Hòa Thượng Tuyên Hóa là ai? Ngài là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát! Để ca ngợi về Ngài thì chỉ có một câu thôi: “Không bút mực nào trên thế gian này có thể lột tả hết được ân đức của Ngài dành cho chúng sanh trong thời ngũ trược này!”
Hòa Thượng Tuyên Hóa, pháp danh An Từ, tự Ðộ Luân, là vị Tổ thứ chín của dòng Thiền Quy Ngưỡng, đắc pháp từ Ðại Lão Hòa Thượng Hư Vân. Ngoài pháp hiệu Tuyên Hóa, Ngài còn lấy hiệu là “Mộ trung Tăng” (Nhà sư trong phần mộ).
Đạo hạnh, trí tuệ và bi tâm của Hòa Thượng Tuyên Hóa, đã thật sự khai mở cho chúng sanh đời mạt pháp một con đường vĩ đại đưa đến chỗ giác ngộ. Cuộc đời của Ngài là niềm cảm hứng bất tận cho những ai đang trong hành trình tìm lối ra khỏi sanh tử luân hồi. Cuộc đời, Đạo nghiệp và những lời khai thị của Ngài thật khiến cho chúng ta tăng trưởng tín tâm và phá sạch mê lầm. Ví như trong đêm tối gặp được ánh đèn Bát-nhã, nơi mù tịt ngửi đặng mùi hương Phật pháp; hoặc trong bùn lầy dơ bẩn khai nở những đóa sen thanh khiết… Cảnh giới của bậc đại hành giả thật khó nghĩ bàn!
- Cuộc đời& Đạo nghiệp của Hòa Thượng Tuyên Hóa.
- Ma ha ca diếp Tôn giả.
- A Nan Tôn giả.
- Mục Kiền Liên Tôn giả.
- Ấn Quang Đại Sư.
- Pháp Nhiên Thượng Nhân.
- Cuộc đời& Đạo nghiệp của Hòa Thượng Hư Vân.
Hòa Thượng Tuyên Hóa là ai: 1. Lược sử
Hòa Thượng nguyên quán ở huyện Song Thành, tỉnh Kiết Lâm, Mãn Châu. Ngài sinh vào ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ (1918), vào cuối đời nhà Thanh. Gia đình Ngài họ Bạch, cha tên Phú Hải, mẹ họ Hồ. Thân mẫu Ngài suốt đời trường trai, niệm Phật. Khi mang thai, bà thường cầu nguyện chư Phật Bồ Tát. Đêm trước khi lâm sản, bà mộng thấy Ðức Phật A Di Ðà phóng đại quang minh, rồi liền sanh ra Ngài.
Từ thuở ấu thời, Ngài đã theo mẹ ăn chay niệm Phật. Ðến năm 11 tuổi, vì thấy được việc lớn sanh tử, đời người quá chóng vánh, nên Ngài phát đại chí quyết xuất gia tu hành. Năm mười năm tuổi, Ngài lạy Hòa Thượng Thường Trí làm thầy. Ðến năm mười chín tuổi, mẹ Ngài tạ thế. Nhân đó, Ngài lên Chùa Tam Duyên xin Hòa Thượng Thường Trí thế độ xuất gia. Sau đó Ngài khoác y, dựng lều bên cạnh mộ mẹ để báo hiếu.
Suốt thời gian ấy, Ngài lạy Kinh Hoa Nghiêm, lễ sám hối, tu thiền định; tập giáo quán, nghiêm thủ công hạnh ăn ngày một bữa. Khi công phu thuần thục, Ngài đã cảm động không biết bao nhiêu dân làng quanh đấy lại lễ bái, cung kính. Sự tu hành trong sạch với lòng kiền thành khẩn thiết của Ngài cũng cảm ứng chư Phật, Bồ-tát, Hộ-pháp, Long Thiên; khiến không biết bao nhiêu chuyện linh ứng bất khả tư nghì xảy ra. Vì những chuyện thần dị ấy lưu truyền khắp nơi, nên Ngài được gọi là “Dị tăng.”
