Trẻ ương bướng khó bảo là nỗi khổ tâm không cách chi kham nhẫn được của những người làm cha mẹ. Ai rơi vào tình cảnh ấy mới thấu được cái khổ của kiếp người. Thế gian chẳng tin nghiệp duyên giữa cha mẹ và con cái nên cuộc sống thường phiền não không yên.
Nếu bạn có đứa con ngoan thì chẳng có chi bằng. Nhưng nếu con bạn ương bướng khó bảo thì phải biết rằng: Nó do nghịch duyên, hoặc báo oán hoặc đòi nợ mà đến. Do hai nhân duyên này mà nó khiến bạn khổ sở, đòi cho bằng hết nợ mới thôi. Nếu muốn con ngoan bạn phải giải được cái kiếp nạn này. Cách duy nhất là an nhẫn hướng đến con mà sám hối. Sau đó vì nó mà hoặc niệm Phật, hoặc tụng kinh, hoặc trì chú, hồi hướng công đức cho nó thì tương lai gia đình mới hạnh phúc an yên. Còn như mê muội quát mắng, hoặc dùng đòn roi theo thế tục, thì chỉ chuốc lấy phiền não suốt cả cuộc đời mà thôi. Tin hay không tùy bạn, nhưng mọi chuyện là như thế đó!
- Các cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Cách thai giáo cho bé tại nhà tốt nhất.
- Vì sao cuộc đời là bể khổ.
- Lời Phật dạy về chữ Hiếu.
- 10 điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- Kinh Di Giáo – Lời dạy cuối cùng của đức Phật.
- Hôn nhân là nghiệp duyên nhiều đời nhiều kiếp.
Vì Sao Trẻ Ương Bướng Khó Bảo
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh đứa cháu bị cha đánh lúc nó bốn tuổi. Hôm ấy nó tranh đồ chơi cùng đứa bạn hàng xóm nên ăn vạ rồi lăn lộn gào khóc giữa nhà. Mẹ nó xót con dỗ dành không được, cha nó bực mình quát nạt cũng không xong. Càng quát nạt con càng gào to, cha nó nổi giận không kìm được tát cho một cái. Thằng bé nín nhưng hai tay nắm chặt, đôi mắt nó nhìn cha lộ rõ nét căm hờn.
Tôi cản không kịp liền bảo cha nó: “Đừng đánh con, không giải quyết được gì đâu.”
Cha nó bảo: “Khổ lắm anh ạ. Thằng này ốm yếu đã đành lại ương bướng khó bảo. Từ lúc sinh nó ra, trong nhà không một lúc nào được yên. Tháng nào cũng ho hen, đau ốm liên miên. Hai vợ chồng làm được bao nhiêu tiền đều vì nó mà cống hết cho bác sĩ. Nhiều lúc em nhìn nó mà không biết phải làm thế nào. Thấy mình bất lực và khổ tâm vô cùng.”
Tôi bảo: “Con cái do nghiệp duyên mà đến. Tôi e nó đến đòi nợ, đánh mắng chẳng giải quyết được gì đâu, không chừng nhiều năm nữa nó còn gây họa lớn. Tốt nhất vợ chồng nên vì nó mà phát nguyện ăn chay niệm Phật, hồi hướng công đức cho nó và oan gia trái chủ của nó thì mới ổn được.”
*
Hai vợ chồng do nghịch duyên với con nên trở thành túng thiếu. Vì cũng chẳng biết làm gì khác để thoát khổ nên cũng chịu nghe lời. Vợ chồng ăn chay cùng niệm Phật được chừng 6 tháng thì sức khỏe thằng bé dần khá lên. Đến nay nó gần như không còn ốm vặt, ngoan ngoãn và hiếu thuận như chưa từng ương bướng.
Cha nó rưng rưng bảo tôi: “Ngày ấy nếu chẳng nghe lời anh, không biết gia đình em bây giờ sẽ khổ đến thế nào. Nguyện những ai đang phải chịu cái nghịch duyên với con cái đều phát tâm quy y Tam bảo mà nương nơi Phật lực, tự chuyển hóa chướng nghiệp của mình để nhà nhà được an vui.”
Tôi bảo: “Xét rốt ráo ra, nó chính là thiện tri thức của cô chú. Nếu chẳng phải nó đến đòi nợ, chẳng biết đến kiếp nào cô chú mới chịu tin theo Tam Bảo vậy!”
