Tây Phương Xác Chỉ tức là chỉ đích xác con đường tu hành, một cuốn sách chép lại sự giáo hóa của một Bồ Tát ở Cõi Cực Lạc, Ngài Giác Minh Diệu Hạnh, cho tám người đệ tử có nhân duyên sâu nặng với Ngài. Sách chỉ rõ phương cách tu trong thời mạt pháp, đặc biệt dành cho giới Phật tử tại gia với nghi tâm chưa dứt. Cũng ở đây, bạn sẽ tìm thấy những lời khuyên vô cùng quý giá cho mình.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Niệm Phật như thế nào để chắc chắn được vãng sanh.
- Bản nguyện niệm Phật.
- Chuyện tâm linh có thật.
- Chuyện nhân quả báo ứng.
Tây Phương Xác Chỉ
Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát giảng
Bồ Tát giới đệ tử Thường Nhiếp kết tập
Một thuở nọ, Bồ Tát từ cõi Cực Lạc hiện đến, giáng xuống đàn cầu cơ ở đất Cổ Câu Ngô xứ Chấn Ðán (Trung Hoa) cõi Sa Bà. Chúng đệ tử trong hội do có nhân duyên xưa kia với ngài đều được hóa độ. Ðể dạy họ pháp môn Tịnh Ðộ, Bồ Tát bèn nói kệ rằng:
Pháp yếu của chư Phật/ Vi mật chẳng nghĩ bàn/ Do chẳng nghĩ bàn nổi/ Chẳng thể nói hết được/ Ðại Từ Phụ Mâu Ni,/ Xót thương các chúng sanh/ Nói pháp chẳng thể nói/ Dạy đời này, đời sau/ Lại dùng phương tiện lạ/ Hiển thị cõi An Lạc/ Khiến phát nguyện vãng sanh/ Cắt ngang các nẻo ác/ Do Phật A Di Ðà/ Ðại nguyện nhiếp các phẩm/ Nghe danh Phật thọ trì/ Quyết định sanh, chẳng lầm/
Nếu có kẻ đại lực/ Chuyên niệm thường nhất tâm/ Thành tựu tam muội sâu/ Hiện tiền cũng thấy Phật/ Nay ta theo đúng như/ Lời đức Phật đã dạy/ Sẽ khai hóa chỉ dạy/ Nghĩ các ngươi mê đảo (si mê, điên đảo)/ Chỉ đích xác con đường/ Hầu tu hành chơn chánh/ Ðây chẳng phải là duyên/ Hèn kém, nhỏ nhoi đâu!/ Phải nghĩ tưởng khó gặp/ Ðường Tây phương vạn ức/ Một niệm tin liền được.
*
Bồ Tát nói kệ xong, bảo các đệ tử đọc to một lượt, lại bảo:
– Các ông từ trước đến nay tu học huyền thuật, tâm yếu kém, tu hành tà vạy. Do túc duyên ta nghĩ rất thương các ông nên đến đây dạy bảo. Nay trước hết ta chỉ ra Tây phương Tịnh Ðộ là một môn chánh hướng, chánh tu. Sợ các ông còn lo ngờ chưa thể sanh lòng tin cùng cực nên tiếp đây, ta sẽ nói danh hiệu của mình cùng pháp chính mình đã chứng để mọi người biết kẻ nói pháp này là một vị đại Bồ Tát.
Này các thiện nam tử! Trong lúc tu nhân xưa kia, ta dùng diệu trạm giác tâm thấy rõ: Trong hết thảy tất cả các cõi nước, các chúng sanh đều cùng có đủ [cái tâm ấy] nên liền giác ngộ trọn vẹn Diệu Giác. Giác ngộ rõ ràng diệu tâm, khởi ra vô lượng diệu hạnh độ các chúng sanh. Bởi thế, A Di Ðà Phật ban cho ta danh hiệu Giác Minh Diệu Hạnh. Từ nay các ông nên quy y, đừng ngờ vực chi nữa.
Khi ấy tám người trong hội cùng chắp tay, chí tâm niệm Nam Mô Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát, đứng lên lễ kính. Bồ Tát bảo: “Lành thay! Ðúng như vậy đó!”