*
Có lần Ngài đang tọa Thiền thì chợt có vị khách đến viếng. Vị khách ấy, ngạc nhiên thay, chính là Lục Tổ Huệ Năng! Ðức Tổ Sư dạy Ngài rằng trong tương lai Ngài sẽ tới Mỹ quốc để độ sanh; rằng ở Tây phương Ngài sẽ gặp nhiều kẻ hữu duyên có thể hoằng dương Phật Pháp; và Ngài sẽ độ vô lượng vô biên chúng sanh. Mãi đến lúc Ðức Tổ Sư từ biệt quay đi rồi, Ngài mới choàng tỉnh. Sau Ðệ Nhị Thế Chiến, Ngài vân du khắp nơi.
Năm 1946, Ngài đến tham lễ Hòa Thượng Hư Vân – Một vị cao tăng mà Ngài vô cùng hâm mộ, một bậc Long Tượng của Phật giáo thời bấy giờ. Lão Hòa Thượng lúc ấy đã 109 tuổi. Vừa nhìn thấy Ngài, Lão Hòa Thượng liền nhận ra ngay sự chứng ngộ của Ngài. Khi đó, Lão Hòa Thượng nói: “Như thị, như thị!”. Ngài cũng đáp lại: “Như thị, như thị!”
Lão Hòa Thượng Hư Vân biết Ngài là bậc Pháp khí nên liền truyền thọ pháp mạch. Do đó, Ngài trở thành người thừa kế, làm vị Tổ đời thứ chín của dòng Quy Ngưỡng. Tính từ Sơ tổ Ma ha Ca Diếp thì Ngài là truyền nhân thứ bốn mươi sáu vậy. Sau đó, Lão Hòa Thượng dạy Ngài ở lại chùa đảm nhận chức Viện Trưởng Viện Giới Luật của Chùa Nam Hoa.
*
Năm 1948, Ngài từ biệt Lão Hòa Thượng Hư Vân, lên đường sang Hương Cảng hoằng pháp, với ý định xiển dương cả năm phái: Thiền, Giáo, Mật, Luật, Tịnh để phá trừ sự phân phái chia rẽ. Trong thời gian này, Ngài đã trùng tu nhiều chùa cổ, in kinh điển; tạo tượng Phật, xây Chùa An Lạc Viên, Phật Giáo Giảng Ðường, và Chùa Từ Hưng. Ðồng thời Ngài cũng giảng kinh thuyết pháp khiến Phật giáo thịnh hành tại Hương Cảng.
Năm 1950, Ngài từ giã chùa, lên đường sang Hương Cảng. Ở đây, Ngài sống tại một sơn động biệt lập, chẳng lai vãng gì đến bụi trần, tục lụy. Chẳng bao lâu, có vô số Tăng lữ từ Trung Hoa Ðại Lục qua Hương Cảng lánh nạn. Họ đều nhận được sự giúp đỡ của Ngài. Cuối cùng, ứng với nhân duyên, Ngài rời sơn động, lập ra giảng đường và hai ngôi chùa; cùng trợ giúp xây dựng nhiều đạo tràng khác.
Trong suốt mười hai năm ở Hương Cảng. Ngài là tấm gương sáng, khổ hạnh, tinh tấn tu Ðạo, quên mình vì Phật Pháp. Ngài đã ảnh hưởng vô số thiện nam tín nữ, khiến họ phát tâm Bồ Ðề, quy y Tam Bảo, ủng hộ Phật Pháp.
*
Năm 1962, Ngài đến San Francisco, Mỹ Quốc. Tại đây, nơi một nhà kho nhỏ, Ngài kiên trì tu hành trong im lặng; chờ đợi cho cơ duyên hoằng dương Ðạo Pháp chín mùi. Lúc ấy, Ngài tự gọi mình là “Mộ Trung Tăng” (nhà Sư trong phần mộ), hay là Hoạt Tử Nhân (người đã chết nhưng còn sống). Những Phật tử hiểu biết sự tu hành chân chính của Ngài đều rất cảm động và cung kính ủng hộ, cúng dường Ngài.
