Sám hối tội lỗi là gì? “Sám” nghĩa là sám trừ lỗi lầm xưa, hổ thẹn với những lỗi lầm đã phạm. “Hối” là hối cải, sửa đổi; nhất định quyết tâm sửa đổi con người mình, vĩnh viễn không còn tái phạm nữa. Như vậy, sám hối tội lỗi nghĩa là ăn năn hổ thẹn với những tội lỗi mà mình đã đã gây ra và quyết tâm sửa mình để không bao giờ còn tái phạm.
Dù bạn có học Phật hay không cũng nên thường xuyên sám hối tội lỗi của mình. Một việc rất đơn giản thôi, nhưng nếu chí tâm hối cải sẽ giúp bạn tiêu trừ chướng nghiệp, tránh phải chịu quả báo nặng nề về sau. Tuy nhiên trước khi nguyện sám hối, bạn cần biết hai việc:
- Có những tội lỗi chịu quả báo cực nặng, lại rất dễ phạm nhưng người ta chẳng biết. Hoặc vô tình phạm tội nặng nhưng lại tự dối mình rằng: “Không biết thì không có tội.” Xin thưa, không có chuyện ấy đâu! Ví như có người ngu lấy tay cầm dây điện hở. Người ấy thật chẳng biết là điện giật chết ngời, nhưng vẫn bị điện giật chết đó thôi.
- Dù tội ngập trời, khởi một niệm chân thật sám hối thì vạn tội đều được tiêu trừ. Tuy nhiên, không sám hối thì thôi, hễ sám hối tội lỗi thì tuyệt chớ có tái phạm. Bởi nếu tái phạm thì tội cũ chồng thêm tội mới, lại thêm cái lỗi khinh nhờn nên quả báo phải trả tăng thêm rất nhiều lần. Vì sao? Vì biết mà cố tình phạm vậy!
*
Một bạn đọc hỏi tôi: Tội lỗi là gì? Tội lỗi từ đâu sanh ra?
Tôi bảo: Lời nói hoặc hành động của ta gây nên lỗi lầm, làm tổn hại cho mình hoặc cho người, ấy gọi là tội lỗi. Tội lỗi từ đâu sinh ra? Từ thân khẩu và ý của chúng ta sinh ra. Người thế gian lầm lạc tưởng rằng: Chỉ hành động gây tổn hại cho người mới là tội, còn lời nói và suy nghĩ của mình không tổn hại chi ai nên không có tội. Vì vậy nên ai cũng lầm tưởng rằng mình sống thiện lương trong sáng, không có lỗi lầm chi. Nào đâu biết rằng trong một ngày, từ khẩu và ý của chúng ta gây ra vô biên tội lỗi. Chỉ là, chúng ta không biết đó mà thôi!
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- 12 loại quả báo của chúng sanh.
- Liễu Phàm Tứ Huấn – Trọn bộ.
- 10 Danh hiệu Phật là gì.
- Dấu hiệu người đắc quả A La Hán.
- Giác ngộ là ra khỏi sanh tử luân hồi
- Thế nào là tu khổ hạnh và 12 Hạnh đầu đà.

Sám Hối Tội Lỗi là gì
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Chúng sinh do nghiệp nặng nên muốn liễu Ðạo thành Phật, trước tiên cần phải sám hối những tội nghiệp đã làm. Nếu như không có tâm sám hối mà muốn thành Phật thì cũng như nấu cát mà mong thành cơm vậy. Tuy rằng cát nấu hằng hà sa số kiếp nhưng cuối cùng cũng không thể nào thành cơm đặng. “Sám” nghĩa là sám trừ lỗi lầm xưa, hổ thẹn với những lỗi lầm đã phạm. “Hối” là hối cải, sửa đổi; nhất định quyết tâm sửa đổi con người mình, vĩnh viễn không còn tái phạm nữa. Như ông Viên Liễu Phàm đã nói:
Dĩ tiền chủng chủng, ví như tạc nhật tử.
