Chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni là gọi tắt của “Đại Liên Hoa Phong Kim Cang Bí Mật Như Ý Luân Chú”. Đây là bản chú được trích từ Như Ý Luân Đà La Ni Kinh.
Kinh này do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch vào năm Cảnh Long thứ 3 (709), được xếp vào tập 20 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni được coi là một trong những kinh điển chuyên dùng để tiêu tai cầu phước trong Mật Giáo.
- Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
- Chú Lăng Nghiêm.
- Chú Chuẩn Đề.
- Chú Dược Sư.
- Lục Tự Đại Minh Thần Chú.
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm.
- Cách tụng kinh tại nhà.
*
Chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni
- Nam mô Phật đà gia, Nam mô đạt ma da, Nam mô tăng già da.
- Nam mô Quán Quán Tự Tại Bồ Tát, cụ đại bi tâm giả.
- Đát điệt tha: Án chước yết ra, phạt để, chấn đa mạt ni, ma ha bát đẳng mế, Rô rô, Rô rô, để sắt tra, thước la, a yết rị sa dạ, hồng phấn tra tóa ha.
- Án bát đạp ma, chấn đa mạt ni, thước ra hồng.
- Án bát lặc bà, bát đẳng mế hồng.
So sánh các bản Chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni
Bản chú trên đây là bản được Hòa Thượng Trí Thoát tụng, do tính phổ cập nên lấy làm chuẩn để lợi lạc nhiều người.
1. Theo Nhị Khóa Hiệp Giải thì chú này như sau:
Nam mô Phật đà da, nam mô Ðạt ma da, nam mô Tưng dà da Nam mô quán từ tại bồ tát ma ha tát, cụ đại bi tâm giả. Ðát điệt tha, án, chước yết ra phạt để, chấn đa mạc ni, ma ha bát đắng mế. Rô rô rô rô, để sắc tra thước ra a yết lỵ, sa dạ hồng, phấn tóa ha. Aùn, bát đạt ma, chấn đa mạc ni, thước ra hồng. Aùn, bát lật đà. Bát đẳng mế hồng.
2. Theo Kinh Quán Tự Tại Bồ Tát Như Ý Tâm Đà Ra Ni, bản chú ấy như sau:
Nam Mô Phật Đà Da, Nam Mô Đạt Ma Da, Nam Mô Tăng Già Da, Nam Mô Quán Tự Tại Bồ Tát, Cụ Đại Bi Tâm Giả, Đát Điệt Tha. Án Chước Yết Ra Phạt Để, Chấn Đa Mạt Ni, Ma Ha Bát Đẳng Mế, Rô Rô Rô Rô, Để Sắc Tra Thước Ra A Yết Rị, Sa Dạ Hồng Phấn Tra Tá Ha. Án Bát Đạp Ma Chấn Đa Mạt Ni, Thước Ra Hồng. Án Bát Lặc đà, Bát Đẳng Mế Hồng.
So sánh các bản chú ta thấy phần âm chỉ trại đôi chút, không có ảnh hưởng gì. Vậy nên ai quen ban nào thì cứ chí tâm mà trì tụng, đúng pháp thì tất nhanh được cảm ứng.
*
Theo Tổ Ấn Quang: “Chú này là một trong mười bài tiểu chú trong công phu sáng của Thiền môn. Trong Mật Tông, Như Ý Luân Quán Âm là một trong sáu thân tướng Quán Âm chánh yếu của Thai Tạng Giới. Nghi quỹ Quán Tự Tại Như Ý Luân Bồ Tát Du Già mô tả:
“Tay cầm báu Như Ý, sáu tay, thân sắc vàng ròng, búi tóc trên đầu trang hoàng bằng các thứ báu. Trên mão có đức Tự Tại Vương ngồi, hiện tướng thuyết pháp. Tay thứ nhất hiện vẻ tư duy (tức là tay chống cằm hiện vẻ đang suy nghĩ): Vì nghĩ thương xót chúng sanh. Tay thứ hai cầm báu Như Ý nhằm làm cho chúng sanh được mãn nguyện.
