Một bạn đọc hỏi: Người nghèo khổ do nhân duyên gì? Tại sao thế gian người giàu có thì ít mà người nghèo khổ lại vô lượng vô biên? Tôi bảo: Người phải chịu cảnh nghèo khổ bần cùng là do tiền kiếp keo kiệt, bủn xỉn, không tu hạnh bố thí; trộm cướp, lường gạt tài sản của người khác.
Chúng ta sanh trong cõi Ta Bà này đều do nghiệp lực mà sanh ra. Hết thảy những thành bại, vinh nhục, được mất…trong đời vốn đều là quả cảm thành từ đời quá khứ. Mắt phàm phu không hiểu nhân quả nên than trời trách đất mà chẳng biết rằng: Mọi thứ vốn đã có nhân duyên từ trước, không có cái gì là tự nhiên cả. Bởi thế trong Kinh, đức Phật dạy: “Muốn biết nhân quá khứ, nên nhìn quả hiện tại; muốn biết quả vị lai, nên nhìn nhân hiện tại.”
Lời Phật dạy dễ hiểu như thế, nhưng người ta do nghiệp chướng ngăn che nên chẳng biết, có biết cũng chẳng tin chẳng nhận. Bởi thế nên suốt cả cuộc đời quay cuồng trong trường danh sắc lợi, điên đảo đảo điên, bon chen lường gạt, lao tâm khổ tứ mà cái nghèo vẫn y nguyên không khác!
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- Kinh Thập Thiện nghiệp đạo.
- Nhân quả ba đời là gì.
- Cách cúng năm mới.
- Ma ba tuần, ông là ai.
- Tình yêu thương là gì.
- Cách thai giáo cho bé tại nhà tốt nhất.
*
Lại hỏi: Người nghèo khổ do định nghiệp, vậy muốn thay đổi số phận có được hay chăng?
Tôi bảo: Được! Đơn giản lắm, như chuyện bà lão bán nghèo cho Tôn giả Ca Chiên Diên, hoặc như Ngài Viên Liễu Phàm…Nhiều lắm, chỉ là người ta có thật sự thay đổi mình hay không mà thôi. Nếu như tin sâu nhân quả, học Phật rồi tu sửa mình, nhanh thì vài năm, chậm thì 4-5 năm, không ai không được Tam Bảo rủ lòng từ gia bị. Bởi nghiệp quả muốn trổ ra vẫn bị chi phối bởi lý Nhân duyên. Nếu biết hướng thiện làm lành, lại niệm Phật cho tiêu trừ chướng nghiệp, không ác nghiệp nào không được chuyển đổi, ấy gọi là sự nhiệm mầu của Phật pháp vậy!
Năm xưa có kẻ nghèo cùng khốn khổ, trên đường đi gặp một Thầy chùa. Sư nhìn tướng rồi thương xót bảo: “Số ông nghèo hèn suốt đời. Nếu có thể phát tâm ăn chay trì chú Đại Bi không lười nhác, thì có thể thay đổi được số mạng.” Vị ấy tin nhận liền phát tâm trường chay, tụng chú Đại Bi suốt 3 năm. Ba năm sau tự nhiên có người bỏ vốn cho anh ta làm ăn, công việc làm đâu thắng đó. Chưa đầy 5 năm đã trở thành hào phú nức tiếng trong vùng. Ông ta cảm ơn Phật nên dù công việc đa đoan vẫn hàng ngày trì chú, làm việc thiện không biết chán mỏi.
Luận về người nghèo khổ: Khổ vô biên khổ!
Đã sanh trong cõi đời này, ai chẳng muốn mình giàu có hiển vinh. Nhưng mong ước là một chuyện, còn thực tế lại là chuyện khác. Bởi như mong cầu mà được ắt hẳn thế gian đã chẳng có người nghèo. Mà chữ Nghèo đã mang nơi thân, dù muốn hay không, nó cũng thường kéo theo chữ Hèn ở phía sau. Bởi thế cho nên không bút mực nào có thể lột tả được hết cái khổ của những người nghèo.