Dĩ hậu chủng chủng, ví như kim nhật sinh.
Nghĩa là:
Những điều xấu mình làm từ trước, hôm qua kể như là ngày cuối cùng.
Những điều mình làm về sau, hôm nay là bắt đầu một cuộc đời mới.
*
Nếu như mình không siêng năng sám hối thì tội nghiệp mình tạo ra sẽ khiến mình mãi đọa lạc. Chắc quý-vị còn nhớ khi quy y, trước tiên quý-vị xưng tên mình rồi sau đó sám hối như sau:
Tùng ư vô thủy, dĩ chí kim sinh,
Hủy báng Tam-bảo, tác nhất xiển đề,
Báng Ðại-thừa Kinh, đoạn học Bát-nhã,
Thí hại phụ mẫu, xuất Phật thân huyết,
Ô tăng già lam, phá tha phạm hạnh,
Phần hủy tháp tự, đạo dụng Tăng vật,
Khởi chư tà kiến, bác vô nhân quả,
Hiệp cận ác hữu, vĩ bối lương sư…
Nghĩa là:
Con từ vô thỉ, cho tới ngày nay,
Nguyền rủa Tam-bảo, làm Nhất-xiển-đề,
Chửi Kinh Ðại-thừa, dứt học Bát-nhã,
Giết hại mẹ cha, làm Phật đổ máu,
Bẩn chốn chùa chiền, phá phạm hạnh người
Ðốt hủy chùa tháp, ăn cắp đồ Tăng,
Dấy đủ ý sai, nói không nhân quả
Gần bạn bè xấu, nghịch lại thầy lành…
Bây giờ, tôi sẽ giảng lại đại ý của đoạn văn sám hối trên.
Sám Hối Tội Lỗi: Những Tội Cực Nặng Cần Tránh Phạm
Chúng ta từ vô thủy đến nay đã tạo ra không biết là bao nhiêu tội nghiệp, không kể xiết. Thứ nhất là mình hủy báng Tam-bảo: Phật, Pháp, Tăng. Trong các tội, hủy báng “Tăng-bảo” là tội lớn nhất, nặng nhất. Bởi vì chư Tăng đại biểu cho Phật để tuyên dương Phật-pháp. Bởi vậy hủy báng Tăng tức tội không thể sám hối được.
Thế nào gọi là “Xiển đề”? “Xiển đề” tiếng Phạn dịch nghĩa là “tín bất cụ,” không đủ lòng tin, hoặc là “vô thiện căn,” không có căn cơ lành. Thí dụ như khi quý-vị thuyết Pháp cho người đó, không những họ không thích nghe mà thậm chí còn nói ngược lại rằng: “Tôi không tin đâu!” Ðây không phải là tự đem thiện căn của mình mà đoạn tuyệt đi sao?
*
“Báng Ðại-thừa Kinh” tức là phỉ báng kinh điển Ðại-thừa. Như có người nói đạo lý trong kinh là giả hoặc nói rằng kinh điển Ðại-thừa là do ma vương nói ra, v.v… Ðây cũng là phạm tội không thể sám hối được. “Bát-nhã” là tiếng Phạn, nghĩa là trí huệ. Bát-nhã có ba loại: Thật-tướng Bát-nhã, Quán-chiếu Bát-nhã và Văn-tự Bát nhã. Nếu như “đoạn học” (không chịu học) bất cứ loại Bát-nhã nào, thì mình sẽ trở nên ngu si. Quả báo của ngu si là sẽ đọa làm thú vật.
“Thí hại phụ mẫu” nghĩa rằng giết hại cha mẹ của mình. Câu nầy bao hàm luôn việc sát hại các vị A-la-hát và thánh nhân. Thí dụ như Ðề-Ba-Ðạt-Ða giết một vị đắc Tứ-quả A-la-hán.
