Sư Thầy tự thiêu là chuyện khá hiếm trong chốn Phật môn. Bởi đây là pháp cúng dường tối thượng của bậc Bồ Tát Thị Hiện, vì để cầu chánh pháp trường tồn, hoặc để chúng sanh tỉnh ngộ mà khởi phát tín tâm. Như Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu để lại xá lợi trái tim là một trường hợp điển hình trong thời cận đại. Nếu chẳng xảy ra việc kinh động trời đất lẫn quỷ thần của Ngài, chắc gì Phật pháp tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ được như hôm nay!
Tôi miễn cưỡng đặt chủ đề là “Sư Thầy tự thiêu cúng dường” cho gần gũi với người sơ cơ học Đạo. Chớ thực ra phải đặt là Cao Tăng tự thiêu cúng dường mới đúng. Bởi đây là pháp Xả Thân Cúng Dường, xuất phát từ Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự – Kinh Pháp Hoa. Xả Thân Cúng Dường, nếu chẳng phải bậc đã đưa tâm về “nhà”, ắt không thể nào chịu nổi sự đau đớn khủng khiếp khi Tứ đại phân ly. Cho nên, riêng pháp này, phàm phu không cách chi rớ vô được!
- Pháp Sư Cưu Ma La Thập.
- Sự thật về hoa Ưu Đàm.
- Quỷ là gì?
- Cách đi lễ Chùa.
- Xá Lợi Phật là gì.
- Cửu Phẩm Liên Hoa là gì.
- Thiền sư Chí Công thần dị chuyện.

Sư Thầy Tự Thiêu Cúng Dường: Những Chuyện Linh Dị Kỳ Đặc
Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Thời nhà Tống có Sa môn Thích Tuệ Ích, người vùng Quảng Lăng. Ngài xuất gia lúc còn trẻ tuổi, theo Thầy đến ở vùng Thọ Xuân. Trong thời Tống Hiếu Kiến, Ngài rời chốn kinh đô đến ở chùa Trúc Lâm. Ngài thường tinh cần khổ hạnh, thường thề muốn tự thiêu thân. Mọi người biết chuyện ấy, có người phỉ báng, có người ngợi khen.
Đến năm thứ 4 thời Tống Đại Minh, Ngài bắt đầu đoạn tuyệt các loại ngũ cốc, chỉ ăn bánh làm bằng vừng và lúa mạch. Đến năm thứ sáu thời Tống Đại Minh lại đoạn tuyệt các loại lúa mạch, chỉ ăn dầu bơ. Một thời gian sau lại đoạn tuyệt dầu bơ, chỉ uống thuốc viên làm từ các loại hương liệu. Tuy bốn đại yếu ớt gầy khô, nhưng thần thái tình ngày một anh minh tịch tĩnh.
*
Hiếu Vũ Đế đặc biệt kính trọng Ngài, thường thăm hỏi rất ân cần. Vua nhiều lần phái quan Thái Tể vùng Giang Hạ là vương Nghĩa Cung đến chùa can ngăn, nhưng Ngài thề không thay đổi chí nguyện.
Đến ngày mồng 8 tháng 4 năm thứ 7 thời Tống Đại Minh. Gần đến ngày tự thiêu, Ngài ở phía Nam vùng Chung Sơn, cho đặt nồi lớn chứa đầy dầu. Sáng sớm hôm tự thiêu, Ngài ngồi xe trâu xuống núi. Vì Đế Vương là nơi muôn dân dựa vào, còn Tam bảo là nơi gởi gắm. Cho nên Ngài tính vào cung từ biệt vua. Khi đến cổng Vân Long, do sức yếu, ngài không thể nào bước xuống được, nên cho người báo tin với vua: “Đạo nhân Tuệ Ích nay sắp xả thân, đến cổng xin từ biệt dặn dò.”
Đế nghe tin thay đổi sắc mặt, liền tự mình đi ra cổng Vân Long. Ngài gặp Đế, thăm hỏi, đem Phật pháp nhờ cậy nhắn nhủ rồi từ biệt ra đi, Đế cũng đi theo sau. Các bậc Vương thân, Phi hậu, đạo tục, quân dân đầy khắp hang núi. Họ cùng ném y phục, trang sức, báu vật cúng dường, nhiều không thể nào kể xiết.
