Hoan hỉ là giữ tâm an nhiên tự tại, không chấp vào buồn vui, được mất. Người giữ tâm hoan hỉ do không chấp trước nên dễ rộng kết duyên lành với chúng sanh, ai gặp cũng muốn gần gũi, mến yêu.
Hoan hỉ đây có hai thứ: Tùy hỉ và hỉ xả.
- Tùy hỉ là khi thấy trên từ chư Phật, Thánh nhơn, dưới cho đến các loại chúng sanh, có làm được công đức gì, dù là nhỏ mọn cũng vui mừng theo. Và khi thấy ai được sự phước lợi, hưng thạnh, thành công, an ổn, cũng sanh niệm vui vẻ mừng giùm.
- Hỉ xả là dù có chúng sanh làm những điều tội ác, vong ân, khinh hủy, hiểm độc…Làm tổn hại cho người hoặc cho mình, cũng an nhẫn vui vẻ mà bỏ qua.
Lòng tùy hỉ trừ được chướng tật đố nhỏ nhen. Lòng hỉ xả giải được chướng hận thù báo phục. Người biết hoan hỉ được phước báo cuộc sống an vui, nhiều người yêu mến. Bởi tâm hoan hỉ không ngoài sự giác ngộ mà thể hiện, nên đó chính là lòng Bồ Đề. Dùng lòng hoan hỉ như thế mà hành đạo, gọi là phát Bồ Đề tâm.
- Tùy hỉ là gì.
- Hỉ xả là gì.
- Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
- Hội Long Hoa là gì.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Hoan hỉ cùng người là tu phước
Người khác làm việc thiện, ta có thể được phước nếu hoan hỉ cùng người. Khi người khác làm việc thiện chưa thành tựu mà mình tùy theo để khuyến khích, thúc đẩy: Đó gọi là khuyến khích được phước. Khi người khác làm việc thiện đã thành tựu, mình cũng tùy theo mà vui mừng hoan hỉ: Đó gọi là tùy hỉ được phước. Thường ngợi khen xưng tán điều thiện, khiến người khác bắt chước làm theo: Đó gọi là tán thán được phước. Suy cho cùng thì khắp cả trên trời dưới đất, từ xưa đến nay, hết thảy các điều thiện trong thiên hạ đều có thể tạo phước cho ta.
Cho nên, Bồ Tát Phổ Hiền phát khởi 10 nguyện lớn thì nguyện thứ 5 chính là “tùy hỉ công đức”. Trên từ vô lượng phước báo nhiều đời nhiều kiếp của chư Phật, Bồ Tát; Dưới cho đến chỉ một việc thiện nhỏ nhoi của bất kỳ chúng sinh nào trong sáu cõi luân hồi; Khi mình biết được thì đối với tất cả đều phát tâm tán thán, tùy hỉ. Làm được như thế rồi thì bao nhiêu phước báo trong tận cùng hư không, rộng khắp pháp giới. Đâu đâu cũng có thể trở thành phước báo của mình, mà tự thân mình cũng được như Bồ Tát Phổ Hiền không khác.
*
Khi người khác làm việc ác chưa thành mà mình gắng sức khuyên bảo, khiến người ấy ngưng lại: Ắt mình sẽ được phước. Khi người khác làm việc ác đã xong, mình thấy vậy sinh tâm buồn lo, không vui: Ắt cũng sẽ được phước. Khi việc ác chưa truyền rộng, mình cố gắng tìm mọi phương cách để chặn đứng, ngăn cản: Ắt sẽ được phước.
Nếu việc ác đã lan truyền, nên lấy đó làm bài học để răn ngừa, cảnh giác không phạm vào: Ắt cũng sẽ được phước. Nếu việc xấu ác làm hại đến mình mà có thể tùy hỉ mà nhẫn nhục chịu đựng: Ắt sẽ được phước. Nếu việc xấu ác làm hại đến người khác mà mình có thể khuyên người nhẫn nhục chịu đựng: Ắt cũng sẽ được phước.