Năm 1968, Ngài mở khóa hè dạy tu và nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm. Có hàng chục sinh viên từ Ðại học Washington ở Seattle xuống tham gia, học hỏi Phật-pháp. Khi mãn khóa có năm vị người Mỹ khẩn cầu Ngài thế độ xuất gia. Việc này đánh dấu sự khai mở của Tăng đoàn Phật giáo Mỹ Quốc. Từ đó về sau những người Mỹ xuất gia với Ngài càng đông. Việc này đem lại ảnh hưởng vô cùng sâu đậm đối với việc hoằng dương Phật giáo tại Tây Phương; cũng như việc phiên dịch kinh điển vậy.
Mỗi lần giảng kinh thuyết pháp, Ngài đều giảng thâm sâu song rất dễ hiểu. Mấy chục năm qua Ngài đều thăng tòa thuyết pháp hơn vạn lần, hàng trăm tập kinh do Ngài giảng đã được dịch ra Anh ngữ; có thể nói Ngài là người đã khiến cho kinh sách dịch ra Anh ngữ nhiều nhất.
*
Năm 1973, Ngài thành lập Quốc Tế Dịch Kinh Học Viện, với ý định đem “Ðại Tạng Kinh” dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, khiến Phật pháp được truyền bá khắp nơi.
Năm 1974, Ngài sáng lập Vạn Phật Thánh Thành; lập ra Ðại Học Pháp Giới, Tăng Già Cư-sĩ Huấn Luyện Bang để tài bồi nhân tài về đạo pháp, với trình độ và tiêu chuẩn quốc tế. Ngài lại sáng lập ra trường Tiểu học Dục Lương, trường Trung-học Bồi Ðức, với chủ trương dùng giáo dục để vãn cứu và sửa đổi nhân tâm.
Những năm kế tiếp Ngài liên tiếp lập ra Chùa Kim Sơn, Chùa Kim Luân, Chùa Kim Phong, Chùa Kim Phật, Chùa Hoa Nghiêm, Chùa Pháp Giới, Chùa Di Ðà, Chùa Long Beach, Pháp Giới Thánh Thành, Học Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Pháp Giới, Chùa Kim Thánh và nhiều đạo tràng khác.
Ngài đã xả mình, không từ lao khổ gian nan, tự mình làm gương, dạy học thuyết pháp với mục đích làm gương để đào tạo thế hệ tương lai. Ngài đã hiến dâng Vạn Phật Thánh Thành để làm “Chỗ Quy Y Nương tựa của Tín Ðồ Phật Giáo Toàn Cầu.” Gia phong Vạn Phật Thánh Thành rất nghiêm túc, tuân giữ sáu tông chỉ mà Ngài đã thực hành tự lúc xuất gia, đó là: không tranh, không tham, không cầu, không tự lợi, không ích kỷ, không dối trá. Do sự tu hành cũng như đạo hạnh của Ngài chiêu cảm, nên Vạn Phật Thánh Thành đã trở thành một đạo tràng trọng yếu của Phật Giáo Mỹ Quốc.
Hòa Thượng Tuyên Hóa là ai: 2. Chí Hướng
Chí hướng hay phương châm của Ngài nằm trong bài thơ sau:
Dù lạnh rét, không phan duyên.
Dù đói chết, không xin xỏ.
Dù nghèo kiệt, không cầu cạnh.
Tùy thuận ngoại duyên, song không thay đổi chí-hạnh.
Không đổi chí-hướng, nhưng vẫn tùy thuận ngoại duyên.
Thế mới giữ vững ba đại tông chỉ:
Xả mình vì Phật sự,
Cứu người là bổn phận,
Sửa mình làm việc Tăng.
Hễ gặp việc gì, thấu lý việc ấy.
Hiểu đạo lý gì, thực hiện lý ấy.
Vậy mới truyền thừa mạch huyết Tổ-sư.
