Đà Phật và tất cả các việc thiện khác đồng quan trọng như nhau. Cho rằng câu Nam mô A Di Đà Phật này công đức ngang bằng các thiện nghiệp: Đi hành hương, tụng kinh, bái sám, bố thí, trì giới, tinh tấn, thiền định…Dùng quan niệm này niệm Phật đồng thời kiêm thêm làm các việc thiện, sau đó hồi hướng về thế giới Cực Lạc.
*
Do không hiểu rõ Phật hiệu là vạn đức hồng danh, mà cào bằng giá trị của Phật hiệu với các công đức khác. Trong lòng mang trạng thái tâm lý này, vừa niệm Phật vừa tu các công đức khác để hồi hướng. Đây gọi là tự lực niệm Phật! Trên cơ sở này, họ cho rằng phải niệm Phật đến công phu thành phiến, phải niệm đến hàng phục vọng tưởng. Nếu không có “lý nhất tâm bất loạn”, cũng phải đạt được “sự nhất tâm bất loạn”. Không có “phá tư hoặc” cũng phải “đoạn kiến hoặc”. Nếu không thì cũng phải “công phu thanh phiến” hoặc “thức ngủ nhất như”. Có được cái công phu này, lâm chung có thể dễ dàng chánh niệm hiện tiền, đảm bảo vãng sanh.
Vâng, niệm Phật đến cảnh giới này duy chỉ có bậc Tổ Sư, giới hạnh cực tinh nghiêm mới làm nổi. Phàm phu chúng ta cửa gì mà mong được vãng sanh? Nếu phải như thế mới được vãng sanh thì thế gian này đếm được mấy người! Cõi Cực Lạc Tịnh Độ mênh mông xinh đẹp chắc chỉ có mình Phật A Di Đà cô độc ở đó thôi sao?!
Vậy cách niệm Phật thế nào để chắc chắn được vãng sanh? Câu trả lời là Tha lực niệm Phật!
Tha lực niệm Phật
Phàm phu chúng ta dùng tâm tạp loạn niệm Phật, có ảnh hưởng đến vãng sanh hay không? Không ảnh hưởng, một chút cũng không có! Chúng ta vốn dĩ đều là phàm phu. Phàm phu nghĩa là tâm tràn đầy tham sân si, mạn nghi. Cũng chính là vọng tưởng tạp niệm đầy rẫy, đây là bản chất của chúng ta. Nếu không phải như vậy, chúng ta đã không sanh vào cõi nhân gian đầy uế trược này!
Từ lúc mới chào đời tu hành, cho đến một trăm tuổi, tham sân si vẫn đầy rẫy. Vọng tưởng tạp niệm vẫn y nguyên không khác. Cho nên phước thế gian lẫn phước xuất thế gian, về cơ bản, chúng ta chẳng có phần mà mong mỏi.
Cho nên chúng ta dùng tham sân si, vọng tưởng tạp niệm để niệm Phật. Trong nỗi một niệm tuy không thanh tịnh nhưng không chướng ngại vãng sanh. Bởi sự cứu độ của Phật A Di Đà là hoàn toàn vô điều kiện. Ngài có yêu cầu bạn phải niệm Phật tới nhất tâm để được vãng sanh không? Không! Ngài có yêu cầu bạn phải tu thêm lục độ vạn hạnh hồi hướng Tây Phương để được vãng sanh không? Không! Ngài có bắt buộc bạn phải tụng thêm vài ngàn quyển Kinh để được vãng sanh không? Không!
Được vãng sanh Cực Lạc vô cùng đơn giản
Để được vãng sanh, Ngài chỉ yêu cầu ở bạn một điều vừa đơn giản vừa bình dị: ” Niệm danh hiệu ta cho đến mười niệm, nếu chẳng vãng sanh, ta thề không ở ngôi chánh giác”. Nghĩa là: “Trên thì trọn đời, dưới đến mười niệm”. Bạn niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật thì chắc chắn được vãng sanh. Tại vì sao, vì đức Phật không bao giờ nói dối, không bao giờ nguyện dối!
Giản đơn như thế, từ bi đến thế, nhưng nhiều người cố tình không hiểu, cứ bày vẽ lý luận cao siêu, trước thuật rườm rà. Khiến nhiều kẻ sơ cơ khởi tạp tu tạp hạnh, rồi khởi nghi tâm mà tự chướng ngại đường về, thật quá đỗi xót xa!
Cách niệm Phật tại nhà: Lời kết
Khi chúng ta nương hoàn toàn vào tha lực nhiếp hộ của Phật A Di Đà rồi thì: Khi niệm Phật chỉ nên chuyên niêm Phật, không cần phải quán tưởng Tượng Phật. Không cần phải quán tưởng Hoa sen, hoặc quán tưởng Quang minh Phật. Cũng không cần tư duy về công đức của Phật, tất cả đều không cần.