*
Tuệ Ích mới bước vào trong nồi, ngồi trên chiếc ghế nhỏ. Ngài dùng dây mềm tự quấn mình, phía trên đội chiếc nón, rồi lấy dầu tưới vào. Sắp đến lúc châm lửa, Vũ Đế sai Thái Tể đến bên nồi quỳ xuống thỉnh cầu rằng: “Đạo thực hành nhiều cách, việc gì phải bỏ mạng. Mong sư suy nghĩ lại, thay đổi chọn lấy cách khác!”
Tuệ Ích xưa nay chí hướng vô cùng kiên cố, chưa từng có ý niệm thối lui, Ngài bảo: “Thân mạng bé nhỏ hèn mọn này đâu cần giữ lại. Tôi nguyện xả thân độ người thế gian cùng chúng xuất gia!”
Vũ Đế biết không cách chi lay chuyển được ngài nên nuốt nước mắt ban sắc lệnh đồng ý. Khi ấy Tuệ Ích tự tay cầm đuốc châm vào nón. Lúc nón cháy rực lên thì ngài bỏ đuốc, chắp tay tụng phẩm Dược Vương. Lửa cháy đến lông mày, tiếng tụng kinh hãy còn rõ ràng, cháy đến mắt mới mê muội đi. Tất cả mọi người có mặt đều thương xót thở than, tiếng khóc chấn động núi rừng. Không một ai không rơi nước mắt niệm Phật.
Vũ Đế vào lúc ấy nghe giữa bầu trời có tiếng đàn-sáo vang lừng, mùi hương kỳ lạ thơm ngát. Đế cuối ngày mới trở về cung, đêm liền mộng thấy Tuệ Ích chống tích trượng đến, nhắn nhủ bảo vệ Chánh pháp. Hôm sau Vũ Đế tiến hành thiết trai độ người, cũng với trai chủ thuật lại đầy đủ hiện tượng tốt lành. Về sau nơi Ngài thiêu thân xây thành chùa Dược Vương.
Sư Thầy Tự Thiêu Cúng Dường: Thiền Sư Đạo Độ
Niên hiệu Phổ Thông nhà Lương, có thiền sư Đạo Độ ở chùa Tiểu Trang Nghiêm. Ngài giới hạnh tinh, tánh tình thẳng thắn, thông thạo hiểu rõ nghĩa Đại thừa. Lương Đế kính trọng, luôn xem Ngài như Thiền sư Tứ Quả. Ngài thường chán ngán thân, ví thân giống như loài cây độc. Hoặc thường bảo thân mạng vô thường, chết thì bỏ trong rừng Thi Đà, thí cho chim thú ăn nuốt. Ngài cho việc ấy khiến hạnh Bố thí được thành tựu đầy đủ nên ấp ủ dự định tự thiêu thân. Từ đó ngài tích góp củi khô, dần dần giảm bớt ăn uống.
Vào ngày mồng 3 tháng 11, năm thứ 7 thời Lương Phổ Thông, chuông tự nhiên phát ra tiếng. Đại chúng trong chùa kinh hãi, không biết điềm báo về việc gì. Ngày mồng 8 tháng ấy chuông lại tự nhiên phát ra tiếng, Ngài liền công bố nguyện cùng Đại chúng. Từ đó về sau Ngài không ăn gì, mỗi ngày ngày uống một Thăng nước.
*
Đến sáng ngày 25, chúng trong chùa đến thăm ngài. Họ kinh ngạc thấy chiếc bình uống nước của Ngài phát ra ánh sáng năm màu, hương thơm bay ngào ngạt. Đến sáng ngày 29, Trụ trì Tăng Toàn cùng với nhiều người đến thăm. Từ xa họ đều thấy ánh sáng màu tím trong thất của ngài xông thẳng lên trời. Gần tối hôm ấy bỗng nhiên có bầy chim, khoảng năm-sáu trăm con, cùng tụ lại trên một cây. Chúng hót bi thương rồi bay về phía Tây.
