Thần tiên có thật hay không? Xin thưa là có! Tuy vậy cổ kim đến nay người tu tiên đắc đạo cực ít. Lý do là bởi tu tiên hoàn toàn phải dựa vào tự lực của mình nên cực khó đắc đạo.
- Thiên ma là loại ma gì.
- Thần linh có thật không.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
- Lệ quỷ là quỷ gì.
- Phép thuật có thật hay không.
Một vài ngàn năm về trước, căn tánh con người còn trong sáng nên tu tiên dễ đắc đạo. Ngày nay con người đa phần nghiệp sâu chướng nặng, các kinh tu tiên hầu hết thất truyền. Thỉnh thoảng có kẻ tự xưng tiên nhân đắc đạo nhưng thực ra chỉ là hàng linh quỷ giả danh mà thôi.Theo sách Bão Phác Tử: Trên thân thần tiên có lông mịn như nhung màu đen, hai bên mình có cánh gắn lông vũ. Có lúc hiện hình người đi trên đỉnh núi, hay bay lượn trên không. Vì thế thần tiên còn được gọi là “vũ nhân”
Thần tiên có thật không
Thần tiên có nghĩa là gì? “Thần tiên” nghĩa là an nhàn, tự tại, không còn bị sự phiền lụy của tục trần ràng buộc. Lại “tiên” cũng có nghĩa là “thuyên”, vì hạng nầy có thể thuyên chuyển hình thần khiến cho dung sắc tươi trẻ, mạng sống lâu dài. Thần tiên có nhiều bậc như thiên tiên, nhơn tiên, địa tiên, hoặc dạo chơi nơi nhơn gian, hoặc ở ẩn nơi non sâu, hải đảo. Theo kinh Lăng Nghiêm thì có mười hạng tiên:
10 hạng tiên nhân
Địa hành tiên
Hạng chuyên tu về cách chế luyện các thức ăn, làm hoàn hoặc bánh để dùng. Các vị nầy do thực đạo mà thành, có thể mạnh khỏe sống lâu, nhưng chưa được nhẹ nhàng bay đi, gọi là Địa hành tiên.
Phi hành tiên
Hạng chuyên phục thực các thứ thảo mộc như tử chi, huỳnh tinh, xương bồ. Hạng nầy được đạo mà thành, thân được nhẹ nhàng bay đi, gọi là Phi hành tiên.
Du hành tiên
Hạng chuyên phục thực các chất kim thạch, như thu thạch, hồng diên… Các vị nầy do hóa đạo mà thành, luyện đơn thành tiên cốt, điểm đá hóa vàng ròng, trong chớp mắt có thể đi xa muôn dặm, gọi là Du hành tiên.
Không hành tiên
Hạng chuyên luyện về sự động chỉ tu cách điều khí cố tinh. Các vị nầy do khí tinh mà thành, có thể dời hình ẩn bóng, đi trên hư không, gọi là Không hành tiên.
Thiên hành tiên
Hạng chuyên luyện về tân dịch, như nhả thứ cũ nuốt thứ mới, làm cho lửa xuống nước lên. Các vị nầy do nhuận đức mà thành, mặt sáng rỡ như ngọc, hay dạo chơi nơi cõi trời, gọi là Thiên hành tiên.
Thông hành tiên
Hạng chuyên luyện về tinh sắc, mỗi ngày hớp thanh khí của trời đất, tống hết cặn bã, thâu lấy tinh hoa. Các vị nầy do hấp túy mà thành, có thể đi xuyên qua núi non, đạp trên nước lửa, gọi là Thông hành tiên.
Đạo hạnh tiên
Hạng chuyên luyện về chú cấm, nhờ công phu trì chú lâu ngày, nên tâm thần được ngưng tịnh. Các vị nầy do thuật pháp mà thành, có thể trị bịnh, dứt trừ ma quái để giúp ích cho quần sanh, gọi là Đạo hạnh tiên.
Chiếu hạnh tiên
Hạng chuyên kiên cố về tư niệm, luyện theo lối buộc tâm tưởng nơi đơn điền, đưa chân khí xuống vĩ lư, thăng lên giáp tích, đạt đến nê hoàn, rồi xuất thần nơi đảnh. Các vị nầy do tư ức mà thành, có thể hồi quang phản chiếu, gọi là Chiếu hạnh tiên.
