Kinh Địa Tạng là một trong những bản Kinh quan trọng nhất trong thời mạt pháp, người trì tụng cảm được sự linh ứng của Kinh Địa Tạng rất nhiều. Nếu bạn không tin, thử ăn chay và tụng ngày 2 biến, trong khoảng 15 ngày thôi, bạn sẽ tự mình được trải nghiệm sự nhiệm mầu của Phật pháp.
Hòa Thượng Tuyên Hóa, là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hết sức coi trọng Kinh này, Ngài dạy: “Kinh Ðịa Tạng được xem là một bộ “Hiếu Kinh” của Phật Giáo. Bồ Tát Ðịa Tạng là một vị Bồ Tát thực hành hiếu đạo và là vị Bồ Tát hiếu thảo với cha mẹ nhất.”
Lại Kinh mô tả hạnh nguyện sâu rộng của Địa Tạng Bồ Tát, mô tả chi tiết về nhân quả tội phước chiêu cảm nên các cảnh giới của Địa Ngục, nên người xem do thấu hiểu nhân quả mà biết hướng thiện làm lành. Thời mạt pháp nhiễu loạn thông tin, người ta rao truyền đủ thứ tà kiến, mê tín dị đoan: Nào là tụng Kinh Địa Tạng ma quỷ đến. Nào là Kinh Địa Tạng là ngụy kinh…Chẳng biết rằng: “Đây là bản Kinh ngàn kiếp khó gặp, nếu chẳng phải thiện căn sâu dày, dù chỉ là tên Kinh còn chẳng được nghe đến, huống là trì tụng đó ư”.
- Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Hội Long Hoa là gì.
- Cách thay đổi vận mệnh
- Cách tụng kinh tại nhà
- 10 chuyện Tâm linh có thật.
- 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.

Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng
Rất nhiều người có thiện duyên gặp được Kinh này, hoặc phát tâm trì tụng, hoặc trì niệm thánh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng đều được tiêu tai chướng nghiệp, phước tăng, trí huệ và một số khả năng thần thông được khai mở…Xin trích dẫn những câu chuyện có thật, trong sách “Địa Tạng Bồ Tát Linh Cảm Lục”, về sự cảm ứng nhiệm mầu của việc trì tụng Kinh Địa Tạng và trì niệm Thánh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát cho người hữu duyên, nguyện hết thảy cùng lìa khổ được vui, cùng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ!
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Lễ bái danh hiệu dễ sinh con
Vương Bích Bàn cư sĩ có trưởng nữ gả cho nhà họ Trương. Năm trước theo chồng đi Hà Nam, làm việc ở mỏ than khi đang có mang. Cư sĩ dạy con lấy một tờ giấy màu vàng, trên viết “Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát” đặt trên bàn thờ. Hàng ngày thắp hương lễ bái sẽ được Bồ Tát gia bị.
Con gái nghe theo lời Cha, quả nhiên khi sinh đẻ thật dễ dàng. Dù ở nơi biên địa, không có bác sĩ đỡ đẻ, nhưng không chút đau đớn gì. Hai năm sau lại có mang, cô cũng làm theo như vậy. Trước sau sanh được một trai một gái, đều khỏe mạnh, diện mạo khôi ngô, trí tuệ thông minh và hiền hòa. Mọi người chúng tôi đều thấy sự việc này.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Khỏi bệnh tăng phước
Mùa hạ 18 năm về trước, con tôi vì bệnh nặng nên đến Lư Sơn để an dưỡng. Lúc đó Lương Bích Viên cư sĩ cũng ở cùng. Thấy cháu nằm trên giường 4 tháng chẳng thể dậy, nên kể chuyện về sự linh ứng của kinh Kinh Địa Tạng cho cháu nghe và khuyên cháu đọc Kinh Địa Tạng để cầu khỏi bệnh. Cháu nghe lời làm theo, nửa tháng sau bệnh thuyên giảm rồi không thuốc mà tự khỏi.
Sau đó con dâu có mang, năm sau sinh một con trai. Hai vợ chồng in nhiều cuốn Địa Tạng Bồ Tát Linh Cảm Lục phát cho mọi người để báo ơn Phật.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Giúp mẹ khỏi bệnh
Mẹ tôi tên Trương Thị, 50 tuổi, tính tình hiền hậu. Bà thuộc lòng Chú vãng sanh và Kinh Quán Âm, trường chay đã mấy năm. Cách đây ít năm đột nhiên mẹ không đi được, hai tay vô lực, lưng còng xuống đi lại ở trong nhà phải vịn ghế. Sau hai mẹ con quy y Tam Bảo, thờ Quán Âm và Địa Tạng, sớm chiều kính lễ tụng niệm. Mẹ tuy bệnh tật nhưng cũng thời khóa hàng ngày không bỏ.
Một năm sau tôi phát tâm tụng Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện để cầu cho mẹ khỏi bệnh. Vì Kinh Địa Tạng quá dài, lại vất vả về sinh nhai nên khó tụng niệm được toàn kinh. Tôi chỉ đọc Phẩm thứ mười ba, thuộc lòng đề kinh của từng phẩm một, chủ yếu là trì niệm Thánh hiệu.
*
Được vài tháng thì một hôm mẹ đang ngồi lăn ra bất tỉnh. Tôi hốt hoảng chắp tay chí tâm xưng niệm Thánh hiệu. Kỳ diệu thay, sau 10 câu thì mẹ tỉnh, nôn ra 2 bát nước màu đen. Sau đó mời bác sĩ khám thì họ bảo bệnh khó mà thọ được.
Hàng ngày tôi quỳ trước tượng Bồ Tát Địa Tạng, gia tăng lễ bái, cầu Bồ Tát gia bị. Một tháng sau mẹ dần dần chống gậy đi lại được. Đến nay bà đã 64, đi lại không cần gậy, hàng ngày lễ Phật niệm Phật tinh tấn. Có bệnh hơn mười năm không nhờ thuốc thang mà tự khỏi là điều lạ h trên thế gian. Tất cả đều là sự linh ứng nơi Địa Tạng Bồ Tát mà có được. Ngài thệ nguyện sâu xa, làm lợi ích cho chúng sanh không thể kể xiết. Nếu ta thành tâm phát nguyện cầu ngài gia bị, chắc chắn sẽ được cảm ứng!
