Liễu Phàm Tứ Huấn là một kiệt tác đã làm thay đổi cách sống, tâm tư và số phận của hàng triệu người đọc. Đây là cuốn thiện thư bậc nhất trên thế gian, là dòng nước cam lộ dành cho những ai đang mất phương hướng, không biết mình sống để làm gì, sống vì cái gì; là viên châu như ý dành cho những ai đang quay cuồng mưu sinh trong nghèo cùng bế tắc.
Viên Liễu Phàm sinh năm 1533 và mất năm 1606. Tiên sinh viết sách Liễu Phàm Tứ Huấn vào khoảng năm 1601 (69 tuổi). Ban đầu, đây chỉ là những lời răn dạy được ông viết ra cho con trai là Viên Thiên Khải năm ấy vừa được 20 tuổi, nên được ông gọi là Giới Tử Văn – Bài văn răn dạy con. Về sau, sách được lưu hành hết sức rộng rãi khắp nơi, nên người đời sau đổi tên lại là Liễu Phàm Tứ Huấn, nghĩa là “Bốn điều khuyên dạy của tiên sinh Liễu Phàm”.
Sinh thời, Tổ Ấn Quang đặc biệt coi trọng việc truyền bá sách này nên Ngài đã không tiếc tâm lực mà hiệu đính. Cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn bạn đang đọc đây, văn phong trác tuyệt, câu cú gọn gàng chuẩn chỉnh, chính là bản được Tổ hiệu đính vậy. Sách gồm hơn 20.000 từ, Tuệ Tâm chia làm 4 trang để tiện cho bạn đọc. Nguyện hết thảy những ai có duyên đọc sách này đều được lợi ích lớn!
*
- Cách giúp đỡ những người bị ma nhập.
- Cách hồi hướng công đức.
- Từ Bi Hỷ Xả là gì.
- Chánh kiến là gì.
- Thời kỳ mạt pháp là gì.
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
- Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân.
LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
( Tự Lập Số Mạng )
Tôi thuở nhỏ đã sớm mất cha. Mẹ tôi bảo tôi từ bỏ đường công danh khoa cử để theo học nghề thuốc, vì cho rằng như thế có thể vừa tự nuôi sống, lại cũng có thể cứu giúp người khác. Hơn nữa, việc tôi theo học thành tựu một nghề để có thể lưu danh ở đời, cũng là tâm nguyện từ trước đây của cha tôi.
Sau đó, có lần tôi đến chùa Từ Vân tình cờ gặp một cụ già cốt cách phương phi, râu dài tóc bạc, tướng mạo dường như tiên ông. Khi tôi đến lễ chào cung kính, cụ già bảo tôi: “Con là người trong đường quan tước, ngày sau ắt sẽ học lên cao. Sao nay con chẳng lo việc đọc sách?”
Tôi liền nói rõ nguyên nhân. Ông cụ bảo: “Ta họ Khổng, người Vân Nam, được chân truyền thuật toán số Hoàng Cực của Thiệu tử. Theo mạng số ắt rồi sau sẽ truyền thuật này cho con.”
Tôi liền mời cụ già về nhà, đem mọi việc trình lên với mẹ. Về sau, xem xét những điều cụ già họ Khổng đã tiên đoán cho tôi đều dần dần ứng nghiệm.
Sau khi gặp cụ Khổng, tôi khởi ý quay lại theo việc học hành khoa cử. Cụ Khổng lại đoán trước cho tôi về đường khoa cử, nói rằng khi mới đi học, thi lần đầu ở huyện sẽ đỗ thứ 14, thi ở phủ sẽ đỗ thứ 71, thi ở tỉnh sẽ đỗ thứ 9. Sau tôi đi thi, ở cả ba nơi đều đỗ đạt đúng như thứ hạng ông ấy đã dự đoán.
*
Cụ Khổng cũng đoán số mạng trọn đời cho tôi. Cho biết đến năm ấy sẽ thi đỗ thứ hạng như thế,; sang năm ấy sẽ được chọn làm lẫm sinh; sang năm ấy sẽ được chọn làm cống sinh; lại sau đến năm ấy sẽ được bổ làm Tri huyện ở tỉnh Tứ Xuyên; làm quan được 2 năm rưỡi ắt sẽ cáo quan về quê; cho đến năm 53 tuổi, vào giờ Sửu, ngày 14 tháng 8 sẽ mất tại nhà, chỉ tiếc là không có con. Tôi ghi chép đầy đủ những điều ấy, luôn nhớ kỹ trong lòng.
