Người keo kiệt bủn xỉn thường chỉ muốn thâu hết tiền của trong thiên hạ vào trong túi của mình, tuyệt chẳng muốn chi một cắc nhỏ cho ai. Có kẻ bủn xỉn đến mức ngay cả sắm sửa vật cho mình cũng chẳng chẳng dám chi tiêu. Nếu buộc phải chi ra một tiền ắt càu nhàu gắt gỏng, tâm như có lửa thiêu đốt ở bên trong. Ngồi trên đống tài sản mà cam phận hèn mọn, ăn mặc tằn tiện, thật đáng xót thương!
Keo kiệt bủn xỉn nhà Phật gọi là “Xan Tham”. Phàm phu mê muội tà vạy bởi vì xan tham là gốc rễ. Vì lẽ đó điều thiện ít ỏi như mảy tóc, mà điều ác sâu nặng như núi cao; phước đức ít như băng mỏng mùa Xuân, mà nghèo túng nhiều như mưa dầm mùa Thu. Những kẻ keo kiệt không bố thí, sau khi chết sinh làm quỷ đói, trải nhiều đời kiếp không được nghe đến tên gọi thức ăn nước uống, nói gì đến việc được ăn uống, nỗi khổ đó thật khôn cùng.
Bạn thân mến! Keo kiệt bủn xỉn là nhân chính đọa vào loài quỷ đói, khiến cuộc sống nghèo hèn trong muôn kiếp về sau. Cho nên, dù bạn giàu có hay trung lưu, cũng xin đừng tham lam keo kiệt. Nên giúp đỡ thân gia quyến thuộc, hoặc bố thí chút ít cho những người nghèo khổ. Bởi bố thí là nhân của giàu có và cho đi là còn mãi. Một miếng ăn ta hoan hỉ giúp người qua cơn đói hôm nay, sẽ là cứu cánh cho ta trong nhiều đời nhiều kiếp vậy!
*
- Đại thiên thế giới và Tiểu thiên thế giới.
- Âm đức là gì.
- A Tu La là gì.
- Tam giới là gì
- Thế nào là phước huệ song tu.
- Công đức là gì, phước đức là gì.
- 33 Tầng trời trong Phật giáo là gì.
Người keo kiệt bủn xỉn chịu quả báo đọa vào Địa Ngục
Theo kinh Tăng Nhất A Hàm: “Xưa thời Đức Phật tại thế, ở trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả, tên gọi là Bà Đề, ở nhà rất giàu có vô số tài sản, vàng bạc không thể nào tính được. Người ấy tuy giàu nhưng bủn xỉn giữ gìn không dám ăn, không dám mặc; quần áo sử dụng, đồ ăn thức uống rất là nghèo nàn sơ sài; cũng không bề bố thí cho vợ con, quyến thuộc, nô tỳ, tôi tớ, bạn bè quen biết và các vị Sa môn, Bà-la-môn… một thứ gì. Lại dấy lên tà kiến đoạn mất thiện căn.
Ông không có con nối dõi. Sau khi mạng chung tất cả tài sản châu báu đều sung vào của công. Vua Ba Tư Nặc tự mình đến nơi thu nhận tài sản. Thu nhận xong lại đi đến chỗ Đức Phật, bèn thưa với Đức Phật rằng: Trưởng giả Bà Đề sau khi mạng chung thì sanh đến chỗ nào?
Đức Phật bảo với nhà vua rằng: Trưởng giả Bà Đề phước vốn có đã hết mà không tạo những thiện nghiệp mới. Bởi vì dấy khởi tà kiến đoạn mất thiện căn, cho nên mạng chung rồi sanh vào địa ngục khóc nỉ non.
Nhà vua nghe vậy đau lòng rơi nước mắt mà thưa rằng: Trưởng giả Bà Đề, xưa gây ra nghiệp gì mà sanh vào nhà giàu có. Lại gây ra điều ác gì mà không được hưởng sự vui sướng như vậy?
Đức Phật bảo với nhà vua: Quá khứ lâu xa có Đức Phật Ca Diếp, sau khi Ngài nhập Niết bàn, thì Trưởng giả này sanh trong nước Xá vệ, làm con một người làm ruộng.
