“Kinh Đại Tập Hội Chánh Pháp đã từng là một trong những bộ kinh phổ biến nhất. Vào những năm 1930, các nhà khảo cổ đào ở phía Bắc Pakistan thuộc địa của Anh quốc, tìm được cả một kho kinh điển Phật giáo của thế kỷ thứ 5 sau công nguyên, xưa hơn những gì kiếm ra trong các cuộc khảo cổ trước đây rất nhiều.
Trong số những bộ kinh tìm thấy, Kinh Đại Tập được ghi chép nhiều nhất, hơn cả Pháp Hoa hay Kim Cương hay những bộ kinh thuộc hệ Bát Nhã hiện nay đang phổ biến. Kinh Đại Tập vào thời phôi thai của Phật giáo Ðại thừa đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, còn nguyên bản tiếng Phạn thì thất lạc. Phải đợi đến đợt khám phá cổ học vào thập niên 1930, nguyên văn Phạn tự mới được tìm thấy.
*
Kinh Đại Tập Hội Chánh Pháp này khó tin khó hiểu, do nhiều Đức Phật thuyết, ở nhiều thế giới khác nhau. Đức Phật dạy: “Nếu có chúng sinh nào được nghe kinh Đại Tập Hội Chánh Pháp này sẽ được sống lâu tám vạn bốn ngàn kiếp. Nếu ai được nghe Chánh Pháp này, khởi dậy lòng tin thanh tịnh, cung kính tôn trọng, thì người ấy chín mươi lăm kiếp được Túc mạng trí, sáu vạn kiếp làm Chuyển luân vương, lúc mạng chung thời có chín mươi lăm ức Đức Phật hiện ra trước mắt, an ủi người đó, thọ ký cho, mỗi lần sanh đều được sanh vào cõi Phật”
Bộ kinh này có khả năng tác động mạnh mẽ lên tâm thức. Người đọc tụng có thể thấy được rất rõ tấm lòng từ bi vô hạn của Phật đối với chúng sinh. Phật nói kinh này để giúp chúng sinh mau chóng thành tựu viên mãn Vô Thượng Bồ Ðề. Ðồng thời, nhiều đoạn dài trong kinh là lời Phật nói, nên khi đọc cũng là mang giọng nói của mình làm sống lại tiếng lời của Phật trong thế giới hôm nay. Ðọc Kinh Đại Tập, không những chúng ta gặt hái được cho mình một kho tàng công đức đồ sộ, mà còn trực tiếp và tinh tấn góp phần bảo vệ chánh pháp.”
*
Có nhiều bản dịch kinh này bằng tiếng Việt, nhưng theo chỗ thấy biết hạn hẹp của Tuệ Tâm: Bản Kinh Đại Tập được một bạn đọc vô danh gửi cho dưới đây là bản chuẩn chỉnh nhất. Bản này văn phong, câu cú, rất gọn gàng, dễ đọc. Người dịch lại không ngại vất vả, cẩn thận đối chiếu với các bản dịch khác để sát với nghĩa của kinh văn. Nguyện người học Phật chân chánh trên thế gian, xin hãy đọc dù chỉ một lần, lợi lạc vô cùng!”
- Kinh Pháp Hoa.
- Kinh Lăng Nghiêm.
- Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
- Kinh Quán Vô Lượng Thọ
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Kinh Địa Tạng.
*
PHẬT THUYẾT KINH ÐẠI TẬP HỘI CHÁNH PHÁP
Hán Dịch: Pháp Ðại Sư Thí Hộ.
Việt Dịch: Nguyên Hiển
*
Kinh Đại Tập Hội Chánh Pháp: Quyển Một
Tôi nghe như vầy: Một thuở nọ đức Phật ở tại thành Vương Xá trong núi Thứu Phong cùng một vạn hai ngàn Đại Tỳ kheo, Tôn giả A Nhã Kiều Trần Như, Tôn giả Ma Ha Mục Kiền Liên, Tôn giả Xá Lợi Tử, Tôn giả Ma Ha Ca Diếp, Tôn giả Tư Thắng, Tôn giả La Hầu La, Tôn giả Thiện Dung, Tôn giả Hiền Hộ, Tôn giả Hiền Cát Tường, Tôn giả Nguyệt Cát Tường, Tôn giả Đại Thế Chí, Tôn giả Mãn Từ Tử, Tôn giả Thiện Cát, Tôn giả Lý Phược Đế, Tôn giả Chiên Đàn Quân, đều là các bậc Đại A-la-hán.
Bấy giờ có các Đại Bồ Tát là: Đại Bồ Tát Từ Thị, Đại Bồ Tát Phổ Dũng, Đại Bồ Tát Đồng Tử Kiết Tường, Đại Bồ Tát Đồng Tử Trụ, Đại Bồ Tát Đồng Tử Hiền, Đại Bồ Tát Vô Sở Giảm, Đại Bồ Tát Diệu Cát Tường, Đại Bồ Tát Phổ Hiền, Đại Bồ Tát Thiện Hiện, Đại Bồ Tát Kim Cương Quân, Đại Bồ Tát Dược Vương Quân. Như vậy có đến sáu vạn hai ngàn chúng Đại Bồ Tát.