Từ đó về sau, mỗi lần dự thi kết quả đều không ra ngoài những dự đoán của cụ già họ Khổng. Riêng có một lần, cụ Khổng đoán rằng thời gian tôi làm lẫm sinh phải nhận đủ 91 thạch 5 đấu gạo mới được lên cống sinh. Nhưng khi số gạo nhận được của tôi vừa hơn 70 thạch thì tôn sư họ Đồ đã thông qua việc chọn tôi làm cống sinh. Do đó tôi hơi có chút ngờ vực về sự tiên đoán của cụ.
Chẳng ngờ sau đó có vị quan tạm quyền họ Dương, vừa chuyển đến, lại bác bỏ việc này, nên phải đợi đến năm Đinh Mão tôi mới được phê chuẩn làm cống sinh. Vào lúc ấy tính lại, quả nhiên tôi đã nhận được vừa đúng 91 thạch 5 đấu gạo. Tôi nhân việc đó lại càng tin chắc rằng: Sự đời thăng trầm đều do số mạng. Dù nhanh hay chậm cũng đều có thời hạn định trước. Vì thế mà đối với hết thảy mọi việc, trong lòng tôi trở nên lạnh nhạt không còn mong cầu gì nữa.
*** Liễu Phàm Tứ Huấn ***
Sau khi được lên cống sinh, tôi phải về kinh thành Yên đô theo học. Ở kinh đô được một năm, tôi thường ngồi yên tĩnh suốt ngày, chẳng đọc sách vở gì. Sau có dịp quay về chơi ở Nam Ung. Trong lúc còn chưa vào nhập học, tôi liền đến viếng thăm Thiền sư Vân Cốc trong núi Thê Hà. Tôi cùng Thiền sư ngồi đối diện trong tịnh thất, trải qua suốt ba ngày ba đêm dường như không chớp mắt.
Thiền sư nói: “Người đời sở dĩ không trở thành bậc thánh nhân, đều là do vọng niệm nối nhau sinh khởi trói buộc. Nay ông ngồi suốt ba ngày không khởi sinh vọng niệm là do đâu?”
Tôi đáp: “Trước đây có tiên sinh họ Khổng từng xem số mạng cho con. Con xét thấy rằng mọi sự vinh nhục, sống chết ở đời đều do số mạng định sẵn. Dù có muốn vọng cầu điều này điều nọ cũng đều không thể được nên con chẳng nghĩ gì cả.”
Thiền sư Vân Cốc bật cười nói: “Ta ngỡ ông là bậc hào kiệt xuất chúng, hóa ra chỉ là một kẻ tầm thường.”
*
Tôi không hiểu, thưa hỏi. Thiền sư liền nói: “Con người khi chưa đạt được đến mức vô tâm, rốt lại đều bị những lẽ âm dương toán số kia trói buộc. Sao có thể nói là không có số mạng? Nhưng chỉ những kẻ tầm thường mới có số mạng mà thôi. Bậc đại hiền thì số mạng không nhất định; mà với kẻ đại gian ác số mạng cũng không thể nhất định. Ông từ 20 năm nay bị những lẽ đoán định của người khác trói buộc, không tự thay đổi được mảy may nào. Như thế chẳng phải là tầm thường lắm sao?”
Tôi liền hỏi: “Vậy ra số mạng có thể tránh được sao?”
Thiền sư đáp: “Số mạng là do chính mình tạo ra, phước đức do chính mình cầu mà được. Trong sách vở Nho gia có nhiều chỗ dạy rõ điều đó. Kinh Phật lại có nói: ‘Cầu công danh ắt được công danh, cầu sống lâu ắt được sống lâu; cầu con trai, con gái, ắt có con trai, con gái…’ Nói dối là giới cấm quan trọng mà đức Phật Thích-ca đã chế định. Lẽ nào chư Phật, Bồ Tát lại nói dối để lừa gạt người đời hay sao?”
*** Liễu Phàm Tứ Huấn ***
Tôi nghe vậy rồi liền hỏi tiếp: “Mạnh tử có nói rằng: ‘Cầu ắt sẽ được, ấy là cầu nơi chính mình.’ Đạo đức, nhân nghĩa là ở nơi chính mình nên có thể gắng sức cầu được. Còn như công danh phú quý vốn không ở nơi chính mình, làm sao có thể cầu được?”
