Sám hối tội lỗi là gì? “Sám” nghĩa là sám trừ lỗi lầm xưa, hổ thẹn với những lỗi lầm đã phạm. “Hối” là hối cải, sửa đổi; nhất định quyết tâm sửa đổi con người mình, vĩnh viễn không còn tái phạm nữa. Như vậy, sám hối tội lỗi nghĩa là ăn năn hổ thẹn với những tội lỗi mà mình đã đã gây ra và quyết tâm sửa mình để không bao giờ còn tái phạm.
Dù bạn có học Phật hay không cũng nên thường xuyên sám hối tội lỗi của mình. Một việc rất đơn giản thôi, nhưng nếu chí tâm hối cải sẽ giúp bạn tiêu trừ chướng nghiệp, tránh phải chịu quả báo nặng nề về sau. Tuy nhiên trước khi nguyện sám hối, bạn cần biết hai việc:
- Có những tội lỗi chịu quả báo cực nặng, lại rất dễ phạm nhưng người ta chẳng biết. Hoặc vô tình phạm tội nặng nhưng lại tự dối mình rằng: “Không biết thì không có tội.” Xin thưa, không có chuyện ấy đâu! Ví như có người ngu lấy tay cầm dây điện hở. Người ấy thật chẳng biết là điện giật chết ngời, nhưng vẫn bị điện giật chết đó thôi.
- Dù tội ngập trời, khởi một niệm chân thật sám hối thì vạn tội đều được tiêu trừ. Tuy nhiên, không sám hối thì thôi, hễ sám hối tội lỗi thì tuyệt chớ có tái phạm. Bởi nếu tái phạm thì tội cũ chồng thêm tội mới, lại thêm cái lỗi khinh nhờn nên quả báo phải trả tăng thêm rất nhiều lần. Vì sao? Vì biết mà cố tình phạm vậy!
*
Một bạn đọc hỏi tôi: Tội lỗi là gì? Tội lỗi từ đâu sanh ra?
Tôi bảo: Lời nói hoặc hành động của ta gây nên lỗi lầm, làm tổn hại cho mình hoặc cho người, ấy gọi là tội lỗi. Tội lỗi từ đâu sinh ra? Từ thân khẩu và ý của chúng ta sinh ra. Người thế gian lầm lạc tưởng rằng: Chỉ hành động gây tổn hại cho người mới là tội, còn lời nói và suy nghĩ của mình không tổn hại chi ai nên không có tội. Vì vậy nên ai cũng lầm tưởng rằng mình sống thiện lương trong sáng, không có lỗi lầm chi. Nào đâu biết rằng trong một ngày, từ khẩu và ý của chúng ta gây ra vô biên tội lỗi. Chỉ là, chúng ta không biết đó mà thôi!
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- 12 loại quả báo của chúng sanh.
- Liễu Phàm Tứ Huấn – Trọn bộ.
- 10 Danh hiệu Phật là gì.
- Dấu hiệu người đắc quả A La Hán.
- Giác ngộ là ra khỏi sanh tử luân hồi
- Thế nào là tu khổ hạnh và 12 Hạnh đầu đà.

Sám Hối Tội Lỗi là gì
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Chúng sinh do nghiệp nặng nên muốn liễu Ðạo thành Phật, trước tiên cần phải sám hối những tội nghiệp đã làm. Nếu như không có tâm sám hối mà muốn thành Phật thì cũng như nấu cát mà mong thành cơm vậy. Tuy rằng cát nấu hằng hà sa số kiếp nhưng cuối cùng cũng không thể nào thành cơm đặng. “Sám” nghĩa là sám trừ lỗi lầm xưa, hổ thẹn với những lỗi lầm đã phạm. “Hối” là hối cải, sửa đổi; nhất định quyết tâm sửa đổi con người mình, vĩnh viễn không còn tái phạm nữa. Như ông Viên Liễu Phàm đã nói:
Dĩ tiền chủng chủng, ví như tạc nhật tử.
Dĩ hậu chủng chủng, ví như kim nhật sinh.
Nghĩa là:
Những điều xấu mình làm từ trước, hôm qua kể như là ngày cuối cùng.
Những điều mình làm về sau, hôm nay là bắt đầu một cuộc đời mới.
*
Nếu như mình không siêng năng sám hối thì tội nghiệp mình tạo ra sẽ khiến mình mãi đọa lạc. Chắc quý-vị còn nhớ khi quy y, trước tiên quý-vị xưng tên mình rồi sau đó sám hối như sau:
Tùng ư vô thủy, dĩ chí kim sinh,
Hủy báng Tam-bảo, tác nhất xiển đề,
Báng Ðại-thừa Kinh, đoạn học Bát-nhã,
Thí hại phụ mẫu, xuất Phật thân huyết,
Ô tăng già lam, phá tha phạm hạnh,
Phần hủy tháp tự, đạo dụng Tăng vật,
Khởi chư tà kiến, bác vô nhân quả,
Hiệp cận ác hữu, vĩ bối lương sư…
Nghĩa là:
Con từ vô thỉ, cho tới ngày nay,
Nguyền rủa Tam-bảo, làm Nhất-xiển-đề,
Chửi Kinh Ðại-thừa, dứt học Bát-nhã,
Giết hại mẹ cha, làm Phật đổ máu,
Bẩn chốn chùa chiền, phá phạm hạnh người
Ðốt hủy chùa tháp, ăn cắp đồ Tăng,
Dấy đủ ý sai, nói không nhân quả
Gần bạn bè xấu, nghịch lại thầy lành…
Bây giờ, tôi sẽ giảng lại đại ý của đoạn văn sám hối trên.
