Cách đây khá lâu, một bạn đọc nhắn hỏi: Tuệ Tâm có biết Vị Phật đầu tiên là ai không? Tôi bảo: Chịu thôi! Kinh sách nhiều vô kể. Sức phàm phu ngu si như tôi đọc được ít cuốn cũng đã thấy quá sức rồi. Tôi từ ngày học Phật đến nay chỉ biết rằng: Có vô biên các đức Phật đã từng thành đạo và giáo hóa chúng sanh trong từ vô thỉ kiếp đến nay. Nhưng ai là vị Phật đầu tiên thành đạo thì thực chưa từng đọc biết.
Bẵng đi đến tận hôm nay duyên đọc được bộ Kinh Lăng Nghiêm giảng giải của Hòa Thượng Tuyên Hóa mới hay rằng: “Vị Phật đầu tiên trong chư Phật là đức Phật Oai Âm Vương“. Xin trích đăng toàn bộ bài giảng của Ngài về Viên Thông Xúc Trần để bạn đọc cùng rộng biết.
- Đức Văn Thù Sư lợi là Thầy của bảy đức Phật.
- Đại Thế Chí Bồ Tát – Ngài là ai.
- Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
- A Nan Tôn giả.
- Đề Bà Đạt Đa Tôn giả.
- Cư Sĩ quả Khanh là hóa thân Bồ Tát.
- Cuộc đời& đạo nghiệp của Hòa Thượng Tuyên Hóa.
Vị Phật đầu tiên là ai
Kinh văn: “Bạt-đà-bà-la cùng đồng bạn là mười sáu vị khai sĩ liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Phật rằng: Chúng con ban đầu nghe pháp từ Đức Phật Oai âm vương mà xuất gia. Trong khi chư tăng đang tắm, theo thứ tự đi vào phòng tắm, bỗng nhiên ngộ ra bản tính của nước. Vốn nó không tẩy được bụi, cũng chẳng tẩy được mình. Ở giữa hai điều ấy, con được rỗng rang tịch lặng, con nhận ra cái không có gì. Đến nay con vẫn chưa quên điều sở chứng trong quá khứ, đến khi theo Phật xuất gia, con được quả vị vô học. Đức Phật ấy gọi con là Bạt-đà-bà-la.
Do phát minh diệu tính của xúc trần, nên thành bậc Phật tử trụ. Đức Phật hỏi về viên thông, theo sở chứng của con, do xúc trần là hơn cả.”
Giảng giải:
Khi Bạt-đà-bà-la mới xuất gia tu đạo, ông ta rất ngã mạn. Khi đó có một vị Bồ-tát tên là Thường Bất Khinh, thường tu tập hạnh kính trọng mọi người. Bất kì khi gặp ai, Bồ-tát nầy cũng thường chắp tay cung kính nói với họ rằng, “Tôi không dám khinh quý ngài, vì trong tương lai các ngài sẽ thành Phật.” Khi Bồ-tát Thường Bất Khinh làm điều nầy đối trước Bạt-đà-bà-la, ông ta liền mắng Bồ-tát Thường Bất Khinh rằng, “Ông thực là kẻ khờ dại! Sao ông lại làm cái dở hơi? Ông thực là ngớ ngẩn!”
*
Sau lần đó, Bạt-đà-bà-la thậm chí còn xúi giục người khác đánh đập Bồ-tát. Khi Bồ-tát cúi lạy những người nầy, họ còn đá vào ngài khi ngài cúi xuống lạy họ. Có khi họ véo mũi ngài, có khi họ đánh ngài đến gãy răng. Do tính ngã mạn nầy mà Bạt-đà-bà-la bị đoạ vào địa ngục. Ông ta phải chịu ở đó một thời gian dài trước khi được làm người.
Đức Phật Oai âm vương là vị Phật đầu tiên trong chư Phật. Nay nếu có người hỏi quý vị rằng vị Phật đầu tiên là ai, quý vị có thể trả lời chính xác cho họ rằng: Vị Phật đầu tiên thành Chánh giác là Đức Phật Oai Âm Vương. Bạt-đà-bà-la xuất gia từ thời Đức Phật Oai âm vương. Có lần trong khi chư tăng đang tắm, con theo thứ tự đi vào phòng. Chư tăng vào thời ấy, theo lệ, cứ nữa tháng tắm một lần. Bỗng nhiên con ngộ ra bản tính của nước. Vốn nó không tẩy được bụi, cũng chẳng tẩy được mình. Nhờ quán sát từ nước mà Bạt-đà-bà-la được giác ngộ. Ông ta ngộ ra đối tượng của sự xúc chạm.
