Vì sao người niệm Phật thì nhiều mà người được Vãng sanh lại ít? Ấy đều là bởi hành giả thường Tùy duyên Tạp Hạnh. Do dùng tự lực niệm Phật, không nương nơi Tha Lực của Phật A Di Đà nên lúc lâm chung thường sanh khởi nghi nan. Hoà Thượng Thiện Đạo bảo: “Ít thiện căn khó được vãng sanh, chấp trì danh hiệu nhất tâm bất loạn thì được vãng sanh”.
Câu “Nhất Tâm Bất loạn”, như đã giải thích trong các phần trước, không phải là lý sự nhất tâm, thức ngủ nhất như…mà là chuyên lại càng chuyên. Tổ lại bảo:
Cực Lạc Vô Vi Niệt Bàn giới.
Tùy duyên Tạp thiện khó vãng sanh.
Vì thế Như Lai chọn Pháp Yếu.
Dạy niệm Di Đà chuyên càng chuyên.”
Như vậy Cảnh giới của cõi Cực Lạc chính là Niết Bàn, là Thật Báo, chớ không phải các cõi Phàm Thánh Đồng Cư Độ, hay các cõi Biến Hóa Độ như chư Tổ bên Thiền Tông giải thích.
Tùy duyên là gì? Mỗi người tùy theo duyên phận của chính mình gọi là Tùy Duyên. Ví như: Người gần gũi Mật Tông lấy công đức học Mật giáo để hồi hướng vãng sanh. Người học Thiền thì lấy cảnh giới Thiền hồi hướng vãng sanh. Người theo Thiên Thai Tông thì dùng Nhất Tâm Tam Quán hồi hướng vãng sanh. Người theo Hoa Nghiêm dùng Nhất Niệm Thập Pháp giới quán hồi hướng vãng sanh. Người theo Duy Thức dùng Ngũ Trùng Duy Thức Quán để hồi hướng vãng sanh. Tất cả các pháp mà mỗi người đã theo học ở các tông phái đều là Tạp. Vì mỗi một tông phái đều không giống nhau nên gọi là Tạp, hay Tùy Duyên Tạp Thiện.
*
Đại Sư Thiện Đạo nói: “Muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc Niết Bàn, tùy duyên tạp thiện e rằng khó vãng sanh, vì nhân và quả không phù hợp nhau. Vậy làm thế nào để chắc chắn được vãng sanh? “Vì thế Như Lai Chọn Pháp Yếu” Đức Phật Thích Ca đã khai thị trong Kinh A Di Đà, Pháp căn bản nhất để vãng sanh thế giới Cực Lạc gọi là Pháp Yếu, tức pháp quan trọng, đó là “Chấp Trì Danh Hiệu”. Đây cũng chính là “Vì thế Như Lai chọn Pháp Yếu. Dạy niệm Di Đà chuyên càng chuyên.”Đức Phật khuyên dạy chúng ta phải chuyên xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Chuyên chính là Nhất Tâm.
“Chuyên càng Chuyên” có ba tầng ý nghĩa.
Nghĩa thứ nhất là Ân Cần, tức là vì việc này vô cùng quan trọng, e rằng chúng ta quên mất, e rằng chúng ta không hiểu tường tận nên Ngài dặn đi dặn lại nhiều lần.
Nghĩa thứ hai: Chữ Chuyên ở phía trước chỉ bày cho chúng ta phải xả bỏ năm loại tạp hạnh, chuyên tu năm loại chánh hạnh, vậy mới gọi là chuyên. Chữ “Chuyên” ở phía sau nghĩa là trong năm loại chánh hạnh, Ngài muốn chúng ta chuyên tâm nương theo Chánh Định Nghiệp, chuyên xưng danh hiệu của Phật.
