Thiên Nhãn Thông là gì? “Thiên Nhãn” là khả năng nhìn được như chư Thiên, “Thông” nghĩa là thông suốt, không bị chướng ngại bởi bất cứ thứ gì. Thiên Nhãn Thông là khả năng thần thông có thể nhìn thông suốt khắp các cõi giới, không phụ thuộc vào vật muốn nhìn to hay nhỏ, gần hay xa, có bị che lấp hay không. Người đắc được khả năng này thì trên thấy chư Thiên khắp các tầng trời, dưới thấu rõ hết chúng sanh nơi địa ngục.
Mắt phàm phu của chúng ta có rất nhiều chướng ngại: “Nếu nhìn bên phải, thì không thấy được bên trái. Nếu nhìn bên trái, thì không thấy được bên phải. Nếu nhìn phía trước thì không thấy được phía sau. Và nếu cố gắng nhìn phía sau thì không thấy được phía trước.” Nếu muốn giải quyết được những việc này, ta phải tu tập để khai mở được Thiên Nhãn Thông.
- Chuyện Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
- Chuyện A Nan Tôn giả.
- Chuyện La Hầu La Tôn giả.
- Cách đi lễ Chùa đúng pháp.
- Thế nào là Phước Huệ Song Tu.
- Công đức là gì, Phước đức là gì.
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma huyền tích chuyện.
Thiên Nhãn Thông là gì
Thiên Nhãn Thông có nhiều cấp độ, phụ thuộc vào đạo lực và mức độ tu chứng của từng người. Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Với thiên nhãn thông. Không những quý vị có thể thấy được bên ngoài mà còn thấy được bên trong. Khi quý vị nhìn vào trong thân mình, thấy nó cũng giống như cái bể chứa bằng thủy tinh. Khi quý vị nhìn vào trong cái bể chứa bằng thủy tinh này, sẽ thấy máu huyết của quý vị màu gì.
Khi quý vị có được thiên nhãn thông, huệ nhãn và Phật nhãn, quý vị sẽ thấy được từng bộ phận trong cơ thể mình. Quý vị sẽ thấy được thân có bệnh gì, những nơi khí huyết không lưu thông tốt được. Quý vị có thể thấy được cả trong lẫn ngoài.
Trong Kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy: “Các vị Bồ-tát…thấy được cả trăm ngàn thế giới. Mười phương Như Lai đều thấy cùng tận các cõi nước thanh tịnh như số vi trần không sót chỗ nào, còn chúng sinh thấy rõ không quá gang tấc.”
*
Do đó thì biết: Trình độ của cái thấy sai biệt với nhau rất nhiều. Sơ quả A-la-hán chưa thấy được cõi Sơ thiền, trong khi hàng Nhị quả A-la-hán có thể thấy được cõi Sơ thiền nhưng chưa thấy được cõi Nhị thiền thiên. Hàng Tam quả A-la-hán có thể thấy được cõi Nhị thiền nhưng chưa thấy được cõi Tam thiền thiên. Trừ phi họ có được gia hộ sức oai thần của chư Phật, trong trường hợp đó, họ có thể thấy được Tứ thiền thiên và cõi trời Tứ không.
Hàng Bồ-tát ma-ha-tát, những bậc đã giác ngộ, thì khác; Các vị Bồ-tát …thấy được cả trăm ngàn thế giới. Sơ địa Bồ-tát có thể thấy được 100 thế giới, Nhị địa Bồ-tát có thể thấy được 1000 thế giới, Tam địa Bồ-tát có thể thấy được 10.000 thế giới. Những gì họ thấy được ở mỗi quả vị giác ngộ đều không giống nhau. Mười phương Như Lai đều thấy cùng tận các cõi nước thanh tịnh như số vi trần không sót chỗ nào.
Chỉ có Đức Phật trong 10 phương là có thể nhìn thấy suốt cõi nước thanh tịnh trang nghiêm của các chư Phật. Các ngài thấy rất rõ ràng thông suốt. Như kinh Kim Cương nói: “Hết thảy mọi chúng sinh, nếu có bao nhiêu tâm niệm, Như Lai đều hay biết.” Khi Bồ-tát có được tha tâm thông, họ đều biết được những gì đang diễn ra trong tâm quý vị mà quý vị không cần phải nói ra. Chư Phật cũng biết được tâm niệm quý vị rõ ràng như vậy.
