Thai giáo cho bé tại nhà là vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong thời buổi pháp nhược ma cường này. Khi tà thần ác quỷ và La sát đầy rẫy chốn nhân gian. Lại càng sâu vào thời mạt pháp, chúng sanh nghiệp chướng càng nặng nề, do đó: Tuy Thần thức có phước duyên để nhập thai, nhưng vì chướng nghiệp quá nặng nề nên hoặc bị tinh mị quấy nhiễu. Hoặc bị quỷ la sát ám hút sinh khí. Hoặc bị các loại hồ ly, hấp tinh quỷ đeo bám đòi nợ…Hoặc do cha mẹ từng phá thai. Hoặc do cha mẹ làm ác quá nặng nề….nên thai nhi hoặc bị động, hoặc bị loài la sát ăn mất, không thể chào đời.
*
Cũng bởi thế nên tuy y học, kinh tế xã hội phát triển, nhưng bạn để ý kỹ mà xem: Trẻ em ngày nay sanh ra đa phần bấy bớt, khó nuôi, khó dạy. Lớn lên hoặc ương bướng khó bảo, hoặc đau ốm liên miên… Hiếm một gia đình nào được an yên, cháu con hiếu thuận.
Người ta chẳng biết nguyên nhân, cứ lầm tưởng rằng tự nhiên như thế; rồi mặc tình trôi lăn theo biển nghiệp, khiến cả cuộc đời khổ hải với cháu con. Bậc làm cha mẹ dành hơn nửa tinh lực của đời người cho con cái. Nhưng bởi chẳng nhận thức được tầm quan trọng của thai giáo nên suốt đời vất vả ngược xuôi. Rốt cuộc những “cục cưng” từ lúc chào đời cho đến lúc trưởng thành luôn khiến ta đau đáu chẳng được an.
Thai giáo là gì
Thai giáo là giáo dục và dạy dỗ con từ khi con còn nằm trong bụng mẹ. Nó quan trọng tới mức: Từ hình hài, tánh cách, thậm chí cho đến số mệnh cả cuộc đời của đứa trẻ sau này phụ thuộc rất lớn vào thời gian nằm trong thai mẹ. Thế gian rất ít người biết về thai giáo. Đa phần ta chỉ biết chút ít ở phần ngọn, ví như: Mẹ bầu tâm sự với thai nhi; cho em bé trong bụng nghe nhạc Beethoven; Uống sữa bổ sung chất này chất nọ…Nói bạn đừng buồn, những cách này chỉ có đôi chút tác dụng mà thôi, không phải là cách thai giáo cho bé!
“Quan niệm phổ biến cho rằng việc dạy dỗ con cái chỉ có thể bắt đầu khi đứa trẻ lớn lên một chút, khoảng ba hay bốn tuổi, vì khi đó chúng mới có khả năng hiểu biết. Thật ra điều này không đúng, sự giáo dục có thể ảnh hưởng đến đứa trẻ ngay từ lúc nó còn trong bụng mẹ. Tình cảm giữa mẹ và con không phải chỉ có sau khi đứa trẻ ra đời mà đã bắt đầu từ khi đứa con được thành hình trong bụng mẹ. Do đó, người mẹ có tâm trạng gì thì đứa con đều biết.
Nếu người mẹ thông minh, hiểu biết thì bà sẽ biết cách giáo dục đứa con bằng cách nói chuyện với nó ngay từ lúc mang thai. Vì tâm thức đứa bé đã có từ lúc thụ thai nên việc liên hệ với nó càng sớm thì càng dễ có sự thông cảm giữa mẹ và con.
*
Không những mẹ mà người cha cũng phải tìm cách nói chuyện với con từ lúc nó còn là bào thai. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng tốt đẹp đến đứa trẻ, giúp nó trở nên khôn ngoan, dễ dạy hơn. Nếu cha mẹ thường xuyên ở trong trạng thái giận dữ, hay cãi nhau trong giai đoạn người mẹ mang thai, thì chắc chắn đứa trẻ cũng dễ dàng trở nên nóng tính, hung dữ khi lớn lên. Nếu cha mẹ quá mải mê công việc, tính toán, âm mưu hơn thiệt thì đứa con sau này cũng sẽ cứng đầu, khó dạy, không nghe lời và thường bị bệnh suyễn, hay ngạt thở.