Thiền sư Vân Cốc nói: “Lời Mạnh tử vốn không sai, chỉ do ông tự hiểu sai thôi. Ông không nghe đức Lục tổ có dạy rằng: ‘Hết thảy ruộng phước vốn chẳng xa lìa gang tấc; từ trong tâm này mà cầu thì mọi tâm niệm đều thông suốt.’ Mạnh tử nói ‘Cầu nơi chính mình,’ đó không chỉ là riêng được đạo đức nhân nghĩa, mà cũng được cả công danh phú quý, trong ngoài đều được cả. Cầu như vậy hữu ích là vì cầu được.
Nếu không quay về cứu xét nơi tự thân mình, chỉ biết hướng theo ngoại cảnh dong ruổi tìm cầu, thì mong cầu là một việc mà được hay không lại còn phải tùy vào số mạng. Như vậy có khi trong ngoài đều mất cả, vì cầu mà không được. Cầu như vậy ắt là vô ích.”
Thiền sư lại hỏi: “Họ Khổng đoán vận mạng suốt đời của ông như thế nào?”
Tôi thật lòng đem hết mọi việc kể ra. Thiền sư liền nói: “Ông hãy tự xét mình xem có xứng đáng đỗ đạt đại khoa; có xứng đáng được sinh con nối dõi chăng?”
*
Tôi suy nghĩ hồi lâu rồi đáp: “Thật không xứng đáng! Những người đỗ đạt đại khoa nói chung đều có tướng phước đức sâu dày. Con vốn phước mỏng, lại không thể tích lũy công đức thiện hạnh để làm nền tảng cho phước đức sâu dày. Con lại không nhẫn chịu được những sự phiền toái khổ nhọc; không thể bao dung chịu đựng người khác; đôi khi lại cậy vào tài trí của mình mà lấn áp người. Tính tình bộc trực nghĩ sao làm vậy; thường xem nhẹ lời nói, hay luận bàn những chuyện vô bổ. Hết thảy đều là những biểu hiện phước mỏng đức bạc, làm sao có thể đỗ đạt đại khoa?
“Đất bùn dơ ẩm ướt thường nhiều vật sống, chỗ nước trong vắt thường không có cá, mà tánh con lại ưa thích sự trong sạch thanh khiết thái quá. Tánh khí ôn hòa có thể nuôi dưỡng vạn vật, mà tánh con lại thường nóng nảy sân hận. Luyến ái là cội nguồn của sự tiếp nối sinh sản; không quan tâm đến người khác là căn bản của sự không nuôi dưỡng, mà tánh con xem trọng danh tiết của riêng mình, thường không thể quên mình giúp người; con lại thường nói nhiều hao tổn khí lực; thích ngồi lặng suốt đêm dài không ngủ; không biết giữ gìn nguyên khí tinh thần.
Hết thảy những điều ấy đều là nguyên nhân không thể có con. Ngoài ra còn có biết bao điều lỗi lầm xấu ác nữa, thật không thể nói hết!”
*** Liễu Phàm Tứ Huấn ***
Thiền sư Vân Cốc nói: “Nào chỉ riêng vấn đề khoa bảng như ông vừa nói đó! Người đời thụ hưởng tài sản ngàn vàng, ắt phải là người đáng hưởng ngàn vàng; kẻ nhận tài sản trăm lượng, ắt phải là kẻ đáng nhận trăm lượng. Người chịu chết đói, ắt phải là người đáng phải chết đói. Nói là mệnh trời, bất quá chỉ là do nơi nhân quả nghiệp báo riêng của mỗi người mà thành; vốn chưa từng có chút thêm bớt nào gọi là ý trời trong đó cả.
“Đến như việc sinh con cái. Như người có phước đức truyền được trăm đời, ắt sẽ sinh được con cháu truyền đủ trăm đời; người có phước đức truyền được mười đời, ắt sẽ sinh được con cháu truyền đủ mười đời; người có phước đức truyền được ba đời, hai đời, ắt sẽ sinh được con cháu truyền đủ ba đời, hai đời; cho đến người dứt hẳn không có con cháu, ấy là do phước đức hết sức mỏng manh vậy.
Nay ông đã biết rõ những điều sai trái của mình, những điều đã khiến ông không thể đỗ đạt đại khoa, không thể sinh con nối dõi. Vậy ông phải hết lòng hối cải, tự thay đổi. Nhất thiết phải lo tu nhân tích đức. Nhất thiết phải bao dung rộng lượng với người. Nhất thiết phải hòa nhã thương yêu kẻ khác. Nhất thiết phải biết gìn giữ bảo dưỡng tinh thần.
