Tu tại gia chẳng phải chuyện dễ, nhất là ở trong thời pháp nhược ma cường, đầy chướng duyên và trược ác này! Người Phật tử ngược dòng thế tục, muốn được an ổn tu hành không phải chuyện đơn giản, phải rất uyển chuyển cả đời lẫn đạo may ra mới được.
Cho nên, dù bạn tu bất cứ pháp môn nào đi chăng nữa cũng phải luôn nhớ rằng: Tu tập là một quá trình lâu dài, không phải chuyện một sớm một chiều. Xin hãy khắc cốt ghi tâm điều này: Học Phật, trước cuộc sống phải được an vui, sau mới đến phần giải thoát.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- Sự thật về Hoa Ưu Đàm.
- Từ Bi Hỷ Xả là gì.
- Tam quy ngũ giới giảng giải
- Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
- Các cảnh giới trên đường tu tập.
- Làm Cha mẹ phải biết bồi phước cho con.

Tu Tại Gia Chẳng Phải Chuyện Dễ Dàng
Ví như mình ăn chay học Phật mà gia đình tranh cãi không an thì cần phải xem lại. Mỗi người có nhân duyên học Phật riêng, không thể do thuyết phục hay cưỡng cầu mà được. Cho nên ta khuyên họ ăn chay hoặc học Phật một vài lần mà không được thì thôi.
Điều này rất quan trọng! Bởi người thân của ta không hiểu đạo, thấy nhà cửa xáo trộn ắt cho rằng vì ta học Phật khiến gia đình lục đục không yên. Lại do đó mà sanh tâm hủy báng Tam Bảo, bảo rằng Phật pháp chẳng có lợi lạc gì, khiến gia đình rối loạn. Họ gieo nhân đọa địa ngục, ta học Phật liệu tâm có an ổn được hay không?
Điều thứ hai bạn cần phải nhớ rằng: Tuyệt đối đừng bao giờ lấy giới của người xuất gia áp dụng cho hàng tại gia.
Nhiều người không nắm được điều này nên làm gì cũng sợ, cũng kiêng dè. Tu tại gia trọng yếu ở nơi giữ 5 giới căn bản: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu.
*
Ví như giới không sát sinh chẳng hạn: Ta biết quả báo hại mạng nên không sát sinh. Tuy nhiên người thân chẳng biết, cũng chẳng tin điều này. Họ vẫn ăn mặn thì ta chỉ cốt yếu tránh sát sinh trong nhà, còn thì có thể mua đồ bán sẵn ngoài hàng chợ. Hoặc thỉnh thoảng cả gia đình đi nhà hàng thì mình cứ vui vẻ đi theo. Trong bữa ăn mình ăn nhiều rau ít thịt là được, đừng bắt họ phải ăn như mình!
Uyển chuyển mà tu tập như thế, người thân thấy ta học Phật được nhiều lợi ích, vợ chồng con cái hòa thuận, cuộc sống viên mãn, ắt sẽ sanh tâm cảm mến với Phật pháp. Lúc ấy không cần khuyên nhủ gì họ cũng theo mình học Phật. Còn như cố chấp mà làm ngược lại thì họa hại khôn lường…
*
Nhiều năm về trước, một Phật tử bảo với Tuệ Tâm: “Tôi ăn chay trường được 6 tháng nhưng vợ con vẫn ăn mặn. Vì thế trong nhà phải sắm hai bộ nồi nấu nướng, hai bộ bát đũa riêng để đảm bảo không dính tí thịt cá nào. Bữa ăn hằng ngày tôi đều phải tính toán, chất này chất kia, âm dương…để vợ nấu cho đủ chất.”