Thiên Nhãn Thông đệ nhất chốn Phật môn: Tôn giả A Na Luật Đà
Trong các đệ tử của đức Phật, Trưởng lão A-na-luật-đà là bậc có thiên nhãn đệ nhất. Ngài đắc Nhĩ Căn Viên Thông và là một trong 25 vị thánh viên thông trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Tên ngài trong tiếng Phạn nghĩa là “không nghèo”. Hán dịch là Vô bần ( 無 貧) . Trong đời này và những đời sau, đời sau nữa, A-na-luật-đà không bao giờ nghèo. Thượng toạ A-na-luật-đà là anh em họ với Đức Phật. Tôi đã đề cập từ trước, Thượng toạ A-na-luật-đà có một tật rất lạ: Bất kỳ khi nào Đức Phật giảng kinh, Thượng toạ đều ngủ gật. Thế nên Đức Phật trách mắng:
Này ông! Sao quá mê ngủ
Như con sò trong vỏ cứng?
Ông ngủ suốt cả ngàn năm
Tên Phật rồi chẳng nghe thấy.
Con sò nằm trong vỏ cứng và chẳng bao giờ thò đầu ra ngoài. Khi Đức Phật trách mắng như vậy, ông liền phát khởi nhiệt tâm: Không bao giờ ngủ nữa! Thượng tọa mở mắt trừng trừng và ngày đêm chẳng ngủ.
Sau 7 ngày đêm không ngủ, Thượng tọa hóa mù. Thượng toạ đến Đức Phật xin được giúp đỡ. Đức Phật bảo Thượng toạ đừng buồn rồi dạy tu pháp Kim cương chiếu minh tam muội. Do chuyên tâm tu tam muội này, A-na-luật-đà đạt được thiên nhãn thông. Nhờ đó Ngài có thể thấy được cõi Diêm-phù-đề, tức thế giới ta-bà này, như xem trái am-ma-la trong lòng bàn tay.
*
Có nhiều cõi Diêm-phù-đề, cõi mà chúng ta đang sống chỉ là một. Trái am-ma-la mọc ở Ấn Độ, ở Trung Hoa không có trái này. Tôi không biết trái nấy có ở nước Mỹ không. Nhưng điểm chính là thế giới rộng như vậy, được A-na-luật-đà nhìn thấy rõ ràng như một miến trái cây nằm trong bàn tay.
Tôi xin nói thêm về Thượng toạ A-na-luật-đà. Trong một kiếp trước, ngài là một nông dân rất nghèo. Hằng ngày ngài dùng một loại mễ cốc có chất lượng rất kém và rẻ để ăn. Ngài không có tiền mua thịt , sữa hoặc những thứ khác ngoài mễ cốc thô này.
Một hôm A-na-luật-đà gặp một vị tỳ kheo già tu trong núi. Vị tỳ kheo già này đã chứng Bích chi Phật. Vào mỗi ngày thứ bảy, vị tỳ kheo xuống núi đi khất thực. Ông ta mang bình bát theo thứ tự chỉ khất thực trong vòng 7 nhà, nếu đến nhà cuối cùng mà không có ai cúng dường gì, vị tỳ kheo già cũng mang bát không về núi và chịu nhịn ăn. Một năm, nạn đói hoành hành vùng ấy, không ai có đủ lương thực để sống. Lương thực rất đắt. Vị Bích chi Phật lại xuống núi khất thực, đến hết nhà thứ 7 vẫn không có ai cúng dường. Theo tâm nguyện của ngài, đành mang bát không về.
Trên đường về núi, vị tỳ kheo già gặp một người nông dân, ông ta chào hỏi: “Thưa thầy, ngài có khất thực được thực phẩm để dùng hôm nay không?”
Vị tỳ kheo già đáp: “Không, tôi đành chịu nhịn.”
