Nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà được gọi Biệt Nguyện Vương, là cốt lõi trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà. Nguyện này là để dành cứu độ chúng sanh tội nặng trong 10 phương: “Nếu ta thành Phật. mười phương chúng sanh, chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi nước ta, xưng danh hiệu ta cho đến 10 niệm, nếu chẳng vãng sanh, ta thề không ở ngôi chánh giác.” Nguyên tác bài này có tiêu đề là: “Lời tựa sách niệm Phật cảm ứng lục.” Đây có thể nói là một trong những bài pháp hay bậc nhất của Pháp sư Huệ Tịnh!
Nguyện thứ 18 này đức Phật Thích Ca gọi là Bản Nguyện. Chư Tổ Sư khen: “Bản nguyện Vua, Vua Bản Nguyện.” Bản nguyện là thệ nguyện căn bản trong các nguyện. Đức Phật A Di Đà phát 48 Đại nguyện nhưng chỉ lấy nguyện thứ 18 làm Vua trong các nguyện. Vua bản nguyện này chỉ nói niệm Phật. Đây là lời kêu gọi của đức Phật A Di Đà dành cho chúng sanh 10 phương, niệm danh hiệu của Ngài để về Cực Lạc Tịnh Độ…
Đức Phật A Di Đà chỉ dùng danh xưng của mình để cứu độ chúng sanh, cho nên xưng danh hiệu Phật còn gọi là Bản Nguyện Xưng Danh, cũng gọi là Chánh Định Nghiệp. Người niệm Phật theo Bản Nguyện Xưng danh thì “Bình Sanh Nghiệp Thành” nghĩa là nghiệp vãng sanh đã thành tựu ngay trong đời này, không đợi lúc lâm chung!
Đại nguyện thứ 18 – Biệt nguyện Vương của đức Phật A Di Đà
Chư Phật, mỗi vị đều có đại nguyện chung và đại nguyện riêng, đại nguyện chung chính là Tứ hoằng thệ nguyện, về đại nguyện riêng, như đức Phật Thích-ca có Năm trăm đại nguyện, đức Phật Dược Sư có Mười hai thượng nguyện, đức Phật A Di Đà có Bốn mươi tám đại nguyện thù thắng. Nhưng, nếu đối chiếu thì đại nguyện riêng của đức Phật A Di Đà siêu việt hơn đại nguyện riêng của chư Phật; chính thế, nên Kinh Vô Lượng Thọ (Đại Kinh) ghi: “Tôi kiến lập đại nguyện siêu thế”, lại ghi: “Phát nguyện vượt qua đại nguyện của chư Phật”.
Do vậy, đại nguyện của đức Phật A Di Đà được gọi là Siêu thế biệt nguyện (Đại nguyện siêu thế riêng biệt), cũng được gọi là Biệt ý hoằng nguyện (Đại nguyện rộng với ý riêng). Đại nguyện riêng của đức Phật A Di Đà xuyên suốt cả Bốn mươi tám thệ nguyện, riêng câu đại nguyện thứ mười tám được đức Thích Tôn gọi là Bổn nguyện, Tổ sư tôn xưng là Vương Bổn nguyện (Bổn nguyện vua) hay Bổn nguyện vương (Vua Bổn nguyện).
*
Bổn nguyện có hai nghĩa:
– Nhân bản (Gốc là nhân): Là đối nghĩa với quả mạt (Ngọn là quả), tức đứng trên lập trường nguyên nhân phát thệ nguyện, thì Bốn mươi tám đại nguyện, nguyện nào cũng là Bổn nguyện.
– Căn bản (Gốc rễ): Là đối nghĩa với chi mạt (Ngọn cành), tức xét thệ nguyện căn bản trong tất cả các thệ nguyện. Trong Bốn mươi tám đại nguyện chỉ có đại nguyện thứ mười tám là thệ nguyện căn bản chủ yếu. Thệ nguyện của đức Phật A Di Đà dù có đến Bốn mươi tám đại nguyện, nhưng chỉ có đại nguyện thứ mười tám là Bổn nguyện vua, Bổn nguyện vua này Chỉ nói về niệm Phật mà thôi Đại nguyện mười tám nói: “Chúng sanh trong mười phương, cho đến chỉ niệm mười niệm, nếu không được vãng sanh, thì Con không giữ ngôi Chánh giác (Phật-đà)”.
Và, kệ thành tựu đại nguyện mười tám nói:
“Lực Bổn nguyện Phật ấy
Ai nghe muốn vãng sanh
Đều sanh về nước ấy
Hẳn nhiên chứng Bất thối”.
Ý nghĩa bài kệ này đã được Bồ-tát Thiên Thân giải thích rõ ràng trong Luận Vãng Sanh rằng:
“Quán năng lực Bổn nguyện Phật ấy
Rộng như hư không chẳng sánh bằng
Năng khiến sớm thành tựu viên mãn
Công đức rộng sâu như biển báu”.