*
Có người hỏi về cách trì tụng kinh chú, Bồ Tát dạy:
– Trì kinh chú nghĩa là tự trì cái tâm của mình. Cốt yếu là phải hiểu rõ thẳng vào tâm địa. Nếu chỉ nghĩ cứ trì cho thuần thục, tụng cho nhiều. Lại niệm kinh này, chú nọ, vị Phật kia rồi bảo là mình có công đức lớn. Nhưng chẳng thể câu nào cũng quy trọn về tự tánh. Cũng chẳng hiểu sâu xa nổi chơn lý mầu nhiệm của Như Lai mà bảo là có thể nhờ đó chứng quả thì các ông có thấy chăng:
Nơi ngã tư đường, hoặc là kẻ không mắt, kẻ không chân, hoặc ăn mày nam, hoặc ăn mày nữ suốt ngày miệng ra rả niệm đến tận đêm. Tính số câu niệm Phật họ niệm suốt năm kể ra cũng phải hơn mấy mươi vạn biến. Rốt cuộc vẫn là kẻ tàn tật, kẻ ăn mày, chưa hề chứng được mảy may quả vị nào cả. Vì sao vậy?
Chỉ vì họ chẳng hiểu biết, thiếu hạnh mà thôi. Cho nên các ông phải biết là: Trì kinh nào thì phải nên nương theo kinh đó mà tu hành. Lại phải phát đại nguyện: Hoặc cầu sanh về cõi Phật. Hoặc cầu sáng tỏ tâm địa, hoặc phát sanh đại trí huệ, hoặc lợi lạc khắp các chúng sanh. Ðều nhờ vào sức thần thông to lớn, sâu xa của đức Như Lai để thành tựu sở nguyện của hành nhân. Có thế mới đúng là trì kinh, trì chú, niệm Phật!
*
Vị sư già Thiên Nhiên vì bịnh lâu chẳng lành, tính vào Kính Sơn chờ chết, đem xương gởi vào tháp Phổ Ðồng. Bồ Tát dạy:
– Ông muốn ở trong núi chờ chết thì thật là đang vô sự lại bới việc ra. Ông lo không có chỗ để an bài mấy khúc xương già ư? Ông không biết là một khi mắt đã nhắm lại rồi. Hai chân đã duỗi xuôi thì mặc tình kẻ khác dao bằm, búa chặt, lửa đốt, nước trôi cũng chẳng ăn nhằm chi đến ông hết. Ông lại toan bày kế lâu dài cho kẻ khác thì thật là ngu si quá đỗi! Vả lại, cái thân này lúc sống còn đã là vô ích huống hồ là sau khi chết đi.
Nay ông nên bỏ bớt các sự, chỉ trì mỗi một câu A Di Ðà Phật. Niệm niệm chẳng buông thì Phật Di Ðà trở thành bạn tốt của ông. Lúc đại hạn xảy đến, ngài sẽ hiện thân tiếp dẫn, được sanh về Cực Lạc. Chẳng tốt hơn vào núi đợi chết hay sao?
Hơn nữa, sanh, lão, bịnh, tử là những nỗi khổ thế gian khó lòng tránh khỏi. Ông mắc bịnh đã lâu thì cũng chẳng quan tâm là bịnh lành hay không lành, cứ nhất tâm niệm Phật. Sống cũng được mà chết cũng được là xong!
*
Ông Tăng Bất Nhị tính theo thầy thọ giới. Bồ Tát dạy:
– Tiếc thay, tiếc thay! Tướng mạo đường đường, oai nghi bệ vệ, chẳng biết tự quy. Xét việc ông làm khác chi kẻ tục! Ta thấy ông thân ở chốn này mà hồn đã dạo nơi địa ngục. Phải nên gấp rút tu tỉnh, đoạn ác làm lành, thượng cầu Phật quả, hạ hóa quần sanh. Chẳng nên hôn hôn muội muội, để lỡ tấc bóng hữu hạn, tự vướng phải phiền lụy muôn kiếp.
Còn như việc thọ giới, chẳng thọ thì thôi. Chứ nếu đã thọ thì chẳng được hủy phạm dẫu bằng tơ tóc. Phải giữ gìn giới luật thanh tịnh như bạch bích, minh châu, trọn không chút tỳ vết. Có như vậy mới thành được giới phẩm. Giới chính là căn bản để tam thế chư Phật nhập đạo, đừng coi như trò đùa.
Lại phải tĩnh tu hoặc cầu học các phương và thân cận bạn lành, xa lìa những kẻ thô tháp, hèn kém. Thân bạn lành thì đạo nghiệp dễ hành, gần bạn ác thì giới hạnh dễ mất. Hai câu ấy chính là yếu quyết để học đạo của cả một đời, nên nhớ kỹ lấy!