*
Người nông dân suy nghĩ: “Thầy không khất thực được gì hôm nay, có nghĩa là thầy sẽ phải chịu đói trong 7 ngày nữa cho đến khi thầy lại xuống núi khất thực. Không thể để thầy chịu đói được. Nếu thầy không chê mễ cốc của mình thô xấu, mình sẽ nhịn phần và xin cúng dường cho thầy.”
Vị Bích chi Phật rất hoan hỷ. Vì sao? Vì ngài đã chịu đói suốt 7 ngày rồi, và nếu ngài trở về núi với bát không thì ngài phải chịu đói suốt 2 tuần lễ. Mặc dù ngài đã chứng ngộ, nhưng đời này, ngài vẫn còn cần đến lương thực. Ngài quá đói nếu không có gì để ăn. Thế nên ngài rất hài lòng. “Cảm niệm công đức to lớn của ông.”- Vị tỳ kheo già nói, rồi hồi hướng công đức cho người nông dân.
Bây giờ quý vị thử đoán xem điều gì xảy đến cho người nông dân đã cúng dường cho vị Bích chi Phật? Một điều rất kỳ lạ đã xảy ra. Nếu tôi nói với quý vị, chắc hẳn khó tin. Tôi cũng thấy khó tin. Nhưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói chuyện ấy trong kinh, nên chẳng có lý gì không tin được. Quý vị phải tin điều khó tin ấy. Chuyện gì đã xảy ra?
*
Khi anh ta cuốc đất, một con thỏ từ mặt đất nhảy vọt lên vai anh ta rồi nằm ở đó không nhúc nhích. Anh ta hoảng sợ, không hiểu tại sao con thỏ lại nhảy lên nằm trên vai mình. Anh cố gắng tìm mọi cách đuổi nó đi, nó vẫn nằm yên đó. Vì thế nên anh ta bỏ về nhà khiến người vợ ngạc nhiên không hiểu vì sao.
Khi đến nhà, người vợ thấy con thỏ đã biến thành vàng. Sau đó, mỗi khi anh ta lấy vàng từ mình thỏ đi đổi thành tiền, thì chỗ vàng vừa lấy tự đắp đầy lại. Từ đó anh thành người giàu có. Anh ta không dám đem nguyên con thỏ vàng đi bán mà cắt bốn chân thỏ đi bán. Khi trở về nhà, bốn chân Thỏ lại mọc ra nguyên vẹn như cũ.
Thế nên của cải anh ta nhiều vô tận. Không những anh ta giàu có trong đời này mà cả trong đời sau, đời sau nữa cho đến 91 đại kiếp, dù sinh trong cõi trời hay trong cõi người, hay bất kỳ anh ta sinh vào nơi nào. Thế nên được gọi là A-na-luật-đà, có nghĩa là không bao giờ nghèo (vô bần – 無 貧).
*
Trong đạo Phật, bố thí là “phóng xả một, hưởng được cả ngàn.” Trong Kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn nguyện cũng dạy như vậy. Quý vị phải tin sâu đạo lý này, chớ nghi ngờ chút nào. Hãy nhìn công hạnh của A-na-luật-đà, giúp cho vị Bích chi Phật qua cơn đói bằng cách cúng dường khẩu phần mễ cốc thô xấu của mình hằng ngày, và vị Bích chi Phật đã hồi hướng công đức nên A na-luật-đà đã nhận được phước báo giàu có vô tận.
Ở Trung Hoa, khi có 1000 vị tăng câu hội thì chắc chắn thế nào trong ấy cũng có một vị A-la-hán. Quý vị nên nghĩ rằng mọi vị tăng mình gặp đều là A-la-hán, mặc dù không dễ gì gặp được, và A-la-hán là một trong cả ngàn. Nhưng vẫn có thể gặp được A-la-hán nếu quý vị nhận ra ngài.
Thượng tọa A-na-luật-đà chỉ cúng dường cho một vị tăng, nhưng vị tăng ấy là Bích chi Phật, nên A-na-luật-đà nhận được phước báo to lớn như vậy. Thế tại sao vị Bích chi Phật lại không được ai cúng dường chút lương thực trong ngày khất thực ấy?