Sám Hối Tội Lỗi: Những Tội Cực Nặng Cần Tránh Phạm
Chúng ta từ vô thủy đến nay đã tạo ra không biết là bao nhiêu tội nghiệp, không kể xiết. Thứ nhất là mình hủy báng Tam-bảo: Phật, Pháp, Tăng. Trong các tội, hủy báng “Tăng-bảo” là tội lớn nhất, nặng nhất. Bởi vì chư Tăng đại biểu cho Phật để tuyên dương Phật-pháp. Bởi vậy hủy báng Tăng tức tội không thể sám hối được.
Thế nào gọi là “Xiển đề”? “Xiển đề” tiếng Phạn dịch nghĩa là “tín bất cụ,” không đủ lòng tin, hoặc là “vô thiện căn,” không có căn cơ lành. Thí dụ như khi quý-vị thuyết Pháp cho người đó, không những họ không thích nghe mà thậm chí còn nói ngược lại rằng: “Tôi không tin đâu!” Ðây không phải là tự đem thiện căn của mình mà đoạn tuyệt đi sao?
*
“Báng Ðại-thừa Kinh” tức là phỉ báng kinh điển Ðại-thừa. Như có người nói đạo lý trong kinh là giả hoặc nói rằng kinh điển Ðại-thừa là do ma vương nói ra, v.v… Ðây cũng là phạm tội không thể sám hối được. “Bát-nhã” là tiếng Phạn, nghĩa là trí huệ. Bát-nhã có ba loại: Thật-tướng Bát-nhã, Quán-chiếu Bát-nhã và Văn-tự Bát nhã. Nếu như “đoạn học” (không chịu học) bất cứ loại Bát-nhã nào, thì mình sẽ trở nên ngu si. Quả báo của ngu si là sẽ đọa làm thú vật.
“Thí hại phụ mẫu” nghĩa rằng giết hại cha mẹ của mình. Câu nầy bao hàm luôn việc sát hại các vị A-la-hát và thánh nhân. Thí dụ như Ðề-Ba-Ðạt-Ða giết một vị đắc Tứ-quả A-la-hán.
Kế đến là “Xuất Phật thân huyết” nghĩa là dấy máu Phật. Ðây cũng là một tội không thể sám hối sạch được. Nhiều người hiểu lầm cho rằng tội nầy chỉ áp dụng khi đức Phật còn tại thế. Khi dùng dao cắt chém thân thể Phật thì mới mang tội nầy. Song thật sự sau khi Phật diệt độ rồi, hễ ta hủy hoại tượng Phật, hình ảnh Phật, tất cả đều phạm tội nầy. Phá lớp vàng trên tượng Phật hoặc đập bể tượng Phật, tuy rằng không làm tổn hại đến xác thịt của Phật nhưng cũng là cắt chém thân Phật vậy.
*
“Ô tăng già lam” nghĩa là làm ô uế chốn thanh tịnh của chùa chiền. Giống như một số cư sĩ có gia đình trú ngụ trong chùa, song lại làm những việc không chính đáng như ăn thịt, sát sinh, v.v… “Phá tha phạm hạnh” nghĩa là phá hạnh thanh tịnh của kẻ khác. Thí dụ như người xuất gia xưa nay vốn thanh tịnh không bị nhiễm ô, nhưng có người lại phá quấy họ, khiến họ phạm giới luật, đó cũng là tội không thể sám hối được.
“Phần hủy tháp tự” nghĩa là đốt hoặc thiêu hủy, phá hoại tháp đền và chùa chiền. Thí dụ như trong lịch sử có Phùng Ngọc Tường hỏa thiêu Chùa Bạch Mã và Chùa Thiếu Lâm.
“Ðạo dụng Tăng vật” là ăn cắp vật dụng của chư tăng. Ðây là nói đến những kẻ dùng thủ đoạn không chính đáng để đoạt của thường trụ lấy làm của riêng họ. Những hạng người như vậy đều có tà tri, tà kiến, ý tưởng sai lầm, luôn cho mình là đúng. Họ thường cho rằng không có nhân quả và luôn luôn làm những điều nghịch lại với đạo lý. Không có chuyện ác, chuyện xấu nào mà họ không dám làm. Hạng người như vậy thì làm sao mà không đọa địa ngục được?
*
Cuối cùng là “Hiệp cận ác hữu, vĩ bối lương sư” nghĩa là thân cận với những kẻ ác, bạn xấu và đối nghịch lại với những vị thầy tốt. Bạn xấu là những người mà các nhà nho gọi là “tổn hữu” (hại bạn). Những thứ cướp giật, những bọn bất lương sống ngoài vòng pháp luật là thứ mình không nên kết bạn. Kết giao với họ chỉ làm tổn hại cho mình, từ từ làm cho mình đi vào con đường sai lầm, không còn nghe theo lời khuyên bảo của cha mẹ, thầy tốt; lấy điều sai lầm cho là đúng và không còn phân biệt được chuyện phải trái trắng đen gì cả, cứ làm việc ngược ngạo, thật đáng thương xót thay!