*
Bạn thân mến! Con cái ương bướng chẳng chịu nghe lời hãy tìm cách cứu con và cứu cả chính mình. Đừng đánh mắng con, việc ấy chỉ gây thêm phiền não mà thôi. “Chúng ta trong vô lượng kiếp đều vì phiền não tham, sân, si mà kết oán với biết bao chúng sinh. Nếu ngay đây chẳng sớm buông phiền muộn, tu theo Phật pháp, xuất ly lục đạo, thì cứ ở trong sinh tử thanh trừng đòi nợ nhau mãi. Cảnh oan oan tương báo này biết bao giờ mới dứt?”
Tôi trích dẫn thêm ít chuyện có thật về nghịch duyên của con cái với cha mẹ, trong sách Nhân quả báo ứng hiện đời – tập 4, Ni sư Hạnh Doan dịch, để giúp bạn đọc tăng trưởng tín tâm. Bạn đọc mà tin được và hành trì theo thì thật tốt lành. Nhưng nếu không tin cũng xin chớ hủy báng mà mang tội. Nhân quả như bóng với hình, đừng thấy mới tin, vì lúc ấy mọi chuyện cũng đã muộn mất rồi!
Vì sao trẻ ương bướng không chịu nghe lời
Theo Nhân quả báo ứng hiện đời – tập 4, Ni sư Hạnh Doan dịch, Chuyện “Cảnh sát và Phú Ông”:
“Tiết Thành và Sử Đình là một đôi phu thê thương nhau thắm thiết. Anh thì tuấn tú khôi ngô, sự nghiệp thành đạt, Chị thì xinh đẹp, quý phái tao nhã. Trong mắt mọi người, họ được ví như đôi kim đồng ngọc nữ.
Họ dù được thiên hạ ngưỡng mộ trầm trồ, nhưng thường ủ rũ thở vắn than dài. Họ có hai gái, đứa út tên Bảo Châu, do “cầu tự” mà có nên cả nhà rất cưng chiều.
Bảo Châu thanh tú khả ái, đối với người ngoài bé rất ngoan. Nhưng với gia đình thì bé luôn tỏ ra nóng nảy giận dữ. Bé thường la hét, hễ gặp người thân là đánh. Tiết Thành vì con gái mà phải bước vào đường học Phật. Anh thường tụng kinh, phóng sinh… Nhưng Bảo Châu không chút chuyển tốt, lại còn hay đau ốm, cảm sốt. Kỳ lạ nhất là những khi Tiết Thành đi vắng thì các trạng thái bất thường này đều biến mất.
*
Tiết Thành vì con gái cưng mà rầu lo héo ruột gan. Anh đã tốn tiền cho Bảo Châu nhiều vô kể. Tâm thái muộn phiền đã khiến người đàn ông có sự nghiệp thành đạt này cảm thấy cuộc đời sao mà thống khổ quá. Chịu hết thấu, Tiết Thành bèn đến gặp tôi cầu giúp đỡ và than:
– Tôi hết trụ vững nữa rồi! Bảo Châu khiến tôi lao tâm khổ trí, mệt mỏi đến cùng cực! Phải chăng đời trước tôi thiếu nợ nó? Nếu thật tôi nợ nó thì phải trả thế nào đây?
Nghe anh rầu rĩ kể lể, tôi bảo:
– Con cái đầu thai là do ác duyên hoặc thiện duyên mà tìm tới. Bảo Châu hành cha mẹ thống khổ bội phần như thế, đối với các vị đúng là không phải thiện duyên! Thực ra ác duyên này đã kết tụ vào năm 1930 tại bến Thượng Hải. Đầu đuôi như sau:
*
“Tại sở cảnh sát thuộc bến Thượng Hải cũ, có Hồ cục trưởng và thuộc hạ Tiểu Quách. Hai người chơi thân và hết mực tin nhau. Lúc đó, tại địa phương này xảy ra một vụ án bắt cóc gây chấn động một thời. Gã X là trùm giang hồ khét tiếng, vì ân oán cá nhân mà ra tay bắt trói một phú ông vùng đó. Người nhà phú ông lo lắng vạn phần, bèn tìm đến Hồ cục trường báo án, xin ông giải cứu.