*
Một lần nữa, điều này lại được giải thích theo lý nhân quả: Tu phước không tu huệ, Voi đeo ngọc anh lạc. Tu huệ không tu phước, La-hán về bát không. Nếu quý vị chỉ biết tu huệ, cho rằng: “Tôi sẽ học kinh và nghiên cứu Phật pháp.” Việc ấy rất tốt, quý vị sẽ có được trí huệ. Nhưng quý vị cũng nên tu hạnh bố thí. Quý vị phải biết tu tập cả phước lẫn trí.
Quý vị nên tu phước bằng cách cúng dường Tam bảo. Nếu quý vị không gieo trồng phước đức, thì trong tương lai khi quý vị là A-la-hán đi khất thực, sẽ không ai cúng dường chút thực phẩm nào vì quý vị chưa từng gieo nhân tu phước.
Mặt khác, nếu quý vị chỉ lo tu phước mà không tu tập trí huệ, nếu quý vị chỉ biết làm việc thiện, tu hạnh bố thí, thì trong tương lai quý vị sẽ như con voi được trang sức bằng ngọc anh lạc. Quý vị sẽ bỏ thân này và trở thành con voi câm to lớn, thân mang đầy ngọc ngà châu báu. Thời xưa, phụ nữ trang sức loại ngọc này trên tóc. Ngọc anh lạc thì đẹp bề ngoài nhưng bên trong lại rỗng tuếch. Người mà tu phước không tu huệ sẽ như con voi mang chuỗi ngọc anh lạc vậy. Thế nên khi quý vị tu đạo, nên tu cả phước và trí, bên ngoài tu phước, bên trong tu huệ cho đến khi đạt được ánh sáng giác ngộ. Thế là quý vị có được cảm ứng hỗ tương với đạo…”
(Thiên Nhãn Thông đệ nhất chốn Phật môn – Theo Kinh Lăng Nghiêm giảng giải – Hòa Thượng Tuyên Hóa)
Tuệ Tâm 2022.
Cung Kính viết
Tu phước không tu huệ, Voi đeo ngọc anh lạc. Tu huệ không tu phước, La-hán về bát không.
Kính thưa Tuệ Tâm, Niệm Phật chính là pháp song tu Phước Huệ phải không ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Niệm Phật chính là phước huệ song tu, vạn sự đều đủ đầy nơi sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật”, bạn vững tin mà hành trì nhé! Đức Phật dạy “Tu phước không tu huệ, Voi đeo ngọc anh lạc. Tu huệ không tu phước, La-hán về bát không.” , qua đó thì biết hạnh bố thí cúng dường vô cùng quan trọng. Bố thí cúng dường là nền tảng của tâm từ bi, mà tâm từ bi là nền tảng của Phật pháp. Cho nên dù tu pháp nào đi chăng nữa, cũng nên tùy phận tùy duyên mà hành thêm hạnh này để tâm từ được tăng trưởng. Nhiều người không hiểu lẽ này, khi nghe dạy “cúng dường pháp được công đức tối thắng hơn tất cả” thì chỉ chăm chăm chia sẻ pháp, phế bỏ luôn hạnh bố thí cúng dường, thật vô cùng sai lầm! Tại sao thế? Bởi tự đoạn mất hạt giống từ bi và trái ngược với tôn chỉ cứu khổ ban vui của đạo Phật vậy.
Về việc “La hán về bát không” phải hiểu là để nhấn mạnh hạnh bố thí, bởi nếu lúc chưa đắc quả chẳng tu hạnh ấy thì không gieo được duyên với chúng sanh. Mà nhân quả như bóng với hình, nếu không từng bố thí cho chúng sanh thì lúc đắc quả cũng chẳng ai cúng dường. Đấy là đại ý về phần “Hiển”, còn phần “Mật” thì như thế này: Bậc đắc thánh quả A La Hán thì thân thể, ngủ nghỉ, ăn uống vượt thoát thế gian rồi. Nghĩa là các ngài đi khất thực chỉ để làm phước điền cho chúng sanh. Người được cúng dường cho bậc A La Hán phải nói là duyên trăm vạn kiếp có một, không dễ đâu, căn lành ấy phải huân tu trong nhiều kiếp mới có được! Bởi ai có phước duyên được cúng dường thì người đó được phước đức, chớ thật ra các Ngài đâu có cần ăn để sống như phàm phu bọn ta đâu. Ở cảnh giới của các Ngài thì luôn trong Định, không có ngủ nghỉ, chân đi chân không chạm đất, 18 phép thần thông đủ đầy, đến đâu chư thiên rải hoa cúng dường đến đó. Các Ngài có thể nhập định cả ngàn năm, chẳng cần ăn uống gì mà nhục thân không hư hoại. Như Tôn giả Ma Ha Ca Diếp hiện đang nhập định ở núi Kê Túc – Trung Hoa là một điển hình. Ngài nhập định ở đấy chờ lúc đức Từ Thị thành chánh giác rồi mới thị hiện nhập Niết Bàn…
Đại ý là như thế đó!
