Con Rồng thật sự tồn tại, nhưng nếu không khai mở được Ngũ Nhãn, bạn không cách chi nhìn thấy chúng cho được. Loài này có khả năng linh thông biến hóa, nhưng trong lục đạo vẫn nhiếp về nẻo súc sanh. Người thế gian nghe đến Rồng thì hoặc nghĩ rằng đó là chuyện thần thoại, hoặc nghĩ rằng chúng cao siêu tôn quý… Hài hước hơn, mấy vị ham lô đề còn hỏi: “Mơ thấy Rồng đánh con chi?” Sự thật thì:
“Loài Rồng tuy linh thông biến hóa nhưng chỗ khổ vui sâu cạn đều khác biệt, chẳng khác chi loài người. Vì thế trong kinh, Sa-kiệt-la Long vương nói: “Cùng trong loài rồng, có khi được hưởng phước báo như các vị thiên thần, có khi chịu khổ não như ở địa ngục, cũng có khi đồng như loài người hoặc súc sinh, ngạ quỷ, mỗi mỗi đều tùy theo nghiệp đời trước mà thọ báo ứng.” Ngay cả những vị có đại phước báo như Long Vương, thọ dụng các trân vị như hương phạn, cam lồ, nhưng miếng ăn sau rốt hóa thành ếch nhái.”
- Tu tiên và đạo giáo – góc nhìn từ Phật pháp.
- Đạo Tuyên Luật Sư cảm thông lục.
- Tứ Đại Thiên Vương là những ai.
- Linh hồn người chết là gì.
- Kinh Lương Hoàng Bảo Sám.
- Chuyện hàng phục Hồ Ly Tinh.
- Hiện tượng Năm mươi Ấm Ma giảng giải
Muốn thấy được con Rồng thật phải khai được Ngũ Nhãn
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Hình dáng của rồng thật sự ra sao? Ngoại trừ các bậc thánh nhân đã khai Ngũ Nhãn, đa số người đời đều không biết mặt mày thật sự của rồng. Trung Quốc người ta vẽ rồng thường là đầu có sừng, mình có vảy, mắt lồi, miệng lớn, có râu mép, có bốn chân, thân hình rất dài, đuôi rất ngắn. Người vẽ rồng chỉ vẽ đầu rồng mà không vẽ đuôi rồng để biểu thị vẽ thần bí, bởi:
Thần long kiến thủ bất hiện vĩ.
(Rồng thần thấy đầu mà chẳng thấy đuôi.)
Vì sao người Trung Quốc vẽ rồng như vậy? Bởi đã có một vị Thiền Sư trong khi nhập định thì trông thấy hình tướng của rồng như thế. Rồng có thần thông, biến hóa khôn lường, có thể biến lớn biến nhỏ, lúc ẩn lúc hiện. Lục Tổ Ðại Sư đã từng dùng bát ăn cơm của Ngài để hàng phục một con rồng lớn và trừ được tai nạn cho Chùa Nam-Hoa.
Rồng là một côn trùng lớn, bởi thuở xưa tu hành thì “Thừa cấp” (mau mắn về tu hành Ðại-thừa) nên có được thần thông, nhưng lại “Giới hoãn” (chậm chạp, không tinh tấn về Giới Luật) nên bị đọa làm súc sanh.
Đại lược về các chủng loại Rồng
Rồng có nhiều chủng loại khác nhau, kim-long (rồng vàng), bạch-long (rồng trắng), thanh-long (rồng xanh) và hắc-long (rồng đen). Rồng có thể được sanh ra từ thai bào, từ trứng, từ sự ẩm thấp, hoặc từ sự biến hóa. Lại còn có cầu-long (rồng có sừng), ưng-long, giao-long (thuồng luồng), ly-long (rồng đen); thiên-long, địa-long, vương-long, nhân-long; và còn có cả ngư-hóa-long (rồng do cá biến hóa thành), mã-hóa-long (rồng do ngựa biến thành), tượng-hóa-long (rồng do voi biến hóa thành), và hạp-hóa-long (rồng do cóc biến hóa thành) nữa.