Anh em ông Mã Vĩnh Tích đời trước làm thợ săn. Một buổi nọ vào núi cùng giết chết một con nai nên bị quả báo đoản mạng. Nhưng hễ họ thấy tượng Phật trong tháp bị đổ xuống đất liền nâng lên, kê cho chắc chắn, lễ bái xong mới đi. Do bởi nhân lành đó, họ lại được thọ thân người. Trước hết, Bồ Tát vì ông Vĩnh Tích khai thị việc ấy xong, Vĩnh Tích hoảng sợ, cầu phương cách sống lâu.
*
Bồ Tát bảo:
– Xưa kia nơi chùa Diệu Giác ở phương Bắc có một chú bé Sa Di, tuổi mới mười sáu. Có một thầy tướng nói về lẽ sống chết của con người không sai một mảy, bảo chú Sa Di rằng: ‘Giữa Thu năm mười tám tuổi, chú sẽ chết!’. Chú Sa Di sợ quá, ban đêm cầu đảo đức Phật, nguyện Phật ban cho một quyển kinh nào đó trong Ðại Tạng để chú trọn đời thọ trì hầu cầu trường thọ. Bạch xong, buồn khóc khôn ngăn được nổi, lại lễ Phật lui ra. Vào trong gian phòng chứa Ðại Tạng kinh, tiện tay lấy được quyển Kim Cang Bát Nhã. Chú bèn chép lấy để thọ trì ngày đêm chẳng biếng nhác.
Chú còn trì giới tinh nghiêm, liễu ngộ huyền lý. Ðến năm bốn mươi tuổi, đạo phong của sư lưu truyền rộng khắp, tứ chúng quy ngưỡng. Sau đến năm tám mươi tuổi, sư mới tọa hóa (ngồi mà viên tịch). Ðấy chính là Vi Hạnh thiền sư ở Lạc Dương. Chuyện xảy ra vào niên hiệu Khai Nguyên thứ sáu đời Ðường Huyền Tông (1), ta đích thân thấy.
Nay ông sợ đoản mạng, muốn cầu sống lâu thì nên bắt chước chú Sa Di đó. Tìm bản kinh Kim Cang chép đầy đủ nhất rồi phát tâm biên chép, siêng tu tập đọc tụng. Lại cầu hiểu được ý nghĩa kinh. Ðấy chính là nội công đức.
Kể từ ngày hôm nay chẳng được sát hại sanh mạng loài vật, phải thương yêu chúng như chính thân mình. Lại phải tích chứa nhiều âm đức, đó là ngoại công đức.
*
Tu cả trong lẫn ngoài thì công đức rất lớn. Tự mình hợp với lẽ trời, lý yểu thọ chẳng hai đã lập như thế thì lo gì tuổi thọ chẳng lâu dài?
Nhưng từ đầu đến cuối phải cẩn thận gìn giữ như thế khác nào chú Sa Di kia mãi đến năm tám mươi tuổi chẳng hề biếng trễ thì mới hợp đạo. Chớ nên có đầu không đuôi. Hoặc hành mười ngày, nửa tháng, một năm, hai năm rồi buông tay bỏ lửng. Nếu thật có thể trọn đời tuân phụng, trước sau chẳng gián đoạn mà ông chẳng được toại nguyện sở cầu thì chư Phật cùng ta đều mắc tội vọng ngữ.
Bồ Tát dạy ông Trần Ðịnh Chuyên như sau:
– Cha con ông phụng hành lời ta dạy, thật là hiếm có. Nhưng các ông phải bền chí lâu dài. Chẳng được sanh ý niệm mong cầu cảm ứng. Ðối với hai chữ Tu Hành phải giữ đúng như việc mặc áo, ăn cơm hằng ngày mới được.
Bồ Tát dạy mẹ ông Tra Ðịnh Hoằng:
– Bà trước kia có tâm niệm hướng về Ðạo, nhưng chưa gặp được người chơn chánh, thật là đáng thương. Nay ta sẽ vì bà phân biệt khai thị. Ðời xưa kia, bà làm tỳ kheo. Tận lực tu hành tinh tấn, ngày đêm chẳng biếng nhác vì tâm chí mãnh liệt. Trong lúc tịnh định, bà chợt khởi lên ý nghĩ: ‘Tại sao mình chẳng được mau thành Phật?’