*
Bốn loại trợ nghiệp khác khai triển ra là để chúng ta nương theo Chánh Định Nghiệp. Mục đích khai triển bốn loại trợ nghiệp này là vì Ngài muốn cho chúng ta thể ngộ được “Nhất hướng chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Nếu chúng ta đã thể ngộ được, cần phải nhất hướng chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì chẳng phải bốn loại trợ nghiệp này đều hòa vào trong câu “Xưng niệm danh hiệu” hay sao? Cho nên chữ “Chuyên” cuối cùng tức là gác lại bốn trợ nghiệp, chỉ nương theo Chánh định nghiệp xưng danh mà thôi.
Bốn loại trợ nghiệp đã hòa vào trong Chánh Định Nghiệp là thế nào? Chúng ta thường hay ra quy định mình phải tụng bao nhiêu bộ kinh. Phải tĩnh tọa quán tưởng thế giới Cực Lạc, đồng thời phải lễ bao nhiêu lạy, phải tán thán cúng dường…Nhưng giờ đây chúng ta đã biết rồi, chỉ cần niệm sáu chữ là đã phù hợp với Bản nguyện của Phật A Di Đà, đã là Chánh Nhân Vãng Sanh rồi, chẳng thiếu gì nữa cả. Cho dù chúng ta tụng kinh, đương nhiên phải nương theo ba bộ kinh Tịnh Độ. Mà ba bộ kinh này nói về điều gì? Nói về cho đến 10 niệm trong nguyện thứ 18…
Tuệ Tâm 2023.
Cung Kính viết
Bài pháp này đặc biệt hay. Con xin phép chia sẻ bản chép lời cho những ai chưa có điều kiện nghe mà muốn đọc.
Niệm Phật một môn thâm nhập
Nguyên tác: Pháp sư Huệ Tịnh – Diệu Mỹ dịch
PHẦN 1. XƯNG DANH NHẬP BÁO ĐỘ – CHÁNH NHÂN NIẾT BÀN
I. Bài kệ Niết Bàn Chánh nhân của Đại sư Thiện Đạo
“Pháp sự tán” của Đại sư Thiện Đạo dùng hình thức kệ tán để giải thích ý nghĩa trọng yếu của Kinh A Di Đà, trong đó có bốn câu vô cùng nổi tiếng cũng là để giải thích đoạn kinh nói về Chánh nhân vãng sanh: Ít thiện căn thì chẳng được vãng sanh, chấp trì danh hiệu Nhất Tâm Bất Loạn thì được vãng sanh trong Kinh A Di Đà. (Thiện Đạo đại sư toàn tập trang 437)
Cực Lạc Vô Vi Niết Bàn giới
Tùy duyên tạp thiện khó vãng sanh
Vì thế Như Lai chọn pháp yếu
Dạy niệm Di Đà chuyên càng chuyên
1. Niết Bàn Báo độ
Cực Lạc Vô Vi Niết Bàn giới
Đại sư Thiện Đạo phán định thế giới Cực Lạc là cảnh giới Báo độ, cảnh giới Niết Bàn. Vi là tạo tác, Vô Vi là xa rời sự tạo tác của con người, là sự chuyển hiện tự nhiên của tánh công đức. Tất cả sự tạo tác đều là Hữu Vi không phải Vô Vi. Thí như chúng ta xây một tòa lầu, nó là pháp Hữu Vi, tương lai sẽ bị diệt. Chúng ta xây một ngôi tự viện, tự viện này rồi cũng hư hao hoang phế theo thời gian vì chúng đều là pháp Hữu Vi, chỉ có Phật tánh là Vô Vi, thế giới Cực Lạc là Vô Vi, là cảnh giới Niết Bàn. Niết Bàn thì bất sanh bất diệt không suy không biến, pháp thường trụ như thế. Tất nhiên việc này hơi khó lý giải vì đây là cảnh giới của cõi nước Phật vô cùng cao siêu mầu nhiệm là cảnh giới mà nơi đó Phật tánh hoàn toàn chuyển hiện.
