Hủy báng Kinh Phật tội nặng hơn cả phạm Ngũ nghịch. Kinh Phật là thánh giáo ghi lại những lời dạy của đức Phật, là pháp bảo đưa chúng sanh khỏi bến mê, lên bờ giải thoát. Dù kinh Đại Thừa hay kinh Tiểu Thừa, cũng đồng từ nơi kim khẩu của đức Phật thuyết ra. Cho nên chư Thiên Nhân, Bát Bộ chúng Trời rồng, cho đến hết thảy quỷ thần trong tam giới đều trân quý, đồng phát nguyện bảo vệ như hai tròng mắt của chính mình. Vì vậy nếu bạn trân quý và kính ngưỡng thì được Trời người ủng hộ. Nhược bằng sanh tâm hủy báng ắt chiêu cảm trăm ngàn tai họa đến nơi thân.
Đức Phật tùy căn cơ của chúng sanh mà giảng pháp, cho nên kinh sách nhiều vô cùng. Bạn tùy theo túc nghiệp và nhân duyên của mình mà chí tâm hành trì là đúng pháp. Chớ ngược ngạo hủy báng kinh Phật mà cảm quả báo khốn cùng của Địa ngục. Khi trí huệ của mình chưa khai mở, mọi suy nghĩ, nhận định của mình đa phần đều lầm lạc. Trong đó, hủy báng, ganh ghét, hơn thua, ngã mạn…cái gì cũng có đủ. Cho nên hễ nói một lời liên quan đến Pháp, cần phải hết sức thận trong giữ gìn, chớ đem tâm phàm phu uế trược lạm bàn lời dạy của thánh nhân mà mang tội!
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma huyền tích truyện.
- Lòng tin là mẹ của mọi công đức.
- 10 Chuyện Tâm linh có thật.
- Vui khổ của kiếp người.
- Thiền sư Chí Công thần dị chuyện.
- Công đức là gì, phước đức là gì.
- Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa – Cẩn thận vọng ngữ.
*
*
Ngày nay người thực tu rất ít, kẻ giả tu lại nhiều, những lợi danh, hơn thua, được mất…bị đám con cháu của Ma vương đưa vào chốn Già Lam. Nhiều vị lầm lạc bảo vệ pháp môn của mình, khinh hủy giáo pháp mà cứ tưởng mình đang hộ trì chánh pháp. Cực đoan hơn, một số còn dám đốt phá kinh Đại Thừa, tự đoạn đường giải thoát của mình và chúng sanh, ắt muôn kiếp chịu khổ hình nơi vô gián địa ngục, thật đáng xót thương!
Tôi mỗi lần đọc thấy những lời hủy báng kinh sách, những hành vi kêu gọi đốt phá kinh, đều hoảng hồn kinh sợ! Thương chúng sanh vô tri tạo nghiệp cực ác mà vẫn tưởng mình đang hiện thân làm Hộ Pháp…Chẳng biết rằng: Những bậc tu hành chân chính thường giữ tâm khiêm hạ, ai nấy chỉ lo giữ giới tu trì, tuyệt chẳng để thời gian và tâm lực vào chuyện tranh cãi vô bổ. Các Ngài dù tu pháp Đại Thừa hay Tiểu Thừa cũng chỉ một tâm cầu giải thoát, một niệm tà vạy còn chẳng dám buông lung, huống hồ là bàn luận chuyện đúng sai, được mất. Bởi hễ “Tâm còn phân biệt, cách với Đạo rất xa”.
Chúng ta học Phật trước là để diệt trừ cái tâm phàm phu loạn động, không để nó sanh khởi những niệm phân biệt, đúng sai, hơn thua, được mất… Ấy là bước đầu tiên trên đường Đạo. Nếu chẳng vượt qua được cái bước đầu tiên ấy, thì chuyện tu trì vốn cũng chỉ là tu nơi cửa miệng mà thôi!
