Đại sư Thiện Đạo là Tổ Liên Tông thứ hai, sống ở thời nhà Đường, Ngài là Hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Do chư Tổ sư khi đắc đạo đều hoằng dương Tịnh Độ, nhưng do xuất thân nơi Tông môn nên lời khai thị của các Ngài về Tịnh Độ chỉ thích hợp với hàng thượng thượng căn. Chính vì thế mà Đại sư Thiện Đạo theo bản nguyện xuất thế, để “khải định cổ kim” về pháp môn Tịnh độ. Rộng độ hết thảy chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi.
- Hòa Thượng Tuyên Hóa – Cuộc đời& Đạo nghiệp
- Hòa Thượng Hư Vân, Cuộc đời và Đạo nghiệp
- Ngài Quả Khanh là hóa thân Bồ Tát.
- Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
- A Nan Tôn giả.
- Đế Thích Thiên là ai.
- Tứ Đại Thiên Vương gồm những ai.
- Sự thực về vua A Xà Thế.
- Chuyện tâm linh có thật.

Bởi thế tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo là chuyên tu hay còn gọi là Tịnh độ Thuần Chánh. Ngài khẳng định: “Chỉ cần chuyên một pháp niệm Nam mô A Di Đà Phật và phát nguyện vãng sanh. Không tạp tu thêm bất cứ pháp môn nào, tất sẽ luôn ở trong chánh định tụ. Chắc chắn được vãng sanh!”
Đại sư Thiện Đạo
Đại Sư Thiện Đạo người Lâm Truy. Giữa niên hiệu Trinh Quán đời Đường, Sư đến chùa Huyền Trung ở Tây Hà, yết kiến ngài Đạo Xước. Sau khi đến Đạo tràng Tịnh độ cửu phẩm, nghe giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ. Sư tinh cần khổ hạnh, phát tâm niệm Phật. Sau đó đến kinh đô, Sư khuyến khích, sách tiến bốn chúng, thuyết pháp ở chùa Quang Minh. Ngài chép hơn mười vạn quyển kinh A Di Đà, họa hơn ba trăm bức tranh Tây phương Thánh cảnh. Cảm hóa vô số Tăng tục, người được tam muội vãng sanh Tịnh độ rất nhiều.
Mỗi một tiếng niệm Phật của Sư đều có một luồng hào quang từ miệng phóng ra, nên thế gian tôn xưng ngài là đại sư Quang Minh. Trong Lâm thụy nhập quán lễ tưởng phát nguyện văn có ghi lời phát nguyện của Sư như sau:
“Đệ tử chúng con là kẻ phàm phu sanh tử, tội chướng sâu dầy, luân hồi sáu nẻo, khổ không thể nói. Nay gặp bậc tri thức, được nghe danh hiệu và bổn nguyện của đức Phật A Di Đà. Nhất tâm xưng niệm, cầu nguyện vãng sanh, nguyện Phật từ bi tiếp độ, thương xót cứu vớt. Đệ tử chúng con chẳng biết tướng hảo quang minh của thân Phật, xin Ngài thị hiện cho chúng con được thấy. Và xin được thấy đức Quán Âm, Thế Chí, các chúng Bồ Tát và tướng vi diệu quang minh trang nghiêm thanh tịnh trong thế giới này.”
*
Theo Long thư tịnh độ: “Mỗi khi vào Phật đường, Sư chắp tay quỳ thẳng, nhất tâm niệm Phật, chưa kiệt sức thì không nghỉ. Tuy trời rét lạnh nhưng áo Sư vẫn ướt đẫm mồ hôi. Sư luôn hết lòng dạy pháp môn Tịnh độ cho đại chúng, không lúc nào mà không làm lợi ích cho chúng sanh.
Hơn ba mươi năm, Sư lưng không dính chiếu, hành đạo Bát chu; Lễ Phật mười phương, cho đây là nhiệm vụ của mình. Sư nghiêm trì tịnh giới, một lỗi nhỏ cũng không để phạm. Mắt chưa từng liếc nhìn người nữ, dứt tuyệt danh lợi, tránh xa các nơi đàm luận hý tiếu. Được cúng dường y phục, vật thực hảo hạng, Sư đều đem bố thí, cúng lại cho đại chúng. Còn mình thì ăn đồ thô dở, giới hạnh của Sư ai cũng ngưỡng mộ.”