2. Tạp thiện chẳng sanh
Cảnh giới của cõi Phật cao siêu màu nhiệm như vậy nên Đại sư nói “Tùy duyên tạp thiện khó vãng sanh” là để giải thích câu: Bất khả dĩ thiểu thiện căn phước đức nhân duyên đắc sanh bỉ quốc. Ngài dùng 4 chữ “tùy duyên tạp thiện” để nói “thiểu thiện căn phước đức nhân duyên”. Tùy duyên tạp thiện là gì? Tùy duyên là không chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà mà tùy theo hứng thú sở thích hoàn cảnh của mình gặp cái này học cái này gặp cái kia học cái kia. Tạp là pháp này cũng tu, pháp kia cũng tu mà các pháp tu đều là pháp thiện nên gọi là thiện. Dùng sự “tùy duyên tạp thiện” của phàm phu chúng ta, Đại sư Đàm Loan gọi đó là công đức không thật mà muốn vãng sanh về cõi Niết Bàn thì không thể nào. Vì thế Đại sư nói khó vãng sanh, e rằng các ngươi không thể vãng sanh. Đại sư Thiện Đạo giảng rất uyển chuyển. Ý của ngài là muốn chúng ta bỏ hẳn sự tùy duyên tạp thiện mà chỉ nên chuyên tu niệm Phật.
3. Chuyên niệm ắt sanh
Hai câu kế tiếp nói
Vì thế Như Lai chọn pháp yếu
Dạy niệm Di Đà chuyên càng chuyên
“Vì thế Như Lai chọn pháp yếu” tức là trong Kinh A Di Đà nói đến “văn thuyết A Di Đà Phật”. Chúng ta nghe Phật Thích Ca Mâu Ni giảng nói danh hiệu Phật A Di Đà. Đây là pháp trọng yếu mà ngài đã chọn cho chúng ta. Tùy duyên tạp thiện thì khó có thể vãng sanh. Đức Thế Tôn khuyên chúng ta nên vãng sanh nhưng phải nhớ rằng chúng ta giỏi lắm cũng chỉ có thể tu chút tùy duyên tạp thiện. Nếu không thể vãng sanh thì phải làm sao đây. Khi Thích Ca Mâu Ni Như Lai khuyên chúng ta vãng sanh thì ngài đã tuyển chọn một phương pháp vãng sanh cho chúng ta rồi. Vì được Phật Thích Ca Mâu Ni tuyển chọn nên pháp môn Tịnh Độ của chúng ta có một vị thầy rất cao minh đó là Phật Thích Ca. Ngài đã đích thân chọn cho chúng ta, chọn một cách chuẩn xác, vững vàng, không phức tạp, rất an lạc. Không thể nào Đức Phật lại chọn cho chúng ta một cách sai sót chập chờn. Phương pháp mà Phật Thích Ca Mâu Ni đã chọn cho chúng ta, mọi người đều có thể làm được, lại là pháp thù thắng, là pháp hạng nhất, không phải là pháp hạng hai, hạng ba.
Pháp yếu mà Đức Phật đã chọn cho chúng sanh trong đời ác ngũ trược là pháp môn gì? Dạy niệm Di Đà chuyên càng chuyên. Tức là chấp trì danh hiệu nhược nhất nhật, nhược thất nhật Nhất Tâm Bất Loạn. Đức Phật Thích Ca dạy chúng ta niệm Phật A Di Đà nếu đã chuyên còn phải chuyên hơn. Một chữ “chuyên” chưa đủ để diễn tả tấm lòng từ bi tha thiết của Phật Thích Ca Mâu Ni đối với chúng ta. Chúng sanh trong đời ác ngũ trược các con phải chuyên niệm Phật nghe. Dạ bạch Phật chúng con hứa sẽ chuyên niệm Phật. Chuyên rồi còn phải chuyên hơn nữa đó. Một mực chuyên đến cùng, tâm chuyên hành cũng chuyên, hôm nay chuyên ngày mai cũng chuyên, ở trong chùa chuyên ra khỏi chùa cũng phải chuyên, gọi là chuyên càng chuyên. Nói chung đoạn kệ tán này nói lên hai việc: tùy duyên tạp thiện là thiểu thiện căn phước đức nhân duyên không thể vãng sanh; nếu xưng niệm Danh Hiệu Phật A Di Đà chuyên lại càng chuyên thì chắc chắn được vãng sanh. Pháp môn này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chọn sẵn cho chúng ta. Đây chính là đa thiện căn phước đức. (A Di Đà Kinh hạch tâm giảng ký của Pháp sư Tịnh Tông giảng thuật trang 79 đến trang 83)
