Thất Tình Lục Dục là gì? Thất Tình Lục Dục là một thuật ngữ của Phật pháp, dùng để khái quát về nỗi khổ của con người do bảy thứ cảm xúc và sáu loại dục vọng gây ra, theo đó:
- Thất Tình là bảy cảm xúc căn bản của con người, gồm có: Hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố và dục, tức là Vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét và muốn.
- Lục Dục là sáu thứ ham muốn bất tận của con người, do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà sinh ra, gồm có: Sắc dục, Thanh Dục, Hương dục, Vị dục, Xúc dục và Pháp dục.
Thất tình lục dục khiến tâm người loạn động không yên. Người thế gian bị nó chi phối, sai sử, nên suốt đời sống trong đau khổ mà chẳng hề tự biết. Còn người học Đạo, nếu chẳng nhận thức được tính hư giả của chúng, cũng không cách chi tiến được trên đường Đạo. Cho nên, muốn tìm được sự an lạc nơi nội tâm, ta phải xem Thất tình lục dục như cánh cửa vào địa ngục, phải mạnh mẽ mà đoạn sạch chúng đi!
- Tình ái& Dục vọng là tảng đá buộc chân người tu đạo
- Con người sinh ra để làm gì.
- Kinh Pháp Diệt Tận.
- Kinh Thập Thiện Nghiệp.
- Ý nghĩa chữ Hiếu trong đạo Phật
- Người nghèo khổ do nhân duyên gì.
- Tu Tiên& Đạo giáo – góc nhìn từ Phật pháp.

Thất Tình Lục Dục là gì: 1. Thất Tình
Khái niệm Thất Tình rất dễ hiểu, nhưng tác hại của nó lại chẳng mấy ai hay biết. Ta tạm lấy một ví dụ để nhận rõ bản chất của chúng, như “Vui” chẳng hạn:
Ai cũng ưa vui ghét buồn. Nhưng khốn nỗi kiếp nhân sinh thường vui ít buồn nhiều. Niềm vui lại thường thoáng qua mà nỗi buồn thì dài đằng đẵng. Người ta chẳng biết rằng: “Mọi niềm vui hay khoái lạc mà chúng ta có được nhờ sự thỏa mãn các giác quan. Nó thường thoáng qua một cách ngắn ngủi, mà dư vị của nó luôn là những khổ đau chồng chất.”
Ví như người trúng số. Cái niềm vui giàu có thường chẳng quá nổi một ngày. Tiền thưởng còn chư kịp nhận mà lo toan đã ùn ùn vào cửa: Chia cho người thân bao nhiêu? Mua sắm những gì? Mua loại xịn hay bình thường?… Rồi phiền phức theo đó liền tới: Nay ông anh họ vay vì thiếu vốn kinh doanh, mai bà bác họ bốn đời bên nhà ngoại thiếu tiền buôn đất. Không cho vay thì trách móc giận hờn, bảo là keo kiệt vô tâm. Cho vay thì lo lắng, bởi tiền cho vay thường một đi không có ngày trở lại…Trăm thứ phiền não phát sanh khiến người ta khổ sở muộn phiền. Rốt cuộc, cái niềm vui trúng số ấy trở thành trăm thứ khổ não.
Vậy vui ấy có thực là vui nữa hay không?
*
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy rằng Thất Tịnh Lục Dục làm chướng ngại tâm tu Đạo, Ngài bảo: “Chúng ta là người tu hành quyết phải mang tất cả những vọng tưởng thất tình lục dục quét cho sạch một phen, thanh toán chúng cho hết. Chúng ta phải hiểu rằng thất tình là hòn đá tảng buộc chân chúng ta. Các vọng tưởng về thất tình sẽ làm ngăn cản sự chuyên tâm tu đạo của chúng ta, khiến cả ngày bị vọng tưởng lăng xăng, gặp cảnh thì tâm động, có chút định lực nào gom góp được thì bị tiêu hao mất, há chẳng uổng bao nhiêu công phu lâu nay đã tham thiền tĩnh tọa hay sao?
Bất cứ nam hay nữ đều phải tận diệt Thất-tình. Thế nào gọi là Thất-tình? Ðó là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục. Tức là mừng, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham dục. Ta hiểu chúng một cách giản dị như sau:
Hỷ: Không nên mừng, mừng thì tình sẽ động.
Nộ: Không nên giận, giận thì tình sẽ động.
Ai: Không nên bi ai, bi ai cũng động tình.