Lại có Thiên tử Tối Thắng Thọ Vương, Thiên tử Hiền, Thiên tử Thiện Hiền, Thiên tử Pháp Ấn, Thiên tử Chiên đàn tạng, Thiên tử Hương trụ, Thiên tử Chiên đàn hương. Như vậy cả thảy có một vạn hai ngàn chúng Thiên tử.
Lại có Thiên nữ Diệu thân, Thiên nữ Cực tín, Thiên nữ Tự tại chủ, Thiên nữ Cát tường mục, Thiên nữ Thế cát tường, Thiên nữ Đại thế chủ, Thiên nữ Đại lực, Thiên nữ Diệu tý. Tất cả là tám ngàn chúng Thiên nữ.
*
Lại có Long vương Ưu-bát- la, Long vương Y-la-đát-ra, Long vương Tì-min-ghi- lá, Long vương Thắng khí, Long vương Tối thượng khí, Long vương Diệu hỷ, Long vương Diệu chi, Long vương Tượng đầu. Như vậy cả thảy có tám ngàn Long vương đến câu hội. Khi đến chỗ đức Phật, tất cả đều cúi đầu đảnh lễ dưới chân đức Thế Tôn nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi lui về ngồi một bên. Bấy giờ, đức Thế Tôn vẫn giữ yên lặng.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ Tát Phổ Dũng trong chúng hội liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trạch áo vai phải, quỳ gối bên phải xuống đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:
– Bạch Thế Tôn! Vô số Bồ Tát, Thanh văn, chư Thiên và loài người, đều đã về tụ hội, muốn được nghe Phật tuyên thuyết Diệu Pháp.
Đại chúng đây thảy đều chú tâm ngắm nhìn sắc tướng thù thắng của đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, họ muốn thâm nhập Phật Pháp vì ưa thích Pháp, nên họ quán sát sắc tướng Phật. Những người đã tu tập lâu thì xa lìa được chướng ngại nhiễm ô. Những người mới tu tập liền phát tâm vô thượng tu thiện pháp, chẳng khởi dậy các tưởng bất thiện nữa.
Nghe xong đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Dũng:
*
– Ta có chánh pháp tên là Đại Tập Hội, lưu bố rộng rãi ở cõi Diêm-phù-đề, nếu có chúng sanh nào được nghe chốc lát pháp này, dù họ có bị trọng tội ngũ nghịch cũng đều được tiêu tan hết, không còn thối chuyển trước Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này Phổ Dũng, ý ông nghĩ sao? Ông bảo người được nghe kinh này được phước đức bằng phước đức của một đức Phật chăng?
Phổ Dũng Bồ Tát bạch Phật rằng: – Đúng vậy, bạch Thế Tôn!
Đức Phật bảo: – Này Phổ Dũng! Ông tuyệt không nên nghĩ như vậy, nghĩ như vậy là không đúng với sự thật.
Bồ Tát Phổ Dũng bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn, phải nghĩ thế nào biết được phước đức chân thật của người ấy?
Đức Phật dạy: – Này Phổ Dũng! Phước đức mà người nghe kinh ấy đạt được cùng với phước đức của hằng hà sa số đức Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác không có sai khác. Lại nữa, Phổ Dũng! Những ai đã nghe kinh này, tất cả đều ở địa vị bất thối chuyển, được tất cả các đức Như Lai thường quán sát. Tất cả Như Lai thường hiện trước mặt, hàng phục được ma quân, viên mãn thiện nghiệp. Người ấy biết rõ ràng lý sanh diệt, tất cả đều được thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
*
Lúc bấy giờ, tất cả các Bồ Tát có mặt trong pháp hội cùng đứng dậy đồng bạch Phật rằng: – Bạch đức Thế Tôn, phước đức của một đức Phật số lượng bao nhiêu?
Đức Phật dạy: – Này các Thiện Nam Tử! Hãy lắng nghe cho kỹ. Số lượng công đức của một đức Phật có được ví như có người đem hết nước biển của địa cầu, lấy một giọt nước làm một hằng hà sa. Mỗi số cát trong sông Hằng ấy, đều là Bồ Tát trụ Thập địa, vậy số lượng công đức ấy có nhiều chăng?
Các Bồ Tát bạch Phật rằng: – Rất nhiều, bạch Thế Tôn!
Đức Phật dạy: – Này các Thiện Nam Tử! Công đức của một đấng Phật đà còn nhiều hơn thế, nhưng người nghe kinh này thì phước đức lại gấp đôi số ấy. Lại nữa, các Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sanh ở đời mạt thế, nghe chánh pháp này mà sanh tâm tín giải, thì phước đức đạt được càng tăng hơn số trên, vô lượng vô biên không thể tính toán.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Phổ Dũng từ tòa ngồi đứng dậy bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Nếu các chúng sanh ưa thích cầu Pháp, phải cầu như thế nào?
