Kiêu ngạo là gì? Kiêu ngạo là tánh kiêu căng và ngạo mạn, tự cho mình hơn người rồi lấn lướt, coi khinh hết thảy mọi người. Người kiêu ngạo chỉ thấy mình là tài giỏi và cao sang bậc nhất. Và cũng bởi chẳng coi ai bằng mình nên chẳng học hỏi được thêm chi, rốt cuộc chỉ tự chuốc lấy thất bại và tai họa.
Kinh nhân quả dạy: “Kẻ kiêu ngạo ắt kiếp sau phải chịu quả báo hèn mọn, bị người đời khinh miệt, coi thường”. Kinh Dịch nói: “Đạo của trời thường bớt những chỗ dư thừa mà bù đắp chỗ khuyết thiếu; đạo của đất thường làm thay đổi chỗ tràn đầy mà giữ nguyên chỗ khuyết thiếu; quỷ thần thường gây hại nơi sung mãn mà ban phúc nơi khiêm hạ; lòng người thường ghét kẻ kiêu ngạo mà yêu thích kẻ khiêm hạ.”
Trời đất, quỷ thần với con người đều chuộng đức khiêm hạ, vì thế nên trong kinh Dịch chỉ riêng một quẻ Khiêm là cả 6 hào đều tốt lành. Kinh Thư nói: “Sung mãn thường chuốc lấy tổn hại, khiêm hạ được nhận lãnh ích lợi.”
- Công danh Sự nghiệp vốn đã có nhân duyên từ trước.
- Người Khiêm Hạ quỷ thần kính sợ.
- Tình Yêu thương là gì.
- A Tu La là gì.
- Ngạ quỷ là gì.
- Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú.
- Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân.
Người Kiêu Ngạo thường chuốc lấy tai ương
Thế gian mấy ai thông minh được như Ngộ Đạt Quốc Sư: “Mười kiếp làm cao tăng tu thiền định, kiếp sau rốt mới mười bốn tuổi đã giảng suốt Kinh Niết Bàn. Nhưng vì một niệm kiêu ngạo khởi trước tòa trầm hương nên bị túc báo ghẻ mặt người. Về sau nhờ Ca Nặc Ca Tôn Giả cứu độ, trở lại niệm Phật mới được vãng sanh giải thoát. Bậc Long Tượng trong Phật pháp khởi một niệm ngã mạn mà quả báo trổ kinh khủng nhường ấy; phàm phu thời mạt bọn ta nhìn gương Ngài, chẳng phải là đáng kinh sợ lắm hay sao?
Theo Tuyên Nghiệm Ký, Sử Huề tài học siêu quần nên sanh tâm kiêu ngạo, chẳng biết kính ai. Ông ta không tin Phật, lại thường ngược ngạo bảo rằng: “Phật là vị thần nhỏ nhoi, chẳng đáng để thờ!” Về sau, cả hai chân đều bị co quắp, chẳng bước xuống giường được. Thuốc men, khấn vái nhiều năm đều vô hiệu. Về sau ông ta nghe bạn bè bảo: “Chẳng cậy vào sức đại từ bi, chẳng thể cứu được! Hãy phát tâm tạo tượng Quán Âm, cầu khẩn sẽ ứng nghiệm”. Ông Huề do bệnh nguy ngập, theo đúng lời khuyên tạo tượng. Tượng đúc xong, mộng thấy Đại Sĩ giáng xuống nhà mình, quả nhiên được lành. Do vậy, chí tâm sám hối lỗi đã chẳng tin Phật.
*
Lại theo Pháp Uyển Châu Lâm, vào đời Tấn, bên khúc sông tại Dương Châu có Đình Hồ, thần cai quản hồ ấy rất nghiêm, rất ác. Thầy trò sư Pháp Tạng người Tây Vực giỏi trì chú. Học trò vị ấy cố ý đến miếu thờ thần Đình Hồ nghỉ đêm, bị mất mạng. Thầy lại qua đó, cũng chết. Vị Tăng cùng chùa chỉ trì Bát Nhã, nghe thầy trò vị sư kia đều chết; do vậy, tới chỗ thần, đến đêm tụng kinh Kim Cang.
Tới nửa đêm, nghe có tiếng gió, thấy một vật to lớn, cồng kềnh, ngất ngưởng, nanh dài, mắt sáng như tia chớp. Chợt vật ấy bỏ hết oai thế, đến trước vị Tăng, quỳ gối phải sát đất, chắp tay cung kính.
Nghe kinh xong, Tăng hỏi là thần nào?
Đáp: “Là thần coi hồ, tin kính sư tụng kinh”.
Lại hỏi: “Vì sao đánh chết hai vị Tăng trước đây?”
