Hồi Quang Phản Chiếu là gì? Hồi quang phản chiếu là một thuật ngữ của Phật pháp, chỉ việc thu nhiếp tâm ý để quán xét vào bên trong nội tâm, không để cho “Tâm” rong ruổi theo trần cảnh. Hồi quang phản chiếu giúp ta luôn tỉnh giác trong chánh niệm, cho nên nó vô cùng quan trọng trong hành trình tu tập của mỗi người.
Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Người tu học phải luôn luôn quay lại chiếu soi mình, chớ không phải hướng ra ngoài tìm cầu, bởi ở bên ngoài không có cái gì để kiếm được. Ngay trong tự tánh của mình, mọi thứ đều có sẵn, đều hoàn bị. Chúng ta phải hồi quang phản chiếu, tự vấn lòng mình, hỏi xem mình đã sinh bao nhiêu niệm thiện, dấy bao nhiêu niệm ác, khởi bao nhiêu vọng tưởng. Hãy thống kê xem.
Chưa sinh niệm thiện, khiến sinh thiện niệm.
Ðã sinh niệm thiện, khiến nó tăng trưởng.
Chưa sinh niệm ác, khiến nó chẳng sinh.
Ðã sinh niệm ác, khiến nó diệt mất.
Ðó là bước đầu căn bản của việc tu hành!”
- Cách giúp đỡ những người bị ma nhập.
- Lời Phật dạy về Chữ nhẫn.
- Hội Long Hoa là gì.
- Hoạch tử là gì.
- Tham Sân Si là gì.
- Thế nào là Phước Huệ song tu.
- Kinh Di Lặc hạ sanh thành Phật.
Hồi Quang Phản Chiếu Là Luôn Quay Lại Chiếu Soi mình
Hòa Thượng dạy: “Như bảo rằng: “Tôi có thể nghe được tiếng nói ở không trung.” Đây tức là cảnh giới ma, không phải là cảnh giới của người vào định. Người tu đạo không thể nói như vậy mà phải theo được các câu sau :
Tự tánh chúng sanh thệ nguyện độ.
Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn.
Tự tánh pháp môn thệ nguyện học.
Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành.
Người tu học phải luôn luôn quay lại chiếu soi mình, chớ không phải hướng ra ngoài tìm cầu, bởi ở bên ngoài không có cái gì để kiếm được. Ngay trong tự tánh của mình, mọi thứ đều có sẵn, đều hoàn bị. Chúng ta hãy tự hỏi mình có tu hay không tu? Có hạ công phu không? Ðừng hỏi gì khác, chỉ hỏi ta có tham không? Có tham, tức là không tu hành. Không tham, tức là có tu hành. Cái đó mới là quan trọng nhất.
Lại tự hỏi mình, có tâm sân không? Bỗng dưng người ta đánh mình, mình có nổi nóng không? Nếu quý vị nổi nóng tức là quý vị chưa có công phu. Nếu quý vị thực không nổi nóng, quý vị cũng không nên tự cho là mình hết chấp ngã, cái đó chỉ là giảm phần nào tâm chấp ngã đó thôi. Chúng ta phải theo cho được các câu sau: “Ðánh ta, coi như không thấy; mắng ta, lấy lẽ đối xử”. Hy vọng quý vị ở đây theo đó dụng công phu.
*
Nếu nổi nóng, tức chưa có tu hành, chưa buông xả. Buông xả được thì ai là người phiền não? Ai là kẻ trêu chọc? Nếu không phiền não, cũng sẽ không nổi nóng, đây là bổn phận của người tu. Cũng không thể nói là ta tu hay, cái đó chỉ là tiến được một bước. Không thể có lòng cống cao ngã mạn, tự coi mình giỏi. Như nói: “Này! Các người đến đây coi chúng tôi tu, số một thế giới đấy!” Ðấy chính là đại ngã mạn! Ðại ma vương! Ngàn vạn lần quý vị không nên có những ý nghĩ như vậy, bởi nói cách đó chính là tà tri tà kiến.