Một hôm, Đại Sư Thiện Đạo lên cây liễu, nhìn về phía Tây, thầm nguyện “Xin đức Phật tiếp dẫn con vãng sanh Tịnh độ”, rồi thả mình mà tịch, thọ sáu mươi chín tuổi. Trước tác của Đại Sư để lại có Quán kinh sớ, Vãng sanh lễ tán, Pháp ngữ, v.v…(Tịnh độ Tập Yếu)
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo
“Pháp môn Tịnh Độ là do Phật A Di Đà kiến lập, Thích Ca Mâu Ni Phật đã tuyên dương. Mười phương tất cả chư Phật đều cùng khen ngợi đại pháp vô thượng siêu thắng khác biệt. Do lòng tin sâu này, mà phát ra nguyện vọng chân thật: Nhàm chán Ta bà, không sợ chết, bằng lòng xả bỏ tất cả thế gian vô thường; Vui cầu Cực Lạc, thích được chết; Bằng lòng chết sớm một chút, sớm một chút được vãng sanh Tây phương, thân cận Phật A Di Đà.
Chuẩn bị đầy đủ loại tâm tình Tín nguyện này: “Bất cứ chúng sanh nào trong mười phương, chỉ cần xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật. Phật A Di Đà liền sẽ y theo thệ nguyện đích thân tiếp dẫn; Dùng Phật lực tiếp độ chúng sanh niệm Phật, vượt khỏi sanh tử, vĩnh thoát luân hồi.”
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo: Chuyên tu và tạp tu
“Đấng đại Thánh xót thương, khuyên người chuyên xưng danh hiệu, bởi vì phép xưng danh rất dễ, nếu có thể giữ mỗi niệm nối nhau, lấy suốt đời làm hạnh, thì mười người tu, mười người vãng sanh, trăm người tu, trăm người vãng sanh.
Tại sao thế? Vì không có duyên tạp nên được chánh niệm; Vì cùng với bản nguyện của Phật hợp nhau. Vì không trái với kinh giáo, vì thuận theo lời Phật. Nếu bỏ chuyên niệm mà tạp tu trong trăm người may ra được một hai người; Trong ngàn người hy vọng được ba bốn người vãng sanh mà thôi”.
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo: Chỉ chuyên xưng danh hiệu
Có người hỏi: “Vì sao chẳng dạy tu quán mà chỉ dạy thẳng chuyên xưng niệm danh hiệu?”
Ðáp: “Chúng sanh chướng nặng, cảnh vi tế mà tâm thì thô phù, thần thức lao chao nên khó thành tựu pháp quán. Vì thế, đức Ðại Thánh bi mẫn khuyên ngay nên chuyên xưng danh hiệu. Chính là vì danh hiệu dễ xưng, hễ niệm liên tục liền vãng sanh. Nếu có thể niệm niệm liên tục, lấy lúc hết mạng làm hạn thì mười người tu mười người được vãng sanh, trăm người tu trăm người được sanh.
Vì sao vậy? Do vì không có tạp duyên bên ngoài nên được chánh niệm, vì tương ứng với bổn nguyện của Phật, vì chẳng trái giáo pháp, vì thuận theo lời Phật.”
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo: Sống chết lớn lao
“Người niệm Phật khi lâm chung chớ nên sợ chết. Phải thường nghĩ rằng: Thân này không sạch, chịu nhiều sự khổ. Nếu được bỏ huyễn thân mà sanh về Tịnh độ, chính là điều đáng vui mừng! Lúc đau yếu, chỉ nghĩ đến sự vô thường, một lòng niệm Phật chờ chết. Nhớ dặn người thân cận, khi có ai đến thăm nên khuyên vì mình mà niệm Phật. Đừng nói chuyện tạp ở thế gian.
Nếu bệnh nặng sắp chết, người xung quanh không được khóc lóc. Phải đồng thanh niệm Phật đợi chừng nào bệnh nhơn tắt hơi, trong mình lạnh hết rồi mới nên cử ai. Như được người hiểu rõ lý Tịnh độ thường đến khuyên lơn nhắc nhở cho, đó thật là điều đại hạnh. Dùng theo phương pháp trên đây quyết định sẽ vãng sanh. Việc sống chết luân hồi rất lớn lao, phải tự mình gắng sức mới được. Nếu một niệm sai lầm để luống qua, thì nhiều kiếp chịu khổ, có ai thay thế cho mình? Nên suy nghĩ kỹ, nên suy nghĩ kỹ.”