Loài rồng phải chịu bốn thứ khổ:
1. Bị đại bàng kim sí điểu sở thốn khổ. ( Khổ vì bị chim đại bành kim sí điểu ăn thịt.)
2. Giao vĩ biến xà hình khổ. ( Khi giao hợp, rồng bị biến thành rắn. Sự biến hình này vô cùng đau đớn, khổ sở.)
3. Tiểu trùng giảo thân khổ. ( Khổ vì bị các loài trùng nhỏ ẩn trong vảy rồng cắn rỉa, hút máu.)
4. Nhiệt sa tháng thân khổ. ( Khi trời nắng gắt, những đất cát dính trong vảy rồng đều bị nung nóng bởi ánh nắng mặt trời, làm cho rồng bị ngứa, xót rất khổ sở.)
Nhiệm vụ của Rồng là làm mưa
Nhiệm vụ của rồng là “bố vân giáng vũ,” giăng mây làm mưa. Tuy nhiên, có năm trường hợp rồng không thể làm mưa được.
1. Hỏa đại tăng thạnh. ( Yếu tố “lửa” gia tăng mạnh mẽ.)
2. Phong xuy vân tán ( Gió thổi làm mây tan mất.)
3. A-tu-la thu vân nhập hải. ( Bị loài A-tu-la thâu mây vào biển.)
4. Vũ sư phóng dật. ( Thần mưa buông lung.)
5. Chúng sanh nghiệp trọng. ( Nghiệp chướng của chúng sanh quá nặng nề.)
Làm thế nào để nhìn thấy Rồng thật.
Các bạn muốn biết hình dáng của rồng ư? Thế thì, các bạn cần phải nỗ lực tu hành, dụng công ngồi thiền. Khi Ngũ Nhãn khai mở, các bạn sẽ thấy được bản lai diện mục của rồng thật. Bây giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe một công án về rồng. Ðây là một câu chuyện xảy ra cho chính bản thân tôi, hoàn toàn có thật, tuyệt đối không phải là chuyện bịa đặt.
Khi còn ở Ðông Bắc, tôi có thâu nhận một người đệ tử tên là Quả Thuấn. Anh ta rất dụng công tu hành và chưa tới nửa năm đã có thể ngồi Thiền mà nhập Ðịnh được. Trong lúc nhập Ðịnh, anh ta có thể biết được đạo lý nhân quả tuần hoàn báo ứng. Công phu tu trì của anh kể như gần tới nơi tới chốn.
Về sau, anh ta ra ngoài tự cất một căn nhà tranh làm nơi tu hành. Ngày làm xong nhà tranh, anh mời tôi tới khai quang. Tôi cùng bốn người đệ tử nữa tới đó. ( Trong bốn người ấy có hai người đã mở Ngũ nhãn). Lúc ấy tôi không để ý là bên cạnh nhà tranh có ngôi miếu Long-vương.
*
Ngày hôm đó thì có chuyện xảy ra: Khi chúng tôi sắp ngồi Thiền thì hai người đệ tử đã mở Ngũ nhãn nọ đến nói với tôi: “Bạch Sư phụ! Có mười con rồng đến xin quy y Sư phụ, hiện còn chờ bên ngoài nhà tranh!”
Tôi nói với mấy người đệ tử: “Các ông không được nói bậy! Sao các ông biết họ là rồng? Họ quy y tôi làm gì chứ? Tôi làm sao có thể làm Sư Phụ của họ được? Tôi không có bản lãnh cao cường như họ!”
Họ nói: “Bọn họ tự xưng là rồng, hiện đang quỳ bên ngoài, nhất định xin quy y Sư phụ.”
