Chuyển nghiệp là gì? Chuyển nghiệp là quá trình chuyển hóa nghiệp quả bằng cách tu học Phật pháp, khiến quả báo chuyển từ nặng thành nhẹ, nhẹ thành không. Đây là một quá trình chuyển hóa thân tâm của hành giả khiến công đức vô lậu sanh ra. Chính công đức vô lậu này là tác nhân diệt trừ tập khí và các chủng tử bất thiện, khiến nghiệp được chuyển hóa và tiêu trừ.
Chuyển nghiệp cũng là công năng độc nhất vô nhị của Phật pháp, các thiện pháp thế gian không có được công năng này! Bởi thế nên chư Tổ dạy “Tu là chuyển nghiệp”, ý là như thế! Quá trình chuyển nghiệp này thường đi kèm với các chướng ngại trong cuộc sống cũng như đường tu. Nhờ chướng ngại ấy mà nghiệp lực được chuyển, chớ không phải “tu khiến đổ nghiệp” như một số người thiếu hiểu biết rêu rao. Bạn cần nhận thức rõ ở điểm này để vững bước trên con đường giải thoát.
- Cuộc đời& Đạo nghiệp của HT Tuyên Hóa
- Cách trị bóng đề linh nghiệm nhất.
- Cách thay đổi vận mệnh.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Ngũ Ấm Ma kinh Lăng Nghiêm
- Cách chữa khóc dạ đề linh nghiệm nhất.
- Chép hồng danh Phật, công đức lớn, dễ thực hành.
Chuyển Nghiệp là gì
Hòa Thượng Thiền Tâm bảo: “Người tu có ba chướng là: Phiền não chướng, nghiệp chướng và báo chướng, mà sức nghiệp chướng lại nặng nề nguy hiểm hơn hai thứ kia. Nhưng tại sao khi chưa tu thì chẳng có chi, đến lúc tu hành càng cao lại thường gặp nhiều chướng nạn?
– Đó cũng bởi chúng ta là phàm phu thời mạt pháp, cố nhiên phần đông chướng duyên đều nặng. Nếu chúng ta nghiệp nhẹ, tất đã sanh vào thời tượng pháp hoặc chánh pháp rồi. Nhưng không phải do tu hành nên phát sanh chướng nạn, mà đó là sức chuyển nghiệp, chuyển quả báo nặng thành quả báo nhẹ, chuyển quả báo đời sau thành quả báo hiện tại.
Giả sử ta có mười phần nghiệp chướng, do công đức tu nên tiêu trừ được bảy phần, còn phát hiện ra ba phần. Và đáng lẽ quả báo ấy đến sau mới trả, nhưng nhờ sức tu niệm, nên chỉ chịu quả nhẹ trong kiếp này để mau được giải thoát.
*
Như Giới Hiền luận sư tiền kiếp là một vị quốc vương đem binh đi đánh dẹp các nơi, tạo nghiệp sát quá nhiều, đáng lẽ đến đời này sau khi hưởng phước thừa rồi chết, sẽ phải bị đọa vào địa ngục. Nhưng nhờ luận sư chí tâm tu hành và hoằng dương Phật pháp, nên mỗi ngày ông bị một cơn bịnh trạng như có nhiều lưỡi gươm vô hình đâm chém trong thân. Như thế trải qua hai năm bịnh mới dứt.
Do duyên đó mà luận sư tiêu được nghiệp địa ngục, sanh lên cõi Đâu Suất Đà Thiên. Lại như ông Ngô Mao tiền nhân cũng tạo nghiệp sát, đáng lẽ phải đọa làm heo bảy kiếp cho người giết. Nhưng nhờ ông trường trai niệm Phật, nên khi thọ số mãn, bị giặc đâm bảy dao trả nghiệp xong một lần, rồi được vãng sanh về Cực Lạc. Nói tóm lại, lời tục gọi đó là trạng thái dồn nghiệp.