Soi lại chính mình, thử xét mình có ngu si không? Có điều gì không được hiểu rõ, còn bị chướng ngại? Một điều thông, mọi thứ đều thông, và đây cũng chỉ là bước đầu của việc tu tập. Không thể nói rằng ta biết đã đủ rồi, tất cả đều viên mãn, nói như vậy là tính cuồng mạn. Có câu nói: “Chân không vô nhân ngã, đại đạo vô hình tướng.” Ðã là chân không thì cái gì là người? Cái gì là ta? Làm sao còn vọng tưởng? Như chứng được tam-ma-địa thì tự nhiên nước cam-lồ hiện tiền, đâu cần phải chạy đi đâu tìm kiếm, tất cả đã ở trong tự tánh rồi.
*
Người tu đạo không thể mang bộ mặt giả dối, mang cái nhãn hiệu tu mà sự thực chẳng tu, cái đó người ta nói là: “Treo đầu dê, bán thịt chó,” làm những việc không đúng pháp làm sao chứng được tam-ma-địa! Kẻ tu hành chân chánh mà chuyên tâm niệm Quán Âm thì sẽ chứng tam-muội. Cảnh giới tam-muội thì gặp trời lạnh không cảm thấy lạnh, trời nóng không thấy nóng, thiếu nước không biết khát, thiếu ăn không thấy đói, diệu dụng như vậy, nhiệm mầu không thể nói hết.
Người tu đạo phải thực lòng mà tu hành, cốt lấy cái thực chớ không tham cái danh giả. Tu hành là nói tới cái công phu thực sự, đem ra mà khảo nghiệm. Không thể tự mình đánh trống thổi kèn, rêu rao rằng ta là người đạo hạnh. Giả hay thực, nhìn qua là biết. Người tu không thể dối người khác, dối người là tội đọa địa ngục. Lại cũng không thể tu được chút ít mà đã tự coi là đầy đủ, giống như cái bánh vẽ không thể làm cho no bụng được. Tuy có câu nói rằng “thấy trái mơ thì hết khát nước,” nhưng cảm giác này chỉ là tạm thời, chớ không làm cho hết khát thực sự. Phải noi theo cho đúng phép tắc thì mới là con đường chánh để tu hành.
Tu Hành Phải Luôn Hồi Quang Phản Chiếu
Người tu hành phải thực tình, phải thật sự tu, phải bỏ công sức ra chớ không thể nhởn nhơ. Có một số người nói họ hành đạo Bồ-tát, nhưng đúng ra là họ cốt biểu diễn cho bà con thấy. Mỗi một cử chỉ, mỗi một hành động, mỗi lời nói ra, họ đều phô trương cho mọi người thấy, chớ không phải cho chính họ thấy. Những người đó cần phải biết hồi quang phản chiếu, còn như chờ người khác trông thấy mới niệm thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát – nếu quả có tử tưởng đó thì phải mau mau sửa đổi lại.
Phàm kẻ tu hành mà chỉ muốn người khác trông thấy mình tu, chính là bỏ gốc cầu ngọn. Quên cái gốc rễ để chạy theo cái ngọn là chuyện không được. Tu hành là để cho chính mình thấy, trông thấy được mình tức là hồi quang phản chiếu.
Nhớ kỹ! Hồi quang phản chiếu, chớ không phải phóng quang ngoại chiếu. Nếu phóng quang để chiếu ra ngoài, tức là chỉ muốn cho người khác nhận thấy, để họ bảo rằng mình là người thật sự tu. Phải biết rằng khi đã phóng quang ra ngoài thì chẳng còn gì nữa, bởi hào quang của mình chẳng có bao nhiêu, một khi phóng ra là hết. Mình chưa tu hành đến độ viên mãn, quang độ yếu ớt, chờ khi nào tu đến viên mãn, lúc đó phóng quang cũng chưa muộn. Bây giờ đang trong giai đoạn tu hành, không nên phóng quang.
*
Việc tu hành cũng giống như việc học. Mới đầu học tiểu học, tiếp theo là trung học, sau lên đại học, rồi sau nữa mới có bằng tiến sĩ. Tu hành cũng như vậy, cứ từng bước một mà tiến lên dần dần, chớ không thể đi theo lối tắt.