Tuệ Tâm bảo: “Ăn chay thì rau đậu, tương cà đơn giản, có gì ăn nấy, đừng cực đoan thì mới lâu bền được. Nếu vợ con đồng ý, cả nhà cùng ăn chay thì không còn gì tốt bằng. Còn như họ chẳng ăn chay thì trong mâm có gì ăn đó, phải biết tùy thuận để được an vui. Mình muốn ăn chay mà vợ chẳng nấu cho thì trong bữa nên ăn nhiều rau, ít thịt. Cuộc sống ngày nay bận rộn, tự do và đề cao cá nhân, bạn một hai cố chấp như vậy thì không ổn. Nên xem xét lại kẻo cuộc sống không yên.”
Ông ta lúc ấy gật gù, nhưng về nhà thì vẫn không chút chi thay đổi. Chừng sáu tháng sau, nghe một bạn đạo bảo rằng gia đình ấy cãi nhau suốt ngày, cuối cùng tan đàn xẻ nghé. Vợ con ông ta không tiếc lời hủy báng Tam Bảo… Tuệ Tâm nghe rồi thở dài mãi không thôi!
Lời khuyên của cổ đức cho Phật tử tu tại gia
Học Phật không được cố chấp, phải tùy phận tùy thời, tùy hoàn cảnh, trọng yếu ở nơi nhớ Phật niệm Phật, còn hình thức ở bên ngoài được chút nào hay chút đó. Như khi gặp chướng ngại trên đường tu, bạn hãy nhớ lời Ngài Thiền Tâm dạy trong “Niệm Phật Thập Yếu”:
“Trên đường đạo, nhiều khi hành giả bị nghịch cảnh làm cho trở ngại. Có người bị cha mẹ anh em hay vợ chồng con cái ngăn trở hoặc phá hoại không cho tu. Có vị thân mang cố tật đau yếu mãi không lành. Có kẻ bị oan gia luôn theo đuổi tìm cách mưu hại. Có người bị vu oan giá họa, khiến cho ngồi tù chịu tra khảo hoặc lưu đày. Có vị bị sự tranh đua ganh ghét, hoặc bêu rao nhiều tiếng xấu xa, làm cho khó an khó nhẫn.”
Hoặc “Những chướng cảnh bên ngoài làm duyên khó khăn thối đọa cho hành giả. Chứng cảnh đó là sự nóng bức, ồn ào, uế tạp, hoặc chỗ quá rét lạnh hay nhiều trùng kiến muỗi mòng. Gặp cảnh này cũng nên uyển chuyển, đừng chấp theo hình thức, chỉ cầu được an tâm. Chẳng hạn như ở cảnh quá nóng bức, chẳng ngại gì mặc áo tràng mỏng lễ Phật, rồi ra ngồi chỗ mát mà trì niệm, đến khi xong lại trở vào bàn Phật phát nguyện hồi hướng. Hoặc gặp chỗ nhiều muỗi, có thể ngồi trong màn thưa mà niệm Phật.
*
Như ở miền bắc Trung Hoa vì thời tiết quá lạnh, các sư khi lên chánh điện tụng kinh, cũng phải mang giày vớ và đội mũ cẩn thận. Có hàng Phật tử vì nhà nghèo, làm lụng vất vả, đi sớm về khuya, hoặc nợ nần thiếu hụt, rách rưới đói lạnh, vợ yếu con đau, không có chỗ thờ cúng trang nghiêm. Trong hoàn cảnh ấy sự tu tập thật ra rất khó, phải có sự nhẫn nại cố gắng như bà lão ăn xin niệm Phật, mới có thể thành công.
Hoặc có người vì nhiều chướng nghiệp, lúc không tu thì thôi, khi sắp vào bàn Phật lại nhức đầu chóng mặt sanh đủ chứng bịnh, hay có khách viếng thăm và nhiều việc bất thường xảy đến. Gặp những cảnh như thế, phải cố gắng và khéo uyển chuyển tìm phương tu hành. Sự cố gắng uyển chuyển tùy trường hợp sai biệt mà ứng dụng không thể nói ra hết được.
