Tâm niệm chúng ta thay đổi liên miên hỗn loạn nên gọi là Hành, Uẩn là sự tích tụ lại từ vô thỉ kiếp đến nay. Vậy nên Hành uẩn là nơi tư tưởng phát sinh như dòng suối liên tục không ngừng. Ý niệm trước vừa dấy khởi thì liền bị thay thế bởi ý niệm sau, cho nên tâm con người chất đầy vọng tưởng.
- Săc uẩn là gì.
- Thọ uẩn là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Ngũ trược ác thế là gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.

Hành uẩn còn gọi là Hành ấm do dự hỗn loạn liên tục của tư tưởng khiến chúng ta mất tập trung. Điều này tạo ra sự ngăn che, khiến cho ta không thấy được sự sáng suốt của tự tánh.
Sự điên đảo của Hành uẩn
Mặc dù hành uẩn rất dễ nhận ra, nhưng chúng ta đa phần không biết. Sự vận hành và tác hại của Hành uẩn khiến ta điên đảo hàng ngày. Bạn thử kiểm lại xem có phải thế này không: Bạn chạy xe đi làm, trí óc bạn có lúc nào yên chăng? Thay vì tập trung lái xe, nó khởi đủ thứ trong đầu: Đêm qua con quấy khóc; Sáng nay có đứa đặt túi rác trước cửa nhà mình, sao lại có đứa xấu xa thế, mai kia phải tìm cách rình xem là đứa nào…
Rồi “nó” bắt đầu dẫn bạn: Kiểm xem hàng xóm có đứa nào ghét mình? Mình tóm được sẽ làm gì nó? Đánh nó, chửi nó, hay đưa nó lên công an?….Vừa nghĩ đến hai chữ Công an, “nó” lại dẫn mình nhớ lại tuần trước bị mấy cha giao thông phạt mất 1 triệu. Rồi “nó” lầm bầm chửi mấy thằng khốn, chuyên ăn cướp của dân…
Đến ăn cướp “nó” lại dắt mình tiếp: Hôm qua ở tỉnh nọ có vụ cướp giết người; Sao hung thủ nó ác thế? Sao nó trốn nhanh thế; Sao công an giỏi thế, sáng nay đọc báo đã thấy bắt được hung thủ rồi….
Đấy bạn thấy chưa, hành uẩn “nó” khiến ta điên đảo như thế đó. Khởi đầu chỉ là “đứa nào đặt túi rác trước nhà mình” và kết thúc là chuyên ở đâu đâu, chẳng còn thấy chuyện túi rác ban đầu nữa!!!
Sự nguy hiểm của Hành uẩn
Bởi được tích lũy sự thấy biết trong từ vô thỉ kiếp đến nay nên hành uẩn tạo ra vô số sự lệch lạc trong nhận thức. Hành uẩn tác động chủ yếu lên cái “Trí thông thường” của ta. Vậy nên “Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn một khi “cái trí không chính xác” dựa trên những kiến thức sai lệch để đưa ra phán xét.
Sau đây là những ví dụ về các suy nghĩ của cái trí bị sai lệch. Các tư tưởng này tự bản thân nó không gây phiền não. Nhưng khi cái trí chấp chặt vào chúng. Ứng dụng bừa bãi và bất chấp mọi lý lẽ thì sẽ kéo theo phiền não ngay tức thì. Các ví dụ dưới đây cho thấy tác động của hành uẩn vào sự vận hành của cái trí.
*
Khi trí đang quan sát các hiện tượng và các sự việc mới. Nó tìm trong ký ức, nơi mà nó đã tích trữ mọi điều: Từ nghe, thấy, trải nghiệm đến các thói quen, quy ước và mong muốn. Sau đó nó khư khư áp đặt những quan niệm và giá trị cũ lên sự việc mới. Rồi nếu thế giới chung quanh không thuận theo mong đợi và sự lý giải của nó, cái trí sẽ trở nên khó chịu. Nó có thể than phiền hay thậm chí là nổi giận.
Hành uẩn gây nên sự hỗn loạn của trí. Nó đem những ý nghĩ tương tự lặp đi lặp lại trong đầu và gây phiền não. Đau khổ đến ngay khi chúng ta lo lắng những việc tương lai như: Khi nào kết hôn, khi nào có con, bao giờ thì sẽ có tiền v.v. Cái trí cứ lẩn quẩn đeo đuổi những sự kiện hoàn toàn thuộc về một thời khắc khác. Rồi nó lôi kéo, thôi thúc ta đem chúng ra sống trong hiện tại.