*
Tay thứ ba cầm xâu chuỗi nhằm độ chúng sanh thoát khổ. Tay thứ nhất phía bên trái tựa vào núi Quang Minh nhằm thành tựu sự không lay động. Tay trái thứ hai cầm hoa sen nhằm thanh tịnh những điều phi pháp. Tay trái thứ ba cầm bánh xe, nhằm chuyển pháp vô thượng. Sáu cánh tay xòe khắp thân biểu thị du hóa lục đạo”
Theo Quán Âm Bổn Tích Cảm Ứng Tụng. Vào Đời Đường, Vương Ất lúc nhỏ trì Chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni Như Ý Luân. Đầu thời Khai Nguyên, cùng bè bạn sang Hà Bắc. Ông liếc thấy phu chèo thuyền có vẻ khác lạ, bèn cầm đuốc niệm chú. Nửa đêm, phu chèo thuyền cầm búa chặt đầu hai đứa đầy tớ. Hắn lại chém hai người bạn, rồi tới chỗ Ất. Vương Ất nằm phục xuống đất, đuốc chợt tắt, bị chém ba búa. Đột nhiên, sau lưng có hai người nâng Vương Ất đưa lên bờ. Máu chảy khắp mình, nhưng không đau đớn lắm. Sau đó, thấy từ thuyền lên bờ cao mấy chục trượng mới biết là sức của thần chú.
*
Theo Nhị Khóa Hiệp Giải: “Ðối với nguyên bổn “Như ý tâm Ðà La Ni Kinh” do đức Quán Thế Âm Bồ Tát muốn cho chúng sanh tùy ý cầu chi được nấy. Cho nên Ngài bạch với Phật để cầu chứng, được Phật hứa nhận. Bấy giờ, đối trước Phật, đức bồ tát tự trần rằng: “Người tụng Minh Chú cũng như Ðà La Ni đây, thì thần lực của chú, hóa ra những món quý báu tuôn xuống như mưa. Vì nó tùy theo ý người nguyện muốn thế. Tỷ như cây Như ý nảy sanh ra các ngọc báu như ý, để tùy theo sở cầu của chúng sanh ứng với lòng tưởng niệm chi tất được kết quả nấy”.
Cây như ý: Là để nêu rõ trí bổn giác. Ngọc báu Như Ý: Là để tỏ bày trí thỉ giác: “Ðà La Ni” là pháp cảnh sở tri cũng như bị tụng. Luân: Vành tròn bánh xe, có hai nghĩa: 1/ quây lăn 2/ cán nghiền. Nghĩa là người tụng chú nầy, nhờ pháp bí mật nó quây lăn trong tự tâm. Trừ diệt những điều mê hoặc về ngã kiến, để chứng đặng cái lẽ cảnh và trí vẫn nhứt tâm. Tùy theo như ý muốn cầu chi được nấy, để thuyết pháp lợi sanh, dẫn dạy đến vô cùng.
*
Lại còn lẽ nữa: Trí là thể, nó vẫn trống không; cảnh là thể, cũng vẫn vắng lặng, tức là lẽ “chơn đế” cũng như tâm pháp của xuất thế gian. Mỗi chữ đều từ nơi tâm lưu lộ ra, tỳ như ngọc Như ý nó hóa hiện rải tuôn tất cả quý báu, tức là lẽ “tục đế” cũng như tâm pháp của thế gian. Với hai lẽ là đạo lý của chơn đế (xuất gia), Tục đế (tại gia) đều mất cái phân biệt, mà vẫn cũng đều soi sáng nơi không cái chấp phân biệt.
Với “Phân biệt”, đồng thời vừa lặng vừa soi cũng như chẳng chấp nơi có, chẳng chấp nơi không, trọn lẫn không ngăn ngại; tức là lẽ “trung đế” tâm pháp công bằng, thể tánh tự tại, ba đế tròn mầu. Người trì chú mà tiến đến bực đó, thì tánh báu như ý tức Phật tánh tự nhiên sáng suốt; phước đức trí huệ thần thông pháp bửu chi thảy đều hiển hiện.
