Thần thông trong Phật giáo vốn chỉ là phương tiện để độ sanh, ngặt vì trong giới luật đức Phật cấm thị hiện, nên cổ kim đến nay, người đắc thần thông nhiều vô cùng, nhưng người thị hiện ra cho người đời biết lại cực ít. Lý do là bởi như thế, chứ không phải thần thông trong Phật giáo không có như nhiều người lầm tưởng.
- Cách trị bóng đè linh nghiệm nhất.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Hội Long Hoa là gì.
- Âm đức là gì.
- Cách thay đổi vận mệnh.
- 10 Chuyện Tâm linh có thật.
- Chuyện nhân quả báo ứng có thật.
*
Tổ Ấn Quang dạy: “Phàm Phật, Bồ Tát hiện thân, nếu thị hiện giống như phàm phu thì chỉ dùng đạo đức để giáo hóa người khác, trọn chẳng hiển lộ phép thần thông. Còn nếu hiển lộ thần thông sẽ chẳng thể ở trong thế gian này. Chỉ khi nào thị hiện điên cuồng mới có thể hiển lộ thần thông không trở ngại gì, như Tế Điên Hòa Thượng là một điển hình”.
Với bậc Chân tu, thần thông vốn chẳng khác gì đôi dép rách. Trừ phi để hàng phục hoặc loài Đại ác quỷ. Hoặc hàng phục loài quỷ mị thành tinh tu luyện ngàn năm, hoặc yêu quái hại người…các Ngài mới thị hiện đôi chút.
Hàng Phật tử tại gia, nếu chỉ cầu giải thoát mà hoặc niệm Phật, trì Chú. Hoặc tụng kinh, nếu trì giới tinh nghiêm, thì khả năng thần thông tự khai mở (Ngài Quả Khanh là một điển hình). Nếu chỉ tu trì vì ham muốn thần thông chắc chắn sẽ nhập ma. Đức Phật thuyết kinh Lăng Nghiêm cũng một phần bởi lý do này!
Thần thông trong Phật giáo
Tuệ Tâm trích đăng một số chuyện thần thông trong Phật giáo. Nguyện người đọc tăng trưởng tín tâm và rộng mở thêm chút kiến văn. Mục đích là để vững vàng trên con đường giải thoát, chứ không có ý định cổ súy việc tham cầu thần thông.
Thần thông trong Phật giáo: 1. Sư Chú Am
Theo sách Di Đà Trung Luận, sư Chú Am người xứ Cam Tuyền, Giang Nam. Lúc nhỏ tính tình thô lỗ, vô lại, không giữ giới luật. Sư thường sống tại Dương Châu thiền tự, hay cà khịa với vị sư giữ chức Phạn Đầu. Chửi bới tục tằn, vô lễ nên thường bị Trụ Trì quở trách. Về sau, Sư hối cải, bế quan ba năm, chuyên trì chú Đại Bi.
Lúc xuất quan, phong cách thay đổi hẳn, khiêm nhường nhũn nhặn. Ai trông thấy cũng phải lấy làm lạ, kính ngưỡng. Bất cứ sách vở thế gian, kinh điển nhà Phật nào. Ngay cả những thứ tiểu thuyết nhảm nhí chẳng cần đem sách lại, hễ hỏi đến Sư bèn đọc ra thông suốt.
Thần thông trong Phật giáo: 2. Sư Tăng Giám
Tống Cao Tăng truyện có chép ngài Tăng Giám đến thọ trai nơi Vương Xử Hậu. Xử Hậu đọc ra văn chương thật đắc ý; nhân đó, Sư hỏi:
– Đang đọc những văn từ gì vậy?
Xử Hậu nói:
– Đó là bài văn đậu tiến sĩ của tôi.
Sư nói:
– Dưới mái hiên hóng gió, thong dong đến thế ư?
Liền lấy một tập sách trong bọc ra, bảo:
– Đây chẳng phải là bài văn sách của ông hay sao?
Xử Hậu đọc thấy chính là nguyên bản bài văn sách khi trước, bèn hỏi:
– Về sau tôi đã gọt giũa bài này.
Tăng Giám nói:
– Dĩ nhiên tôi biết nó không phải là bài văn sách gốc của ông.