Nhưng Hồ cục trưởng tính vốn tham lam. Ông thừa dịp này buộc gia đình phú ông phải nộp một khoản tiền lớn rồi mới chịu ra tay cứu giúp. Sau đó ông sai Tiểu Quách đi diều tra sự việc.
Dù Tiểu Quách đã tìm ra kè chủ mưu vụ án. Nhưng do tên trùm X hối lộ cho lão Hồ và Tiểu Quách nhiều hơn phú ông, nên hai vị cảnh sát liền thông đồng, cùng bao che phóng thích tội phạm. Bọn họ chỉ xoa dịu thân nhân người bị hại chút ít. Cuối cùng dẫn đến kết cục bi thảm là phú ông lìa đời trong tức tưởi. Ông Hồ cục trưởng kiếp xưa, đời nay chính là Tiết Thành. Còn thuộc hạ thân tín Tiều Quách giờ là vợ Sử Đình.
Do phú ông trong quá khứ phút lâm chung lòng đầy oán hận, đã thề sẽ báo thù. Ông ta hiện giờ đã đầu thai vào làm đứa con cưng Bảo Châu. Còn tên trùm X do tạo tội ác ngập tràn, đến nay vẫn còn thọ khổ hình nơi địa ngục.”
*
Tôi bảo Tiết Thành:
– Mặc dù hiện tại các vị đã bắt đầu học Phật, nhưng lực sám hối vẫn chưa đủ. Phú ông kia vô cớ bị hại, đâu có dễ dàng buông tha như thế?
Vì vậy hai người nhất định phải nghiêm trì giới luật, phải ăn chay và giữ ngũ giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Nên thường hành thập thiện và phải tụng “Kinh Địa Tạng” hồi hướng cho con gái.
Hai vị phải trì chí bền tâm chuộc tội, tinh tấn tu không biếng lười. Dẫu gặp đại khổ nạn chi cũng phải hiểu đó là thử thách. Phải nghĩ là “mình đang trả nợ cho tiêu nghiệp”. Nếu hai vị nỗ lực cố gắng hành trì được như thế chừng khoảng 5-6 năm, nhất định sẽ thu được kết quả tốt.
Nửa năm sau, Tiết Thành gọi điện tới, giọng xúc động vui mừng. Anh báo tin con gái mình đã thực sự chuyển tốt, còn vợ hồi xưa sức khỏe rất yếu, nay đã dần dần mạnh khỏe. Qua việc này, Tiết Thành phát nguyện sẽ tu học thật tốt, để thành một gia đình Phật hóa.
Trẻ ương bướng phải làm sao?
Theo Nhân quả báo ứng hiện đời – tập 4, Ni sư Hạnh Doan dịch, chuyện “Hai cậu quý tử”:
“Chúng ta trong vô lượng kiếp đều vì phiền não tham, sân, si mà kết oán với biết bao chúng sinh. Nếu ngay đây chẳng sớm buông phiền muộn, tu theo Phật pháp, xuất ly lục đạo, thì cứ ở trong sinh tử thanh trừng đòi nợ nhau mãi. Cảnh oan oan tương báo này biết bao giờ mới dứt?
Thân Khoa Trường là một cán bộ lão thành trong ngành công an. Ông hành sự rất nghiêm cẩn, không mảy may cẩu thả sơ sót. Mấy lần phá trọng án, đều lập công lớn. Nhưng sự nghiệp thành đạt lẫy lừng này cũng chẳng đem lại niềm vui cho ông. Bởi vì phiền muộn trong gia đình đầy rẫy, không ngừng hành hạ ông.
Ông Thân có hai con trai. Đứa đầu không uống rượu thì thôi, hễ uống vào là đánh người. Nó quậy ầm náo trong nhà đến gà chó cũng chẳng yên. Còn cậu út thì luôn vòi tiền cha mẹ, đổ hết vào cá độ. Hễ đánh bạc thua thì lại về nhà xin tiền cha mẹ tiếp. Nỗi khổ này khiến hai ông bà ngày nào cũng rửa mặt bằng nước mắt. Ông Thân trong lòng khổ hết chỗ nói, sống không bằng chết.