Kế đến là “Xuất Phật thân huyết” nghĩa là dấy máu Phật. Ðây cũng là một tội không thể sám hối sạch được. Nhiều người hiểu lầm cho rằng tội nầy chỉ áp dụng khi đức Phật còn tại thế. Khi dùng dao cắt chém thân thể Phật thì mới mang tội nầy. Song thật sự sau khi Phật diệt độ rồi, hễ ta hủy hoại tượng Phật, hình ảnh Phật, tất cả đều phạm tội nầy. Phá lớp vàng trên tượng Phật hoặc đập bể tượng Phật, tuy rằng không làm tổn hại đến xác thịt của Phật nhưng cũng là cắt chém thân Phật vậy.
*
“Ô tăng già lam” nghĩa là làm ô uế chốn thanh tịnh của chùa chiền. Giống như một số cư sĩ có gia đình trú ngụ trong chùa, song lại làm những việc không chính đáng như ăn thịt, sát sinh, v.v… “Phá tha phạm hạnh” nghĩa là phá hạnh thanh tịnh của kẻ khác. Thí dụ như người xuất gia xưa nay vốn thanh tịnh không bị nhiễm ô, nhưng có người lại phá quấy họ, khiến họ phạm giới luật, đó cũng là tội không thể sám hối được.
“Phần hủy tháp tự” nghĩa là đốt hoặc thiêu hủy, phá hoại tháp đền và chùa chiền. Thí dụ như trong lịch sử có Phùng Ngọc Tường hỏa thiêu Chùa Bạch Mã và Chùa Thiếu Lâm.
“Ðạo dụng Tăng vật” là ăn cắp vật dụng của chư tăng. Ðây là nói đến những kẻ dùng thủ đoạn không chính đáng để đoạt của thường trụ lấy làm của riêng họ. Những hạng người như vậy đều có tà tri, tà kiến, ý tưởng sai lầm, luôn cho mình là đúng. Họ thường cho rằng không có nhân quả và luôn luôn làm những điều nghịch lại với đạo lý. Không có chuyện ác, chuyện xấu nào mà họ không dám làm. Hạng người như vậy thì làm sao mà không đọa địa ngục được?
*
Cuối cùng là “Hiệp cận ác hữu, vĩ bối lương sư” nghĩa là thân cận với những kẻ ác, bạn xấu và đối nghịch lại với những vị thầy tốt. Bạn xấu là những người mà các nhà nho gọi là “tổn hữu” (hại bạn). Những thứ cướp giật, những bọn bất lương sống ngoài vòng pháp luật là thứ mình không nên kết bạn. Kết giao với họ chỉ làm tổn hại cho mình, từ từ làm cho mình đi vào con đường sai lầm, không còn nghe theo lời khuyên bảo của cha mẹ, thầy tốt; lấy điều sai lầm cho là đúng và không còn phân biệt được chuyện phải trái trắng đen gì cả, cứ làm việc ngược ngạo, thật đáng thương xót thay!
Những tội lỗi kể trên là những điều mà mình không nên phạm, tuy rất dễ bị phạm. Nếu chẳng may mình đã phạm những lỗi đó thì phải làm sao? Quý-vị đừng lo sợ. Có câu rằng: “Di thiên đại tội, nhất sám tiện tiêu.” Nghĩa là tội phạm tày trời, sám hối sạch tiêu. Tội vốn không hình tướng. Nếu mình chân chính có tâm sám hối thì sợ gì không có hy vọng. Quý-vị đừng nên coi thường mình, đừng cam tâm để bị đọa lạc.
*
“Tự tác giáo tha” nghĩa là tự mình làm, xúi người khác làm hoặc thấy hay nghe người khác làm, mà thuận lòng theo. Chúng ta phải biết rằng sát sanh, ăn cắp, tà dâm, nói dối hay rượu chè đều là những hành vi không chính đáng, đó là những thứ tạo tội nghiệp. Những tội nầy được phân làm bốn loại: Nhân, duyên, pháp, nghiệp (nguyên nhân, điều kiện tiếp trợ, phương thức và việc làm). Sự sát sinh gồm có sát nhân, sát duyên, sát pháp, sát nghiệp; bất luận giới nào trong đó cũng có “tự tác” hay “giáo tha tác,” nghĩa là tự mình làm hoặc xúi kẻ khác làm.