Canh hai đêm đó, trong chùa có ánh sáng nhiều màu chiếu xuống sáng rực. Đến giữa canh năm, nghe trên đỉnh núi có tiếng lửa làm chấn động. Đại chúng kinh hãi chạy đến xem thì thấy đã Ngài chắp tay trong lửa. Thứ sử Vũ Lăng Vương phái người vẩy nước quét dọn, thâu nhặt xá lợi rồi xây tháp an trí.
Một thời gian sau, đại chúng thường nghe trên đỉnh núi có tiếng khánh đá phát ra, âm thanh rất trong trẻo. Trước đó ở nơi thiêu thân có cây lớn chết khô đã hơn mười năm, Thiền sư vào núi thường ngồi dưới gốc cây này. Mùa Xuân năm sau thì cây mọc ra cành lá.
Sư Thầy Tự Thiêu Cúng Dường: Thánh Tăng Tự Thiêu
Thời nhà Chu có Sa môn Thích Tăng Nha ở Ích Châu, họ Mâu Thị. Lúc còn thơ, ngài ít nói, không đùa cợt hỗn tạp bao giờ. Mỗi lần đi qua suối nước trên núi, ngài thường chắp tay lễ chào rồi sau đó mới uống. Có hôm ngài ngồi suốt ngày nhìn chăm chú không chớp mắt. Người ta hỏi nguyên cớ ấy, ngài đáp rằng: Thân này thật đáng chán, sau này cần phải đốt nó đi, tôi đang suy nghĩ điều đó.
Đến tuổi trưởng thành, Ngài theo việc binh đao, kiên cường chính trực vô cùng. Ngài từng theo bạn bắt cá, lúc chia phần, ngài đem thả hết xuống sông. Lại nói với bạn bè rằng: “Giết hại không phải là nghiệp tốt đẹp. Nay toàn thân tôi đều đang có những vết thương. Tôi thề chấm dứt săn bắn từ đây.” Nói xong, ngài đốt bỏ dụng cụ săn bắn của mình.
Nơi ngài ở người ta đắp đập ngăn nước để làm hồ nuôi cá, cả vùng tụ tập đông vui. Đang khi đắp đập thì bỗng nhiên xuất hiện một con rắn kỳ lạ, dài hơn một thước, đầu và đuôi đều đỏ. Trong chốc lát nó lớn hơn một trượng (10 thước), vòng thân năm – sáu thước. Mọi người kinh sợ, nháo nhác bỏ chạy tán loạn. Con rắn tiến vào dòng nước, rồi đột ngột bay lên không trung, ẩn vào mây. Ánh sáng đỏ chói, soi khắp cánh đồng rất lâu mới hết.
*
Lát sau mọi người quy tụ lại cùng nhau bàn tán sự việc. Tăng Nha nói: “Mọi người đừng lo lắng. Chỉ cần chấm dứt nghiệp giết hại thì rắn không làm hại đến người.” Nói xong lại khuyên dân ngưng làm đập ngăn hồ. Mọi người còn đang tranh cãi thì tự nhiên con đập vỡ tan. Ngay gôm đó, Ngài liền xuất gia.
Vào tháng sáu năm thứ nhất niên hiệu Vũ Thành (Thời Bắc Chu). Ngài đứng ở đầu đường phía Tây thành Ích Châu, lấy vải quấn năm ngón tay cả hai bên mà đốt.
Có người hỏi: “Đốt ngón tay có thể không đau đớn chăng?”
Tăng Nha nói: “Đau đớn do tâm mà khởi lên. Tâm không có gì đau đớn thì ngón tay do đâu mà đau cho được?”
Người đương thời do đó gọi ngài là Tăng Nha Bồ Tát. Hoặc có người hỏi rằng: “Hình như Thầy có bệnh phong, sao không chữa trị?
Đáp rằng: “Thân đều là trống rỗng, giả tam, biết do đâu mà chữa trị?”
Lại hỏi: “Căn và Đại có đối đãi, sao nói là trống rỗng?”
Đáp rằng: “Bốn Đại và năm Căn trú ở đâu vậy?”
Mọi người đều phục lời ấy.