*
Để nội tâm được an ủi, bọn họ nhận nuôi một đứa con gái. Họ hi vọng về già có được chút ấm lòng. Hai vợ chồng nghĩ mãi vẫn không hiểu vì sao họ sinh toàn con đại bất hiếu? Cứ luôn gây khổ cho mẹ cha như thế? Ngồi đối diện với hai vợ chồng già, nhìn họ nước mắt đầm đìa, tôi thấm thía “báo ứng thiện ác quả thực như bóng theo hình”. Chính những hạt giống oan nghiệt trong quá khứ họ đã gieo, giờ đây đang đơm hoa kết trái, đem đến thống khổ khôn tả.
– Vào thời cổ đại xa xưa, có một người nghèo rớt mồng tơi, bơ vơ không chỗ nương, bị bịnh nằm ven đường rên rỉ, không ai giúp đỡ, xem như chỉ có nước chờ chết. Bỗng có một phụ nữ đi ngang qua, thấy cảnh người nghèo này liền khởi tâm xót thương, bèn cho mượn phân nửa gia sản. Người nghèo này sau khi vay được tiền, cảm động quá cỡ, liền thề rằng: “Sau này khi được giàu có nhất định sẽ hoàn trả hậu hĩnh cho ân nhân và tận sức báo đáp ơn cứu mạng’’…
Người nghèo nọ nhờ có tiền làm vốn mưu sinh nên ngày càng khá giả. Sau y cưới vợ sinh con, sung túc, nhưng lại quên luôn nữ ân nhân kia. Còn nữ ân nhân đó, do xuất tiền giúp cho gã nghèo nên bị gia đình trách móc hoài nghi. Cô suốt đời sống trong buồn rầu thống khổ. Nữ ân nhân đó đời nay chính là cậu công tử út.
*
Còn gã nghèo sau khi được giàu có rồi, một ngày nọ hắn cùng vợ ra ngoài mua đồ. Vừa đi tới bờ sông thì thấy một ông già bị trượt chân té xuống nước. Hai vợ chồng này chẳng những không thèm cứu, còn đứng trơ mắt nhìn ông chết. Họ sau đó còn chiếm đoạt hành lý của ông lão đem về làm của riêng. Ông lão già chết chìm thuở xưa nay là con trai trưởng của họ.
Hai vợ chồng gã nghèo thời ấy, đời này chính là hai vợ chồng họ Thân. Vì quá khứ đã vay nợ, đoạt của nên đời này họ phải đền gấp bội. Hai cậu con chính là oan gia tới đòi nợ!”
Kể xong, tôi cảnh báo:
– Nếu như hai ông bà không sám hối, tu hành, làm nhiều đại công đức, thì tương lai sẽ bị hai đứa con trai hành cho đến chết!
Lão Thân sau khi biết được nguyên nhân thì kinh hoảng vạn phần. Ông liền phát nguyện sẽ siêng năng sám hối, bước vào con đường tu hành theo Phật pháp. Hi vọng Phật lực gia trì giúp ông giải hết oan trái, để họ có thể sống an trong tuổi già.
Chúng ta đã hiểu rõ nhân quả thi không nên hành động cẩu thả. Phải luôn cảnh tỉnh mình giờ giờ khắc khắc sống thuần khiết trong sạch, không ỷ vào rủi may. Bởi nhân quả báo ứng không hề sai.”
Trẻ ương bướng tuổi dậy thì
Theo Nhân quả báo ứng hiện đời – tập 4, Ni sư Hạnh Doan dịch, chuyện “Chủ và tớ”:
Bà Trương là Tổng giám đốc một đại xí nghiệp bề thế, quản lý hơn mười ngàn công nhân. Sự nghiệp thành đạt vẻ vang này đã khiến bao người ngưỡng mộ. Thế nhưng trong gia đình, mặc dù vợ chồng bà sống hết sức ấm êm hạnh phúc, nhưng đối với cậu quý tử tên Cường thì họ bó tay hết cách.
Cường rất thông minh, từ nhỏ chăm học, ít nói. Trong lòng cha mẹ nó là đứa con ngoan, là bảo bối vô giá. Nhưng kể từ lúc cháu lên trung học rồi, thì nó ghiền chơi game online, từ đó phát sinh nhiều điều không hay. Suốt ngày suốt đêm, Cường lên mạng chơi game, vì vậy mà học hành sa sút. Cha mẹ, giáo sư, bạn bè, có khuyên can dạy bảo chi, thảy đều như nước đổ đầu vịt. Cường chẳng mảy may đếm xỉa tới. Càng ngày nó càng hư đốn đến nỗi sau đó còn đánh cha mắng mẹ.