*
“Hết thảy những việc từng làm trước đây, xem như đã chết từ hôm qua. Hết thảy những việc từ nay về sau, xem như mới được sinh ra từ hôm nay. Đó chính là ý nghĩa của việc làm sống lại thân này. Thân thể bằng xương thịt này tất nhiên đã có nghiệp quả định sẵn. Nhưng cái thân tinh thần nhân nghĩa đạo đức, lẽ nào lại không thể tu dưỡng để thay đổi được sao?
“Sách Thượng thư, thiên Thái giáp có nói: ‘Tai họa do trời giáng xuống còn có thể tránh né. Tai họa do chính mình tạo ra thì không còn đường sống.’ Kinh Thi nói: “Lời nói việc làm thường hợp đạo trời, ấy là tự mình cầu được nhiều phước đức.” Khổng tiên sinh đoán rằng ông không đỗ đại khoa, không có con nối dõi; đó là ‘tai họa do trời giáng xuống’, cho nên ‘còn có thể tránh né’. Nay ông nỗ lực làm thiện, rộng tích chứa âm đức, đó là tự mình tạo ra phước đức. Lẽ nào lại có thể không được hưởng những phước đức ấy hay sao?
“Kinh Dịch nói rằng: ‘Bậc quân tử hướng về điều lành, tránh đi điều dữ.’ Nếu nói mệnh trời là không thể thay đổi, vậy điều lành làm sao có thể hướng về, điều dữ làm sao có thể tránh đi? Lại cũng trong Kinh Dịch, quẻ Khôn, ngay nơi phần ý nghĩa mở đầu đã nói rằng: ‘Nhà làm việc thiện ắt có niềm vui, nhà làm việc ác ắt gặp tai ương.’ Nay ông đã có thể tin hiểu được chưa?”
*** Liễu Phàm Tứ Huấn ***
Tôi tin nhận lời Thiền sư, lễ bái xin học làm theo. Nhân đó liền đem hết thảy những điều lỗi lầm xấu ác đã qua, đối trước bàn thờ Phật mà nêu rõ, viết thành một bản sớ dài trình bày đầy đủ tất cả trong đó, cầu xin sám hối. Sau đó tôi phát tâm cầu thi cử đỗ đạt. Nguyện làm đủ 3.000 điều thiện để báo đáp ân đức của tổ tiên, trời đất.
Thiền sư lại lấy ra một bản sách “Công quá cách” đưa cho tôi xem; dạy tôi học làm theo đó, ghi chép tất cả việc làm hằng ngày. Nếu là điều thiện thì cộng thêm vào, nếu là điều xấu ác thì trừ bớt đi. Thiền sư lại dạy tôi trì tụng thần chú Chuẩn Đề, qua một thời gian ắt có sự linh nghiệm.
Thiền sư bảo tôi rằng: “Những người vẽ bùa chú thường nói: ‘Vẽ bùa không đúng cách sẽ bị quỷ thần cười chê.’ Trong việc vẽ bùa có một phép bí truyền, chẳng qua đó chỉ là không khởi lên vọng niệm. Khi cầm bút vẽ, việc trước tiên là phải buông bỏ hết thảy mọi ý niệm duyên theo trần cảnh. Từ chỗ trong tâm không chút động niệm như thế mới phóng bút điểm xuống, gọi là tạo dựng nền tảng không phân biệt. Từ một điểm làm nền tảng đó, cho đến khi vung bút vẽ xong lá bùa, nếu trong tâm tuyệt nhiên không khởi vọng niệm thì lá bùa ấy sẽ linh nghiệm.
*
“Cho đến việc cầu đảo mệnh trời, điểm cốt yếu vẫn là phải từ nơi tâm niệm rỗng rang không động niệm như thế mà tạo ra sự cảm ứng thay đổi. Mạnh tử khi bàn về cái học Lập mệnh có nói: ‘Chết yểu với sống lâu vốn chẳng phải hai điều khác nhau.’ Phân tích đến chỗ sâu xa tinh tế thì dư thừa với thiếu thốn vốn cũng chẳng phải hai điều khác nhau, nhân đó mới có thể tạo ra số mạng giàu, nghèo; bế tắc với hanh thông vốn cũng chẳng phải hai điều khác nhau, nhân đó mới có thể tạo ra số mạng sang, hèn; chết yểu với sống lâu vốn cũng chẳng phải hai điều khác nhau, nhân đó mới có thể tạo ra số mạng sống, chết.
“Người đời lấy chuyện sống chết là quan trọng; cho nên Mạnh tử chỉ nói “chết yểu, sống lâu”. Nhưng kỳ thật hết thảy những chuyện vừa lòng hay nghịch ý trong cuộc đời, cũng đều cùng một nguyên lý như vậy.
