Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo, nguyên tác pháp sư Tịnh Tông, hiệu đính Định Huệ. Đây là bộ sách được Pháp sư giảng giải và lột tả toàn bộ tư tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo, Hóa Thân của đức Phật A Di Đà, là bảo vật vô giá dành cho những hành giả niệm Phật cầu vãng sanh trong thời siêu mạt hiện nay.
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo với nền tảng là Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, thực sự là Đại Lộ dành cho chúng sanh thời mạt pháp. Nếu chẳng có Ngài “Khải Định Cổ Kim”, giải thích lại ý kinh, chúng sanh thời nay vô phương ra khỏi sanh tử luân hồi. Bởi nếu chúng ta không phân biệt rõ ràng được Tịnh Độ Môn và Thánh Đạo Môn, nếu chúng ta cứ khăng khăng dùng giáo lý Thánh Đạo để luận giải về Tịnh Độ, ắt đều vô phương giải thoát. Vì sao thế?
*
Vì Thánh Đạo Môn lấy tam Vô Lậu Học Giới, Định, Huệ, làm nền tảng, còn Tịnh Độ Môn lấy Nguyện lực của Phật A Di Đà làm nền tảng tu hành. Một siêu khó, chỉ có bậc Thượng Căn mới kham được và một siêu dễ, không cứ phàm phu tội chướng, ai cũng tu được, cũng đều được giải thoát.
Đại Sư Thiện Đạo là hóa thân của đức Phật A Di Đà. Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện lấy Tha Lực của Phật làm nền tảng nhập đạo. Theo lý luận của Ngài, Phật pháp được chia ra hai đường khó và dễ: Khó là Thánh Đạo Môn, huân tu giới Định Huệ, cầu Chứng Đạo để giải thoát, dễ là Tịnh Độ Môn nương tha lực của Phật A Di Đà, vãng sanh về Cực Lạc, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi. Ngài cổ xúy đạo dễ hành, phủ định đào khó hành, tìm Pháp môn đơn giản cho chúng sanh thời Mạt Pháp dễ dàng tu tập…
Tư Tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo
Nói đến Tông Tịnh Độ thì phải nói đến Đại Sư Thiện đạo, cũng như nói đến tông Thiên Thai thì phải nói đến Đại sư Trí Giả, nói đến tông Hoa Nghiêm thì phải nói đến Đại sư Hiền thủ, nói đến tông Duy Thức thì phải nói đến Đại sư Khuy Cơ… Vì các ngài là Tổ sư sáng lập các tông ấy tại Trung Hoa. Trong Tịnh độ được Đại sư Thiện Đạo, 613 – 681, khai sáng vào đời Đường – Trung Hoa.
Tại Ấn Độ chỉ có Pháp Môn Tịnh Độ do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói trong ba kinh Tịnh Độ: Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà, chứ chưa thành lập Tông Tịnh Độ. Pháp môn Tịnh Độ từ Ấn Độ truyền sang Trung Hoa thông qua Bồ Tát Long Thọ, với Dị Hành Phẩm trong Thập Trụ Tì Bà Sa Luận, và Bồ Tát Thế thân với Vãng Sanh Luận.
Tư tưởng Tịnh Độ của hai ngài thích hợp với căn tánh của người Trung Hoa. Cho nên Pháp Môn Tịnh Độ được đâm chồi nảy lộc và phát triển mạnh mẽ tại đất nước Trung Hoa, với sự tiếp thu của Đại sư Đài Loan trước tác Vãng sanh luận Chú. Đại sư Đạo Xước trước tác An Lạc Tập. Đại Sư Thiện Đạo trước tác năm bộ, chín quyển.
*
Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện đạo đóng vai trò chủ đạo trong việc thành lập tông Tịnh Độ tại Trung Hoa. Sau này Pháp Nhiên Thượng Nhân cũng dựa vào Tư tưởng của Đại sư Thiện Đạo mà trứ tác Tuyển Trạch Bản Nguyện niệm Phật, tập làm cơ sở thành lập Tông Tịnh Độ Nhật Bản vào đầu thế kỷ 13.
Tư tưởng chủ yếu của Đại sư Thiện Đạo là quan điểm Bản nguyện Tha Lực, chủ trương tất cả Phàm phu Thiện Ác thời Mạt Pháp đều được bình đẳng vãng sanh về Báo Độ cao tột của Phật A Di Đà. Muốn khả năng này trở thành hiện thực thì phải có một phương pháp nhất định, đó chính là học thuyết niệm Phật của Đại sư Thiện Đạo. Đại sư căn cứ vào ba kinh Tịnh Độ: Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ, kinh A Di Đà và một luận luận Vãng Sanh, thành lập giáo nghĩa cốt lõi của Tông Tịnh Độ là Bản Nguyện Xưng Danh.
*
Trong quán kinh sớ, Ngài nói các hành khác tuy được gọi là thiện. Nhưng nếu so sánh với niệm Phật thì hoàn toàn chẳng so sánh được. Thế nên trong các kinh chỗ nào cũng ngợi khen công năng niệm Phật. Như trong 48 nguyện của Kinh Vô Lượng Thọ chỉ nói chuyên niệm Phật A Di Đà thì được Vãng Sanh. Trong kinh A Di Đà nói: Từ một ngày đến 7 ngày, niệm danh hiệu Phật A Di Đà thì được Vãng Sanh, và mười phương chư Phật chứng thực.
Kinh Quán Vô Lượng, sau phần Đức Phật nói về định Thiện, Tán thiện xong, Phật chỉ nêu chuyên Niệm Danh Hiệu Phật A Di Đà thì được vãng sanh. Do đó ngài khuyên chúng sanh nên bỏ tạp Hạnh, chuyên tu Chánh Hạnh, thì vạn người niệm Phật vạn người vãng sanh…
Tuệ Tâm 2023.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Cảm ơn thầy về bài viết
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.