II. Cực Lạc là cảnh giới Niết Bàn Vô Vi
Đại sư Thiện Đạo giải thích cảnh giới Tịnh Độ Cực Lạc là cảnh giới Niết Bàn Vô Vi. Vô Vi là xa rời sự tạo tác của con người. Niết Bàn, Niết là bất sanh, Bàn là bất diệt. Bất sanh bất diệt cũng có nghĩa là Vô Vi. Có tạo tác thì có sanh diệt, có sanh diệt thì không phải chân lý. Vì Niết Bàn là bất sanh bất diệt nên gọi là chân lý. Nếu có một món đồ tồn tại trên thế gian thì món đồ này nhất định là do nhân duyên hòa hợp mà thành. Còn Niết Bàn thì lìa khỏi sự tính toán đo đạc đong đếm của loài người chúng ta. Cảnh giới Niết Bàn này là cảnh giới bất khả tư bất khả nghị bất khả xưng bất khả thuyết. Chúng ta muốn vãng sanh về cảnh giới bất khả tư nghị bất khả xưng và bất khả thuyết này nếu y theo sự tu hành của chính mình thì làm sao có thể vãng sanh về cõi đó được vì nhân và quả không phù hợp nhau. Nếu như sự tu hành và công đức của chúng ta không phải Tam Luân thể không thì tất cả toàn là phước đức hữu lậu. Đại sư Thiện Đạo giải thích dạng này là thiện tạp độc, hạnh giả dối không thể nói là chân thật được. Vậy thì sự chân thật nằm ở đâu. Chân thật chính là 6 chữ Nam Mô A Di Đà Phật. (“Đại ý kinh A Di Đà” trong “Tịnh Độ tam kinh nhất luận đại ý” trang 146 đến 147)
III. Tùy duyên tạp thiện không thể vãng sanh
Cực Lạc Vô Vi Niết Bàn giới
Tùy duyên tạp thiện khó vãng sanh
Tùy duyên là gì? Mỗi người tùy theo duyên phận của chính mình gọi là tùy duyên. Thí như người gần gũi Mật tông lấy công đức học Mật giáo để hồi hướng vãng sanh, người học Thiền thì lấy cảnh giới Thiền hồi hướng vãng sanh, người theo Thiên Thai dùng nhất tâm tam quán hồi hướng vãng sanh, người theo Hoa Nghiêm dùng Nhất Niệm Thập pháp giới quán hồi hướng vãng sanh, người học Duy Thức dùng Ngũ Trùng Duy Thức quán để hồi hướng vãng sanh. Tất cả các pháp mà mỗi người đã theo học ở các tông phái đều là tạp. Vì mỗi một tông phái đều không giống nhau nên gọi là tạp, gọi là tùy duyên tạp thiện. Đại sư Thiện Đạo nói muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc Niết Bàn, tùy duyên tạp thiện e rằng khó vãng sanh. “E rằng” nghĩa là không thể nào; không thể nào vãng sanh vì nhân và quả không phù hợp nhau. (“Đại ý kinh A Di Đà” trong “Tịnh Độ tam kinh nhất luận đại ý” trang 147-148)
IV. Khuyên chuyên Niệm Danh Hiệu được vãng sanh
Vậy thì phải làm thế nào để được vãng sanh đây? “Vì thế Như Lai chọn pháp yếu”. Đức Phật Thích Ca đã khai thị trong Kinh A Di Đà pháp căn bản nhất để vãng sanh thế giới Cực Lạc gọi là pháp yếu, pháp quan trọng, đó là “văn thuyết A Di Đà Phật chấp trì danh hiệu”, cũng là “vì thế như lai chọn pháp yếu – dạy niệm Di Đà chuyên càng chuyên”. Phật Thích Ca Mâu Ni khuyên dạy chúng ta phải chuyên xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà. “Chuyên” tức là nhất tâm, “chuyên càng chuyên” là chuyên lại càng chuyên hơn nữa. (“Đại ý kinh A Di Đà” trong “Tịnh Độ tam kinh nhất luận đại ý” trang 148)
V. “Chuyên càng chuyên” có ba tầng ý nghĩa
“Chuyên càng chuyên” có ba tầng ý nghĩa.