*
Ngày nọ bà Trương thiết tha khuyên con đừng chơi game nữa, thằng Cường liền nổi quạu. Không những nó nói năng hỗn láo mà còn ra tay đánh cha, khiến ông bị thương mắt phải. Bà Trương giận quá, cùng chồng bỏ nhà đi đến chỗ bạn bè ngụ tạm.
Lúc tôi gặp bà Trương, thấy mặt mày bà tiều tụy, mắt đỏ hoe, buồn rầu than:
– Rốt cuộc là nguyên nhân gì đã khiến thằng Cường nhà chúng tôi biến thành tác tệ như thế chứ? Người lớn có lòng, có ý tốt khuyên nó, đem thức ngon đồ bổ đến cho. Vậy mà nó cũng không màng đón nhận, lại còn ra tay đánh cha nữa.
Ngừng một lúc bà tiếp:
– Nó mê chơi game đến nỗi bỏ học, tính đến nay đã hơn nửa năm rồi! Vì vậy mà giáo sư thường đến nhà hỏi thăm, thậm chí còn dắt cảnh sát đến khuyên giúp, nhưng tất cả đều vô dụng.
Nhìn bà Trương đau khổ tuyệt vọng, tôi rất cảm thông, liền an ủi, giải thích:
– Phải ôm lấy thống khổ, chịu não phiền nung nấu như hôm nay, tất cả đều do ác nhân đời trước của bà mà ra!
*
“Nguyên bà Trương và chồng, đời trước cũng là phu thê, nhưng bây giờ vị trí đã đổi. Bà Trương thuở đó mang thân nam, là một ông địa chủ nổi danh. Tuy giàu nhưng thuộc loại “giàu mà bất nhân”. Ông tự thị mình giàu nên rất khinh người.
Lúc đó trong nhà họ có một thằng bé giúp việc chừng 12 tuổi. Cha mẹ nó do thiếu nợ họ. Vì vô phương đền trả nên bất đắc dĩ phải cho con đến nhà họ làm nô bộc trừ nợ. Hai vợ chồng rất phiền bực cha mẹ thằng bé, nên đã dùng nó để trút giận. Họ thường đánh đập, mắng chửi, đối xử với nó rất tệ.
Ngày nọ, thằng bé vô ý làm vỡ cái bình hoa quý khiến cặp vợ chồng giàu phẫn nộ. Họ đánh nó một trận rồi trói tay chân nó lại, đem bỏ ngoài đồng.
May là có một người hảo tâm đi ngang, kịp cứu thằng bé khi nó còn thoi thóp thở. Nhờ vậy mà bảo tồn được mạng nó. Kể từ đó trong lòng thằng bé đã ôm mầm hận oán, nó thề: “Sau này có cơ hội, nhất định sẽ báo thù, đòi lại nợ máu.”
Đời này nhân duyên tụ hội, thằng bé thời quá khứ từng bị khinh khi, lăng nhục thậm tệ, nay đã đầu thai vào làm đứa con cưng của hai vợ chồng họ Trương. Nó đến là để đòi nợ! Một ngày không xa trong tương lai, đôi phu phụ này sẽ bị nó làm cho tức chết.”
*
Hiểu rõ uẩn khúc nhân quải, bà Trương liền bật khóc. Chồng bà ngồi bên, vội an ủi:
– Đừng khóc, đừng khóc nữa bà nó ơi! Hèn gì mà thằng Cường từ 12 tuổi trở đi thì bắt đầu học hành sa sút, chỉ mê chơi game trên mạng, còn phát tệ đánh cha mắng mẹ. Té ra do thời quá khứ chúng ta đã tạo ác, bất nhân với nó. Bây giờ chúng tôi phải làm sao?
– Cách tốt nhất là bắt đầu từ nay hai vị phải ăn chay. Trước Phật thành tâm sám hối các ác nghiệp đã tạo thuở xưa và quỳ tụng 49 bộ “Kinh Địa Tạng”, hồi hướng cho Cường. Như thế may ra nó có thể tha thứ cho hai vị, đoạn trừ lưới nghiệp buộc ràng và tất cả đều được hưởng lợi ích.