Những tội lỗi kể trên là những điều mà mình không nên phạm, tuy rất dễ bị phạm. Nếu chẳng may mình đã phạm những lỗi đó thì phải làm sao? Quý-vị đừng lo sợ. Có câu rằng: “Di thiên đại tội, nhất sám tiện tiêu.” Nghĩa là tội phạm tày trời, sám hối sạch tiêu. Tội vốn không hình tướng. Nếu mình chân chính có tâm sám hối thì sợ gì không có hy vọng. Quý-vị đừng nên coi thường mình, đừng cam tâm để bị đọa lạc.
*
“Tự tác giáo tha” nghĩa là tự mình làm, xúi người khác làm hoặc thấy hay nghe người khác làm, mà thuận lòng theo. Chúng ta phải biết rằng sát sanh, ăn cắp, tà dâm, nói dối hay rượu chè đều là những hành vi không chính đáng, đó là những thứ tạo tội nghiệp. Những tội nầy được phân làm bốn loại: Nhân, duyên, pháp, nghiệp (nguyên nhân, điều kiện tiếp trợ, phương thức và việc làm). Sự sát sinh gồm có sát nhân, sát duyên, sát pháp, sát nghiệp; bất luận giới nào trong đó cũng có “tự tác” hay “giáo tha tác,” nghĩa là tự mình làm hoặc xúi kẻ khác làm.
“Tự mình làm” nghĩa là không dùng tay kẻ khác, mà chính mình đi làm chuyện bất chính. “Xúi kẻ khác làm” tức là cổ vỏ hoặc bảo người đó làm chuyện không đúng. Ðó là phạm tội một cách gián tiếp. So sánh với tội trực tiếp thì tội gián tiếp nầy nặng hơn một phần, bởi vì tự mình đã có tội rồi mà mình còn mang thêm tội nữa là xảo trá. Cho nên tự làm đương nhiên có tội rồi, mà xúi kẻ khác làm thì tội càng nặng hơn.
*
Thế nào là “kiến văn tùy hỷ”? (thấy, nghe rồi tùy hỷ), nghĩa là mình biết kẻ khác phạm tội mà còn giúp kẻ đó nữa, cũng giống như người xưa nói: “Trợ trụ vi xuyết” nghĩa là giúp vua Trụ làm việc bạo ngược. Hãy thử nhắm mắt lại tưởng tượng rằng từ vô thỉ đến nay, mình đã phạm lỗi lầm nầy bao nhiêu lần rồi? Cũng không cần hồi tưởng lâu xa như vậy. Chỉ xét trong cuộc đời ngắn ngủi này, tội mình phạm đã không thể kể xiết rồi.
Cho nên trong bài Sám-hối tiếp theo là câu: “Như thị đẳng tội, vô lượng vô biên.” Nghĩa là những tội như vậy không bờ bến, không hạn lượng được. Không những tội mình không thể kể hết được mà nó còn nhiều không biên tế. Nếu như đã biết tội sâu dày như vậy thì mình phải làm sao bây giờ? Không nói cũng biết rằng mình cần đối trước Phật mà khẩn thiết sám hối.
Cách Sám Hối Tội Lỗi
Do vậy cho nên bài Sám-hối lại tiếp: “Cố ư kim nhật, sinh đại tàm quý. Khắc thành bì lộ, cầu ai sám hối.” “Khắc thành” hai chữ này có nghĩa là thành tâm. Khi sám hối điều cần nhất là phải thành tâm. Có những người tuy sám hối với sư phụ nhưng họ hết sức dối trá. Nhưng thường thì giấu đầu lòi đuôi. Ðem tội lỗi của họ mà ngụy trang che giấu đi. Ðó cũng là biểu thị họ không có thành ý sám hối tội lỗi của mình. Với cách sám hối lếu láo như vậy thì dù họ có trải qua trăm ngàn vạn ức, hằng hà sa số kiếp cũng không thể nào làm cho tội nghiệp họ tiêu trừ tường tận được.
Cho nên nói “Trực tâm là đạo tràng” tức là tâm ngay thẳng là đạo tràng. Khi sám hối với ai, mình phải bày tỏ lỗi lầm cho rõ ràng, không được nói lời có ý mơ hồ, nghĩa hai đằng. Ví dụ như khi hỏi rằng có phạm tội chi không? Thì trả lời rằng “tôi không nhớ” hoặc là “có lẽ có” v.v… Sám hối không triệt để như vậy không những không tiêu trừ được tội nghiệp mà còn trồng thêm nhân xấu nữa. Trong Phật-pháp, dù cho việc nhỏ như sợi tóc cũng không được lếu láo, coi thường.
Nhưng có người lại nói lên ví dụ như sau: “Có ông nọ luôn luôn tạo ra những tội nghiệp, toàn làm những chuyện ác nhưng không hiểu sao hiện giờ ông nầy vẫn làm ăn giàu có, như vậy là không có nhân quả, không có công lý phải không?” Có một bài kệ như sau:
*
Túng sử bách thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong;
Nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hoàn tự thọ.