“Cho đến câu: ‘Hãy tu sửa tự thân để chờ đón mọi việc’, đó là nói việc làm thiện tích đức có thể chuyển đổi mệnh trời. Nói ‘tu sửa tự thân’, đó là tự thân mình có điều gì lỗi lầm xấu ác đều phải đối trị, dứt trừ đi. Nói ‘chờ đón’, đó là sẵn sàng đợi việc xảy ra; nhưng nếu trong lòng có chút mong cầu điều tốt đẹp hay nôn nao chờ đợi đều phải dứt sạch đi. Đạt đến mức như thế, đó là tự tạo ra được cảnh giới nguyên sơ không động niệm. Đó chính là cái học chân thật.
*** Liễu Phàm Tứ Huấn ***
“Ông tuy chưa thể đạt được tâm thức rỗng rang không vọng niệm như thế; nhưng nếu có thể trì tụng thần chú Chuẩn Đề, không nghĩ nhớ, không tính đếm, không để gián đoạn; khi được thuần thục rồi thì trong chỗ trì tụng cũng là không trì tụng; dù không trì tụng cũng là đang trì tụng; cho đến lúc niệm niệm an nhiên không còn lay động ắt sẽ có sự linh nghiệm.”
Tôi trước đây lấy hiệu là Học Hải, ngay trong ngày hôm đó liền đổi hiệu là Liễu Phàm. Đó là muốn nói việc học được thuyết “tự lập số mạng” này rồi, nên không còn muốn rơi vào khuôn khổ của những kẻ thế tục tầm thường.
Từ đó về sau, lúc nào tôi cũng chú tâm tự phòng hộ suốt ngày. So với trước đây thật hoàn toàn khác hẳn. Ngày trước tôi thường buông thả phóng túng, còn bây giờ luôn nơm nớp lo sợ những việc xấu ác lầm lỗi; dù khi ở trong nhà kín phòng tối không ai nhìn thấy, cũng không dám khởi lên những ý nghĩ xấu ác, chỉ sợ đắc tội với trời đất, quỷ thần. Gặp những lúc bị người khác oán ghét, phỉ báng, tôi vẫn có thể điềm nhiên chấp nhận.
*
Sang năm sau, bộ Lễ mở khoa thi Cử. Tiên sinh họ Khổng từng đoán trước khoa này tôi sẽ đỗ hạng ba, hóa ra tôi lại đỗ hạng nhất. Lời tiên đoán của Khổng tiên sinh không còn đúng nữa. Cho nên khoa thi Hương vào mùa thu tôi lại đỗ tiếp Cử nhân.
Tuy nhiên, tôi làm việc thiện khi ấy vẫn chưa được thuần thục, tự kiểm lại bản thân còn nhiều lầm lỗi. Đôi khi thấy việc thiện thì làm, nhưng chưa thực sự quả quyết, mạnh mẽ; hoặc có khi làm việc cứu giúp người khác mà trong lòng mình thường tự nghi ngờ kết quả; hoặc có khi hành vi thì gắng theo việc thiện nhưng lời nói lại có sai lầm; hoặc khi tỉnh táo thì cố sức giữ gìn theo đạo đức, nhưng lúc uống rượu vào rồi lại thường buông thả, phóng túng.
Mỗi ngày tôi đều xét điều lầm lỗi trừ vào những việc thiện làm được; có hôm trừ hết sạch chẳng còn gì cả. Vậy nên từ năm Kỷ Tỵ (Tức là năm 1569.) phát nguyện làm việc thiện, mà phải đến năm Kỷ Mão(Tức là năm 1579.); trải qua hơn 10 năm, mới hoàn tất đủ số 3.000 điều thiện.
Khi ấy, tôi phát tâm cầu sinh con, lại cũng nguyện làm đủ số 3.000 điều thiện. Hai năm sau là năm Tân Tỵ( Tức là năm 1581.) thì sinh được con trai, đặt tên là Thiên Khải.
*** Liễu Phàm Tứ Huấn ***
Tôi làm được mỗi việc thiện đều ghi chép lại. Vợ tôi không biết chữ nên mỗi khi làm được một việc thiện thì dùng cán bút lông ngỗng, chấm mực đỏ in lên tờ lịch của ngày hôm đó thành một chấm tròn. Thường là những việc thiện như bố thí thức ăn cho người nghèo, hoặc mua vật sống phóng sinh… Những ngày làm nhiều, có khi được đến hơn mười chấm tròn như thế. Đến tháng 8 năm Quý Mùi (Tức là năm 1583.) thì đủ số 3.000 điều thiện. Ngày 13 tháng 9 năm đó, tôi lại phát tâm cầu thi đỗ tiến sĩ, nguyện làm 10.000 điều thiện.
