Người học Phật pháp phải kiên trì nhẫn nại. Học Ðạo không phải chỉ một ngày một đêm mà có thể được cảm ứng hay có thành tựu. Cần có thời gian lâu dài để thể nghiệm đạo lý Phật dạy, theo đạo lý đó mà tu hành mới có thể thành tựu được.
Người chân chính nhận thức được Phật Pháp thì chẳng kinh hãi, sợ sệt, chẳng vui cũng chẳng buồn. Phật Pháp thì như vậy: chẳng có gì đáng lo âu khiếp sợ, cũng chẳng có gì đáng vui hay đáng buồn cả. Phải luôn giữ trạng thái “như như bất động, liễu liễu thường minh.” Nghĩa là trạng thái bất động, không dấy khởi vọng niệm của bản tánh, như hồ nước phẳng lặng, không gợn sóng. Song, nơi bản tánh bất động ấy luôn bừng hiện trí huệ chiếu soi, quán sát mọi sự. Như sự phản chiếu của mặt nước.vì đó chính là bản chất của Phật Pháp vậy!
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- Ngày thập trai là ngày nào.
- Cách đi lễ Chùa đúng pháp.
- Cách cúng đầu năm mới.
- Sự thật về Hạn Tam Tai.
- Thổ địa& bàn thờ ông Địa, sự mê lầm của chúng ta.
- Trùng tang, là thật hay cú lừa xuyên thế kỷ nhân danh tâm linh.

Người học Phật pháp đừng tham Danh lợi
Người học Phật Pháp cần phải luôn luôn thành thật dụng công mà tu hành, như hai chân đứng vững trên mặt đất (cước đạp thực địa), không được mưu đồ hư danh.
Ham thích hư danh thì chẳng ích lợi gì cho việc tu Ðạo. Muốn làm những việc “hữu thực vô danh” thì không được tham cầu chuyện “hữu danh vô thực”; nghĩa là không tham cầu cái danh giả dối, có tiếng mà không có miếng. Còn như làm những việc chân thật được biểu hiện ra ngoài thì được gọi là “hữu thực vô danh”!
Các vị đừng nên tham cầu cái hư danh; mỗi hành động, mỗi lời nói, mỗi ý niệm đều phải chân thật. Lòng tâm chân thật, làm việc chân thật, chính là bản sắc của tín đồ Phật Giáo. Tâm mình sung mãn đạo đức, học vấn và trí huệ thì lúc đó mới gọi là có bản lãnh!
Ðừng tham cái danh hão, đừng thích cái lợi giả của thế gian; nếu không thì cũng giống như “cánh hoa giả” chẳng bao giờ có thể sinh “quả” thật được. Ðó là điểm hết sức quan trọng, mong các vị chú ý!
Người học Phật pháp phải giữ nền tảng vững chắc
Nền không vững, nhà sẽ lung lay,
Gió thổi thì ngã, mưa to liền sập.
Người học Phật có kẻ thích tham thiền, có người thích học Kinh, thuyết Pháp, nghiên cứu Luật Tông, Mật-tông hay Tịnh-độ Tông. Bất luận là thích tông phái nào, quý-vị cần kiên tâm trì chí, dụng công tu hành thì mới thành tựu.
Nếu không chuyên tâm nhất chí thì học gì cũng như không. Mình tham thiền hai ngày rưỡi lại nghĩ muốn niệm Phật, niệm Phật nửa ngày lại muốn học Luật, học Luật chưa bao lâu lại muốn học Mật; mục tiêu rối loạn không chuyên nhất được. Tại sao mình không thể chuyên nhất? Tại vì mình còn hướng ngoại truy cầu. Chân đạp hai chiếc thuyền cùng một lúc, không biết đi lên Giang Bắc tốt hay đi xuống Giang Nam hay? Vì vậy, cả một đời vẫn cứ lầm lẫn.
Vì thế tham thiền lúc nào cũng phải tinh tấn, một giây cũng không được làm biếng, tham cho tới lúc:
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ,
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
Nghĩa là:
Núi cùng, sông bặt, tưởng hết đường,
Tàng liễu, hoa giăng, hiện thôn trang.
*
Tức là mình sẽ thấy một bầu trời khác, sẽ thấy được sự diệu thú thiên nhiên vô cùng. Nhưng mình cần phải tham thiền đến cực điểm, đến chỗ “đăng phong tạo cực” nghĩa là lên tới đỉnh cao nhất, đạt tới chỗ tột bực thì mới có một chút hy vọng; nhưng hy vọng đó cũng không nhiều lắm. Tuy có một chút hy vọng nhưng mình cũng đừng chấp đắm vào hy vọng đó. Nếu không mình sẽ tạo thêm sự phiền toái, tức là chấp vào cái không có ý nghĩa gì cả. Tham thiền là phải chân thật mà dụng công.