Nghĩa là:
Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu;
Nhân duyên đầy đủ thời, quả báo mình lại thọ.
Bởi thế cho nên phải biết nghiệp mình tạo ra thì thế nào cũng có báo ứng; chỉ là vấn đề thời gian, mau hay chậm, nhân duyên đã hội hợp đầy đủ chưa mà thôi.
Lại có người nói nếu như “Trải qua trăm ngàn kiếp, nghiệp tạo chẳng mất tiêu, vậy mình không có cách gì để làm tiêu trừ được tội chướng của mình sao?” Cũng không phải là không có biện pháp. Biện pháp để trừ tội nghiệp là “Duy nguyện Tam-bảo, từ bi nhiếp thọ, phóng tịnh quang minh, chiếu xúc ngã thân.” Nghĩa là nguyện xin Tam-bảo, từ bi dẫn dắt, phóng ánh sáng lành, chiếu rọi thân con. Hy vọng Phật, Pháp, Tăng, Tam-bảo có thể theo chí nguyện từ bi của các Ngài mà dùng ánh quang minh thanh tịnh vô ngại chiếu sáng nơi thân của mình.
Khi ánh quang minh chiếu đến thân mình, tam chướng (phiền não chướng, báo chướng, và nghiệp chướng) được tiêu trừ, giống như mây trôi trăng hiện, bản lai thanh tịnh của tâm mình lại bừng hiện vậy. Cho nên nói “Chư ác tiêu diệt, tam chướng nguyện trừ. Phục bổn tâm nguyên, cứu cánh thanh tịnh.” Nghĩa là chư ác tiêu diệt rồi thì tam chướng đều quét sách. Khôi phục lại nguồn tâm cứu cánh luôn thanh tịnh.
*
Sau khi giảng xong bài văn Sám-hối nầy, tôi hy vọng rằng quý-vị hiểu sự tai hại của chuyện không sám hối và lợi ích của việc sám hối. Ngoài ra còn có một bài sám hối như sau:
Vãng tích sở tạo chư ác nghiệp,
Giai do vô thủy tham sân si,
Tùng thân ngữ ý chi sở sinh,
Nhất thiết ngã kim giai sám hối.
Dịch là:
Mọi thứ ác nghiệp tạo từ xưa,
Ðều do vô thỉ tham, sân, si,
Ở nơi thân, miệng, ý mà sinh,
Con nay sám hối hết tất thảy.
Bài sám hối nầy không những có thể làm mình sám hối được tội chướng mà còn chỉ cho thấy nguyên nhân của việc tạo tội. Do đó tôi hy vọng rằng quý-vị mỗi ngày ở trước bàn Phật niệm bài văn nầy tối thiểu ba lần. Bây giờ tôi sẽ giải thích sơ qua ý nghĩa của bài này cho quý-vị nghe.
“Vãng tích” nghĩa là hồi xưa; gần là nói trong đời nầy mà xa nữa là nói vô lượng kiếp về trước. Trong thời gian đó, chẳng những là có lúc mình vào bụng trâu hay ra thai ngựa, cũng có khi sinh vào nhà họ Trương, lại có lần làm con họ Lý. Luân chuyển trong lục đạo, và trong giai đoạn nầy, không biết mình đã tạo ra bao nhiêu là tội nghiệp nữa.
*
Vì sao mà mình tạo tội nghiệp? Bài sám hối giải thích rất rõ ràng, “Tất cả đều do vô thỉ tham, sân, si” nghĩa rằng do tam độc tham, sân, si làm phát sinh vô số tội nghiệp. Cũng lại vì ba thứ độc nầy làm chủ nên thân thể mình mới phạm vào những tội như sát sinh, trộm cắp, và dâm dục. Miệng thì phát sinh ra những tội vọng ngữ, nói thêu dệt, nói lời ác ôn, nói lưỡi hai đằng. Cho nên trong bài văn có nói “Tùng thân ngữ ý chi sở sanh” nghĩa là do nơi thân, ngữ, ý mà phát sinh ra.
Bất luận là tội do thân tạo ra như là sát sinh, trộm cắp, dâm dục hoặc là nơi miệng tạo ra như là nói láo, nói lời ác ôn, nói lời thêu dệt, nói lưỡi hai đằng hoặc là tội phát sinh nơi ý niệm như tham, sân, si, mình đều phải khẩn thiết sám hối. Nếu không thì mình giống như người rớt vào bùn lầy, càng lúc càng lún sâu. Khi tội nghiệp càng lúc càng thâm trọng thì chính mình cũng không còn chỗ nào ngoi lên được, không còn cách gì mà cứu vớt được nữa.
Tôi hy vọng rằng quý-vị hiện ngồi đây đều có đầy đủ thiện căn, không quên chuyện sám hối, nhất định quý-vị có thể phát nguyện sám hối nghiệp chướng và tiêu trừ tất cả tội lỗi.
( Sám hối tội lỗi – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị )
Tuệ Tâm 2022.