– Vâng ạ, sau khi về chúng tôi sẽ thực hành ngay.
Ba tháng sau, bà Trương gọi điện tới, xúc động nói:
– Vô cùng cảm tạ ngài, Phật pháp thực quá thần kỳ! Sau khi chúng tôi ăn chay, sám hối, tụng kinh, hồi hướng cho thằng Cường rồi… thì bây giờ nó đã bắt đầu đi học lại, hơn nữa cư xử với chúng tôi ngoan ngoãn và thay đổi rất nhiều. Có hôm nó còn tự động vào bếp nấu cho chúng tôi ăn nữa. Đúng là hóa giải oán kết oan gia chỉ có hành theo Phật pháp mới là tốt và hiệu quả nhất!
Cách dạy trẻ ương bướng
Đa số thường than: “Thật khó mà dạy dỗ con cái”. ( Vì đời trước đa số chúng là kẻ bị hại, đời này đến làm con để báo oán.) Là cha mẹ cần tin sâu nhân quả, không nên nhắm mắt đánh đập con, mà phải sám hối những điều đã làm, đã tạo trong đời trước của mình. Phải vì con ăn chay, tụng kinh hồi hướng, cầu Phật lực nhiếp thọ, hóa giải, biến ác duyên giữa cha mẹ và con cái thành thiện duyên.
Tiếp theo còn phải giáo dục con cái hiếu dưỡng cha mẹ, hành tròn đạo lý làm người. Thời gian lâu dần, con cái tự nhiên sẽ thay đổi mạnh, chuyển biến tốt.
Muốn con cái chuyển thành người tốt, trước tiên cha mẹ phải sửa đổi bản thân. Chính họ phải đoạn ác tu thiện, thân cận Phật pháp, tụng kinh hồi hướng phước lành đến cho con.
Làm như thế mới chiêu cảm được Phật lực gia trì, khiến công đức tăng gấp bội. Thế thì dù bị nghịch tử đến ở kề bên nhưng nếu có phúc duyên, khéo thân cận Phật pháp, thì nghịch tử kia chính là chìa khóa vàng giúp mẹ cha mở ra cánh cửa hạnh phúc. Nhờ vào sự học Phật, tu trì khiến đôi bên cùng được lợi, toàn gia đồng hưởng pháp lạc, biến phiền não thành bồ đề.
Riêng những người làm con, nếu gặp cha mẹ đối xử với mình chằng nhân từ, thì phải hiểu là cũng đồng nguyên nhân tương tự.
( Vì sao trẻ ương bướng khó bảo )
Tuệ Tâm 2022.
Tịnh tâm viết
Nội dung rất hữu ích ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Ngọc Nhung Anh Nguyễn viết
Nam mô a di đà Phật! Tôi đã theo dõi wb của Tuệ Tâm khá lâu, và rất thích xem các mục hỏi-đáp vì rẩt hữu ích. Có những câu hỏi y như là của mình vậy, và đã được TT( tôi xin phép viết tắt tên ạ) hồi âm nhanh chóng, thấu tình đạt lý và hoàn toàn dựa trên Kinh Phật , đọc xong thường sinh tâm hoan hỷ ạ.
Hôm nay tôi có việc muốn thỉnh TT giúp ( là của con trai), nhưng trình bày ở đây e là không hết ý và cũng có phần ái ngại. Không biết là tôi có thể trao đổi bằng Email hay phương tiện nào khác được không ạ?
Tôi mong nhận được câu trả lời sớm và xin tuỳ hỷ công đức của Tuệ Tâm ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cảm ơn bạn! Tuệ Tâm vẫn thường khuyên những người gửi mail nên hỏi ở phần bình luận, việc ấy vừa giải quyết được nghi cho mình, vừa giúp nhiều người có thắc mắc như mình được giải đáp. Bạn thấy được thì cứ viết lên đây, nếu thấy không tiện thì gửi mail cho Tuệ Tâm. Trên trang chủ, phần giới thiệu có địa chỉ mail đấy.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Nội dung trên rất hay, đây là trường hợp thường gặp trong các gia đình…
Cảm ơn thầy
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.