Sang năm Bính Tuất (Tức là năm 1586.) tôi thi đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Tri huyện Bảo Để. Tôi chuẩn bị sẵn một quyển sổ trắng, đặt tên là sổ Trị tâm. Sáng sớm khi lên công đường, tôi dặn người nhà đem sổ ấy trao cho nha dịch để mang đặt trên bàn làm việc của tôi. Mỗi một việc làm trong ngày đều phân ra tốt xấu, ghi chép tỉ mỉ vào sổ ấy; mỗi đêm lại bày hương án trước sân, noi gương Triệu Duyệt Đạo ngày xưa, cáo trình tất cả lên Thượng đế.
*
Vợ tôi thấy những việc thiện ghi chép không được nhiều thì chau mày nói rằng: “Trước đây ông còn ở nhà, tôi có thể giúp sức cùng ông làm việc thiện. Cho nên con số 3.000 điều thiện mới được hoàn tất. Nay ông phát nguyện làm đến 10.000 điều thiện, mà trong nha môn lại chẳng có nhiều việc thiện để làm. Vậy biết đến bao giờ mới có thể hoàn tất?”
Đêm đó, tôi nằm mộng bỗng gặp một vị thần; liền đem việc khó làm đủ số điều thiện mà trình bày với thần. Vị thần nói: “Chỉ riêng một việc giảm thuế ruộng cho dân, xem như một vạn điều thiện đã đủ số rồi.”
Nguyên là ruộng đất ở huyện Bảo Để trước đây phải nộp thuế mỗi mẫu 2 phân 3 ly 7 hào. Khi về nhậm chức tôi có xem xét lại, giảm xuống còn 1 phân 4 ly 6 hào. Quả thật có việc đó, nhưng lòng tôi vẫn còn chút nghi hoặc; không cho rằng việc ấy lại có hiệu quả lớn lao đến thế.
Vừa may khi ấy có Thiền sư Huyễn Dư từ núi Ngũ Đài đến. Tôi liền đem giấc mộng ấy kể lại với ngài rồi thưa hỏi xem việc ấy có thể tin được chăng? Thiền sư nói: “Nếu tâm thiện chân thành chí thiết, dù làm một điều thiện cũng có thể bằng như vạn điều thiện. Huống chi ông giảm thuế cho cả một huyện, có cả vạn người dân được hưởng phúc ấy.”
Tôi liền dùng tiền lương bổng của mình gửi nhờ Thiền sư về núi Ngũ Đài, thay mình thiết lễ trai tăng cúng dường một vạn vị tăng để hồi hướng công đức.
*** Liễu Phàm Tứ Huấn ***
Tiên sinh họ Khổng đoán rằng năm tôi 53 tuổi sẽ gặp tai nạn rồi mất. Tôi cũng chưa từng cầu xin được sống lâu hơn, nhưng rồi năm ấy trôi qua mà chẳng xảy việc gì cả. Khi viết chương sách này thì tôi đã được 69 tuổi.
Kinh Thư nói: “Lòng trời khó tin chắc, mạng số không nhất định.” Lại nói: “Chỉ riêng mạng số là không nhất định.” Những lời ấy đều không hư dối.
Tôi từ những việc đã qua mà hiểu được rằng: Mọi việc họa phúc đều do chính mình chuốc lấy. Đó chính là lời dạy của các bậc thánh hiền. Nếu cho rằng họa phúc đều do trời định sẵn, đó chỉ là lời mê muội của người thế tục, không biết tu tập mà thôi.
Còn như khi chưa biết được số mạng thì sao? Đang lúc thời vận được vinh hiển, hãy thường tưởng như đang suy sụp, sa sút; đang lúc thời vận thuận lợi, hãy thường tưởng như đang gặp điều trái nghịch, trở ngại; đang lúc được ấm no đầy đủ, hãy thường tưởng như đang nghèo túng, đói thiếu; đang lúc được người người yêu kính, hãy thường tưởng như đang phải sợ sệt, lo lắng; đang lúc được quyền cao chức trọng, hãy thường tưởng như đang ở vào vị trí thấp hèn; đang lúc có được học vấn cao xa, sâu rộng, hãy thường tưởng như mình là người thiển cận, thô lậu.