Đoài Pháp Sư ở chùa Hiếu Ái là người có sự kiến giải rộng lớn. Pháp sư nhờ Tăng Nha mà phát tích, bèn dẫn mấy chục người đệ tử đến cung kính lễ lạy. Pháp sư cởi y mà cúng dường, đoạn quay đầu nhìn Đại chúng nói: “Thật sự hiểu Bát Nhã, không phải chỉ có miệng nói.” Vì vậy đạo tục thường quy tụ, kính trọng và tin tưởng ngài gấp bội.
*
Một hôm Ngài tự thiêu cả hai tay. Do ngón tay bên trái không còn, lửa cháy đến xương bàn tay, tủy sôi trào lên sắp dập tắt ngọn lửa. Ngài bèn dùng ngón tay còn lại bên tay phải kẹp ống trúc khều ra. Có người hỏi nguyên do. Tăng Nha nói: “Bởi vì các chúng sanh không thể nào thực hành hạnh nhẫn. Cho nên khuyên người không nhẫn được thì hãy nhẫn, người không đốt được thì hãy đốt mà thôi.” Đồng thời ngài nói pháp, khuyến khích chúng thực hành Từ Bi, đoạn dứt rượu thịt.
Tuy khói lửa cùng hừng hực từ ngày đến đêm, hai tay đều đốt cháy mà sắc mặt Ngài không biến đổi. Lại còn vì bốn chúng mà nói Pháp, tụng kinh. Có lúc từ ngữ thiết tha, nghĩa lý quan trọng, thì gật đầu mỉm cười. Lúc có người sinh tâm uể oải, thì thầm chuyện riêng, ngài liền quay đầu lại nói: “Tôi ở trong núi ban đầu không biết chữ. Nay nghe lời kinh từng câu từng câu tương ưng với tâm, sao chư vị không hết lòng yên lặng lắng nghe? Nếu như tôi làm trái thì tay này đốt chẳng ích gì, nào khác khúc củi vậy ư?”
Đại chúng nghe vậy sợ hãi, tất cả đều gắng nhiếp tâm chuyên chú lắng nghe. Sau đó Ngài nói với mọi người: “Thời mạt pháp chúng sanh lắm khinh mạn, tâm trở nên mờ mịt. Thấy tượng Phật giống như khúc gỗ, nghe kinh pháp giống như gió lướt qua tai ngựa. Nay ta vì chép kinh giáo Đại thừa cho nên đốt cháy tay mình. Nguyện việc này làm tăng trưởng tín tâm cho người học Phật.”
*
Trai gái già trẻ cả cùng nghe điều ấy đều đến vây quanh rất đông, đồng chắp tay cung kính. Đại chúng tập trung ở đường lớn phía Tây thành bàn luận về pháp hóa. Lúc ấy trời mưa nhỏ, ngài liền thu tâm nhập định thì mây tan trăng sáng. Bỗng nhiên năm cái xương nơi cánh tay đã đốt như tro nến còn thừa đều mọc ra, dài khoảng ba tấc, trắng như ngọc kha.
Tăng Ni hỏi: “Sau khi Bồ Tát diệt độ, chúng con nguyện nhận xá lợi xây tháp cúng dường. Như vậy có được chăng?”.
Ngài bèn dùng răng miệng kẹp năm cái xương mới mọc ra, nhổ lên đưa cho đại chúng rồi bảo: “Có thể làm tháp.”
Đến ngày 14 tháng 7, bỗng nhiên có tiếng ầm ầm, giống như trời long đất lở khiến người và súc vật đều kinh hãi. Đại chúng nhìn lên không trung thấy mây lành, cờ xí ẩn hiện. Các tướng lành rất lâu sau mới hết. Mọi người đem sự việc thưa hỏi, Ngài bảo: “Đây là không còn đau khổ, giật mình trong giấc ngủ Tam muội mà thôi. Tôi sắp xả thân, đại chúng nên lo liệu vật dụng cúng dường.”
Lúc ấy Đạo Thiền Sư ở chùa Hiếu Ái, giới hạnh rất tinh chuyên, tuổi già đức lớn. Thiền sư bỏ tích trượng lục độ, cùng với chiếc y màu tím cúng dường Tăng Nha mà ném vào ngọn lửa. Tăng Uyên từ xa chuyển đến tặng chiếc ca sa bá nạp, ý nguyện mang bên mình. Lúc ấy đời đạo quy tụ, phẩm vật cúng dường chất cao như núi.