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Khỏi mù lòa
Thành Phục Sơ cư sĩ ở Thái An Cam Túc theo đạo Lão từ năm mười sáu tuổi, rất tích cực báng phá Phật pháp. Đến năm Dân Quốc thứ 16(1927) mắt bên phải bị mù. Năm 20 tuổi, mắt bên trái cũng vậy. Về sau duyên may gặp và quy y với Ấn Quang Đại Sư. Y một lòng sám hối, tu tịnh, bắt chước lập hạnh của Liễu Phàm, học pháp Tịnh Ý cải tâm.
Một thời gian sau, tuy được tâm địa sáng suốt, nhưng đôi mắt vẫn còn mù lòa. Bèn phát tâm trích máu nhờ người vẽ tượng Phật. Ngày 17 mùa đông năm Ất Hợi (Dân Quốc 24), sáng dậy lễ khóa như bình thường. Khi tụng đến chữ đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát. Chữ Bồ vừa đọc ra, chữ Tát còn chưa đọc thì thấy trước mặt có một luồng hào quang chói lòa. Trong chớp mắt hai mắt sáng lại, nhìn thấy rõ mọi vật.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Lìa khổ được vui
Cư sĩ Nhạc Sư Úc ở Hà Nam, Trung Châu. Vợ mất sớm, có một con gái đã ở riêng, trong nhà chỉ còn Mẹ già. Năm Dân Quốc thứ 20( 1931) Mẹ bị xe kéo đụng chân trái bị thương, chữa mãi không khỏi. Mọi sinh hoạt ở trên giường, từ tiểu tiện, đại tiện cho đến ăn uống đều một tay cư sĩ làm. Tình cảnh kéo dài mấy năm, vất vả vô cùng, lại không làm ăn gì được, vốn liếng cũng gần cạn.
Ngày 23 tháng 1 năm 1934 Sư Khang và bạn là Trương Khế Chinh đến thăm. Thấy mẹ cư sĩ vẫn còn nằm liệt trên giường bệnh, cư sĩ tiều tụy, đầu tóc bạc phơ. Sư Khang bèn tặng cư sĩ năm đồng và cuốn Kinh Địa Tạng Bồ Tát. Tiền thì cư sĩ nhất định không chịu nhận, chỉ nhận cuốn Kinh thôi.
Từ đó cư sĩ hàng ngày chí tâm đọc Kinh Địa Tạng và xưng danh hiệu, cầu Bồ Tát gia bị cho mẹ khỏi bệnh. 5 giờ sáng ngày 29, bà chợt bảo: “Ta thấy trong người nhẹ nhõm và cảm thấy đói”. Cư sĩ vội vã vào bếp nấu mì, mẹ ăn uống rất vui vẻ, xong lại đòi ăn táo. Cư sĩ vui quá nói rằng: “Bệnh Mẹ khỏi rồi”. Mẹ nói “Không phải thế đâu, e rằng Mẹ con ta sắp vĩnh biệt đấy”. Bà nói chưa dứt câu, táo còn chưa ăn hết thì mất.
*
Mẹ chưa kịp liệm thì thấy Châu Đồng Sinh đến, bảo: “Đêm qua tôi nằm mơ thấy bà đến cho biết sáng nay bà đi. Trong lòng nghi hoặc nên đến đây thì quả là vậy”.
Đêm 31, linh cữu của Mẹ được an táng. Cư sĩ đau lòng khóc lóc thảm thiết. Bỗng nghe có tiếng người nói rằng: “Thôi đừng khóc thương nữa, Mẹ ngươi đã được Địa Tạng Bồ Tát tiếp dẫn rồi”. Cư sĩ mở mắt nhìn quanh, cửa đóng then cài nhưng chẳng thấy ai. Nhớ lại việc Sư Khang tặng Kinh, bèn hướng về Mẹ niệm danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát cầu gia hộ cho Mẹ.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Được vãng sanh
Chị dâu Trương Thị tên là Thọ Thân. Sinh ra trong gia đình lương thiện, thông minh từ nhỏ. Chị ở nhà nổi tiếng là hiếu thảo. Khi đến tuổi cập kê về Giang Hạ làm dâu của Trưởng Tôn Du Đường Công. Lấy nhau được 49 ngày thì chồng chết, chị thề thủ tiết thờ chồng.
Mẹ chồng bị bệnh nặng, thuốc thang đều vô hiệu, chị cắt thịt để làm thuốc cho mẹ. Sự hiếu thảo kinh động cả quỷ thần nên mẹ chồng được tăng thọ thêm 3 năm. Họ hàng nội ngoại đều khen ngợi đức độ của chị. Có người trong hoàn cảnh đói khổ hay bệnh tật đến nhờ cũng được Trương Thị tận tâm giúp đỡ, chưa hề thoái thác. Chị sống rất là đạm bạc, đơn giản, hay giúp đõ người khác.
Tháng 5 năm Dân Quốc thứ 30 (1941) Đại Đức Hoằng Nhất Pháp Sư hoằng dương Chánh pháp. Chị dâu rủ tôi cùng đi gặp Pháp Sư và quy y Tam Bảo. Tôi vì góa bụa, nên sớm chiều bầu bạn với chị hơn mười năm.
*
Một hôm chị phát hiện ung thư vú, bệnh mỗi ngày càng thêm nặng. Dù đau ốm vẫn trường trai, một lòng niệm Phật cầu sinh Tây Phương. Khi chị hấp hối, đứa cháu nội chín tuổi là Tôn Thừa Kinh, bỗng nhiên thét lớn, mặt mũi tái mét. Mọi người vỗ về hỏi tại sao? Kinh đáp: “Sau lưng Bà có một người tướng mạo như Phật, cao lớn, đầu đội mũ có nhiều góc. Mình mặc áo có nhiều vải vá, tay cầm cây trượng dẫn dắt Bà nội đi”.
Do trong nhà có treo bức họa ảnh của Địa Tạng Vương Bồ Tát, mọi người mới ngỡ ra là Thịnh đức cảm được Địa Tạng Vương Bồ Tát đến tiếp dẫn bà qua Tây Phương. Qua năm ngày sau hỏa táng ở Vũ Sơn, lấy ra tro hài cốt trắng trẻo sạch sẽ, đựng vào trong hủ, hiện gửi ở núi Thanh Nguyên, hang Di Đà, để chờ chọn ngày xây tháp kỷ niệm.