Cung Kính viết
Nam mô A di đà Phật
Con đã vững tin hơn rồi ạ. Cám ơn Tuệ Tâm nhiều
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Bài viết của thầy rất hay
Thưa thầy, niệm phật là phước huệ song tu, nhưng mà đi chùa đệ tử vẫn thích cúng dường tam bảo cho mình và cho người thân, rồi hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sinh
Vậy được khg thầy
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Được bạn ạ! Người chân chính học Phật nên tùy phận tùy duyên làm các việc thiện lành, hồi hướng công đức ấy cho pháp giới chúng sanh thì tâm tương ưng với pháp, vừa thuận theo bản hoài của chư Phật, vừa rộng gieo duyên với chúng sanh. Nhiều người không hiểu lẽ này, nghe “bố thí pháp tối thắng bậc nhất” liền chỉ chăm chăm chia sẻ pháp, phế bỏ luôn hạnh bố thí cúng dường, thật vô cùng sai lầm!
Chỉ lưu ý là: Những việc ấy bạn cứ tùy duyên tùy phận, tùy sở nguyện, an nhiên tự tại mà làm, xong liền hồi hướng cho pháp giới chúng sanh cùng thân gia quyến thuộc, chớ hồi hướng về Tịnh Độ để cầu vãng sanh mà rơi vào Tự Lực Niệm Phật nhé!
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, mấy năm trước đệ tử có đọc 1 bài viết của thầy nào trèn mạng, nên hồi hướng về Tịnh độ
Sau này được thầy khai đạo nên chỉ hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sinh, cho ông bà tổ tiên, người thân, cho oan gia trái chủ…. thôi ạ
Cảm ơn thầy rất nhiều
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Ngày xưa căn tánh con người trong sáng nên không học Phật thì thôi, hễ học Phật thường cảm ứng nhanh. Chỉ cần người ta chuyên tâm, hoặc tụng kinh, trì chú, thiền định, niệm Phật…một thời gian liền phát sanh cảnh giới, vào tịch tĩnh, hưởng pháp vị…Những thứ ấy thù thắng vô cùng nhưng vẫn cách rất xa với Đạo. Vì sợ đường giải xa thoát muôn dặm, người ta được chút chút liền lạc bước dừng chân, nên chư Tổ thường khuyên hồi hướng công đức về Tịnh Độ, mục đích để người ta lấy đó làm nẻo chỉ quy mà ra khỏi sanh tử, chớ cõi Cực Lạc được hình thành bởi nguyện lực của Phật A Di Đà, chút phước đức nhỏ nhoi ta làm ở cái cõi uế trược này, làm sao có thể trang nghiêm cõi ấy cho được!
Ý Tổ sâu xa, tùy căn cơ và thời tiết nhân duyên khai thị, cốt để chúng sanh được giải thoát. Đời sau không hiểu điều này, chúng sanh căn tánh hèn tệ nhưng chấp chết cứng lời các Ngài nên thường rơi vào Tự Lực Niệm Phật. Chánh hạnh công đức viên mãn không tu, lại tạp hạnh tạp tu lo công đức, dùng trợ hạnh để hồi hướng cầu vãng sanh. Kết cuộc đều tự chướng ngại chính mình vãng sanh, chẳng thể về Cực Lạc, uổng phí một kiếp tu…