Tuy nhiên, không phải mỗi người tu đều bị trả quả. Có người càng tu càng có điểm tốt, càng được an thuận, không bị trở ngại chi. Đó là do vị ấy những kiếp về trước không tạo nghiệp chi quá nặng, hoặc đã từng tu niệm và có nhiều căn lành. Nhưng luận theo phần đông, đại khái nếu không gặp những chướng ngại lớn, cũng vấp phải những chướng ngại nhỏ.
Chuyển nghiệp là gì: Ba nguyên nhân phát sanh chướng nghiệp
Ngoài những trở ngại của ngoại duyên, lại còn có ba nguyên nhân phát sanh chướng nghiệp:
1. Cứ theo tông Pháp Tướng, trong tạng thức của ta có chứa lẫn lộn những nghiệp chủng lành dữ. Khi niệm Phật hay tham thiền, ta huân tập hạt giống công đức vô lậu vào, tất các nghiệp chủng kia phải phát hiện. Ví như một khu rừng rậm nhiều thú, nếu có dân cư đến khai hoang, tất cây cối bị đốn, các loài thú đều chạy ra. Cảnh tướng và phiền não chướng duyên do nghiệp chủng phát hiện cũng thế. Đây gọi là sức phản ứng của chủng tử nghiệp.
2. Có những vị tu hành chẳng am tường giáo lý, không hiểu những tướng của nội tâm và ngoại cảnh đều như huyễn, chưa phát minh thế nào là chân và vọng, nên nhận định sai lầm. Do đó đối với cảnh duyên trong ngoài sanh niệm tham chấp, vui mừng, thương lo, sợ hãi, mà tự gây chướng nạn cho mình.
3. Lại ví như người theo họa đồ đi tìm mỏ vàng, đường sá phải trải qua non cao, vực thẳm, đồng vắng, rừng sâu, bước hành trình tất phải nhiều công phu và gian lao khổ nhọc. Nếu người ấy không vững lòng, không biết tùy sức tùy hoàn cảnh mà nhẫn nại uyển chuyển, tất phải thối lui. Hoặc có khi bỏ cuộc ghé vào một cảnh tạm nào đó, hay chết giữa đường.
*
Lộ trình tu tập cũng thế, hành giả tuy y theo kinh giáo mà thật hành, song nếu không biết tùy sức tùy hoàn cảnh nhẫn nại uyển chuyển, sự lập chí không bền lâu, tất sẽ thất bại. Chướng nạn đó cũng do chính mình gây ra. Trên đây là đại lược một ít nguyên nhân của các điều chướng ngại.
Tu là Chuyển Nghiệp
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy:
Yếu học hảo, oan nghiệt trảo,
Yếu thành Phật, tiên thọ ma.
Dịch là:
Muốn học tốt, oan nghiệt tìm,
Muốn thành Phật, trước gặp ma.
“Muốn học tốt, oan nghiệt tìm.” Mình muốn làm chuyện tốt thì thế nào oan nghiệt cũng đến tìm. Càng làm tốt thì oan nghiệt kiếm mình càng gắt bởi vì nó muốn thanh toán nợ nần với mình!
Từ vô lượng kiếp đến nay, đời này qua đời khác mình tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn, không có rõ ràng; bởi vậy khi muốn tu Ðạo thì chủ nợ họ đều tới tìm mình để đòi nợ. Ví dụ có kẻ mượn người khác tiền mà chưa trả sòng phẳng. Lúc y chưa phát tài thì chủ nợ biết y chẳng có tiền nên chẳng đến đòi; nhưng khi y mà phát tài thì chủ nợ liền đập cửa đòi nợ. Vì sao? Vì chủ nợ biết y có tiền! Nếu y không tới đòi thì chẳng biết lúc nào đòi đặng, cho nên phải đòi.
Bởi vậy, trong quá trình tu Ðạo mình sẽ gặp nghịch cảnh, mà gặp nghịch cảnh thì mình phải càng dũng mãnh tinh tấn, không có thối thất tâm Bồ Ðề. Những nợ nần mà người chủ nợ đến đòi thì mình phải trả cho hết; tức là đem công đức tu hành của mình hồi hướng tới chủ nợ, tới những người oán, kẻ thân; để khi họ nhận được công đức của mình, họ sẽ ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử, đến lúc đó món nợ của mình mới hoàn toàn phủi sạch. Đó gọi là chuyển nghiệp vậy!