Nhân đó bèn hỏi:
– Trong bọc của Sư sao lại có bài văn sách này của tôi?
Tăng Giám đáp:
– Chẳng những chỉ có bài văn sách này. Phàm những sách ông đã đọc từ trước đến nay, thậm chí một nét, một vạch đùa bỡn. Trong bọc của tôi đều có đủ hết!
Xử Hậu hoảng sợ, chẳng dám hỏi tới. Chú Am tuy có Tha Tâm Thông, nhưng chưa thấy có thần thông. Tăng Giám vừa có Tha Tâm Thông lại có cả đại thần thông. Có thể hiện những gì trong tâm thức người khác thành sách, hiện thành hình chất để chỉ bày cho người khác, chứ không phải là trong bọc mình thật sự có chứa sẵn để lôi ra. Phép thần thông trong phật giáo dùng độ người tinh tế như thế đó!
Thần thông trong Phật giáo: 3. Sư Đàm Du
Thần thông trong Phật giáo không chỉ riêng độ người. Từ quỷ thần, súc sanh, cho đến hàng dị loại, không ai hữu duyên không được độ. Theo Cao Tăng Truyện. Đàm Du, người xứ Đôn Hoàng, bỏ nhà xuất gia năm 20 tuổi. Sau Ngài xuống miền Giang Đông, trụ tại núi Thạch Thành, khất thực tu hành. Sau Ngài dời đến núi Xích Thành. Ngài vào núi Thiên Thai trong niên hiệu Hưng Ninh (363-365) thời Đông Tấn chuyên tu Thiền Định.
Khi Ngài tụng kinh trong hang núi, khoảng mười mấy con hổ vây quanh hang gầm rú. Sư vẫn an tường tụng kinh chẳng đoái đến. Từng con cọp nằm phục trước hang, Sư cứ tụng kinh mãi không ngừng.
Khi mặt trời dần dần xế bóng, cọp ngủ gục trước hang. Sư cầm cây như ý gõ nhẹ vào đầu cọp quở: “Nghiệt chướng! Sao chẳng chịu nghe kinh?”. Cọp chồm dậy, Sư lại tụng kinh tiếp. Không lâu sau, từng đàn rắn lớn bò tới quấn quanh cửa hang, ngẩng cổ nhìn. Nghe mãi rắn mệt cũng từ từ bỏ đi. Đến ngày thứ hai, sơn thần hiện thân thưa hỏi:
*
– Pháp sư oai nghi, phong thái nghiêm túc, đức hạnh khác người. Nay Ngài đã đến nơi đây, đệ tử xin dâng nhà cửa! Sư nói:
– Bần tăng ở nhờ núi này, chỉ xin một miếng đất chừng một trượng vuông. Ông đến khiến tôi vui lắm, sao không ở lại?
– Con thì không nói làm gì, nhưng thuộc hạ chưa được đại pháp thuần hóa, rất khó cai quản, Ngài là người từ xa đến, đi ra ngoài khó tránh khỏi bị chúng xâm phạm. Thần và người không cùng một đường, đệ tử không thể thường ở bên thầy được!
– Ông là thần phương nào? Trụ nơi đâu bao lâu rồi? Sẽ dời đi đâu?
– Con vốn là con trai của Hạ Đế, đã sống ở đây hơn hai ngàn năm rồi. Núi Hàn Thạch là chỗ cậu con ở, con sẽ dời sang đó.
Nói xong, thần triệu tập thuộc hạ bay lên mây bỏ đi. Không lâu sau, tiếng tăm Sư lan rộng, người học Thiền tìm đến. Trong núi có cây cầu đá, rêu phủ đầy vừa trơn vừa ướt, vì thế từ không ai dám trèo lên. Sư đến gần khu vực có cầu đá, chợt nghe trên không có tiếng nói: “Biết ngươi lòng tin tưởng kiền thành, chuyên dốc, nhưng hiện thời ngươi chưa qua được, 10 năm nữa hãy lại đến đây!”
*
Lúc đó, trời đã tối, Sư nghỉ lại qua đêm, mơ hồ nghe thấy những âm thanh giống như đang có pháp sự tụng niệm cử hành. Sáng ra, Sư dò dẫm lên đường. Đi nửa đường gặp một ông lão tóc lẫn lông mày trắng muốt, hỏi Sư đang đi đâu. Sư thuật đầu đuôi, ông lão nói: “Thầy là người có thân thể hữu sanh hữu tử. Đi tiếp chẳng phải là đón nhận cái chết ư? Ta là sơn thần đến khuyên ngăn thầy!”
