Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú là bản chú được trích từ Kinh Tiêu Tai Cát Tường hay còn gọi là Kinh: “Phật thuyết kinh Đà ra ni Đại oai đức Kim luân Phật Đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu trừ nhất thiết tai nạn”. Một bản kinh có lẽ là duy nhất trong Đại Tạng Kinh có nói đến các loại sao La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch….
Đây là bản kinh chú nếu được truyền bá rộng rãi sẽ đập tan bè lũ giả tu, bày ra trò cúng sao giải hạn, dối gạt chúng sanh để làm giàu. Việc Cúng sao của phường “Sư Tử Trùng” này khiến chúng sanh mất lòng tin nơi chánh pháp. Sức phá hoại Phật pháp của nó tuy âm thầm nhưng vô cùng kinh khủng. Nguyện hết thảy người học Phật chân chánh trên thế gian truyền bá kinh này; để Chánh pháp được mãi trường tồn trên thế gian!
- Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
- Chú Lăng Nghiêm.
- Chú Chuẩn Đề.
- Chú Dược Sư.
- Lục Tự Đại Minh Thần Chú.
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
- Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Phật.
- Cách tụng kinh tại nhà.
Nhân một bạn đọc gửi cho bản Kinh này và dặn: “Đăng lên sẽ giúp người hữu duyên biết mà đoạn tuyệt cái tệ nạn cúng sao giải hạn. Kinh này sẽ giúp nhiều người phá mê, sanh tín, mà rời xa mê tín dị đoan. Vì sao thế? Bởi đức Phật chỉ dạy người tụng chân ngôn để tiêu trừ tai ách. Ngài nào có dạy phải mâm cao cỗ đầy cúng bái chi đâu?”
*
Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú
- Nẳng mồ tam mãn đa, mẫu đà nẫm, a bát ra để, hạ đa xá ta nẳng nẫm.
- Đát điệt tha.
- Án khê khê, khê hế, khê hế, hồng hồng, nhập phạ ra, nhập phạ ra.
- Bát ra nhập phạ ra, bát ra nhập phạ ra, để sắc sá, để sắc sá, sắc trí rị, sắc trí rị, ta phấn tra, ta phấn tra, phiến để ca, thất rị duệ, ta phạ hạ.
So sánh các bản Tiêu Tai Cát Tường Thần chú
Bản Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú trên đây là bản được Hòa Thượng Trí Thoát trì tụng. Sở dĩ chọn bản này làm chính vì đa phần người Việt ta đều thích nghe Thầy tụng, nên nó phổ thông nhất. Ai nghe Ngài tụng mà tụng theo cũng rất nhanh thuộc lòng. Chú này có nhiều bản dịch khác nhau: Về mặt chương cú thì có khác biệt nhau đôi chút, nhưng khi tụng lên âm hưởng na ná nhau.
Điều này không ảnh hưởng gì đến việc tụng chú, bởi: “Theo trong Hiển Mật Viên Thông: Người tu Chân ngôn về sắc trần cần phải rõ rệt. Như quán nước phải ra nước, quán lửa phải ra lửa, chớ không thể khác được. Riêng về thinh trần thì dù tiếng tăm đọc tụng có trại với Phạm Âm đôi chút cũng không sao. Miễn có lòng tin tưởng chí thành là được công hiệu.
Vì thế, từ trước đến nay, hàng Phật tử ở Trung Hoa cho đến VN ta, khi đọc tụng chú, thật ra đều trại với chánh âm; song vẫn cảm được oai thần công đức không thể nghĩ bàn. Vậy người học Phật, muốn trì chú, đừng lấy điểm này làm nghi, mà mất phần lợi ích.” Vì thế nếu bạn đã quen với bản nào thì cứ thế mà trì tụng.”
*
Về chi tiết hơn thì:
1. Trong Nhị Khóa Hiệp Giải, chú này như sau:
Nẳng mồ tam mãn đa, mẫu đà nẫm, a bát ra để, hạ đa xá ta nẳn nẫm đát điệt tha : Aùn, khư khư khư hứ, khư hứ hồng hông, nhập phạ ra, nhập phạ ra, bát ra nhập phạ ra, bát ra nhập phạ ra, để sắc sá, để sắc sá, sắc trí rị, ta phấn tra, ta phấn tra, phiến để ca, thất rị đệ, ta phạ hạ.