Hoan hỉ cúng dường được phước báo vô lượng
Ngày xưa, tại nước Câu-lưu-xa có vị vua tên là Ác Sinh. Một hôm, vua nhìn thấy có con mèo vàng từ phía đông bắc của đại sảnh đi vào rồi chui xuống đất chỗ góc tây nam. Vua liền ra lệnh khai quật ngay chỗ góc nhà ấy lên, tìm được một cái bồn bằng đồng, trong có 3 hộc, đều chứa đầy những đồng tiền vàng.
Từ chỗ cái bồn ấy đào sâu xuống một chút lại gặp một cái bồn bằng đồng nữa, cũng có 3 hộc và cũng chứa đầy tiền vàng bên trong. Tiếp tục đào xuống thì tìm được thêm cái bồn thứ ba, cũng giống hệt như vậy. Lại từ chỗ đào được ấy, tiếp tục tìm ra quanh đó thì cứ cách khoảng một bước đi lại tìm được bồn đồng chứa tiền vàng, như vậy rộng ra đến 5 dặm đều tìm được rất nhiều bồn đồng chứa tiền vàng như vậy.
Vua cho là việc quái dị, trong lòng sinh nghi, liền tìm đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên thưa hỏi. Tôn giả đáp rằng: “Vào đời quá khứ cách nay 91 kiếp, có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi. Sau khi đức Phật ấy nhập Niết-bàn, có một vị tỳ-kheo đi khất thực đến ngã tư đường liền ngồi xuống, muốn giáo hóa mọi người nên chỉ tay vào bát mà nói rằng: ‘Nếu có ai biết mang tiền bạc cất vào trong thành quách kiên cố này, thì bất luận là vua chúa, kẻ trộm cướp, cho đến các nạn lớn như lũ lụt, hỏa hoạn, thiên tai, cũng đều không thể cướp mất đi tài sản của người ấy.’
*
“Có một người nghèo nghe vị tỳ-kheo nói thế thì hết sức hoan hỉ phấn khích, nhân lúc ấy lại vừa bán củi ở chợ được 3 đồng tiền, liền cúng dường tất cả vào trong bát. Cúng dường xong, người ấy quay về nhà cách đó 5 dặm, cứ mỗi bước đi trên đường đều sinh tâm hoan hỉ. Về đến trước cửa nhà rồi, trước khi vào nhà lại quay về hướng vị tỳ-kheo mà thành tâm đảnh lễ, phát tâm bố thí rồi mới vào. Người nghèo khổ ngày xưa ấy, nay không phải ai khác, chính là đại vương đó.”
Phước báo của tâm Hoan hỉ
Xưa có người trưởng giả tên là A-cưu-lưu không tin rằng sau khi chết còn có kiếp sau. Ông cũng không tin lẽ nhân quả, thiện ác. Ngày kia, A-cưu-lưu với 500 khách buôn mang theo rất nhiều vàng ngọc châu báu. Họ dự định cùng nhau thực hiện một chuyến buôn xa. Không may cả đoàn cùng lạc vào một con đường hết sức hiểm trở. Đi suốt ba, bốn ngày mà chẳng nhìn thấy một ngọn cỏ hay giọt nước. Trong khi lương thực, nước uống mang theo đều đã cạn hết. Tình thế vô cùng nguy ngập, ắt không thể tránh khỏi phải chết vì đói khát.
Khi ấy, trưởng giả A-cưu-lưu trong lúc đi loanh quanh tìm nguồn nước bỗng gặp một vị thần cây. Ông liền đem việc nguy khốn đói khát của mình nói với thần. Vị thần đưa cánh tay phải lên, từ các ngón tay của ông liền hóa ra rất nhiều thức ăn và nước uống. A-cưu-lưu và cả những người cùng đi nhờ đó đều thoát khỏi cơn đói khát. Trưởng giả A-cưu-lưu liền thưa hỏi: “Thần nhờ phước đức gì mà có khả năng biến hóa từ ngón tay ra thức ăn, nước uống như thế?”