Như trong kinh Đăng Chỉ nói: “Nên biết rằng nghèo khó ví như ở địa ngục, mất đi chỗ tựa nương, không có nơi nào gởi gắm, lòng dạ buồn lo ưu sầu tiều tụy. Sắc hoa đã úa tàn thì dung mạo chuyển sanh xấu xí, thân thể gầy còm đói khát bức bách, hố mắt sâu hoắm tay chân trơ xương, da mỏng dính thân gân mạch lộ rõ, đầu tóc rối tung tay chân quều quào, sắc diện vàng vọt toàn thân nứt nẻ.
Lại không có áo quần nên phải đến chỗ dơ bẩn, thu lượm giẻ rách khâu liền với nhau làm cái để mặc. Nằm dựa đống phân không có giường chiếu. Những người thân thích xưa kia thấy mà không biết; đi khắp nơi xin ăn giống như quạ đói; đến nhà bạn bè quen biết mà bị người giữ cổng ngăn cản. Nếu có dịp thuận tiện đi vào lại bị làm nhục, khom lưng cúi đầu, chủ nhà khinh miệt chẳng thèm nhìn ngó.
*
Giả sử được vào nhà nhưng vì khinh rẻ cho nên gượng ngồi tiếp chuyện; cho chút đồ ăn rồi kiếm cớ khéo đuổi đi. Người bần cùng ví như cây rừng không có hoa nên bướm ong chẳng đến; như cỏ bị sương nên lá tự cuốn khô; như hồ cạn khô nên chim Hồng, Nhạn không dạo bước; như rừng bị cháy nên hươu nai không đến; như ruộng cắt hết lúa nên không có người buồn mót nhặt.
Hôm nay nghèo khổ mà kể đến giàu có vui sướng ngày xưa, cũng chỉ là nói suông, không kẻ chịu tin. Bởi bần cùng nên bạn xưa không ai tìm đến. Như cây khô héo nên chẳng có loài nào tìm đến nương tựa. Như mạ non bị sương độc mưa đá làm hư hoại, không có gì thu hoạch. Như rắn độc làm hại nên mọi người đều tránh xa. Như thức ăn trộn lẫn chất độc nên không có người nào thưởng thức. Như giữa chốn mồ hoang trống trải nên không có người hướng về. Như nhà xí hôi thối ghê tởm ruồi nhặng bu đầy.
*
Như kẻ tàn ác bị mọi người xa lánh ngăn cách; tuy nói lời hay nhưng người ta cho là sai trái. Nếu làm thiện nghiệp thì người ta cho là thấp hèn. Nếu làm việc nhanh nhạy linh hoạt lại chê là tùy tiện bộp chộp; Nếu thong thả làm thì là bảo là chậm chạp, biếng nhác. Giả sử ca ngợi người ta thì bị quy chụp là nịnh bợ. Nếu như không khen ngợi thì lại bị hủy báng, bảo vừa nghèo vừa ngu dốt si mê. Nếu như giảng dạy thì lại nói là lừa dối không thật. Nếu như nói năng giải thích rộng ra thì người ta nói là loạn ngôn. Nếu im lặng không nói thì người ta nói là che đậy tình ý.
Nếu như nói lời chính trực thì lại cho rằng thô lỗ. Nếu như cầu mong ý người thì lại nói là nịnh bợ quanh co. Nếu như nhiều lần gần gũi thì lại nói là làm cho người ta mê hoặc. Nếu như không gần gũi thì lại nói là cao ngạo kiêu căng. Nếu như thuận theo lời người khác nói ra thì lại bảo là lừa gạt lấy ý người ta. Nếu như không thuận theo thì lại nói là đã nghèo còn ngoan cố. Nếu như bỏ ý mình mà thuận theo thì lại bị mắng rằng hèn hạ bỉ ổi. Nếu như ý không khuất phục thì bị nói là người nghèo hèn hãy còn cố tình chấp ngã. Nếu có chút tự nhiên phóng khoáng thì nói là kẻ ngu si, nghèo mà hoang phí.
*
Nếu tự mình tiếp nhận thì nói là kẻ không có liêm sỉ, chỉ giả vờ đoan trang nghiêm túc. Nếu như thích nhàn tản thì nói là hạng phóng túng buông thả. Nếu như ưu sầu buồn thảm thì nói là hạng ngậm độc, không có tâm hoan hỷ. Nếu như nghe lời người khác nói có những điều không hết nghĩa, vì họ mà giải thích rõ ràng, thì bị nói là hạng thâm thắt lấy ngu thay trí, thật là xấu xa. Nếu như im lặng thì nói là ngu dốt không biết đạo lý. Nếu như có chút lý luận thì nói là kẻ không tin tội phước.