2. Trong Kinh” Phật thuyết kinh Đà-ra-ni Đại oai đức Kim luân Phật đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu trừ nhất thiết tai nạn”, do Ngài Thích Giác Viên dịch thì chú như sau:
Nẵng mồ tam mãn đà một đà nẫm, a bát ra để hạ đa xá tát nẵng nẫm. Đát điệt tha. Án khư khư khư hế khư hế, Hồng Hồng nhập phạ la phập phạ la, bát ra nhập phạ la bát ra nhập phạ la, để sắc xá để sắc xá, sắc trí rị sắc trí lị, tát phát tra tát phát tra, phiến để ca thất lị duệ sa ha.
Về tụng đọc Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú
Trong Nhị Khóa Hiệp Giải, Hòa Thượng Khánh Anh bảo: “Người tu phật, trước hết phải học cho thông suốt cả chữ lẫn nghĩa của trọn thời khoá tụng. Để tiện khi vừa tụng thuộc lòng, vừa xét hiểu ý nghĩa. Lại trước phải luyện cái tâm tập định được thuần thục. Vì không thì, với cảnh lộn xộn, tâm phải rối ren, pháp quán tưởng khó thành được! Nên với giờ sớm là lúc muôn cảnh chưa đông đạt, tâm ta còn im lặng; liền dậy súc rửa, thay quần áo, đi niệm “Chú Lăng Nghiêm”. Đây là để sớm trị cái bịnh ngũ dục chưa mống mầm; chóng kỳ cho được tâm hồn phẳng suốt, rỡ bày ngay cái tánh mầu chơn như của như lai tạng. Đó là chỗ gọi rằng “phẳng lặng chẳng động, hễ có cảm đến đâu là liền suốt thấu đến đó”.
Kế đến gia trì đọc bài “ Ðại bi thần chú”, bài “Như ý Bửu luân vương chú”; đồng để rửa sạch những bụi phiền não trong tâm ta. Hễ bụi lòng đã sạch, thì tỏ được lòng Ðại Bi đồng thể chuyển đặng xe Pháp luân Như ý; tụng “Chú tiêu tai cát tường”là tan mất điều tai ương, đưa đến sự yên lành, xe pháp luân lại càng được vững chãi.
*
Lại bảo: “Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú này Trích ở trong kinh Tiêu tai kiết tường; nơi hàm chữ “Chi” trong Đại Tạng Kinh ra. Kinh nầy chép rằng: Bấy giờ Phật ở tại cõi trời Tịnh Cư. Ngài bảo các Vì sao Tu, Sao Diệu….28 tinh tú, 12 cung thần và các vị thiên chúng lưu hành giữa hư không. Phật dẫn tích dạy rằng:
Ta nay nhắc nói đức Phật Ta La Vương Như Lai đã thuyết rõ ra một thần chú. Chú ấy là Xí Thạnh Quảng Ðại Uy Ðức đà la ni; là phương pháp để giải tai nạn. Phàm là tại nơi thủ đô, đến ngoài ranh cõi mà có 5 ngôi sao xâm lăng; Sao La Hầu, sao Nhuế, sao Bột, Sao Yêu, nó chiếu đến chỗ sở thuộc của người là các ngôi sao nơi sao cung bổn mạng; hoặc nó chiếu đến chỗ đế tọa, và các khu vực ngoài đồng nội, sẽ gây nên mọi điều chướng ngại. Dù tai hại chi, cũng đều trừ diệt liền, nếu nhơn chúng mỗi địa phương ấy, đồng tuân y đúng pháp lập chương trình kỳ hạn để niệm một trăm tám biến thần chú nầy.
Ðã từ nơi tâm với tai, lại cũng từ nơi tâm diệt tai, nên nói tiêu tai. Bởi chỗ tạo nghiệp từ đời trước, nên nay cảm chịu lấy. Nghĩa là các điều thống khổ nó tập trung nơi cái thân tâm đây, nên nó là tai. Nghiệp chướng đã thanh tịnh rồi, sự ấy được vui mừng nơi tâm, nên nói là cát tường.