Tinh hạnh tiên
Hạng kiên cố về sự giao cảm luyện cách phối hợp khảm ly, thâu nhiếp tinh huyết. Các vị nầy do cảm ứng mà thành, làm cho thân xinh đẹp sống lâu, gọi là Tinh hạnh tiên.
Tuyệt hạnh tiên
Hạng chuyên luyện về biến hóa, hằng tồn tưởng nơi lý hóa, đến khi tỏ ngộ thì làm được sự huyễn hóa to tát. Các vị nầy do giác ngộ mà thành, có thể di sơn đảo hải, biến hiện nhiều cách, gọi là Tuyệt hạnh tiên.
Các hạng tiên trên đây, gọi trường sanh thì có, nhưng bất tử thì không. Khi phước làm thần tiên hết sẽ phải đọa luân hồi. Vì họ chấp hình thần hữu vi mà không rõ suốt chân tánh.
Chuyện có thật về tiên nhân
Đạo Tiên giải quyết cái chết bằng cách kéo dài sự sống, gọi là trường sanh. Nhưng trường sanh tuy có, mà bất tử thì không. Vì mọi pháp tạo tác hữu vi đều ở trong vòng sanh diệt, khi hết phước ắt phải luân hồi. Trong Niệm Phật Thập Yếu, Tổ Thiền Tâm kể: Trong thời Dân Quốc, có cư sĩ Lưu Khai Nan, biệt hiệu là Tây Tiều tiên sinh. Trước khi ông vãng sanh, chư thần mời đến cảnh U Minh xin nhậm quan chức. Kế lại thấy thần tiên thỉnh lên cõi trời, cư sĩ đều nghiêm sắc khước từ, bảo: “Làm quan dễ tạo nghiệp, phước trời có lúc hết. Tôi chỉ nguyện sanh về Cực Lạc.” Ít ngày sau cư sĩ vãng sanh.
Mời lên cõi tiên
Một sư cô quen với bút giả tu ở gần vùng Đà Lạt. Sau thời trì chú cô đang ngồi tịnh, bỗng thấy có hai sứ giả phong thái và cách trang phục như thần tiên, đến cung kính mời lên non viếng cảnh. Trong cơn định, sư cô hỏi: Non cao, sức yếu, làm sao đi được?” Một sứ giả đáp: “Không ngại, tôi đã có cách.” Liền lấy cành cây tợ nhánh dương liễu, đập nhẹ vào mình sư cô và bảo đi theo.
Cô bỗng thấy thân thể mình lâng lâng bay lướt trên đầu ngọn cỏ, giây phút sau cùng tiến lên non. Đến đây thấy cảnh tòng bá thanh u, công xòe hạt múa, xa xa có một cung điện lầu các. Vừa khi ấy, cô thị giả ở nhà sau làm rớt đồ vật có tiếng động mạnh. Sư cô liền chợt giác tỉnh, cảnh giới tan mất, cảm thấy hai bắp đùi còn mỏi đau.
Thần tiên cũng còn duyên nợ
Nơi truyện Quần Tiên, nhân tiết trung thu chàng văn sĩ Vân Tiêu lên núi chơi. Trong đêm rằm, chàng mục kích chư tiên nương mây cưỡi hạc giáng xuống một tòa thạch bàn. Họ bày tiệc trái ngon rượu quí, vừa đàn ngâm hát rằng:
Đêm thu một khắc một chầy
Vầng trăng khéo rọi cảnh này sơn âm!
Nghiêng bầu hỏi bạn đồng tâm
Hằng Nga khuất bóng biết tìm nơi đâu?
Bên tiên nữ có một nàng tên là Thái Loan, sắc đẹp dịu dàng, ca ngâm hay nhất. Vân Tiêu tuy ẩn bóng rình nghe, cũng bàng hoàng xúc động. Giây lát sau, một vị lão tiên uống rượu xong, ca rằng:
Hữu duyên tương hội tại tiên đàn
Ưng đắc Vân Tiêu giá Thái Loan!
