Đây là phần đầu tiên trong 20 phần của “Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo”, nguyên tác của Pháp Sư Tịnh Tông. Ở phần đầu tiên này, chúng ta sẽ hiểu tại sao chư Tổ lại chia giáo pháp của Như Lai ra làm hai phần: Nan Hành Đạo và Dị Hành Đạo – Tức Đạo khó thực hành, dành cho bậc thượng căn, và Đạo dễ hành, dành cho hết thảy mọi căn cơ.
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo – Phần 3.
“..Đời sống hiện nay của chúng ta là thời đại dùng tha lực, ưa chọn việc dễ dàng. Đâu đâu cũng tin tưởng và dựa vào tiện nghi tân tiến của khoa học kỹ thuật. Cần đi đường thì leo lên xe hơi, có việc gì liền gọi điện thoại, lên xuống lầu thì dùng thang máy… dần dần chuyện gì cũng chọn khỏe bỏ nhọc, nên việc tu hành tất nhiên cũng cần bỏ khó chọn dễ.
Đã phân ra khó dễ thì cũng có chia ra khổ vu. Bản nguyện của đức Phật A Di Đà là đạo dễ hành, cũng là đường an vui. Nó không phải là Pháp môn Khổ Hạnh mà là Pháp môn Lạc Hạnh. Nên nói là đi đường thủy ngồi trên thuyền thật thảnh thơi. Khi chúng ta học phật pháp phải quay lại xét xem sự hành trì của mình: Nếu bạn thực tập Pháp Môn Tịnh Độ mà cảm thấy rất khổ não đó là bạn chưa nếm được pháp vị của Pháp môn này, bạn chưa tìm được bí quyết. Tu theo Pháp Môn Tịnh Độ mà cảm thấy rất khó, rất khổ, cảm thấy mình không có hi vọng được vãng sanh… là bạn đang đi sai đường mất rồi!
Thế Giới Cực Lạc không có những thứ khổ, chỉ thuần những điều vui. Chúng ta muốn lìa khổ được vui thì nên hoan hỉ xả bỏ tự lực, chọn tha lực.
*
Đạo khó hành tương tự như đi bộ, tự mình phải bước đi. Đạo dễ hành giống như ngồi thuyền, chẳng khó nhọc mà đến được nơi cần đến. Chúng ta niệm Phật chính là nương vào sức của đức Phật A Di Đà, không phải là ỷ vào sức tu hành của mình. Nếu đã niệm Phật mà còn dựa vào sức tu hành của mình, là bạn chưa hiểu Đúng Pháp môn niệm Phật, chưa đem cả thân tâm này buông xuống, chưa hoàn toàn nương tựa vào Đức Phật.
Sự phán định của Pháp môn này giới hạn không nằm ở tự lực mà hoàn toàn tha lực. Người ta một ngày niệm được 5 vạn câu Phật hiệu, bạn không niệm được nhiều như thế thì có sao đâu? Bạn có thể niệm ba vạn thì cứ niệm ba vạn, có thể niệm một vạn thì cứ niệm một vạn. Không ngồi xếp bằng được thì cứ ngồi duỗi thẳng chân ra mà niệm. Thoải mái như vậy, tự tại như vậy, vô cùng thảnh thơi mà niệm Phật, khiến cho bao nhiêu lo phiền tự nhiên được buông bỏ sạch trơn.
Giống như chúng ta cùng ngồi trên thuyền, mỗi người ngồi một kiểu, không ai giống ai, miễn thuận tiện để qua bờ bên kia là được rồi. Chúng ta niệm phật không cần nhìn ai cả. Cái căn cơ của mình chỉ cần dụng tâm dốc lòng làm, phó thác tất cả vào thệ nguyện của đức Phật A Di Đà là được. Chúng ta vãng sanh được là nhờ thể nguyện của Phật nhiếp thọ, không phải dựa vào công phu của mình…”
Tuệ Tâm 2023.
Để lại một bình luận