*
Dù Bạt-đà-bà-la bị đọa vào địa ngục sau đó, nhưng ông ta vẫn không quên những điều ông đã chứng ngộ được.Từ thời Đức Phật Oai âm vương, cho đến khi Bạt-đà-bà-la trình bày những điều nầy trong hội chúng của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là một khoảng thời gian không thể tính đếm được. Bồ-tát Thường Bất Khinh chính là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trong một kiếp trước. Và Bạt-đà-bà-la, trong chúng hội của Đức Phật Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngày nay, chính là người trong kiếp trước đã cho người mắng nhiếc đánh đập Bồ-tát Thường Bất Khinh. Bạt-đà-bà-la chính là vị tăng rất ngạo mạn và đầy tự cao nên đã đoạ vào địa ngục.
Bạt-đà-bà-la nói rằng: “Nay con xuất gia và đã thành tựu được quả vị vô học. Đức Phật kia đã ấn chứng cho con và đặt tên con là Bạt-đà-bà-la. Do phát minh diệu tính của xúc trần, nên thành bậc Phật tử trụ. Đối tượng của xúc trần không còn, nhưng diệu tính của xúc trần hiển lộ.” Khi Bạt-đà-bà-la nói rằng mình là ‘Phật tử’ có nghĩa là là ông đã chứng được giai vị Bồ-tát.
Vị Phật đầu tiên: Đức Oai Âm Vương Như Lai
Như vậy, vị Phật đầu tiên là đức Oai Âm Vương Như Lai. Thông tin về Ngài được đức Thế Tôn giới thiệu trong phẩm Thường Bất Khinh Bồ Tát Thứ Hai Mươi – Kinh Diệu Pháp Liên Hoa:
Lúc bấy giờ, Phật bảo ngài đại Bồ-Tát Đắc-Đại-Thế rằng: “Ông nay nên biết! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-bà-di nào thọ trì kinh Pháp Hoa này được công đức như trước đã nói, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân cùng ý thanh tịnh, như có người nói thô ác mắng nhiếc chê bai, mắc tội báo lớn cũng như trước đã nói.
Đắc Đại Thế! Về thuở xưa quá vô lượng vô biên bất-khả tư-nghì, vô số kiếp, có Phật hiệu là Oai-Âm-Vương Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-Nhân Sư, Phật Thế-Tôn.
Kiếp đó tên là Ly-Suy, nước đó tên là Đại-Thành. Đức Oai-Âm-Vương Phật trong đời đó vì hàng trời, người, A-tu-la mà nói pháp, vì người cầu Thanh-văn mà nói pháp Tứ-Đế, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, rốt ráo Niết-bàn; vì người cầu Bích-chi-Phật mà nói pháp mười-hai-nhân-duyên; vì các Bồ-Tát nhân vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác mà nói sáu pháp ba-la-mật, rốt ráo trí huệ của Phật.
*
Đắc-Đại-Thế! Đức Oai-Âm-Vương Phật đó sống lâu bốn mươi vạn ức na-do-tha hằng-ha-sa kiếp: Chánh pháp trụ ở đời kiếp số như vi trần trong một Diêm-phù-đề; tượng pháp trụ ở đời kiếp số như số vi trần trong bốn châu thiên hạ. Đức Phật đó lợi ích chúng sanh, vậy sau mới diệt độ. sau khi chánh-pháp tượng-pháp diệt hết, trong cõi nước đó lại có Phật ra đời, cũng hiệu là Oai-Âm-Vương Như-Lai, Ứng-cúng, Chánh-biến-tri, Minh-hạnh-túc, Thiện-thệ, Thế-gian-giải, Vô-thượng-sĩ, Điều-ngự trượng-phu, Thiên-Nhân-Sư, Phật Thế-Tôn, cứ thứ lớp như thế có hai muôn ức đức Phật đều đồng một hiệu.