*
Một hôm có vị Bích chi Phật đi đến nhà ấy. Bấy giờ Trưởng giả này liền mang cơm và thức ăn bố thí. Vị Bích chi Phật xin được thức ăn liền bay lên hư không mà đi. Trưởng giả trông thấy rồi phát ra thệ nguyện rằng: Giữ thiện căn này khiến cho con đời đời sinh ra những nơi có nhiều tài sản châu báu, không rơi vào ba đường ác. Bố thí rồi sau đó lại sinh tâm hối tiếc, tự nghĩ: Thức ăn trước đây mình nên cho nô tỳ tôi tớ, không nên cho Sa môn trọc đầu.
Đức Phật bảo với nhà vua: Trưởng giả Bà Đề nhờ công đức bố thí thức ăn cho vị Bích chi Phật, nên sanh ra luôn luôn có nhiều tài sản châu báu, không thiếu hụt thứ gì. Vì sau khi bố thí lại sinh tâm hối tiếc cho nên ở những nơi sinh ra, tuy cuộc sống giàu sang, nhưng không được hưởng sự vui sướng rất giàu có như vậy. Keo kiệt tiếc rẻ giữ gìn kỹ càng, không tự mình ăn mặc sung túc, lại không bố thí cho vợ con quyến thuộc, cũng không bố thí cho bạn bè quen biết và các vị Sa môn-Bà-la-môn…
Vì vậy người trí, nghe nhân duyên này, nếu có tài vật thì cần phải bố thí chớ sinh lòng keo kiệt bủn xỉn. Lúc bố thí chí tâm tự tay mình chân thành đưa cho. Bố thí rồi hoan hỷ đừng sinh tâm niệm hối tiếc. Có thể bố thí như vậy thì cảm được quả báo to lớn vô lượng vô biên”.
Quả báo Keo kiệt bủn xỉn đến ngay lập tức
Theo kinh Xuất Diệu: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, trong nước Xá Vệ có một Trưởng giả, tên gọi là Nan Đà. Nhà rất giàu có, tài sản vàng bạc rất nhiều; voi ngựa xe cộ, nô tỳ tôi tớ phục dịch, áo quần trang điểm, ruộng vườn cơ nghiệp, không thể nào hạn lượng được; giàu có nhất nước không có ai hơn được. Tuy ở chốn giàu sang mà không có tín tâm, tham lam keo kiệt và đố kỵ; nhà cửa bảy lớp, dặn người canh cổng nếu có người đến xin thì không được cho ai vào nhà.
Trên khoảng không giữa sân lắp đặt tấm lưới thưa bằng sắt, sợ có chim chóc bay đến ăn thóc gạo đậu mè. Dưới chân tường rào bốn phía dùng đất sét trắng bao kính, sợ chuột bọ đào hang làm tổn hại đến tài vật. Ông ta chỉ có một người con tên là Chiên Đàn Hương.
Lúc sắp qua đời dặn dò con rằng: Bệnh hoạn của cha ắt phải chết. Sau khi cha chết thì tất cả tài sản châu báu đừng làm cho hao phí tùy tiện; đừng giúp cho Sa môn và Bà-la-môn; nếu có người cầu xin thì đừng bố thí cho một đồng. Những tài vật này đủ để cung cấp cho bảy đời.
Dặn dò xong rồi mạng chung liền tái sanh ngay vào bụng bà mẹ mù, thuộc gia đình chiên đà la trong thành Xá Vệ. Sau khi sanh ra cũng bị mù lòa. Bà mẹ mù biết con sinh ra bị mù thì sầu khổ, rơi nước mắt đau thương nói kệ rằng:
*
Con mù mà mẹ cũng mắt mù,
Hai me con không có đôi mắt,
Gặp phải hoàn cảnh suy tàn này,
Lòng mẹ cũng ưu sầu đau khổ.
Bà mẹ mù tần tảo nuôi. Năm con 8-9 tuổi liền đưa cho con một cây gậy và một đồ vật để đựng đồ ăn, rồi bảo: Con tự xin ăn mà sống, không cần phải ở lại nơi này. Mẹ cũng không có mắt, không thể nào che chở được cho con. Đứa trẻ mù này đi xin ăn khắp nơi. Về sau đến nhà của Chiên Đàn Hương xin ăn bị người canh cổng ném vào hố sâu. Thằng bé gãy cánh tay trái, đầu chảy máu, thức ăn xin được đều rơi vãi trên đất. Có người trông thấy thương xót, liền đến nói cho bà mẹ biết. Bà mẹ mù vội chống gậy đến ôm con mà than rằng: Con có lỗi lầm gì mà gặp phải tai ách đau khổ này?