*
Rạng sáng ngày hôm sau, Ngài bảo thị giả là Pháp Đà rằng: “Ông đến lấy tích trượng và chiếc y màu tím của Đạo Thiền Sư. Lấy chiếc ca sa bá nạp của Tăng Uyên đến đây.”
Ngài đắp y cầm tích trượng cùng đồ chúng đến nơi thiêu thân. Lúc ấy đạo tục hơn 10 vạn người, vây quanh lớp lớp mà khóc. Tăng Nha nói: “Chỉ giữ gìn tâm Bồ đề, đạo nghĩa không có gì phải khóc.”
Ngài lên tòa cao nói pháp, thi thoảng đưa mắt nhìn vào đống củi, vui vẻ cười. Thuyết pháp xong, ngài nằm nghiêng bên phải một lát rồi bỗng nhiên đứng dậy hô to: “Thời gian sắp đến rồi.”
Lại dặn dò chúng Tăng rằng: “Phật pháp khó gặp, nên cùng nhau hộ trì!”
Nơi tòa thiêu, củi xếp cao mấy chục trượng. Phía trên làm căn phòng nhỏ bằng củi khô, lấy dầu tưới ướt. Tăng Nha chầm chậm bước đến. Ngài đi vòng quanh ba vòng, lễ lạy bốn cửa rồi bước lên trên cao. Ngài dựa vào lan can nhìn xuống dưới tụng kinh Bát Nhã. Có thí chủ tên là Vương Soạn sợ hãi nói: “Nếu tôi châm lửa đốt cháy Thánh nhân, thì sẽ mắc tội nặng.
Ngài liền bảo Vương Soạn: “Ông đừng sợ châm lửa mắc tội, việc ấy chính là phước lớn đấy.”
Ngài thúc giục mọi người châm lửa. Nhưng tất cả đều sợ hãi, bỏ đuốc xuống đất, không ai dám châm. Thấy vậy ngài dùng cánh tay kẹp đuốc, trước hết đốt phía Tây Bắc, tiếp đến phía Tây Nam.
Củi khô dầu đượm, rừng rực bốc cháy dữ dội. Ngài buông đuốc mà lễ lạy.
*
Lạy lần thứ hai thì thân thể đầu mặt đã cháy sém. Tiếp tục lạy một lạy nữa thì thân liền ngã trên than đỏ. Khi củi hết lửa tắt, đại chúng xem thì thịt xương đều tiêu tán, nhưng trái tim vẫn còn, đỏ rực mà lại ướt. Gan ruột phổi thận của Ngài vẫn còn tự nhiên nối liền nhau. Đại chúng lại lấy thêm 40 xe củi mà đốt, ruột gan tuy cuộn lại mà trái tim vẫn như cũ. Đài Pháp Sư bèn khiến thâu lấy mai táng ở dưới tháp.
Lúc trước tự thiêu, có người hỏi rằng: “Bồ Tát diệt độ, nguyện thị hiện tướng lành gì chăng?”
Ngài nói: “Thân tôi có thể không còn, nhưng trái tim không thể hủy hoại.”
Mọi người nói là trái tim thánh nhân không có hình tướng, cho nên không bị đốt cháy. Sau thấy trái tim ngài vẫn còn, lúc ấy đại chúng mới rõ điều trước đây đã nói.
Cuộc đời và đạo nghiệp của Ngài có vô số điều linh dị. Có Tăng Phật Hưng ở chùa Hiếu Ái, chỉ ham ăn uống theo thói tục hủ lậu sa đọa. Một hôm ông ta đi theo sau xe Tăng Nha, tự phát nguyện rằng: “Nay được gặp Thánh nhân, thề chấm dứt rượu thịt.”
Đến lúc trở về đến chùa trông thấy người sắc vàng nói: “Ông có thể chấm dứt rượu thịt là điều rất tốt. Nếu ông ăn thịt một chúng sanh, thì tức là ăn thịt tất cả chúng sanh. Nếu còn ăn nữa, thì chính là ăn thịt của hết thảy cha mẹ quyến thuộc của mình. Nếu vẫn muốn ăn không kiềm chế được thì nên nghĩ mình giống như sâu bọ trong xác chết.”.