Bấy giờ đang vào mùa hạ, trời hạn hán, không mưa, lúa mạ ngoài đồng gần như chết khô cả. Tôi mới nói với các vị rồng (hóa thành người) ấy rằng: “Các vị muốn quy y tôi cũng được, song tôi có một điều kiện. Các vị là rồng, chuyên lo việc làm mưa, mà hiện tại vùng Hợp Nhĩ Tân đã lâu không có mưa nên khô hạn vô cùng. Ngày mai nếu có mưa, thì ngày mốt tôi sẽ cho các vị thọ Quy y. Nếu không thì tôi không nhận các vị làm đệ tử!”
*
Chúng đồng thanh đáp: “Bạch Thầy! Ðành rằng nhiệm vụ chúng tôi là làm mưa. Nhưng không có lệnh của Ngọc-hoàng Ðại-đế thì chúng tôi không dám làm mưa. Vì nếu trái lệnh thì sẽ bị trừng phạt.”
Tôi nói: “Các vị hãy tới trước Ngọc-hoàng Ðại-đế thưa rằng: “Tại Hợp Nhĩ Tân có một người xuất gia thỉnh cầu hãy cho mưa xuống trong vòng bốn mươi dặm xung quanh Hợp Nhĩ Tân.” Ðó là điều kiện của tôi.”
Ngày hôm sau quả nhiên trời mưa lớn và hết nạn hạn hán. Khắp nơi trong vòng bốn mươi dặm xung quanh Hợp Nhĩ Tân đều được trận mưa rào.
Ngày tiếp theo, tôi cho mười con rồng ấy thọ Quy Y và đặt Pháp danh chung cho chúng là Cấp Tu. Sau khi quy y thì những con rồng ấy ẩn hình, không thấy nữa. Chúng đã đi hóa độ đồng loại của chúng.
*
Từ đó về sau, bất luận là tôi đi tới nơi nào thì nơi ấy đều có nước để dùng! Tôi tới Hương Cảng thì Hương Cảng có nước. Tôi tới Vạn Phật Thánh Thành thì Vạn Phật Thánh Thành cũng có nước. Ðó không phải là kỳ tích xuất hiện, mà chính là do mười con rồng này cùng quyến thuộc của chúng hộ Pháp.
Có người hỏi: “Bạch Sư phụ! Sư Phụ nhìn thấy mười con rồng ấy hình dạng ra sao?”
Khi đến quy y tôi thì những con rồng ấy điều biến hóa thành người, giống hệt như người thường vậy, chẳng có khác biệt cả. Chỉ có người đã mở Ngũ Nhãn thì mới biết đó là rồng thôi. Các bạn muốn biết rồng thật ra sao ư? Thế thì hãy mau mau dụng công tu Ðạo. Hãy chuyên tâm ngồi Thiền, bớt khởi vọng tưởng, đừng nên nổi nóng. Và bất luận gặp phải nghịch cảnh hay thuận cảnh thì cũng đều nên nhẫn nại, chớ sanh lòng tham luyến.
Khi đạt tới cảnh giới “nhất niệm bất sanh, nhất trần bất nhiễm.” ( Một ý niệm cũng không sanh, một hạt bụi cũng chẳng dính.) thì tự nhiên Ngũ Nhãn sẽ khai mở. Bấy giờ, các bạn sẽ thấy tường tận mặt mày của rồng!” (Khai Thị – Hòa Thượng Tuyên Hóa)
Chuyện Văn Xương Đế Quân bị đọa làm con Rồng mù
Bài giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa ở trên đã rất chi tiết về loài Rồng. Tôi định kết thúc thì một bạn đạo bảo: “Trích dẫn thêm một vài câu chuyện hầu bạn đọc. Việc ấy có thể giúp họ vững tín tâm nơi chánh pháp của Như Lai.” Tôi định trích ít chuyện chư Tổ sai rồng làm mưa cứu chúng sanh, nhưng lại e thời đại này người ta chẳng tin lại sanh tâm hủy báng. Tới lui một hồi rồi quyết định trích chuyện Văn Xương Đế Quân bị đọa làm Rồng mù. Tuy một kiếp đau thương làm rồng, nhưng ẩn nhiều ý nghĩa về nhân quả. Mong rằng câu chuyện dưới đây mang lại chút lợi lạc nào đó cho bạn đọc.