Cho nên, thai giáo, hay sự giáo huấn, dạy dỗ trong giai đoạn thai nhi là rất quan trọng. Thật ra quan niệm thai giáo đã có từ xa xưa, từ thời của các nền văn minh cổ. Tiếc thay, ngày nay người ta vẫn tranh cãi chứ không hoàn toàn công nhận việc này, bởi họ cho rằng không có bằng chứng cho thấy bào thai có khả năng học hỏi.”
Bạn thân mến! Trước khi hiểu về thai giáo cho bé, bạn cần hiểu về nhân duyên và cách thai nhi đến với mình. Vì đây là giáo lý của đức Phật dạy, cho nên: Nếu bạn tin được thì thật là tốt lành. Bằng nếu chẳng tin cũng xin chớ sanh tâm hủy báng mà mang tội. Tự nhiên vận hành vốn như thế, đức Phật nhìn thấy bằng Tuệ giác của mình nên dạy lại cho chúng ta, chớ chẳng phải Ngài tạo ra đâu nhé.
Thai giáo cho bé: Khi Thần Thức Nhập Thai
Mỗi đứa con đến đầu thai đều có nhân duyên rất sâu nặng với cha mẹ…Mà trong vòng luân hồi dày đặc, cơ hội có được một lần đầu thai làm người lại rất hiếm hoi! Thế nên khi đã mang thai, dù khổ sở cỡ nào cũng ngàn vạn lần chớ phá bỏ thai nhi, quả báo nặng nề và vô cùng khủng khiếp.
Khi vợ chồng quan hệ, do nghiệp duyên thúc đẩy. Thần thức dù ở xa bao nhiêu đi chăng nữa, nó cũng nhìn thấy cảnh cha mẹ đang giao hợp. Bị chiêu cảm bởi nghiệp lực, thần thức ngay lập tức đi đến nơi cha mẹ đang giao hợp. Khi thấy họ, nó bị kéo vào trong cảm xúc ấy. Do nghiệp duyên trong quá khứ, nó tự nhiên cảm thấy rất thương hoặc rất ghét: Sự quyến luyến người mẹ và thù ghét, ganh tị với người cha sẽ đưa đến hậu quả là nó sinh thành con trai; ngược lại là gái. Nhưng nếu nó ngã quỵ trước những cảm xúc rất mạnh thì nó có thể sanh vào một cảnh giới hèn hạ.
*
Theo Luận Du Già và Tỳ Nại Gia Tạp Sự thì: “Trường hợp nào Thần thức không vào thai được? Đó là những lúc cha mẹ không giao hợp; hoặc khi giao hợp tinh cha ra tinh mẹ không ra, tinh mẹ ra tinh cha không ra, hoặc đều không ra. Lại nữa, hoặc khi người mẹ quá mập, nhiều thịt dư; hoặc có các chứng bịnh như tử cung lạnh, khí huyết kết thành cục, vàng võ nhiều đàm; hoặc do uống thuốc cấm thai, cùng các chứng bịnh riêng của người cha.
Về phần nghiệp báo: Nếu cha mẹ tôn quý con ty tiện, hay là trái lại, thì không thể thành thai. Hoặc có khi cha mẹ cùng con đều tôn quý hay đều ty tiện, nhưng nghiệp duyên không hợp cũng không thể thành thai.
Đức Phật bảo: “Nầy Nan Đà! Nếu không có các trường hợp như trên, thì Thần thức mới vào thai mẹ. Như các duyên đều thuận, khi cha mẹ giao hợp, Thân Trung ấm ở xa trông thấy ánh sáng liền bay đến đó. Lúc ấy, do túc nghiệp, Trung hữu liền khởi ra các sự vọng tưởng; như Trung ấm nam thì đối với mẹ sanh lòng mến yêu, với cha lại ganh ghét; Trung hữu nữ thì đối với mẹ sanh lòng ganh ghét, với cha lại mến yêu; hoặc nam hoặc nữ đều thấy chính mình làm việc ân ái với cha hay mẹ.
*
Bấy giờ Trung ấm bỗng có cảm giác nóng hoặc lạnh, hay thấy mưa to, gió lớn, mây mù nổi lên; hoặc nghe nhiều tiếng huyên náo đáng chán buồn, hay tiếng thanh tao đáng ưa thích. Khi các vọng tâm, huyễn cảnh nầy hiện ra, tùy nghiệp hơn kém.
Trung hữu lại khởi sanh mười huyễn tướng khác như: Nay ta vào nhà, ta muốn lên lầu, ta lên đền đài cao đẹp, ta lên ngồi trên giường ghế; ta vào am tranh, ta vào chòi lá, ta đi vô rừng, ta vào lùm bụi; ta xuyên qua lỗ tường vách, ta chui vào hàng rào. Khi khởi các tưởng niệm như trên xong, Trung hữu liền vào thai.