Nên nhớ gặp hoàn cảnh bất đắc dĩ, phải chú trọng phần tâm đừng câu nệ phần tướng mới có thể dung thông. Cõi Ta Bà ác trược vẫn nhiều khổ lụy, nếu không có sức cố gắng kham nhẫn, tất sự tu hành khó mong thành tựu.“
Trong Nhân quả báo ứng hiện đời – Ni sư Hạnh Doan dịch, Hòa Thượng Diệu Pháp có khai thị cho một Phật tử tại gia. Lời khai thị của Ngài trong câu chuyện dưới đây thật đáng để chúng ta suy ngẫm vậy:
Phải thấy ưu điểm của người
“Một chiều mùa thu năm ngoái, mười mấy vị cư sĩ Thạch gia trang đến Ngũ Đài Sơn. Trong đó có một bà hơn năm mươi tuổi, đang ở tại nhà khách. Bà hướng Hòa thượng Diệu Pháp kể lể nỗi khổ tâm của mình:
– “Bạch sư phụ! Con quy y Phật 4 năm rồi, cứ rằm, mồng một là ăn chay, nhưng thân thể không được khỏe lắm.
Nửa năm trước con gặp một vị thiện tri thức, mới hiểu ra nếu muốn thân hoàn toàn không bịnh, mạnh khỏe, thì phải dứt tuyệt ăn mặn, chẳng nên ăn máu thịt chúng sinh. Không ngờ sau khi con đoạn tuyệt thịt cá rồi thì thân ngày một khỏe hơn, lúc này mới biết ăn tam tịnh nhục chỉ là phương tiện tạm.
Kể từ đó, con thường khuyên con cái ăn chay để tránh tương lai bị bịnh. Nhưng chúng chẳng những không nghe, lại còn dè bỉu, cho là con học Phật ngày càng mê tín, khờ khạo. Chẳng những chúng ngược ngạo khuyên con ăn thịt, thậm chí còn cố tình mua ba ba tươi sống về, nói là muốn cho con tẩm bổ, khiến con nổi đóa.
*
Vì vậy mà con thường cùng chúng tranh cãi, nhưng chẳng ai nghe ai, khiến cho trong nhà không khí rất căng thẳng. Mới đây có lần, con thực sự nhịn không nổi, phải đến tá túc tại nhà một người bạn. Sau đó thì các con cũng tới xin lỗi, rước con về. Nhưng hễ đến bữa ăn là trong lòng mỗi người đều cảm thấy rất khó chịu.
Con nghĩ muốn xuất gia, nhưng lại lo chùa không thu nhận. Tính vào viện dưỡng lão, lại sợ họ không giúp ăn chay tốt. Hiện con đang rất khổ tâm, xin Hòa thượng từ bi chỉ giáo”…
Hòa thượng Diệu Pháp từ đầu đến cuối ngồi xếp bằng im lặng lắng nghe.
Khi bà nói xong, ngài mở mắt bảo:
-“Người học Phật phải biết sống hòa thuận với đại chúng, đây là tập cho mình thói quen biết tôn trọng người. Khi lựa chọn tín ngưỡng, thậm chí dù đối với con cái, cũng không nên cưỡng ép, bắt chúng phải phục tùng, vâng theo. Bà hi vọng con mình tin Phật, ăn chay, cố nhiên là vì muốn tốt cho chúng. Thế nhưng, cũng phải biết quan sát căn cơ mà dạy, không nên gấp rút nôn nóng muốn mau thành. Làm vậy sẽ bị phản tác dụng, khiến các con đối với Phật giáo phát sinh hiểu lầm, chống kháng.
*
Trong lúc ăn cơm, có thể dùng một bàn hai mâm, không nên “vì con ăn thịt mà oán giận chúng”. Bà phải thường tự hỏi: “Bản thản mình giới sát đoạn thịt… đã lâu chưa?” Nếu như tu tốt thì vì sao hôm nay vẫn chưa thoát ly lục đạo? Phật Bồ Tát không hề khư khư chấp trước bất xả như chúng ta.
Do vậy, muốn hóa độ người phải nghiên cứu thời cơ và phương pháp, trừ thuyết giáo bằng lời ra, cần phải dùng thân giáo, điều này rất quan trọng.