*
Người mà tu trì pháp thần chú đây, tâm phải đủ ba phép Quán: lấy phép Không quán để tiêu tai: dùng phép Giả Quán để hội sự cát tường mà không hay. Giả gì cũng đều chỉ là một niệm vì tai thi tiêu, cát thì đến; đồng gọi là pháp giới tánh, đây tức là Trung Quán. Hễ tâm mê thì cát tức là tai, còn tâm Ngộ thì tai tức là cát.
Nghĩa là tâm còn hôn mê thì, dầu là điều cát tường cũng thành ra tai hại! Tâm đã giác ngộ rồi, vì dầu tai hại cũng hóa thành cát tường! Với lẽ Tam quán, đem tâm so xét đã như thế, thì với Tứ giáo, Lục tức cũng có thể đem tâm so xét được cả. Nếu để ý nghĩ rộng thì đặng rõ thấy.
*
Phật thuyết kinh Đà-ra-ni Đại oai đức Kim luân Phật đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu trừ nhất thiết tai nạn
( Tiêu Tai Cát Tường Thần chú )
Việt dịch: Thích Giác Viên
*
Lúc bấy giờ đức Thích-ca Mâu-ni ở cung trời Tịnh Cư dạy ngài Văn-thù-sư-lợi đại Bồ-tát và tứ chúng, bát bộ Du không đại thiên, Cửu chấp thất diệu, mười hai cung thần, hai mươi tám vì tinh tú, nhật nguyệt:
“Thời quá khứ ta ở chỗ Ta-la Thọ Vương Phật, thọ Pháp Đại oai đức Kim luân
Phật Đảnh Xí Thạnh Quang Như Lai Tiêu trừ Nhất thiết tai nạn đà-ra-ni. Đối với đời vị lai, nếu có cõi nước nào, nhật, nguyệt, ngũ tinh, La Hầu, Kế Đô, sao chổi, sao phướng; các yêu quái, ác tinh chiếu đến bổn mạng cùng quyến thuộc cung thần; hoặc các vì tinh tú chiếu đến ngôi quốc chủ ở trong nước, trong nhà, nơi thôn làng, lúc bị bức ép, tiến vào làm các tai nạn; nên ở chỗ thanh tịnh an trí đạo tràng chí tâm thọ đà ra ni 108 biến hoặc 1080 biến; hoặc một ngày, hai ngày cho đến bảy ngày. Y pháp tu trì, đối đàng tràng đọc tụng, tất cả tai nạn tự nhiên tiêu diệt không thể làm hại được;
Nếu Thái Bạch, Hỏa Tinh hoặc Nam Đẩu, ở trong nước, trong nhà và nơi thôn làng khởi lên các tai nạn; nên ở trước tôn tượng Phẫn nộ, họa bức tượng kia chiêm thấy hình sắc rõ ràng, niệm chân ngôn này gia trì; thì tai nạn liền tiêu dứt, tinh sao chẳng bội nghịch, quốc chủ lâu bền, nhân dân an lạc.
*
Liền nói đà ra ni rằng:
Nẵng mồ tam mãn đà một đà nẫm, a bát ra để hạ đa xá tát nẵng nẫm. Đát điệt tha. Án khư khư khư hế khư hế, Hồng Hồng nhập phạ la phập phạ la, bát ra nhập phạ la bát ra nhập phạ la, để sắc xá để sắc xá, sắc trí rị sắc trí lị, tát phát tra tát phát tra, phiến để ca thất lị duệ sa ha.
Phật dạy: “Nếu cõi nước hay thôn xóm nào hoặc có kẻ nam người nữ bị các thiên tinh chiếu đến thân mình, chỉ nên viết chép kinh này chí tâm thọ trì đọc tụng, thì thường được hộ trì thanh tịnh. Vì đà ra ni này tất cả Như Lai đồng cộng tuyên nói; không chỉ thành tựu tám vạn món đại kiết tường, mà còn tiêu trừ tám vạn món đại bất kiết tường.
Nếu có quốc chủ, đại thần, các quyến thuộc và tất cả thứ dân bị Ngũ tinh, La Hầu, Kế Đô, sao chổi sao phướng; yêu quái các ác tinh chiếu đến bức ép ngôi quốc chủ trong nước, trong nhà; nơi thôn xóm quyến thuộc cung tú, tai nạn đột khởi, hoặc Thổ tinh xâm lăng; hoặc tiến hoặc thoái và oan gia trong nhà mưu tâm ác hại, các việc ngang trái, khẩu thiệt, trù rủa chú ếm thư phù, cho đến làm các tai nạn; thì các chúng sanh nên y Pháp thọ trì, tất cả tai họa không thể xảy đến; biến tai thành phước, đều được kiết tường an lạc. Ta nói công đức của chân ngôn này không thể nghĩ bàn, không thể so sánh, nên mật thọ trì, chớ vọng tuyên truyền.”