Có người bảo: Thiền tông đề xướng đốn ngộ, khai ngộ một cách chớp nhoáng. Chúng ta nên hiểu rằng đốn ngộ là nói về lý – cái lý về ngộ ngay tức khắc, nhưng về sự thì phải tu tập dần dần. Ðốn ngộ là nói về cá nhân đốn ngộ, chớ không phải nói về thời hạn đốn ngộ, một khi tu là ngộ ngay. Trước đây từ vô lượng kiếp, người ta đã tu rồi, đã từng gieo trồng hạt giống Bồ-đề rồi, lại nỗ lực canh tác, mỗi ngày một ít tích lũy lại, cho tới ngày nào đó công phu mới trổ thành quả chín. Không khi nào có trường hợp chẳng tu mà được khai ngộ. Câu nói: “Lý là đốn ngộ, sự là tiệm tu” chính là nghĩa này.
Hồi Quang Phản Chiếu: Tu Đạo Tức Là “Quay Ngược Lại.”
Thế nào là Phật-pháp? Phật-pháp tức là thế gian pháp. Song nó là pháp mà người thế gian không muốn làm. Người đời ai cũng bận rộn lăng xăng, mà phát xuất điểm không ngoài lòng ích kỷ riêng tư, chỉ lo bảo vệ thân mạng và của cải chính mình. Phật-pháp thì đại công vô tư (chỉ có công ích không có tư lợi) đem lợi ích đến mọi người.
Khi học Phật-pháp, trong mọi việc làm mình hãy nghĩ đến người khác. Hãy xem nhẹ cái “tôi” này, quên mình vì người và chớ làm kẻ khác bực dọc phiền não. Ðó chính là Phật-pháp. Song phần lớn người ta không nhận thức rõ ràng được điểm này. Vì thế trong Phật-giáo xảy ra đủ thứ tranh chấp, cãi vã, phiền não, thị phi. Chẳng khác gì, hoặc tệ hơn, chốn trần tục của người đời nữa. Những người này một đằng học Phật, một đằng tạo tội nghiệp. Vừa lập chút công, lại vừa tổn chút đức. Do đó, chẳng những họ không mang lợi ích cho đạo Phật, mà ngược lại làm tổn hại đạo Phật. Việc ấy đức Phật gọi rằng: “Con giòi trong thân sư tử, gặm nhấm thịt sư tử.”
Là đệ tử Phật, nếu mình ích kỷ, tự lợi, không biết nhìn xuyên suốt (khán phá), không chịu buông bỏ (phóng hạ), thì sao tương ưng với Phật-pháp được? Người học Phật cần:
Chân nhận tự kỷ thác
Mạc luận tha nhân phi
Tha phi tất ngã phi
Ðồng thể danh đại bi.
Nghĩa là:
Tự nhận rõ mình lỗi.
Chớ nói người khác sai.
Họ sai tức mình sai.
Ðồng thể là đại bi.
*
Muốn hiểu chân lý đạo Phật thấu đáo, trước tiên mình cần tự tu nhẫn nhục, bố thí. Thế mới đưa tới thành tựu. Mình cần “xoay ngược lại,” tức là phải tách biệt với người đời, không a dua theo trào lưu. Tu đạo mình cần “Ðổi ngược lại.” Nghĩa là sao? Tức là: “Nhường cho người việc tốt, tự mình lãnh việc xấu.” Buông bỏ bản ngã hẹp hòi để hoàn thành Ðại Ngã.
Phàm là đệ tử của tôi, các vị đều là máu thịt nơi thân tôi. Bất luận là máu thịt nào bị cắt xén, tôi cảm thấy đau đớn lắm. Bất kỳ nơi nào chảy máu, đều làm tổn thương nguyên khí của tôi. Do đó các vị hãy đoàn kết với nhau. Vì muốn làm Phật-giáo rạng rỡ vẻ vang, các vị cần chịu đựng những chuyện thiệt thòi mà không ai chịu nổi, phải nhẫn những thứ nhục nhã mà không ai nhẫn nổi.