Nghĩa thứ nhất là ân cần. Tức là vì việc này vô cùng quan trọng, e rằng chúng ta quên mất, e rằng chúng ta không hiểu tường tận nên ngài dặn đi dặn lại nhiều lần. Một lần chưa đủ còn phải lần thứ hai, lần thứ hai chưa đủ còn phải lần thứ ba, cho thấy việc này vô cùng quan trọng.
Nghĩa thứ hai, chữ “chuyên” ở phía trước chỉ bày cho chúng ta phải xả bỏ năm loại tạp hạnh, chuyên tu năm loại Chánh hạnh, vậy mới gọi là chuyên. Chữ “chuyên” của “càng chuyên” ở phía sau nghĩa là trong năm loại Chánh hạnh ngài muốn chúng ta chuyên tâm nương theo Chánh Định Nghiệp – chuyên xưng danh của Phật. Bốn loại trợ nghiệp khác khai triển ra là để chúng ta nương theo Chánh Định Nghiệp. Mục đích khai triển bốn loại trợ nghiệp này là vì ngài muốn cho chúng ta thể ngộ được Nhất hướng chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Nếu chúng ta đã thể ngộ được cần phải nhất hướng chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì chẳng phải bốn loại trợ nghiệp này đều hòa vào trong câu xưng niệm danh hiệu hay sao. Cho nên chữ “chuyên” cuối cùng tức là gác lại bốn trợ nghiệp chỉ nương theo Chánh Định Nghiệp xưng danh mà thôi. Bốn loại trợ nghiệp đã hòa vào trong Chánh Định Nghiệp là thế nào? Chúng ta thường hay ra quy định mình cần phải tụng bao nhiêu bộ kinh phải tĩnh tọa quán tưởng thế giới Cực Lạc đồng thời phải lễ bao nhiêu lạy đồng thời còn phải tán thán cúng dường. Nhưng giờ đây chúng ta đã biết rồi. Ôi chà! Thì ra chỉ cần xưng danh hiệu sáu chữ thì đã phù hợp với bản nguyện của Phật A Di Đà, đã là chánh nhân để vãng sanh rồi, chẳng thiếu gì nữa cả. Cho dù chúng ta tụng kinh, đương nhiên phải chuyên nương theo ba bộ kinh Tịnh Độ, mà ba bộ kinh Tịnh Độ này nói về điều gì? Nói về “cho đến 10 niệm” trong nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà. Vậy thì sau khi chúng ta y giáo phụng hành, há chẳng phải để thực hành “cho đến 10 niệm” tức là nhất tâm xưng danh hay sao? Vì thế ngay lúc muốn tụng kinh mà nghĩ đến niệm Phật chúng ta cũng sẽ nói “đi niệm Phật thôi, quán tưởng lễ bái tán thán cúng dường đều cũng vậy, đi niệm Phật thôi, vì tất cả đều hòa vào trong một câu danh hiệu này rồi. Vì thế “chuyên càng chuyên” nghĩa là phải xả bỏ tạp hạnh quay về chánh hạnh, gác lại trợ nghiệp mà chuyên tu Chánh Định Nghiệp.