Xin thường niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật 🙏 viết
Con muốn sám hối thấy cho cha mẹ có cách nào không tuệ tâm mẹ em từng phá thai 2 lần em buồn lắm em không biết do cha mẹ bằng cách nào đây huhu và em muốn em và cả gia đình đều về tây phương nếu em đi mà bỏ lại giá đình còn vướng trong Sáu cõi luân hồi em buồn lắm 😭
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Mỗi người có nhân duyên học Phật riêng của mình, đến lúc sẽ đến mà thôi. Bạn thương cha mẹ thì siêng năng sám hối cùng niệm Phật. Lúc sám hối nên nguyện sám hối thay cho mẹ, cầu Phật gia bị, lâu ngày chày tháng rồi mọi chuyện sẽ ổn.
Xin thường niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật 🙏 viết
Em nghe nói là Phật Sau khi thành đạo đã độ cho Mẹ của mình bằng cách nào ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Ma Gia Phu Nhân thực ra là Hóa Thân Bồ Tát, Ngài có bản nguyện làm mẹ của Phật. Cho nên Ngài không phải chỉ là mẹ của mỗi đức Phật Thích Ca đâu, vô lượng kiếp đến nay Ngài đã là mẹ của rất nhiều đức Phật rồi vậy…Bạn muốn độ cha mẹ mình thì nên siêng năng niệm Phật cầu vãng sanh. Lúc về Cực Lạc, trong một niệm quay lại ta bà, không chỉ cha mẹ hiện thời mà cha mẹ trong vô lượng kiếp đến nay cũng đều được độ thoát.
Bùi Minh Hằng viết
con có tội lỗi nhưng không chắc chắn đó là tội gì( vì con không cố ý làm ra kết quả như vậy), và phải sám hối như nào, con có thể gửi email cho thầy được không ạ. vì con không tiện ghi công khai. mong thầy chỉ lối giúp con, ngày ngày còn sống trong đau khổ dằn vặt không nguôi.
con xin cảm ơn
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn nếu có việc khó nói, cứ gửi mail cho Tuệ Tâm nhé.
Mạnh viết
Nam mô a di đà Phật
Con lúc có những suy nghĩ hủy báng tam bảo bất kính với thần phật bất kính với diêm vương hủy báng chúa các vị thần Phật
Con lo sợ quá con biết tội bất kính với tam bảo các thần thì sẽ bị đoạ lạc và không không thể sám hối được con không biết phải làm sao ạ mong các thầy giúp con
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn nên ăn chay và siêng năng niệm Phật, hủy báng niệm, bất kính niệm, không hủy báng, không bất kính cũng niệm. Lâu ngày ác niệm sẽ được chuyển hóa mà thôi, chớ lo lắng quá.
LH viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, con mới học Phật và được gieo duyên tặng vòng tay có chữ: A Di Đà Phật, lúc nào con cũng đeo. Hôm qua con có cất vòng vào áo, lúc đó con thay quần áo, theo thói quen con kẹp áo đó vào đầu gối. Không hiểu nghĩ gì mà khi ấy con cho là bình thường, không có tội, giờ nghĩ lại con rất hối hận và thấy có lỗi rất nhiều. Bình thường con rất trân trọng vòng, không hiểu khi ấy tại sao con nghĩ điều đó là bình thường, con không có ý định phỉ báng hay gì cả, giờ con thấy rất lo lắng và tội lỗi. Thưa thầy con đã phạm lỗi gì và nên sám hối như nào ạ ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Không sao đâu, bạn đừng lo lắng quá. Bọn ta đều là phàm phu học Phật, mà phàm phu thì ai chẳng có lỗi lầm. Có lỗi thì chỉ sợ chẳng nhận ra, chớ nhận ra rồi thì sám hối là được, nào có sao đâu! Khi mình phạm lỗi mà nhận ra thì cứ nghĩ khơi khơi trong đầu thế này: “Nam mô A Di Đà Phật! Con vào giờ đó, ngày đó, phạm lỗi như vầy, nay con xim sám hối, cúi xin đức Từ Phụ phóng quang chứng minh gia hộ. Nam mô A Di Đà Phật”. Chỉ đơn giản vậy thôi, cố gắng niệm Phật nhé. Về chuyện đeo vòng có danh hiệu Phật thì nên đeo nên đeo vòng có đầy đủ sáu chữ “Nam mô A Di Đà Phật”. Trong sinh hoạt hàng ngày, trừ phi có hoạn nạn khẩn cấp thì không tháo ra, còn lúc làm các việc bất tịnh như tắm rửa…nên tháo ra nhé!
Phù Du viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con trước có gửi câu hỏi cho một số web về học Phật, nhưng chưa có duyên được trả lời. Thầy luôn trả lời các bình luận, con mong thầy đọc câu chuyện của con và đưa ra lời khuyên giúp con ạ.