Phải để lòng dạ rộng rãi, làm gì cũng cần thật thà. Mình không thật thà thì Phật Bồ-tát biết hết đó. Làm sao mình lừa bịp chư Phật Bồ-tát được. Các vị hãy kiểm thảo lỗi lầm của mình, thành tâm sửa đổi điều sai trái, chân chính nhận thức những thái độ, hành vi điên đảo, không hợp đạo lý của mình. Cứ thành thật, quên phứt mình đi để phục vụ toàn thể Phật-giáo và xã hội.
*
Bất kỳ một tổ chức, một xã hội nào trên thế giới cũng đầy dẫy chuyện tranh chấp, đấu tranh vô cùng phức tạp. Chúng ta hãy cải thiện tình trạng này trong các chùa thuộc Tổng Hội Phật Giáo Pháp Giới như Vạn Phật Thánh Thành, Kim Sơn Thánh Tự, Kim Luân Thánh Tự…
Tuy mình không thể sửa đổi hoàn hảo ngay lập tức, hãy từng bước sửa đổi tới lúc hết sức hoàn thiện, triệt để và rốt ráo. Bất kỳ lúc nào mình cũng cần giữ gìn hành vi và chí nguyện cao thượng để triển khai rạng rỡ Phật-giáo. Ðó là trách nhiệm cần có của mỗi Phật tử. Nếu Phật-giáo không hưng thạnh, đó là do mình chưa tận tình làm tròn trách nhiệm. Chớ nên đẩy trách nhiệm lên kẻ khác. Nếu làm được thế, chẳng bao lâu Phật-giáo nhất định rạng rỡ, lan rộng khắp mọi nơi trên thế giới.
Là đệ tử Phật, phải chăng mình cầu Phật gia bị hằng ngày? Cầu Phật giúp mình phát tài, thăng quan hoặc khai trí huệ? Phải chăng mình chỉ cầu Phật giúp mình, chẳng hề suy nghĩ tự hỏi mình có cống hiến, đóng góp gì cho Phật-giáo chăng? Mình có chân thật chăng? Ðây là điểm mà mình phải thường hồi quang phản chiếu.
*
Lúc quy y, các vị phát bốn nguyện rằng:
1. Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ: Hãy tự hỏi mình: “Ta độ được ai chưa?” Nếu đã độ rồi thì hãy độ thêm nữa. Nếu chưa độ ai hãy phát tâm độ chúng sanh.
2. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn: Phiền não thì nhiều vô cùng tận. Chỉ cần ta biến đổi chúng hóa ra bồ đề. Mình đã biến đổi chúng chưa? Nếu chưa, thì hãy mau mau biến đổi chúng.
3. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học: Hãy tự kiểm thảo: “Ta có học Phật-pháp chăng? Ta có ra sức vì đạo Phật chưa? Phải chăng ta học một cách cứng ngắc, không biết làm sao vận dụng nó, rồi một ngày tu luyện, mười ngày bỏ bê?”
4. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành: Trong thiên hạ không có pháp môn gì siêu thoát và cứu cánh hơn đạo Phật cả. Song ta đã chân chính phát tâm thành Phật chưa? Không những ta phải thành Phật mà còn phải độ hết thảy chúng sanh thành Phật nữa.
Nhìn lại quá khứ, đức Phật Thích Ca đã tu phước tu huệ suốt ba A-tăng-kỳ kiếp, vun trồng tướng hảo cả trăm kiếp. Ngài đã từng xả thân mạng để đổi lấy nửa câu kệ pháp. Tinh thần ấy thật vĩ đại quá! Sự chân thành cầu Pháp của Ngài thật cao thượng! Mình phải bắt chước tinh thần ấy…”
( Hồi quang phản chiếu là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị )
Tuệ Tâm 2022.