“Tự mình làm” nghĩa là không dùng tay kẻ khác, mà chính mình đi làm chuyện bất chính. “Xúi kẻ khác làm” tức là cổ vỏ hoặc bảo người đó làm chuyện không đúng. Ðó là phạm tội một cách gián tiếp. So sánh với tội trực tiếp thì tội gián tiếp nầy nặng hơn một phần, bởi vì tự mình đã có tội rồi mà mình còn mang thêm tội nữa là xảo trá. Cho nên tự làm đương nhiên có tội rồi, mà xúi kẻ khác làm thì tội càng nặng hơn.
*
Thế nào là “kiến văn tùy hỷ”? (thấy, nghe rồi tùy hỷ), nghĩa là mình biết kẻ khác phạm tội mà còn giúp kẻ đó nữa, cũng giống như người xưa nói: “Trợ trụ vi xuyết” nghĩa là giúp vua Trụ làm việc bạo ngược. Hãy thử nhắm mắt lại tưởng tượng rằng từ vô thỉ đến nay, mình đã phạm lỗi lầm nầy bao nhiêu lần rồi? Cũng không cần hồi tưởng lâu xa như vậy. Chỉ xét trong cuộc đời ngắn ngủi này, tội mình phạm đã không thể kể xiết rồi.
Cho nên trong bài Sám-hối tiếp theo là câu: “Như thị đẳng tội, vô lượng vô biên.” Nghĩa là những tội như vậy không bờ bến, không hạn lượng được. Không những tội mình không thể kể hết được mà nó còn nhiều không biên tế. Nếu như đã biết tội sâu dày như vậy thì mình phải làm sao bây giờ? Không nói cũng biết rằng mình cần đối trước Phật mà khẩn thiết sám hối.
Cách Sám Hối Tội Lỗi
Do vậy cho nên bài Sám-hối lại tiếp: “Cố ư kim nhật, sinh đại tàm quý. Khắc thành bì lộ, cầu ai sám hối.” “Khắc thành” hai chữ này có nghĩa là thành tâm. Khi sám hối điều cần nhất là phải thành tâm. Có những người tuy sám hối với sư phụ nhưng họ hết sức dối trá. Nhưng thường thì giấu đầu lòi đuôi. Ðem tội lỗi của họ mà ngụy trang che giấu đi. Ðó cũng là biểu thị họ không có thành ý sám hối tội lỗi của mình. Với cách sám hối lếu láo như vậy thì dù họ có trải qua trăm ngàn vạn ức, hằng hà sa số kiếp cũng không thể nào làm cho tội nghiệp họ tiêu trừ tường tận được.
Cho nên nói “Trực tâm là đạo tràng” tức là tâm ngay thẳng là đạo tràng. Khi sám hối với ai, mình phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, nghĩa hai đằng. Ví dụ như khi hỏi rằng có phạm tội chi không? Thì trả lời rằng “tôi không nhớ” hoặc là “có lẽ có” v.v… Sám hối không triệt để như vậy không những không tiêu trừ được tội nghiệp mà còn trồng thêm nhân xấu nữa. Trong Phật-pháp, dù cho việc nhỏ như sợi tóc cũng không được lếu láo, coi thường.
Nhưng có người lại nói lên ví dụ như sau: “Có ông nọ luôn luôn tạo ra những tội nghiệp, toàn làm những chuyện ác nhưng không hiểu sao hiện giờ ông nầy vẫn làm ăn giàu có, như vậy là không có nhân quả, không có công lý phải không?” Có một bài kệ như sau:
*
Túng sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong;
Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ.