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo: Nương vào Tha lực của Phật
“Pháp môn niệm Phật thù thắng đến nước này thì mỗi một đồng tu niệm Phật chúng ta phải nên thống thiết mà phản tỉnh, hổ thẹn mà sám hối. Chúng ta phụ lòng chờ đợi nhớ mong của Phật A Di Đà đã nhiều kiếp! Cũng đã phụ lòng Thích Ca Mâu Ni Phật khẩn thiết dặn dò hết lời khuyên bảo. Càng phụ lòng bi tâm kỳ vọng, khuyến tấn tán dương, chứng minh khen ngợi của mười phương tất cả chư Phật!
Nghĩ đến chỗ này, mỗi một người niệm Phật phải nên thống thiết mà rơi lệ, không chỗ dung thân! Mỗi một vị dạy bảo người niệm Phật, cũng phải nên phản tỉnh: Tại vì sao đem đại pháp Di Đà nương vào Phật lực, nhất định an tâm, tín nguyện niệm Phật, quyết định vãng sanh thành Phật; Thì dạy thành dựa vào tự lực, hoài nghi bất an, không được nhất tâm, không cách gì vãng sanh?”
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo: Tín nguyện quan trọng nhất
Lại có người hỏi: “Vì sao chúng ta niệm Phật mà không thể vãng sanh?”
Đáp: “Dựa trên lý mà nói pháp môn Tịnh Độ là nhờ Phật lực của Phật A Di Đà cứu giúp, thì bảo đảm vãng sanh một trăm phần trăm. Nhưng vì sao thấy người niệm Phật hiện nay rất nhiều, nhưng người chân thật có thể vãng sanh thì lại rất là ít vậy? Đây là một vấn đề rất quan trọng. Mỗi một người niệm Phật phải nghiêm túc đối với việc này, nhất định không được xem thường!
Ngày nay chúng ta niệm Phật không cách gì vãng sanh, then chốt là ở “không có Tín Nguyện, hoài nghi bất an, sợ chết, vốn không cầu vãng sanh”. Người niệm Phật ngày nay niệm Phật, chỉ cầu: Hoặc bảo hộ, cầu tiền của, cầu công danh, cầu bình an; Hoặc cầu thuận lợi, cầu tiêu tai, cầu khỏi nạn, cầu trị bệnh, cầu sống lâu; Hoặc cầu tất cả lợi ích của thế gian, nhưng tuyệt đối lại không cầu vãng sanh Tây phương!”
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo: Bản nguyện niệm Phật là Vua trong các pháp.
Phần Quán chơn thân thứ chín thuộc Mười ba tu quán của Định thiện, bảo rằng: “Bốn mươi tám đại nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, chỉ xác minh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, để được vãng sanh mà thôi”.
Pháp Sự Tán ghi: “Bốn tám nguyện rộng có nhiều môn. Riêng nêu niệm Phật lắm thiết thân. Ai hay niệm Phật, Phật ghi nhớ. Ai chuyên tưởng Phật, Phật tri tường”.
Lại ghi:
Cõi Niết bàn Cực lạc vô vi
Tu theo Tạp thiện khó sanh về
Nên đức Như Lai chọn pháp chính
Dạy niệm D Đà chuyên lại chuyên.
Phần kết luận quyển Sớ Giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng nói: “Hướng về Bổn nguyện Phật A Di Đà, Tâm ý chúng sanh cần hiểu rõ, Chỉ thuần nhất tinh chuyên xưng niệm, Danh hiệu đức Phật A Di Đà”.
Thế nên, người nguyện sanh về thế giới Cực lạc, chỉ nên Thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Bởi chỉ có đây mới thực là hạnh Bản nguyện chủ yếu của Ngài. Niệm Phật là Bản nguyện độc nhất vô nhị của đức Phật A Di Đà, là hạnh tối cao vô thượng.
Đại sư Thiện Đạo gọi là Chánh định nghiệp, cũng chính là Vãng sanh đã định, Hiện đời đã thành tựu nhân vãng sanh. “Đức Phật ấy có hào quang vô lượng, chiếu suốt hết thảy các thế giới trong mười phương không bị chướng ngại. Thường trực quan sát để luôn thâu nhiếp không rời những hành giả niệm Phật, vì thế có tên là A Di Đà”.