Đàm Du đành quay về, giữa đường thấy một cái hang đá, bèn vào nghỉ trong ấy, chợt chim ở đâu tụ lại trong hang nhiều vô kể, kêu la ầm ĩ. Sư vẫn thản nhiên, không sợ hãi.
Ngày hôm sau, có một người đầu bịt khăn, mặc áo đơn, đến bảo: “Đây là chỗ ở của bỉ nhân. Ngày hôm qua vắng nhà khiến thầy bị khuấy nhiễu, thật thẹn sâu xa!”. Đàm Du bảo: “Nếu đây là nhà ông, xin hãy dọn đi nơi khác”. Thần nói: “Con đã dọn rồi, xin Sư cứ ở!” .
Đàm Du ở lại đó mấy ngày. Sư trai giới thanh tịnh mấy ngày, rồi lại đến bên cầu đá. Chợt thấy thạch động nứt ra, thấy tinh xá Phương Quảng và các thần tăng, liền tiến đến dâng hương, được họ đãi ăn.
Ăn xong, thần tăng bảo: “Mười năm nữa, ông sẽ tự nhiên đến được nơi đây. Bây giờ chưa thể lưu lại được, hãy về đi!” Sư trở ra, nhìn lại đã thành chốn hoang vu như cũ. Năm trăm vị Ứng Chân chính là năm trăm vị La Hán trong ngôi chùa nơi cầu đá.
Thần thông của đức Phật và Bồ Tát
Đức Phật là thầy của Tam giới. Khả năng thần thông của Ngài là vô biên, ai cũng biết. Trong phạm vi bài này xin chỉ trích đăng về Phép thần thông của các Bồ Tát.
Chuyện về thần thông trong Phật giáo thời hiện đại không thể không nhắc đến Ngài Tuyên Hóa. Nhưng tại sao lại là Hòa Thượng Tuyên Hóa? Bởi Ngài chính là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Trong hồi ký của Ngài ghi chép lại việc dùng phép thần thông để hàng ma, phục quái rất nhiều, chỉ xin chép lại một đôi câu chuyện nhỏ:
Hòa Thượng Tuyên Hóa Thị hiện Đại Thần Thông
Mùa Xuân tháng Tư âm lịch năm 1986, sau 40 năm rời khỏi quê nhà, Hòa Thượng trở về cố hương ở Đông Bắc. Dân trong làng nghe nói Bạch Hiếu Tử trở về, có khoảng ba, bốn trăm người vây quanh ngôi nhà.
Mọi người chen chút nhau đến nghẹt thở, cho nên Hòa Thượng bảo chúng tôi mở cửa sổ ra cho thoáng khí, khi đó bà con bên ngoài thấy vậy mới đeo cửa sổ để ngóng vào trong, khiến cho không khí trong nhà càng ngột ngạt thêm.
Hòa Thượng bắt đầu kể lại những chuyện lúc trước cho chúng tôi nghe. Lúc đó Hòa Thượng đem theo hai túi xách, có một túi đựng xoài, Ngài nói ở Đông Bắc không có xoài nên ai nấy đều tranh nhau để lấy.
*
Vì trong nhà nóng bức, Hòa Thượng liền cởi bớt áo, nên chúng tôi thấy trên ngực Ngài có dấu đốt hình chữ डVạn. Hòa Thượng nói: “Các vị không có tiền, nên không có áo mặc phải không? Tôi cho các vị cái áo này nè!” Nói xong Ngài đưa áo của Ngài cho chúng tôi.
Chúng tôi nói: “Sư Phụ, chúng con không muốn lấy áo của Sư Phụ đâu, Sư Phụ mặc vào đi!” rồi trao lại áo cho Ngài và Ngài mặc vào từng cái một. Hòa Thượng nói: “Vậy tôi cho Kinh Địa Tạng, các vị có muốn không?” Chúng tôi nói “Dạ muốn!” Lúc Hòa Thượng mặc áo vào, chúng tôi không thấy có gì khác lạ. Có ngờ đâu, Hòa Thượng lấy từ trong tay áo Ngài ra Kinh Địa Tạng, loại nhỏ, rồi phân phát cho mọi người và có đến khoảng 300 cuốn.