*
Bấy giờ, đức bồ tát thuyết thần chú ấy rồi, giữa vũ trụ có sáu môn vang động. Cung điện của các trời Ma Vương thảy đều phực lửa, chúng rất kinh sợ! Những chúng sanh độc ác té ngã! các loài bị phổ đồng được siêu lên cõi trời. Giữa thiên không mưa tuôn xuống những hoa báu, và các vật quý xinh đẹp. Các thiên thần tấu trổi nhạc, dưng đủ món cúng.
Ðức Như Lai tán thán cho bồ tát, và giới thiệu với chúng hội rằng với các điều: Hoặc cầu phước báo hiện tiền. Hoặc phương khấn tai tinh ác ương. Hoặc sám hối ngũ nghịch trọng tội. Hoặc cầu đảo các bịnh nước lửa gió mưa, nạn vua, trộm cướp, oan hồn, ác mộng, giặc giã, thú dữ, và các tai nạn. Chỉ chuyên nhứt tâm thụ trì thần chú trên đây, thì bao tai ương kia đều tiêu diệt hết. Đến lúc mạng chung, người trì chú đây liền được thấy Phật A Di Ðà, Quán Thế Âm và Ðại Thế Chí, đến tiếp dẫn về Tịnh độ.”
Về Kinh Chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni
Theo Tổ Ấn Quang: “Trong Như Ý Luân Đà La Ni Kinh, Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát bạch Phật: “Con có Đại Liên Hoa Phong Kim Cang Bí Mật Như Ý Luân Chú, như châu Ma Ni, khiến cho sở nguyện của chúng sanh đều được trọn đủ”. Kinh này còn có ba bản dịch khác nữa:
- Quán Thế Âm Bồ Tát Bí Mật Tạng Như Ý Luân Đà La Ni Thần Chú Kinh, do ngài Thật Xoa Nan Đà dịch vào đời Đường.
- Quán Thế Âm Bồ Tát Như Ý Ma Ni Đà La Ni Kinh do ngài Bảo Tư Duy dịch vào đời Đường.
- Quán Tự Tại Bồ Tát Như Ý Tâm Đà La Ni Chú Kinh do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào đời Đường.
So ra, bản của ngài Bồ Đề Lưu Chí đầy đủ nhất và lưu loát nhất. Bài căn bản chú trong kinh này được xếp vào trong Thập Chú của công phu sáng trong Thiền môn. Trong Đại Tạng Kinh còn có những bản niệm tụng nghi quỹ dành cho kinh này như: Quán Thế Âm Bồ Tát Như Ý Ma Ni Luân Đà La Ni Niệm Tụng Pháp (do ngài Bảo Tư Duy dịch). Quán Tự Tại Bồ Tát Như Ý Luân Niệm Tụng Nghi Quỹ (do ngài Bất Không dịch). Quán Tự Tại Bồ Tát Như Ý Luân Du Già (do ngài Bất Không dịch). Quán Tự Tại Như Ý Luân Bồ Tát Du Già Yếu Pháp (do ngài Kim Cang Trí dịch) v.v…”
Một bạn đọc gửi cho Tuệ Tâm bản Kinh này, nay đăng lên đây cho bạn đọc cùng thưởng lãm.
Kinh Quán Tự Tại Bồ Tát Như Ý Tâm Đà La Ni
Ta nghe như vầy, một thuở nọ Đức Bạc Già Phạm ở trong núi Già Lặt Tư cùng vô lượng chúng Đại Bồ tát câu hội. Lúc bấy giờ Đại Bồ tát Quán Tự Tại đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu ba vòng quỳ xuống, chắp tay cung kính mà bạch Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, con nay có Đại Đàn Tràng pháp và Đại Đà La Ni Minh Chú tên là: “Thanh Liên Hoa Đảnh, Chiên Đàn Ma Ni Tâm Kim Cang Bí Mật”, luôn luôn gia hộ cho tất cả chúng sanh. Còn được gọi là: “Vô Chướng Ngại Quán Tự Tại Liên Hoa Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni Tâm Chú”. Là tâm chú hi hữu thứ nhất, có thể đối với tất cả việc mong cầu của chúng sanh, tùy theo tâm mong cầu mà giúp cho đều được thành tựu. Đức Thế Tôn vì lòng đại bi nghe con nói. Con sẽ nương theo oai lực của Phật mà ban cho tất cả chúng sanh.