Nếu như có những mong cầu thì nói là mơ mộng hão huyền. Nếu như không mong cầu điều gì thì bảo rằng chẳng đáng sống. Nếu như lời nói dẫn ra kinh sách thì lại nói là giả vờ làm vẻ thông minh. Nếu như nói lời mộc mạc chất phác thì lại chê là dốt nát chậm chạp. Nếu như công khai nói về sự thật thì lại nói là gắng gượng giải thích. Nếu như tự mình ngăn cản mà nói lời đúng đắn thì lại nói là gièm pha nịnh bợ.
Nếu như mặc áo mới thì lại nói là mượn để trang sức vẻ bên ngoài. Nếu như mặc áo cũ rách thì lại nói là hèn kém xấu xa. Nếu như ăn uống nhiều thì lại nói là hạng đói khát ham ăn. Nếu như ăn uống ít thì lại nói là trong bụng đói meo mà giả vờ ra vẻ thanh liêm.
*
Nếu như giải thích kinh luận thì nói là bày tỏ cái biết của mình, làm rõ ràng sự tối tăm u ám của mình. Nếu như không giải thích gì đến kinh luận thì nói là ngu si không hiểu biết. Nếu như tự mình nói đến sự nghiệp ngày xưa thì nói là khoa trương cao ngạo tự khen ngợi mình. Nếu như tự mình ngậm miệng im lặng thì nói là thiếu kiến thức.
Những người bần cùng, đi lại ăn ở nói năng hành động, nhất cử nhất động đều là tội lỗi sai lầm. Những người phú quý làm những điều phi pháp cũng không có gì sai lầm tội lỗi, hành động của họ thì đều có những thuận lợi. Người bần cùng giống như quỷ dựng lên xác chết làm cho tất cả đều sợ hãi; như gặp phải căn bệnh hiểm nghèo khó có thể chữa trị; như chốn hoang vu không có nguồn nước và đồng cỏ;
như rơi vào biển rộng chìm giữa dòng nước lớn; như người tắc họng không thể nào thở được; như người mù mắt không biết phải đi đến nơi đâu; như cáu bẩn sâu dày khó có thể rửa sạch; như bước vào bùn sâu không thể nào thoát ra được; như nước dữ dội từ trên núi chảy xuống cuốn phăng mọi chướng ngại trên đường…Người nghèo khổ cũng như vậy, quả thật là lắm nỗi đắng cay.”
Phương thuốc thần hiệu trị dứt các bệnh nghèo khốn khổ sở
Thương thay cho những người nghèo khó! Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, mà riêng họ phải thường chịu cảnh đói thiếu, rét lạnh. Người ta ai cũng muốn được vừa lòng thích ý, mà riêng họ phải thường chịu cảnh khốn khổ. Tuy rằng nguyên nhân của sự nghèo đói phần lớn cũng do nghiệp báo đời trước của người ấy tự tạo; nhưng vẫn có thể chuyển đổi được nếu biết thực hành đúng pháp. Theo An Sĩ Toàn Thư, phương thuốc thần diệu chữa dứt bệnh nghèo khổ như sau:
- Phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ, ông bà… không được so đo tính toán phí tổn.
- Thường thiết trai cúng dường chư tăng ni.
- Giúp đỡ, chu cấp cho thân bằng quyến thuộc; cứu giúp người nghèo khó bần hàn không tính toán chuyện lợi hại.
- Khi có cơ hội, không từ chối việc dùng tiền của, tài vật giúp đỡ người khác.
- Tài vật không phải của mình thì không tìm cách tranh đoạt, giữ lấy.