Nghĩa thứ ba, chữ “chuyên” phía trước là chuyên một hạnh xưng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, chữ “chuyên” phía sau là chuyên một dạ, một dạ không hai lòng. Đó là có lòng tin không nghi ngờ. Xưng niệm câu danh hiệu này bất luận chúng ta trên đến suốt cả cuộc đời xưng danh dưới đến mười câu, năm câu, một câu, một niệm xưng danh, tuyệt đối đều được vãng sanh thế giới Cực Lạc. Lòng tin này gọi là chuyên càng chuyên. Vì thế ba tầng ý nghĩa này có nghĩa là nhất hạnh nhất tâm. Chữ “chuyên” phía trước là tin nhận không nghi ngờ về sự cứu độ của Phật A Di Đà, trong tâm lãnh thọ sự cứu độ của ngài, sau đó thì như đại sư Thiện Đạo đã nói: nhất hướng chuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà, cuối cùng quý chuyên một hạnh xưng danh này. Nếu cuối cùng đã chuyên một hạnh này rồi thì thậm chí còn vượt hơn những điều đã nói ở trên như tín nghi mê ngộ, tự lực tha lực, chúng ta đều chẳng quan tâm đến nữa. Mà trong 24 tiếng đồng hồ mỗi khi cứ mở miệng ra là Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật. Tín nghi, tự lực tha lực đã nói lúc trước đều là nói cho người sơ cơ mới nhập môn ở giai đoạn ban đầu. Bây giờ thì trong 24 tiếng đồng hồ đều xưng niệm một câu danh hiệu, tín nguyện hạnh dần dần đều có đầy đủ trong sáu chữ danh hiệu này rồi. “Chuyên càng chuyên” có ý nghĩa thâm diệu như thế, và đây chính là ý nghĩa chân thực của câu Nhất Tâm Bất Loạn. Đại sư Thiện Đạo là hóa thân của Phật A Di Đà nên khi ngài Khai Thị Pháp Môn Niệm Phật này thì đều mang ý nghĩa trùng trùng vô tận. Đại sư giải thích “văn thuyết A Di Đà Phật chấp trì danh hiệu nhất nhật thất nhật nhất tâm bất loạn”, điều này phù hợp với nội dung ý nghĩa của nguyện thứ 18. (“Đại ý kinh A Di Đà” trong “Tịnh Độ tam kinh nhất luận đại ý” trang 149 đến trang 152)
VI. Xưng danh Niệm Phật là Bản Nguyện của Phật A Di Đà
Đại sư Thiện Đạo giải thích: 48 nguyện rộng lớn có nhiều môn chỉ riêng niệm Phật là gần gũi hơn hết (弘誓多門四十八,遍標念佛最為親 – Hoằng thệ đa môn tứ thập bát, Biến tiêu niệm phật tối vi thân). Ý nói là 48 nguyện rộng lớn mà Phật A Di Đà đã phát ra, trong đó chỉ có nguyện thứ 18 là gần gũi nhất với bản thân ngài. Nguyện thứ 18 nói rằng “Chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi cho đến mười niệm”. Niệm Phật cho đến 10 niệm là nguyện thứ 18 gần gũi nhất với Phật A Di Đà, là bản hoài của ngài, là Chánh nhân để chúng sanh vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Cho nên nói chỉ riêng niệm Phật là gần gũi nhất, ngay trong 48 nguyện chỉ có nguyện thứ 18 là nêu lên niệm Phật còn 47 nguyện kia không hề đề cập đến niệm Phật cho đến mười niệm. Đại sư Thiện Đạo lại nói, chỉ có niệm Phật được ánh sáng Phật nhiếp hộ, nên biết bản nguyện mạnh vô cùng (唯有念佛蒙光攝,當知本願最為強 – Duy hữu niệm Phật mông quang nhiếp, đương tri bản nguyện tối vi cường). Chỉ có những chúng sanh nào xưng danh niệm Phật mới nhận được ánh sáng Từ Bi của Phật A Di Đà nhiếp hộ. Nếu không xưng danh niệm Phật thì không có nên nói chỉ có niệm Phật. Tại sao chỉ có niệm Phật mới được nhiếp hộ vậy? Vì bản nguyện Phật là mạnh hơn hết. Niệm Phật là nguyện thứ 18, niệm Phật Bản Nguyện là duyên lớn nhất và mạnh nhất. Những điều vừa nói trên là điểm thứ hai của Đại ý kinh A Di Đà, đó là phương pháp vãng sanh. (“Đại ý kinh A Di Đà” trong “Tịnh Độ tam kinh nhất luận đại ý” trang 152-153)