*
Vị thần đáp: “Trước đây vào thời đức Phật Ca-diếp, ta là một người nghèo. Hằng ngày ta thường ngồi bên lề đường nơi cửa thành chuyên làm việc lau kính cho người. Mỗi khi thấy có vị sa môn nào vào thành khất thực, ta liền đưa cánh tay phải lên chỉ đường: Chỉ rõ cho vị ấy biết nhà nào trong thành có thể đến khất thực được. Lại khi thấy vị ấy khất thực được đầy bát trở về, ta liền sinh tâm hoan hỉ vô cùng. Ta làm như thế không chỉ một hai ngày mà là rất lâu dài. Nhờ phước báo đó mà ngày nay mọi thứ cần dùng chỉ đưa ngón tay chỉ ra là có.”
Trưởng giả A-cưu-lưu nghe qua câu chuyện của vị thần cây, trong lòng sáng tỏ, thấu rõ lẽ nhân quả. Từ đó về sau ông hết lòng tu tập hạnh hoan hỉ và bố thí. Mỗi ngày ông đều cúng dường cho rất nhiều vị tăng. Sau khi chết ông liền được sinh lên tầng trời thứ hai, cung trời Đao-lợi, làm vị thiên nhân rải hoa trời.
*
Người không có trí tuệ thì dù có nhiều tài sản cũng không thể gieo trồng phước báo. Người có trí tuệ thì dù không có tài sản, nhờ biết tùy hỉ mà gieo trồng phước báo. Nếu học làm theo như vị thần cây kia, ắt là tài sản của người khác cũng có thể trở thành hữu dụng cho ta. Khi chỉ đường làm lợi lạc cho người khác, ruộng phước từ nơi ngón tay chỉ mà được rộng sâu; Ngợi khen khuyến khích người khác làm việc thiện, ruộng phước từ nơi lời nói mà được rộng sâu; Bôn ba xuôi ngược giúp người, ruộng phước từ nơi đôi chân mà được rộng sâu…
Quay nhìn lại khắp thân thể mình, từ tai, mắt đến tay, chân… Thật không bộ phận nào lại không thể giúp ta gieo trồng ruộng phước. Thật vĩ đại lắm thay! Phật pháp quả thật mang lại lợi ích cho muôn người. Những kẻ phàm tục tầm thường làm sao có được trí tuệ sáng suốt hiểu được như thế?
Tùy hỉ tích chứa âm đức nên con cháu hưng thịnh
Vào triều Minh, ở Ô Trình có người tên Phan Quỳ, hiệu Tựu Am. Ông tinh thông y thuật, có tâm nguyện cứu nhân độ thế. Vào một năm phát sinh bệnh dịch, những người mắc bệnh đều được ông ra sức cứu chữa. Cứ mười người bệnh thì ông cứu sống được đến tám, chín. Nhưng trong lúc trị bệnh, do gấp rút nên ông không kê đơn thuốc.
Láng giềng có người họ Triệu mang việc ấy kiện Phan Quỳ lên quan phủ. Ông Qùy do vậy mà một phen khốn đốn. Tuy thế nhưng ông giữ tâm tùy hỉ, chẳng giận hờn trách móc làm chi. Chẳng bao lâu sau họ Triệu lâm bệnh rất nguy kịch, liền bảo đứa con: “Chỉ có ông Quỳ mới cứu được cha.”
Người con nói: “Mình vừa kiện ông ấy lên quan phủ, làm sao nhờ cậy được?”
Họ Triệu nói: “Tuy mình xấu với ông ấy, nhưng tâm ông ấy rất từ bi, sẽ không hại cha đâu.”
Người con nghe lời, mời Phan Quỳ đến xem bệnh. Ông hết lòng chữa trị, bệnh liền được khỏi.
Phan Quỳ có ba người con trai là Phan Tương, làm huyện lệnh Quế Dương; Phan Tham, làm quan Hàn lâm biên tu; Phan Xuyên, làm quan Cung bảo Thượng thư. Bản thân Phan Quỳ cũng được phong tặng tước quan Thượng thư. Cháu nội ông là Phan Đại Phúc sau đỗ tiến sĩ vào khoa thi năm Bính Tuất.
(Hoan hỉ là gì)
Tuệ Tâm 2021.
Để lại một bình luận