“Đế Quân kể rằng: Ta thấy nhà Tần trị dân theo lối tàn khốc, xem dân như cỏ rác, liền tấu trình lên Ngọc Đế, xin được hóa thân xuống trần thế để dẫn dắt thiên hạ trong chốn lầm than, đưa người người đến chỗ an cư lạc nghiệp. Ý trời khó biết, lại khiến ta làm người nối dõi của Xích Đế Tử. Uy trời đáng sợ, ta không dám cưỡng mệnh. Chợt có vị Đại thần Cửu Thiên Giám Sanh đến buộc ta phải thác sanh xuống trần thế ngay.
Giữa điện Vân Tiêu, ta nhìn xuống thấy lửa cháy thiêu cung A Phòng của nhà Tần đã tàn rụi, trong cung điện mới lại thấy Hán Đế vừa cùng Thích Cơ gặp gỡ thân mật. Đại thần Giám Sanh bảo ta: “Đó chính là Xích Đế tử.” Ta vừa đưa mắt nhìn cho rõ, liền bị Đại thần Giám Sanh đẩy xuống.
*
Ta ngã nhào, rơi xuống bên cạnh Hán Đế, nhằm bụng Thích Cơ. Hốt nhiên đến lúc nhận biết thì đã thành người. Hán Đế từ lúc sinh ta, được cùng ta thần cốt tương tợ nên hành vi cử chỉ đều lộ vẻ phi phàm, về sau hết sức thương yêu ta. Đến khi tuổi già, có ý muốn lập ta làm thái tử, nhưng việc ấy cuối cùng không thành tựu.
Hán Đế mất rồi, ta bị Lã Hậu sát hại. Mẹ ta cũng bị Lã Hậu giết chết một cách tàn độc đáng sợ. Ta vì quá mức oán hận nên mỗi khi nghĩ đến việc này chỉ muốn hóa làm loài đại mãng xà suất nhiên để nuốt sống hết toàn gia tộc họ Lã vào bụng mới thỏa lòng. Lã Hậu sát hại. Mẹ ta cũng bị Lã Hậu giết chết một cách tàn độc đáng sợ. Ta vì quá mức oán hận nên mỗi khi nghĩ đến việc này chỉ muốn hóa làm loài đại mãng xà suất nhiên để nuốt sống hết toàn gia tộc họ Lã vào bụng mới thỏa lòng.
Ta từ sau khi gặp cái họa Lã Hậu, trong lòng luôn nghĩ đến chuyện trả thù báo hận, không nhớ gì đến quá khứ đã từng tu tập chánh đạo. Tuy nhà họ Lã sau khi chết đã phải chịu sự trừng phạt khổ sở nơi âm ti, nhưng mối oan nghiệt với ta vẫn chưa dứt hết, nên lại thác sinh gặp nhau ở một bến sông vùng Đông Hải, thuộc huyện Cung Trì.
Tái sanh làm Rồng
Con ngựa của quan huyện lệnh chính là Lã Hậu tái sinh. Mẹ ta là Thích Cơ ngày trước, cũng sinh ra tại huyện này, vẫn mang họ Thích, nhưng do đời trước thụ hưởng phước báo quá đáng nên đời này phải chịu cảnh nghèo cùng, tiều tụy. Bà lấy chồng họ Trương, lớn tuổi rồi vẫn chưa có con, vợ chồng nương nhau làm nghề cắt cỏ mà sống.
Một hôm, bà ra cắt cỏ ngoài đồng trống, chợt nghĩ đến việc mình tuổi tác đã cao mà vẫn chưa có con, trong lòng hết sức bi thương, rơi lệ khóc than, cầu nguyện với trời cao, lại cắt tay lấy máu nhỏ lên một hòn đá trong ao nơi đó rồi khấn rằng: “Nếu như dưới hòn đá này có con vật nào đang sinh sống, xin hãy về làm con ta.”