Đáp: “Bọn họ chẳng trì kinh điển Đại Thừa, dùng tâm kiêu ngạo tụng chú muốn hàng phục đệ tử. Đệ tử chẳng phục. Họ thấy hình dạng đệ tử dữ ác, tự nhiên hoảng sợ chết luôn, chứ không phải là do đệ tử cố ý giết”.
Vị Tăng kể lại với người khác, người ta đa số thọ trì kinh này.”
Tánh kiêu ngạo nó hại người ta như thế đó! Cho nên trong Kinh Xuất Diệu có kệ nói rằng:
Chúng-sinh bị mạn trói
Mắc phải chứng ngã mạn.
Bị ngã kiến mê hoặc,
Nên chịu sinh tử hoài”.
Kiêu Ngạo là gì
Kiêu ngạo còn gọi là Ngã mạn dùng để chỉ cho những kẻ tự cho mình là tài giỏi mà khinh khi, lấn lướt mọi người. Thế gian chia thành hai bậc cao thấp khác nhau: 1- Sang, 2 là hèn. 1- Giàu. 2- Nghèo. Người giàu sang đa số hay phóng túng kiêu ngạo, khinh khi nhục mạ, lấn lướt kẻ nghèo nàn.
Hoặc có người dựa vào quyền thế, tự cao lấn lướt người ta. Hoặc có người học nhiều hiểu rộng, cậy tài lấn lướt người ta, hoặc có người khua mồm múa mép, hùng biện lấn lướt người ta. Hoặc có người khoe giàu xa xỉ, khi dễ lấn lướt người ta. Hoặc có người mặt đẹp dáng hay, ỷ sắc lấn lướt người ta. Hoặc có người lừa nhanh ngựa khỏe, cậy xe sang lấn lướt người ta. Hoặc có người nhiều tiền của, lắm nô tỳ, cậy giàu lấn lướt người ta…. Tình trạng như thế rất nhiều, không thể đem ra nói hết.
Chúng sinh ngu muội, thật đáng xót thương. Không biết vô thường sẽ đến, cứ nổi lòng kiêu ngạo. Quả báo nước sôi than đỏ, luộc nướng đang chờ. Cai ngục cầm xiên, lăm le chực sẵn, không hề lo lắng, thảnh thơi vui chơi, khác gì dê không biết cái chết đang đến, khác gì ruồi nhặng ham hố thây ma đang sình?
*
Suy xét xưa nay, giàu sang vốn chẳng cố định sống chết kéo đến liền tay, sang hèn đều thành cát bụi. Giàu có lắm, chỉ trơ lại nấm mồ hoang; nghèo hèn mấy, cũng nằm yên trong lòng đất. Đã biết sang hèn đều thành cát bụi, cần phải hạ mình cung kính bậc trên. Cho hay, thân sơ không chắc, sang hèn chẳng bền; khổ vui đắp đổi, chìm nổi thế nhau mà thôi!
Lại kẻ kiêu ngạo chẳng biết khiêm hạ nên quỷ thần khinh ghét, thường trong vô hình âm thầm gây tổn hại, hoặc khiến bệnh tật lâm thân; hoặc khiến sự nghiệp công danh lận đận chẳng thành. Cái hại lớn như thế mà thế gian không ai hay biết, cứ mê muội trong trường danh sắc lợi, rốt cuộc suốt cuộc đời chẳng lúc nào được an yên. Chết đi, chẳng kịp trải qua thân trung ấm mà đọa thẳng vào Địa ngục, thật đáng xót thương!
Phải biết rằng: “Trên đầu ba thước nhất định có thần minh soi xét. Việc lành dữ, tốt xấu chắc chắn đều do chính mình, cần phải biết giữ lòng hiền thiện, kiểm soát mọi việc làm của mình, không một mảy may phạm vào những điều xấu ác, luôn khiêm hạ nhún nhường, khiến cho trời đất quỷ thần đều cảm động trợ giúp, như thế mới có được nền tảng để hưởng phước báu. Người nào tính khí kiêu ngạo tự mãn ắt phải là kẻ thiển cận, ví như có được hưng khởi phát triển cũng không thể thọ hưởng lâu dài được. Người có chút tri thức hiểu biết ắt không ai chịu rơi vào chỗ độ lượng hẹp hòi, tự đánh mất đi phước báu như thế.”
*
Chúng ta sống vào đời suy mạt, đừng lấy chỗ hay giỏi của mình mà lấn áp kẻ khác, đừng lấy chỗ tốt đẹp của mình mà so sánh với kẻ khác để tự cho mình là hơn, đừng cậy chỗ nhiều tài năng của mình mà gây khó cho người khác. Nên tự kiểm soát, không phô bày chỗ tài trí của bản thân, chỉ xem đó như hư huyễn không thật. Thấy người khác có chỗ lỗi lầm khiếm khuyết, nên bao dung mà che giấu giúp họ, một mặt là tạo cơ hội cho họ có thể hối cải lỗi lầm, một mặt lại khiến họ có sự e dè kiêng sợ mà không dám buông thả phóng túng.