Sự kết thai đây có ba điều kiện hỗn hợp: Tinh cha, huyết mẹ và nghiệp thức. Trạng thái nầy ví như người để sữa chín vào bình, rồi lấy đũa quậy đánh mãi cho đến khi dậy lên thành ra vị-tô. Kết quả hỗn hợp của tinh cha, huyết mẹ, nghiệp thức hòa thành một khối gọi là Yết-la-lam.
Cách Thai Giáo cho Bé tại nhà tốt nhất
Khi thần thức nhập thai là đã có tình thức. Do có tình thức nên có sự cử động cảm xúc. Khi mẹ ăn thức lạnh vào, cảm thấy như ở trong giá băng; lúc ăn thức nóng vào, cảm thấy như bị nung đốt. Chúng sanh vì cộng nghiệp nên cùng hội tụ trong một gia đình. Tuy thế, trong cộng nghiệp cũng có biệt nghiệp. Chỉ là, chúng ta có thực sự thấu hiểu được nhân quả và tùy chọn cách sống và hành xử của ta hay không mà thôi.
Người mang thai cần phải biết điều vô cùng quan trọng này: Tâm lý người mẹ ảnh hưởng cực lớn và gần như mang tính quyết định tới sức khỏe, tâm lý và cả định mệnh sau này của đứa con trong bụng! Những xúc cảm tiêu cực như muộn phiền, hờn giận, khổ đau, bực bội…ảnh hưởng cực xấu tới thai nhi.
Người đời không biết điều này nên ngày nay đa phần trẻ sinh ra bấy bớt, khó nuôi, lớn lên khó bảo, khó dạy…Cho nên, thai giáo cho bé thực sự vô cùng quan trọng, phải cẩn thận từ lúc mang thai. Trong thời gian mang thai, người mẹ không nên tham lam, ích kỉ hoặc nói dối. Bởi người mẹ có những hành động tư tưởng xấu thì sẽ khiến đứa con bị ảnh hưởng theo và sẽ có những tư tưởng hành vi giống vậy. Cần chú ý điểm này và cẩn thận giữ tư tưởng lành, dạy dỗ con mình ngay từ lúc còn trong bụng mẹ.
*
Theo lời Tổ Ấn Quang dạy thì phụ nữ mang thai chỉ nên chí tâm, khẩn thiết niệm Thánh hiệu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát. Bất kỳ lúc nào nhớ ra thì niệm. Lúc ở nơi bất tịnh như nhà cầu hoặc nằm ngủ thì niệm thầm trong tâm; lúc chẳng ảnh hưởng đến ai thì niệm ra tiếng. Nếu chịu theo pháp này thì cả mẹ và con đều được an lành, đứa bé sanh ra xinh đẹp, dẽ nuôi và vô cùng ngoan ngoãn. Sau này lớn lên, cuộc đời của nó luôn được an lành và gặp nhiều may mắn.
Tổ Ấn Quang là hóa thân của Đại Thế Chí Bồ Tát, lời Ngài chân thật quyết không hư dối! Sở dĩ Ngài dạy pháp này là do thời mạt chúng sanh nghiệp nặng, lại dám tà thần, la sát, quỷ mị làm loạn chốn nhân gian. Phải nương nơi sức Đại bi và bản nguyện cứu khổ của đức Quán Thế Âm gia bị cho mới an ổn được.
*
Nói ra nhiều người chẳng tin, chớ Tuệ Tâm đã từng chứng kiến có người vô sinh, do chí tâm niệm Thánh hiệu mà cầu được con; có người siêu âm là con gái, do phát nguyện ăn chay và chí tâm cầu Bồ Tát gia bị mà lúc sanh ra lại được đứa con trai….Đại khái thì linh ứng vô cùng, từ ngữ thế gian không thể nào ca tụng cho hết được. Đây là cách dễ thực hành nhất và bạn thì chẳng tốn kém gì!
Ngoài cách trên ra thì bạn tùy theo sở nguyện của mình mà có thể niệm Phật, tụng kinh hoặc trì chú hằng ngày. Cách nào cũng tốt cả, bạn lựa lấy một pháp phù hợp với mình mà chí tâm thực hành là được.