Ta lúc ấy xúc động vì tấm lòng thành, bất giác thần thức lập tức chuyển nhập vào chỗ máu tươi. Hôm sau bà trở lại nhìn nơi hòn đá thì thấy vết máu đã hóa thành một con rắn thân dài một tấc, màu vàng lấp lánh, chính là ta đã thác sinh. Mẹ ta mang ta về nuôi dưỡng, qua một năm thì trên đầu rắn bỗng mọc ra sừng, dưới bụng mọc chân, lại có khả năng biến hóa. Mỗi khi trời muốn mưa, ta lại dùng sức biến hóa cùng hỗ trợ. Thân ta ngày càng dài to, bụng càng lớn, mỗi khi gặp các loài dê, ngựa, chó, lợn… liền ăn nuốt cả.
*
Quan huyện có một con ngựa hay, chính là Lã Hậu tái sinh, ta bắt được cắn chết. Quan huyện liền bắt cha mẹ ta giam vào ngục, kỳ hạn trong 3 ngày nếu chưa bắt được ta sẽ xử 2 người tội chết.
Hôm sau, ta liền hóa thành một nho sinh tìm đến xin gặp quan huyện, khuyên ông ta thả người. Quan huyện nói: “Vợ chồng lão họ Trương nuôi dưỡng con yêu xà, ăn nuốt gia súc dân làng đã lâu, nay lại ăn cả ngựa của ta. Ta muốn vì dân trừ hại, nhưng họ không chịu giao nó ra. Đó là họ tự làm yêu nghiệt, phải xử tội chết.”
Ta nói với quan huyện: “Vật mạng bồi thường cho nhau, đều do nghiệp đời trước mà thành. Nay ông muốn vì súc vật mà giết mạng người, như vậy được chăng?”
Quan huyện quát đuổi ta ra. Ta nói: “Trên mặt ông đã hiện tử khí, hãy khéo tự lo cho mình đi.”
Nói rồi biến mất. Quân hầu đứng quanh đó đều cho là yêu ma.
Ta liền trình lên Ngọc Đế kêu oan, kể lại việc đời trước mẹ con ta vô tội mà bị người nhà họ Lã hại chết, nay muốn báo thù rửa hận.
*
Sự việc trình lên chưa được Ngọc Đế trả lời, nhưng ta khí hận ngút ngàn không kiềm chế được, liền biến hóa làm mưa gió, kéo mây đen vần vũ mù mịt, lại mượn nước biển lớn đổ vào thành ấp, trong vòng bốn mươi dặm đều ngập chìm mênh mông. Trước đó ta đã hóa hiện vào trong ngục thất, đưa cha mẹ ta thoát ra. Việc này xảy ra vào thời Hiếu Tuyên Đế của triều Tây Hán, trong sử sách có ghi lại trận lụt Hãm Hà chính là việc này. ( 74 đến năm 49 trước Công nguyên)
Ta mang việc oán cừu với Lã Hậu trình lên Ngọc Đế, chưa nhận được ý trời mà đã tự hành động, tuy nhất thời rất thích ý, nhưng ngay sau đó bình tâm nghĩ lại liền hối hận. Hôm sau, Ngọc Đế hạ thánh chỉ, nhân vì hải thần là Triều Hoành tâu lên việc ta tự ý sử dụng nước biển, hại chết hơn 500 hộ dân thường, tính ra đến hơn hai ngàn mạng người, trừ ra trong đó 80 người là có thù oán với ta, còn lại bao nhiêu đều là chết oan uổng cả.
Ngọc Đế trách phạt, bắt ta làm con rồng ở Cung Trì, giam hãm trong một vùng nước đọng. Do hạn hán nhiều năm, sông ngòi cạn kiệt, nước hóa thành bùn. Thân ta khi ấy to lớn, không hang lỗ nào chui lọt. Mặt trời từ trên không ngày ngày chiếu xuống thiêu đốt thân ta, nóng bức khổ não; trên thân thì tám mươi bốn ngàn cái vảy đều có loài trùng nhỏ sinh ra trong đó, cắn rứt không thôi. Ta khốn khổ cùng cực như vậy, không còn biết đến ngày qua tháng lại.