Chúng ta quy mạng Phật A Di Đà rồi thì mạng sống của chúng ta và mạng sống của Phật A Di Đà là “cơ pháp một thể”. Chúng sanh và Phật không rời nhau! Dùng cách niệm Phật nương hoàn toàn vào tha lực của Phật A Di Đà này, vạn người tu vạn người được vãng sanh!
File niệm Phật dành cho người chuyên tu niệm theo
Bạn đọc thân mến!
Bạn hãy niệm Phật theo file niệm Phật được chúng tôi chia sẻ dưới đây. Đây là file niệm Phật mà chúng tôi sử dụng để niệm theo hằng ngày. Niệm theo rất dễ, nhiếp tâm cũng rất dễ. Chỉ cần kiên trì niệm theo một thời gian, bạn sẽ cảm được lực gia trì của Tam Bảo, nghiệp chướng nhanh chóng được tiêu trừ, khiến tâm ta sẽ nhẹ nhàng, an tịnh. Duy chỉ có điều, trường năng lượng của file này rất mạnh, nếu người không đủ nhân duyên Tịnh Độ sẽ không thể nào chịu nổi.
Trong file là Sư Thầy niệm cùng đại chúng. Bạn chỉ cần niệm theo giọng đại chúng(giọng nữ) là được. Mong bạn tin tấn trì niệm hằng ngày.
Nam mô A Di Đà Phật!
**
( Cách niệm Phật tại nhà – Theo Pháp sư Huệ Tịnh giảng về niệm Phật )
Tuệ Tâm 2020.
Nguyễn Thị Trang viết
Nam mô a di đà phật
HOANG VAN viết
Nam Mo A Di Da Phat!
Cau xin cac Thien Tri Thuc chi day: Toi moi hoc Phat va khong co di Chua, va chi Nien Phat ö nha, khong biet “Nghi Thức Niệm Phật”. Cau Xin cac Quy Thay, cac Thien Tri Thuc giup dö. Hien nay toi dang song ö Thuy Dien, cung moi biet toi Phat Phap, va thuong xuyen nghe Phap cua Ấn Quang Pháp Sư. Do kien thuc ve Phat Phap con sö cö, khong hieu nhieu. Chi hang ngay Niem Phat. Nhung Nghi lễ khong thong hieu, va toi da 58 tuoi roi, va nhieu benh tat.
Mong cac Thien Tri Thuc chi day ve Nghi Lễ
Xin Đánh Lễ da ta, va Cám Ön
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tổ Ấn Quang là hóa thân của đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Suốt một đời Ngài chỉ hoằng dương Tịnh Độ, khuyên người Chân Thật niệm Phật cầu Vãng Sanh Cực Lạc. Theo Tổ thì Yếu quyết để chắc chắn được vãng sanh không có chi đặc biệt, chỉ cần: “Tin sâu, Nguyện thiết, trì danh hiệu Phật. Từ lúc phát tâm cho đến cuối đời, nếu chỉ chuyên tu niệm Phật, không tạp tu thêm tụng kinh hoặc trì chú, là chắc chắc được vãng sanh”.
Về đi Chùa thì nhiều người đến Chùa hoặc làm công quả, hoặc sắm chút lễ rồi cầu xin đủ thứ…cũng tốt thôi, nhưng học Phật không phải như thế! Bạn hằng ngày niệm Phật và nghe pháp của Ngài là Thiện căn rất sâu, rất hiếm! Nếu điều kiện thuận tiện thì tháng đôi lần đến Chùa lễ Phật, nếu chẳng thuận tiện thì cứ sống và niệm Phật hằng ngày là tốt nhất.
Về cách niệm Phật thì trong bài đã viết rất rõ rồi, Tuệ Tâm không nhắc lại nữa.
Về Nghi thức niệm Phật thì bạn xem ở đây: “Nghi Thức Niệm Phật”. Nghi thức niệm Phật này rất đơn giản nhưng lực cảm ứng vô cùng mạnh mẽ, đại khái thì không thể dùng lời mà diễn tả được. Trong tất cả các pháp hội, từ cầu siêu, cầu siêu thai nhi…cho đến độ vong linh nơi các nghĩa trang, Thầy của Tuệ Tâm cũng chỉ dùng một Nghi này mà thôi. Nghi thức niệm Phật này, nếu bạn thực hiện, thì tốt nhất là ngày 2 lần: Sáng sớm lúc mới thức dậy và Tối trước khi đi ngủ. Nếu nhà có bàn thờ Phật thì tốt, nếu không có thì quay mặt hướng Tây mà tụng niệm là được.
Về bệnh tật thì nếu bạn có thể phát nguyện trường chay và niệm Phật, Tuệ Tâm dám đảm bảo một thời gian sau, không bệnh gì chẳng khỏi.