Cụ: Không nên sợ hãi, sợ hãi cũng động tình.
Ái: Không nên sanh tâm tham ái, bởi tham ái làm cho tình động.
Ố: Không nên có lòng chán ghét, chán ghét làm cho tình động.
Dục: Không nên có dục niệm, dục niệm sẽ làm cho tình động.
*
Nếu nặng tình cảm về các loại Thất-tình nói trên, hành giả sẽ bị hoàn cảnh chi phối. Nếu Thất-tình có thể lay chuyển được mình, thì định lực sẽ bị tiêu ma, ta sẽ bị làn gió của các loại hoàn cảnh làm cho phiêu bạt, tâm bị lay động, không còn làm chủ được nữa và, khi không có chủ tức thành điên đảo.
Chúng sanh tại địa ngục làm bất cứ chuyện gì cũng là làm trong sự điên đảo, bởi lý do quá si mê và thiếu trí huệ. Làm cái gì cũng là sai quấy. Chúng ta ở thế gian nếu làm sai quấy thì cũng chẳng khác gì chúng sanh trong địa ngục, nghĩa là làm những gì không đúng với pháp, có mục đích ích kỷ tự lợi thì đó là địa ngục. Hoan hỷ điều này, hoan hỷ cái kia, buồn giận vì điều này, buồn giận vì điều nọ. Còn làm việc với những loại cảm tình đó là còn sống trong cảnh địa ngục. Các vị hãy chú ý! Hãy nhớ kỹ! Phải đoạn trừ Thất-tình và Lục-dục.
Lục-dục tức là sáu thứ dục do sáu căn mang lại. Sáu căn còn có tên là sáu tên giặc, vì chúng chuyên ăn cướp tự tánh trân quý của chúng ta. Bởi vậy chúng ta phải cẩn thận giữ gìn các cửa của sáu căn kẻo đồ châu báu bị cướp mất.”
Thất Tịnh Lục Dục là gì: 2. Lục Dục
Thất Tình đơn giản nên ai cũng hiểu, nhưng Lục Dục lại là chuyện hoàn toàn khác. Lục căn duyên với Lục trần sanh ra Lục Thức. Lục Thức này chính là căn bản của Lục Dục. Cho nên muốn hiểu về Lục Dục ta phải nắm được căn bản về Lục Thức.
Trong “Kinh Lăng Nghiêm giảng giải”, Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Sáu căn gồm: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn đi với sáu trần, giữa hai cái này phát sinh ra sáu thức.
Thức được định nghĩa như là tạo nên sự phân biệt. Căn tức là các giác quan, được xem là nơi các chức năng tri giác ấy phát xuất, nó có gốc là thân thể của chúng ta. Trần tức là cảnh hoặc đối tượng, được định nghĩa như vậy là do phẩm tính của nó là nhiễm ô. Nó không thanh tịnh, nên nó làm nhiễm ô bản tính của sáu căn. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì các thức sinh khởi.
Mắt thấy sắc liền sinh khởi phân biệt như đẹp hoặc là xấu xí. Khởi tâm thích hoặc không thích hình sắc ấy, nên có sự phân biệt. Ở tai cũng như vậy: Nghe tiếng êm dịu hoặc không êm dịu, hoặc thích nghe hoặc không thích nghe âm thanh ấy. Khi sinh khởi tâm phân biệt như vậy được gọi là Nhĩ Thức.
*
Mũi ngửi được mùi thơm và mùi thối. Hai hương trần thơm và thối cũng được phân biệt như trên vậy. Quý vị có thể thích hương thơm và không thích những mùi hương khác, như vậy là trong quý vị đã sinh khởi Tị Thức. Lưỡi phân biệt được mùi vị. Khi lưỡi (thiệt căn) đi chung với mùi vị (vị trần) liền có sự phân biệt về mùi vị, hoặc là dễ chịu hoặc là ghê tởm–mình có thể thích hoặc không thích.
Thân căn đi chung với xúc trần–trơn láng hoặc xù xì, thô ráp hoặc mịn màng, có nhiều dạng cảm giác khác nhau, hoặc ưa thích hoặc không ưa thích. Thân căn đi chung với xúc trần sẽ làm phát sinh thân thức để phân biệt những cảm giác này. Ý căn đi chung với pháp trần.
