Người tu tại gia thân vướng lưới thế gian, công việc đa đoan, gia quyến bận buộc. Thông thường việc học đạo trước siêng năng, sau hay sanh biếng trễ. Lắm người khi mới phát đạo tâm, lòng tín thành sức dõng mãnh dường như Bồ Tát. Nhưng lần lần trong do nghiệp lực, ngoài bị cảnh duyên, ý khinh mạn bị biếng trễ nổi lên, mỗi niệm đều là chúng sanh. Lâu dần thối mất đạo tâm, bỏ luôn cả học Phật, thật là đau xót!
Những điều Phật tử tu tại gia nên biết
Đại khái phần đông chúng ta vì chưa nhận thức rõ cuộc đời ngũ trược, nên khi chạm mặt với sự thật, dễ bị thối tâm. Lại người tu tại gia do không có định lực, ít đọc tụng kinh sách nên trí huệ vô phương khai mở, tà kiến lẫy lừng, xin hãy hết sức lưu tâm.
1.Phật tử tu là tu cho mình
Nhiều Phật tử tại gia bởi thấy có những tăng ni hành không đúng pháp, rồi nản chí bỏ đạo, không muốn tiếp xúc với người xuất gia. Hoặc sanh lòng ngã mạn, bảo chỉ quy y Phật, Pháp, không quy y Tăng. Lại nhiều bà Phật tử khi nghe phong thanh thầy mình có điều gì. Chưa thấu đáo tình lý việc ấy ra sao, đã vội bỏ ăn chay niệm Phật tụng kinh.
Họ chưa nắm vững lẽ đạo, không biết rằng tu cho mình chớ đâu phải tu cho thầy. Bỏ tu hành chỉ tự làm thiệt hại, nào có tổn thất đến ai? Luận chung: Những tâm niệm bi phẫn buồn chán như trên đều sai lầm, thiếu lập trường vững chắc. Bởi dù đời hay đạo, bậc chân chánh thiện lương tuy là ít, nhưng chẳng phải không người. “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”, đừng lấy cớ một phần tử lỗi lầm, mà cho rằng tất cả đều sai quấy.
Người hư Đạo không hư
Lại: “Nhơn hư đạo bất hư”. Dù tất cả người đều sai lạc, đạo vẫn là con đường sáng suốt làm bước tiến tốt đẹp cho mình. Vậy nên trước khi phê bình người nên tự xét mình đã được hoàn hảo chưa, hay sự thật còn kém hơn kẻ mình chỉ trích. Nên có lượng xót thương xả thứ, không nên đem lòng trách người trách mình. Nên dùng tâm thứ dung mình mà thứ dung cho người. Chớ lấy đá liệng kẻ lỗi lầm, khi chính mình cũng còn nhiều lầm lỗi. Lại tiêu điểm trước tiên của đường tu là lo cứu mình, tìm lối tự giải thoát. Nếu vì một đối tượng nào bên ngoài mà bỏ luôn cả chính mình, có phải là mê muội chăng?
Cho nên người tu tại gia nên có sự nhìn thấu suốt, hằng lo giữ đúng như bổn phận. Tự sanh lòng trung thật, từ bi, xả thứ. Thẹn cho mình nghiệp chướng hãy nhiều, thương cho người còn ở trong vòng chìm mê phiền não. Luôn luôn nắm vững chí nguyện, gắng tìm phương tự độ độ tha. “Từ bi hỷ xả là nhà, trí huệ, phương tiện là cửa”. Không vì chúng sanh nhiều phiền não, đường tu nhiều trở ngại gian lao mà thối thất đạo tâm. Có sự nhận thức như thế, mới vượt qua được chướng ngại để vững bước trên đường tu.( Niệm Phật thập yếu)
2.Tu tại gia phải cẩn thận với tà kiến
Nhiều người bảo: Khi thỉnh tượng Phật hoặc tượng Bồ Tát về nhà phải chọn ngày giời và khai quang cho tượng, nếu không sẽ chiêu họa cho gia đình. Đây là loại tà kiến mà người tu tại gia hay phải nghe nhất, xin bạn chớ tin! Nếu “đem tượng Phật vào nhà không đúng giờ sẽ chiêu họa tai đến cho gia đình”, thì liệu còn ai dám thờ Phật nữa?