Chúng tôi cũng không biết Ngài làm sao mà móc ra được nhiều Kinh Địa Tạng đến thế!
Dùng chú Lăng Nghiêm hàng phục Thiên Ma
Tôi ở Đông Bắc còn có một đệ tử, chú này khoảng 14 tuổi. Tuy rằng là đệ tử nhỏ, nhưng thần thông của chú không nhỏ chút nào. Chú có thể lên đến trời và chui xuống đất. Chú có được ngũ nhãn nhưng không được lậu tận thông. Nếu được lậu tận thông là chứng đắc quả vị A La Hán rồi.
Một ngày nọ, chú ta chạy lên trời chơi. Thiên ma trên đó rất thích chú, bèn nhốt chú vào trong cung điện của ma vương, là một cung điện sáng bóng trong suốt giống như xây bằng lưu ly, vô cùng mỹ lệ.
Vì chú có ngũ nhãn, nên thấy được pháp thân mình đến chỗ đó nhưng không ra được. Chú bèn nói với tôi: “Sư Phụ, con lên trời, bây giờ không trở về được!” Tôi nói: “Ai bảo chú đi vậy?” Chú ta nói: “Con tưởng ở trên đó vui lắm nên mới đến xem thử, ai ngờ mấy người trên đó không cho con về.” “Chú nghĩ chơi vui thì được, nhưng chú không được lên đó chơi! Đó là thiên ma ở trời lục dục thiên, chuyên môn phá hoại định lực của người tu hành đấy!”
*
Nghe tôi nói vậy chú ta càng hoảng hốt, nói: “Ma vương nhốt con lại rồi, không cho con trở về, vậy phải làm sao đây?” Tôi nói: “Chú đừng sợ! Ta nay dạy cho chú cách trở về.” Tôi dùng chú Ngũ Đại Tâm trong chú Lăng Nghiêm khiến cung điện của ma vương tan biến mất. Do đó chú ta mới được thoát thân trở về. Thật là đã xảy ra chuyện như vậy.
Mỗi ngày tôi thường cùng với 20 mấy đệ tử quy y của tôi niệm chú Đại Bi. Mỗi lần niệm là chúng tôi quỳ niệm đến hai giờ đồng hồ. Trong nhà vốn không có bông hoa, nhưng khi chúng tôi trì chú Đại Bi khoảng hơn 200 biến là nghe có mùi hương thơm ngát khắp nhà. Loại hương này tuyệt không có ở nhân gian, từ xưa đến nay chúng tôi chưa bao giờ ngửi được mùi hương như vậy.
Tôi có một chú đệ tử vừa trì chú Đại Bi vừa hít ngửi mùi hương thơm, càng thơm chừng nào, chú ta càng hít dữ chừng nấy: “A! Thơm quá! – A! Thiệt là thơm quá!” Tôi nói: “Chú làm cái gì vậy hả?” “Thơm quá đi thôi!” Tôi nói: “Chú hãy chuyên tâm trì chú Đại Bi đi, chớ có chạy theo mùi hương như vậy.”
Thần thông trong Phật giáo: Bồ Tát Quán Thế Âm Thị hiện nơi Ngũ Đài Sơn
Bồ Tát Quán Thế Âm thần thông như thế nào, sách vở thế gian ghi chép lại đã nhiều, sự linh ứng của Ngài chẳng thể nghĩ bàn, nay xin chỉ xin chép lại chuyện Ứng tích của Ngài nơi Đạo tràng Ngũ Đài Sơn.
Tổ Ấn Quang ghi lại theo Phổ Đà Sơn Chí:
Hang Đại Sơn Nham là chỗ rồng rắn ở, lâu năm biến thành yêu tinh, mặc tình gieo hung tác nghiệt, ăn nuốt không ngừng, gây họa lây cho dân chúng, biến ra hình thù quái dị bay lên, không ai chế ngự nổi. Nếu không phải bậc ứng thân Đại Sĩ, ai có thể cứu tế cho được! Vòi vọi thay diệu trí thần lực chẳng thể nghĩ bàn! Nhưng trong cảnh chẳng nghĩ bàn, gượng dùng văn từ để ghi chép, thuật lại sự tích, ngõ hầu gợi lòng tin sâu xa cho những bậc quân tử cả ngàn năm sau.