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo: Hào quang chỉ thâu nhiếp người niệm Phật
Trong Quán Niệm Pháp Môn ghi: “Chỉ có những hành giả chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì hào quang của đức Phật ấy mới luôn chiếu soi, hộ trì, thâu nhiếp hành giả ấy không rời; Trái lại, những hành giả tu tập các pháp môn khác, thì không chiếu soi thâu nhiếp”. Và, ý nghĩa Chiếu khắp ấy, trong Quán Kinh Sớ đã quy kết trong câu: “Hào quang đức Phật chiếu khắp, nhưng chỉ thâu nhiếp những hành giả niệm Phật”.
Hào quang đức Phật chiếu khắp, nhưng tại sao chỉ thâu nhiếp những hành giả niệm Phật, mà không thâu nhiếp những hành giả tu tập các pháp môn khác?
Đại sư Thiện Đạo dùng Ba duyên để giải thích vấn đề này, trong đó duyên thứ nhất là Thân duyên nói rằng: “Hành giả nào khi tu tập: Miệng thường xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì Ngài nghe rõ tiếng người ấy đang niệm. Thân thường lễ bái đức Phật, thì Ngài thấy rõ người ấy đang lễ bái. Tâm thường niệm Phật, thì Ngài biết rõ tâm người ấy đang niệm Phật. Hành giả thường nhớ nghĩ đến đức Phật, thì Ngài cũng nhớ nghĩ đến hành giả. Ba nghiệp của hành giả và đức Phật không tách rời nhau, nên được gọi là Thân duyên”.
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo: Cơ pháp nhất thể
Chúng ta nên biết: Người nào thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì hẳn nhiên tâm người ấy với tâm đức Phật A Di Đà hòa quyện lẫn nhau; Căn cơ và Chánh pháp nhất thể không tách rời nhau, điều này được gọi là Thân vậy. Và, vấn đề vãng sanh Cực lạc hiện tại đã quyết định, chứ không phải chờ đến khi lâm chung. Đạo lý này không kể là hiểu hay không hiểu, tin hay không tin, sự thật Chánh pháp vốn như thế.
Lại nữa, tại sao hào quang đức Phật A Di Đà chiếu khắp, nhưng chỉ thâu nhiếp những hành giả niệm Phật, mà không thâu nhiếp những hành giả tu tập các pháp môn khác? – Bởi lẽ, tu các pháp môn khác không phải là Bổn nguyện của đức Phật. Cho nên hào quang không chiếu soi thâu nhiếp những hành giả đó; Trái lại, tu pháp Niệm Phật là Bổn nguyện của đức Phật, nên được hào quang chiếu soi thâu nhiếp.
*
Niệm Phật cũng tức là lời yêu cầu và mệnh lệnh của Bổn nguyện đức Phật A Di Đà. Chính đây là sự mời gọi, dìu dắt để cứu độ của đức Phật, thế nên mới nói Cho đến mười niệm. Hơn nữa, do vì bản thân của danh hiệu Phật A Di Đà chính là hào quang của Ngài, thế nên mới nói Danh hiệu Hào Quang; Đồng thời, cũng là sanh mạng của đức Phật A Di Đà. Vậy nên mới nói Danh xưng chính là Bản thể. Bởi ý nghĩa này, trong Vãng Sanh Lễ Tán, Đại sư Thiện Đạo làm bài kệ tán thán rằng:
Sắc thân Di Đà tợ vàng ròng.
Hào quang sáng đẹp chiếu mười phương.
Riêng người niệm Phật được soi chiếu.
Nên biết Bổn nguyện rất hùng cường.
Trong Bát Chu Tán cũng nói:
Tướng hảo nhiều đến Tám vạn tư.
Mỗi mỗi hào quang chiếu mười phương
Hào quang không chiếu tu duyên khác
Chỉ chiếu niệm Phật cầu vãng sanh.
(Theo Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo)
Tuệ Tâm 2021.
Lê Hồng Phúc viết
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Ngọc viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Con cảm ơn thầy tuệ tâm nhiều ạ. Đọc bài viết này càng hiểu thêm về pháp môn niệm Phật!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, niệm phật – lễ phật – nghe niệm phật từ youtube …mỗi ngày với đệ tử là sự an lạc vô cùng tận. Nếu đi công việc cả ngày không nghe thầy Nhuận Hà và đại chúng niệm phật, chiều tối về nhà đệ tử tâm hơi chút phiền não….
Thưa thầy, vãng sanh về Tây phương cực lạc đệ tử vẫn chọn pháp môn niệm phật và lễ lạy Đức Phật A Di Đà. Pháp môn niệm phật là lẽ sống và tu tập của đệ tử
Cảm ân thầy rất nhiều
Cảm ân Phật vô cùng tận
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.