*** Chuyển nghiệp là gì ***
Từ vô lượng kiếp tới nay, do đủ thứ nhân duyên nên mình mắc nợ không phải ít. Ngay đời này, thử suy nghĩ một cách chín chắn coi mình đã giết bao nhiêu sinh mạng rồi? Có bao nhiêu chuyện không công bình mình đã tạo ra? Ðối với chúng sinh, nếu mình chưa có giết qua một sinh vật nào, thí dụ như sư tử, voi, heo, gà, trâu, bò v.v… nhưng rất có thể là mình đã sát hại những sinh vật nhỏ hơn như ruồi, muỗi, dế, thằn lằn… Dù nói rằng mình chưa từng giết những sinh vật nhỏ như vậy, nhưng chắc chắn mình vẫn có ý niệm sát sinh tồn tại trong lòng.
Lúc nhỏ, vì mình không để ý, bất giác giết hại rất nhiều côn trùng nhỏ, cái đó gọi là Vô tri tội, tội sát mà không có cố ý. Nhưng những chúng sinh bị mình đoạt mạng thì giờ đây, khi mình muốn tu Ðạo, thì bọn chúng chắc chắn sẽ tới tìm để đòi nợ. Cái thứ nợ này không phải chỉ có một, hai mà thôi, mà là vô số, bởi vì đời này qua đời khác mình tích lũy nó, nhiều kể không hết!
Do vậy, đừng nói rằng ông Trời bất công: “Tôi bây giờ tu hành rồi, tôi không muốn nhận tất cả những oan gia nghiệp báo, nợ nần hồi xưa.” Nghĩ như thế thì vĩnh viễn mình không thể thành Ðạo được, bởi vì lòng ta không công bình. Tâm mà công bình thì mình phải nhận nợ. Cho nên nói rằng: “Muốn học tốt, oan nghiệt tìm”; khi mình trở nên giàu đột ngột, thì bạn bè nghèo cùng đều tới đập cửa để đòi nợ.
*
“Muốn thành Phật, trước gặp ma.” Phật mà thành Ðạo là do ma giúp đỡ, nếu như không có ma thì không có Phật. Ma đến khảo nghiệm làm cho mình tiến bộ; nên nói rằng: Dục cùng thiên lý mục, Cánh thượng nhất tằng lâu. (Muốn thấy tận cùng ngàn dặm, Phải bước lên thêm một tầng lầu.)
Ma coi thử “hỏa hầu” của mình có đủ chưa. Nếu đủ thì ngàn con ma tới mình cũng không thay đổi, vạn con ma tới mình cũng không thối lui, không thối thất tâm Bồ Ðề. Càng khốn khổ gian nan bao nhiêu, thì càng tinh tấn bấy nhiêu. Hễ nơi nghịch cảnh chằng chịt, rối ren bao nhiêu, thì tâm càng phải an nhiên, bình thản bấy nhiên. Ðừng nghĩ là bất công, cũng đừng oán trời, trách người.
Nghịch cảnh lại thì thuận theo nó mà tiếp nhận, để tu hạnh nhẫn nhục Ba La Mật. Ðó là công phu mà mình phải tập, khi ma chướng lại thì mình không có đối đầu với chúng, mình chỉ nhịn thêm một chút khổ cũng chẳng hề chi; mình phải phát nguyện độ bọn ma đó, làm cho chúng quy y Tam Bảo, phát tâm Bồ Ðề. Ðối với người nào cũng vậy, đừng sinh ra lòng oán cừu, được vậy thì mình có thể biến gươm giáo thành ngọc cẩm, biến cừu hận thành an tường. Do đó, phải luôn tìm điểm tốt nơi bề xấu của sự tình. Cho nên nói:
*
“Hành hữu bất đắc, Tắc phản cầu chư kỷ. ” (Làm mà không xong thì phải quay ngược về mình mà tìm.) Ðừng bao giờ làm luật sư tự biện hộ cho chính mình, bất cứ chuyện gì cũng phải nghĩ rằng:
Chân nhận tự kỷ thác,
Mạc luận tha nhân phi.
