Thức ăn cho tinh thần vô cùng quan trọng. Việc này không chỉ quyết định sức khỏe tinh thần, mà còn có liên hệ rất trọng yếu đến thể xác và cuộc sống của ta. Nhưng thật tiếc thay, đây lại là khái niệm hoàn toàn xa lạ với tất cả mọi người.
Ta thực chẳng biết trên đời có một loại thức ăn “kỳ cục” như thế. Ta chỉ biết có thức ăn để nuôi thân, để “khỏe mạnh”, hoặc chí ít cũng là để no bụng. Ta lao tâm khổ tứ săn tìm đủ thứ sơn hào hải vị, các loại thực phẩm bổ sung đắt đỏ, cốt cũng chỉ để cái thân này “khỏe mạnh”. Ta cứ tưởng là như thế, nhưng sự thật phũ phàng thay: Dù ta có bồi bổ đủ trăm loại trân vị, cái thân này vẫn sanh ra bệnh. Ấy là vì ta chỉ biết đến thức ăn cho thân xác mà chẳng biết đến thức ăn cho tinh thần!
Vì chẳng biết nên tinh thần của ta thường xuyên được ta cung cấp bằng đủ thứ thực phẩm độc hại: Tức giận, cáu gắt, muộn phiền, lo lắng, giận hờn, tham lam, ích kỷ… Những thực phẩm độc hại ấy được ta ăn suốt ngày và tệ hơn: Ta ăn ngay cả trong giấc ngủ, với muôn vàn thứ mộng mị. Nuôi dưỡng tinh thần bằng trăm ngàn thứ độc hại như thế, bệnh tật không sanh ra mới lạ!
*
- Dấu hiệu người đắc quả Tu Đà Hoàn.
- Sự thật về Hoa Ưu Đàm.
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma huyền tích truyện.
- Cách tụng kinh cho người mới mất.
- Hòa Thượng Chí Công thần dị chuyện.
- Cách giúp đỡ những người bị Ma nhập.
- Cách cúng Thần linh tại nhà đúng pháp.
Ta chẳng biết rằng sức khỏe của tình thần quyết định cái sức khỏe của thân ta. Và bệnh tật phần lớn do tâm sanh ra chớ hiếm khi ở bên ngoài mà đến. Ví như ta đau bụng, bác sĩ khám bảo: Do viêm dạ dày! Hỏi tại sao lại viêm dạ dày? Trả lời rằng do ăn uống, thực phẩm, lo lắng…Bác sĩ biết vậy thôi và ta cũng chẳng biết gì nhiều hơn thế. Ta thực chưa bao giờ tự hỏi mình: Nếu do thực phẩm thì vì sao cả nhà cùng ăn một thực đơn mà chỉ mình ta bệnh? Nếu do lo lắng thì tại sao lo lắng lại sanh ra bệnh?
Nếu để ý kỹ một chút bạn sẽ thấy rõ điều này: Người hay lo lắng sầu thảm, ắt không sớm thì muộn cũng đau bao tử. Người hay nóng giận, không sớm thì muộn cũng bệnh nơi gan. Khi bệnh lâm thân, đặc biệt là những bệnh nặng, ta thường nghe bác sĩ khuyên rằng: Tinh thần là quan trọng nhất. Nếu người bệnh vui vẻ lạc quan thì bệnh tình chóng khỏi, còn ngược lại thì bệnh tiến triển rất nhanh. Tinh thần quan trọng như thế đó! Cho nên, nếu bạn muốn thân tâm mình khỏe mạnh, hãy để ý nuôi dưỡng tinh thần. Hãy lấy Thanh Lương làm thức ăn cho tinh thần, chớ nuôi dưỡng nó bằng những món ăn Độc Hại.
*

Thức ăn cho Tinh Thần là gì.