Đức Oai-Âm-Vương Như-Lai, đầu hết diệt độ rồi, sau lúc chánh pháp đã diệt trong đời tượng pháp những Tỳ-kheo tăng-thượng-mạn có thế lực lớn.
Bấy giờ, có vị Bồ-Tát Tỳ-kheo tên là Thường-Bất-Khinh. Đắc-Đại-Thế! Vì cớ gì tên là Thường-Bất-Khinh? Vì vị Tỳ-kheo đó phàm khi ngó thấy hoặc Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, hoặc Ưu-ba-tắc, Ưu-bà-di, thảy đều lễ lạy khen ngợi mà nói rằng: “Tôi rất kính quí Ngài chẳng dám khinh mạn.
Vì sao? Vì quý Ngài đều tu hành đạo Bồ-Tát sẽ được làm Phật”.
*
Mà vị Tỳ-kheo đó chẳng chuyên đọc tụng kinh điển, chỉ đi lễ lạy, nhẫn đến xa thấy hàng tứ chúng, cũng cố qua lễ lạy khen ngợi mà nói rằng: “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ làm Phật”. Trong hàng tứ chúng có người lòng bất tịnh sanh giận hờn, buông lời ác mắng nhiếc rằng: “Ông vô trí Tỳ-kheo này từ đâu đến đây tự nói ta chẳng khinh Ngài, mà thọ ký cho chúng ta sẽ được làm Phật, chúng ta chẳng dùng lời thọ ký hư dối như thế.”
Trải qua nhiều năm như vậy, thường bị mắng nhiếc chẳng sanh lòng giận hờn, thường nói: “Ngài sẽ làm Phật “. Lúc nói lời đó, chúng nhân hoặc lấy gậy cây ngói đá để đánh ném. Ông liền chạy tránh đứng xa mà vẫn to tiếng xướng rằng: “Ta chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật”. Bởi ông thường nói lời đó, nên hàng tăng-thượng-mạn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di gọi ông là Thường-Bất-Khinh.
Vị Tỳ-kheo đó lúc sắp chết, nơi giữa hư không nghe trọn hai mươi nghìn muôn ức bài kệ kinh Pháp-Hoa của đức Oai-Âm-Vương Phật đã nói thuở trước, nghe xong đều có thể thọ trì, liền được nhãn căn thanh tịnh, nhĩ, tỹ, thiệt, thân cùng ý căn thanh tịnh như trên. Được sáu căn thanh tịnh đó rồi lại sống thêm hai trăm muôn ức na do tha tuổi, rộng vì người nói kinh Pháp Hoa đó.
*
Lúc đó hàng tăng-thượng-mạn Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di khinh tiện vị đó đặt cho tên “Bất-Khinh”; nay thấy vị đó được sức thần thông lớn, đức nhạo thuyết biện, sức đại-thiện-tịch; nghe vị đó nói pháp đều tin phục tùy tùng.
Vị Bồ-Tát đó giáo hoá nghìn muôn chúng khiến trụ trong vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Sau khi mạng chung được hai nghìn ức Phật đều hiệu Nhật-Nguyệt-Đăng-Minh ở trong pháp hội đó nói kinh Pháp-Hoa này. Do nhân duyên đó lại gặp hai nghìn ức Phật đồng hiệu là Vân-Tự-Tại-Đăng-Vương, ở trong pháp hội của các đức Phật đó thọ trì, đọc tụng, vì hàng tứ chúng nói kinh điển này, cho nên được mắt thanh tịnh thường trên đó, tai mũi lưỡi thân cùng ý các căn thanh tịnh, ở bốn chúng nói pháp lòng không sợ sệt.
Đắc-Đại-Thế ! Vị Thường-Bất-Khinh đại Bồ-Tát đó cúng dường, bao nhiêu đức Phật như thế, cung kính tôn trọng ngợi khen, trồng các gốc lành. Lúc sau lại gặp nghìn muôn ức Phật cũng ở trong pháp hội các đức Phật nói kinh điển này, công đức thành tựu sẽ được làm Phật.