Xưa kia, vào thời Tùy, trong niên hiệu Nhân Thọ (601-604), núi này có độc long. Do nó có sức thần thông tạo bởi nghiệp lực, nên biến hình thành người mặc áo lông (đạo sĩ), cầm đan dược đi bán ở Trường An, trá xưng tiên thuật để lừa kẻ ngu tục, bảo thuốc ấy linh lắm, uống vào lập tức bay lên trời. Ô hô! Người dân vô tri nhẹ dạ tin lời ấy, phàm kẻ uống thuốc ấy bay lên trời không biết là bao nhiêu! Nào có biết sẽ bị rớt xuống sào huyệt của đạo sĩ ấy để thỏa bụng miệng hắn?
Hàng phục yêu quái
Dân cư một phương vẫn mê chẳng ngộ, chỉ có đức Đại Sĩ ta do sức bi nguyện, hiện thân tỳ-kheo, kết cỏ làm am, sống trên đỉnh núi ấy, dùng sức diệu trí hàng phục thần thông yêu quái ấy, dùng gió thanh tịnh trừ khử nhiệt não cho nó. Ý niệm từ bi thấm đến, độc khí ngầm tiêu, rồng được thanh lương ở yên trong hang núi. Dân chúng nhờ đức ấy đều giữ được mạng sống. Chuyện quái dị xưa kia chẳng còn thấy nữa. Do vậy, sự thi ân linh ứng ấy thấu đến triều đình. Vì Sư có công đối với đất nước, có ân đối với dân, nên lập chùa trên đỉnh núi để đáp tạ.
Đại Sĩ dùng gió Từ, mưa pháp cứu khắp hàm linh, huệ nhật sáng ngời thanh tịnh, phá các tối tăm. Do vậy, người quyền quý ngưỡng mộ, kẻ bình dân khâm phục phong cách, cắt lưới ái để quy chân, bỏ trâm anh để nhập đạo. Đại Sĩ thường ngồi trên tảng đá, vượn núi, thú hoang quây quần bên tòa, trăm loài chim tụ họp đông nghịt, đậu lặng lẽ như đang nghe pháp âm, một lúc lâu sau mới bay đi.
Ô hô! Dựng chùa vừa được một năm thì vào ngày Mười Chín tháng Sáu, Đại Sĩ đột nhiên thị hiện vô thường, điềm nhiên nhập diệt. Mùi hương lạ ngập thất, sương sầu phủ kín trời, chim thú kêu ai oán, núi rừng đổi sắc.
*
Lúc đó, mọi người trong chùa nghe triều đình sai sứ đem hương ban xuống, phụng chỉ phúng điếu, phong tặng để đề cao phước ngầm. Lúc làm lễ trà-tỳ, trời đất tối tăm, trong khoảnh khắc ấy, nơi ấy hóa thành cõi bạc, chợt nghe trên không trung vang lên tiếng tiêu, tiếng trống, núi non lay động, mây lành phủ trùm, hương lạ ngào ngạt.
Từ trên ngọn núi phía Đông chợt hiện ra cái cầu vàng, trên cầu thiên chúng đứng thành hàng, ai nấy cầm tràng phan và rải hoa vàng phơi phới chẳng rơi xuống đất. Cuối cùng trên ngọn Nam Đài, trăm thứ báu chói ngời, nhiều không biết xuể, xông lên tận trời không ngằn mé! Trong đó, [Bồ Tát] hiện tướng tự tại đoan nghiêm, từ dung vĩ đại, rực rỡ, anh lạc, thù y, gió trời hiu hiu, sáng ngời trước mắt.
Khi ấy, hai chúng Tăng – tục một ngàn một trăm mấy mươi người đều thấy dung nghi thật sự, buồn vui lẫn lộn, không ai chẳng khóc lóc chiêm lễ, quy y, xưng danh hết sức cung kính. Lúc ấy mới biết là Quán Âm Đại Sĩ thị hiện ứng tích vậy! Thanh khí, dị hương đọng lại cả tháng.