PHẦN 2. NĂM CHÁNH HẠNH VÀ NĂM TẠP HẠNH
I. Tịnh Độ môn và Thánh Đạo môn
Người muốn giải thoát sanh tử luân hồi thì cần phải học Phật và tu hành thì mới có thể được. Tám tông phái trong đạo Phật có có thể chia làm hai pháp môn chính là Tịnh Độ môn và Thánh Đạo môn. Tịnh Độ môn là niệm Phật vãng sanh về thế giới Cực Lạc mãi mãi xa lìa lục đạo luân hồi. Ở cõi Tịnh Độ trực tiếp thành Phật. Sau khi thành Phật rồi quay thuyền Từ trở về thế giới Ta Bà cho đến các thế giới trong mười phương phân thân trăm nghìn ức rộng độ chúng sanh. Pháp môn này gọi là pháp môn Tịnh Độ. Ngoài pháp môn Tịnh Độ ra, các tông phái khác như tông Thiên Thai, tông Tam luận, tông Hoa Nghiêm, Thiền tông, Mật tông, Luật tông đều thuộc về Thánh Đạo môn. Thánh Đạo môn nghĩa là nhờ vào sức tu hành của chính mình ở thế giới Ta Bà. Đời này chưa thành đời sau tái lai, đời sau không thành đời sau nữa tái lai, đó gọi là Thánh Đạo môn. Phương pháp phán định này là phán định theo giáo lý của Tịnh Độ môn.
Chúng ta học Phật là muốn giải quyết đại sự này, muốn đạt được mục đích này vấn đề kế tiếp là nên chọn Thánh Đạo môn hay Tịnh Độ môn. Chúng ta cần phải xem xét kỹ càng căn cơ của chính mình, học theo Thánh Đạo môn hay học theo Tịnh Độ môn mới có thể đạt được mục đích. Nếu chúng ta thực sự xem xét kỹ căn cơ của chính mình thì sẽ phát hiện ra mình không đủ tư cách để học Thánh Đạo môn. Đã không đủ sức để học mà đi theo Thánh Đạo môn thì chúng ta còn phải tiếp tục luân hồi thêm nữa. (“Huệ Tịnh pháp sư giảng diễn” tập 1 trang 165-166).
II. Học Thánh Đạo môn là nhờ vào tự lực đầy đủ Giới Định Huệ được thành Phật
Vì Thánh Đạo môn là quá trình nhờ vào sức lực của chính mình mà tu Giới Định Huệ. Giới là ngũ giới thông thường hay nói, hoặc tại gia Bồ Tát giới, người xuất gia thì có Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới, hoặc xuất gia Bồ Tát giới. Chỉ nói riêng về ngũ giới trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta có thể giữ được trọn vẹn không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu thì cũng chẳng dễ dàng gì. Ví dụ như giới không vọng ngữ, trong lòng chúng ta biết rõ là phải chân thành thanh tịnh, lời nói đi đôi với việc làm, tâm và miệng nhất như, vọng ngữ là phạm giới nhưng vẫn hay nói vọng ngữ. Nhất là người buôn bán làm ăn, trong suốt cuộc đời của họ hầu như mỗi ngày đều vọng ngữ, vì họ cần làm ăn buôn bán không thể không vọng ngữ. Ngay cả giới không trộm cắp, tức là không lấy những đồ vật không nên lấy, thậm chí vượt ngoài việc tiêu dùng của mình cũng tính là trộm cắp. Trong công ty sử dụng con tem, bao thư, giấy viết thư cũng