Tha phi tức ngã phi,
Ðồng thể danh Ðại bi
Dịch là:
Nhận thật rằng mình sai,
Ðừng để ý lỗi người.
Lỗi người tức lỗi ta,
Cùng thể tức Ðại bi.
Vì đồng một thể nên bao quát ma quỷ. Ma là một bộ phận của tự tánh. Nếu tự tánh có ma thì mình mới làm bọn ma bên ngoài xâm nhập được. Tự tánh không có ma thì ma bên ngoài không có cách gì tiến vô đặng. Thế nào là tự tánh ma? Tức là tham, sân, si! Nhược vô miêu thực oản, Tắc bất chiêu thương dăng. (Nếu bát đồ ăn của mèo không để ra, thì không có ruồi bu tới.)
Khi biết mình còn “vẩn đục” thì ma tìm cách “thừa nước đục thả câu,” muốn làm chuyện rối loạn, muốn hiển lộ cái “ma thông” của nó. Cho nên mỗi cử chỉ, hành động, mỗi lời nói, ý nghĩ phải hết sức chân thật: “Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính”. (Lời nói phải trung thật, thành tín, Hành động phải hoàn toàn cung kính.)
*** Chuyển nghiệp là gì ***
Không được nói dối trá. Không dám nhận lỗi, lúc nào cũng che đậy lỗi lầm của chính mình: đó không phải là hành vi của người tu Ðạo. Cho nên mình phải hết sức chân thành mà bộc bạch, hết sức khẳng khái nói ra lỗi lầm của mình. Luôn luôn cư xử theo đạo đức lương tâm. Nếu những điều gì không hợp với đạo đức lương tâm thì đừng bao giờ làm cả.
Người tu Ðạo cần có đủ trí huệ chân chánh. Kẻ có trí huệ chân chánh thì không bao giờ khen ngợi chính mình và hủy báng người khác, cũng không bao giờ nói rằng: “Bạn coi tôi đây, tôi là số một, thanh cao nhất, còn những người kia toàn là thứ tệ hại, bần tiện.” Phàm những kẻ tự khen thì không còn đường tiến nữa; tuy sống nhưng thực ra như là kẻ đã chết rồi; bởi vì họ đã đi ngược lại với đạo đức lương tâm, khinh thường kẻ khác, chỉ biết có chính họ. Ðó là những người mà chư Phật, Bồ Tát không bao giờ hoan nghinh!
Nếu muốn được Phật, Bồ Tát hoan hỷ bảo vệ thì điều mình nói và việc mình làm phải nhất trí: Ngôn cố hành, Hành cố ngôn. (Lời nói theo việc làm, Việc làm theo lời nói.) Ngôn và hành không được mâu thuẫn nhau. Ðừng nên lúc nào cũng tự khoe là tôi tốt thế này, tôi tốt thế kia, song đến khi làm thì lại toàn là những chuyện bại hoại!
*
Người tu Ðạo không nên có tâm ích kỷ, tâm tự lợi, trái lại phải làm lợi ích kẻ khác. Ðừng làm hại người để lợi mình, hoặc coi thường người khác. Cho nên các vị phải biết hồi quang phản chiếu, xét lại chuyện quá khứ đã làm, chuyện hiện tại đang làm, rồi quán chiếu chuyện tương lai. Lúc nào cũng vậy, bất cứ giờ nào phút nào cũng không quên lương tâm, đạo đức, thì qua một thời gian lâu, thiện căn sẽ tự nhiên tăng trưởng, tâm Bồ Ðề sẽ lớn vững. Bấy giờ mình mới có thể thực hành Ðạo Bồ Tát, làm lợi ích cho chúng sinh được; cho nên cái quan hệ đó là liên đới.