Đứa trẻ bảo: Con đến ngoài cổng nhà của Chiên Đàn Hương xin ăn nên bị người ác đánh đập như vậy.
Lúc ấy Đức Phật quán biết liền bảo với A-nan: Tai họa, thật là tai họa! Trưởng giả Nan Đà, mạng chung đầu thai làm con người phụ nữ mù ở nhà Chiên đà la. Sanh ra không có đôi mắt. Xưa vốn ở nơi sản nghiệp giàu có vô lượng, voi ngựa, bảy báu không thể tính được. Ngày nay lại gặp phải tình cảnh thảm thương này! Đây là do tham lam keo kiệt mà nhận chịu quả báo như vậy. Từ đây mạng chung rơi vào địa ngục A tỳ.
*
Gần trưa, Đức Phật cùng với chúng Tỳ kheo đi vào kinh thành. Ngài thấy dân chúng đang vây quanh đứa bé mù liền đến đó. Chiên Đàn Hương nghe Đức Phật đang ở bên ngoài, liền ra ngoài cổng lễ lạy rồi đứng về một bên. Đức Phật vì tất cả mọi người, thuyết về nghiệp tham lam keo kiệt và đố kỵ, phải nhận chịu vô lượng quả khổ. Ngài thuyết thêm về hạnh bố thí khiến cho người được phước thiện vô cùng tận.
Bấy giờ Đức Thế Tôn muốn cho đứa bé và Chiên Đàn Hương bạt trừ nỗi khổ địa ngục, liền bảo với đứa trẻ rằng: Ông là Trưởng giả Nan Đà phải không?
Đứa trẻ trả lời rằng: Vâng, tôi thật sự là Nan Đà.
Như vậy đến ba lần. Đại chúng nghe điều này ngạc nhiên mà nói: Trưởng giả Nan Đà phải chịu quả báo thế này ư?
Chiên Đàn Hương thấy sự việc này, đau lòng rơi nước mắt, quỳ lạy Đức Phật cầu cứu giúp cha mình. Lại thỉnh Đức Phật và chúng Tăng ngày mai đến nhà thọ trai cúng dường. Hôm sau Đức Phật đến thọ trai xong liền thuyết diệu pháp cho Chiên Đàn Hương nghe. Chiên Đàn Hương ngay lúc ấy đạt được quả vị Tu đà hoàn.
Đức Phật bảo với A-nan: Nếu như người tích trữ tiền của, không tư mình ăn mặc đầy đủ, lại không bố thí, thì người ấy thuộc loại ngu nhất trong mọi cái ngu. Vì vậy cho nên người trí cần phải thực hành bố thí, cầu mong xa rời sanh tử; đừng sanh lòng keo kiệt bủn xỉn mà nhận chịu vô biên khổ đau”.
Keo kiệt bủn xỉn: Trưởng giả Lô Chí
Theo Kinh Lô Chí Trưởng giả: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế, trong thành Xá Vệ có một Trưởng giả, tên gọi là Lô Chí. Nhà đó rất giàu có, tài sản vô số kể, giống như Tỳ Sa Môn. Bởi vì từ thời xa xưa bố thí phước tiền thù thắng cho nên cảm của báo ứng này. Nhưng do lúc bố thí không chí tâm nên nay tuy giàu có mà ý niệm luôn luôn thấp kém. Mặc thì áo quần rách rưới dơ bẩn; ăn thì cám gạo với rau, để ngăn cơn đói; khát chỉ uống nước lã, đi thì dùng cỗ xe mục nát. Ông ta quản lý gia nghiệp lớn mà chẳng khác chi hàng nô bộc. Vì thế, thường bị người đời cười nhạo là đồ ngốc.