Thưa thầy Tuệ Tâm. Tuổi trẻ con bồng bột và lầm lỡ, lại chưa biết tới Phật Pháp, con đã nghĩ rằng chết là hết, ai cũng có quyền được chết nên khi tuyệt vọng con đã tham gia nhóm tự sát. Con để lại mấy dòng rằng chỉ muốn chết, không muốn quan tâm tới người xung quanh nghĩ gì, hay đau khổ như nào. Thế là đã có 2 người có suy nghĩ giống con trò chuyện, 1 người bị trầm cảm và 1 người bị ung thư. Với người trầm cảm thì bạn đó là người Anh và sống ở Anh. Bọn con có nói chuyện với nhau về những sự đau khổ, bế tắc,bạn đó nói muốn chết, con cũng đã hỏi bạn đó đã đi trị liệu tâm lý và dùng thuốc chống trầm cảm chưa, nhưng bạn đó nói rằng những điều đó không có tác dụng. Khi bạn đó nói rằng không có bạn bè, con đã nói rằng chúng ta có thể là bạn bè và tôi không muốn bạn chết dù rằng tôi chẳng thể tự khích lệ tôi thôi nghĩ đến cái chết. Bạn đó có vấn đề về tài chính, con đã nói với bạn đó rằng bạn ấy có thể kết hôn giả và kiếm tiền, bạn đó có hỏi có quen ai muốn kết hôn giả không, con đã nói rằng để con thử tìm, nhưng không chắc sẽ tìm được, nhưng sẽ tìm vì con có nhiều thời gian rảnh rỗi. con cũng có tìm qua nhưng không thấy các hội nhóm về kết hôn giả tại Anh, nhưng con quên không nói với bạn đấy điều này, chúng con nhắn tin chào hỏi nhau, vài ngày sau đó thì bạn đấy tự sát. Còn người bị ung thư thì anh ấy nói với con rằng cơn đau hành hạ và muốn giải thoát nên đã chọn cách tự sát. Ở thời điểm đó thì con nghĩ rằng nếu họ quá đau đớn thì để họ đi, ai cũng có quyền được chết, giống như y học cho phép an tử khi người bệnh bị ung thư hành hạ, nhưng anh này thì không được chấp nhận nên đã tự làm chuyện đó.
Sau này khi biết tới Phật Pháp, con thấy suy nghĩ và hành động của con là sai, đã không cố gắng khuyên ngăn họ hết lời. Nhưng sự thực tại thời điểm đó con cũng muốn chết như họ, và con cũng nghĩ chết là hết, chúng con đơn giản chỉ là trò chuyện để chia sẻ nỗi buồn. Giờ biết tới nhân duyên và nghiệp quả, con thấy hối hận quá ạ.
Trước đây trong đầu con nghĩ nhiều điều ác kinh khủng, trái đạo lý, nhưng lại nghĩ rằng không sao, vì không hại đến ai, tất cả chỉ là suy nghĩ. Giờ đây con đã biết tới Phật Pháp, lại may mắn biết tới Tịnh Độ, ngày ngày niệm Phật mong về Cực Lạc. Nhưng nghĩ tới lỗi lầm xưa, nhiều lúc con ân hận quá ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nay đã sâu vào thời pháp nhược ma cường, đạo đức xã hội xuống cấp, chánh pháp suy vi, tà thần ác quỷ lộng hành khiến nhân gian ngày càng trở nên cuồng loạn. Người hiểu đạo nhìn thế cuộc đảo điên cũng chỉ biết ngậm ngùi thương xót, chẳng thể làm được gì nhiều! Âu cũng là bởi nghiệp chướng sâu nặng của chúng sanh chiêu cảm mà nên.
Chuyện đã qua rồi, bạn đã nhận ra sai lầm, đã sám hối cùng niệm Phật rồi, thì hãy để nó qua đi. Việc đã xảy ra, dù ta có ân hận, có buồn phiền cũng không thể thay đổi được gì, cũng không giúp ích gì cho người đã khuất. Nay bạn đã khai tâm, lại duyên về Tịnh Độ, biết công đức thù thắng của danh hiệu Phật rồi thì nên tinh tấn hành trì, hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sanh để cứu chuộc lại lỗi lầm ngày còn mê muội. Thời gian dành cho muộn phiền và ân hận ấy, để dành mà niệm Phật sẽ tốt hơn cho bạn và chúng sanh.
Phàm phu bọn ta khi chưa biết đến Phật pháp thì không ai không phạm lỗi lầm, việc gì cũng chỉ cốt lợi mình, còn hại đến ai cũng chẳng buồn nghĩ đến. Nay nhờ biệt duyên biết đến Phật pháp, âu cũng là đại phước duyên đã từng gieo trồng trong nhiều kiếp, hãy trân quý nhân duyên này mà tinh tấn hành trì để cứu mình và cứu vô biên chúng sanh còn mê khổ ở ngoài kia!
Nam mô A Di Đà Phật.
Phù Du viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy nếu chưa từng biết tới Phật Pháp, những thứ con biết chỉ là thứ con thấy, và con chỉ tin những điều ấy. Những triết lý trong bộ phim ảnh, những phát ngôn của người nổi tiếng…..con đều nghĩ là chân lý. Suy cho cùng thì vẫn là do bản thân con không có trí huệ mà ra. Con xin cảm ơn rất nhiều về những điều thầy khuyên bảo.
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Những lý luận thế gian, dù cao siêu đến đâu cũng vẫn chỉ ở trong vòng hữu lậu. Ngoài nuôi dưỡng tam độc tham sân si và khiến tâm người ta loạn động thêm ra, nó không có tác dụng gì khác. Phật pháp đề cao trí huệ và đưa người ta đến với trí huệ vô lậu, được lưu xuất từ bản thể thanh tịnh của ta. Chỉ có trí huệ chân thực này ta mới biết được cái gì đúng sai mà ra khỏi vòng mê muội.