Thí như khi các con thấy bà học Phật ăn chay khí sắc ngày càng tốt, thân thể ngày càng khỏe, tâm thái ngày càng hiền hòa, an lạc…tự nhiên chúng sẽ tin phục Phật pháp. Dần dần nhờ vào sự thay đổi chuyển tốt âm thầm của bà mà các con được cảm hóa, sẽ tự động hướng bà nương tựa. Đương nhiên muốn hóa độ người khác thì điều quan trọng nhất là bản thân mình phải dốc sức hành cho tới nơi. Chánh mà không tà, giác mà không mê. Muốn người sửa chánh thì trước tiên mình phải chánh bản thân.
*
Ngoài ra, bà phải làm được việc này, thường nói ba điều tốt:
- Phải thường nói con cái tốt, dù không tốt cũng nói tốt.
- Phải thường nói sinh hoạt tốt, dù không tốt cũng nói tốt.
- Phải thường nói thân quyến bạn bè tốt, dù không tốt, cũng nói tốt.
Ba điều này từ đây trở về sau, những bậc làm trưởng bối phải ghi nhớ trong lòng, để sẵn nơi khóe miệng. “Tri túc là thường lạc” mà.
Bất luận là con cái hay thân bằng, láng giềng, cho dù trước đây họ đối với mình không vừa ý, nhưng nhờ bà luôn ẩn ác dương thiện, biết lấy đức báo oán, thì lâu dần, đối phương sẽ sinh tâm ăn năn hổ thẹn, sửa lỗi và thay đổi. Nếu thường nói ba điều tốt, tất nhiên sẽ được mọi người tôn kính. Cuộc sống của bà tự nhiên sẽ ngày càng tuyệt hơn.
Ngược lại, nếu bà cứ sợ người không tôn trọng mình, lúc nào cũng lên mặt trưởng bối, luôn cậy uy, ỷ thế, ra vẻ kẻ cả, ta đây! – Sống mà luồn soi mói, tìm cách bắt lỗi người, như vậy rất là sai, rất trái với hạnh nguyện, sẽ tạo nên vực ngăn cách cùng con cái, thân quyến, bạn bè. Hành xử như vậy sẽ khiến phát sinh xung đột không ngừng, dẫn tới lòng mình và người đều… nổi oán khí xung thiên!
*
Cũng đồng một lý này, công phu “ba điều tốt” rất hợp cho mọi người ứng dụng. Nếu như chẳng thực hành được, thì cho dù là già hay trẻ, chồng hay vợ, xuất gia hay tại gia, đều sẽ ôm phiền não vô tận”…
Bà nọ nghe sư phụ khai thị xong, không ngừng gật gù, mọi rầu rĩ đã tan biến, gương mặt mùa thu ủ rũ của bà đã chuyển sang sắc xuân hớn hở, ấm áp.
Phật pháp đúng là diệu pháp, Hòa thượng Diệu Pháp thật là diệu pháp, Ngài luôn đem Phật lý tinh thâm khéo léo giảng giải cho đạo và đời cùng hiểu, viên dung vô ngại, hết nghi.”
Tuệ Tâm 2023.
Con xin giấu tên viết
thưa tuệ tâm,sao con cảm giác càng cố gắng tu tập điều chỉnh tâm tính thì tâm tính lại càng ngày càng không tốt thế ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Người tu tập nếu tu chơi chơi thì không nói làm gì, nhưng nếu tinh tấn tu tập sẽ đến giai đoạn bị khảo, ai cũng vậy chứ không riêng gì bạn đâu. Hiện tượng bạn bị gọi là “Nội Khảo”, đây là do tinh tấn dụng công, thân tâm tịnh hóa nên “Nghiệp Tướng” phát hiện ra, khiến cho “trong lúc tu tập, bỗng khởi lên những tâm niệm tham lam, giận hờn, dục nhiễm, ganh ghét, khinh mạn, nghi ngờ, hoặc si mê dễ hôn trầm buồn ngủ. Những tâm niệm ấy đôi khi phát hiện rất mãnh liệt, gặp duyên sự nhỏ cũng dễ sanh cau có bực mình.”