Bà lão dùng nước để bán kiếp nghèo khổ
Nếu biết thực hành bố thí cúng dường có thể “bán đi sự nghèo khổ”, tất nhiên sẽ biết rằng việc kính lễ chư Phật có thể “bán đi sự hèn kém”, thực hành phóng sinh có thể “bán đi sự chết yểu”, siêng năng học hỏi có thể “bán đi sự ngu si”. Người có trí tuệ, chỉ nghe qua một điều có thể hiểu thấu ra trăm ngàn lẽ. Đối với hết thảy những nghịch cảnh bất như ý trong chốn thế gian này, há có điều gì lại không thể “bán đi” như thế?
Ở nước A-bàn-đề một có ông trưởng giả hết sức giàu có, của cải nhiều không kể xiết, nhưng hết sức keo kiệt, để cho người nữ tỳ trong nhà phải sống hết sức nghèo hèn, áo mặc không đủ che thân, cơm ăn không đủ no bụng, lại thường bị đánh đập hành hạ dù đã già yếu. Người ấy muốn chết đi cho thoát khổ mà không chết được.
Một hôm, người nữ tỳ già nua ấy mang bình ra bờ sông lấy nước, tủi thân khóc lóc thảm thiết. Một vị đệ tử Phật là ngài Ca chiên-diên thấy vậy thương xót liền hỏi: “Nếu như bà cụ chán ghét kiếp nghèo khổ, sao không mang bán nó đi?”
Lão nô tỳ thưa: “Có ai lại chịu mua cái nghèo?”
Ngài Ca-chiên-diên nói: “Được, cái nghèo khổ của bà cụ quả thật có thể bán đi được.”
*
Lão nô tỳ liền hỏi: “Làm cách nào để bán được?”
Ngài Ca-chiên-diên dạy: “Nếu lão bà quả thật muốn bán cái nghèo đi, thì phải hết lòng tin theo lời ta. Trước hết hãy súc rửa bình này cho thật sạch, sau đó lấy nước sạch vào bình mang đến cúng dường chư tăng.”
Lão nô tỳ hỏi: “Bình này là tài sản của chủ nhân, chẳng phải của tôi, làm sao có thể mang cúng dường?”
Ngài Ca-chiên-diên đáp: “Cái bình tuy không phải của bà, nhưng nước trong bình chẳng lẽ bà không có quyền sử dụng hay sao?”
Lão bà hiểu ra, liền mang bình lấy nước cúng dường. Ngài Ca-chiên-diên đích thân thọ nhận sự cúng dường đó, rồi truyền dạy Tam quy, Ngũ giới cho bà, sau đó lại dạy bà niệm Phật.
Đêm hôm ấy, lão bà mạng chung trong nhà chủ nhân. Sáng ra, người chủ thấy vậy nổi giận, mang xác vứt vào rừng Lạnh. Thần thức lão bà khi ấy đã sinh lên cung trời Đao-lợi, làm vị thiên nhân nơi đó, từ xa nhìn thấy thân xác cũ liền cùng với chư thiên quyến thuộc hiện đến rải hoa trời lên thi thể ấy.
Mười hạt thóc cúng dường thoát cảnh nghèo khổ
Đời Tùy, ở núi Chung Nam có vị thánh tăng là Thích Phổ An. Mỗi khi ngài đến chỗ đông người, thiên hạ lại tranh nhau thiết lễ cúng dường thỉnh ngài thọ trai. Ngày kia, ngài đến thôn Đại Vạn. Trong thôn có người tên Điền Di Sanh, nhà nghèo đến mức chẳng có gì ngoài bốn bức vách trơ vơ. Ông có bốn người con gái, quần áo chẳng đủ che thân.
Cô con gái lớn nhất tên là Hoa Nghiêm, khi ấy đã được 20 tuổi, ngoảnh nhìn lại gia sản chẳng có gì ngoài hai thước vải thô xấu. Nghĩ mình nghèo khổ thật quá đỗi, chẳng biết lấy gì để làm việc bố thí tạo phước, chỉ biết ngửa mặt nhìn lên mái nhà đau xót, bất chợt nhân đó thấy trên cây xà ngang có một lỗ hỗng nhỏ, bên trong có một nhúm thóc nằm vương vãi. Cô tìm cách lấy xuống, xem kỹ nhặt ra được mười hạt thóc vàng. Liền đem mấy hạt thóc ấy lột vỏ trấu, chà sạch lớp cám bên ngoài, định mang cùng với hai thước vải thô dâng lên cúng dường thánh tăng.