Phù Du viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy Tuệ Tâm, nếu một người lái xe đúng quy định của pháp luật, lưu thông trên đường một cách bình thường thì một em nhỏ đang chơi trên vỉa hè do đuổi theo quả bóng mà chạy vụt qua đường. Hậu quả là người lái xe xử lý không kịp, em nhỏ qua đời. Dù không cố ý nhưng có người chết thì người lái xe cũng day dứt khôn nguôi, còn em nhỏ bất thình lình chết đi cũng có thể sẽ oán hận người lái xe. Con không biết nhân gì mà quả lại đau khổ cho cả 2 bên như vậy. Thưa thầy với việc này thì nên nhìn nhận thế nào để người lái xe có thể giảm bớt sự ám ảnh, day dứt ạ ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cái tâm từ bi trong sáng, không muốn hại người hại vật là căn bản của chúng hữu tình, dù cho người đại ác, bị nghiệp chướng ngăn che nặng nề thì nó vẫn hiện diện ở sâu trong tạng thức. Cho nên khi ta vô tình làm hại một sanh mạng, dù chưa giác ngộ Phật pháp đi chăng nữa, trong sâu thẳm tiềm thức của ta vẫn cảm thấy thương xót. Người lái xe vô tình gây tai nạn, vì không có tâm tạo ác nên thực không có lỗi gì, nhưng do cái tâm thương xót ấy cảm ứng được nỗi đau khổ của gia đình người bị nạn nên day dứt không yên.
Người chết trẻ là do nghiệp sát đã gieo trong tiền kiếp quá nặng nề nên kiếp này dù có phước được làm người nhưng thọ mạng ngắn ngủi. Người lái xe ấy trong một kiếp nào đó cùng từng bị đứa bé vô tình sát hại, nay nhân quả nghiệp duyên chín muồi thì trả nợ lẫn nhau đó mà thôi. Ví như ta đi trên đường, vô tình dẫm chết con kiến nhỏ. Dù ta chẳng cố tâm giết nó, nhưng nghiệp tạo ra ấy đến một kiếp nào đó về sau, khi đủ duyên ta cũng phải trả món nợ vô tình đó mà thôi. Người tu đạo, khi đắc quả A La Hán thì chân đi luôn cách mặt đất chừng 10 cm, không bao giờ phạm lỗi vô tình hại mạng chúng sanh. Bậc thánh nhân do đạo lực mà chiêu cảm cái quả phước ấy, còn phàm phu bọn ta riêng lỗi này, trong một đời tạo vô lượng vô biên. Lúc nhân duyên chín muồi ắt gieo gì gặt nấy. Bởi vậy trong kinh đức Phật dạy: “Bồ sát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Bồ Tát biết nhân quả báo ứng như bóng với hình nên rất thận trọng tránh gieo nhân, chúng sanh mê mờ, cho việc ác nhỏ chẳng sợ nên cứ làm, đến lúc quả khổ trổ ra, sợ hãi thì đã muộn.
Cho nên việc xảy ra cũng đã xảy ra rồi, ta day dứt không yên âu cũng là việc bình thường của người lương thiện. Chỉ là, việc day dứt ấy không mang đến lợi ích gì cho người sống, cũng chẳng giúp được gì cho người đã khuất. Xét rốt ráo ra đó chỉ là việc vô ích mà thôi. Thay vì mất thời gian cho buồn phiền sầu khổ, ta để thời gian ấy mà niệm Phật, hồi hướng công đức cho chúng sanh, cho vong linh người đã khuất và thân nhân còn sống, lợi lạc hơn gấp nhiều lần vậy!