Chúng ta là Phật tử tại gia, ngàn vạn lần chớ có tuyên truyền cái luận thuyết hồ đồ làm lầm lạc người như thế! Truyền điều mê lầm thiếu trí tuệ, thiếu hiểu biết thì sẽ thành là ác tri thức! Nếu bạn cứ dùng thuyết sai lầm này đề hướng dẫn người tức là làm trái nhân quả đấy!
Lại có người nói tu tại gia thì không được tụng “Kinh Địa Tạng” ở nhà, vì vừa tụng kinh thì quỷ liền đến. Rồi còn nói chỉ được thờ Phật ở trên lầu cao nhất, nếu thờ dưới nhà là phạm lỗi không cung kính. Hoặc bảo chú Lăng Nghiêm phải tụng lúc 3-5 giờ sáng, phải thế này, phải thế kia…
Đây toàn là tà thuyết gây chướng ngại cho người tụng kinh, trì chú, thờ Phật!
Thờ Phật tại gia và khai quang tượng Phật
Có lẽ người nói có lòng tốt, nhưng tuyên truyền như vậy lại thành trự giúp ma vương mà không hay. Bạn nên hiểu, giờ nào cũng đều có thể thỉnh Phật vào nhà. Còn chuyện khai quang tượng Phật chỉ là hình thức mà thôi. Nên biết, Phật không cần chúng ta khai quang! Ý nghĩa khai quang là biểu minh rằng: Kể từ hôm nay ta bắt đầu lễ Phật, học Phật. Nếu cứ nói “không khai quang Phật chẳng hiện hữu” là quá sai lầm!
Thờ Phật tại gia giúp chúng ta lúc nào cũng được nhìn thấy tượng Phật. Điều này luôn nhắc nhở ta rằng mình là Phật tử, nên làm gì cũng phải có chánh tri chánh kiến. Điều cần làm nhất, thờ phụng tốt nhất chính là: Phật tử tại gia phải ngưng dứt tham sân si, siêng tu giới định huệ.
*
Cho nên khi thỉnh tượng Phật về nhà, ta chỉ cần đặt bàn thờ nơi sạch sẽ thanh tịnh là được. Sau khi bày hương hoa, dâng hương đảnh lễ Phật xong, là xem như khai quang rồi! Người có thiên nhãn sẽ nhìn thấy tượng Phật phóng kim quang. Khi Tượng Phật thỉnh về được ta dùng tâm cung kính đảnh lễ rồi sẽ khác đi. Chính xác là Phật Bồ tát sẽ phân thân hiện hữu tại đó.
Thỉnh Phật về rồi, trong lúc lễ, bạn có thề tụng kinh, trì chú hoặc niệm Phật, đều tốt cả. Tóm lại, bạn cho rằng làm sao trang nghiêm thanh tịnh nhất là được! Sau khi thỉnh tượng Phật về rồi, bạn cần nghiêm trì ngũ giới, hành thập thiện, cuộc sống sẽ muôn phần tốt đẹp. Ngược lại, nếu tu tại gia mà bạn cứ chấp chặt vào hình thức, không thực sự hành trì thì Phật cũng chẳng giáng lâm nơi nhà bạn!
3.Tu tại gia như thế nào là đúng
Người tu tại gia do hiểu nhân quả nên luôn muốn người thân cũng được lợi ích như mình. Tuy vậy do không uyển chuyển trong cách hành trì nên tự gây cho mình nhiều chướng ngại. Nhiều vị bị người thân phản đối, thậm chí buông lời hủy báng Phật pháp. Ta muốn tốt cho họ nhưng không khéo léo nên vô tình khiến họ chịu tội báng Phật, báng pháp. Nên cần hết sức lưu ý chuyện này.
Tuệ Tâm tôi trước cũng mắc lỗi này, nên mỗi lần đọc lại câu chuyện dưới đây vẫn cảm thán không nguôi, xin đưa lên để cảnh tỉnh quý đồng tu.
Tu không nên độc tài
Một buổi chiều nọ Hòa thượng Diệu Pháp mới vừa an tọa. Một Phật tử tóc điểm muối tiêu tiến tới quỳ xuống. Ông hướng về Hòa thượng kể chuyện của mình, cầu xin chỉ dạy.
Ông kể mình vừa bắt đầu hướng dẫn vợ con bước vào đường học Phật thì đã nhanh chóng dứt bỏ ăn mặn. Toàn bộ thời gian rảnh ông đều dùng vào việc tụng kinh hoằng pháp lợi sinh, tu tập tinh tấn. Việc học Phật đem lại cho toàn gia ông nhiều lợi lạc. Gần 10 năm nay, trong gia đình luôn bình an hòa thuận, cả nhà không hề bị bệnh tật chi.