Quả báo Hủy báng Kinh Phật
Theo Minh Báo Ký: Xưa kia tại Tây Vực có vị Luận sư tên là Tỳ-mạt-la-mật-đa. Trung Hoa dịch là Vô Cấu Hữu. Sư người nước Ca-thấp-di-la, xuất gia theo Nhất Thiết Hữu Bộ. Rộng thông kinh giáo Tiểu thừa, vang danh khắp 5 xứ Ấn Độ. Trên đường sắp trở về bản quốc, sư đến nơi tháp của Luận sư Chúng Hiền, vỗ về mà than rằng:
“Chỉ Luận sư là người nhã lượng thanh cao, khéo giỏi đè nén hay nâng bốc Đại nghĩa; khuất nhục Dị bộ, lập nghiệp Bản tông. Cớ sao giáng năm chưa trọn? Tôi là Vô Cấu Hữu tiếp thừa học cuối. Thế Thân tuy đã chết mất nhưng tông học còn hoằng truyền ở đời. Với tất cả khả năng nhận biết của tôi, tôi sẽ chế tác các Bộ luận; khiến các người học v.v… ở Thiệm Bộ châu nương theo, dứt tuyệt danh xưng Đại thừa, diệt mất tên gọi Thế Thân”.
Vừa thốt lời ấy xong tâm liền sanh cuồng loạn, nơi miệng 5 chiếc lưỡi đồng một lúc mọc dài ra. Máu huyết nóng tuôn trào. Biết thân mạng hẳn chết mất, Vô Cấu Hữu mới ghi thư sám hối rằng: “Đại thừa giáo là thuyết cứu cánh trong Phật pháp, danh vị sâu tuyệt, lý giáo cao mầu. Vì ngu muội nên tôi khinh thường chê bai các bậc đi trước, nay chịu báo ứng diệt thân mất thân mạng. Xin báo cùng tất cả những người cầu học, quyết phải soi xét ngay đây; mỗi tự thân trọn giữ gìn chí ý, chớ hoài nghi hoặc vậy!”
*
Liền đó mặt đất rung chuyển, Vô Cấu Hữu bèn qua đời. Ngay chỗ chết đất vùi hỏm sâu thành hố. Bấy giờ có vị A-la-hán chỉ một lần trông thấy nơi Vô Cấu Hữu qua đời mà than rằng: “Tiếc thay! Khổ thay! Nay Luận sư này mặc tình chấp kiến, hủy ác Đại thừa, bị đọa vào địa ngục vô gián vậy!”
Lại nữa, tại nước Vu Điền có vị Sa-môn tên là Bạt-chiếc-tư-la-na. Trung Hoa dịch nghĩa là Kim Cang Quân. Ngài chuyên thọ trì thọ trì giáo pháp Tiểu thừa; học luận Câu Xá, chẳng tin giáo nghĩa Đại thừa, thường luôn đấu tranh phỉ báng. Một thời gian sau hai mắt do đó mà bị mù. Trải qua hơn 10 năm mù tối không thấy gì. Về sau nghe được Sa-môn Sư Tử Hữu răn bảo, vẫn chưa tin hẳn. Ngài Sư Tử Hữu mới khuyên trì tụng Quán Âm tâm chú, liền đó 2 mắt được tỏ sáng. Nhân vậy mà xoay chuyển quy hướng kính tin Đại thừa, bỏ học Tiểu thừa vậy.
Trong khoảng niên hiệu Thái Thỉ (465-472) thời tiền Tống; có Sa-môn Tăng Tung ở chùa Trung Hưng là bậc thông rành về số luận. Đến lúc tuổi già chấp trước hẹp hòi, cho rằng: “Phật không nên thường trú”. Đến ngày qua đời, chiếc lưỡi thối rửa bốc mùi không ai chịu nổi.
Lại nữa, trong nhà Lương, tại Bành Thành có Sa-môn Tăng Uyên phỉ báng kinh Niết Bàn; bỗng chốc chiếc lưỡi liền bị tiêu tan.