Ngài Quả Khanh bảo: “Con và mẹ là do nhân duyên cực sâu mà chiêu cảm tình thâm. Trong thời kỳ hoài thai, mẹ cùng con thực sự nương nhau. Liên quan từ máu huyết, xương thịt, tinh thần….cho đến thể chất.
Vì thai nhi mà đọc tụng kinh điển Đại thừa chính là thai giáo cho bé tốt nhất. Tôi đã gặp nhiều vị khi mang thai mà đọc tụng các kinh Địa Tạng hay Lương Hoàng Sám hay các kinh Đại thừa khác….đứa con sinh ra thật xinh đẹp, thông minh mạnh khỏe, an lạc dễ nuôi.”
- Cách cầu con tại nhà linh nghiệm nhất.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Cách tụng chú Chuẩn đề.
- Cách niệm Phật tại nhà
- Cách chữa khóc dạ đề cho bé.
- Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
Chuyện về Thai giáo cho bé
Tuệ Tâm trích những câu chuyện có thật về sự nhiệm mầu của Thai giáo vào trong bài viết này. Đây là những câu chuyện được Ngài Quả Khanh kể lại, được ghi trong sách Báo ứng hiện đời. Nguyện bạn đọc tăng trưởng tín tâm mà phát tâm học Phật để sớm có những đứa con tốt lành.
Thai giáo tuyệt với
Tiết Đình là một nhạc công. Khi mang thai cô bắt đầu có niềm tin chân chánh đối với Phật giáo nên phát tâm nghiêm trì ngũ giới. Cô tập tu theo pháp Phật và quyết định giáo dục thai nhi theo Phật giáo.
Chúng ta hãy nghe Tiết Đình thuật lại câu chuyện giao cảm tâm linh thần kỳ giữa hai mẹ con họ:
“Sau khi kết hôn, vì muốn đứa con sinh ra được khỏe mạnh thông minh nên tôi rất chú trọng ẩm thực, lo tập luyện, chuẩn bị chu đáo đủ cách.
Thấy trong “Kinh Địa Tạng” ghi rằng: “Chúng sinh ở cõi Ta Bà, đời vị lai, những người sắp sinh con, nếu trong 7 ngày mà tụng kinh Địa Tạng bất khả tư nghì này và niệm danh hiệu Bồ-tát Địa Tạng đủ vạn biến thì đứa con sinh ra dù nam hay nữ, đời trước có ương báo…cũng liền được thoát khỏi, an lạc dễ nuôi, thọ mệnh tăng”.
Đoạn kinh này đã ban cho tôi sự chỉ đạo quý báu. Tôi tin tưởng và cảm thấy được khích lệ rất lớn. Vì vậy tôi quyết tâm nuôi dưỡng, đào tạo ra một đứa bé “băng thanh ngọc khiết”, có tư chất thanh cao. Nhất quyết hun đúc trí tuệ và phúc đức cho nó theo Phật pháp.
Trong thời kỳ mới hoài thai, tôi bắt đầu vì con mà tụng “Kinh Địa Tạng”. Do thân thể chưa quen, không thoải mái, nên tôi chỉ thành kính tụng vào mười ngày trai. (mùng 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30).
*
Thoạt đầu, tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm vậy có thể giúp cho sinh mệnh bé bỏng vừa tượng hình trong bụng có thể được nghe bộ kinh bất hủ của Phật thuyết. Tôi quyết tâm vì bé mà tiến hành việc thai giáo tốt đẹp nhất nên lòng cảm thấy rất hạnh phúc tự hào. Niềm vui này thật khó mà diễn tả hết được. Tôi luôn cầu Chư Phật, Bồ-tát đại từ đại bi, ban cho tôi một đứa con như nguyện.
Mang thai được bốn tháng, nhờ thiện tri thức khai thị và được người nhà dốc toàn lực ủng hộ, chăm sóc. Tôi cũng triệt để tin lời Phật nên hoàn toàn ăn chay. Ăn chay không những giúp tôi có dinh dưỡng tốt, thanh sạch, mà cũng chẳng bị mệt mỏi khó chịu. Ngược lại còn khiến tôi mặt mày luôn hồng hào tươi tắn, thân tâm an vui, tinh thần thể lực sung mãn.
Sau đó, tôi tiến bộ hơn, có thể vì con mỗi ngày tụng một bộ “Kinh Địa Tạng”, siêng năng không lười. Tôi đối với những điều Phật dạy trong kinh vững tin không nghi. Tôi tụng kinh âm thanh rõ ràng, ngày ngày bầu bạn cùng thai nhi đang dần lớn lên. Trong lòng sung mãn niềm an lạc hân hoan chưa từng có vì kinh nghiệm đang thực hành. Lòng tôi luôn mong mỏi khát khao sớm được nhìn thấy mặt con.