tính là trộm cắp. Đồ vật công cộng hoặc của người khác, nhỏ như cây kim sợi chỉ, lớn như tiền bạc, tự ý lấy đi cũng tính trong phạm vi trộm cắp. Chúng ta dùng chiếc gương ngũ giới để soi lại lời nói và hành vi của mình thì sẽ thấy rằng chúng ta rất dễ phạm giới. Cũng như giới không sát sanh có trực tiếp gián tiếp cho đến thấy giết vui theo. Chúng ta không ăn chay thì cho dù không sát sanh nhưng cũng mắc phải tội gián tiếp sát sanh vì chúng ta ăn thịt cho nên người ta mới giết súc vật lấy thịt để bán, vì chúng ta mà họ sát sanh. Trên đây chỉ nói sơ lược về ngũ giới mà đã như vậy rồi, huống hồ chi thập thiện cho đến những giới vi tế hơn. Kinh Địa Tạng ghi: Diêm phù chúng sanh, cử chỉ động niệm, vô bất thị nghiệp, vô bất thị tội. Chúng sanh trong cõi Diêm phù đề cử chỉ suy nghĩ đều là nghiệp, đều là tội. Nếu như chúng ta cậy tự lực để học Thánh Đạo môn nhất định phải Trì giới, mà Trì giới không thanh tịnh là đã kết ác duyên với chúng sanh rồi, đời sau phải trở lại để trả nợ cho dứt cái nhân duyên này. Muốn thoát ly lục đạo luân hồi thì phải giữ giới thanh tịnh không vướng mắc với chúng sanh. Nếu không, phạm giới rồi thì chỉ có một hướng là đọa lạc vào ba đường ác mà thôi.
Nói về Định, tu định thấp nhất phải đạt mức Dục giới định, tức là tâm mình từng giờ từng khắc làm chủ được, có khả năng giữ gìn thanh tịnh. Việc đến xử lý ngay, việc qua rồi không giữ lại vết tích. Đối với chúng ta thật chẳng dễ gì làm được. Còn Sắc giới định, Vô Sắc giới định của Sơ thiền Nhị thiền trở lên trong số những người học Phật bất luận xuất gia hay tại gia rất ít người tu thành tựu. Thời đại gần đây nổi tiếng nhất là lão Hòa thượng Quảng Khâm và lão Hòa thượng Hư Vân. Lão Hòa thượng Quảng Khâm không phải là người học thiền nhưng ngài đã từng có kinh nghiệm nhập định trong rừng sâu, cuối cùng lão Hòa thượng Quảng Khâm hiểu ra rằng cho dù có kinh nghiệm Thiền Định cũng không thể nào thoát khỏi sinh tử luân hồi nên lúc về già ngài cũng chú trọng đến việc niệm Phật, hoằng dương pháp môn Tịnh Độ. Còn lão Hòa thượng Hư Vân là người học thiền, có kinh nghiệm nhập định vài lần. Tuy giảng về thiền nhưng ngài cũng giảng đạo lý của pháp môn Tịnh Độ vì ngài hiểu rằng tu thiền không thích hợp với căn cơ của đại chúng.
Huệ là chỉ cho việc Minh Tâm Kiến Tánh, thâm nhập kinh tạng, Trí Huệ như hải. Minh Tâm Kiến Tánh là đạt đến cảnh giới khai ngộ giác ngộ đã chứng chân lý và Phật tánh. Trên thế gian này mấy ai có thể đạt đến. Cho nên, thâm nhập kinh tạng, Trí Huệ như hải thì càng khó khăn hơn nhiều. (“Huệ Tịnh pháp sư giảng diễn” tập 1 trang 166 đến 169)
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm chẳng có bản mềm, lại bận nên không có thời gian chép lại được. Cảm ơn bạn rất nhiều!
Cung Kính viết
Nam mô A di đà Phật. Con cũng là lấy bản chép lời tự động trên YouTube, rồi nghe bài pháp, chỉnh sửa lại những chỗ sai. Hi vọng góp chút sức mọn giúp đỡ Tuệ Tâm và bạn đọc.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.