Đắc-Đại-Thế ! Ý ông nghĩ sao? Thường-Bất-Khinh Bồ-Tát thuở đó đâu phải người nào lạ, chính thân ta đó. Nếu ta ở đời trước chẳng thọ trì đọc tụng kinh này, vì người khác giải nói đó, thời chẳng có thể mau được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Do ta ở chỗ các đức Phật thuở trước thọ trì đọc tụng kinh này; vì người khác nói, nên mau được vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
*
Đắc-Đại-Thế! Thuở đó bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-ba-tắc, Ưu-bà-di, do lòng giận hờn khinh tiện ta, nên trong hai trăm ức kiếp thường chẳng gặp Phật, chẳng nghe pháp, chẳng thấy Tăng; nghìn kiếp ở địa ngục A-tỳ chịu khổ não lớn. Hết tội đó rồi lại gặp Thường-Bất-Khinh Bồ-Tát giáo hoá đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Đắc-Đại-The á! Ý ông nghĩ sao? Bốn chúng thường khinh vị Bồ-Tát thuở đó đâu phải người nào lạ, chính là nay trong hội này, bọn ông Bạt-Đà-Bà-La năm trăm vị Bồ-Tát; bọn ông Sư-Tử-Nguyệt năm trăm vị Tỳ-kheo; bọn ông Ni-Tư-Phật năm trăm Ưu-bà-tắc, đều bất thối chuyển ở nơi đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác.
Đắc-Đại-Thế! Phải biết kinh Pháp-Hoa này rất có lợi ích cho các vị đại Bồ-Tát; có thể làm cho đến nơi đạo vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Cho nên các vị đại Bồ-Tát sau khi Phật diệt độ phải thường thọ trì đọc tụng, giải nói, biên chép kinh này….” ( Kinh Diệu Pháp Liên Hoa)
( Vị Phật đầu tiên là ai )
Tuệ Tâm 2021.
Hoàng Duy viết
Kính khải bạch Tuệ Tâm ( Cho con sám hối con không biết xưng hô là Thầy/Cô cho đúng lễ)
Mong Tuệ Tâm giải đáp thắc mắc này, trên có đoạn: “Đức Oai-Âm-Vương Phật đó sống lâu bốn mươi vạn ức na-do-tha hằng-ha-sa kiếp” Con từng nghe cũng có kinh nói Đức A Di Đà Phật sống thọ… kiếp và đây là khúc mắc trong lòng con. Đã là Phật tại sao lại có số đếm về thọ mạng. Con nghĩ phải là vô lượng vô biên. Con cố gắng thuyết phục mình tìm hiểu kinh Phật thì không được chấp vào câu từ, chấm phẩy. Nhưng nay con vẫn chưa giải được. Tuệ Tâm hoan hỷ giải đáp giúp con. Nam Mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn cứ gọi Tuệ Tâm là được rồi, không sao hết, đó cũng chỉ là cái danh xưng giả tạm thôi mà.
Mười phương ba đời chư Phật đều có Tam Thân: là Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Hóa Thân. Trong ba thân này thì cái thân có thọ mạng, có sanh diệt chính là Ứng Hóa Thân. Đây chính là thân mà chư Phật hóa hiện dùng để giáo hóa chúng sanh. Như đức Phật Thích Ca hiện tám tướng thành đạo, độ sanh ở cõi Ta Bà này cũng là hóa thân của Ngài. Chớ thực ra Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp về trước. Tại sao chư Phật lại phải dùng Ứng Hóa Thân để giáo hóa chúng sanh? Bởi các Ngài ở trong Diệu giác, chúng sanh ở trong trần lao. Nếu dùng Pháp Thân và Báo Thân để độ sanh thì không thể được, bởi hai lý do chính:
1. Chúng sanh sinh ra do nghiệp lực nên Huệ Nhãn không có, mà không có Huệ Nhãn thì làm sao thấy được Pháp Thân và Báo Thân của Phật? Chúng sanh không thấy được thì Phật giáo hóa làm sao? Ví như ta và Chư Thiên chẳng hạn: Họ ở ngay trên đầu ta, nhưng ta không khai mở được thiên nhãn thì vô phương nhìn thấy họ. Chưa khai mở được Thiên nhãn thì dù có dùng phi thuyền bay lên vũ trụ chỉ thấy toàn cát đá, còn khai mở được rồi thì ngồi dưới mặt đất nhìn lên trời ắt thấy hết lâu các và chư Thiên trong các tầng trời thuộc tam giới.