Lô Chí hết sức giàu có nhưng lại vô cùng keo kiệt, bủn xỉn. Vợ con, tôi tớ trong nhà đều khổ sở vì sự keo kiệt của ông. Một hôm trời đẹp, Lô Chí liền lẻn mang bốn đồng tiền đi mua rượu thịt. Ông mang ra chỗ một bãi tha ma hoang vu, vắng vẻ, một mình ăn uống. Nhưng Lô Chí vốn không quen uống rượu, nên vừa uống đã say. Trong lúc say rượu cao hứng, liền cất lên một bài ca rằng:
Nay ta gặp đủ điều may mắn,
Nhấm rượu ngon khoái lạc cực kỳ.
Thật hơn xa vua Tỳ-sa-môn,
Vượt trội cả vua trời Đế Thích.
Khi ấy, Đế Thích nghe qua lời hát, bật cười nói rằng: “Thức ăn của người này bất quá chỉ đáng giá bốn đồng tiền. Thế mà dám nói là khoái lạc hơn ta. Ta phải tìm cách quấy phá hắn mới được.”
*
Nghĩ thế, liền hóa hình giống như Lô Chí, hiện đến nhà ông ta rồi gọi tất cả người trong nhà đến nói rằng: “Ta từ trước đến nay đối xử tệ bạc với các người. Việc ấy vốn là do bị một con quỷ keo kiệt bám theo trong người mà khiến ra như vậy. Hôm nay ta may mắn trong lúc đi chơi bên ngoài đã thoát được nó rồi. Nay tất cả các người nếu cần gì trong nhà này xin cứ tùy ý lấy sử dụng.”
Nói rồi liền mở cửa kho, phân phát tất cả cho mọi người, lại nói rằng: “Con quỷ keo kiệt ấy hình dạng giống hệt như ta. Trong chốc lát nữa thế nào nó cũng đến. Các người phải đánh đuổi nó đi. Nếu để nó vào nhà, ắt sẽ nhập vào khiến ta trở lại keo kiệt, bủn xỉn như xưa.”
Người trong nhà đều vâng dạ nghe theo. Bỗng nhiên thấy Lô Chí tỉnh rượu quay về. Người giữ cửa liền đuổi đi, không cho vào. Lô Chí lớn tiếng gọi vợ con. Hóa ra cả vợ con ông cũng cầm gậy gộc xông ra đánh đuổi ông đi. Lô Chí hết sức kinh hoảng, liền đến chỗ mấy người bạn thân than khóc kể lại. Những người bạn ấy liền cùng nhau đưa ông về nhà.
Vợ con Lô Chí nhìn thấy lại nói: “Không phải đâu, nó chính là con quỷ keo kiệt, sao các ông lại tin lời nó.”
Mấy người bạn nhìn vào trong nhà thấy Đế Thích giả hình Lô Chí. Họ cho rằng Lô Chí quả thật vẫn đang ở trong nhà, liền quay sang quát mắng Lô Chí: “Mày là con quỷ keo kiệt, sao dám gạt bọn ta.”
*
Lô Chí khi ấy có miệng không nói thành lời, khó lòng biện bạch, liền xoay xở mượn của người quen được một khúc vải lụa, định dâng lên vua để kể lể oan tình. Người giữ cửa không nhận, không cho vào, Lô Chí bèn la lớn: “Tôi muốn dâng tài sản, tôi muốn dâng tài sản.”
Vua nghe thấy, truyền cho ông vào. Lô Chí vào trước điện, vừa muốn dâng khúc vải lụa lên để kêu oan, bỗng nhiên hai nách khép chặt giữ khúc vải lụa lại, dù gắng hết sức lực vẫn không dang tay ra được. Khi ấy, Đế Thích lại biến hóa khúc vải lụa thành một bó cỏ. Lô Chí thấy vậy hết sức xấu hổ. Vua liền cười lớn mà nói: “Thôi thôi, ông không cần dâng vải lụa, có gì oan ức cứ nói nhanh ra đi.”
Lô Chí rơi nước mắt, khóc lóc kể hết sự tình. Vua nghe qua rồi, truyền cho đòi cả hai ông Lô Chí cùng với vợ con đều đến trước điện. Vua nhìn thấy cả hai người, từ giọng nói cho đến hình dạng đều y hệt như nhau, liền ra lệnh cởi áo để trần cánh tay ra mà so sánh nốt ruồi để nhận dạng, nhưng vẫn thấy giống hệt nhau, không thể phân biệt được. Vua liền lệnh đưa hai người đến hai nơi riêng biệt, yêu cầu mỗi người tự tay viết ra những điều ẩn khuất, bí mật nhất trong đời mình. Kết quả chẳng những nội dung đều tương đồng như nhau, mà cả nét chữ cũng không khác biệt.