Kinh Địa Tạng Linh cảm cận văn
Tả Quân Phục Hòa rất thành tín với Phật pháp. Nghe nói mẹ của Tả Quân ngày thường kính tin Phật pháp, trì kinh Địa Tạng. Lại thường chế luyện các thứ thuốc để thí cho người bệnh nghèo. Năm 24 tuổi, Bà mắc bệnh mê man, bèn bảo gia nhân lo liệu đồ chay, rước Chư Tăng đến, thành kính tụng Địa Tạng Kinh 3 ngày.
Bà thấy Địa Tạng Bồ Tát hiện ra thân Cao Tăng. Mình mặc áo cà sa, tay cầm Tích Trượng, đến bảo rằng: “Tuổi thọ của ngươi đã hết. Nhưng nghĩ đến ngươi trước đến nay có lòng thành kính Phật. Làm nhiều việc thiện, nên nay cho sống thêm mười hai năm nữa”. Từ đó bệnh khỏi, sống đến năm 36 tuổi mới êm đềm ra đi.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Cảm ứng
Cố Tồn Tín, là cháu ngoại của học giả Hứa Viên Chiêu. Năm lên hai tuổi bị chứng bệnh kết hạch. Bệnh triền miên trong ba năm, mọi danh y đều bó tay. Sau cha mẹ nó nghe lời Hứa Viên Chiêu. Đem tất cả những đồ vật yêu thích của cháu, y theo lời trong Kinh Địa Tạng, đến trước mặt Tồn Tín đọc ba lần. Đem bán các đồ vật ấy được mười đồng, rồi đem đi tạc một tượng Địa Tạng Bồ Tát, hàng ngày thành kính lễ bái.
Từ đó bệnh của Tồn Tín khỏi dần, đến nay đã ba năm mà các chứng bệnh cảm cúm lặt vặt cũng không bị. Ngày mùng 2 tháng 3 năm Dân Quốc thứ 16 (1927) tôi có dịp đến thăm ông Viên Chiêu ở Thượng Hải, để trả 138 tiền đường sá nhà cửa thì được mắt thấy tai nghe chuyện này.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Nhiệm mầu
Tháng 2 năm Dân Quốc thứ 33 (1944) vào buổi sáng tôi lên lầu Tán Mỹ lễ Phật. Tối lại đến sảnh trước, nơi Thờ Quan Âm Đại Sĩ tụng niệm danh hiệu Chư Phật Bồ Tát. Vì muốn yên tĩnh, tôi tắt đèn đứng nghiêm, chắp hai tay hướng về Phật. Miệng niệm mắt nhìn chăm chú, trong lòng thành kính tụng niệm thánh hiệu Địa Tạng Bồ Tát một ngàn lần.
Sắp kết thúc tôi bỗng nhiên thấy có ánh sáng chói lòa, cách ba thước về phía bên trái tượng Quan Âm Bồ Tát. Tưởng là có người cầm đèn đi qua vườn, tôi quay đầu nhìn ra ngoài cửa sổ. Thấy mặt trăng chưa ló dạng, khuôn viên vắng tanh, không có người qua lại. Tôi tự nghĩ có lẽ mắt mình có vấn đề, nhìn về chỗ cũ ánh sáng đã tắt không thấy gì nữa.
Khi trở lại chỗ cũ tiếp tục tụng niệm, thấy ánh sáng lại nổi lên, nhưng hơi cao hơn lần trước một chút. Tôi mới nhớ ra là chỗ đó có một pho tượng của Địa Tạng Bồ Tát. Đoán chắc là ánh sáng của Bồ Tát, tôi vội gọi em tôi đến xem. Lúc đó cha tôi cũng bước vào, cùng chúng tôi xưng niệm Thánh hiệu, ánh sáng được thêm vài phút thì tắt.
*
Trước kia mẹ tôi nghe lời khuyên, trường trai lễ Phật hơn 10 năm. Cả gia đình không ai là không sùng tín Tam Bảo, trước sau quy y với các đại Sư: Ấn Quang, Trí Tùng và Diệu Trân. Anh em tôi có nguyện vọng hoằng pháp để làm lợi sinh. Tháng Giêng năm nay Mẹ tôi bị bệnh, cánh tay bên phải không cử động được, bước đi khó khăn. Biết là vì túc nghiệp sinh ra nên chúng tôi lại càng chăm chỉ thành tâm niệm Phật cầu gia bị.
Đêm 29, Mẹ tôi lưỡi cứng không nói năng gì được. Anh em tôi phát nguyện: Ngoài việc xưng tụng danh hiệu của Chư Phật ra, xin thành tâm trì tụng Kinh Địa Tạng Bản Nguyện, đồng thời thay Mẹ tôi sám hối tội chướng. Bệnh tình quả nhiên thấy khỏi dần.
Địa Tạng Vương Bồ Tát
Gia đình tôi nhiều người duy chỉ có Cô tôi là ăn chay trường, thành tâm kính phụng Phật giáo. Tôi tuy tin là có Phật và Bồ tát, nhưng thờ cúng chểnh mảng. Đến khi Cô tôi mất đi, thì chư vị cư sĩ trong liên xã đến giúp hộ niệm. Tôi và chư vị cư sĩ qua lại lâu ngày nên dần dần cũng kính phụng Tam Bảo.
Tịnh Hành Liên Xã ở Lục Uyển Trân có vị Chính Mông Pháp Sư. Ngài tận lực tuyên dương Phật giáo, hết lòng tán thán công đức cứu khổ độ sinh của Địa Tạng Bồ Tát. Thường khuyên các hội viên nên đọc nhiều Địa Tạng Kinh, thế nào cũng có cảm ứng. Chính Pháp Sư khởi xướng việc này, vài tháng sau quả nhiên linh ứng luôn luôn thể hiện. Nay tôi ghi lại các sự tích để chứng minh về sau sự linh cảm của Địa Tạng Bồ Tát thật không thể lường được.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng
Chuyện 1: Con dâu tôi sản hậu, thần trí rối loạn, nói năng bậy bạ đã nhiều ngày. Đông và Tây y chữa trị đều vô hiệu. Tôi vì tin Phật và nhờ Pháp Sư Chính Mộng chỉ dẫn. Bèn tập hợp các vị cư sĩ trong Tịnh Hành Liên Xã, cùng nhau tụng Địa Tạng Kinh. Mới đọc hết cuốn Thượng, bệnh con dâu tôi tự nhiên khỏi hẳn, thần trí tỉnh lại như xưa. Đọc hết cuốn Trung và Hạ, con dâu tôi thiêm thiếp ngủ ngon, bệnh tình khỏi hẳn.