Rồng gặp Phật được cứu độ
Một buổi sáng sớm kia, ta nghe khí trời chuyển sang mát dịu, như có gió lành thổi đến, rồi bỗng nhiên ánh trời tỏ rạng, mây lành năm sắc hiện ra trôi qua bầu trời, trong mây hiện các điềm lành, tỏa chiếu những quầng sáng màu tía, màu vàng, lại hiện nhiều tướng trạng vi diệu, hào quang rực rỡ xưa nay chưa từng thấy. Lại thấy các vị sơn thần, thủy thần, cho đến tất cả thần thánh đều tề tựu đến khấu đầu lễ bái, hoan hỷ tán thán. Lại có hương thơm cõi trời lan tỏa, hoa trời rơi xuống khắp nơi, những chỗ hoa rơi chạm đất đều hóa thành cảnh sắc tươi tốt như mùa xuân.
Khi ấy ta bỗng nghe thân hình thay đổi, mắt sáng tai thính, các giác quan đều trở nên tinh tường, tâm được thanh thản, miệng lưỡi tươi nhuận, có thể phát được thanh âm. Ta lập tức ngẩng đầu kêu khóc, cầu xin được cứu độ. Các vị thần thánh đều bảo ta rằng: “Đó là bậc Đại Giác Thế Tôn ở Tây Thiên Trúc, đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Nay mang giáo pháp lưu hành về phương đông này. Ông đã được gặp Phật, nghiệp xấu trước đây có thể được hóa giải.”
*
Ta liền tung người nhảy vọt lên, bay vào giữa ánh hào quang, mang hết những sự việc nhân quả báo ứng đã qua bạch rõ lên đức Phật. Thế Tôn liền dạy: “Lành thay! Ông xưa nay thường là con hiếu tôi trung, làm lợi lạc cho rất nhiều người, chỉ vì chấp tướng nhân ngã mà buông thả tự thân làm việc tàn hại. Nay có còn ôm giữ sự phân biệt kẻ oán người thân, khởi sinh tâm niệm ngu si sân hận nữa chăng?”
Ta nghe lời Phật dạy chí lý, tâm địa tức thời khai thông sáng suốt, không còn phân biệt nhân ngã, hết thảy vọng niệm nhất thời dứt sạch. Tự nhìn lại thân mình, hốt nhiên đã theo các vọng niệm mà cùng lúc mất đi, trở lại thân nam nhi ngày trước, đạt được trí quán đảnh, liền quy y Phật…( An Sĩ Toàn Thư )
Tuệ Tâm 2022.
Lê Khánh Linh viết
Nam Mô A Di Đà Phật
Con đã từng chiêm bao thấy Rồng
Hôm đó con bị một người đàn ông truy đuổi, con lập tức chạy vào nhà nọ. Nhà đó rất cổ, xây dựng như cái đền ở Trung Hoa. Trong nhà có một bà nọ, mình cao và mặc đồ cổ trang, mặc hơi dữ… Bà làm phép biến ra hình tròn âm dương để đẩy lùi người đàn ông đó. Tiếp theo lại có thêm 1 đám người chạy vào đánh con, bà lại hóa phép cho 1 con Đại Bàng toàn thân ánh vàng đánh đuổi đám người đó. Tiếp tục, một đàn ngựa đen từ ngoài vào đuổi con, con chạy vào trong nhà bà để trốn. Ngay sau đó, một con Rồng nhỏ, và chỉ dài chừng gần 2 mét, có chân, toàn thân vàng nhạt lấp lánh. Nó bay vô cùng nhẹ nhàng và ngay lúc nó bay ra thì đám ngựa liền biến mất. Lúc con Rồng bay ra thì không khí ở đó thuần khiết và tĩnh mịch vô cùng! Ngay sau đó con tỉnh dậy. Con đọc những lời dạy của Thầy thì con biết không nên bám chấp vào bất kì giấc mơ hay ý nghĩ nào cả. Nhưng mỗi khi con nghĩ về giấc