Trước hết cả mình phải biết luyện cho chân biết nghe lời, không làm loạn cũng không làm đau. Làm thế nào để chân không còn đau nữa? Có thần chú nào niệm cho chân hết đau? Hoặc giả là mình phải uống thứ thuốc gì đó thì chân sẽ bớt đau. Không phải thế đâu! Mình cần phải trải qua cơn đau nhức đó một thời gian, dần dần chân mình mới chịu nghe lời mà hết đau. Nếu mình không nhẫn nại được cái đau, vừa mới đau lại đổi chân, thì cái chân vĩnh viễn sẽ không bao giờ chịu nghe lời mình; bởi vì mình đã chìu chuộng nó quá mức.
Người học Phật pháp trước phải hàng phục được cái đau
Khi chân đau mình phải dọa nó như dọa con nít. Nếu cha mẹ thương không cho con chịu khổ, thì tương lai những đứa đó không cách gì chịu đựng được khổ. Cái chân cũng như con nít vậy, mình sợ nó đau nhức thì lúc nào nó cũng đau nhức. Lúc chân đau tất nhiên mình thấy đau, lúc chân không đau, mình cũng thấy nhức nhối là bởi vì mình đã tập cho nó có một thói quen xấu.
Mình phải luyện cho cái chân, cái lưng biết nghe mình; để chúng không còn đau không còn nhức; rồi thì mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều nghe lời mình cả, sáu căn nầy không còn chạy ra ngoài mà truy cầu nữa. Không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm cho xoay chuyển. Không bị lục căn, lục trần chuyển động thì đó chính là biết dụng công. Cho nên nói:
Nhãn quán hình sắc nội vô hữu.
Nhĩ thính trần sự tâm bất tri.
Nghĩa là:
Mắt thấy hình sắc nhưng lòng chẳng màng.
Tai nghe âm thanh song tâm chẳng biết.
Mình phải thường hồi quang phản chiếu. Ðừng truy cầu những điều bên ngoài, luôn luôn trụ vào pháp môn căn bản, tức là tham thoại đầu “Ai là người niệm Phật?” Tức là làm sao nắm được gốc, đừng chạy theo ngọn. Ðối với những vấn đề chi tiết nhỏ nhặt, đừng nên để tâm âu lo, như vậy thì từ từ sẽ hiểu thấu mọi sự.
*
Lúc tu thiền tĩnh tọa, khi chưa biết tập luyện làm sao để ngồi kiết già hay bán già cho thật vững vàng thì đừng nên ham học làm sao tham thiền. Bởi vì nền tảng chưa vững chắc cơ mà! Do đó, trước tiên phải xây nền tảng thiệt tốt rồi mới tham thiền.
Như tuần đầu tiên, mình phải san bằng mặt đất. Xây nhà, trước hết phải dọn sạch đất đai, đạp bằng nó ra.
Vào tuần thứ hai thì phải đặt móng. Xây móng cần tốn nhiều công phu; tức là mình phải tu hạnh nhẫn nại: chịu đau, chịu đói, chịu khát, chịu rét; bất kỳ hoàn cảnh gì mình cũng phải chịu đựng. Tuy đây là việc tốn công tốn sức, song nó là việc tất yếu phải làm. Ðất cần được đạp bằng, móng cần xây cho chắc thì nhà dựng lên mới kiên cố. Nếu gió thổi, nhà sập hay mưa tạt, nhà rã thì tức là móng đặt không chắc chắn, nền xây chẳng vững vàng vậy.
Ðến tuần thứ ba thì có thể dựng cột, trụ, bắt kèo, khung cột, mái chèo.
Qua tuần thứ tư, thì xây tường, bắt cửa, đóng cửa sổ, lợp ngói. Ðó là thứ tự xây nhà: Ta không thể “Cuốc một phát mà đào thành giếng” được. Không việc gì làm mà thành công tức khắc.
*
Tham thiền hay niệm Phật cũng vậy; học Giáo, tu Mật, tập Luật đều như vậy cả. Tức là phải hết sức chuyên tâm chú ý. Tâm phải thành khẩn, đừng tham muốn thứ cao siêu xa vời, đừng nghe người ta nói Mật-tông tốt, thì chạy theo Mật-tông. Ðừng dại mà mê muội, tới lúc chết vẫn không tỉnh ngộ. Không chấp nhận những bằng chứng trước mắt, thì thật là mình mê quá độ. Mật, mật rồi chẳng biết do đâu, bỗng chết mất. Thật là bí mật. Do đó mật thì đúng là mê. (Hai chữ này, tiếng Tàu phát âm giống nhau). Hết sức mê muội.
Quý-vị học Phật cần phải nghiên cứu chân lý đừng nên nghe theo một cách mù quáng. Mình cần phải: “Thân cận hữu đức, viễn ly hương nhân.” Nghĩa rằng cần phải gần gũi những bậc đức độ và xa lánh những kẻ tà ác. Kẻ xấu ác là thứ chuyên lừa người. Người có đức độ thì không gạt ai cả. Kẻ vô đức thì luôn dùng những thủ đoạn xảo trá; thì làm sao có đức được. Chỉ có những ai không lừa bịp thì càng ngày công đức càng nhiều; lúc đó đức hạnh mới tồn tại được.