*
Lại nói: “Ngày có sáu thời nghĩ đến điều thiện là rất tốt, nếu không thì một thời cũng được. Nếu một thời không được thì một niệm thiện trong tâm mình cũng có thể diệt trừ điều ác.” Người ấy nói xong liền biến mất.
Sau đó Phật Hưng phát tâm tinh tiến, đi quanh tháp niệm tụng, lại nghe giữa hư không có tiếng nói rằng: “Ông chịu khó trì trai, nguyện khiến cho chúng sanh không bị ăn thịt, khiến cho thân ngạ quỷ thường được no đủ. Nay ông được sự cảm ứng này, đều là nhờ thần lực của Tăng Nha.”
Khi Tăng Nha bước lên lầu củi, thì cùng lúc ấy ở chùa Đại Kiến Xương phát sinh dị tượng. Sa môn Tăng Dục thấy ngoài cổng chùa có ánh lửa cao 4-5 trượng. Lửa từ mặt đất mà phát lên, vọt thẳng lên đến bên cạnh lầu, rất lâu mới tắt.
Lại vào ngày bắt đầu đốt, Đại đức Sa môn Bảo Hải ở chùa Châu, hỏi rằng: “Cùng là lửa như nhau, vì sao Bồ Tát chịu được thiêu đốt mà không thấy đau đớn?
Tăng Nha nói: “Bởi vì chúng sanh có tưởng, cho nên đau đớn mà thôi.”
Lại hỏi: “Ngài thường nói thay chúng sanh nhận chịu khổ đau. Việc ấy thật sự có thể hay không?”
Ngài đáp: “Đã là tâm thay thế nhận chịu, tại sao không được?”
Lại hỏi: “Tội lỗi của chúng sanh thành thục, đều tự nhận chịu đau khổ, vì sao có thể thay thế?”
*
Đáp rằng: “Giống như đốt cánh tay, một niệm thiện căn lập tức có thể diệt trừ niệm ác. Lẽ nào không phải là thay thế hay sao?”
Trong chúng có người nghi là Tăng Nha không phải Thánh nhân, Ngài liền gọi tên của người ấy, nói rằng: “Chư Phật ứng hiện ở thế gian, hình tướng không có gì nhất định. Hoặc làm những người bệnh xấu xí, thậm chí là loài súc sanh thập kém. Đàn việt cẩn thận đừng khinh khi xằng bậy!”
Đến lúc sắp châm lửa mọi người đều nhìn thấy tướng kỳ lạ: Hoặc thấy tán tròn che Tăng Nha và có Đạo nhân ở phía trên. Hoặc thấy hào quang ngũ sắc chiếu soi. Hoặc thấy phía trên lầu củi giống như hình dáng mặt trời xuất hiện, đồng thời mưa xuống các loại hoa. Hoa lớn thì giống như cái sọt đựng đồ vật, nhỏ thì giống như cái núm chuông năm màu xen lẫn với nhau rơi xuống. Người ta đưa tay đón lấy nhưng hễ chạm vào đầu tiêu mất.
Sau khi Tăng Nha diệt độ, người huyện Bì ở bên dòng sông, trông thấy giữa bầu trời có kiệu xe sơn son tấp nập: Tăng Nha ngồi trên kiệu, thân mặc ca sa bá nạp màu vàng, để lộ ra một phần chiếc y màu tím. Tay nắm tích trượng, theo sau có năm sáu trăm vị Tăng. Tất cả đều che ô bằng trúc, cưỡi hư không về phía Tây mà ẩn dạng.
*
Lại có Tăng Tuệ Thắng ở chùa A Ca Nị Tra, ôm bệnh nằm trên giường không thấy cảnh đốt thân. Ông ta lòng dạ buồn rầu hối hận. Chợt mộng thấy Tăng Nha tay ôm bọc dẫn một Sa di đến. Trong bọc có khoảng chừng ba hộc hương và mạt vụn Đàn hương. Tăng Nha phân làm bốn cụm, đặt xung quanh chỗ Tuệ Thắng rồi dùng lửa đốt.