*
Nghĩ xa thì thường lo việc nêu cao đức hạnh của tổ tiên; nghĩ gần thì thường không dám phơi bày lỗi lầm khiếm khuyết của cha mẹ. Trên phải thường nghĩ việc báo đền ơn tổ quốc; dưới phải luôn lo việc tạo phúc cho gia đình; đối với bên ngoài phải luôn nghĩ đến việc giúp người khi khẩn thiết; đối với tự thân phải luôn ngăn ngừa những ý niệm tà vạy của chính mình. Mỗi ngày đều tự thẩm xét để biết lỗi mình thì mỗi ngày đều có sửa lỗi; một ngày không tự biết lỗi mình thì ngày ấy vẫn an nhiên tự cho mình là đúng. Một ngày không có lỗi lầm nào được tu sửa thì ngày ấy không hề có sự tiến bộ.
Người đời không ít kẻ thông minh tài trí, nhưng sở dĩ không vun bồi phước đức cho sâu dày, không phát triển nghiệp lành cho rộng khắp. Ấy chỉ vì sự quen theo nếp cũ, do dự rụt rè, không đủ quyết tâm để nỗ lực thay đổi, tự lập số mạng, nên cứ thế mà mê đắm trôi qua hết một đời.
Thuyết “tự lập số mạng” mà Thiền sư Vân Cốc đã truyền dạy, quả thật hết sức sâu xa tinh túy, quả thật là một nguyên lý hết sức chân thật chính đáng. Ai có thể đọc kỹ những lời dạy này rồi gắng sức làm theo, ắt sẽ không bỏ phí một đời trôi qua vô ích.
Liễu Phàm Tứ Huấn : Tu Sửa Lỗi Lầm
Các quan đại phu thời Xuân Thu khi quan sát hành vi, lời nói của một người, thường dựa theo đó mà suy đoán về những điều tốt xấu, họa phúc của người đó. Bao giờ cũng ứng nghiệm cả. Ngày nay, chúng ta có thể xem lại những việc này trong các sách Tả truyện, Quốc ngữ…
Nói chung, điềm báo những điều tốt lành hay tai họa đều khởi lên từ trong tâm người; rồi biểu hiện ra bên ngoài thành hành vi, lời nói. Những người hết sức nhân hậu phóng khoáng, tử tế với người khác thường được phước lành; những kẻ hết sức khắt khe hẹp hòi, bạc đãi người khác thường cận kề tai họa. Người phàm mắt thịt bị nhiều che chướng không nhìn thấy được; do đó cho rằng vận số chưa xác định nên không thể suy lường biết được.
Lòng người hết sức chân thành thì phù hợp với đạo trời. Khi phước lành sắp đến, quan sát việc làm thiện của người thì có thể biết trước được. Khi tai họa sắp xảy ra, quan sát việc làm xấu ác của người ắt cũng có thể biết trước. Nay muốn được phước lành, tránh xa tai họa, hãy khoan nói đến việc làm thiện mà trước tiên là phải lo tu sửa lỗi lầm.
*
Bàn về việc tu sửa lỗi lầm, điều cốt yếu trước tiên là phải khởi tâm biết xấu hổ. Hãy nghĩ đến các bậc hiền thánh từ xưa: Sao cũng là thân người như ta nhưng lại có thể làm bậc thầy của muôn thuở? Còn ta vì sao suốt một đời kém cỏi, vô dụng như gạch vụn, ngói bể? Ấy chỉ vì ta mê đắm trong tình đời; lén lút làm những điều trái nghịch đạo nghĩa, lại cho rằng người khác không ai biết nên thản nhiên cao ngạo, không chút hổ thẹn. Ngày sau sa đọa vào loài cầm thú mà không hề tự biết.
Việc đáng xấu hổ trong đời này thật không gì lớn hơn thế nữa. Mạnh tử nói: “Biết xấu hổ là đức tính quan trọng của con người. Giữ được tâm tính ấy là thánh hiền; đánh mất đi thì chẳng khác gì cầm thú.” Cho nên, khởi tâm biết xấu hổ là nền tảng cốt yếu nhất trong việc tu sửa lỗi lầm.
Điều quan trọng tiếp theo là phải biết khởi tâm sợ sệt, không dám làm điều sai trái. Trời đất từ trên soi thấu, quỷ thần không dễ dối lừa. Nay ta làm điều sai trái, tuy là ở nơi ẩn khuất không ai thấy biết, nhưng trời đất quỷ thần thật soi xét thấy rõ. Nếu là tội nặng, ắt sẽ giáng xuống trăm tai ngàn họa; nếu là tội nhẹ, ắt sẽ hao tổn phước đức hiện có; như thế làm sao có thể không lo sợ?