*
Thời gian thấm thoát trôi qua, mùa hạ đến tỏa khí nóng oi bức khó chịu. Nhưng tôi không chút lười biếng, vẫn nỗ lực dụng công, ra sức thanh tâm quả dục, nghĩa là: “Tai chẳng nghe tiếng ác, mắt chẳng nhìn việc ác; tinh tấn không lười, luôn dùng chánh niệm hộ tâm”. Mỗi ngày vì thai nhi tụng kinh, tận lực làm một người mẹ đúng nghĩa.
Hôm nọ, khi tụng xong bộ “Kinh Địa Tạng” thì cảm thấy cổ họng khô đau. Tôi liền tiến đến tủ lạnh định lấy kem ăn giải lao, thưởng công cho mình đã “cực khổ” tụng niệm nãy giờ. Nhưng ngay giây phút tôi mở tủ lạnh ra, đột nhiên trong đầu tôi vang lên tiếng nói:
– Mẹ ơi, xin đừng ăn kem, con sẽ rất lạnh!
Việc này quả thật bất ngờ, khiến tôi tưởng chừng mình nghe lầm. Trong lòng cảm thấy rất kỳ quái nên mới thầm nghĩ: “Đây có lẽ do mình tự nghĩ lẩn thẩn, hoặc là một dạng tự kỷ ám thị mà thôi!”. Vì vậy, tôi không chú ý và quyết định: “Nghỉ một chút, lát nữa sẽ ăn vậy”.
Nghỉ ngơi xong, tôi lại đến mở tủ lạnh lần nữa. Thật không ngờ, cảm thọ lúc nãy lại xuất hiện:
– Mẹ ơi, đừng ăn kem, con sẽ rất lạnh đó!
*
Câu nói này một lần nữa vang lên mãnh liệt trong óc tôi, lần này đã khơi gợi được sự chú ý của tôi. Rõ ràng là thai nhi trong bụng đang dùng “tâm nói chuyện” với tôi và “mách” cho tôi biết những cảm thọ khổ vui của nó. Giao cảm kỳ diệu này đã khiến tôi hiểu sâu sắc thai nhi và tôi đang “tâm tâm tương thông, tâm tâm tương tri”. “Kinh Địa Tạng” đã giúp tôi và con liên lạc mật thiết mầu nhiệm cùng nhau. Mẹ con chúng tôi đồng hiểu nhau qua “ngôn ngữ nội tâm”, cùng cảm thọ, kết thành thiện duyên mẫu tử cực kỳ thâm sâu huyền diệu trong đời này!.
Tôi đã từng dùng tâm chân thành, tâm cung kính tụng “Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Kinh”. Trong kinh diễn tả: “Khi con ở trong thai, nếu mẹ ăn nóng, con khổ như nóng địa ngục. Nếu mẹ ăn lạnh, con khổ như lạnh địa ngục, cả ngày thống khổ.” Dựa theo đoạn văn kinh kia, giây phút tôi và con “tâm linh cảm ứng” đã chứng thực giải rõ. Điều này khiến tôi vô cùng xúc động, mãi mãi không thể quên. Lời Phật đúng là chân ngữ, thật ngữ mà! Đây cũng ứng hợp với những điều trong sách thuốc “Thiên kim phương” nói: “Trong lúc mang thai mà ăn cực nóng hay cực lạnh là cấm kỵ”.
*
Từ đó vì thai nhi, bất kể tiết trời nóng bức ra sao, tôi cũng không dùng qua thức ăn lạnh nào nữa.
Cục cưng sinh ra được hai tuần, theo thói quen tôi cho bé ăn Hoàng Liên – một loại thuốc bắc, khiến bé đi tả không ngừng. Ngắm nhìn bé ốm gầy không còn sức lực, lòng tôi nóng như lửa đốt, cực kỳ bất an. Tôi áp mặt vào vầng trán tái nhợt của con, ưu tư trăm mối, tâm rối như tơ. Ngay lúc đó trong đầu tôi chợt xuất hiện câu nói:
– Mẹ ơi, đừng dùng trứng gà nữa! Ăn trứng gà đối với con rất là không tốt!
Tôi bừng tỉnh ra, chính là bé cưng đang nói với tôi. Tôi hoàn toàn ăn chay đúng theo trong Kinh Địa Tạng đã dạy. Nhưng do để thúc sữa, chị dâu tôi đã ngày ngày làm rượu trứng gà cho tôi uống.