Chuyện 2: Anh thợ bạc họ Tiển, mắc chứng bệnh kỳ lạ: Cổ bị sưng to, ăn uống không được, đau đớn khổ sở. Lúc nào anh cũng kêu gào rằng: “X (Tên của một cư sĩ rất thành kính Phật giáo ở bản Trấn) đang ở thiên đường, ta ở địa ngục, X mau đến cứu ta”. Người nhà của bệnh nhân đến mời một cư sĩ, cùng với các xã viên đến đọc Địa Tạng Kinh. Đọc xong bệnh nhân bỗng nói rằng: “Vừa rồi có người đến cởi dây cho tôi khỏi bị treo cổ”. Bệnh khỏi liền.
Chuyện 3: Người đàn bà họ Đỗ, bị bệnh thương hàn rất nặng. Nhà bà mời các thầy thuốc Đông và Tây y đến chữa trị, nhưng bệnh tình vẫn y nguyên. Cả gia đình Đỗ Thị đều ăn chay niệm Phật, liền phát tâm đọc Địa Tạng Kinh. Kinh đọc xong thì nhiệt độ giảm xuống, bệnh khỏi dần, rồi khỏi hẳn.
*
Chuyện 4: Mẹ tôi năm nay 79 tuổi, bỗng bị chứng bệnh phong. Hai chân khép lại không mở ra được, đau đớn vô cùng. Nằm trên giường bệnh mấy năm thì mất. Sau đó một đêm, tôi nằm mơ thấy Mẹ hiện về bảo: “Chân đau quá.” Tôi cũng chỉ cho là nhớ quá ra mộng nên cũng chẳng để ý. Ngày kia ở trong Liên Xã nói đến chuyện này. Chính Mộng Pháp Sư khuyên nên đọc Địa Tạng Kinh, có thể cầu xin cho tội nhân thoát khỏi khổ đau.
Tôi bèn mời một Cư sĩ cùng tụng niệm. Đến ngày thứ 6 thì nằm mơ thấy Mẹ bảo rằng: “Đã thoát khỏi khổ đau rồi.” Đến ngày thứ 7 đọc xong Kinh, tôi lại nằm mơ thấy mình tiễn Mẹ đi Tây Phương. Qua đây thì rõ rằng, oai lực của Địa Tạng Bồ Tát có thể giải thoát những đau khổ của người tại u minh. Lành thay !
Chuyện 5: Bản Trấn có người họ Đường, tên là Nhị Quan. Cả con và cháu ruột đều mắc bệnh, chữa trị mọi cách đều vô hiệu. Duyên lành được nghe Kinh Địa Tạng thần uy linh cảm, nên thành kính đọc, cả con lẫn cháu đều khỏi cả.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Siêu độ cho cha
Mùa Xuân năm Dân Quốc thứ 34(1945) cuộc chiến xâm lấn quân ngụy địch đang kịch liệt. Cha tôi lúc đó có việc bận ở Trấn Giang, tôi và chị cùng hầu hạ Mẹ ở Thượng Hải. Ngày 28 tháng 4, tức là ngày 17 tháng 3 âm lịch, được điện tín từ Trấn Giang, cho biết Cha bệnh nặng. Tôi bàn với Mẹ và chị đến thăm Cha. Mẹ tôi cho rằng hiện nay giao thông bất tiện, vé xe đắt khó mua. Lại chỗ đó trộm cướp rất nhiều, đàn bà và trẻ con không nên đi. Tôi mỗi khi nhớ đến Cha thì lòng dạ rối bời trăm mối. Nên hôm sau đến bàn với chị, ở lại qua đêm, cùng với cháu ở một phòng.
Khu nhà chị đèn đóm quản lý rất nghiêm, 10 giờ là tắt điện nên chúng tôi đi ngủ sớm. Vì nhớ cha, tôi trằn trọc mãi không ngủ được. Về khuya đang thiu thiu ngủ, tôi thấy một đám đông đi đến ngoài cửa, thấy Cha tôi rẽ đám đông vào nhà.
Tôi đang định hỏi thì thấy Cha đã đứng sững trước giường, bảo rằng: “Thôi ta hết đời rồi, ta sắp đi đây, con có biết không?” Tôi không biết nói gì hơn, chỉ có cách nghẹn ngào an ủi rằng: “Con đã biết rồi, cha đừng buồn, sống chết có số. Thể xác của con người chẳng ai có thể duy trì được mãi. Ngoại trừ Phật lực ra, không còn cách nào giải thoát được. Thường ngày con khuyên cha niệm Phật là vì lẽ đó. Cha tuy không nghe lời, nhưng lập nguyện quy y, nhất niệm thiện ân, không phải là vô ích.”
*
Cha tôi mặt mày ảm đạm nói rằng: “Trễ rồi, ta sẽ cùng với mọi người này đi đây”. Nói rồi chỉ tay ra ngoài cửa, thấy những người đứng chờ bên ngoài cũng ngó vào, ý như thúc giục. Cha tôi quay ra nói với đám đông: “Mọi người đứng chờ tôi như vậy, xin chờ thêm ít phút nữa, tôi còn vài lời muốn nói với con”. Nói rồi Cha quay trở lại nói với tôi rằng: “Huệ Nhi! Cha đang cần sự đọc Kinh niệm Phật để được siêu thoát. Ta rất hối hận ngày thường không nghe lời khuyên của con. Cha đi đây, nhớ niệm Phật cầu siêu độ cho Cha”, nói rồi cất bước ra đi.
Tôi vội hỏi Cha có nhắn nhủ gì thêm không? Ông bảo: “Không có gì đáng nói nữa, hãy nhớ niệm Phật cầu siêu cho ta”, rồi hai tay bưng mặt như lau nước mắt. Tôi cũng không cầm lòng nên òa khóc. Khi ra khỏi cửa, lại dặn với theo: “Ta chờ sự cầu siêu độ của con”. Đám đông ngoài cửa có người cầm một vật như sợi dây, quăng vào người Cha, tôi liền giơ tay nói:
“Người này là Cha tôi.” Tôi phụng Phật pháp, tự tin có thể xin Phật lực giải tội cho Cha. Cha tôi chắc không ở lâu trong cõi u minh, chỉ trong một tháng thế nào cũng sẽ được siêu thoát. Xin nể tình khoan hạn, tôi xin hậu tạ ơn huệ”. Người đó quả nhiên nới tay, cùng Cha tôi và mọi người ra đi. Mọi chuyện xảy ra đều không kinh động đến ai.