*
Bạch Đức Thế Tôn Đà La Ni nầy có thần lực lớn, có phương tiện lớn, con nay đối trước Phật lần lượt tuyên thuyết. Cúi xin Đức Thế Tôn từ bi xót thương gia hộ cho con và những người trì minh chú, rưới những trân bảo như cây như ý và Như ý Bảo Châu làm cho các chúng sanh những chỗ mong cầu đều được toại nguyện.
Khi ấy, Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ tát Quán Tự Tại rằng: “Đúng thế, đúng thế! Ông vì lòng thương xót chúng hữu tình. Ta sẽ gia hộ ông làm cho lời nguyện cầu của ông đều được đầy đủ. Ông muốn tuyên thuyết Đà La Ni “Vô chướng ngại, Quán Tự Tại Liên Hoa Như Ý Bảo Luân Vương” là tâm chú rất sâu xa ẩn mật. Ông hãy tùy ý mà tuyên thuyết. Lúc đó Bồ tát Quán Tự Tại đã được Phật từ bi hứa khả, liền ở trước Phật dùng tâm đại bi mà nói chú rằng:
Nam Mô Phật Đà Da, Nam Mô Đạt Ma Da, Nam Mô Tăng Già Da, Nam Mô Quán Tự Tại Bồ Tát, Cụ Đại Bi Tâm Giả, Đát Điệt Tha. Án Chước Yết Ra Phạt Để, Chấn Đa Mạt Ni, Ma Ha Bát Đẳng Mế, Rô Rô Rô Rô, Để Sắc Tra Thước Ra A Yết Rị, Sa Dạ Hồng Phấn Tra Tá Ha. Án Bát Đạp Ma Chấn Đa Mạt Ni, Thước Ra Hồng. Án Bát Lặc đà, Bát Đẳng Mế Hồng.
*
Lúc bấy giờ Đại Bồ Tát Quán Tự Tại nói chú Đại Luân Đà La Ni rồi, Đại Địa sáu thứ chấn động các cõi như Thiên cung, Long cung, Dược xoa cung và các cung điện Kiền Thát Ba, A Tu La, Khẩn Na La cùng đều lần lượt mê lầm chỗ y cứ. Tất cả các ác ma làm chướng ngại tự thấy cung điện của họ đều bị lửa cháy nên rất lo sợ.
Chúng sanh có ác tâm, ác long, ác quỷ, Dọa xoa, La sát đều bị nghiêng ngả. Chúng sanh thọ khổ ở trong địa ngục đều được lìa khổ được sanh lên cõi trời. Lúc ấy, trong hội ở trước Đức Thế Tôn, Trời mưa hoa báu và đồ trang nghiêm quý báu. Ở giữa hư không trổi nhạc trời, tiếng nghe vi diệu để cúng dường Đức Phật.
Lúc ấy Đức Thế Tôn dùng lời tốt đẹp khen ngợi Bồ tát Quán Tự Tại mà rằng: Lành thay! Lành thay! Này Quán Tự Tại! Ông đã tuyên thuyết chú Vương Đại Luân Đà La Ni, là một điều ít có khó gặp. Chú nầy có thể làm cho chúng sanh muốn cầu nguyện điều gì đều được đầy đủ viên mãn, được quả báu lớn. Người tụng chú nầy phải trì đúng theo Pháp thức, nay ta sẽ vì tất cả chúng sanh mà tuyên thuyết:
*
“Nếu có người thiện nam và thiện nữ, Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, phát tâm hy vọng mong cầu hiện báo trong đời nầy, cần phải một lòng thọ trì chú nầy. Người muốn thọ trì không luận ngày tháng tốt xấu và riêng tu trai giới, cũng không cần, tắm rửa và may áo mới trước khi thọ trì. Chỉ cần nhiếp tâm miệng tụng không giải đãi, trăm ngàn việc mong muốn đều được thành tựu.