Nghe hai câu ấy, Vân Tiêu phải chường mặt ra dự vào đàn tiên. Chư tiên bảo Thái Loan tiên nữ còn trần duyên với Vân Tiêu mười ba năm. Sau đó truyền đồng tử đem sổ ra xóa bỏ tiên tịch cho hai người kết duyên. Sau mười ba năm sống với Vân Tiêu, khi trần duyên đã mãn, Thái Loan dùng phép ẩn thân bay về non tu lại. Cho nên chư tiên vẫn còn ở trong vòng nhân duyên kiếp quả.
Tiên nhân Lưu Trường Sanh
Lại một vị tiên là Lưu Trường Sanh sau khi đắc đạo, xuất thần bay lên chỗ bà Diêu Trì Kim Mẫu. Ông ta thấy chư tiên nữ dung sắc cực kỳ xinh đẹp khó tả khó họa, ông liền động tâm. Kim Mẫu quở rằng: “Ngươi tuy thành đạo, mà niệm sắc ái chưa tiêu, làm sao xứng đáng liệt vào hàng tiên phẩm?”
Trường Sanh hổ thẹn liền trở xuống cõi nhân gian. Sau ông dùng phép điểm đá hóa vàng rồi vào chỗ lầu xanh mướn năm bảy cô dâm nữ đẹp nhất, cùng nhau chung sống.
Trong hai năm trời ông nằm gần các cô dâm nữ lõa thể để luyện trừ niệm sắc dục. Khi xét thấy mình tâm đã bất động, ông bảo các cô ấy làm bánh, rồi để bánh trên bụng vận lửa đơn điền nướng chín. Kế đem bánh đãi các cô, nói đạo khai ngộ cho, xong mới cỡi mây bay đi.
Tiên nhân biến hiện
Lại như ông Lã Thuần Dương gặp Chung Ly Quyền trong quán trọ ở Hàm Đan. Ông Chung khuyên họ Lã học đạo Tiên, họ Lã muốn được phú quý rồi mới học. Chung trao cho Lã một cái gối bảo hãy ngủ một giấc.
Họ Lã mộng thấy mình làm quan từ chức nhỏ đến chức lớn, rồi làm đến Tể Tướng. Năm mươi năm phú quý vinh hoa, thật ít có trong đời. Con cháu đầy nhà, thường sung sướng không tai ương gì. Sau vì một chuyện chẳng hợp ý bề trên bèn tự thoái quan. Lúc tỉnh giấc ra, chủ quán trọ còn đang nấu nồi cháo kê vàng!
Trong mộng thấy ra vào làm tể tướng, bao nhiêu. Giải quyết những điều nghi hoặc thường gặp là chuyện lớn, thời gian lâu cả năm mươi năm, tỉnh giấc, nồi cháo kê vàng vẫn chưa nhừ. Đấy chẳng qua là cảnh do tiên nhân biến hiện, mà còn có thể trong một niệm biến hiện những sự nghiệp, cảnh giới của cả năm mươi năm. Huống hồ là cảnh giới của Phật là vị trời trong trời, là thánh của các thánh, của các vị đại Bồ Tát đã chứng Pháp Thân? Vì thế, ngài Thiện Tài vào trong lầu gác của đức Di Lặc, vào trong một lỗ chân lông của đức Phổ Hiền, đều ở trong mười phương thế giới hành lục độ vạn hạnh trải Phật sát vi trần số kiếp.
(Thần tiên có thật không)
Tuệ Tâm 2020.
Trần Thị Vân Anh viết
Thần Tiên có thật
miumiu viết
Có thật hả bạn
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, tu tiên thật khó chẳng khác gì hiện tại tu thiền đến cảnh giới vượt ngũ ấm ma… Đệ tử nghĩ, giờ cố gắng tu niệm phật- phát nguyện vãng sanh về Tây phương cực lạc, lúc vãng sanh đệ tử cũng có ngũ thông- lục thông, còn chứng quả Vô Sanh Nhẫn, thoát khỏi sanh tử luân hồi, được ở gần Đức Phật A Di Đà và Thánh Chúng, thường xuyên nghe pháp, đúng không thầy
Nam mô A Di Đà Phật