*
Biết chắc là Cha đã mất, tôi bèn ngồi niệm Phật hồi hướng cho Ông. Hôm sau tôi dậy sớm về Trường, bạn học giao cho tôi một bức điện tín nhận được đêm qua,. Điện tín cho hay Cha tôi đêm qua đã từ trần. Tôi tuy Quy y đã mấy năm nhưng chưa hề đọc Kinh Địa Tạng, nay vì Cha mà phát tâm trì tụng.
Đêm ngày 25 tháng 2, khi đang quỳ tụng niệm. Tôi thấy một luồng ánh sáng trực chỉ về phía Đông Bắc, dài như một dải vải, Cha tôi đang quỳ trong đó. Mới đầu chỉ một mình Cha tôi quỳ ở trong đó bái lạy, sau thấy nhiều người đến đảnh lễ. Điều lạ là ánh sáng đó đều chỉ hướng miền Đông Bắc, các phía khác thì không thấy gì.
*
Ngày 8 tháng 4, là ngày Thế Tôn Thánh Đản. Tôi bày cúng trái cây hoa và tụng niệm, thì thấy trong ánh sáng có nhiều người lễ bái. Vào tối, theo thường lệ tôi tụng niệm xưng danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát. Chợt thấy Ngài hiện ra tay cầm Trượng cắm xuống đất, ánh sáng tỏa ra thành một khu vực rộng lớn.
Trong ánh sáng này có rất nhiều người vui vẻ, có kẻ chạy tán loạn. Cũng có kẻ bay bổng lên trời, như được niềm vui lớn vậy. Tôi nhìn kỹ mà chẳng thấy Cha đâu. Tụng Kinh Địa Tạng và xưng Thánh hiệu xong, tôi chăm chú nhìn kỹ thì không còn thấy ánh sáng ở Đông Bắc nữa. Trong lòng cảm ơn và nghĩ thầm: Cha tôi chắc nhờ ơn Phật đã được siêu thoát rồi. Phật ân rộng sâu, Phật lực hoằng đại, thật không thể lường được.
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Cảm ứng Bồ Tát
Tháng 7 mùa Thu năm Bính Tuất, chị tôi bị bệnh thương hàn rất nặng. Tất cả các thầy thuốc đều bó tay. Tôi thường tụng Kinh Địa Tạng nên lúc về thăm Chị liền khuyên chị phát tâm thực hành những việc lành như trong kinh đã ghi: “Nếu đem đồ quý báu của người bệnh, như trang sức, quần áo… bán để lấy tiền tạc tượng hay vẽ hình Địa Tạng Bồ Tát. Hoặc phát nguyện nhờ người thay thế bố thí tiền bạc, quyên góp ít nhiều để đúc tượng Địa Tạng Bồ Tát…Nếu người nghiệp báo đáng lẽ phải ốm đau, nhưng nhờ công đức kể trên, bệnh sẽ khỏi, được tăng thọ.
*
Trong lúc tuyệt vọng, chị cho người nhà làm ngay, đồng thời liên tục trì niệm Thánh hiệu. Ngay hôm sau cơn nóng sốt thuyên giảm, tỉnh táo. Bệnh tình mười phần giảm được bảy tám, khiến hết thảy người thân sơ ngạc nhiên, đều cho là lạ. Bảy ngày sau, vào lúc sáng sớm. Chị thấy một Lão Tăng, tay cầm chiếc gậy thiếc đứng bên cạnh giường. Chị chắp tay kính cẩn, thì không thấy đâu nữa.
Từ đó các bệnh chân tay bủn rủn, tinh thần mỏi mệt khỏi hẳn. Mới hay là Bồ Tát che chở cho lục đạo, phổ độ chúng sinh. Thần thông và uy đức thật không thể nghĩ bàn. Sau khi khỏi bệnh, chị lập chí tu tịnh nghiệp. Ngày đêm xưng danh Bồ Tát, hàng tháng trai giới lục chay. Gặp ai cũng khuyên răn và nhờ tôi viết dùm Linh Cảm Ký cho mọi người được biết. Để đồng sinh chánh tín, đồng trồng căn lành. ( Khương Trí Thanh kính ghi)
Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng: Bồ Tát hiện thân
Tôi trước kia vì bị bệnh nên xuất gia, từ đó đến nay chưa ốm nặng lần nào. Đôi lúc có khi tứ đại không điều hòa, nghỉ ngồi tu chỉ quán thì hết bệnh. Mùa Xuân năm nay, năm Dân Quốc thứ 36 (1947), tôi đến Hàng Châu hành hương. Trên thuyền đi ngày đêm tụng niệm Thánh hiệu không ngừng.
Thuyền nhỏ chở nhiều người, trong nóng ngoài lạnh, nên khi về nhà tôi thấy mệt nhọc. Đến 23.4 tôi thấy bệnh tình trầm trọng, 10 ngày không một hột gạo hay một giọt nước vào bụng. Đêm ngày 30 bệnh tình nguy kịch, thì thấy Địa Tạng Bồ Tát một tay cầm Trượng thiếc, một tay cầm Bình Bát. Ngài đứng trước giường bệnh nói: “Hãy yên tâm niệm Phật”.
Sáng hôm sau bệnh tình đã đỡ nhiều. Đến ngày 5 tháng 5 ăn cháo được, đến ngày Lễ Phật Đản thì khỏi hẳn. Nay nhờ Đại Pháp Luân Thư Cục xuất bản cuốn Địa Tạng Bản Tích Nhân Duyên 100 cuốn để báo đáp ơn sâu, đặc biệt ghi lại việc nầy vậy. (Giác Thuần)
( Sự linh ứng của Kinh Địa Tạng )
Tuệ Tâm 2019.