Hủy báng Kinh Phật: Hộ Pháp quở Phạt
Sa-môn Thích Tăng Phạm ở chùa Đại Giác tại Nghiệp Hạ, thời nhà Tề. Ngài dòng họ Lý, người xứ Bình hương. Năm 29 tuổi mới xuất gia; học hạnh đều ưu tú, rất được mọi người thời bấy giờ mến chuộng. Ngài thường giảng kinh Pháp Hoa. Một hôn có một vị Tăng khinh hủy rằng: “Hết Cao, giải chỗ nào?” Ngay lúc ấy Ngài nhìn thấy vị Tăng ấy bị Hộ Pháp cầm roi đánh cho hôn mê.
Một lần nọ, Ngài đến chùa khác nghỉ lại qua đêm, gặp ngày Bồ-tát, có vị Tăng lên tòa sắp muốn dựng lập nghĩa, mới nói rằng: “Dựng lập nghĩa luận bàn pháp tướng sâu hợp với Thánh ngôn, sao nhọc phải thuyết giới. Chư Tăng há chẳng thường nghe vậy?” Bỗng thấy có 1 vị Thần thân hình cao lớn, tướng mạo rất oai hùng đi đến trước tòa. Thần hỏi vị Tăng dựng lập nghĩa ấy rằng: “Nay là ngày gì?”
Vị Tăng ấy đáp: “Nay là ngày Bồ-tát”.
Thần liền đưa tay kéo vị Tăng ấy xuống khỏi tòa đánh đập thẳng tay.
Vì thế cho nên từ đó đến lúc thị tịch, Ngài Tăng Phạm càng nghiêm trì giới hạnh. Ngài kể lại chuyện này để răn nhắc hậu thế vậy.
Hủy báng Kinh Phật: Bị quỷ Thần trách phạt.
Sa-môn Thích Tăng Vân, minh tài biện, tinh thông cả giáo nghĩa Đại thừa lẫn Tiểu thừa. Ngài thuộc Tăng luân ở chùa Bảo Minh. Vào ngày 15/4, sắp đến lúc thuyết giới, chúng Tăng đều nhóm tập tại Phật đường. Ngài ngồi ở đầu hàng, mới bạch cùng Đại chúng rằng: “Giới bản là phòng phi, mọi người đều đọc tụng được. Sao phiền nhọc chúng phải thường luôn ngồi lắng nghe. Nên dựng lập nghĩa để khiến hàng hậu sinh khai ngộ”.
Bởi khí độ của Ngài thời bấy giờ, không ai dám chống lại. Chúng theo theo đó, đến cuối mùa hạ vẫn thường phế bỏ vị Bồ-tát thuyết giới. Đến ngày 15/7 khi sắp lên tòa, bỗng nhiên Ngài mất dạng không biết ở đâu. Trong đại chúng vì các hàng tân học tuổi nhỏ chưa thọ giới đều bỏ tự tứ. Đồng một lúc tỏa khắp bốn phía để tìm kiếm. Khi đại chúng đến một gò mả cách chùa khoảng 3 dặm tìm thấy Ngài ở đó. Thấy khắp thân thể đều đổ máu như bị dao cắt hại.
Gặng hỏi về nguyên do, ngài đáp: “Có 1 người cao lớn cầm đao tức giận hỏi: Cớ sao đổi bỏ Bồ-tát, vọng khiến dựng lập nghĩa?” Sau đó dùng dao cắt thái thân hình của tôi, thống khổ khó nhẫn chịu”.
Mọi người dìu đỡ Ngài trở về lại chùa. Ngài dốc hết tâm thành sám hối. Hơn 10 năm Thuyết giới Bồ-tát, tụng đọc các kinh, Ngài lấy đó làm hạnh nghiệp thường. Đến ngày thị tịch, có mùi thơm khác lạ ngập Chùa. Thần sắc Ngài vẫn không loạn tạp, an nhiên mà thị tịch.
Hủy báng Kinh Phật: Lưỡi bị kéo dài ra ba thước
Sa-môn Thích Tuệ Thiếu ở chùa Thần Túc, Tương Châu, thời tiền Đường. Ngài dòng họ Trang, xuất gia từ thuở thiếu thời. Ngài lấy pháp Tiểu thừa làm thường nghiệp, vang danh khắp xứ Giang Hán. Nhân Tượng Vương Triết Công giảng về Tam luận. Ngài khởi tâm sinh bất nhẫn bảo: “Tam Luận nói rõ về không mà người giảng lại chấp trước không”.