mơ thì thấy rất vui và an lạc. Nam Mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Người học Phật do huân tập hạt giống thanh tịnh vô lậu vào nơi tạng thức, cho nên nhiều khi cảnh giới hiện ra trong giấc mơ, có người hiện ra ngay cả lúc thức. Năm xưa khi Tuệ Tâm còn tinh tấn tụng chú Đại Bi, cũng có lần ngửi được hương thơm không phải ở cõi người. Về sau duyên đọc được lời khai thị của Ngài Thiền Tâm và Ngài Tuyên Hóa mới thấu hiểu rằng không nên chấp tâm vào cảnh giới, do đó mà cũng thường khuyên người phá chấp. Chúng ta vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong sanh tử, thân từng ở khắp các cõi giới và cũng mang đủ thân của muôn chủng loài. Có lúc làm chúng sanh nơi địa ngục, lúc mang lông đội sừng, lúc ở trong loài rồng, lúc làm a tu la, chư thiên…Thỉnh thoảng nhớ về một giấc mơ đẹp cũng tốt, nhưng đừng khởi tâm mong cầu lại mơ thấy lần nữa mà sanh chướng ngại nhé!
Nam mô A Di Đà Phật.
Đỗ Văn Học viết
Cho e hỏi là trong chuyện có đoạn Thầy dạy mọi người cách khai mở ngũ nhãn đúng ko ạ? Vậy tại sao Thầy chưa lại chưa mở được, trong khi 2 đệ tử của thầy lại mở được rồi ạ
Thứ 2 là Ngọc hoàng có quản lý chuyện nắng mưa ở cõi trần ko ạ vì 1 ngày nơi Ngài ở bằng 100 năm cõi người rồi?
Xin cảm ơn ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Vì bạn đọc chưa kỹ và cũng chưa biết nhiều về Phật pháp nên hỏi vậy mà thôi. Hòa Thượng Tuyên Hóa là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Phật nhãn Ngài còn có nữa là mấy thứ lặt vặt ấy! Ngài nguyên là Cổ Phật, hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, vì lòng từ bi nên thị hiện thân Bồ Tát để độ chúng sanh. Tuệ Tâm hay chia sẻ pháp của Ngài là bởi lời Ngài là chân thật ngữ! Còn chuyện về Ngài Ngọc Hoàng chẳng có chi lạ lùng, các cõi chư thiên không phải như bạn xem trên Tây Du Ký đâu, hết thảy đều vi diệu và mầu nhiệm…Bạn gắng tinh tấn tu trì, một mai thân tâm vào tịch tĩnh, đạo nhãn khai mở, sẽ thấy hết biết hết mà thôi. Tuệ Tâm cũng chỉ là phàm phu, mấy thứ ấy không biết nên chẳng thể trả lời bạn được. Mong bạn tùy hỉ!
Đỗ Văn Học viết
Lại dịp nhắc đến chuyện Tây du Ký. Xin hỏi Tuệ Tâm, trong phim thì Quan âm là đệ tử của Phật Thích ca, còn trong sách thì Ngài là đệ tử Phật A Di Đà. Vậy như thế nào là đúng ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tây Du Ký do mấy cha đạo sĩ viết bậy, dùng để hủy báng Phật pháp, thì được nhiều người xem. Còn cuốn Tây Du Ký thực sự của Pháp sư Huyền Trang thì rất ít người biết đến. Âu cũng là do ác nghiệp của chúng sanh vậy. Ngài Quán Thế Âm là cổ Phật, chỉ thị hiện thân Bồ Tát để độ sanh thôi. Theo quy luật của tự nhiên, mỗi một cõi Phật độ chỉ có một vị Phật duy nhất. Cho nên bạn hiểu Ngài Quán Thế Âm là đệ tử của Phật A Di Đà cũng được.