Nhờ vào thế lực của chú vương như ý giúp đỡ, nếu không có chú nầy mong cầu không thể toại nguyện. Cho nên, trước phải trừ tất cả tội chướng, sau đó mới thành tựu được sự nghiệp. Cũng có thể tiêu trừ những người tạo ngũ nghịch đang ở trong địa ngục vô gián. Cũng có thể diệt hết tất cả bệnh khổ, có khả năng phá hoại tất cả tội nặng. Tất cả bệnh từ nặng đến nhẹ, tụng chú nầy liền được thuyên giảm. Hoặc có người bị ếm đối, hoặc bị rắn độc cắn, trì chú nầy cũng được tiêu trừ.
Có người bị bệnh bất trị như ung thư, xang độc lở loét toàn thân; từ trong đến ngoài đều bị bệnh hành hạ đau nhức vô cùng; trì minh chú nầy tất cả đều lần lành lại. Có người bị Dạ xoa, La sát, Tỳ Na dạ ca, ác ma, quỷ thần muốn gia hại; mà người ấy trì chú nầy thì các quỷ thần ác cũng không làm hại được.
*
Người trì minh chú nầy không bị dao gậy, binh đao, cung tên, nước lửa, gió độc, mưa độc, oán tặc cướp giật, hoặc vương pháp gia hại. Người trì minh chú nầy không có ác mộng, không bị loại thủ cung bá túc. Các loại độc thú như hổ, lang, sư tử không thể làm hại. Binh nhung chiến trận cũng được thắng lợi, nếu có tranh tụng cũng được hòa giải. Nếu hành giả trì tụng một biến minh chú nầy thì các việc kể trên đều lánh xa và được vừa ý.
Nếu mỗi ngày tụng 108 biến, chẳng bao lâu sẽ thấy Bồ tát Quán Tự Tại đến bảo rằng: “Nầy thiện nam tử, các ông đừng lo sợ; muốn cầu việc gì tất cả ta đều ban cho ông. Phật A Di Đà cũng hiện thân cho ông được thấy. Ông cũng được thấy Thế giới Cực Lạc, các thứ trang nghiêm như trong kinh đã nói! Đồng thời cũng thấy chúng Bồ tát ở Thế giới Cực Lạc. Cũng thấy mười phương tất cả Chư Phật.
Cũng thấy được núi Bổ Đát La chỗ ở của Bồ tát Quán Tự Tại, liền được tự thân thanh tịnh. Hiện đời được vua chúa, quan viên cung kính, mọi người đều yêu mến. Đời sau được liên hoa hóa sanh, các tướng tốt đầy đủ, chỗ ở thường được an lành. Từ ngày hôm nay cho đến thành Phật, không rơi vào đường dữ, thường sanh trước Phật.
*
Lúc bấy giờ Bồ tát Quán Tự Tại bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Đà La Ni Chiên Đàn Tâm Luân này như con đã nói. Nếu Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di nào có lòng chí thành nhớ niệm, thọ trì chắc được thành tựu. Cần phải tin chắc đừng có lòng nghi.
Lúc ấy Đức Thế Tôn khen ngợi Bồ tát Quán Tự Tại mà rằng: “Lành thay! Lành thay! Ông có lòng từ bi vô lượng nên nói Pháp Vi Diệu Như Ý Tâm Đà La Ni này. Chúng sanh ở Nam Thiên Bộ Châu này phát tâm trì tụng liền được thân nghiệm. Ông y theo lời dạy của ta sách tấn dạy bảo chúng hữu tình chuyên trì Đà La Ni này. Làm cho họ được chứng nghiệm ngay trong đời này, đừng trái lời dạy của Ta, Ta rất hoan hỷ”.