Có nhiều nguyên nhân khiến hành giả bị nội khảo, nhưng chung quy lại đều do bởi hai nguyên nhân chính:
1. Người tu ép tâm quá mức. Như người niệm Phật ép mình phải được nhất tâm bất loạn hoặc muốn công phu nhanh được thành tựu.
2. Do dụng công sai cách. Khi ngồi tĩnh tọa tâm thường hướng lên trên chứ không hướng xuống dưới, khiến cho “Tâm Hỏa” bốc lên. Khi tâm hỏa bốc lên thì đầu hoặc nặng, hoặc thấy nhói ở một vài điểm.
Bạn khi tĩnh tọa nhớ chú tâm hướng xuống, lâu ngày sẽ hết. Còn như cứ để hơi nóng khởi lên mà không biết cách trục xuất ra sẽ thành bệnh. Tâm Hỏa bốc lên trong Tông Môn gọi là “Thiền Bệnh”, xử lý được nó là cả một vấn đề. Đây là lý do tại sao hễ có người hỏi, Tuệ Tâm chỉ một hai khuyên người ta niệm Phật chớ không khuyến khích tu Thiền.
Đây cũng là điểm hành giả cần lưu ý: Niệm Phật cứ an nhiên tự tại mà niệm, đừng gấp gáp, đừng cưỡng cầu nhất tâm mà phát sanh chướng ngại. Ta niệm Phật nương nơi nguyện lực của Phật A Di Đà là chắc chắn được vãng sanh, còn cầu nhất tâm bất loạn theo kiểu của Thiền Tông để làm gì!
Quảng Sa viết
Dạ cảm ơn Tuệ Tâm khai mở, thực sự 1-2 năm đầu rất tinh tấn niệm phật trì chú, đến năm 3 thì viêm mũi dị ứng hắc hơi không sao nhập tâm được, lại chuyển việc, tâm lý tu dãi đãi xuất hiện. Trước đây vợ con cái gì sai mình ít để ý và cho qua nhẹ nhàng, giờ tu lâu lại xét dò ( tự thấy trong tâm vậy). Giờ đang trong giai đoạn cố lạy sám hối hồng danh mà chưa thấy “cảm” nhưng chuyển sang trì chú đại bi thì an lạc, tâm chuyên nhất vô cùng.
A Di Đà Phật !
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Giải đãi là bệnh chung của hàng tại gia học Phật, biết làm sao được…Chú Đại Bi bạn nhớ tụng bản đầy đủ nhé, các bản lưu hành hiện nay đều thiếu mất 5 chữ “Na ma bà tát đa”.
Quảng Sa viết
Dạ thưa Thầy, “na ma bà tát đa” trong chú Đại bi bổ sung thêm từ tư liệu nào ạ, con luôn tụng đủ nhưng giờ hướng dẫn người nhà thì xem tất cả kinh cũ của Tổ đều thiếu câu chú này, xin Thầy từ bi chỉ cho hàng hậu học nông cạn.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Các bản chú hậu truyền, càng về sau càng dễ bị thiếu, nhiều bản chứ không riêng gì chú Đại Bi. Riêng về chú Đại Bi thì 5 chữ này được bổ sung từ bản của Hòa Thượng Tuyên Hóa. Thượng Nhân là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, cổ kim đến nay duy có Ngài giảng giải về Chú Đại Bi. Bản hiệu đính của Ngài là chân thật ngữ, bạn cứ yên tâm mà tụng vậy!