*
Khi ấy, đức vua than rằng: “Ta người phàm mắt thịt, trong chuyện này dễ bị mê hoặc, không phân biệt được. Nay ta nên đến thưa hỏi đức Thích-ca Như Lai.” Nói rồi lên xe cùng đi với hai ông Lô Chí đến tinh xá Kỳ Viên.
Đức Phật nhìn thấy liền hướng đến chỗ Lô Chí giả mà gọi một tiếng, Đế Thích lập tức hiện nguyên hình vua trời. Vua nhìn thấy Đế Thích, lập tức quỳ xuống bái lạy, rồi quay sang bảo Lô Chí hãy quay về nhà.
Lô Chí nói: “Nay tôi quay về nhà thì tài sản đã mất sạch hết rồi.”
Đế Thích nói: “Ông làm việc bố thí, tài sản trong kho chẳng xê xích gì.”
Lô Chí nổi giận, nói: “Tôi chỉ tin lời Phật, không tin lời Đế Thích.”
Đức Phật bảo: “Ông hãy quay về nhà, lời Đế Thích nói đó không sai.”
Lô Chí quay về nhà, quả nhiên thấy tài sản trong kho vẫn còn y nguyên không mất mát gì. Từ đó dần dần đổi tính, thường làm việc bố thí giúp người, không còn keo kiệt bủn xỉn như trước nữa.
Keo kiệt bủn xỉn: Đọa trong cõi quỷ
Theo Kinh Bách Duyên: “Đức Phật an trú trong tinh xá Trúc Lâm-Ca Lan Đà tại thành Vương Xá. Lúc bấy giờ Mục Liên ở dưới một tán cây trông thấy một ngạ quỷ. Thân hình giống như cây cột khô; bụng như núi Thái; cổ như kim nhỏ; tóc như dao nhọn; trói chặt đâm vào thân thể; giữa các khớp xương thảy đều bốc lửa. Quỷ đói khác muốn chết, môi miệng cháy khô. Hễ nó đi đến dòng sông thì sông hóa làm khô cạn; hễ trời mưa, nước rơi trên thân ngạ quỷ thì đều hóa làm lửa cháy.
Mục Liên liền hỏi nghiệp duyên, ngạ quỷ thưa rằng: Con khát cháy cổ không làm sao trả lời được, Tôn giả hãy tự mình thưa hỏi Đức Phật.
Mục Liên liền đến nơi Đức Phật. Ngài thuật lại đầy đủ sự việc trước đó rồi hỏi Đức Phật về nghiệp duyên của quỷ. Đức Thế Tôn bảo với Mục Liên rằng: Nay ông lắng nghe, ta sẽ giải thích rõ ràng cho ông biết. Hiền kiếp này, tại nước Ba-la-nại có Đức Phật xuất thế, danh hiệu là Ca Diếp. Có một Sa môn đi trên đường xa, rất mệt mỏi vì nóng bức và khát nước. Lúc ấy có người con gái, tên gọi là Ác Kiến, đứng bên giếng múc nước.
*
Sa môn đi đến xin nước uống nhưng cô gái không cho, lại bảo: Ông khát đến chết tôi cũng không cho đâu. Bởi nếu cho ông thì nước của tôi vơi đi. Sa môn nghe vậy liền bỏ đi. Người con gái ấy tính tham lam keo kiệt. Hễ có người đến xin gì cũng dứt khoát không cho. Cô này sau đó mạng chung rơi vào trong loài ngạ quỷ. Vì nghiệp duyên này cho nên nhận chịu khổ đau như vậy.
Đức Phật bảo với Mục Liên: Người con gái keo kiệt ấy nay chính là ngạ quỷ này. Lúc Đức Phật giảng về duyên của Ác Kiến này, các Tỳ kheo cùng xả nghiệp tham lam keo kiệt; có người đạt được một trong bốn quả Sa Môn; có người phát tâm Bồ đề Vô thượng. Tất cả đều nghe Đức Phật giảng thuyết mà hoan hỷ vâng theo thực hành”.
( Theo Pháp Uyển Châu Lâm )
Tuệ Tâm 2022.
Để lại một bình luận