Khi ấy, Bồ tát Quán Tự Tại bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Con từ vô lượng kiếp đến nay, vì lòng từ bi thường cứu giúp những chúng sanh thọ khổ. Cúi mong đức Thế Tôn chứng minh. Nay con vì chúng sanh nên nói Như Ý Luân Đà La Ni này. Nếu có người nào thọ trì Đà La Ni này thường tự tạo nghiệp, chuyên tâm trì tụng chỗ mong cầu đều được thành tựu. Con nay nương theo uy lực của Phật mà cứu khổ cho tất cả chúng sanh”.
Khi Bồ tát Quán Tự Tại nói Kinh Như Ý Luân Đà La Ni rồi, tất cả đại chúng đều hoan hỷ tin nhận vâng làm.
( Chú Như Ý Bảo Luân Vương Đà La Ni)
Tuệ Tâm 2021.
Nguyễn quang viết
Dạ con chào thầy , thầy cho con hỏi , là ngày nào con cũng tụng chú như ý bảo luân vương 10 biến rồi sau đó nói ra điều con mong muốn , mong ước nhưng sao con vẫn chưa thấy điều con mong ước được thành sự thật ạ .
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Thần chú nào cũng đều phải dựa trên nền tảng tiêu nghiệp mới tăng được phước. Mà muốn tiêu được nghiệp ắt phải dụng cái tâm thanh tịnh, giữ giới, làm lành lánh ác…ngoài ra không có cách chi khác. Như ý bảo luân vương thần chú tuy không yêu cầu người tụng phải trai giới, nhưng muốn nhanh được cảm ứng cũng phải dùng thân tâm thanh tịnh mà cầu. Nay bọn ta sanh vào thời mạt, ai nấy nghiệp chướng lẫy lừng, như kinh Phật dạy: “Nghiệp của chúng sanh vô lượng vô biên, nếu có hình tướng thì ngay cả hư không cũng không thể chứa đựng nổi.” Nay ta muốn tiêu trừ được nghiệp cũng phải mất một thời gian dài lâu, đâu thể một vài ngàn biến chú mà xong cho được?
Bạn muốn mong cầu sớm được thành tựu thì phải ăn chay giữ giới, làm lành lánh ác, giữ gìn thân khẩu ý rồi hằng ngày chí tâm trì tụng chừng 108 biến. Chớ tụng khơi khơi chừng 10 biến thì e rằng lâu được cảm ứng lắm!
Nhàn viết
Thầy ơi cho con hỏi là con có xem câu chuyện vương ất tụng chú được thần chú cứu nhưng con không hiểu là trong kinh có ghi là Người trì minh chú nầy không bị dao gậy, binh đao, cung tên, nước lửa, gió độc, mưa độc, oán tặc cướp giật, hoặc vương pháp gia hại. Nếu hành giả trì tụng một biến minh chú nầy thì các việc kể trên đều lánh xa và được vừa ý nhưng tại sao vương ất bị chém ba búa vậy thầy và có đoạn là hành giả trì tụng 1 biến chú thì các việc kể trên đều xa lánh nhưng sao vương ất gặp ông cầm búa ạ thầy mong thầy giải đáp ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Sở dĩ Tuệ Tâm trích dẫn câu chuyện Vương Ất vào đây là muốn nêu bật sức phá nghiệp chướng của Chú Như Ý Bảo Luân Vương. Trong chuyện này, Vương Ất theo định nghiệp đáng nhẽ vào ngày ấy sẽ bị mất mạng, nhưng nhờ thần lực của Chú nên tuy bị ba búa mà không thấy đau đớn, lại giữ được mạng sống. Bạn cần biết rằng Định nghiệp cực khó giải trừ, khó đến mức nó được liệt vào một trong “tam năng tam bất năng”, nghĩa là một trong ba việc ngay cả đức Phật cũng không thể nào làm được!
Nhàn viết
Dạ con cảm ơn thầy do con ngu si không có trí tuệ nay con được thầy khai thị con cảm ơn thầy nam mô a mi đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.