*
Nói tóm lại, đây là cách mà qua sự vận hành rối loạn, hành uẩn tạo nên những đau khổ cho chúng ta:
- Nó bận rộn lặp đi lặp lại những phiền não từ quá khứ.
- Nó đắm chìm trong lo lắng, sợ hãi, và lẩn quẩn mơ tưởng việc tương lai.
- Nó khắc khoải, vật vã trong việc ứng dụng một cách cứng nhắc và bất kể lý lẽ các quan niệm, nhân sinh quan mà xã hội loài người đã đặt ra.
- Nó phán đoán, phân tích, nhục mạ, tranh cãi, xây dựng các hình ảnh và cảm xúc của bạo động, oán hờn, ganh tị, v.v…
- Nó cũng là tác nhân mang nhiều bệnh hoạn và đau đớn cho cơ thể vì sự miên man tai hại kia cứ liên tục chuyển tải sự nhiễu loạn của tư tưởng đến các tế bào.
Khi một người lẩm bẩm nói một mình suốt ngày thì ta cho rằng người ấy mắc bệnh tâm thần. Còn bản thân ta và tất cả mọi người còn lại thì cũng nói suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ. Có khác chăng là ta nói âm thầm trong đầu, không phát thành lời mà thôi.
Đây là một căn bệnh trầm kha nhưng vì mọi người ai cũng bị mắc phải bệnh này nên tưởng rằng đây là một trạng thái “bình thường”. Điều này cho thấy sự thao túng của Hành uẩn khi nó liên tục vận hành và điều khiển ta. Nó thúc đẩy từng ý tưởng, lời nói, việc làm, cảm xúc mà ta tưởng rằng ta làm, ta muốn, ta cảm nhận hoặc ta đau khổ.( Tại và Hiện)
Luận về Hành uẩn
Trong ngũ uẩn thì hành uẩn là cội nguồn phát sinh ra ý niệm, dòng tư tưởng sinh diệt xuất phát từ hành uẩn tuôn chảy không ngừng vì thế nếu không diệt được hành uẩn thì khó kiềm chế ý niệm. Hành là từ gọi cho mọi hiện tượng sinh diệt như trong câu kệ “Chư hành vô thường”.
Hành uẩn ở đây có nghĩa là các hiện tượng tâm lý mang tính chất tạo tác nghiệp, có năng lực đưa đến quả báo của nghiệp. Hay nói cách khác hành uẩn là tạo động lực tái sinh.
Hành uẩn là những hiện tượng tâm lý còn được gọi là tâm sở. Duy thức học chia thành 51 tâm sở gồm cả thọ, tưởng, tức là cảm giác và tri giác cũng gọi là hành. Nhưng ở đây không xếp cảm giác và tri giác vào nhóm hành vì chúng (thọ và tưởng) không có khả năng tạo nghiệp và quả của nghiệp.
Hành uẩn cũng có sáu loại do sự tiếp xúc giữa sáu giác quan và sáu đối tượng, hành còn gọi là Tư. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, thế nào là hành? Có sáu tư thân này: Sắc tư, thinh tư, hương tư, vị tư, xúc tư và pháp tư. Đây gọi là hành”. Tư là động lực quyết định, là ý chí, ý muốn; Tâm sở này tạo động lực dẫn dắt tâm ý theo xu hướng thiện, bất thiện. Một số tâm sở có tác động mạnh mẽ để hình thành nghiệp hay hành như: Dục, xác định, niềm tin, tinh tấn, tham lam, sân hận, ngu si, kiêu mạn, tà kiến…
*
Hành uẩn bao gồm mọi hiện tượng tâm lý, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo. Phàm hành gì thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai; Nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, như vậy là hành uẩn”. Tất cả những hiện tượng tâm lý, sinh lý hiện tại là kết quả của hành trong quá khứ. Nghĩa là hành tạo nên một năng lực tiềm ẩn điều khiển thúc đẩy ở trong chiều sâu tâm thức. Trong kinh thường gọi là “phiền não tùy miên”, hay trong luận gọi là “câu sanh phiền não”. Chúng làm nền tảng và lực đẩy để hình thành một năng lực hành mới, dẫn dắt con người đi tới tương lai.