Lần này, tôi bắt đầu thưởng thức cuộc đối thoại tâm linh thú vị cùng con. Tôi khởi ý nghĩ trong tâm:
– Con cưng à, mẹ phải làm sao thì con mới an ổn đây?
Bé lập tức hồi đáp:
– Mẹ hãy mau tụng 7 bộ kinh Địa Tạng hồi hướng cho oan gia trái chủ của con.
Không chút chậm trễ, tôi lo tụng cho xong 7 bộ kinh. Sau đó, tôi “hỏi” bé:
– Mẹ đã tụng xong 7 bộ rồi, còn muốn mẹ làm gì cho con nữa không?
Bé “đáp”:
– Bắt đầu từ nay, mỗi ngày mẹ hãy tụng cho con một bộ kinh Địa Tạng nhé.
*
Tôi lại hỏi:
– Tụng đến bao giờ mới ngừng?
Bé “trả lời”:
– Tụng đến khi con có thể tụng kinh được thì ngừng.
– Thế bao giờ con mới có thể tụng kinh được?
– Bảy tuổi!
Tôi hoát nhiên tỉnh ra. Từ đó, hàng ngày tôi tụng kinh không ngừng. Tôi tụng đến hôm thứ hai thì chứng đi tả của bé liền dứt hẳn.
Khi tôi viết đến dòng chữ này thì bé nhà tôi đã được hơn hai tháng tuổi rồi, thân thể mạnh khỏe, an ổn dễ nuôi. Để hoàn thành lời hứa với con, tôi hàng ngày vì bé mà tụng kinh Địa Tạng. Tôi và chồng tin sâu, bé có thể dùng nhân duyên này để hóa độ chúng tôi tinh tấn tu hành.
Tôi hiểu sâu đây là cả nhà chúng tôi cùng chung sức hoàn thành đạo nghiệp. Tùy theo con ngày càng trưởng thành mà đạo nghiệp chúng tôi ngày càng tinh tấn. Thêm vào đó thiện hạnh, thiện đức của chúng tôi cũng tăng trưởng theo. Điều này đối với cả gia đình chúng tôi mà nói, quả là an vui hạnh phúc biết dường nào.
Thai giáo cho bé: Mang Thai không nên nổi giận
Tại một ngôi chùa ở Tây An, có một phụ nữ khoảng 50 tuổi đang hướng Hòa thượng Diệu Pháp kể lể những uẩn khúc của bà.
Vợ chồng bà sớm đã li dị, nhưng đứa con gái do bà trăm cay ngàn đắng dưỡng nuôi khôn lớn.( Hiện là sinh viên Viện Nghiên Cứu Đại Học Bắc Kinh). Từ sinh ra đến giờ tâm tính hành vi nó rất kỳ khôi, luôn thích kình chống mẹ. Hễ bảo nó đi Đông thì nó rảo Tây. Thí như nó ưa ăn cơm rau xào, bà liền làm thật ngon cho nó ăn. Rõ ràng là nó đang thưởng thức say mê, vậy mà cứ làm ra bộ chẳng thích: Cứ leo lẻo nói mình ưa thứ khác và trách mẹ không chìu theo.
Hôm sau, bà làm đúng thứ nó yêu cầu, thì nó lại nói mình “ưa món khác, chẳng phải thứ này”. Nghe mà phát tức vậy đó!
Nhưng ở bên ngoài, ai cũng khen nó là một cô gái rất biết điều. Năm nào cũng được bầu chọn là học sinh giỏi nhất của trường. Mặc dù nhờ ảnh hưởng mẹ, nó cũng tin Phật, nhưng thái độ cư xử vẫn không thay đổi. Hễ bà nói “niệm Phật tốt” thì nó nghiêng qua tham Thiền, dù lúc tĩnh tọa thấy rõ ràng nó niệm Phật.
*
– Thưa sư phụ, ngài nói xem, có phải là nó nghịch duyên với con không? Có phải nó đến đòi nợ con không?
– Lúc mang thai cháu được sáu tháng, bà thường nổi giận, bà đã gây cãi với chồng mấy lần?
Bà nghĩ ngợi một lúc rồi đáp:
– Dạ có, con gây với ông xã hai lần.
– Chồng bà ngày xưa một bề yêu thương bà, phải không?
– Dạ đúng ạ!