Năm ngoái, có một bác sĩ bảo ông:
– Mười năm nay anh không ăn thịt, nhất định là thiếu dinh dưỡng. Anh tự cho mình không bịnh, thì thấy như không có bịnh. Nếu anh đi viện kiểm tra máu mà không có vấn đề chi thì chúng tôi sẽ niệm Phật, ăn chay theo anh!
Dưới sự cổ vũ của bạn đồng tu, ông bèn làm cuộc kiểm tra. Lúc lấy phiếu xét nghiệm, ông hỏi nhân viên: “Máu tôi có vấn đề chi không?”
Họ đáp: “Có, năm nay ông tuổi gần 60, mà máu lại giống như người hai ba mươi tuổi, vậy là không bình thường.”
Nhưng vì sao họa tới
Ông mới đầu hơi ngẩn ngơ một chút, sau đó bật cười. Khi đem kết quả tới cho mọi người xem, ông bảo:
“Nếu xét theo tiêu chuẩn người ăn mặn, thì máu tôi đương nhiên là bất thường. Bởi vì suốt mười năm nay tu tại gia, tôi không động đến rượu thịt, thuốc hút, nên máu tôi đã được thanh lọc, tịnh hóa. Chúng ta ăn chay tức là đang tịnh hóa máu huyết mình, khiến cuộc sống ít bịnh, hoặc không bị bịnh khổ.” Nói đến đây, đột nhiên ông trầm tư rồi bật khóc.
Ông kể rằng nửa tháng trước tai họa đã giáng vào gia đình ông. Đứa con gái ông cưng yêu nhất bị ung thư bao tử. Bệnh đã di căn nên không thể phẫu thuật. Bác sĩ nói thời gian sống tối đa chỉ còn nửa tháng. Nguyên nhân là do cơ thể thu nạp ít mà làm quá sức. Lao lực tích lũy lâu ngày, thành bịnh nan y. Gia đình ông nghe tin này như sét đánh ngang tai, chẳng biết làm sao.
Thối tâm
Ông tỏ vẻ nghi ngờ, nói:
-Thưa sư phụ, chẳng phải “Kinh Địa Tạng” nói: Lễ bái tượng Địa Tạng, tụng “Kinh Địa Tạng” sẽ được các thiện báo như: Gia trạch vĩnh an, kéo dài tuổi thọ, tật dịch chẳng đến? Vì sao nhiều năm nay con tụng “Kinh Địa Tạng” và các kinh khác, mà nay lại bị đại nạn ập xuống đầu như thế?
Vợ con nói: “Nếu như không học Phật thì chẳng đến nỗi con gái phải bịnh nặng như vậy”. Thế này thì e rằng thân thích láng giềng vốn không tin Phật sẽ càng dèm chê, thậm chí còn làm lung lay tín ngưỡng của con. Xin hỏi sư phụ, con đã trồng nhân gì mà bị ác báo này?
Hòa thượng từ tốn đáp:
– Lời Phật là chân ngữ, thật ngữ, không gian dối, quyết chẳng gạt lừa người. Vì sao nhà ông gặp đại nạn như thế? Ông phải tự hỏi bản thân mình một chút. Như ông vừa nói, ngoài nguyên nhân do con gái ông lao lực quá độ thành bịnh ra, bản thân ông cũng có lỗi một phần. Tuy ông siêng năng học Phật nhưng chẳng bỏ được tính cố chấp độc đoán. Phật pháp cùng thế pháp vốn vô phân biệt, nhưng ông lại cho đối lập nhau. Một mặt ông đem Phật pháp tích cực giới thiệu cùng mọi người, khiến kẻ nghe pháp được ly khổ đắc lạc.
Sai lầm trong tu tập
Nhưng ông lại đem Phật pháp biến thành trói buộc, bắt vợ con “nhốt” trong khuôn khổ do mình lập ra. Khi vợ con ông ra ngoài, đi đâu, muốn trang điểm chút liền bị ông phê bình một trận. Con cái ông thỉnh thoảng nghe những khúc nhạc đang thịnh hành, thì ông cho là phạm vào đại kỵ. Cả nhà hễ có lỗi với phép tắc “đại giáo huấn” của ông, lập tức sẽ bị ông nghiêm khắc quở trách. Nếu họ có chút phản ứng, thốt lời phê bình hay tỏ thái độ không phục, thì ông lớn tiếng quát nạt. Ông biến thành pháp quan, một bề làm vệ sĩ hộ giáo. Tưởng như trong thiên hạ chỉ có ông mới là người học Phật chân chính.