2. Phật phải dùng Hóa Thân để chúng sanh thấy rằng ai cũng có Phật tánh, cũng đều có thể tu hành thành Phật được. Mà nếu không hóa thân theo chủng loài tất chúng sanh nghĩ rằng: Phật là vị vô hình hay chủng loài nào đó, do vậy mà tín tâm không thể phát khởi. Tín tâm không phát khởi thì không thể nhập được đạo. Lại do hóa thân theo chủng loài nên cũng phải có tay chân mặt mũi, phải có thọ mạng như chúng sanh, không thể khác được. Như đức Thích Ca thị hiện 80 năm rồi cũng phải nhập Niết Bàn. Nhưng Ma Ha Ca Diếp Tôn giả thì hiện vẫn đang nhập định ở núi Kê Túc – Trung Hoa, chờ đức Di Lặc xuất thế. Đệ tử của Phật còn lưu thân hơn 2600 năm nay, há Phật lại có sống chết hay sao?
Cho nên cái vướng về “Thọ Mạng của Phật” mà bạn đang kẹt ấy được gọi là Ứng Hóa Thân của Phật. Bạn đọc thêm bài này để nắm rõ hơn nhé: Tam Thân Phật là gì?
Nam mô A Di Đà Phật
Doãn Minh Đăng viết
Thưa thầy Tuệ Tâm,
Tôi vốn cũng có thắc mắc giống như bạn Hoàng Duy đây thì may thay tìm thấy đáp án thầy đưa ra. Xin cám ơn nhiều lắm! Giải đáp đó giúp tôi minh bạch nan đề nghĩ mãi là không lẽ một vị Phật sau khi trụ thế hằng hà sa số năm rồi cũng nhập diệt thì không lẽ vị Phật đó cũng sẽ chết đi? Mà đã chết đi thì không lẽ lại nhập luân hồi? Giờ thì tôi đã hiểu được là thế nào, lành thay!
Thế nhưng đến đây tôi lại có một thắc mắc nữa là giả sử chúng sinh trong vô số thế giới là một số lượng vô cùng lớn nhưng là cố định giả dụ là N nào đó. N sinh linh đó trải qua luân hồi từ kiếp này sang kiếp khác, cõi này sang cõi khác…Trải qua vô số thời gian thì trong số N sinh linh đó may mắn lại có 1 vị tu thành Phật, thoát khỏi luân hồi.
Cứ như vậy, nếu cứ tiếp diễn vô số thời gian, kiếp luân hồi nữa thì đến một lúc nào đó tất cả N sinh linh đều thành Phật. Như vậy không lẽ không còn Nghiệp? Không còn luân hồi? Vậy khi đó toàn vũ trụ, hiện hữu sẽ thế nào? Liệu giả thuyết đó có thể xảy ra? Phải chăng điều đó không thể thành hiện thực? Nếu vậy thì hoặc là số sinh linh không thể cố định là N? Hoặc là vì lý do nào đó (Nghiệp lực, nhân quả…) cản trở khiến cho Không thể có khả năng tất cả chúng sinh đều thành Phật? Như vậy không phải là chúng sinh đều bình đẳng, chúng sinh đều có Phật tính hay sao?
Kính mong thầy giải đáp dùm nếu có thể! Xin vô cùng cám ơn thầy!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
1.Tam thế mười phương chư Phật đều là đấng toàn giác, nhưng không phải toàn năng và: “Nếu chúng sanh không có duyên thì chư Phật không thể độ được”. Đó chính là lý do tại sao khi duyên độ sanh đã mãn thì các Ngài nhập vào Niết Bàn. Tuy nhập Niết bàn, nhưng không phải các Ngài trụ ở nơi đó mà bỏ rơi chúng sanh, các Ngài vẫn âm thầm độ sanh theo bản nguyện của mình. Ví như Ngài Quán Thế Âm là Cổ Phật, tức là Chánh Pháp Minh Như Lai, nhưng vì bản nguyện Tầm Thanh Cứu Khổ nên Ngài vẫn thị hiện ở mười phương thế giới để độ sanh vậy!