– Chồng bà mỗi khi gây giận, lòng rất oán trách bà. Vì mỗi lần gây chuyện, dù bà biết mình sai, song vẫn cố cãi bướng. Sau đó bà làm mất đi lòng yêu thương chồng dành cho bà, cũng khiến ông mất lòng tin về cuộc sống chung. Khi chồng bà đề nghị ly hôn, bà tuy trong lòng rất không muốn, nhưng ngoài miệng cứ oang oang nói lời trái ngược, còn hùng hổ tuyên bố:
– Ly thì ly…! Ông cút xéo ngay cho tôi!
Từ hồi ly dị đến giờ bà không tái hôn, là bởi vì hối hận và hoài niệm… đúng không?
Đột nhiên bà bật khóc tức tưởi nghẹn ngào…
*
Hòa thượng nói tiếp:
– Lúc bà gây cãi với chồng, thai nhi trong bụng cũng khởi niệm tức giận bà. Cơn phẫn nộ của bà cũng làm thương tổn đến gan tạng con bé. Bà có lỗi nhưng không chịu nhận mình sai. Việc ấy dẫn tới vợ chồng phải ly dị khiến cháu bị mất mát tình thương của cha. Mà nó chủ yếu là vì cha mà đến, nên tận trong sâu thẳm của ý thức, nó đã có sẵn niềm oán hận bà.
Thực ra, nội tâm bà đã thầm sám hối lỗi xưa với chồng, chỉ là không chịu công khai nói ra thôi. Có một cách giúp bà chuộc lỗi mà không làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình hiện tại của ông. Để ông biết bà đã ăn năn, thì hãy dùng tâm sám hối đó đối diện với con gái. Chính do sai trái của bà khiến đời này nó bị mất đi tình phụ tử. Khi ở nhà bà hãy chí thành tụng, lễ ba bộ “Lương Hoàng Sám”. Dưới sự gia trì của Phật, thái độ con gái đối với bà sẽ thay đổi. Nó sẽ thành một đứa con hiếu thuận.
Thai giáo cho bé: Hai Đồng Dưa Cải
Có một nữ cư sĩ khoảng hơn 60, mới nhập Phật môn. Bà và chồng hướng Hòa thượng thỉnh giáo. Con trai bà hiện nay 41 tuổi. Mấy năm trước đầu nó bịnh nấm da trâu, bây giờ đã lên đến não, khắp hai tay, ngón, móng gì cũng bị ráo. Bịnh chuyển lây lan dày mịt, đã chữa chạy khắp nơi mà vẫn vô hiệu, xin Hòa thượng từ bi khai thị.
Hòa thượng hỏi:
– Trước khi sinh thằng bé nửa tháng, bà có vì tiền bạc mà nổi giận không?
– Dạ không!
Hòa thượng nói:
– Việc này xảy ra lúc đang mang thai, bà thường bị ám ảnh và nghĩ đến luôn mà? Hãy tự kiểm thật kỹ lại xem!
Một lát sau, cả hai vợ chồng hầu như đồng thanh nói:
– Dạ đúng, quả có việc này ạ!
Bà kể đó là vào năm 1960, do thiên tai, nên thực phẩm bị khan hiếm. Ngay cả mua cải muối cũng bị cân đong, hạn chế. Lúc thai nhi hơn 7 tháng, bà được quyền mua thực phẩm phụ.
– Con nhớ khi đó mình chưa mua cải muối, nhưng nhân viên ở “Hợp tác xã” lại nhất quyết bảo là: “Mua rồi!”. Con bèn lật sổ ra xem thì thấy đúng là có ghi mấy chữ: “Đã mua” nên nghĩ thầm: “Đây nhất định là mẹ chồng mình đã lén mua để viện trợ cho con gái bà ở Hắc Long Giang chứ không ai khác”. Con về nhà tra hỏi, quả nhiên đúng y như vậy. Thế là con nổi “tam bành” cãi với mẹ chồng một trận dữ dội. Con còn nhớ lúc đó ông xã vì binh mẹ, đã tặng cho con một đạp!…
*
Bà vợ kể lại, tuy ráng mỉm cười nhưng nước mắt lưng tròng, sụt sịt nói:
– Chút chuyện nhỏ này đến nay đã 41 năm nên con quên béng. Ngài và chúng con mới gặp nhau lần đầu, vậy mà có thể “khui” ra hết. Ngài nhất định là Bồ tát!