Tran Van long viết
Nam Mô A Di Đà Phật con chào thầy con có thắc mắc muốn hỏi thầy một việc mong thầy chỉ dạy thưa thầy,linh hồn người chết thì họ có mùi gì không ạ,vì là chuyện ngày xưa ông nội con,mất được vài ngày khi cả nhà,đang ngồi nói chuyện với nhau thì có một mùi thối đặc trưng của xác chết,mẹ con liền nói mùi gì thối thế thì mùi đó liền biến mất chuyện đó sảy ra lâu rồi còn bây giờ,con niệm Phật khi ngủ thỉnh thoảng cũng có một mùi thối kiểu như xác chết có hôm thì lại mùi thuốc lá,ở nhà con không ai hút thuốc và cũng không có nhà hàng xóm ở gần vì con ở trong miền nam ở giữa vườn cây nên không khí rất trong lành,những lúc có mùi như vậy con liền niệm Phật,thì mùi đó hết ngay ,có những lúc con thi gan với mùi đó để xem bao giờ nó hết,thì nó vẫn còn rất lâu và khi con,chuyển sang niệm Phật thì nó hết ngay,con nghĩ không phải trùng hợp nhưng con không biết làm sao,mong thầy giúp đỡ
Nam Mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Linh hồn của người chết không có mùi gì cả. Bạn ngửi thấy mùi thuốc lá hoặc mùi hôi thối là do chúng sanh trong cõi quỷ đến gần, phần lớn là do họ biết ta tu tập nên đến xin cứu độ. Khi ấy chỉ nên khai thị cho họ ít câu(cứ nói khơi khơi như có người trước mặt là được) về cái khổ của chúng sanh, về cái vui nơi Cực Lạc và Nguyện lực từ bi tiếp dẫn của đức Phật A Di Đà. Kế đến khuyên họ niệm theo mình, niệm Phật chậm rãi ít câu, hồi hướng công đức cho họ là được.
Chuyện này, những Phật tử ăn chay giữ giới và tinh tấn tu trì thường hay gặp, không có chi kỳ đặc hoặc đáng sợ cả. Mong bạn tinh tấn niệm Phật.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Kính thưa Tuệ Tâm dạo gần đây con có gặp phải một vấn đề nhỏ. Buổi sáng thời khoá niệm Phật con ngồi niệm Phật cứ ngủ gà ngủ gật, xong thời khoá sáng thì cơn buồn ngủ lại kéo đến khiến con mệt mỏi khủng khiếp, con lại vào giường ngủ tiếp đến hết nửa buổi sáng. Con không biết cách nào để khắc phục chứng buồn ngủ này. Con bị như vậy một thời gian rồi ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Tình trạng của bạn không phải là hôn trầm bình thường, do vọng niệm sinh ra. Đây có thể là do ép mình dụng công quá mức khiến Tâm Hỏa bốc lên. Sức nóng này khi lên đến đầu bị kẹt, không thoát ra được nên sanh ra chướng ấy. Có hai cách giải quyết:
1. Đẩy sức nóng ra khỏi đầu. Cách này khó thực hành vì phải có pháp riêng và bắt buộc phải có người hộ pháp, dẫn dắt cho mới được.
2. Không cho sức nóng này khởi lên khi dụng công. Để sức nóng không khởi thì lúc ngồi tĩnh tọa nên ngồi kiết già, hướng Tâm xuống dưới, tốt nhất là nên tập trung ở chóp mũi, không được chú ý nơi trán hoặc đảnh đầu. Miệng niệm phải rõ tiếng, tránh niệm thầm
Bạn thực hành như vậy chừng nửa tháng, nếu thấy vẫn mê mờ buồn ngủ thì nên rút ngắn thời khóa lại, chỉ niệm Phật chừng nửa giờ rồi chuyển sang lạy Phật.
Cung Kính viết
Con xin cám ơn Tuệ Tâm chỉ bảo ạ. Nam mô A Di Đà Phật
LT viết
Thầy ơi, sao lâu rồi chưa có bài mới ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Thời gian vừa rồi Tuệ Tâm bận nhiều việc nên chẳng thể viết hay biên tập được gì, bỏ bê web quá cũng áy náy. Để ổn ổn, Tuệ Tâm post loạt bài về Quán Thế Âm hầu bạn đọc vậy.
LT viết
Dạ thầy.
Nam mô A Di Đà Phật