Tuệ Thắng sợ hãi nói: “Đệ tử chỉ là phàm phu, không có năng lực thiêu thân đâu!
Tăng Nha nói: “Không có gì phải sợ, chỉ dùng xông bệnh mà thôi.”
Đến khi tro nóng tàn, Tuệ Thắng cảm thấy mạnh khỏe dễ chịu vô cùng. Ông ta cầu xin hiện rõ điềm lành. Tăng Nha bảo: “Tôi ở Ích Châu giả danh là Tăng Nha thôi. Tên gọi thật sự là Bồ Tát Quang Minh Biến Chiếu Bảo Tạng.”
Tuệ Thắng tỉnh dậy thì sức khỏe gấp bội thường ngày.
Một hôm trong thôn vì Tăng Nha mà thiết hội. Tuệ Thắng tự mình xướng to rằng: “Đồng Châu phước thiện nhiều, đạo tục thấy điềm lành. Chúng con nghiệp chướng sâu dày hoàn toàn không thấy điều gì.” Vì vậy hơn hai trăm người lập tức lên tiếng nói theo. Ngay lập tức tất cả trông thấy hoa trên trời như tuyết rực rỡ rơi xuống. Đến lúc ăn cơm trưa xong thì hình tướng của hoa lớn dần lên, bằng cái khay 7 tấc, đều có màu sắc vàng rực. Bốn chúng tranh nhau đón bắt nhưng hoàn toàn không thể nắm được. Có người leo lên cây muốn lấy hoa, nhưng đều bay lên cao biến mất.
*
Lại có Vương Tăng Quý là dân ở vùng Thành Đô, từ sau khi Tăng Nha thiêu thân thì cả nhà chấm dứt ăn thịt. Sau đó do công việc đa đoan nên muốn bỏ không ăn chay nữa. Ông ta bảo: “Lúc ấy đang là canh hai, bỗng nhiên tôi nghe ngoài cổng có tiếng gọi đàn việt. Tôi ra cổng thì thấy một Đạo nhân nói: “Cẩn thận đừng ăn thịt!” Giọng nói lộ rõ vẻ bi thương, đau xót. Nói xong gạt nước mắt mà đi. Tôi chạy theo một đoạn thì thấy Đạo nhân biến mất.”
Lại sau khi Ngài đốt thân. Vào giữa tháng 8 có người tên là Mâu Nan Đương đi lên núi săn bắn. Ông ta nhìn thấy một con hươu to lền giương cung. Chưa kịp bắn liền thấy hươu biến mất, thấy Tăng Nha cưỡi hươu xanh đứng trước mặt. Đương kinh hãi nói: “Ngài tại Ích Châu đã thiêu thân chết rồi. Nay sao lại ở đây?”
Tăng Nha nói: “Săn bắn là mắc tội. Ông nên chịu khó gắng sức làm ruộng vườn thôi.” Nói xong thì mất dạng.
Những chuyện linh dị như thế nhiều không kể xiết!”
( Sư Thầy tự thiêu – Những chuyện linh dị kỳ đặc)
Tuệ Tâm 2022.
Hiến Đinh viết
Dạ thưa sư Tuệ Tâm, cho con hỏi vì sao đây lại là ‘pháp cúng dường tối thượng’ của bậc Bồ Tát ạ? Nếu làm vậy có người sơ cơ không hiểu đem lòng phỉ báng hoặc mang tâm sợ hãi mà không quay về Chánh pháp thì sao ạ?
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nói pháp cúng dường tối thượng là vì chỉ bậc Bồ Tát mới làm nổi, và các Ngài làm vì để Phật pháp trường tồn hoặc vì đặc biệt giáo hóa chúng sanh. Phàm phu bọn ta dẫm phải cái gai nhọn, nhức cái răng, còn không kham nhẫn được, nói chi đến việc lớn lao hơn. Phàm phu mà đốt thân thì kêu la quằn quại, hiện tướng tam đồ, còn nhục thân Bồ Tát tự thiêu cúng dường thì an nhiên tự tại, thường có vô số các điềm linh dị. Chúng sanh do đó mà được cảm hóa, làm gì có chuyện mang tâm sợ hãi mà không quay về với chánh pháp được!