Thức ăn cho tinh thần là loại thức ăn đặc biệt, không có hình tướng, dùng để nuôi dưỡng tâm thức của ta. Nếu là thức ăn tốt sẽ khiến thân ta khỏe mạnh, tâm lạc quan vui vẻ. Nếu là thức ăn xấu sẽ khiến thân ta sanh đủ thứ bệnh, tâm bức bách khó chịu không yên. Có ba loại thức ăn cho tinh thần, bao gồm: Thanh Lương, Độc Hại và Đại Quang Minh, trong đó:
1. Thanh lương
Là những thức ăn mang đến năng lượng tích cực, như: Yêu thương, vị tha, nhân đức…Nếu bạn luôn nuôi dưỡng tinh thần bằng loại thức ăn này ắt tâm không bệnh, thân tâm thiện lương trong sáng. Trong vô hình luôn được chư Thiện Thần hộ trì che chở. Loại thức ăn này khiến trường hào quang hộ thân của bạn sáng rỡ. Do đó ai gặp cũng tự nhiên sanh tâm quý mến. Và cũng rất tự nhiên cuộc đời bạn luôn an yên, việc gì cũng thuận lợi. Nếu khó khăn, tự nhiên sẽ có người cứu giúp.
2. Độc hại
Là những thức ăn mang đến năng lượng tiêu cực và phiền não, như: Giận hờn, ích kỷ, tham lam…Nếu bạn nuôi dưỡng tinh thần bằng loại thức ăn này thì trường hào quang hộ thân của bạn là một màu đen kịt. Thứ năng lượng tiêu cực này đặc biệt chiêu cảm các loại tà thần và tinh mị. Chúng đeo bám khiến tâm bạn hôn ám, thân mang bệnh. Vì thế nên ai gặp bạn cũng tự nhiên thấy bức bối khó chịu. Đặc biệt là trẻ sơ sinh, nếu gặp hạng người này thì hoặc khóc ngất, hoặc sanh bệnh. Thế gian không hiểu nguyên nhân nên thường lầm bảo rằng: Bé phải vía!
3. Đại Quang Minh
Đây là loại thức ăn quan trọng bậc nhất, được lưu xuất từ Phật tánh và là thực phẩm cốt lõi để duy trì tinh thần của ta. Loại thức ăn này ngay cả người học Phật cũng cực hiếm người biết. Bởi hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh nên khi ta nghỉ ngơi “thì các lỗ chân lông mở ra tiếp xúc với hào quang của Phật, hấp thụ trí huệ quang minh tỏa ra từ Ðại Quang Minh Tạng của Phật để bổ sung cho tinh thần đã bị tiêu hao lúc ban ngày. Do đó, nhờ ban đêm nghỉ ngơi đầy đủ rồi nên hôm sau tinh thần lại được khôi phục như bình thường!“
Trong ba loại thức ăn cho tinh thần trên đây, loại Thanh lương và Độc hại rất dễ nhận biết, bạn có thể tự lựa chọn để nuôi dưỡng tinh thần của mình. Riêng về loại thứ ba, “Đại Quang Minh”, thì hiếm người biết và khá là khó hiểu. Để hiểu rõ hơn, bạn hãy lắng tâm đọc lời dạy của Tuyên Hóa Thượng Nhân:
Thức Ăn Cho Tinh Thần
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Lý do khiến con người đọa địa ngục, làm ngạ quỷ, hoặc chuyển thành súc sanh thì không ngoài sự chi phối của Lục Căn. Con người sở dĩ thành A-tu-la, sanh lên cõi trời hay làm người, cũng không ngoài tác dụng của sáu căn này. Cho đến con người được thành A-la-hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát hay Phật cũng đều không rời công năng của sáu căn này. Vì sao sáu căn này có sức mạnh lớn lao như vậy? Thậm chí con người dù sanh lên thiên đàng hay đọa xuống địa ngục cũng đều không thể tách rời khỏi chúng được? Phải chăng sáu căn này có khả năng chi phối con người trong vấn đề thành Phật hoặc làm quỷ?
Kỳ thật, không phải là sáu căn này chi phối chúng ta, mà là tại chúng ta không biết vận dụng chúng. Trong tự tánh của mỗi con người đều có một “chủ nhân ông.” Vị “chủ nhân” này cũng chính là Phật tánh bản hữu của chúng ta. Khi vị “chủ nhân” nắm quyền (tức là Phật tánh hiện hữu) thì chánh niệm hiện tiền. Khi ấy ta làm chuyện gì cũng tự tại, không có trở ngại.
Song le, nếu có một niệm vô minh dấy lên, hoặc ngu si ám chướng khơi dậy trong tâm chúng ta, thì sáu căn này sẽ giống như sáu tên giặc. Chúng lấn áp chủ nhà, chúng tước đoạt quyền hành của vị “chủ nhân.” Và chúng ta sẽ bị sáu tên giặc mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và tư tưởng mưu hại. Sáu tên giặc này sẽ phá nhà cướp của, vơ vét hết tài sản quý báu trong nhà! Cho nên nói rằng:
*
Nhất niệm bất sanh toàn thể hiện.