*
Lại một ngày kia, nghe nói chư Phật vô tướng, tâm này chính là Phật. Sư càng thêm suy nghĩ bậy bạ, cho là: Các pháp không tịch, tâm ta là Phật thì cần gì tu tập nữa! Sư chẳng biết câu ấy nói về lý Không rốt ráo, chứ chẳng phải lời để kẻ mới nhập pháp giới dễ dàng nói được. Ông Tỳ Kheo từ đấy đọa vào tà kiến, chẳng siêng năng tu tập nữa. Tự bảo mình đã chứng đại đạo cho nên mê càng thêm mê, trầm luân trong đêm dài.
Thương thay chúng sanh, cầu đạo chẳng gặp được thiện tri thức chơn chánh. Chưa thoát được lưới rập, không thể không thận trọng! Nay bà nên biết: Do vì xưa kia tà kiến nên chịu báo ngũ lậu, đánh mất chánh tri kiến. Lại gặp tà sư, vướng phải nọc độc, há chẳng nên sanh lòng khiếp sợ ư? Nay bà phải mau phát chánh tín, chí tâm ức niệm Nam Mô A Di Ðà Phật, cầu sanh cõi nước Cực Lạc.
Ông Vô Hủ vì một người bạn hỏi: “Thọ được bao lâu?” Bồ Tát dùng kệ đáp:
Mạng người như sương sớm,/ Hư phù không định kỳ/ Nếu chưa thoát mộng huyễn/ Mong biết trước làm chi?
Ngài lại dạy:
– Ðừng hỏi kỳ hạn cho ông ta làm chi, đến ngày ba mươi tháng Chạp sẽ phải bận rối rít chân tay cả lên. (người bạn ấy quả nhiên bị bịnh mất vào ngày ba mươi tháng Chạp năm sau).
*
Ông Vô Hủ nghe dạy, lại xin Bồ Tát khai thị. Bồ Tát nói:
– Ông Nguyên Bá nên biết: Học đạo mà chẳng minh được cái tâm này thì giống như xây nhà không có nền, qua sông không bè. Muốn minh tâm nên vi tế quán sát đến tột cùng xem cái thân, cái tâm này tự đâu mà có? Thân đã là tứ đại hư huyễn thì tâm biết gửi vào đâu? Thân tâm đã là huyễn thì thế giới và vi trần trọn chẳng sai biệt. Muôn pháp trước mắt sanh ra từ đâu, diệt đi về đâu? Nếu không sanh diệt thì cả hai thứ năng chiếu, sở chiếu đều không có chỗ để nương vào, tự thấy Chơn Như Tịch Diệt khắp chốn.
Cú Khúc Khổng Sanh trì trai suốt hai mươi năm, tự nghĩ mình già yếu. Lại băn khoăn sau khi chết sẽ ra sao nên buồn khóc không dứt. Bồ Tát dạy:
– Ðừng có buồn khóc. Chỉ cần tin sâu, tuân hành theo đúng lời ta, tự sẽ có chỗ tốt lành để an thân.
Nói xong, Bồ Tát dạy bài kệ rằng:
Tây phương có Tịnh Ðộ/ Nhân thiên đều nương về/ Ông tu pháp môn này/ An ổn chẳng kinh nghi.
Trầm Văn Châu là thầy trị thương hàn (*) nổi tiếng chợt đến làm lễ. Bồ Tát hỏi:
– Nếu hàn khí xâm nhập tâm bào thì gọi là bịnh gì?
Ông Trầm đáp: “Gọi là trúng hàn”.
*
Nhân đó, Bồ Tát dạy đại chúng:
– Các ông chỉ biết hễ hàn khí xâm nhập tâm bào thì gọi là chứng trúng hàn, chứ chẳng biết nếu tà xâm nhập tâm thì gọi là bịnh tổn mạng. Các vị chỉ nghĩ thân bịnh mới là bịnh, lo điều trị. Còn cái tâm mắc bịnh nặng thì chẳng cần tìm thầy thuốc giỏi, chẳng cầu diệu dược, mặc lòng chịu khổ chẳng hay biết chi. Ðáng buồn thay!
Vâng lời Bồ Tát dạy, ông Trần Ðại Tâm niệm Phật cực kỳ chí thành. Bồ Tát dạy cho bài kệ sau:
Trong ao bát đức đã trồng sen/ Quả nhiên nhất niệm thật thâm huyền/ Vun bồi tuy cậy Như Lai lực/ Nở lớn toàn nhờ quyết định tâm.
Ngài lại dạy đại chúng:
– Cõi này có kẻ phát nguyện vãng sanh thì cõi An Lạc liền sanh một đóa sen nên ta mới nói như vậy. Các ông phải nên sanh lòng tin sâu xa.
Để lại một bình luận