*
Quan Tả Bộc Xạ là ông Cao tấu trình đầy đủ sự việc. Hoàng thượng xem tờ biểu, than thở hồi lâu, thâu thập di cốt lập tháp, đích thân viết biển đề, ban hiệu là Quán Âm Đài Tự, ban tặng ruộng đất rừng núi mỗi chiều rộng trăm dặm. Mỗi năm ban ngự hương để chư Tăng làm lễ cúng tôn sùng pháp hóa rộng lớn. Đến năm Đại Lịch thứ sáu (771) đời Đường, đổi tên chùa thành Nam Ngũ Đài Sơn Thánh Thọ Tự. Thời Ngũ Đại, chiến tranh liên miên, điện vũ thuộc các đài đều bị thiêu hủy, chỉ còn tàn tăng, nhà nát ở lẫn cùng gỗ đá.
Đến mùa Hạ năm Thái Bình Hưng Quốc thứ ba (978) đời Tống, trước sau sáu lần hiện những điềm lành như mây lành có hình tròn năm màu. Vị Tăng chủ trì là Hoài Vĩ tâu trình đầy đủ lên quan Phủ Doãn, được quan tâu lên triều đình. Triều đình bèn sắc tứ bảng vàng, đề là Ngũ Đài Sơn Viên Quang Tự. Do vậy, tu sửa, xây thêm điện báu, đắp vẽ tượng Bồ Tát. Ráng khói hương cùng vàng, ngọc đua sáng; nhịp mõ cùng tiếng gió thổi qua rặng tùng cùng diễn nhiệm mầu. Nhà cửa trong các đài trên dưới đều xây dựng mới, trụ trì tiếp nối hương đèn chẳng dứt. Từ quang chiếu sáng, đá ươm mây lành, mưa pháp thấm đẫm, nước thành cam lộ.
*
Cách mấy trăm bước về phía Nam Đài, có một thạch tuyền, chảy vào một cái ao hình vuông, sắc vị ngọt sạch, trừ được nhiệt não, làm tươi nhuận sự khô kháo. Mở rộng ra thời tràn ngập sa giới (các cõi nước nhiều như cát), thâu hẹp lại thì ao đá lặng trong. Có lúc hạn hán gắt gao, người nghênh thỉnh đứng nối tiếp nhau bên đường, đều được cảm ứng như lòng mong, châu quận đều ghi rõ chuyện này trong sách vở. Hữu tình được hưởng phước, cây cỏ đượm ân. Từ xưa đến nay, tiếng tăm chẳng mất.
Ôi! Đại Thánh dùng sức bi nguyện, phước phủ một phương, mà dân một phương ấy cũng chẳng quên ân phước từ bi. Mỗi dịp Thanh Minh và nhằm ngày kỵ cuối Hạ, chẳng ngại xa xôi trăm dặm, trèo leo khó khăn, hiểm trở, đều mang tấm lòng thanh tịnh noi dấu chân lên đến nơi, nào phải chỉ trăm ngàn vạn? Dìu già, dắt trẻ, đông nghịt đường nẻo, kéo dài hơn cả tháng. Ai nấy đều dùng hương hoa, âm nhạc, lọng lụa, tràng phan, vật dụng cần dùng để cúng dường. Rồi đầu mặt đảnh lễ, hết sức cung kính chiêm ngưỡng hình tượng, đi nhiễu, tán thán, không ai chẳng gột tội, được phước, trừ chướng, đượm ân, nào uổng công bôn ba leo trèo.
(Phép thần thông trong Phật giáo )
Tuệ Tâm 2020.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, trong phật giáo thì có thần thông là chuyện hết sức bình thường, chỉ là phàm phu mà có thần thông thì phiền phức rồi, đệ tử chỉ nghĩ rằng khi về Tây phương cực lạc có được thần thông là tốt lắm, còn giờ thì mỗi ngày không giải đãi luôn đầy đủ công khóa niệm phật- lạy phật là tâm an lạc rồi
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Thần thông là con dao hai lưỡi, nếu âm thầm dùng để hóa độ chúng sanh thì còn tàm tạm, còn lại thì họa hại khôn lường. Những người tham cầu thần thông chẳng biết lẽ này, dùng tâm tham cầu thần thông để nhập đạo, dù có được hay không cũng đều tự làm hại chính mình.