Ta đừng vì sợ ma mà thối thất tâm Bồ Ðề. Ma chướng là thử thách, khảo nghiệm. Cũng như học sinh lúc mới bắt đầu đi học thì cảm thấy bài học rất khó, nhưng thời gian qua, khi đã nhập môn biết chút đỉnh rồi thì không còn thấy khó nữa. Từ lúc học Tiểu học, lên Trung học rồi đến Ðại học, ai cũng có tâm trạng như vậy, cho nên nói rằng: Bất kinh nhất phiên hàn triệt cốt, Trẫm đắc mai hoa phác tữ hương? (Không qua một phen lạnh thấu xương, Sao đặng hoa mai nở ngát hương?)
*** Chuyển nghiệp là gì ***
Và: Thập niên hàn song vô nhân vấn, Nhất cử thành danh thiên hạ tri! (Mười năm cửa lạnh không ai hỏi, Một sớm danh thành mọi người hay!)
Giống như chàng tú tài bỏ mười năm học đơn côi, lạnh lẽo, chẳng ai thèm để ý, chừng khi anh ta đỗ đạt nổi danh thì lúc đó ai cũng biết. Lúc mình tu hành, đừng vọng tưởng muốn “xuất phong đầu,” muốn người ta để ý tới mình!
Sau khi xuất gia rồi, nếu còn cầu danh, cầu lợi thì đó là chuyện thật chẳng ra gì. Chúng ta khi đã xuất gia thì phải nhận chân tu hành một cách thiết thực, phải tài bồi cái gốc phước huệ của mình. Tu phước thì phải làm lợi ích người khác, tu huệ thì phải nghiên cứu kinh điển. Thường làm chuyện lợi ích thì mới sinh được phước đức.
*
Có người hỏi: “Làm thế nào để lợi ích người khác? Phải chăng là dùng tiền làm chuyện công đức?” Chẳng phải vậy! Chỉ cần tâm mình đừng có lòng giết hại; đừng có lòng trộm cắp; đừng có lòng tà dâm; đừng có lòng dối trá; cũng đừng rượu chè, thì đó là mình bồi đắp cho ruộng phước của mình rồi.
Cho nên nói: Từ bi khẩu, Phương tiện thiệt, Hữu tiền vô tiền, Ðô tác đức. (Với miệng từ bi; Với lưỡi phương tiện; Dù có tiền hay không có tiền, Cũng làm được chuyện có đức.) Nếu miệng mình không chửi rủa người khác, chẳng nói lời thô kệch, độc ác, làm tổn thương người khác thì đó là công đức.
Bất cứ ở mọi nơi phải biết tiếc phước đức của mình, đừng làm việc tổn phước. Ở chỗ nào mình cũng phải tu phước, tu huệ. Tu phước, tu huệ không phải một ngày một đêm mà thành đặng; phải cần một thời gian, mà mỗi giờ mỗi phút mình phải làm liên tục không ngừng. Không thể là: Nhất nhật bộc chi, thập nhật hàn chi. (Một ngày phơi nắng, mười ngày để lạnh. Hay: Một ngày làm, mười ngày nghỉ.)
Nếu mình như vậy thì vĩnh viễn không tiến bộ được. Cho nên phải nhận định tông chỉ, dũng mãnh tinh tấn, đừng thụt lùi, thối chuyển. Ðó là điều căn bản mà người tu Ðạo phải có đủ!”
( Chuyển Nghiệp là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa )
Tuệ Tâm 2021.