Đỗ Thị Dung viết
Xin hỏi khi đọc kinh và chép kinh nhưng không có ban thờ chỉ tin trong tâm có ngài Địa tang vậy có linh ứng không ạ. Xin cảm ơn ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Khi tâm ta khởi một niệm thiệc ác, quỷ thần đều thấy rõ biết rõ, Bồ Tát chẳng nhẽ lại chẳng thấy biết hay sao? Khi bạn đọc kinh hay chép kinh chư Bồ Tát và quỷ thần đều rõ biết. Nếu bạn đọc tụng bằng tâm thiện lương trong sáng, ít tạp niệm, ắt nơi bạn tụng sẽ chiêu cảm rất nhiều Thiên long hộ pháp hộ trì, chúng quỷ thần cũng tới quỳ nghe kinh để được giải thoát. Vậy nên có bàn thờ hay không có bàn thờ không quan trọng, tâm người trì kinh mới quan trọng. Tụng kinh hay chép kinh công đức không thể nghĩ bàn. Tuy nhiên nếu chép kinh thì cần phải hết sức lưu tâm, tránh lỗi khinh nhờn. Người thời nay chép kinh chẳng biết lỗi này nên công đức lớn mà phạm tội khinh nhờn cũng không kém cạnh. Nếu bạn khởi tâm chép kinh, nhất định phải đọc bài này trước khi cầm bút: Chép kinh Phật cảm ứng chuyện!
Nam mô A Di Đà Phật.
Thanh viết
Sự Linh Ứng Kì Diệu Của Bồ Tát Địa Tạng
Tại một ngôi làng nhỏ tên là Anwa có một người phụ nữ rất hiền lương mộ đạo, hết lòng sùng kính Bồ Tát Địa Tạng. Vì nhà nghèo cho nên bà luôn luôn ao ước và vẫn thường cầu nguyện làm sao có được một pho tượng Bồ Tát Địa Tạng để thờ phụng ở trong nhà. Một ngày nọ, trong khi đang giặt đồ ở dòng sông trước mặt nhà, bà nhặt được một pho tượng Địa Tạng bằng gỗ trôi tấp vào chỗ mình đang đứng. Xiết đỗi vui mừng, bà vội vàng mang pho tượng về nhà và từ đó ngày hai buổi sớm tối công phu thờ lạy Ngài rất nghiêm chỉnh. Vì chưa có con thế nên mỗi lần cúng lạy bà cũng không quên khấn vái cùng với Bồ Tát Địa Tạng giúp cho bà có một đứa con trai.
Không bao lâu quả nhiên bà thọ thai và sanh được một đứa con trai. Nhưng bất hạnh thay, khi đứa bé tròn bốn tuổi thì người mẹ lâm bạo bệnh và qua đời. Chẳng bao lâu sau đó thì người cha tục huyền với một người đàn bà khác. Bà này là một người rất hung dữ và độc ác và đứa con chồng thường xuyên là nạn nhân cho những cơn thịnh nộ của bà kế mẫu hung ác này.
Đứa bé ngay từ hồi nhỏ do đã chịu ảnh hưởng của mẹ trong việc thờ cúng Bồ Tát Địa Tạng, cho nên khi mẹ mất đi cũng không hề quên và xao lãng nghi lễ này, tuy nhiên do sợ bà mẹ ghẻ đánh chửi, nó đã phải làm trong âm thầm lén lút. Một hôm trong khi người cha có việc phải rời khỏi nhà đi ra tỉnh, nhân lúc bà mẹ ghẻ đang ngủ trưa, đứa bé vào bếp kiếm được một ít cơm nguội vội vàng đem dâng cúng lên bàn thờ của Bồ Tát Địa Tạng và mẹ mình. Quỳ trước bàn thờ, lòng nhớ thương mẹ không nguôi đã làm đứa bé bật khóc lên nức nở. Tiếng khóc của đứa trẻ làm bà mẹ ghẻ tỉnh giấc và khi trông thấy đứa trẻ đang cúng lạy mẹ nó, bà liền nổi cơn thịnh nộ và trong khi điên tiết lên vì giận dữ, bà đã túm lấy nó quẳng vào nồi cháo heo đang sôi sùng sục trên bếp lửa.
Trong lúc này người cha đang đi đường bỗng dưng cảm thấy lòng dạ bồn chồn nóng lên như lửa đốt khiến ông không thể cất bước được nữa và như có điều gì thúc dục buộc ông phải quay trở về nhà. Đến đầu làng, ông bỗng gặp một nhà sư cõng một đứa bé ở sau lưng đang than khóc thảm thiết, tiếng khóc nghe rất quen thuộc. Không nghi ngờ gì nữa, đó là tiếng khóc của chính con ông! Tuy vậy người cha vì chưa thấy mặt nên còn bán tín bán nghi hỏi nhà sư:
-Thầy ơi, đứa trẻ nào đang khóc vậy?
Nhà sư trả lời:
– Ta đã đổi mạng ta cho đứa trẻ này khi người mẹ ghẻ của nó đang tìm cách giết nó. Ngươi hãy tìm kẻ nào đáng tin cậy để nuôi dưỡng và giáo dục đứa bé này.
Nói xong nhà sư trao đứa bé vào tay của người cha đang kinh hoàng run rẩy. Mang ơn nhà sư, người cha vội hỏi:
-Thưa Thầy, Thầy đang trú trì ở chùa nào?
Nhà sư trả lời :
-Ta ở gần đền thờ vua Thập Điện
Sau khi đem con gởi nhờ ở nhà ông bà nội, người cha quay trở về nhà và thấy bà vợ đang ra sức đun củi vào bếp, trên đó là một nồi nước đậy nắp đang sôi. Thấy chồng xuất hiện bất ngờ, bà ta có vẻ bối rối và tìm cách dập tắt ngọn lửa.
Anh ta liền hỏi vợ:
-Thằng con tôi đâu rồi sao không thấy?
Bà vợ gian hùng lúc này bèn giả bộ đau thương, sụt sùi kể lể : – Thấy không có ông ở nhà, thằng nhỏ bỏ chạy ra chơi ở cạnh bờ sông không may sẩy chân rớt xuống sông, nước cuốn mất xác rồi.
Người chồng không nói gì vội tiến đến cạnh nồi nước và mở nắp ra. Nổi ở trên mặt nồi cháo heo đang sôi sùng sục là pho tượng của Bồ Tát Địa Tạng, pho tượng ở trên bàn thờ mà người vợ trước của ông đã thờ cúng hằng ngày! Bây giờ thì anh ta mới hiểu hết ý nghĩa lời của nhà sư nói “Ta đã đổi mạng ta” và biết rằng nhà sư mà ông vừa mới gặp không ai khác hơn chính là Bồ Tát Địa Tạng đã hóa hiện ra để cứu con mình. Chán nản trước tình đời, cảm động trước sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ Tát Địa Tạng, người đàn ông xuống tóc đi tu và trở thành một nhà sư suốt đời tận tụy thờ phượng Bồ Tát Địa Tạng.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
Nam Mô A Di Đà Phật !