Hòa thượng dịu dàng bảo bà:
– Thai nhi trong bụng đối với vui, buồn, mừng, giận của mẹ đều cảm nhận được hết. Chỉ là nó không thể biểu hiện cùng ngoại giới thôi. Bà thịnh nộ với mẹ chồng không những làm trái kỷ cương luân thường, mà còn tự hại bản thân. Việc ấy khiến thần kinh não đứa con trong bụng tổn thương. Đây chính là nguyên nhân no mắc bịnh hiện nay. (Đương nhiên cũng do tội sát sinh ăn thịt của riêng bản thân nó nữa).
Cả nhà bà cần phải dứt trừ ăn mặn và cùng sám hối mới có thể tiêu tội nghiệp. Gia đình bà có thể tụng “Kinh Địa Tạng” chăng?
– Dạ được, nhưng không thông thạo lắm.
– Mỗi ngày nên tụng một bộ “Kinh Địa Tạng.” Tụng cho đến khi bịnh con bà hoàn toàn hồi phục…”
(Cách thai giáo cho bé tại nhà tốt nhất)
Tuệ Tâm 2021.
Diệu Hoa viết
Nam mô a di đà phật
Thưa thầy, nếu do những lỗi lầm của người mẹ trong lúc mang thai, và suốt thời gian dạy dỗ con trưởng thành, làm con mình mang bệnh, gian nan trên đường đời…. Giờ hiểu chút ít phật pháp, mới biết tội lỗi của mình. Có thể niệm phật hồi hướng cho con mình (vì nó chưa ngộ phật), để đời nó được an lành khỏe mạnh lên khg? Như vậy có quá trễ khg a?
Chân thành cảm ơn thầy
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Chỉ sợ bạn chẳng nhớ ra để sám hối và niệm Phật hồi hướng cho con, chớ đừng sợ trễ hay không trễ! Sám hối không bao giờ là muộn cả, chỉ sợ mình không nhớ ra mà sám hối đó thôi. Pháp sám hối thực ra rất đơn giản: Chỉ cần mỗi lần mình nhớ ra đã từng phạm lỗi gì, với ai, thì cứ khởi một niệm: “Nam mô A Di Đà Phật! Trước đây do vô minh nên con đã gây ra tội lỗi này, nay hết thảy con xin sám hối. Nguyện từ nay đến vị lai sau thề không tái phạm. Nam mô A Di Đà Phật”, vậy là được. Sám hối quan trọng nhất ở nơi tâm ta biết ăn năn về lỗi lầm đã tạo và phát nguyện thề không tái phạm.
Hồi hướng công đức rất nhiệm mầu: Trước đây Tuệ Tâm có một bạn đạo khá nhiều tuổi. Khi chưa biết đạo nhà bà cả hai con trai lớn đều nghiện ngập, khổ không còn chỗ nói. Khi bà biết đạo thì suốt 3 năm ròng, hàng tuần đều đến một ngôi Chùa gần nhà xin làm công quả, chủ yếu là quét dọn và lau chùi nhà vệ sinh để hồi hướng công đức cho con. Nhờ đó, 2 ông con không cai mà tự hết nghiện, lại thay tâm đổi tánh. Sau đều lấy vợ, sanh con, gia đình yên ấm. Chuyện này thực nếu không tự mình chứng kiến e chính mình cũng không tin khi nghe kể lại. Phật pháp nhiệm mầu như thế đó! Kể chuyện này để bạn thấy rằng không có gì là muộn cả, mong bạn tinh tấn niệm Phật.
Nam mô A Di Đà Phật!
Phương Yến viết
Thưa Tuệ Tâm,
Trong thời kì mang thai, nếu hàng ngày niệm Phật vào buổi sáng rồi, thì niệm Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát vào lúc nào trong ngày được ạ?
Con xin cảm ơn ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Được bạn ạ! Tuy nhiên chuyên niệm một danh hiệu thì tâm dễ chuyên nhất, cảm ứng sẽ nhanh hơn vậy. Khuyên bạn nên nghe lời Tổ, trong thời kỳ mang thai chỉ nên một lòng niệm Thánh hiệu Bồ Tát. Sau này sanh nở bình an, mẹ tròn con vuông rồi, lúc ấy quay sang niệm Phật cầu vãng sanh cũng không muộn.
Nam mô A Di Đà Phật.
Phương Yến viết
Niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát có cần theo nghi thức nào không ạ?
Con xin cảm ơn Tuệ Tâm đã chỉ dạy.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Không cần bạn ạ, cứ an nhiên mà niệm và hễ nhớ ra là niệm, to nhỏ hay niệm thầm công đức đều như nhau.