Hương viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con mong Cô Tuệ Tâm giúp con với ạ
Ngta nói con có duyên âm theo, và như cô nói là oan gia trái chủ đến báo oán con và chỉ có thành tâm sám hối, niệm phật, ăn chay thì mới có thể hóa giải. Còn riêng về bản thân con thì con luôn thấy trống rỗng, cuộc sống con cứ trôi vô định và con sống vì bố mẹ con, chứ con cũng chẳng biết con sống để làm gì ( con là nữ 21t ạ) có những khi con nghĩ tiêu cực,nghĩ quẩn và chỉ muốn kết thúc sự sống. Nhưng con nghĩ còn bố mẹ và con phải sống nên thôi ạ. Con có niệm Phật nhưng ko đủ tín nguyện, để hành trì . Mỗi ngày con đều mong con sớm chết và đc về Tây Phương với Phật. Thật sự con ko có suy nghĩ con muốn sống tiếp và sống tích cực, con ko biết phải làm sao với cuộc đời con bây giờ.mỗi ngày con thấy trong đầu con có hai giọng nói, một giọng nói đầy tham sân si mạn nghi đố kị hơn người.một giọng nói là con sống vì mọi ng sống phải từ bi trí tuệ . Và giọng nói của con là DỪNG LẠI. mỗi ngày trôi qua con đều thấy sống rất mệt mỏi. Và luôn tự trách bản thân về những sự việc(xui xẻo) người thân bên cạnh gặp phải đều là tại con mà có 😢😢😢, , con phải làm sao mới trả tròn chữ hiếu cho bố mẹ ,và sống một cuộc đời có ích cho mọi người, và có ích với tâm con ạ. Xin Thiện tri thức từ bi khai thị giúp đỡ con ạ .
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cái cảm giác “vô định” ấy, Tuệ Tâm cũng từng kinh qua thời tuổi trẻ, lúc chưa biết Phật pháp là gì. Nó mông lung và rất khó diễn tả. Như khi gia đình, bạn bè nhóm họp, trong cái không khí mà ai cũng vui vẻ cười đùa ấy, tự nhiên miệng ta mỉm cười mà tâm thấy trống rỗng và lạc lõng, chẳng dính vào đâu. Cuộc sống xung quanh rộn ràng, nhưng ta luôn thấy nó tẻ nhạt, cảm giác như thiếu thốn một điều gì đó mà ta không biết…Sau này học Phật mới ngộ ra là bởi do túc nghiệp mình có tu nên cái tập khí ưa thanh tịnh, lánh xô bồ, vẫn âm thầm vận hành trong tàng thức. Nó âm thầm dẫn dắt cho đến khi đủ duyên, ta tìm thấy được con đường tu tập còn dang dở trong tiền kiếp. Lúc ấy ta mới hiểu ra ý nghĩa mà mình xuất hiện nơi cõi đời này, và nhờ tu tập ta mới thực sự sống trọn vẹn trong cái tâm tịch tĩnh mà làm lợi lạc cho người thân và xã hội.
Tuệ Tâm thấy tình cảnh của bạn bây giờ y chang như mình ngày trước. Nay tái sinh trong kiếp người, lại may mắn gặp được Phật Pháp, bạn cần ý thức rằng cái duyên này vô cùng hi hữu và khó gặp. Nếu chẳng tranh thủ mà tu tập, ắt lại muôn kiếp xuống lên trong sáu nẻo luân hồi, cơ hội để có lại được thân người trong vạn phần khó được một.
1. Về oan gia trái chủ hay duyên âm theo cách gọi của đời: Chúng ta vô thỉ kiếp đến nay gieo nghiệp thiện ác, ân oán cùng chúng sanh vô lượng vô biên. Do dó mà kẻ theo ta đòi báo oán tuy nhiều, nhưng kẻ chờ báo ân cũng không kể xiết. Nếu một mai tu tập mà khai mở được thiên nhãn, bạn sẽ thấy số oan gia trái chủ xung quanh mỗi người xếp hàng dài hàng ngàn cây số, không phải một hai như bạn đang nghĩ đâu. Trước đây ta do vô minh, gây oán kết, làm hại không biết bao nhiêu chúng sanh. Nay biết đến Phật Pháp rồi, nên khởi tâm thương xót họ còn khổ hải trong cõi Địa ngục Ngạ quỷ mà niệm Phật, hồi hướng công đức cho họ lìa khổ được vui, đền trả oán nợ xưa. Lại nguyện Phật A Di Đà phóng quang gia hộ cho họ được khai tâm, cùng niệm Phật với mình, nương nơi Phật lực, vãng sanh về Tây Phương để vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi. Đấy là ý nghĩa cuộc sống trọng yếu nhất đối với bạn bây giờ vậy.