Hễ nghe trong Phật môn có chút việc không đúng pháp, thì ông ghim mãi trong lòng, phê tam bình tứ. Tuy ông có chánh kiến nhất định, nhưng mắt toàn chỉ thấy lỗi người. Tâm chứa toàn thị phi phải quấy, nhìn ai cũng thấy đều là ngoại đạo. Thế là rất sai.
Thu Ha viết
Con chào thầy ạ. Con năm nay 23 tuổi, đã tốt nghiệp đại học. Dạo gần đây con có duyên tìm hiểu về giáo lý đạo Phật và rất muốn tu học. Nguyện vọng của con là tìm được thầy hay nơi nào có thể chỉ bảo , hướng dẫn con trên con đường tu tập. Con phải tìm ở đâu và có nhất thiết là phải xuất gia quy y tam bảo mới được ko ạ? Con còn duyên nợ với thế tục nên chưa muốn xuất gia. Con hy vọng quý thầy hữu duyên đọc được bình luận của con và chỉ cho con một hướng đi ạ. Con cảm ơn quý thầy ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Trước đây đã có bạn hỏi về điều này, nay xin chép lại cho bạn đọc thay cho câu trả lời:
Về Hiếu Đạo thì Đạo Phật lấy hiếu làm gốc và “Hiếu đứng đầu trăm hạnh”. Cho nên trước khi bạn đến Chùa lễ Phật hãy nhớ rằng: “Cha mẹ chính là hai vị Bồ Tát ở trong nhà”. Đây là Lời Phật dạy về Hiếu đạo căn bản nhất cho hết thảy chúng sanh. Lại Phật chế định: “Xuất gia phải thưa cùng cha mẹ. Nếu có anh em, con cháu để gởi gắm cha mẹ mới được bẩm thỉnh với cha mẹ. Cha mẹ có đồng ý mới được xuất gia. Nếu không, chẳng chấp thuận cho kẻ ấy được xuống tóc. Sau khi xuất gia xong. Nếu như anh em gặp biến cố, cha mẹ không chỗ nương nhờ, người xuất gia cũng được phép chia sớt y bát để phụng dưỡng song thân. Vì thế, mới có gương thơm hiếu dưỡng với mẹ của ngài Trường Lô Trách; Chuyện lạ chôn cha của ngài Đạo Phi.”
Về Xuất Gia thì trước đây cũng từng có người gặp tình huống y chang bạn, nay xin chép lại ít lời ngu muội mà Tuệ Tâm đã trả lời, mong bạn Tùy hỉ: Chúng ta đã ở sâu vào thời pháp nhược ma cường, chướng nghiệp trùng trùng lớp lớp. Người học Phật ít người phát tâm xuất thế, đa phần cầu sức khỏe và phước lộc mà thôi. Chánh pháp hiện suy vi đến cùng cực, khiến người chân chánh học Phật không khỏi thở than…! Tâm xuất gia của bạn là đại sự trong đời, Tuệ Tâm không dám cuồng ngôn loạn thuyết mà lạm bàn thiệt hơn. Chỉ xin dẫn lời một bậc Chân tu mà Tuệ Tâm có duyên gặp gỡ:
“Thời đại này nếu tự lượng sức mình có thể giữ giới tinh nghiêm, chỉ một tâm độ sanh không màng danh lợi, một lòng không thối chuyển, thì hãy nghĩ đến cạo tóc xuất gia. Bằng không thì ở nhà chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh là tốt nhất. Tại sao thế? Bởi thời mạt pháp này, chướng nghiệp mà người xuất gia phải chịu nặng gấp nhiều lần so với ở tại gia. Nói giản lược thì Tu tại gia dễ hơn tu ở Chùa rất nhiều! Nhiều quý Thầy tu trì cẩn mật, giới hạnh tuy chưa trì được ở Vi tế, nhưng cũng được ở mức thô căn bản. Khi danh tiếng còn chưa có thì tinh tấn tu hành, lúc có người tung hô cúng dường, khởi tâm ngã mạn thì 10 người rớt hết chẳng còn ai! Đường giải thoát nhiều hiểm nạn chướng duyên, nhìn gương những thầy nổi tiếng trong nước mà chẳng lạnh gáy đấy ư? Bài nhân bác quả, bài cả kinh điển Đại thừa, cho kinh Địa Tạng, A Di Đà là ngụy kinh…lại có kẻ thỉnh oan gia thu tiền bá tánh…Gieo nhân Vô gián địa ngục biết bao giờ được thoát?”