Lục căn hốt động bị vân giá.
Nghĩa là:
Một niệm không sinh: Phật tánh hiển hiện.
Sáu căn bổng dậy: Tâm bị che mờ.
Do đó, chúng ta vốn dĩ đi theo con đường Phật nhưng rồi lại rơi vào con đường ma! Thí dụ như có người lái xe. Lẽ ra phải đi trên con đường lớn, nhưng người đó lại lao xuống biển, làm cả người lẫn xe đều chìm dưới đáy biển. Lại có những người thích những chuyện cao xa viển vông. Y chạy lên núi rồi bị rớt xuống từ trên đỉnh núi, khiến cho thân thể tan nát. Đó là vì họ không thuộc đường, không quen đường đi nước bước, không biết lái xe, nên mới xảy ra chuyện bất trắc, thậm chí có thể nguy hiểm đến tánh mạng.
Linh tánh bản hữu của con người thì thông thiên triệt địa, hết sức viên mãn, kỳ diệu, sáng suốt, hiển hiện khắp mười phương, và có sức mạnh vô song, cái gì cũng thực hiện được. Thí dụ có kẻ tuy biết lái xe, nhưng một khi đầu thai trong một cái “túi da” thối tha này thì trở nên rất hồ đồ, thậm chí không còn biết phương hướng đông tây nam bắc hay trên dưới gì nữa, nên y cứ chạy lung tung khắp nơi. Con người khi bị sáu căn che mờ cũng vậy: Vốn muốn thành Phật, thành Bồ Tát. Nhưng chỉ sơ hở, thiếu cẩn thận một chút là có thể thành ngựa, thành bò hoặc thành dê ngay!
*
Ðáng thương nhất là có một số tín đồ Phật Giáo. Tuy một lòng muốn thoát khỏi ba đường ác, nhưng không hiểu cách lái chiếc xe này, không biết vận dụng sáu căn nên bị sáu căn chi phối. Rốt cuộc họ đành để cho ma vương làm chủ “căn nhà” của họ. Họ bị vây khốn trong tấm thân giả tạm do năm uẩn tạo thành này, không thể nào thoát ra được. Họ đau khổ không thể tả xiết, bởi: Linh tánh bản hữu của họ thì bị mai một, trí huệ quang minh cũng không sao hiện tiền được!
Cho nên mọi sự, mọi vật trên đời đều thuyết Pháp, đều dạy cho chúng ta sự thật chân lý. Nếu hiểu được, thì các bạn sẽ thấy rằng: Vạn sự vạn vật đều đang thuyết Phật Pháp, đang nói lên cái pháp ra khỏi thế gian. Nhưng nếu không hiểu thì các bạn sẽ thấy rằng: Tất cả chỉ toàn nói pháp thế gian, thứ pháp nhiễm ô! Do đó, tất cả mọi sự đều coi thử tâm các bạn như thế nào. Tất cả đều là ở nơi ý niệm của các bạn mà thôi. Hễ có trí huệ thì bất luận vấn đề gì cũng có thể giải quyết một cách ung dung tự tại. Còn không có trí tuệ thì đâu đâu cũng chỉ toàn là chướng ngại!
*
Thân thể loài người chúng ta tuy cần ăn uống để sinh tồn. Tuy nhiên đó chỉ là một loài thực phẩm thô sơ mà thôi. Con người còn phải dựa vào Phật tánh, vào trí huệ quang minh để sanh tồn. Ví như chiếc xe cần phải có xăng mới chạy được, con người cũng phải nhờ vào ăn uống thì mới có sức sống, mới có thể sanh hoạt, mới có thể vận động được. Song le có một số người tu hành không cần phải nhờ vào sự ăn uống để sanh tồn. Vì sao vậy? Vì họ chỉ “ăn” trí huệ quang minh. Đó mới chính là thực phẩm dinh dưỡng cho họ!