*
Phật dạy đại chúng: “Lúc nào cõi nước không an, tai nạn nổi lên và kẻ nam người nữ bị tai ương biến họa; chỉ thỉnh chúng Tăng như Pháp kiến lập đạo tràng; an trí tượng Phật, kiết giới hộ trì, hương hoa, đèn sáng, tùy phần cúng dường; khiến cho các chúng sanh được phước vô lượng, tai nạn đều dứt”.
Lúc bấy giờ đức Như Lai bảo đại chúng: “Nếu hàng năm có kẻ bị ngũ tinh, Kim, Mộc, Thuỷ, Hỏa, Thổ và La Hầu, Kế Đô, nhật, nguyệt, các tinh tú chiếu thân, tai nạn đột khởi, ta có Đại kiết tường thần chú gọi là Phá tú diệu. Nếu có thể chí tâm thọ trì nhớ niệm, thì nạn tự tiêu, chuyển họa thành phước”.
Liền nói chân ngôn rằng:
“Úm tát phạ nặc sát tô ra tam ma duệ thất lị duệ phiến để ca câu lô tát bà ha.”
Lúc bấy giờ đức Như Lai nói Kinh này rồi, ngài Văn-thù-sư-lợi đại Bồ-tát và bốn chúng; Du không đại thiên, các Tinh thần, tất cả Thánh chúng; toàn thể nương lời Phật dạy, đảnh lễ phụng trì lui về bổn cung. Hết thảy Thiên long bát bộ nghe Phật thuyết pháp đều hết sức hoan hỉ tín thọ phụng hành.
( Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú – Khai ngộ cho người mê Cúng Sao giải hạn )
Tuệ Tâm 2021.
Nguyễn Tiệp viết
Dạ thưa thầy Tuệ Tâm, đoạn cuối của bài viết còn có thêm câu chân ngôn do Đức Thích ca thuyết: “Úm tát phạ nặc sát tô ra tam ma duệ thất lị duệ phiến để ca câu lô tát bà ha.” vậy thì ta nên trì đọc cái nào hay là đọc cả 2 ạ.
Thứ 2 là trong kinh có đoạn: “Ta nói công đức của chân ngôn này không thể nghĩ bàn, không thể so sánh, nên mật thọ trì, chớ vọng tuyên truyền” vậy không biết là con chia sẻ thần chú này cho người khác thì có sao không ạ. vì con thấy Phật nói chỉ nên mật trì, chớ vọng tuyên truyền.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
1. Bạn tụng Tiêu Tai Cát Tường Thần Chú là đủ rồi. Cứ chuyên trì niệm sẽ được cảm ứng!
2. Câu: “chớ vọng tuyên truyền” ở đây phải hiểu là mình cứ âm thầm mà trì tụng, không cần quảng cáo, không cần ai biết đến, cũng không cần ai phải ghi nhận cả. Cho nên bạn cứ chia sẻ thần chú thoải mái, công đức vô lượng vô biên.
Thực ra, khi đọc bản kinh này Tuệ Tâm cũng biết câu ấy chưa sát nghĩa, dễ gây hiểu lầm. Tuy nhiên vì tôn trọng người dịch nên Tuệ Tâm để nguyên, không dám chỉnh sửa gì. Bởi lý do này nên năm xưa Tổ Ấn Quang cực lực bài bác chuyện người ta đua nhau dịch kinh. Tổ bảo: “Dịch Kinh không phải việc của hạng Phàm phu. Muốn dịch kinh theo đúng ý Phật vô cùng khó và cầu kỳ, phải có người tinh thông phạm văn, người nhuận văn, hội đồng kiểm nghĩa…Hậu thế không biết pháp dịch kinh, thành ra do ham danh mà phạm lỗi khinh nhờn rất nặng nề…” Nay nhìn trong nước thấy nhiều người phạm lỗi này, xem Kinh Phật như dịch sách ngoại ngữ, thật vô cùng kinh sợ!