Phù Du viết
Nam mô A Di Đà Phật
Bạch thầy Tuệ Tâm, con có nghe một người nói về việc xem lá số bát tự và tử vi thì dự đoán gần như đúng hết cuộc đời con người. Nếu như không tu tập, thì mọi thứ diễn ra trong đời này cứ như đã định sẵn, như một vở kịch đã có kịch bản, và ta cứ thế diễn theo kịch bản đó. Vậy những việc nhỏ nhặt như: vấp ngã, sặc cơm, cãi nhau với ai đó, bị chửi mắng, nhỡ tàu xe…hay những việc lớn như con vô tình gây đau khổ cho ai đó, dẫn tới những sự đau lòng xảy ra, con đau khổ đến tận cùng, dằn vặt tới tận cùng. Sau đó nhờ sự gia hộ của Tam Bảo, con biết tới chánh pháp và tu tập. tất cả những điều này đều định sẵn rồi ạ ?. Ngoài ra con còn hay thấy hình ảnh bản thân tự tay xẻ thịt, chọc dao vào cổ mình, những hình ảnh này hiện ra khi con đau khổ dằn vặt hoặc vô tình cũng tự hiện ra. Đây có phải do nghiệp sát của con trong quá khứ không ạ ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tử vi khộng phải là không có chỗ đúng, nhưng nó chỉ đúng một phần nhỏ thôi, không thể rốt ráo được. Thuật ấy ngày nay gần như thất truyền, vô cùng hiếm có người tinh thông, đa phần chỉ xem bậy xem bạ kiếm cơm mà thôi, mong bạn hết sức tỉnh táo! Về số mạng con người, tuy nói là số mạng, nhưng thực ra chẳng phái số mạng, nó cũng chỉ là danh tử giả đặt ra mà thôi, vì tất cả đều do nhân duyên và nghiệp quả ta đã gieo trồng trong quá khứ. Mọi thành bại, thọ yểu, vinh nhục, được mất…hôm nay đều là do quả báo từ trong nhiều kiếp. Tuy nhiên, lý nhân quả báo ứng lại liên quan mật thiết đến nhân duyên, cho nên “số mạng” cũng chỉ mang tính tương đối và duy chỉ có người bình thường mới có số mạng. Lại có hai hạng người trên thế gian không bị câu thúc bởi số phận, ấy là người cực thiện và cực ác. Ví như số một người đoản mạng, nhưng người ấy nhờ gặp biệt duyên, hoặc phóng sinh hoặc cứu được nhiều mạng vật thì tuổi thọ được tăng thêm. Ví như có người số mạng nghèo khó, nhưng người ấy gặp duyên hoan hỉ bố thí cúng dường, lại gặp được phước điền thanh tịnh thì cũng trở nên giàu có. Ví như có người số giàu sang trường thọ, nhưng vì làm ác quá nhiều nên bị trừ sạch đi, kết cục nghèo hèn yểu mạng… Chủ đề này rộng lớn lắm, trên web đã có vài bài, bạn chịu khó tìm đọc sẽ nắm rõ hơn.
Những hình ảnh mà bạn nhìn thấy là do niệm Phật nên nghiệp tướng tiền kiếp phát hiện ra, chung quy là tốt, bởi vì nhờ đó ta mới biết kiếp trước ta từng gieo sát nghiệp nặng nề. Biết vậy rồi thì nên siêng năng sám hối cùng niệm Phật, hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sanh để chướng nghiệp sớm được tiêu trừ. Gắng tinh tấn hành trì nhé!
T viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy Tuệ Tâm, người thân của con sinh sống ở nước ngoài, lại không hề theo đạo Phật. Đi mua sắm thì đứa con nhỏ thích tượng Đức Phật nên đòi mua về, mẹ nó mua cho nó, mà đứa nhỏ mua về dùng như đồ chơi. Vì không theo đạo Phật, thấy mọi người mua về dùng trang trí hoặc thấy thích thú thì mua, nên người thân của con cũng không nghĩ nhiều mà mua thôi ạ. Sau đó thì thấy tượng làm bằng đá và nặng, sợ đứa trẻ nghịch sẽ làm rơi nên người thân của con đã để lên nơi cao nhất trong nhà là tủ bếp. Và trong nhà cũng không có chỗ để thích hợp, thưa thầy việc làm như vậy có tội lỗi gì ạ, và có nên gửi lại tượng lên chùa không ạ ?
Con có nói là không nên để cho con cái nghịch tượng như đồ chơi, và cũng không nên để trên tủ bếp, vì lúc nấu ăn xẻ thịt chúng sanh…như vậy có thể bị hộ pháp quở trách. con nói xong mà giờ cũng thấy có thể con đã vọng ngữ, con mong thầy trả lời giúp con ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Rất tiếc phải nói thật là tội rất nặng! Giờ họ đang hưởng phước nên có nói chưa chắc họ đã tin. Nhưng nếu chẳng sám hối, sau này ác báo trổ ra thật không thể nào tưởng tượng nổi! Chuyện lỡ rồi biết làm sao được. Theo Tuệ Tâm, bạn nên khuyên người nhà sớm đưa tượng đến Chùa, chớ đặt trên tủ bếp như thế, bất kính vô cùng!
T viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy Tuệ Tâm, con khuyên họ sám hối bằng cách niệm Phật được không ạ ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Được bạn ạ, nếu họ chịu niệm Phật thì còn gì bằng nữa!
T viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy Tuệ Tâm, con có khuyên nhưng họ không có tín tâm niệm Phật nên con cũng không cố khuyên nữa. Họ nghĩ miễn tâm không bất kính là được ạ, bảo con không nên lo lắng quá. Con cũng không biết phải làm sao nữa.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Họ không nghe thì thôi, chớ vì thương họ, cưỡng cầu mà sanh ra chướng ngại. Phật dạy: “Giàu sang nan học đạo”, cho nên những người đang hưởng phước thì vô cùng khó để khuyên được họ. Chỉ trừ phi họ bị nghiệp rượt vào đường cùng, chẳng bấu víu được vào đâu thì mới quay lại ôm chân Phật mà thôi. Vả lại, nhân duyên học Phật của mỗi người khác nhau, lúc đến ắt sẽ đến mà thôi. Trừ khi được một bậc có đạo hạnh hóa độ ra, thì phàm phu bọn ta không cách chi khuyên nhủ được. Bạn muốn giúp họ thì hàng ngày niệm Phật, hồi hướng công đức, cầu Phật gia bị cho họ sớm gặp duyên học Phật. Cũng chỉ có cách duy nhất ấy mà thôi!