Bởi quán xét thời tiết nhân duyên như thế nên năm xưa cư sĩ Viên Tịnh Lý Vinh Tường chuyên tâm học Phật, đối với luận Khởi Tín, kinh Lăng Nghiêm, kinh Viên Giác đều viết sớ giải. Tổ Ấn Quang quở: “Người thanh niên nên thiết thực dụng công niệm Phật trước đã, đến khi nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước dày rồi sẽ lại phát huy, tự có thể xiển minh Phật ý truyền khắp vũ trụ”. Khi ấy, ông Lý chẳng chịu là đúng. Sau vì dụng tâm quá độ, tinh thần, thân thể mỗi ngày một suy, mới hay lời Tổ nói chẳng sai.
Pháp đúng với thời tiết nhân duyên vô cùng quan trọng. Bởi thế khi Tổ Ấn Quang hiệu đính Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ của Ngài Thiện Đạo, Biết Bản Nguyện Niệm Phật là diệu pháp để độ chúng sanh thời mạt, ngặt vì chưa đến thời tiết nhân duyên nên Tổ cũng chẳng thể hoằng dương. Đợi đến 100 năm sau, Pháp sư Huệ Tịnh mới theo bản nguyện xuất thế mà hoằng dương Pháp này. Ẩn mật hơn 1300 năm kể từ ngày Tổ Thiện Đạo quy Tây, pháp mới đúng thời tiết mà xuất thế…Bạn nếu có thời gian, xin hãy nghiên cứu các sách này, Tuệ Tâm có để bản PDF trong phần Tải PDF.
Về phương pháp tu hành trong tình cảnh hiện nay thì niệm Phật chuyên tu Tịnh Độ là bậc nhất. Các pháp tu khác không còn kịp nữa rồi…Bạn nhìn khắp thể gian mà xem, lòng người bấn loạn, thời tiết bất thường, thiên tai, dịch họa…không một chốn nào yên. Lại hành dịch bệnh quỷ vương Lệ Quỷ cùng quyến thuộc đang hoành hành khắp thế giới. Dịch này chưa qua, dịch khác sẽ tới… và cái sau luôn khủng khiếp gấp nhiều lần cái trước. Vụ Covit 19 này chưa là gì cả đâu!!!
Nếu không nương nơi ánh sáng nhiếp hộ của đức Phật A Di Đà, e rằng giữ được mạng còn khó, huống nữa là an ổn mà tu hành đấy ư?…Vài lời ngu muội của kẻ hậu học, nếu có gì chưa phải cũng xin đôi lời tùy hỉ!
Nam mô A Di Đà Phật!
Phạm Hương viết
Con chào thầy ạ! Thưa thầy con mới được thờ phật ( tiếp nối mẹ chồng con) nhưng con thuê nhà ở nên con chưa săp xếp được chỗ thờ như ý nguyện ạ. Con đọc trên mạng thấy phật tử thờ phật , phật phải quay về hướng đông là hướng giác ngộ. Nhưng con lại thờ phật quay về hương Tây là hướng ngũ Quỷ như các trang mạng viết ạ…. Con không được chồng con ủng hộ thờ nên con thờ bằng tất cả tâm thành kính của con, hàng ngày con dâng nước,hoa và trái cây .Nhưng chỗ thờ hạn hẹp nên con không để bát nhang được. .. Hàng ngày thì con tụng Chú Đại Bi , niệm Nam Mô A Di Đà Phật, ngày thập trai thì con ăn chay và tụng Kinh Đại Tạng ạ… Con xin thầy chỉ đường dẫn lối cho con là con thờ phụng như vậy có đúng không ạ? Con còn phải sửa như thế nao về cách thờ phụng và cách tu tập để tốt nhất đươc ạ…. Con rất mong thầy hữu duyên đọc bình luận của con và chỉ cho con hướng đi tốt nhất ạ. Con cảm ơn quý thầy!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Trong hoàn cảnh sống của bạn mà vẫn thờ Phật học Phật, cái tâm ấy thật là hiếm có! Phải biết rằng: Thờ Phật cốt yếu ở tâm Thành Kính, nhớ Phật niệm Phật không quên, chớ không phải ở hướng của bàn thờ. Cho nên nếu bạn hằng ngày niệm Phật, tụng kinh, trì chú thì bàn thờ ở hướng nào cũng đều là giác ngộ. Còn như tâm đầy rẫy tham sân si thì bàn thờ hướng nào cũng là hướng của Ngũ quỷ cả!