Còn những người hủy báng thì phải chịu thôi, biết làm sao được. Thị phi là căn bản của chúng sanh trên thế gian này. Bởi vậy nên năm xưa, Ngài Pháp Chiếu gặp Đức Văn Thù nhưng không nói cho ai. Về sau Bồ Tát hỏi lý do, Tổ Pháp Chiếu bảo: “Con sợ người ta không tin, sanh tâm hủy báng mà mang tội.” Đức Văn Thù bảo Tổ: “Ông cứ rộng nói cho chúng sanh khởi phát tín tâm. Còn chuyện hủy báng thì đừng bận tâm, bởi ngay cả ta cũng bị người đời hủy báng nữa là…”
Nguyễn Tiệp viết
Dạ thưa thầy Tuệ Tâm! Con ngu muội xin được hỏi là nếu tự thiêu như vậy thì có mắc tội tự tử không ạ? vì dương thọ chưa hết ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tự thiêu như các Thánh nhân trong bài viết thì không mắc tội gì, bởi hành động ấy là vì đại nguyện cầu Phật pháp được trường tồn, cũng gọi là Bồ Tát Hạnh. Đại nguyện ấy lợi lạc cho pháp giới chúng sanh, không thể dùng bút mực và trí phàm phu mà luận được. Bởi ngoài Phật pháp ra, chúng sanh không có cách chi ra khỏi được sanh tử luân hồi. Vì thế trong A Tăng Kỳ Kiếp trước khi thành Phật, đức Phật Thích Ca đã vô lượng lần thí mạng: Có khi vì cầu một câu kệ mà chẻ xương làm bút, lấy máu làm mực, thân thí cho la sát. Có khi vì tâm từ bi cứu vớt chúng sanh, tự cầm dao hại mình cho con vật ấy ăn…những chuyện ấy trong kinh nhiều vô kể.
Còn hạng phàm phu ngu si trên thế gian, dù tự thiêu vì cuồng loạn, vì mục đích cá nhân, hay vì bị linh quỷ ám muội thì mắc tội cực nặng, gọi là tự tử hay “Phi hành tự hại”. Tội này vong linh bị giam cầm và hằng ngày: “Cứ đúng giờ tự tử ấy phải thực hiện lại hành vi của mình. Bỏng rát, đau đớn như thế nào, tứ đại phân ly khủng khiếp như thế nào đều phải trải qua không khác chi lần đầu tiên.” Như thọ mạng được 70 tuổi mà tự tử lúc 30 tuổi thì phải thực hành trong 40 năm liên tục như thế, không bỏ sót ngày nào. Sau khi thọ cái hình phạt ấy rồi phải đọa thẳng vào địa ngục không biết đến kiếp nào mới được thoát ra…
Tôi thường mỗi lần đọc thấy có người tự tử đều ứa nước mắt. Thương kiếp nhân sinh vô thường ngắn ngủi. Chúng sanh mê muội tưởng rằng chết là hết, tưởng rằng chết là giải thoát…thật đáng xót thương. Nếu biết cảnh giới sau khi tự tử khủng khiếp như thế nào, chắc chắn thế gian, dù có cực khổ đến thế nào đi nữa, cũng không có ai dám tự tử!
Ngọc viết
Nam mô A Di Đà Phật
7 – 8 năm trước, con cũng có ý định tự tử. Nhà chỉ thờ thần tài thổ địa, không đi chùa nên con cũng không để ý đến Phật pháp. Nhưng trước khi có ý định như vậy thì con có search lên google hỏi:” tự tử sẽ đi về đâu?” kiểu lúc đó con chỉ thắc mắc mình có được lên thiên đàng hay k thôi :))) May sao nhờ đọc 1 web bên Phật giáo giải thích vấn đề tự tử này nên đâm ra con sợ khi biết rõ sự thật như vậy. Giờ nghĩ lại đều nhờ ơn Phật, Bồ Tát khéo léo bày phương tiện độ thoát thầy nhỉ !!!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn có thiện căn sâu dày cho nên trong vô hình luôn được Tam Bảo âm thầm dẫn lối, gắng tinh tấn niệm Phật nhé!