Cho nên, về mặt thô kệch thì thân thể cần dựa vào sự ăn uống. Nhưng nhìn theo chiều sâu vi tế hơn thì con người cần phải có linh tánh của Phật để làm thức ăn cho tinh thần mới được. Ban ngày chúng ta làm việc, bất kỳ đi, đứng, nằm hay ngồi, cũng đều hao tổn sanh lực. Giống như chiếc xe tiêu thụ rất nhiều xăng dầu vậy. Ðến ban đêm chúng ta nghỉ ngơi thì các lỗ chân lông mở ra, tiếp xúc với hào quang của Phật, hấp thụ trí huệ quang minh tỏa ra từ Ðại Quang Minh Tạng của Phật, để bổ sung cho tinh thần đã bị tiêu hao lúc ban ngày. Do đó, nhờ ban đêm nghỉ ngơi đầy đủ rồi nên hôm sau tinh thần lại được khôi phục như bình thường!
*
Có nhiều người nghe được đạo lý này liền nổi lòng tham, nghĩ rằng: “À! Thì ra khi mình ngủ chính là lúc đức Phật ‘tiêm’ hào quang cho mình. Vậy nếu mình ngủ nhiều hơn một chút nữa chẳng phải là càng có trí tuệ hơn sao?” Kỳ thật, mỗi người chỉ cần một thời gian ngủ nghỉ nhất định. Nếu ngủ quá nhiều sẽ làm cho đầu óc ngu muội và trí huệ bị sút giảm. Người ta thường nói:
Dạ trường mộng đa
Nghĩa là
Đêm dài thì lắm mộng.
Con người mà mộng mị hoài thì chỉ lãng phí tinh thần mà thôi! Ngủ nhiều quá lại có thể làm cho chúng ta uể oải, mắc bịnh nhức đầu. Cho nên, phàm làm việc gì cũng phải thích đáng, vừa phải. Không nên đi tới chỗ cực đoan!
Những người không hiểu đạo lý này thì cho rằng chỉ có ăn uống mới duy trì được sanh mạng. Song le, những bậc tu Ðạo biết dụng công thì hết sức chú ý tới món ăn tinh thần. Cho nên họ rất thích ngồi Thiền, rất thích tham cứu và tu tập Thiền Ðịnh. Bởi chính nhờ tham Thiền tập Ðịnh mà họ có thể tiếp xúc với nhiều trí huệ quang minh của chư Phật. Để bổ sung tinh thần và khiến cho huệ lực được tăng trưởng hơn nữa. Tuy nhiên, đối với việc ngồi Thiền hay tịnh tọa các bạn cũng không nên quá tham lam, chấp trước. Tịnh tọa nhiều quá cũng có thể mắc phải “Thiền bệnh!”
*
Cho nên, chúng ta những người học Phật, không nên chạy bên tây hay bên đông, hướng ra ngoài mà truy cầu. Nào là cầu Phật pháp, tìm con đường tắt. Hoặc là tham tiện nghi, muốn mau khai ngộ… Bởi vì như thế chỉ khiến cho mức năng lượng có giới hạn trong người mình bị hao tổn. Bản thân mình cũng nhọc tâm kiệt sức, trí huệ bị tổn giảm, mà lại không đạt được gì cả! Ðó là tệ trạng của sự không hiểu gì về đạo lý “căn bản Phật tánh” cứ hướng tâm ra ngoài mà truy đuổi cái Pháp!
Những điều tôi nói hôm nay không phải là thần thoại, mà có thể gọi là “thần lý!” Lý luận này, có thể nói rằng ngay cả những khoa học gia tân tiến nhất cũng chưa thể nghiên cứu tới chứ đừng nói là hiểu được. Và dù nằm mơ họ cũng không thể mơ tới rằng có đạo lý kỳ diệu như thế! Thật ra, đây vốn là những đạo lý rất bình thường. Nhưng đáng tiếc là ai nấy đều thờ ơ, không chú trọng!”
( Thức ăn cho tinh thần là gì )
Tuệ Tâm 2022.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, khi con đọc tin tức linh tinh, hoặc lướt xem video thông thường trên YouTube, thế là chỉ cần ít phút thôi cũng đã cảm nhận rõ tâm trí rối loạn, tệ hơn nữa là chóng mặt, buồn nôn. Còn khi nghe, đọc Phật pháp thì cả tiếng cũng không sao cả, tâm trí an lạc.
Quả thực xem tin tức, video giải trí dù là lành mạnh đi nữa cũng vẫn là chướng ngại to lớn cho việc tu tập.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Mạng xã hội là cái lưới của Thiên ma, không bập vào thì thôi, hễ bập vào rất dễ bị ma lực của nó não hại. Ngày nay người người bị nó âm thầm khống chế và thao túng mà không biết, thật đau lòng!