Thấy người khác có chút ưu điểm nhỏ dùng được, hoặc việc thiện nhỏ có thể chọn lấy, thì lập tức từ bỏ chỗ chưa tốt của mình mà làm theo đó, lại nên hết lời ngợi khen xưng tán, truyền rộng sự tốt đẹp ấy đến với nhiều người khác. Từ sáng đến tối, mỗi một lời nói, mỗi một việc làm đều không vì nghĩ đến bản thân, hết thảy đều chỉ vì muôn người mà xây dựng cho thành nề nếp tốt đẹp chung. Đó chính là chỗ độ lượng của bậc đại nhân, luôn vì lợi ích cho mọi người mà không nghĩ riêng cho bản thân mình.”
Làm được như thế ắt âm đức tích vô lượng vô biên, đến nơi đâu cũng được quỷ thần cung kính nể trọng. Việc ác còn chẳng để đến nơi tai, huống nữa là đến được thân đó hay sao?
Kiêu ngạo là gì: 10 Loại nghiệp ngạo mạn cần phải tránh xa
Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Có mười loại nghiệp mạn, cần phải tránh xa:
1- Đối với các phước điền đáng tôn trọng như Hòa thượng, A-Xà-lê; cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, lại không tôn trọng, cung kính cúng dường. Ấy là nghiệp mạn,
2- Đối với các pháp sư chứng pháp cao siêu, biết đường giải thoát sinh tử theo giáo lý đại thừa, hiểu nhiều thần chú Đà-la-ni, có đầy đủ trí tuệ, có tài thuyết pháp, lại không tin tưởng cúng dường. Ấy là nghiệp mạn.
3- Khi nghe thuyết pháp đến chỗ cao xa, phải phát tâm lìa dục, vô cùng hớn hở, lại không ca tụng pháp sư, khiến đại chúng cùng hớn hở. Ấy là nghiệp mạn.
4- Nỗi lòng ngã mạn tự đại lấn lướt người khác, không xét sức mình, không dằn lòng mình. Ấy là nghiệp mạn
5- Nỗi Lòng so đo, thấy người có công đức, trí tuệ không chịu ca tụng ngợi khen. Thấy người thiếu công đức, lại ngợi khen ca tụng. Thấy ai ca tụng ngợi khen người có công đức trí tuệ, nổi lòng ganh ghét. Ấy là nghiệp mạn.
6- Nếu có pháp sư biết đấy chính là pháp, là luật, là chân chính, là lời của đức Phật dạy, lại đem lòng ganh ghét, bảo không phải là pháp, không phải là luật, là không chân chính, không phải là lời của đức Phật dạy, vì muốn hủy hoại đức tin của người khác. Ấy là nghiệp mạn.
*
7- Tự đặt ngôi cao, tự phong pháp sư, không chịu thi hành, không chịu cung kính cúng dường người khác. Cho rằng các bậc tu theo phạm hạnh, các bậc tôn túc có đức đều phải cung kính cúng dường mình. Ấy là nghiệp mạn.
8- Xa lánh, nhăn mày cau mặt đối với các bậc đạo đức trọng thường đối xử hòa nhã với mọi người, lời nói dịu dàng, không thô lỗ, không giận hờn, mà tìm tòi lỗi xấu của bậc đạo cao đức trọng . Ấy là nghiệp mạn.
9- Vì lòng ngã mạn, nên đối với bậc thiện tri thức, không chịu cung kính, không chịu nghe thuyết pháp. Gặp chỗ khó, cứ bỏ mặc, không chịu hỏi han điều gì thiện, điều gì bất thiện, điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Làm điều gì có ích cho tất cả chúng-sinh, làm điều gì không có ích cho chúng-sinh. Làm điều gì sẽ từ sáng suốt đến sáng suốt hơn, làm điều gì sẽ từ tối tăm đến tối tăm hơn. Hạng người này bị ngã chấp nhận chìm, không thể nhận thức được chánh pháp thiết yếu. Ấy là nghiệp mạn.
10- Do lòng ngã mạn nổi dậy, không thể gặp được chánh pháp khó tìm của chư Phật, sẽ tiêu tan mầm thiện đã ươm từ tiền kiếp. Nói điều không nên nói, lộ lòng oán than, cùng nhau chế nhạo. Nuôi dưỡng tâm địa như thế, sẽ rơi vào tà đạo. May nhờ uy lực của hạt giống Bồ-đề, nên không đến nỗi mất hết hạnh Bồ-tát. Tuy nhiên, trải qua vô lượng ức kiếp, sẽ không được gặp gỡ chư Phật, huống gì là được nghe chánh pháp! Ấy là nghiệp mạn.
( Kiêu ngạo là gì )
Tuệ Tâm 2022.
Để lại một bình luận