Trong Ấn Quang Đại Sư Toàn Tập, Cư Sĩ Dương Bách Linh tự thuật: “Mùa đông năm Dân quốc thứ 25 (1936) một hôm tôi bị thổ huyết nặng, khi ấy mạng sống chỉ còn trong hơi thở. Tuy nhiên khi xét lại tâm mình thì tôi thấy không hoang mang, cũng không sợ hãi. Chỉ đáng tiếc là việc niệm Phật chưa được tốt. Sau khi khỏi bệnh, tôi cùng với một người bạn là một vị Tăng đến Giang Tô – Triết Giang, hành hương lễ Phật. Đến Tô Châu đảnh lễ Ấn Quang Đại Sư rồi trình bày về bệnh tình nguy kịch cũng như tâm trạng của mình.
Sư nghe xong liền quát lớn: “Nếu ông nghĩ như vậy thì không đến được Tây Phương Tịnh Độ đâu. Niệm như thế nào mới gọi là tốt? 10 niệm đã đủ để vãng sanh, sao lại có chuyện niệm tốt với không tốt? Huống hồ ông niệm Phật đâu phải chỉ có 10 niệm. Trong Quán Kinh, phần Hạ Phẩm Hạ Sanh nói đầy đủ 10 niệm. Chúng ta niệm Phật đều hơn 10 niệm, hiện tại đều đã là người niệm Phật thì đương nhiên chúng ta đã vãng sanh. Chúng ta phải điều chỉnh tâm thái của mình. Biết rằng mình chỉ là kẻ hạ phẩm hạ sanh khi lâm chung, cho nên hiện tại chỉ cần niệm Phật cho đến 10 niệm!“”
Niệm Phật Chắc Chắn được Vãng Sanh
Niệm Phật chắc chắn được vãng sanh, không một chút nghi ngờ, dù mình tội nặng đến đâu, tâm tạp loạn như thế nào, thiện căn phước đức không có cũng không cần phải lo lắng. Vì ta chuyên xưng niệm Phật nên đã đầy đủ công đức rồi, nương nơi Phật lực là chắc chắn vãng sanh!
Kinh A Di Đà dạy: “Không thể dùng chút ít căn lành phước đức nhân duyên được sanh về nước kia.” Thế thì biết, phải có nhiều căn lành phước đức mới được vãng sanh Cực Lạc. Nhưng nhiều căn lành phước đức đức không chi hơn được niệm Phật. Do là vì đức Từ Phụ đã huân tập toàn bộ công đức của Ngài vào danh hiệu, Ngài ban cho ta toàn bộ công đức ấy để làm tư lương về Cực Lạc. Người hiểu được lý này thì an nhiên niệm Phật, tâm cũng không còn khởi cống cao ngã mạn. Tại sao như thế? Vì công đức là của Phật A Di Đà ban cho ta, chớ ta nào có tạo ra chút công đức nào đâu?
Nơi cõi Ta Bà này, cứ hễ có một người niệm Phật cầu vãng sanh thì Ao Sen Thất Bảo nơi cõi Cực Lạc liền mọc lên một đóa hoa sen. Nếu từ ngày phát nguyện cho đến lúc chết đều niệm Phật không bỏ thì hoa sen ấy càng to lớn vạn phần. Trên hoa sen có đầy đủ thông tin về Hành giả, tên gì, họ gì, ở nước nào…
Tuệ Tâm 2023.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, hồi trước đệ tử đọc kinh A Di Đà nghe đức phật giảng “Không thể dùng chút ít căn lành phước đức nhân duyên được sanh về nước kia.” Thế thì biết, phải có nhiều căn lành phước đức, nhưng mà tự nghĩ mình phước mỏng huệ cạn …., làm sao mà được sanh về cõi phật tịnh độ. Sau này đọc nhiều bài viết của thầy về niệm phật, mới hiểu thì ra niệm ” Nam mô A Di Đà Phật ” là phước huệ song tu, cứ niệm phật là được vãng sanh
Cảm ơn những bài viết quá hay của thầy
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Người học Phật phần lớn do chấp chặt kiến giải về Tự Lực Niệm Phật nên không tin Phật Lực, tự làm khó chính mình, chớ Phật lực vô tận vô biên, đại từ đại bi cứu độ chúng sanh, nào có cần điều kiện gì ngoài niệm danh hiệu của Ngài đâu? Vì thế, người niệm Phật chỉ cần tin chắc không nghi mà an nhiên niệm Phật là chắc chắn được vãng sanh. Trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, phần Hạ phẩm hạ sanh đức Phật dạy:
“Hoặc có chúng sanh tạo tội ngũ nghịch thập ác, làm đủ các việc chẳng lành; kẻ ngu ấy do nghiệp ác đáng lẽ phải bị đọa vào ác đạo, trải qua nhiều kiếp chịu khổ vô cùng. Nhưng khi lâm chung, người này nhờ gặp thiện tri thức dùng nhiều cách an ủi, nói phép mầu cho nghe, lại dạy bảo tưởng niệm Phật. Đương nhơn tuy nghe lời dạy, song vì sự khổ bức bách, không yên rảnh để quán tưởng đức Vô Lượng Thọ Như Lai. Thấy thế, thiện hữu lại bảo: “Nếu ông không thể tưởng đức Phật kia, thì nên chí thành xưng “Nam Mô A Di Đà Phật” tiếng tăm liên tiếp không dứt cho đủ mười niệm.” Hành giả vâng lời, và do nhờ xưng danh hiệu Phật nên mỗi mỗi niệm trừ được tội trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Khi mạng chung, người ấy thấy hoa sen vàng rực rỡ như vầng nhật hiện ra trước mặt. Trong khoảng một niệm, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”
Hạng phàm phu tạo Ngũ Nghịch nhờ 10 niệm còn được vãng sanh, vậy mà không hiểu tại sao người ta lại cứ một hai cầu nhất tâm bất loạn, cầu đoạn trừ vọng niệm, tam muội hiện tiền, thức ngủ nhất như…Chẳng biết rằng để làm được những việc ấy phải bậc Đại Thượng Căn, giới hạnh cực tinh nghiêm mới kham được vài phần, sức phàm phu làm sao mà vọng cầu cho được? Kinh Sách không tin, lời Phật dạy cũng không tin, lại chỉ tin lời pháp sư giảng kinh, thật đáng tiếc lắm thay!!!