Vài lời ngu muội, mong bạn sớm được an vui.
Nam mô A Di Đà Phật!
Diệu Âm viết
Nam Mô A Di Đà Phật🙏🙏🙏
Anh viết
Cho con thắc mắc là điều hoà hơi thở và tiếng niệm phật như thế nào ạ? Con bị rối ở chỗ này ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cái bạn đang hỏi đấy gọi là “Sổ Tức Niệm Phật”. Nghĩa là niệm Phật miên mật theo hơi thở: Hít vào niệm 1 câu, thở ra niệm 1 câu. Pháp này dành cho bậc thượng căn hoặc những người đã tu lâu năm, giữ giới hạnh và có chút định lực mới kham được. Còn lại thì phàm phu bọn ta không cưỡng cầu mà tập được đâu, chướng ngại phát sanh liền. Mong bạn buông hết mong cầu ra mà an nhiên niệm Phật, đó mới là Chánh hạnh niệm Phật. Bạn tham khảo thêm bài: Niệm Phật Tông Yếu của Pháp Nhiên Thượng Nhân.
Nam mô A Di Đà Phật.
Tâm viết
Cho mình hỏi khi ăn hành, tỏi có nên niệm Phật không?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn nếu niệm Phật chỉ với một tâm nguyện vãng sanh Cực lạc thì ăn hành tỏi vẫn niệm được. Bởi người niệm Phật quan trọng nhất ở tâm cầu vãng sanh khẩn thiết chớ không phải ở nơi hình tướng tịnh hay bất tịnh. Tuy nhiên về lâu dài thì bạn không nên ăn. Tại sao thế? Bởi hành tỏi là 2 thứ trong Ngũ vị tân, nó chướng ngại ghê gớm đến việc tu trì, lại bởi nó chiêu cảm loài Ngạ quỷ rất mạnh nên người học Phật chân chính nên tránh dùng. Nếu bạn biết tác hại của hành tỏi ắt chẳng dám đụng đến nữa đâu. Bạn tham khảo thêm ở đây để biết thêm nhé: Ngũ vị tân là gì.
Huy viết
Nếu có thể niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn thì cơ hội vãng sinh sẽ cao, còn niệm mà tâm tạp thì cơ hội không cao.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm mỗi lần biết có người chịu niệm Phật là khởi tâm vui mừng, vì biết ít nhất người ấy cũng gieo được nhân giải thoát về sau. Mỗi lần nghe có người phát tâm niệm đến “nhất tâm bất loạn” cũng vui mừng, vì biết đó ắt là bậc có Đại Hùng Tâm, tâm độ sanh khẩn thiết, vì pháp giới chúng sanh tội khổ mà phát nguyện. Thế nhưng mỗi lần lần nghe có người chấp chết cứng vào câu nói: “Nếu có thể niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn thì cơ hội vãng sinh sẽ cao, còn niệm mà tâm tạp thì cơ hội không cao.” thì lòng lại buồn rười rượi! Tại sao thế? Bởi chư Tổ dạy: “Đa phần người chấp chết cứng vào câu này đều do hiểu sai về bi tâm của chư Phật mà tự chướng ngại đường vãng sanh của mình“.
Vãng sanh rất dễ, cứ buông bỏ hết tâm mong cầu mà niệm sáu chữ hồng danh, nương vào Phật lực, không ai chẳng được vãng sanh. Còn nếu cứ một lòng cầu nhất tâm, lúc lâm chung thường khởi suy nghĩ rằng: Mình niệm Phật chưa được nhất tâm, không biết Phật có đón mình không, không biết có được vãng sanh không? Một niệm nghi nan khởi lên trong lúc cận tử nghiệp ấy, biến thành ngàn vạn núi Tu Di, bít chặt lối về Tây Phương Tịnh Độ! Chư Tổ Sư cũng ra rả nói về vấn đề này, tiếc thay ít người tìm đọc. Người có duyên đọc được chăng nữa cũng chẳng tin, chẳng nhận. Vì sao thế? Vì nghiệp chướng quá sâu nặng nên bị ngăn che vậy! Kiếp này niệm Phật công đức lớn mà chẳng được vãng sanh thì vô cùng nguy hiểm. Bởi công đức lớn mà không được vãng sanh ắt kiếp sau hưởng phước nhân thiên. Mà đã hưởng phước lớn mấy ai chịu học đạo? Không học đạo ắt chẳng ác nào mà không làm, kết cục đều lấy Địa ngục làm nhà…Thế chẳng phải là đáng thương xót lắm sao?