2. Về chữ Hiếu với Cha mẹ: Người thế gian không hiểu đạo nên thường lầm lạc cho rằng, cắt ái từ thân, xuất gia không lo cho cha mẹ…Chăng biết rằng Hiếu là nền tảng của Đạo Phật và Phật Pháp đặc biệt coi trọng chữ hiếu. Vậy nên Phật dạy: “Hiếu đứng đầu trăm hạnh” và trong hết thảy mọi tội thì bất hiếu đứng đầu, tội này trời không dung, đất không tha, khiến quỷ thần phẫn nộ tru lục. Người ta khi chưa làm cha mẹ thì không bao giờ biết rằng: Thực ra cha mẹ chỉ đau đáu mong cầu con mình khỏe mạnh, vui tươi và có cuộc sống bình an, hạnh phúc! Cái mong cầu ấy vượt thoát hết tất cả, nên cuộc sống vui ở nơi con, buồn cũng ở nơi con, chịu khổ hải trăm bề cũng chỉ vì con. Bạn còn trẻ, vô tâm, chưa nhìn và cảm được những hi sinh trong thầm lặng của cha mẹ để bạn có được cuộc sống ngày hôm nay. Để bạn có cuộc sống bình thường, 21 năm qua không biết bao nhiêu lo toan, mồ hôi và nước mắt đã rơi xuống. Hãy biết trân quý những gì mình đã có, hãy nhìn ngoài kia, biết bao nhiêu phận người không còn cha mẹ, họ trong giấc mơ cũng chỉ đau đáu thèm khát một cái ôm của mẹ, một ánh nhìn của cha. Nay ta đang sống trọn vẹn trong tình yêu thương ấy, thật may mắn biết bao! Đừng ích kỷ với những suy nghĩ dại dột, bởi nếu cha mẹ biết bạn có suy nghĩ ấy, không biết họ sẽ đau đớn đến nhường nào! Nếu chẳng thể làm được gì hơn, hãy cố gắng làm một điều vĩ đại nhưng bình dị: Khiến cha mẹ yên lòng bằng sự biết ơn chân thực của mình!
Khuyên bạn: Hằng ngày dù bận hay nhàn, dù ở đâu, lúc nào, hễ nhớ ra thì niệm Phật. Niệm thầm hay to nhỏ đều được, công đức như nhau. Nếu có thời gian, kiếm một cuốn vở mới, hằng ngày chép hồng danh Nam mô A Di Đà Phật lấy 1,2 trang. Cuối mỗi ngày nguyện hồi hướng công đức cho Pháp giới chúng sanh, cho ông bà tổ tiên, cha mẹ, thân gia quyến thuộc cùng hết thảy oan gia trái chủ của mình trong từ vô thỉ kiếp đến nay.
Nếu có điều kiện nên tham gia các nhóm từ thiện, cầu siêu…để thấy cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp và mình có thể sống với tâm thế lợi lạc cho tha nhân. Hoặc như bạn tham gia một buổi cầu siêu cho thai nhi, để cảm cái khổ của sanh tử luân hồi, của chúng sanh, của những vong linh không có phước được làm người… Phần giới thiệu ở trang chủ có mail của Tuệ Tâm, bạn cần gì thêm có thể liên hệ qua đó nhé.
Cầu mong Tam Bảo gia bị cho bạn sớm được an vui. Nam mô A Di Đà Phật!
Hương viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con xin cảm ơn Cô . Lòng biết ơn con sẽ nuôi lớn nó mỗi ngày. Con ko có ai để tâm sự và chia sẻ cùng con nên con hay vào trang của Cô để đọc và tìm điều gì đó tích cực để tiếp tục sống. Con mong sẽ đc gặp Cô và đc Cô dẫn dắt trên con đường tu tập. Con cảm ơn Cô nhiều ạ
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn gắng tinh tấn niệm Phật, trong vô hình Tam bảo sẽ âm thầm gia bị, đưa đường chỉ lối cho bạn.
Hương viết
Nam mô A Di Đà Phật, con cảm ơn Cô nhiều ạ. Nam mô A Di Đà Phật