Lại theo quy luật của tự nhiên, chư Phật có ba việc làm được, ba việc làm không được, gọi là “Tam năng tam bất năng”. Các điều ấy là:
1. Chư Phật có thể không tất cả tướng, thông suốt tất cả pháp, nhưng không thể diệt được định nghiệp.
2. Chư Phật có thể biết cùng tận nghiệp tánh của chúng-sanh, rõ thấu tất cả việc trong vô biên kiếp quá khứ và vị lai, song không thể độ những chúng-sanh vô duyên.
3. Chư Phật có thể độ vô lượng chúng-sanh, song không thể độ hết chúng-sanh giới.
Bởi thế, sức người cố nhiên là hữu hạn, nhưng sức Phật vẫn chưa phải toàn năng. Nếu chúng-sanh không tín hướng Ðức Như-Lai, không thực hành đúng theo lời Ngài dạy, thì chư Phật, Bồ-Tát cũng không thể hóa độ được. Cho nên khi đức Thích Ca còn tại thế, vua Lưu-Ly cử binh đến đánh dòng họ Thích, Ðức Thế-Tôn can ngăn ba lần mà không được. Tôn-giả Mục-Kiền-Liên bạch hỏi sao Phật không cứu độ hàng tộc thuộc, thì ngài bảo đó là định nghiệp. Tôn-giả không tin, dùng thần thông đem giấu năm trăm người họ Thích trên cung trời. Nhưng khi Lưu-Ly-Vương dẹp xong hàng Thích-Chủng, thì năm trăm người ấy cũng đều thành huyết mà chết. Ðây là một sự kiện chứng minh sức định nghiệp có công năng tuyệt đối mạnh mẽ.
2.Chúng sanh bình đẳng và đều có Phật Tánh, nhưng do tạo ác nên bị nghiệp chướng ngăn che nên vô cùng khó để khai tâm mà nhập được đạo. Sức che chướng của nghiệp lực vô là vô song, nên kinh Địa Tạng bảo: “Sức che chướng của nhiệp lực có thể ngăn Thánh Đạo” là như thế. Quan trọng hơn: Chư Phật chỉ cách để chúng sanh hóa giải nghiệp lực: Nếu ta tin nghe mà thực hành thì tự giải nghiệp cho mình, còn nếu ta không chịu thực hành thì Phật cũng bó tay, không thể can thiệp được.
Còn chúng sanh đông không thể tính đếm như thế nào thì bạn chỉ cần nhìn một cách đơn giản như thế này: Loài người trên địa cầu hiện nay hơn 7 tỷ, nhưng so với loài ngạ quỷ thì số lượng không thấm tháp gì; so với chúng sanh trong cõi súc sanh cũng vậy; còn như so với số lượng chúng sanh trong Địa ngục thì thật càng vô phương so sánh…Nguyên một Địa Cầu này đã như thế, mười phương thế giới thì trí phàm phu làm sao mà tưởng tượng ra nổi? Mà bạn xem: Bảy tỷ người trên thế gian này có được bao nhiêu người biết đến Phật Pháp đâu?
Vài lời ngu muội, có gì chưa thuận, mong bạn tùy hỉ! Nam mô A Di Đà Phật.
Doãn Minh Đăng viết
Xin cảm ơn thầy đã giải đáp!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Lê viết
Dạ.Thưa ngài,con là một phàm phu trí huệ không có,chỉ biết hằng ngày niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc chứ không biết làm điều chi khác.Con mê muội có 1 câu hỏi:Vì sao tất cả các vị Phật đều là nam mà không có 1 vị Phật nào là nữ ạ.Xin ngài hãy giải đáp giúp con.Con kính chúc ngài thân tâm luôn an lạc
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm cũng chỉ biết sơ sơ thôi, nhưng mà để diễn đạt được cái sơ sơ ấy mà khiến người sơ cơ không bị hiểu lầm thì thật không hề đơn giản. Theo Tuệ Tâm thì thắc mắc này bạn để sau này về Cực Lạc, hỏi Phật A Di Đà sẽ tốt hơn, giờ biết có giải quyết được gì đâu?
Lê viết
Dạ
Lê viết
Dạ