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát !
Thanh viết
TỤNG KINH ĐỊA TẠNG – ƯỚC NGUYỆN ĐƯỢC NHƯ Ý.
(Tác giả: Vương Cẩn).
Có lẽ mọi người cho rằng chuyện tôi sắp kể ra đây không mấy hứng thú, song đến hiện tại, trong tôi vẫn còn cảm giác vui buồn lẫn lộn.
Mới đây nhà tôi chuyển đến Đào Viên, sống trong hoàn cảnh mới, lòng tràn đầy niềm hi vọng một tương lai tươi sáng. Nào ai biết được, chuyện đời thường không như mình nghĩ.
Việc chuyển công tác mới, thật sự hao tâm tổn trí, vấn đề sinh hoạt cũng khiến tôi suy nghĩ không kém, như gọi hoài mà người ta không đến bắt điện thoại cho…
Trước hoàn cảnh bất lợi như thế, thường tôi lên bàn thờ Phật thắp hương kiền thành lễ Phật ba lạy, thỉnh Ngài từ bi gia hộ cho tâm mình được sáng suốt, đầy đủ sức nhẫn nại để giải quyết mọi công việc. Bỗng nhớ trong kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện có đoạn: “Người nào khi gặp chuyện không như ý, kiền thành cung kính lễ bái, khen ngợi Bồ-tát Địa Tạng, cho đến phát tâm trì tụng kinh điển không thể nghĩ bàn này, nhất định người ấy sẽ được cảm ứng”.
Tôi thỉnh một cuốn kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, chuyên tâm đọc tụng, tụng xong một quyển, đều đứng dậy chắp tay hồi hướng: “Xin nguyện cho oan gia nhiều đời, bà con nhiều kiếp, nương vào công đức này chóng được giải thoát, lại ngưỡng nguyện chư Phật, Bồ-tát từ bi gia hộ cho công việc của con sau này thuận buồm xuôi gió”.
Tôi vừa nguyện xong, cây nhang đang thắp trên bàn thờ khoanh tròn lại, đây có phải là điềm linh ứng Bồ-tát cho tôi không? Tàn nhang khoanh tròn có phải biểu thị cho lời nguyện của mình viên mãn rồi không? Không! Mình không được chấp trước như thế, đây đều là vọng tưởng của mình sinh ra! Bồ-tát, con chỉ hi vọng cục điện tín sớm cho người đến bắt điện thoại cho con là được rồi!
Sáng hôm sau, tôi chở con gái đi tiêm phòng, vừa về đến cổng, phát hiện thấy một tờ giấy nhét ngoài cổng, nội dung ghi:
“Người của Cục điện tín đến, chủ nhân không có nhà, hẹn sáng mai”. Đọc xong tờ giấy, tôi vui mừng vô cùng, nghĩ đến điều nguyện tối qua, sáng ra đã linh nghiệm.
Buổi chiều, hàng xóm qua chuyển lời lại, chồng gọi điện về nói, có một nhà trẻ đã đồng ý nhận tôi, bảo phải đến gấp để thương lượng một số vấn đề. Liên tiếp nhận được tin vui, tôi thật không dám nghĩ đến; nộp đơn xin vào làm trong nhà trẻ đã hơn một tháng không thấy trả lời, không ngờ hôm nay… Bây giờ lại báo tuyển dụng, đây chẳng phải minh chứng kì diệu của công đức tụng kinh đó sao?
Tôi vô cùng hoan hỉ và cảm tạ ân đức gia hộ của chư Phật và Bồ-tát Địa Tạng, từ đó phát nguyện mỗi tháng đều để dành tiền bố thí, phóng sinh, in kinh sách, đồng thời phát tâm ăn chay mỗi tháng 10 ngày.
Thanh viết
BỒ-TÁT CỨU ĐỘ KHỔ NẠN
Đặng Lệ Vi
Sớm biết sống chết vốn vô thường
Già chết chẳng qua chậm với mau
Đại hạn kéo đến không báo trước
Thanh xuân niên thiếu cũng đề phòng.
Một buổi sáng 5 năm về trước, tôi nhận điện thoại của người bạn, báo cho biết chồng của chị ấy bị tai nạn giao thông chết tối hôm qua. Điều làm tôi sợ nhất, đó là chồng của tôi đi cùng xe với chồng của chị ấy. Nhưng chị ấy nói chồng tôi chẳng bị sao, nghe cứ ngỡ mình đang nằm mộng. Những chuyện xảy ra ngoài ý muốn trong giao thông vốn dĩ ngày nào cũng có, có điều nạn nhân không phải là mình và người thương của mình, nên chúng ta vẫn dửng dưng xem như không có chuyện gì. Nghe chị điện báo như vậy, tức thời tôi thể hội thế sự vô thường, mạng sống con người chỉ trong hơi thở, sống chết chỉ cách nhau một mảy may. Hai người cùng đi chung một xe, một người chết, một người vẫn bình an vô sự, vấn đề này phải giải thích sao đây? Con người sinh ra ở cõi đời, thân này há chẳng phải của mình đó sao! Một khi con quỉ vô thường đến, thứ gì buông không xuống cũng phải buông, ngay cả danh dự, địa vị, tiền bạc, gia đình hạnh phúc… Tất cả đều là chỗ mong cầu của người đời, cũng vẫn phải buông. Lúc này, chúng ta không đem theo được bất kì thứ gì khác, duy chỉ có nghiệp lực theo mình mà thôi!
Ba năm trước, tôi đầy đủ cơ duyên được biết đến giáo pháp giải thoát của Phật-đà, từ đó thường xuyên đến hội Phật giáo Hồng Kông tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện. Lúc đó tôi không hiểu gì về nghĩa lí kinh điển, chỉ biết người ta tụng mình tụng, người ta đọc mình đọc, song tâm hết sức hoan hỉ với việc làm này, không ngờ gặp được bảo bối mà mình vô tri không hay không biết. Khi tụng đến “nếu có trang thiện nam người thiện nữ nào, ở nơi mình cư trú, có kinh điển này và hình tượng Bồ-tát Địa Tạng, người ấy tụng đọc truyền bá kinh điển này cùng cúng dường hình tượng Bồ-tát, con sẽ ngày đêm dùng thần lực của mình để hộ vệ người đó, cho đến hết thảy việc xấu ác, như lửa, nước, giặc cướp, hoạnh tử, đều được tiêu trừ”. Lòng kính ngưỡng của tôi không bờ bến. Khi tâm khởi vọng tưởng điên đảo, tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện liền được an định, không bị những việc xấu ác nhiễu loạn. Để giữ gìn thân tâm được an ninh, từ đây về sau tôi thường xuyên tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện.