Hiến Đinh viết
Dạ thưa sư Tuệ Tâm, con nông cạn thiếu hiểu biết, con đọc một vài bài của sư và bài giảng của một vài vị dành sư… về pháp môn niệm Phật nhưng con chỉ cảm thấy chấp nhận được tư tưởng của Pháp Nhiên Thượng Nhân qua các bài viết của sư. Vậy sư cho con hỏi:
1. Con chỉ chấp nhận tư tưởng của một vị, tất nhiên phải là vị sư giới hạnh tinh nghiêm và nổi tiếng, để làm yếu chỉ tu hành được không ạ? Ở đây con lấy yếu chỉ của Pháp Nhiên thượng nhân
2. Con tự thấy bản thân con đầy rẫy nghiệp chướng, niệm Phật cũng không được tinh tấn, nhưng con chỉ cần tin Đức Phật A Di Đà sẽ cứu độ con, còn nghĩ v đc k ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tịnh Độ pháp môn có nhiều đường lối tu hành, trong đó có tự lực, tha lực và vừa dùng tự lực vừa dùng tha lực. Bạn tin nhận được Bản Nguyện Niệm Phật của Pháp Nhiên Thượng Nhân là do nhân duyên vãng sanh đã chín muồi. Bởi pháp này nương hoàn toàn vào tha lực nhiếp thọ của đức Phật A Di Đà, tuy cực dễ thực hành và phá chấp bậc nhất nhưng lại vô cùng khó tin nhận. Nếu nhân duyên vãng sanh Cực lạc chưa chín muồi thì không thể nào tin nhận được pháp môn này!
Pháp của những danh sư mà bạn từng nghe đa phần vừa dùng tự lực vừa dùng tha lực, hành giả do không tin nhận được sự cứu độ vô điều kiện của Phật A Di Đà nên thường tự gây chướng ngại vãng sanh cho chính mình, kết cục trong ngàn người tu may lắm được 1 đến 2 người vãng sanh.
1. Pháp Nhiên Thượng Nhân vốn là hóa thân của đức Đại Thế Chí Bồ Tát. Bản nguyện niệm Phật do ngài hoằng dương lấy Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ của Tổ Thiện Đạo làm nền tảng. Mà Tổ Thiện Đạo là hóa thân của đức Phật A Di Đà, do đó Chánh Hạnh Niệm Phật chính là từ kim khẩu của đức Từ Phụ Thế Tôn thuyết ra, là con đường tắt nhất, dễ nhất để ra khỏi sanh tử luân hồi. Không phân biệt sang hèn, trí ngu, tại gia hay xuất gia, hễ tin nhận mà hành trì thì 100 người niệm vãng sanh cả 100, 1000 người niệm cả 1000 người được vãng sanh. Cho nên bạn lấy Niệm Phật Tông Yếu của Pháp Nhiên Thượng Nhân làm yếu chỉ hành trì là thiện căn bậc nhất rồi, không pháp nào hơn được. Tuệ Tâm dám khẳng định mà không sợ phạm vọng ngữ rằng: “Nếu y theo Thượng Nhân mà hành trì, trọn đời không tu tạp thêm bất kỳ pháp môn nào là chắc chắn được vãng sanh!”
2. Bạn nghĩ như thế là đúng rồi. Bởi đức Phật A Di Đà lập nguyện là để cứu độ hàng phàm phu nghiệp sâu chướng nặng, giải đãi và cang cường khó độ bọn ta. Cho nên nghiệp nặng kệ nó, giải đãi kệ nó, chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện vãng sanh của ta cả! Bởi “Ngài luôn luôn phóng quang nhiếp hộ và luôn sẵn sàng tiếp dẫn chúng sanh niệm hồng danh của Ngài”. Tin sâu như vậy mà niệm Phật đủ rồi, là chắc chắn lên thuyền đại nguyện của Ngài rồi vậy!
Nam mô A Di Đà Phật.
Hiến Đinh viết
Dạ nghe sư giải thích con rất vui và càng thêm có tín tâm, con cảm ơn sư rất nhiều ạ
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Ngọc viết
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô Đại bi Quán Thế Âm bồ tát
Tri ân công đức hoà thượng Tuyên Hoá !!!
Vũ văn hòa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Niệm Phật chỉ cần 10 câu là đã vãng sang rồi,vậy sao nhiều người không tin vậy ạ