Xin trích dẫn đôi lời của Tổ Thiền Tâm để bạn đọc cùng phân biệt.” Tổ Ngẫu Ích bảo: “”Được vãng sanh cùng chăng toàn do Tín, Nguyện có hay không, phẩm vị thấp cao, đều bởi hành trì sâu hoặc cạn.” Ngài lại bảo: “Nếu không Tín, Nguyện, dù trì niệm câu hồng danh cho đến gió thổi không vào, mưa sa chẳng lọt, vững chắc như tường đồng vách sắt, cũng không được vãng sanh.” Người niệm Phật tinh chuyên mà thiếu Tín, Nguyện, tùy công phu sâu cạn kết quả chỉ được hưởng phước báu nhơn thiên, khi hết phước vẫn phải bị luân hồi như cũ.
Như tại Việt Nam ta, vào đời Hậu Lê, có một vị sư ở chùa Quang Minh, công hạnh niệm Phật tuy sâu mà vì Nguyện tâm không chí thiết, nên khi mãn phần chuyển sanh làm một vị đế vương triều nhà Thanh bên Trung Hoa. Về sau nhà vua nhân dùng nước giếng của chùa ấy để rửa vết chữ son ghi tiền kiếp của mình trên vai, mới cảm khái làm mấy bài thi. Trong ấy có hai câu:
Ngã bảng Tây Phương nhứt Phật tử,
Vân hà lạc tại đế vương gia?
Ý nói: Ta vốn là con của Phật A Di Đà ở Tây Phương, cớ sao lại lạc vào nhà đế vương như thế này? Tuy vua biết kiếp trước mình là vị sa môn niệm Phật ở chùa Quang Minh, nhưng vì trong ngôi vị đế vương, cảnh phước lạc quá nhiều, nên cũng không tu hành được. Niệm Phật mà thiếu Tín, Nguyện kết quả là như thế! Cho nên, xét kỹ lại lời của Ngẫu Ích đại sư, ta thấy phẩm vị cao thấp không phải là vấn đề, mà vấn đề chính là: “được vãng sanh cùng chăng.” Mà muốn được vãng sanh, Tín Nguyện là điều kiện phải có, và điểm cần yếu nhất lại là chữ Nguyện. Đại sư lại nhấn mạnh: “Nếu Tín Nguyện bền chắc, khi lâm chung, chỉ xưng danh hiệu mười niệm hay một niệm, cũng quyết được vãng sanh. Trái lại, công hành trì tuy vững như vách sắt tường đồng, mà Tín Nguyện yếu, kết quả chỉ hưởng được phước báo nhơn hiên mà thôi.” Lời này chỉ rõ: thà Tín, Nguyện bền chắc, dù phần Hạnh kém ít cũng được vãng sanh giải thoát. Xem đây ta thấy, đối với người tu Tịnh Độ, tâm Nguyện chơn thiết có tánh cách trọng yếu là dường bao!”
Vậy nên niệm Phật như viên châu như ý, bạn có một viên hay triệu viên vốn chằng khác chi nhau. Tâm tạp hay tâm định, tâm Tịnh hay bất tịnh, vốn chẳng ảnh hưởng gì đến việc vãng sanh của ta cả. Mà chúng ta sanh ở cõi Ta bà uế trược, còn gọi là cõi “Dục giới tán địa” này, xét rốt ráo ra có chi mà tịnh với không tịnh, có chi mà định với tạp? Mong bạn sớm buông lơi bám chấp, để đưa niệm Phật vào cuộc sống. Sống an nhiên tự tại, chết nương nơi Phật lực mà vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi. Ngàn vạn lần xin ghi nhớ: Câu “Nếu có thể niệm đến Nhất Tâm Bất Loạn thì cơ hội vãng sinh sẽ cao, còn niệm mà tâm tạp thì cơ hội không cao.” chính là chướng ngại lớn nhất khiến người ta niệm Phật chẳng thể vãng sanh! Còn nếu bạn cho lời này là chẳng phải thì vui lòng cho Tuệ Tâm tôi xin hai chữ tùy hỉ!
Nam mô A Di Đà Phật!
Hoa viết
Nam Mô A Mi Đà Phật 🙏🙏🙏
Tùng Nguyễn viết
Em hãy ăn thừa thức ăn em cho gà và mấy con vật khác ăn có bị gì không ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Thức ăn mình có ngày hôm nay là phước báo của chính mình, vì vậy nên biết tiết kiệm phước bằng cách nấu vừa đủ, chớ đổ bỏ thức ăn. Trường hợp dư thừa chút ít cho gia cầm ăn thì trước khi cho chúng ăn nên niệm Phật rồi nguyện bố thí thức ăn cho chúng. Bạn học Phật thì cho dù là nuôi để bán, giết hay để vui…cũng gắng đừng làm. Bởi nuôi để bán hay giết thì phạm sát sanh, nuôi để vui thì phạm cái lỗi giam nhốt chúng sanh. Nên kiêng dè nhân quả vậy!