Hành uẩn tồn tại nhờ các điều kiện do duyên sinh nên chúng vô thường, trống rỗng và biến động bất tận.(Thích Viên Giác)
Đức Phật dạy về sự hư giả của Hành uẩn
Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật lại dạy rằng: “A Nan! Ví như dòng nước dốc cuồn cuộn tương tục tuôn chảy. Dòng nước không nhân hư không mà sinh, không nhân nước mà có. Nó không phải tánh nước nhưng không ngoài hư không và nước.
A Nan! Nếu nhân hư không mà sinh thì mười phương hư không vô cùng tận, nước vô tận, thế gian này chìm đắm cả rồi sao? Nếu nhân nước mà có thì dòng nước dốc không là nước nữa. Bởi vì, ai cũng có thể chỉ tướng của nước và dòng nước khác nhau. Nếu dòng nước dốc là tánh nước thì khi nước đứng lại, lẽ ra không phải là nước nữa. Nếu ra ngoài hư không và nước thì không có cái gì ở ngoài hư không và ở ngoài nước ra không thể có dòng nước. Vậy nên biết rằng hành uẩn là hư vọng, không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.”
Hành là sự biến chuyển thay đổi của tâm niệm. Con người lúc nào cũng suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và vị lai. Suy nghĩ về mình, về người, về giàu, về nghèo khó, về công danh, về sự nghiệp, về sắc diện, về tinh thần, về vật chất…Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và cứ thế mà sanh khởi liên tục trong tâm của con người cho nên cổ đức mới có câu: “Tâm viên mã ý” là vậy.
*
Tưởng uẩn và hành uẩn là nguyên nhân phát sinh ra ý niệm làm che lấp chơn tâm và Phật tánh. Vì thế, nếu tu theo Tiểu thừa một khi diệt được tưởng, thọ thì tâm được thanh tịnh và vào hàng Thánh giả A la hán. Còn tu theo Đại thừa thì thành Thất địa Bồ Tát.
Ở đây Phật ví hành uẩn như một dòng nước dốc, lớp nước sau nối tiếp lớp nước trước, liên tục không ngừng nghỉ. Luồng tâm niệm của con người cũng thế: Ý niệm sau thay thế ý niệm trước và cứ như thế mà lưu chuyển trong A lại da thức. Nó làm cho con người luôn suy nghĩ, tưởng nhớ và chạy theo tiền trần. Tức là chạy theo sắc tài danh lợi làm cho tâm bất tịnh.
Đối với người tu Phật thì hành uẩn là quan trọng nhất. Vì nếu phá được hành uẩn là phá được nguồn gốc của tất cả những niệm khởi. Phá được vọng niệm thì lúc đó chơn tâm, Phật tánh mới hiện bày. Dòng nước không phải nhân hư không mà sinh nghĩa là dòng nước không phải tự nhiên mà có. Tại sao? Bởi vì nếu hư không mà sinh ra nước thì thế gian vũ trụ này sẽ trở thành cái biển lớn và sẽ không còn là hư không nữa. Lý luận này không đúng. Khi thấy nước chảy thì gọi là dòng nước nghĩa là trạng thái sinh diệt, trạng thái động của nước; Còn nước không chảy thì gọi là nước yên nghĩa là trạng thái tĩnh, trạng thái yên lặng của nước.
*
Vì thế Đức Phật cho rằng tướng hành uẩn là tướng giả dối. Nó không phải là tánh của nhân duyên và cũng không phải là tánh của tự nhiên hợp thành. Đức Phật muốn chúng sinh thấy rằng hành uẩn chỉ là tướng giả dối do duyên với ngoại cảnh mới có.
Vì thế hành tướng tâm niệm thì sinh sinh diệt diệt. Không phải do thể tánh chân như thường trụ bất diệt sinh ra và cũng không phải là bản tánh của tự tâm. Tuy nhiên chúng cũng không ra ngoài tự tâm và thể tánh chân như được. Tuy tâm niệm là giả dối nên sinh thì không thật sinh và diệt thì cũng không thật diệt; Nhưng thật chất của nó vốn là tâm tánh chân như nhiệm mầu.(Hòa thượng Tuyên Hóa)
(Hành uẩn là gì)
Tuệ Tâm 2021.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Cảm ơn thầy