Nghĩa là:
Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu;
Nhân duyên đầy đủ thời, quả báo mình lại thọ.
Bởi thế cho nên phải biết nghiệp mình tạo ra thì thế nào cũng có báo ứng; chỉ là vấn đề thời gian, mau hay chậm, nhân duyên đã hội hợp đầy đủ chưa mà thôi.
Lại có người nói nếu như “Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu, vậy mình không có cách gì để làm tiêu trừ được tội chướng của mình sao?” Cũng không phải là không có biện pháp. Biện pháp để trừ tội nghiệp là “Duy nguyện Tam-bảo, từ bi nhiếp thọ, phóng tịnh quang minh, chiếu xúc ngã thân.” Nghĩa là nguyện xin Tam-bảo, từ bi dẫn dắt, phóng ánh sáng lành, chiếu rọi thân con. Hy vọng Phật, Pháp, Tăng, Tam-bảo có thể theo chí nguyện từ bi của các Ngài mà dùng ánh quang minh thanh tịnh vô ngại chiếu sáng nơi thân của mình.
Khi ánh quang minh chiếu đến thân mình, tam chướng (phiền não chướng, báo chướng, và nghiệp chướng) được tiêu trừ, giống như mây trôi trăng hiện, bản lai thanh tịnh của tâm mình lại bừng hiện vậy. Cho nên nói “Chư ác tiêu diệt, tam chướng nguyện trừ. Phục bổn tâm nguyên, cứu cánh thanh tịnh.” Nghĩa là chư ác tiêu diệt rồi thì tam chướng đều quét sách. Khôi phục lại nguồn tâm cứu cánh luôn thanh tịnh.
*
Sau khi giảng xong bài văn Sám-hối nầy, tôi hy vọng rằng quý-vị hiểu sự tai hại của chuyện không sám hối và lợi ích của việc sám hối. Ngoài ra còn có một bài sám hối như sau:
Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thủy tham sân si,
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết ngã kim giai sám hối.
Dịch là:
Mọi thứ ác nghiệp tạo từ xưa,
Ðều do vô thỉ tham, sân, si,
Ở nơi thân, miệng, ý mà sinh,
Con nay sám hối hết tất thảy.
Bài sám hối nầy không những có thể làm mình sám hối được tội chướng mà còn chỉ cho thấy nguyên nhân của việc tạo tội. Do đó tôi hy vọng rằng quý-vị mỗi ngày ở trước bàn Phật niệm bài văn nầy tối thiểu ba lần. Bây giờ tôi sẽ giải thích sơ qua ý nghĩa của bài này cho quý-vị nghe.
“Vãng tích” nghĩa là hồi xưa; gần là nói trong đời nầy mà xa nữa là nói vô lượng kiếp về trước. Trong thời gian đó, chẳng những là có lúc mình vào bụng trâu hay ra thai ngựa, cũng có khi sinh vào nhà họ Trương, lại có lần làm con họ Lý. Luân chuyển trong lục đạo, và trong giai đoạn nầy, không biết mình đã tạo ra bao nhiêu là tội nghiệp nữa.
*
Vì sao mà mình tạo tội nghiệp? Bài sám hối giải thích rất rõ ràng, “Tất cả đều do vô thỉ tham, sân, si” nghĩa rằng do tam độc tham, sân, si làm phát sinh vô số tội nghiệp. Cũng lại vì ba thứ độc nầy làm chủ nên thân thể mình mới phạm vào những tội như sát sinh, trộm cắp, và dâm dục. Miệng thì phát sinh ra những tội vọng ngữ, nói thêu dệt, nói lời ác ôn, nói lưỡi hai đằng. Cho nên trong bài văn có nói “Tùng thân ngữ ý chi sở sanh” nghĩa là do nơi thân, ngữ, ý mà phát sinh ra.