*
Thế nhưng khi cô nhìn lại mình, chẳng còn mảnh vải che thân nên không thể ra khỏi nhà được. Liền chờ lúc đêm tối mới ra khỏi nhà, không dám đứng thẳng đi mà bò sát dưới đất, hướng về chỗ vị tăng đang trú ngụ, mang hai thước vải thô bỏ nơi bên ngoài phương trượng, còn mười hạt gạo thì tự tay mang đến bỏ vào nồi cơm đang nấu, trong lòng thầm khấn nguyện rằng:
“Tôi đời trước do tham lam bỏn xẻn nên nay phải chịu quả báo nghèo khổ cùng khốn. Nay đối trước chư Phật xin thành tâm sám hối, nguyện đem chút vật phẩm nhỏ nhoi này cúng dường chư tăng. Nếu như nghiệp báo nghèo khổ khốn cùng của tôi đến nay đã dứt, xin cho tất cả những hạt cơm đang nấu trong nồi này đều hóa thành sắc vàng.”
Khấn nguyện rồi gạt nước mắt mà quay về nhà. Sáng sớm hôm sau, chư tăng đều thấy trong cái nồi ấy nấu đến năm thạch gạo mà toàn bộ cơm trong nồi đều hóa thành sắc vàng. Không ai biết vì sao, chỉ có Đại sư Phổ An quán biết nhân duyên sự việc liền nói rõ cho mọi người biết. Ai nấy nghe qua xúc động không kiềm được, đều cho cô gái họ Điền là người có tâm địa tốt. Nhân đó, rất nhiều người mang tài vật đến giúp đỡ cho gia đình Điền Di Sanh. Cô gái ấy sau lại phát tâm xuất gia học đạo.
Hành Thiện là diệu Pháp thoát khỏi nghèo khổ
Đời Nguyên, ở Hội Kê thuộc tỉnh Chiết Giang có người tên Đường Giác, nhà nghèo khó, nhận dạy học trò để sinh sống. Năm Mậu Dần, tướng lãnh nhà Nguyên khai quật lăng tẩm họ Triệu (hoàng gia triều Tống), di cốt đứt đoạn vứt bỏ trong chỗ rậm rạp hoang dã.
Đường Giác biết việc ấy hết sức đau lòng, liền gom hết tiền bạc trong nhà được một ít, mua rượu thịt mời bọn thiếu niên trong làng cùng ăn uống. Đợi khi cả bọn đều say sưa, mới bí mật nhờ chúng chôn lấp hài cốt họ Triệu. Cả bọn đều nghe theo. Sau khi làm được việc nghĩa như thế, tên tuổi của Đường Giác được rất nhiều người biết đến.
*
Sang năm sau Kỷ Mão, vào ngày 17 tháng giêng, Đường Giác đang ngồi bỗng dưng chết giấc. Hồi lâu sống lại, kể chuyện vừa rồi đi đến một ngôi bảo điện, trên điện có một người đội vương miện, bước xuống chào nói: “Nhờ ơn ông chôn lấp hài cốt, sẽ báo đáp ân đức. Ông số mệnh kém lắm, nghèo khổ không có vợ con, nay lòng trung nghĩa cảm động thấu trời, Ngọc Đế truyền ban cho ông sẽ thành gia thất, sinh được 3 người con, ruộng đất được 300 mẫu.”
Đường Giác bái tạ lui ra, liền giật mình sống lại. Không lâu sau bỗng có Viên Tuấn Trai đến Hội Kê tìm thầy dạy cho con, vừa xuống xe liền gặp người giới thiệu Đường Giác. Viên Tuấn Trai được biết Đường Giác trước đây từng nổi tiếng làm việc nghĩa nên đặc biệt hết sức kính lễ. Sau đó liền đứng ra lo việc hôn nhân, giúp Đường Giác kết hôn với một người con gái của Quốc công, được thừa kế ruộng đất vua ban. Mọi chi phí tốn kém đều do Viên Tuấn Trai bỏ ra lo liệu. Sau Đường Giác sinh được 3 người con trai, quả đúng như lời thần báo trước.
( Theo An Sĩ Toàn Thư )
Tuệ Tâm 2022.
Để lại một bình luận