Càng đi sâu, càng thấy từng câu từng chữ đều hàm chứa nghĩa lí sâu xa, lời lẽ vi diệu. Lúc tôi phát tâm đọc tụng kinh điển Đại thừa này, mới đầu chỉ muốn cầu cho tự thân được bình an, không ngờ càng tụng nhiều càng được kinh văn chiêu cảm, tâm địa dần khai mở. Sống trong gia đình đa tôn giáo, đa tín ngưỡng, việc tôi bái Phật tụng kinh, luôn bị chê cười, khinh bỉ, căm ghét, điều này đã được ghi rõ trong kinh: “Nếu có ác nhân ác thần ác quỉ, thấy có thiện nam tử thiện nữ nhân nào qui y kính ngưỡng cúng dường, ca ngợi chiêm ngưỡng lễ bái hình tượng Bồ-tát Địa Tạng, mà vọng hủy báng khinh chê là không có công đức và lợi ích, hoặc nhăn răng cười, hoặc chê sau lưng, hay khuyến hóa người khác cùng chê, khuyến hóa được một người, nhiều người cùng chê, cho đến khởi một niệm hủy báng… Như vậy đến khi 1.000 vị Phật trong Hiền kiếp thị hiện nhập diệt cả rồi, quả báo khinh chê của người này, vẫn còn chịu trọng tội trong địa ngục A-tì”. Tình cảnh này quả thật không bút mực nào có thể diễn tả. Dù người ta khó tin, nhưng cách đây mấy ngàn năm, đức cha lành Thích-ca Mâu-ni đã biết trước, cõi đời ác năm trược này, lòng người yếu đuối gặp việc gì khó khăn liền bỏ cuộc ngay. Dưới ánh đèn chiếu soi của kinh điển Đại thừa, như kính chiếu yêu được treo lên cao, không yêu tinh nào có thể trốn thoát được. Chẳng lẽ chính pháp bị tiêu diệt! Tuy tôi bị gia đình chê bai, khinh khi, song việc tụng kinh và ăn chay, vẫn không thay đổi, tín tâm đối với Bồ-tát Địa Tạng ngày càng kiên cố.
Kinh ghi: “Được thiện tri thức cầm tay dắt ra khỏi đường hiểm nạn, khỏi hẳn các ác độc, đến nơi đường tốt, làm cho người ấy được an vui”.
May mắn thay, năm 1981 đoàn hoằng pháp tổng hội Phật giáo Trung Quốc và Mỹ có chuyến hoằng pháp tại Hồng Kông, tôi đầy đủ duyên lành diện kiến với Thượng nhân thượng Tuyên hạ Hóa, trực ngộ rõ ràng, mình và Thượng nhân đã kết pháp duyên trong mộng, sao mình không nương cơ hội tốt này phát tâm quay về nương tựa Ba ngôi báu? Tôi liền đến đảnh lễ xin quay về nương tựa Ba ngôi báu với Thượng nhân. Từ khi quay về nương tựa Phật pháp, nhờ mưa pháp tẩy trừ vô minh cáu bẩn trong tâm, dần thể hội con người sinh ra trên thế gian luôn trôi nổi trong Ba cõi, khách trần nhiễu loạn, thật chẳng phải nơi dừng chân. Từ đó, tôi thường xuyên đọc tụng kinh điển. Nghiệp chướng, vô minh che lấp chân tâm nhiều đời nhiều kiếp, chưa đủ khả năng liễu triệt nghĩa lí vi diệu của Phật pháp, tôi vẫn nỗ lực tụng kinh, chỉ mong liễu ngộ được một hai phần trong biển trí tuệ vô biên của Phật pháp. Ngoài ra còn lợi dụng hết thảy cơ hội có được khuyến hóa những người xung quanh tìm hiểu Phật pháp, mỗi khi gặp bạn hữu hoặc người thân đều bảo họ hãy thường xuyên lễ bái Bồ-tát Địa Tạng.
Cách đây ba năm, mẫu thân của tôi tạ thế. Tang sự và thủ hiếu xong, không biết mẹ đi về cõi nào, tôi chí thành khẩn thiết trì niệm thánh hiệu Bồ-tát Địa Tạng. Trì niệm liên tục như thế nhiều ngày liền, bỗng một đêm mộng thấy hình tướng mẫu thân hết sức an tường; mẹ nói vào ngày đó tháng đó bà sẽ đầu thai lên làm người, được thọ thân nam. Kinh ghi: “Chúng sinh trong cõi Diêm-phù-đề sau khi cha mẹ, người thương qua đời, nếu có thể thiết trai cúng dường, chí tâm siêng năng, như thế cả kẻ còn cùng người mất đều được lợi ích”. Quả chính xác vô cùng! Bồ-tát Địa Tạng luôn quan tâm đến mỗi một chúng sinh, vì thế Ngài phát đại nguyện – Chúng sinh độ tận phương chứng Bồ-đề, địa ngục bất không thệ bất thành Phật. (Độ hết chúng sinh mới chứng Bồ-đề, địa ngục chưa không thề không thành Phật). Hoằng nguyện này rộng lớn vĩ đại vô biên vô lượng! Mỗi khi tôi nghĩ đến hoằng nguyện vĩ đại của Bồ-tát, thấy mình ở trong nhà lửa, vậy không biết, lại lo vui chơi phóng dật, không chịu nỗ lực vượt thoát, thật xấu hổ không biết trốn vào đâu!
Nay gặp được nhân duyên thù thắng, may mắn được tham gia Địa Tạng Thất ở Vạn Phật Thánh Thành, tụng kinh Địa Tạng Bồ-Tát Bổn Nguyện, nương nhân duyên này phản tỉnh, quán sát trần cấu trong tâm, nỗ lực tẩy trừ, quay lại con đường vốn sáng suốt và tràn đầy hạnh phúc của mình.
Trích Thánh Tích Và Sự Linh Ứng Của Địa Tạng Bồ Tát !
🙏 viết
CHỊ TUỆ TÂM ƠI CHO EM HỎI TỤNG HẾT CẢ QUYỂN KINH MỚI TÍNH LÀ MỘT BIẾN PHẢI KHÔNG Ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Đúng vậy bạn ạ!