*** Liễu Phàm Tứ Huấn ***
Không chỉ ở nơi vắng vẻ khuất tất là như thế, mà giữa những chốn đông người qua lại cũng như thế. Cho dù ta cố che giấu thật kín đáo, biện bạch thật khéo léo, nhưng những điều giấu trong gan ruột rồi cũng sẽ sớm lộ ra. Rốt cuộc cũng không thể tự dối lòng mình. Đến khi bị người khác phát hiện biết rõ việc xấu mình làm, thì nhân cách tự thân thật chẳng đáng một xu! Như vậy có thể không sợ được sao?
Hơn nữa, chỉ cần chúng ta còn một hơi thở thì dù tội lỗi lớn đến đâu cũng có thể hối cải. Xưa có người suốt đời làm việc xấu ác. Đến khi sắp chết mới tỉnh ngộ hối lỗi, phát khởi một niệm lành, liền được kết quả tốt đẹp.
Cho nên nói rằng: Khởi một niệm lành hết sức mạnh mẽ, có thể đối trị được những điều xấu ác trong cả trăm năm. Cũng giống như hang sâu tăm tối ngàn năm, chỉ một ngọn đèn vừa chiếu sáng thì bóng tối ngàn năm lập tức bị phá trừ. Vì thế, những việc lỗi lầm bất luận là phạm vào đã lâu hay chỉ mới gần đây, phải lấy việc biết tu sửa là điều đáng quý nhất.
Cuộc đời vô thường, thân người hết sức mong manh dễ mất. Chỉ một hơi thở dừng lại không tiếp nối, thì dù muốn hối cải tu sửa cũng không còn kịp nữa.
*
Khi ấy thì trên chốn dương gian phải cam chịu tiếng xấu ngàn năm, cho dù con thảo cháu hiền cũng không thể thay ta rửa sạch; lại dưới cõi u minh ắt phải trầm luân ngàn kiếp trong địa ngục cam chịu nghiệp báo. Cho dù là các vị thánh hiền hay Phật, Bồ Tát cũng không thể dẫn dắt cứu ta ra khỏi. Ôi, như thế có thể nào không sợ được sao?
Điều quan trọng thứ ba là phải phát tâm tu sửa thật dũng mãnh. Người đời đa phần không thể tu sửa lỗi lầm là vì cứ quen theo nếp cũ mà sa đọa. Chúng ta cần phải phấn chấn mạnh mẽ vươn lên; không được phân vân trì trệ, không được chậm trễ dùng dằng. Đối với lỗi nhỏ nhặt phải xem như bị gai đâm vào thịt, cần nhanh chóng lấy ra. Đối với lỗi nặng nề nghiêm trọng, phải xem như bị rắn độc cắn vào ngón tay, lập tức chặt bỏ không chút chần chừ.
Đó là nói đến lợi ích của [sự phát tâm dũng mãnh; nhanh chóng như sấm chớp, như gió mạnh. Phát khởi đầy đủ 3 tâm niệm như trên, ( Biết hổ thẹn, biết sợ sệt lỗi lầm và quyết tâm tu sửa thật dũng mãnh.) thì mỗi khi mắc phải lỗi lầm liền sửa đổi được ngay. Ví như lớp băng mùa xuân gặp ánh mặt trời, lo gì không tan chảy?
Liễu còi viết
Nam Mô A Di Đà Phật! Con xin thưa quý thầy ạ, con tình cờ độc trên mạng có nhắc đến cuốn, kinh xuân thu bên nước bạn, nên con muốn xem thử không biết quý thầy có đang nên trên trang mạng không con xin quý thầy từ bi chia sẽ cho con với ạ. Với con mà độc liệu có lợi ích gì không ạ. Nam mô a di đà phật!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm không đọc và cũng không có sách ấy bạn ạ! Mà bạn học Phật thì đọc sách ấy làm gì? Để thời gian niệm Phật cho sớm tiêu nghiệp tăng phước chẳng phải là tốt hơn sao?
Liễu còi viết
Nam Mô A Di Đà Phật! Con cảm ơn quý thầy ạ.
Thúy trần viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, con mới bắt đầu tìm hiểu về Phật. Con đọc được bài viết trên của thầy và con rất muốn được tu tập tại gia mà chưa biết bắt đầu từ đâu và bắt đầu như nào. Cũng như nên bắt đầu đọc những sách gì. Xin thầy có thể chỉ dẫn cho con 1 chút ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Muốn tu tại gia, trước phải tin sâu nhân quả ba đời, sau mới đến phần hành pháp. Bạn xem bài này sẽ rõ hơn nhé: Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
Thúy trần viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Dạ con cảm ơn thầy