Năm trần vừa mới đề cập ở trên– sắc, thanh, hương, vị, xúc– tất cả đều có sắc tướng biểu hiện. Chỉ có Pháp Trần là không được biểu hiện qua sắc tướng. Chúng không có một biểu tượng nào. Tuy nhiên, khi ý căn tiếp xúc với pháp trần, tâm ý liền khởi phân biệt, thế nên trong tâm cũng có ý thức phân biệt. Đó là cách mà sáu căn tiếp xúc với sáu trần khiến sinh khởi sáu thức…”
*
Lục Dục thực ra chính là Ngũ Dục cộng thêm vào Pháp Dục mà thành ra sáu món. Lục Dục là khái niệm ít được phổ biến hơn so với Ngũ Dục, do khái niệm Pháp Dục tương đối khó hiểu đối với phần đông những người sơ cơ. Như thế Lục Dục là sáu thứ ham muốn, bao gồm:
- Sắc dục.
- Thanh dục.
- hương dục.
- Vị dục.
- Xúc dục.
- Pháp dục.
Trong Phật học Phổ Thông, Hòa Thượng Thiện Hoa giảng giải về năm món đầu như sau:
Sắc dục là gì?
Sắc dục là nhãn căn đối với sắc trần, sanh tâm tham muốn. Trong thì “chánh báo” là thân phần của nam nhơn hay nữ nhơn: Mày tằm mắt phượng, môi đỏ má hồng…Ngoài thì “y báo” là vật dụng của thế gian: ngọc, ngà, châu, báu, vật quý đồ xưa, sắc màu lộng lẫy…Những món ấy, đại đa số người vừa trông thấy liền sanh tâm tham ái.
Thanh dục là gì?
Thanh Dục là tai nghe tiếng hay, tâm sanh say đắm; như tiếng ca, giọng hát, khúc lý câu tình, âm điệu du dương, khêu gợi tâm dục của người, sanh tâm đắm nhìn.
Hương dục là gì?
Hương dục là lỗ mũi khi đối với hương trần sanh tâm tham muốn; như dầu thơm ngào ngạt, phấn sáp nồng nàn v.v…Những món hương trần ấy, khiến cho người ngửi đến thì sanh tâm ưa thích đắm nhìn, mơ tưởng vẩn vơ.
Vị dục là gì?
Vị dục là khi lưỡi đối với mùi vị, sanh tâm tham đắm, như các mùi vị thơm tho, ngọt bùi, chua chát, mặn lạt, mỡ thịt, cá tôm, chả gỏi nem bì, những đồ cao lương mỹ vị..
Vẫn biết nhân loại đối với sự ăn uống phải cần dùng nhiều món để nuôi sống mà làm việc. Thế nên cả nhân loại ăn chẳng công nhận nó là điều cần thiết nhất, nếu ăn uống kém thiếu, thì thân thể phải ốm gầy. Nhưng ta nên xem sự ăn uống như là uống thuốc, để chữa bệnh đói khát mà thôi. Nếu quá tham món cao lương mỹ vị, chỉ biết lo sống để mà ăn, thì con người có cho là cao thượng? Phật nói: “Chúng sanh sở dĩ đi không cách đất, không khỏi cỏ cây, ra vào không rời khỏi không khí, là bởi ăn những món “do đất sinh ra”, nên thân thể rất nặng nề”.
Xúc dục là gì?
Xúc dục là thân thể khi giao thiệp với xúc trần, sanh tâm tham muốn. Bố vải thô sơ, mặc vào mình biết nhám; lụa là, gấm vóc là suôn, mặc vào mình biết trơn láng, gỗ chạm vào mình biết cứng, bông đụng vào mình biết mềm v.v…Những vật gì mềm mại thì sanh tâm ưa thích, những vật gì cứng nhám thì sanh lòng ghét bỏ.”
Pháp dục là gì?
Pháp dục là ý căn tiếp xúc với pháp trần, tâm ý liền khởi phân biệt, tham đắm bảo vệ bản ngã của mình. Nó liên tục biện luận, đối chiếu, tranh cãi cốt để bảo vệ suy luận của mình. Nhưng vì những kết luận này không được phát khởi từ trí huệ chân chánh. Cho nên những chúng không phải là chân lý.
Tóm lại Thất Tình Lục Dục khuấy động tâm can chúng sanh. Chúng là tác nhân khiến phiền não của con người liên miên bất tận. Người học Phật nên thấu thiệt tác hại của chúng, chớ để chúng tác động mà hỏng cả đường tu.
( Thất Tình Lục Dục là gì )
Tuệ Tâm 2022.
Để lại một bình luận