Nói xong, chiếc lưỡi dài ra 3 thước, mũi mắt và 2 tai đều trào máu. Suốt 7 ngày không nói năng gì được. Có Luật sư Thái nghe thế, bảo Ngài: “Ông thật là si mê! Một lời phỉ báng kinh giáo, tội báo quá hơn ngũ nghịch. Nên kính tin theo Đại thừa mới được miễn khỏi vậy”.
Ngài nghe lời bèn chí tâm sám hối, chiếc lưỡi dần thâu rút vào. Đại chúng khiêng Ngài đến chỗ Thiết công, phát nguyện nghe học Đại thừa.
*
Về sau, Ngài thường giảng các kinh Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, dùng để tỏ bày sám tạ. Một hôm Ngài tọa Thiền nơi rừng tùng, hốt nhiên thấy có 3 người cao lớn, áo mũ trang nghiêm, đến thỉnh cầu thọ giới Bồ-tát. Sau khi thọ giới xong, họ thưa cùng Ngài rằng: “Thiền sư là bậc Đại lợi căn! Nếu chẳng cải đổi tâm tánh tin theo Đại thừa, thì sau khi ngàn Đức Phật đã xuất hiện ở đời, vẫn còn ở nơi địa ngục chưa ra khỏi”.
Nghe nói lời ấy Ngài khóc lớn mà trở về chùa, đến trước phòng của Triết Công lăn lóc nghẹn ngào chẳng thể nói nên lời. Sau đó, Ngài lại khuyên hóa các hàng sĩ tục tu tạo các kinh Hoa Nghiêm, Đại Phẩm, Pháp Hoa, Duy-ma, Tư Ích v.v… mỗi thứ trăm bộ. Đến lúc Ngài thị tịch, cảm động cả rừng cây đều biến thành sắc trắng. Thật đáng xưng gọi là: “Có lỗi quá mà hay cải đổi vậy!”
Hủy báng Kinh Phật: Ác báo hiện tiền
Sa-môn Hiếu Từ ở chùa Từ Môn. Lúc ấy tuổi độ 50. Từ thuở nhỏ Ngài y theo Thiền sư Tín Hạnh, giảng dạy về Tam giai Phật pháp. Ngài chuyên tu khổ hạnh, thường hành khất thực; mỗi ngày 6 thời lễ bái, đắp mặc y phấn tảo. Tùy chỗ đến ở, Ngài thường giảng dạy về Tam giai Phật pháp đế khuyên dẫn các hàng mông tục. Những lúc giảng dạy Tam giai Phật pháp, Ngài thường bảo: “Không nên tụng đọc các kinh điển Đại thừa. Nếu người nào đọc tụng tức sẽ đọa vào nơi địa ngục A-tỳ ở khắp 10 phương. Cần phải gấp nhanh sám hối”.
Một lần Ngài đến Kỳ Châu giảng dạy về Tam giai Phật pháp. Bấy giờ có một vị Ưu-bà-di thọ trì kinh Pháp Hoa. Người này thường khuyên hóa đại chúng đồng thọ trì với mình. Ngài bèn khuyên các Ưu-bà-di v.v… thọ trì kinh Pháp Hoa ấy rằng: “Các ngươi thọ trì kinh Pháp Hoa chẳng xứng hợp với căn cơ, nên sẽ bị đọa vào địa ngục. Tôi khuyên các người nên bỏ sự tụng trì ấy”.