Bất luận là tội do thân tạo ra như là sát sinh, trộm cắp, dâm dục hoặc là nơi miệng tạo ra như là nói láo, nói lời ác ôn, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai đằng hoặc là tội phát sinh nơi ý niệm như tham, sân, si, mình đều phải khẩn thiết sám hối. Nếu không thì mình giống như người rớt vào bùn lầy, càng lúc càng lún sâu. Khi tội nghiệp càng lúc càng thâm trọng thì chính mình cũng không còn chỗ nào ngoi lên được, không còn cách gì mà cứu vớt được nữa.
Tôi hy vọng rằng quý-vị hiện ngồi đây đều có đầy đủ thiện căn, không quên chuyện sám hối, nhất định quý-vị có thể phát nguyện sám hối nghiệp chướng và tiêu trừ tất cả tội lỗi.
( Sám hối tội lỗi – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị )
Tuệ Tâm 2022.
Kỳ viết
Lúc nhỏ con có đi tu 1 thời gian. Có lấy trộm tiền công đức với tiền của sư phụ đi chơi game . Phạm đủ thứ tội trên đời này giờ con phải làm sao đây ạ. Con nghe một pháp sư giảng tội trộm của thường trụ thì phật cũng không cứu được. Con rất ân hận. Giờ con không biết làm sao để quay đầu . Cứ nghĩ đến tội lỗi mình gây ra thật kinh khủng. Cứ nghĩ thân này mất đi sẽ đọa vô gián địa ngục không ra được
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Mong bạn bình tĩnh! Tội xâm phạm của Thường Trụ cực nặng, thuộc vào một trong những tội không thể sám hối. Tuy nhiên, nếu bảo rằng Phật pháp không có cách cứu được thì chưa đúng. Những ai nhỡ phạm phải tội này có hai cách để giải trừ:
1. Niệm Phật theo Chánh Hạnh Niệm Phật của Tổ Thiện Đạo. Theo “Tư Tưởng niệm Phật của Đại sư Thiện Đạo” thì người chuyên tu Chánh Hạnh, do nương nơi sức Bản Nguyện của Phật A Di Đà, trong mỗi niệm đều được tiêu trừ 80 ức kiếp tội nặng trong sanh tử. Điểm đặc biệt của giáo pháp này ở chỗ: “Ta làm, Phật lo”, cho nên nếu hành trì theo pháp này thì không tội nào chẳng được diệt, lại nắm chắc phần vãng sanh Tịnh Độ, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi. Con đường ấy, bạn xem loạt Video trong bài này: Bản nguyện niệm Phật – Con đường Siêu Thế Nguyện.
2. Tụng chú Đại Bi. Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, Bồ Tát Quán Thế Âm dạy: “Nếu chúng sanh nào xâm tổn tài vật, thức ăn uống của thường trụ sẽ mang tội rất nặng, do nghiệp ác ngăn che. Giả sử ngàn đức Phật ra đời cũng không được sám hối, dù có sám hối cũng không trừ diệt. Nếu đã phạm tội ấy, cần phải đối 10 phương đạo sư sám hối, mới có thể tiêu trừ. Nay do tụng trì chú Đại Bi liền được trừ diệt. Tại sao thế? Bởi khi tụng chú Đại Bi tâm đà ra ni, 10 phương đạo sư đều đến vì làm chứng minh, nên tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt.”
Trong hai cách trên, muốn diệt trừ được tội lỗi, người tu phải phát nguyện trường chay, giữ gìn ngũ giới, kiêng cử ngũ vị tân rồi chí tâm hành trì mới được. Bạn tùy sở nguyện của mình mà thực hành nhé!
Nam mô A Di Đà Phật.
Võ đăng kỳ viết
Con xin tri ân thầy. Thời gian qua trong đầu con cứ nghĩ mình không còn cách cứu ngày đêm không ngủ được. Nhờ thầy giải bày con vui lắm . Con nguyện sửa đổi làm theo lời thầy dặn. 1 lần nửa con tri ân thầy. A di đà phật