*
Bồ-tát Long Thọ căn cứ ý nghĩa đại nguyện thứ mười tám và ý nghĩa bài kệ thành tựu, để nói lên ý kiến của mình trong Phẩm Dễ Tu (Dị Hành Phẩm) rằng:
“Bổn nguyện Phật Di-đà
Ý nghĩa như dưới đây:
Nếu người nào nhớ nghĩ đến Tôi
Xưng danh hiệu là tự quay về
Tức thì ngộ nhập vào Chánh định
Được chứng quả Vô thượng Bồ-đề
Thế nên thường nhớ nghĩ xưng niệm”.
Chúng ta nên biết rằng, Cho đến mười niệm chính là Xưng danh hiệu là tự quay về, Thường nhớ nghĩ xưng niệm cũng chính là suốt đời niệm Phật cho đến niệm mười niệm hay chỉ một niệm. Những người đến khi lâm chung mới gặp được pháp Niệm Phật, thì chỉ niệm mười niệm hay một niệm cũng được vãng sanh; còn, những người có duyên sớm với pháp này, thì niệm Phật suốt đời. Chúng ta nên biết rằng, Pháp Niệm Phật chính do đức Phật A Di Đà mời gọi chúng sanh khắp mười phương xưng niệm để cứu độ, dìu dắt.
Vì thế, trong quyển Sớ Giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ (Quán Kinh Sớ), Đại sư Thiện Đạo nêu lên: “Ví dụ con đường sáng giữa hai con sông” (Nhị hà bạch đạo dụ) , hình ảnh cứu độ của đức Phật A Di Đà qua lời mời gọi rằng: “Ông hãy kiên định, Chánh niệm tiến thẳng về phía trước, Tôi sẵn sàng bảo vệ ông”.
Lại nữa, phần Quán chơn thân thứ chín thuộc Mười ba tu quán của Định thiện, bảo rằng: “Bốn mươi tám đại nguyện trong kinh Vô Lượng Thọ, chỉ xác minh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, để được vãng sanh mà thôi”.
*
Lại nữa, Pháp Sự Tán ghi:
“Bốn tám nguyện rộng có nhiều môn
Riêng nêu niệm Phật lắm thiết thân
Ai hay niệm Phật, Phật ghi nhớ
Ai chuyên tưởng Phật, Phật tri tường”.
Lại ghi:
“Cõi Niết-bàn Cực lạc vô vi
Tu theo Tạp thiện khó sanh về
Nên đức Như Lai chọn pháp chính
Dạy niệm Di-Đà chuyên lại chuyên”.
Và, phần kết luận quyển Sớ Giải Kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng nói: “Hướng về Bổn nguyện Phật Di-Đà, Tâm ý chúng sanh cần hiểu rõ, Chỉ thuần nhất tinh chuyên xưng niệm, Danh hiệu đức Phật A Di Đà”.
Thế nên, người nguyện sanh về thế giới Cực lạc, chỉ nên Thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, đây là hạnh Bổn nguyện chủ yếu của Ngài. Niệm Phật là Bổn nguyện độc nhất vô nhị của đức Phật A Di Đà, là hạnh tối cao vô thượng. Đại sư Thiện Đạo gọi là Chánh định nghiệp, cũng chính là Vãng sanh đã định, Hiện đời đã thành tựu nhân vãng sanh.
Và, Thượng nhân Pháp Nhiên nương tựa vào tư tưởng của Đại sư Thiện Đạo, ở phần kết luận của tác phẩm Tuyển Trạch Bổn Nguyện Niệm Phật Tập, Ngài nói:
“Gọi là Chánh định nghiệp
Chính là xưng danh Phật
Xưng danh ắt vãng sanh
Vì nương Bổn nguyện Phật”.
Điểm này, trong phần đầu của tác phẩm ấy, khi giới thiệu về tông Tịnh Độ đã xác minh: “Pháp tu để vãng sanh, chủ yếu là niệm Phật”. Như vậy, trước và sau dù khác miệng nhưng cùng lời, đầu hay cuối đều nhất quán hiển thị chân nghĩa tôn chỉ của Tịnh Độ.
*
Tại sao đức Phật A Di Đà lấy pháp xưng danh làm Bổn nguyện và không chọn các pháp tu khác làm Bổn nguyện? Điểm này ở Chương thứ ba trình bày về Bổn nguyện của quyển Tuyển Trạch Tập, Thượng nhân pháp Nhiên đã giải rõ điểm chủ yếu ấy ngắn gọn như sau: “Xưa kia, Tỷ Kheo Pháp Tạng – Như Lai Di-Đà, với tâm Từ bi bình đẳng thúc đẩy, muốn hóa độ hết thảy chúng sanh, nên Ngài không chọn các pháp khác làm Bổn nguyện tu tập vãng sanh, mà chỉ chọn một pháp duy nhất là xưng niệm danh hiệu đức Phật làm Bổn nguyện”.
