Chánh niệm lúc Lâm Chung có được là do Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng hiện ra, chớ không phải do người niệm Phật được chánh niệm thì Phật mới đến tiếp dẫn.
Đơn giản như vậy, nhưng đa phần người ta lại hiểu ngược lại: “Phải giữ được chánh niệm, tâm không điên đảo mới có thể cảm được đức Phật A Di Đà hiện ra trước mắt tiếp dẫn vãng sanh.” Đây là sự hiểu lầm vô cùng đáng tiếc của nhiều người niệm Phật. Chính sự hiểu lầm kinh văn này khiến người niệm Phật rơi vào Tự Lực, thay vì chỉ cầu vãng sanh lại đi cầu nhất tâm bất loạn, thật vô cùng đáng tiếc!!! Việc giải thích lầm lạc kinh văn này đã khiến không biết bao nhiêu người mất cơ hội vãng sanh. Nay bạn duyệt lại kinh A Di Đà xem có đúng Phật dạy như thế hay không?
Kinh A Di Đà Phật dạy: “Xá Lợi Phất! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe nói đức Phật A Di Đà. Rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, hoặc trong một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày. Hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bẩy ngày, một lòng không tạp loạn. Thời người đó đến lúc lâm chung đức Phật A Di Đà cùng hàng Thánh Chúng hiện thân ở trước người đó. Người đó lúc chết tâm thần không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.”
Rõ ràng là: Do Phật cùng Chư Thánh Chúng hiện ra khiến hành giả tâm không điên đảo chớ không phải là do hành giả có chánh niệm thì Phật cùng chư Thánh Chúng mới hiện ra tiếp dẫn.
Chánh niệm lúc lâm chung do đâu mà có
Trong Pháp Sự Tán, Tổ Thiện Đạo giải thích đoạn kinh văn này như sau:
Cực Lạc Vô Vi Niết Bàn giới.
Tùy Duyên Tạp Thiện khó sanh về.
Vì thế Như Lai chọn Pháp Yếu.
Dạy niệm Di Đà chuyên lại chuyên…”
Riêng về cụm từ “Nhất Tâm Bất Loạn” thường bị người ta đứng trên lập trường của Thánh Đạo Môn nên giải thích lầm lạc, không đúng với ý kinh. Họ cho rằng “Nhất Tâm Bất Loạn” nghĩa là người niệm Phật phải đạt đến công phu sâu dày, chứng nhập Tam Muội, hoặc phục đoạn phiền não…Họ đều chẳng biết rằng: “Chấp trì danh hiệu” chính là tâm tin nhận Di Đà cứu độ nên miệng xưng Di Đà Phật danh.
“Nhất tâm nghĩa là không có hai tâm, không hai chính là chuyên. “Bất Loạn” tức là không tạp loạn, không tạp loạn chính là Chuyên. Vì thế nên Tổ Thiện Đạo giải thích: “Chấp trì danh hiệu Nhất Tâm Bất Loạn nghĩa là Niệm Phật Di Đà Chuyên Lại Chuyên.” Cho nên bất luận người nào chỉ cần suốt đời, hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, cho đến 10 niệm hoặc 1 niệm, chuyên niệm danh hiệu A Di Đà Phật, nguyện vãng sanh về Cực Lạc liền nhờ nguyện lực của Phật sẽ được vãng sanh. Rất dễ hiểu, dễ thực hành, không mảy may có yêu cầu đặc biệt hay huyền diệu gì khác!!!
*
“Người ấy khi mạng chung tâm không điên đảo.” Câu này bị đa số người hiểu lầm, cho rằng: “Nhất định mình phải giữ được chánh niệm, tâm không điên đảo mới có thể cảm được đức Phật A Di Đà hiện ra trước mắt tiếp dẫn vãng sanh. Họ đều chẳng hiểu rằng: Do Phật hiện ra trước người ta mới được Chánh Niệm, không phải là được Chánh niệm rồi Phật mới hiện ra. Nghĩa là đức Phật từ bị hiện ra khiến cho tâm ta an định, không tán loạn. Bởi vì bình sanh niệm danh hiệu Phật, khi lâm chung Phật nhất định hiện ra trước mặt. Vì Phật hiện ra nên Tâm được Chánh Niệm và không điên đảo vậy!
Tuệ Tâm 2023.
CUNG KÍNH viết
CHỊ TUỆ TÂM ƠI ĐÂY LÀ LỜI KHAI THỊ CỦA ĐẠI SƯ THIỆN ĐẠO PHẢI KHÔNG Ạ!
🙏DANH HIỆU TỨC TÍN TÂM
🙏TÍN TÂM TỨC XƯNG DANH HIỆU
🙏XƯNG DANH HIỆU TỨC VÃNG SANH
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Đúng rồi bạn ạ. Tín nếu không khởi thì miệng chẳng thể xưng danh. Cho nên một khi đã xưng danh nghĩa là đã bao gồm Tín Nguyện. Mà xưng danh là thuận theo Bản nguyện của Phật A Di Đà, do đó chắc chắn được vãng sanh vậy!