Quý-vị phải quan sát và phán xét người khác ở khía cạnh nầy. Ðừng nhìn vẻ bên ngoài mà nói rằng: “Ôi! Tôi thấy anh chàng đó rất đức độ, thật là một vị thiện-tri-thức.” Thực ra chẳng xác thực, bởi vì quý-vị phải rõ thân thế anh chàng đó ra sao? Hiểu rõ thì mới đáng kể.
Người học Phật pháp cần phải tu Giới, Ðịnh, Huệ
Thường dùng Giới Ðịnh Huệ để tự thức tỉnh, vì chúng giúp ích việc tu hành. Giới, Ðịnh, Huệ là việc học vô lậu, người tu hành cần phải có đầy đủ.
Giới tuy có năm giới, thập giới, Bồ-tát giới v.v… nhưng cơ bản nhất là Ngũ-giới: Không sát sanh, không ăn trộm, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Trì giới thì không tạo tội.
Ðịnh là gì? Ðịnh tức là thiền định, nói rộng ra chút nữa có nghĩa là bất biến. Có kẻ tu hành đầy vọng tưởng. Hôm nay tu thiền, ngày mai nghe nói niệm Phật công đức to lớn, liền bỏ tham thiền mà niệm Phật. Sau vài ngày lại nghe nói trì chú là thù thắng bèn bỏ niệm Phật mà trì chú. Người như vậy, nay tu pháp môn này, mai tu pháp môn khác, kết quả chẳng tu thành cái gì.
Lại còn có kẻ niệm Phật, niệm Bồ-tát một ngày niệm, mười ngày nghỉ, hoặc ngày nay niệm ngày mai nghỉ, đó đều gọi là không có định lực. Ðịnh lực đối với người tu hành rất là quan trọng; không có định lực, tu đạo đương nhiên thất bại. Thiếu định lực thì đạo tâm chẳng kiên cố, dễ dàng bị ảnh hưởng bên ngoài chi phối làm đọa lạc.
Tiếp đến là Huệ, tức là trí huệ. Làm người có kẻ thông minh, người ngu dốt. Vì sao có kẻ thông minh lại có người ngu độn? Ðấy là do nhân quả, nếu quá khứ tu hành niệm Phật thì đời nầy chắc chắn có được trí huệ; ngược lại chẳng trồng thiện căn thì trí huệ đương nhiên chẳng có.
*
Trong Sách Ðại-học nói:
Ðịnh nhi hậu năng Tịnh,
Tịnh nhi hậu năng An,
An nhi hậu năng Lư,
Lư nhi hậu năng Ðắc.
Nghĩa là:
Có Ðịnh rồi mới Tịnh,
Có Tịnh rồi mới An,
Có An rồi mới Sáng,
Có Sáng rồi mới Ðược.
Do đó có Ðịnh mới sinh được Huệ. Nếu chẳng có Ðịnh, tạp niệm đầy dẫy, vọng tưởng lăng xăng thì làm sao có thể thấy suốt đúng, sai, rõ ràng chân lý được.
Giới nghĩa là quy luật giúp mình đề phòng phạm tội. Khi chưa phạm tội, mình cần tu Ðạo, bí quyết tu đạo là ở định lực. Có định lực thì sinh trí huệ, từ đó mới có thể liễu đạo thành Phật. Nên Giới, Ðịnh, Huệ là điều kiện tất yếu mà người tu Ðạo phải có. Không trì giới thì có thể tạo tội nghiệp, thiếu định lực thì tu Ðạo không thành, không trí huệ thì ngu si vô trí.
Tôi khuyên các vị hãy lấy “Giới Ðịnh Huệ” ba chữ này khắc sâu vào lòng, thường đem ra tự cảnh tỉnh. Tôi tin rằng đối với việc tu, chúng giúp ích mình lắm.
(Những điều căn bản người học Phật pháp cần biết – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị)
Tuệ Tâm 2021.
Thư viết
Nam Mô A Di Đà Phật 🙏
Kính chào Thầy! Xin Thầy cho con được hỏi: con có tìm hiểu trên mạng và được biết rằng: “Như ngài Tuyên Hóa dạy, nếu ai muốn trì các Chú như Chú Lăng Nghiêm, Bảo Khiếp Ấn Đà Ra Ni, hoặc tất cả các Chú cần Chú Đàn như Chú Ngữ Đàn, Tâm Tưởng Đàn và Chú Ấn Đàn mà không biết về Mật Pháp thì hãy theo cách dưới đây, thì tùy ý sẽ thành Đàn, rồi sau đó hãy tụng Thần Chú nào mình muốn sau:
– Úm phạ nhật ra đà đổ một. (7 lần)
– Úm lam xóa ha. (7 lần)
– Úm hạ hồng. (7 lần)”
Vậy con đọc tụng mỗi câu chú trên hơn 7 lần được không ạ? Kính xin thầy hoan hỷ giải đáp giúp con. Tạ ơn Thầy!
Nam Mô A Di Đà Phật 🙏
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Những gì bạn viết đúng là lời dạy của Tuyên Hóa Thượng Nhân, khi Ngài giảng giải chú Lăng Nghiêm. Như các câu chú ngắn ấy, lấy 7 biến làm tối thiểu, bạn tụng nhiều hơn càng tốt nhé.