Hòa Thượng Tuyên Hóa là ai: 3. Mười Tám Ðại Nguyện
Năm Hòa Thượng Tuyên Hóa 19 tuổi thì mẫu thân Ngài qua đời. Sau khi lo liệu chu toàn việc mai táng, Ngài tới Chùa Tam Duyên ở Hợp Nhĩ Tân (Harbin), chính thức xuất gia, lạy Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy. Ít lâu sau, Ngài tới mộ phần của mẫu thân thủ hiếu. Năm đó, nhân ngày vía Ðức Quán Thế Âm, ngày 19 tháng 6, Ngài đối trước chư Phật, Bồ Tát phát mười tám đại nguyện:
Kính lạy mười phương Phật,
Cùng với Tam Tạng Pháp,
Quá khứ, hiện tại Hiền Thánh Tăng,
Nguyện rủ lòng tác chứng:
Ðệ tử Ðộ Luân,
Thích An Từ,
Con nay phát tâm rằng:
Chẳng cầu phước báo hàng Trời, Người,
Cùng Thanh Văn, Duyên Giác,
cho đến hàng Bồ Tát quyền thừa.
Duy nương Tối Thượng Thừa
Mà phát Bồ Ðề tâm.
Nguyện cùng Pháp Giới chúng sinh,
Nhất thời đồng đắc
A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.”
*
Đại Nguyện thứ nhất.
Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Bồ Tát ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
Đại Nguyện thứ hai.
Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Duyên Giác ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
Đại Nguyện thứ ba.
Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Thanh Văn ở mười phương ba đời, trong tận cùng hư không, biến khắp Pháp Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
Đại Nguyện thứ tư.
Nguyện rằng nếu có một vị thuộc hàng Trời, Người ở trong Tam Giới, mà chưa thành Phật thì tôi thề không thủ Chánh Giác.
Đại Nguyện thứ năm.
Nguyện rằng nếu có một Người ở trong mười phương thế giới mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
Đại Nguyện thứ sáu.
Nguyện rằng nếu có một vị Trời, Người, A-tu-la chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
Đại Nguyện thứ bảy.
Nguyện rằng trong thế giới loài Súc Sinh, nếu còn một loài nào chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
*
Đại Nguyện thứ tám.
Nguyện rằng trong thế giới loài Ngạ Quỷ, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
Đại Nguyện thứ chín.
Nguyện rằng trong thế giới loài Ðịa Ngục, nếu còn một kẻ chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
Đại Nguyện thứ mười.
Nguyện rằng trong Tam Giới, nếu những kẻ từng quy y với tôi, hoặc là Trời, Người, A-tu-la, các loài bay, lặn, động vật, thực vật, linh giới, rồng, súc sinh, quỷ, thần, mà chưa thành Phật, tôi thề không thủ Chánh Giác.
Đại Nguyện thứ mười một.
Nguyện rằng tất cả những phước lạc mà tôi đáng được hưởng đều hồi hướng phổ thí cho tất cả chúng sinh trong Pháp Giới.
Đại Nguyện thứ mười hai.
Nguyện rằng một mình tôi nhận chịu hết tất cả khổ nạn của chúng sinh trong Pháp Giới.
*
Đại Nguyện thứ mười ba.
Nguyện rằng tôi sẽ phân linh vô số, phổ nhập tâm chúng sinh nào không tin Phật Pháp, làm cho họ bỏ ác, hướng thiện, hối quá sửa mình, quy y Tam Bảo, rồi cuối cùng thành Phật.
Đại Nguyện thứ mười bốn.
Nguyện rằng tất cả chúng sinh nào, khi thấy mặt tôi, cho đến chỉ nghe tên tôi, đều phát tâm Bồ Ðề, mau đắc thành Phật Ðạo.
Đại Nguyện thứ mười lăm.
Nguyện rằng luôn tôn kính điều Phật dạy, và thực hành mỗi ngày ăn một bữa.
Đại Nguyện thứ mười sáu.
Nguyện giác ngộ loài hữu tình, khắp nhiếp thọ các loài căn cơ.
Đại Nguyện thứ mười bảy.
Nguyện trong đời nầy tôi sẽ đắc Ngũ Nhãn, Lục Thông, và phi hành tự tại.
Đại Nguyện thứ mười tám.
Nguyện tất cả mọi cầu nguyện đều hoạch đắc mãn túc.
Cuối cùng:
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật Ðạo vô thượng thệ nguyện thành.”
( Hòa Thượng Tuyên Hóa là ai – Theo Khai Thị của Hòa Thượng Tuyên Hóa)
Tuệ Tâm 2021.
Để lại một bình luận