Vì Từ bi bình đẳng, vì Muốn hóa độ hết thảy chúng sanh, không phân biệt người xuất gia hay kẻ tại gia, người trí đức hay kẻ ngu si, người hiền thiện hay kẻ ô uế, người nam hay kẻ nữ, người già hay kẻ trẻ, người giàu sang hay kẻ nghèo hèn. Tóm lại, không phân biệt là hạng người nào, chỉ cần Thuần nhất tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì hết thảy đều bình đẳng được vãng sanh về Báo độ Cực lạc, đồng chứng vô lượng quang, vô lượng thọ. Điểm này, Đại sư Thiện Đạo cũng đã nói trong Pháp Sự Tán rằng:
“Trời, Người dù thiện ác
Hết thảy được vãng sanh
Đến đấy đều bình đẳng
Tất cả chứng Bất thối”.
Lại nữa, trong Chương thứ sáu của quyển Tuyển Trạch Tập cũng ghi: “Trong Bốn mươi tám đại nguyện tuy đều là Bổn nguyện, nhưng đặc biệt chỉ chọn pháp Niệm Phật làm tiêu chuẩn vãng sanh”.
*
Lại ghi: “Trong Bốn mươi tám Bổn nguyện đã chọn, Bổn nguyện Niệm Phật vãng sanh là vua trong các Bổn nguyện; chính thế, đức Thích-ca Từ bi đặc cách lưu lại Kinh này một trăm năm”. Ý nghĩa Xưng danh là Bổn nguyện, trong Lục Yếu Sao Thượng nhân Tồn Giác đã giải thích điểm chủ yếu rất giản đơn sáng tỏ rằng:
“Xưng danh hiệu Di-Đà
Được lợi ích vãng sanh
Là Bổn nguyện đức Phật.
Tin và hiểu như thế
Được gọi là chí tâm
Vui thích và muốn sanh”.
Có người thưa với Thượng nhân Pháp Nhiên: “Thượng nhân niệm Phật, mỗi niệm đều tương ứng với tâm đức Phật, bởi lẽ, Ngài là bậc Trí tuệ đã hiểu sâu nội dung của Bổn nguyện; đồng thời cũng đã minh bạch công đức của danh hiệu đức Phật”.
Thượng nhân đáp: “Đức tin của ông về Bổn nguyện cũng hệt như thế. Danh hiệu đức Phật A Di Đà chính là Bổn nguyện, sẽ khiến hàng ngu si ty tiện như những tiều phu, thợ săn… không biết một chữ, khởi phát đức tin xưng niệm danh hiệu, thì nhất định được vãng sanh, nếu chân thật và hân hoan thường niệm Phật, thì đây là hạng căn cơ tối thượng. Nếu nhờ Trí tuệ để thoát ly sanh tử, thì tại sao Pháp Nhiên lại từ bỏ Thánh Đạo môn để tu tập Tịnh Độ môn? Tu tập theo Thánh Đạo môn, thì phải viên mãn Trí tuệ mới thoát ly sanh tử; còn, tu tập theo Tịnh Độ môn, thì phải trở thành người ngu si mới vãng sanh Cực lạc”.
*
Một vị Tăng hỏi Thượng nhân Pháp Nhiên: “Con tuy niệm Phật nhưng tâm cứ tán loạn, vậy phải làm sao?”
Thượng nhân đáp: “Nên biết rằng: Tâm tuy tán loạn nhưng xưng niệm danh hiệu đức Phật, thì sẽ nhờ vào năng lực đại nguyện của đức Phật mà nhất định được vãng sanh. Đã sanh làm người trong cõi Dục giới tán địa này, thì tâm ai cũng bị tán loạn cả, tương tự như đã sanh làm người thì ai cũng có mắt, mũi… Nếu bảo rằng, phải bỏ tâm tán loạn mới được vãng sanh thì thật vô lý. Người niệm Phật tâm tán loạn mà được vãng sanh mới nói lên sự thù thắng của Bổn nguyện. Tâm hạng phàm phu làm sao không tán loạn được! Cũng chính như thế mới gọi là Pháp môn dễ tu.
Đức Phật A Di Đà đã lựa chọn pháp Niệm Phật làm Bổn nguyện thù thắng. Bởi lẽ, có năng lực khiến hết thảy chúng sanh được bình đẳng vãng sanh về Báo độ Cực lạc một cách dễ dàng, không phân biệt dù là hạng ngu si ti tiện không biết một chữ, bất cứ người nào cũng có thể toại nguyện. Chính thế, Niệm Phật Bổn nguyện vừa thù thắng vừa giản dị.”
Tuệ Tâm 2023.
Để lại một bình luận