Lúc ấy có vài vị Ưu-bà-di bỏ tụng trì kinh Pháp Hoa. Họ đến trong chúng ở chỗ Ngài để sám hối tội. Vị Ưu-bà-di dẫn đầu khuyên hóa mọi người trì tụng kinh Pháp Hoa ấy trong tâm bất nhẫn. Ngay ngày Đại trai hội, khi các Thiền sư vì giảng dạy về Tam giai Phật pháp, lúc đó dưới tòa có cả muôn người cùng đến dự. Vị Ưu-bà-di ấy đối trước đại chúng, đốt hương lễ bái mà phát nguyện rằng:
*
“Nếu chúng con trì tụng kinh Pháp Hoa không xứng hợp với ý Phật, thì nguyện cho chúng con ngay thân này chịu bệnh tật xấu ác; để khiến đại chúng cùng biết trì tụng kinh Pháp Hoa mắc phải tội báo như thế. Lại nguyện ngay thân hiện sống này bị vùi lấp vào thẳng địa ngục; khiến cho đại chúng đồng trông thấy. Trái lại, như chúng con thọ trì kinh Pháp Hoa thuận với ý Phật, thì các Thiền sư đây cũng bị như thế”.
Ngay lúc vị Ưu-bà-di ấy phát nguyện như thế. Thiền sư Hiếu Từ bị Hộ Pháp đánh, mất cả âm tiếng không thể nói năng; vị xướng tập lục trên tòa cao ở phía Tây cùng năm vị Thiền Sư khác cũng bị mất tiếng, không thể nói năng. Số người trước đó bỏ tụng kinh Pháp Hoa thấy vậy liền phát tâm sám hối, quay trở lại tụng kinh Pháp Hoa.
*
Lại nữa, ở chùa Từ Bi có Sa-môn Thần Phưởng, từ thuở bé nhỏ trở lại từng theo nghe học kinh Thập luân, tinh cần khổ hạnh, đặc biệt khác lạ người thường. Ngài đắp mặc y phấn tảo, mỗi ngày 6 thời lễ bái, chuyên hành khất thực. Mỗi lúc giảng kinh Thập luân, thường nói: “Chúng sinh không nên đọc tụng kinh điển Đại thừa. Nếu người nào đọc tụng hẳn sẽ đọa vào địa ngục”.
Cuối cùng đến lúc mạng chung, với thân đang hiện sống bị lửa địa ngục thiêu đốt, bên cạnh thân có hơi khói sắc đen. Khi ấy Sa-môn Tư Giản ở chùa Tế Pháp thân gần, trông thấy sự việc ấy, nên tin biết bỏ học Bát Nhã hẳn có ác chứng hiện thân lập nghiệm vậy.
Thứ nữa, ở chùa Phước Tiên tại Thần Đô có một Sa-môn, trong một lúc bỗng nhiên mạng chung, thần thức theo trong nghiệp Đạo thấy Thiền sư Tín Hạnh làm thân rắn lớn, khắp thân thể đều có những lỗ miệng. Lại thấy những người thọ học về Tam giai Phật pháp, sau khi chết đều vào trong lỗ miệng thân rắn ấy. Vị Sa-môn ấy sau khi đã sống lại, nhân sự cố ấy nên đến kinh đô báo cùng Thiền sư Tăng Tỉnh.
( Quả báo của người Hủy báng kinh Phật – Theo Minh Báo Ký )
Tuệ Tâm 2022.
Lê viết
Dạ.Thưa Tuệ Tâm,đốt Kinh Phật sẽ đền tội muôn kiếp nơi Vô Gián Địa Ngục,con có 2 điều muốn hỏi ạ
1.Nếu ta đốt Kinh Phật bằng tiếng khác,không phải tiếng Việt(Tiếng Anh,tiếng Chăm,tiếng Thái,tiếng Lào,tiếng Khmer,tiếng Miến Điện,tiếng Tây Tạng,…) thì ta có bị đọa vào Vô Gián Địa Ngục không ạ
2.Nếu ta đốt Kinh Ngoại Đạo như Kinh Thánh,Kinh Koran,Kinh Vệ Đà,…Thì ta có tội gì không ạ
Xin Tuệ Tâm giải đáp giúp con.Rất mong hồi đáp từ Tuệ Tâm
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
1. Kinh bằng tiếng gì cũng không nên đốt.
2. Ngoại đạo cũng hướng người ta làm lành lánh ác, kinh sách của họ cũng dạy người ta sống thiện, nếu đem sách thiện mà đốt bỏ ắt mang tội. Chúng ta học Phật, đối với ngoại đạo chỉ nên giữ tâm trung dung, không ủng hộ cũng không phản đối.