Lại đức Phật là bậc giác ngộ. Ta thờ Phật là để kính ngưỡng trí huệ của Ngài, để nhớ lời dạy của Ngài về sanh tử luân hồi, về sự vô thường của kiếp nhân sinh, kế đó thực hành theo lời dạy của Ngài để liễu sanh thoát tử. Cho nên nếu bảo “Bàn thờ Phật ở phải quay về hướng đông là hướng giác ngộ, hướng Tây là hướng ngũ Quỷ” thì là tà kiến. Bạn chớ tin lời tà vạy ấy mà sanh tâm lo lắng!
Vì thế theo chỗ ngu ý của Tuệ Tâm thì thế này:
1. Bạn đang thờ Phật đúng Pháp, không cần phải thay đổi gì cả. Bát nhang trong hoàn cảnh ấy không có cũng chẳng ảnh hưởng gì cả. Cứ chí tâm mà nhớ Phật niệm Phật là được, phước đức vô biên.
2. Nay đã quá sâu vào thời mạt rồi, bạn chỉ nên chuyên một pháp niệm Phật cầu vãng sanh, phước đức và trí huệ trong sáu chữ hồng danh đã đầy đủ rồi, đừng tụng kinh hay trì chú nữa, tạp tu không tốt đâu! Vả lại, người niệm Phật luôn được ánh hào quang của Phật A Di Đà thâu nhiếp, bảo vệ, khiến mọi chướng ngại hữu hình hay vô hình trong cuộc sống đều được chuyển hóa, do đó mà cuộc sống được an yên, đủ đầy, các ma sự không đến được nơi thân.
Về cách chuyên tu niệm Phật thì bạn xem 2 bài này để nắm được phần cương yếu nhé: Cách niệm Phật tại nhà và Niệm Phật Tông Yếu- Pháp Nhiên Thượng Nhân.
Cầu mong Tam Bảo gia bị cho bạn để luôn tinh tấn hành trì.
Nam mô A Di Đà Phật.
Phạm Hương viết
Con cảm ơn thầy! Con hiểu rồi ạ.Con chúc thầy thật nhìu sức khoẻ và thân tâm luôn an lạc ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Lê viết
Dạ.Vào năm ngoái khi con mới biết Phật pháp con cũng phạm lỗi là nói về phật pháp,khuyên người tin nhân quả,…Con đã vô tình khiến người thân,nhiều người khác hủy báng Phật pháp,nay con biết tội của con rồi.Con cảm thấy tội lỗi của con rất nặng vì lúc sơ cơ tu hành sống đầy rẫy tham sân si nên khiến rất nhiều người hủy báng Phật pháp,có người bảo con do sống như vậy nên bị ma quỷ dẫn dụ vào con đường của họ nên nay mới bị bệnh tâm thần đều bị mọi người xa lánh,tránh tiếp xúc vì sẽ mang đến xui xẻo cho họ.Nay các tội lỗi con gây ra khi sơ cơ mới biết đến Phật pháp con xin sám hối,thề không tái phạm nữa.Bây giờ con nên làm sao bây giờ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Nên siêng năng niệm Phật, phát tâm từ bi vì chúng sanh mà niệm, bớt để ý những chuyện không đâu thì tâm dẫn an tĩnh, ngược lại thì chỉ chuốc lấy phiền não mà thôi. Mong bạn tinh tấn hành trì!
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, lúc sơ cơ học phật đệ tử cũng phạm phải nhiều lỗi lầm, cứ nói về phật pháp- về niệm phật… khiến người khác không muốn nghe….Sau này niệm phật nhiều, hiểu sâu nhân quả mới hiểu ra : mỗi người đều có nghiệp duyên riêng – vậy thì tùy duyên, cái gì cũng không thể cưỡng cầu. Cũng như đệ tử thật hâm mộ những bạn còn rất trẻ mà tin phật – niệm phật, họ có duyên sâu với phật pháp, đệ tử thì trải qua rất nhiều đau khổ bệnh tật, tạo rất nhiều nghiệp ác… mới gặp được pháp môn niệm phật – chánh pháp của Như Lai thời mạt pháp này, cho nên đệ tử thật quý trọng duyên may khó được của mình
Nam mô A Di Đà Phật