Sự phân công giữa Phật A Di Đà và chúng ta có thể nói là phần hay nhất, đặc biệt nhất trong giáo lý của Bản Nguyện Niệm Phật. Đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu, nhưng là thanh gươm báu trí huệ, phá sạch chấp trước lẫn nghi nan của người niệm Phật. Nơi đây, bạn sẽ hiểu tại sao Bản Nguyện Niệm Phật lại được gọi là Siêu Thế Nguyện, tại sao lại cứu độ bình đẳng, tại sao lại cứu độ một cách vô điều kiện…
Sự Phân công giữa Phật A Di Đà và chúng ta rất đơn giản, rõ ràng: Niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật là việc của chúng ta. Tiếp dẫn vãng sanh là việc của Phật A Di Đà. Sự phân công này được quy định rõ ràng trong Đại Nguyện Thứ 18:
Nếu ta thành Phật, mười phương chúng sanh, chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi nước ta, xưng danh hiệu ta cho đến 10 niệm, nếu chẳng vãng sanh, ta thề không ở ngôi Chánh giác.”
*
Hiểu rõ được việc này thì niệm Phật trở nên an vui nhẹ nhàng. Ta niệm Phật theo Bản nguyện của Phật là đủ, còn tội hay phước, tịnh hay uế, vọng niệm hay thanh tịnh, niệm nhiều hay niệm ít…đều chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện vãng sanh của ta cả. Chỉ cần tin nguyện lực của Phật A Di Đà, phát nguyện sanh về Cực Lạc Tịnh Độ thì “trên là suốt đời, dưới đến 10 niệm, không ai không được vãng sanh”.
Ta niệm Phật mà vẫn đầy rẫy vọng tưởng tạp niệm có ảnh hưởng gì đến việc vãng sanh của ta hay không? Không hề! Một chút cũng không có! Tội lỗi của ta, chướng nghiệp của ta chưa tiêu trừ hết có ảnh hưởng gì đến việc vãng sanh của ta hay không? Không! Một chút cũng không có!…
Tuệ Tâm 2023.
Để lại một bình luận