Đức Phật dạy: – Này Phổ Dũng! Người cầu Pháp phải có hai điều: Một là đối với tất cả chúng sanh khởi tâm bình đẳng; hai là đúng như kinh được nghe, nói lại cho chúng sanh.
*
Bồ Tát Phổ Dũng bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Như Pháp được nghe, nói cho chúng sanh như thế nào?
Đức Phật dạy: – Này Phổ Dũng! Lại có hai điều: Một đem pháp được nghe hồi hướng Bồ- đề; hai đối với pháp Đại thừa được nghe, ưa thích mong cầu, luôn luôn giữ tâm không giải đãi. Nếu có thể vì chúng sanh mà thuyết như vậy, thì được gọi là người cầu pháp chân chánh.
Bấy giờ các chúng Thiên tử và Thiên nữ trong hội đều từ tòa ngồi đứng dậy, chấp tay hướng về đức Phật bạch rằng: – Bạch Thế Tôn! chúng con hết lòng mong cầu chánh pháp. Như lòng đại từ đại bi của đức Thế Tôn hay làm cho tất cả chúng sanh được mãn nguyện, cúi mong đức Thế Tôn phân biệt rộng nói cho chúng con.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn liền ở trong pháp hội phóng luồng hào quang lớn, hy hữu tịnh diệu chiếu soi khắp đại chúng.
Khi ấy Bồ Tát Phổ Dũng bạch Phật rằng: – Bạch đức Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà đức Thế Tôn phóng luồng quang minh này?
Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Dũng: – Ông nay nên biết. Hiện tại trong hội này có người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với đức Phật Thế Tôn sanh tư tưởng cho là khó gặp, nên tôn trọng, cung kính khuyên thỉnh Ngài thuyết Pháp. Vì nhân duyên đó nên Ta phóng quang minh này.
*
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Nếu có các chúng sanh phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, làm sao tu tập để được thành tựu?
Đức Phật dạy: – Lành thay! Lành thay! Ông thật dũng mãnh, nên ở trong đại chúng có thể dùng nghĩa này để hỏi đức Phật Thế Tôn, làm lợi ích cho tất cả, khiến họ mau thành Phật đạo. Nay ông cũng có thể dùng thiện căn này để thành tựu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Như điều ông hỏi Ta sẽ giải thích. Ông hãy lắng nghe cho kỹ. Ta nhớ thuở xưa, cách đây vô số kiếp, có Phật xuất thế hiệu là Bảo Cát Tường Như Lai, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, Minh hạnh túc, Thiện thệ Thế gian giải, Vô-thượng-sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.
Thuở ấy, Ta là thanh niên Bà-la-môn, còn chúng sanh ngày nay được Như Lai dẫn dắt vào Phật trí, khi ấy hãy còn là những con thú hoang. Bỗng một thuở nọ thấy một con hươu chúa chịu thống khổ. Lúc đó, Ta thầm nghĩ: Làm sao Ta có thể thay thế con hươu chúa này gánh hết khổ cho nó?
*
Ta lại tự suy nghĩ: Tất cả chúng sanh luân hồi trong ba cõi, chưa thoát ly khổ não đều như vậy cả. Lúc đó Ta liền phát nguyện: Nguyện trong đời vị lai nếu Ta được thành Phật, tất cả chúng sanh lìa xa các khổ não, sanh vào nước Ta, được an trú nơi Phật trí. Này Phổ Dũng! Ta nhờ sức đại nguyện thiện căn như vậy nên đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ-đề.
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Phổ Dũng nghe như vậy xong, lại bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Thời đại của đức Phật đó, thọ lượng của chúng sanh được bao nhiêu?
Đức Phật dạy: – Chúng sanh thọ lượng đầy đủ tám mươi kiếp.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật: – Bạch đức Thế Tôn, một kiếp dài bao lâu?
Đức Phật bảo Phổ Dũng: – Ví như có người xây một thành lớn, rộng mười hai do tuần, cao ba do tuần, bên trong thành đó chứa toàn hạt mè. Bỗng có một người cứ một trăm năm đến đó một lần lấy một một hạt mè ném ra ngoài thành, như vậy một lần đến một lần ném cho đến lúc hạt mè không còn mà thành cũng hư hoại, ấy kiếp số lượng cũng chưa hết.
*
Lại nữa, ví như có một núi thật lớn, rộng hai mươi năm do tuần, cao mười hai do tuần. Có vị Trời Trường Thọ, cứ trăm năm đến đó ngồi một lần, dùng vải lụa mỏng lau núi đá một lần, như vậy một lần đến một lần lau, cho đến núi đá mòn hết, ấy kiếp số lượng cũng lại chưa hết. Này Phổ Dũng! Như vậy gọi là số lượng của một kiếp.
Bấy giờ, Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Nếu có người đem một căn lành hồi hướng Bồ-đề được phước lớn, thọ đến tám mươi kiếp, huống gì có người ở trong pháp thâm diệu của Phật tu tập rộng rãi, thì được phước đức không thể tính lường.
Đức Phật dạy: – Này Phổ Dũng! Nếu có chúng sanh được nghe Chánh Pháp Đại Tập Hội này, sẽ được sống lâu tám vạn bốn ngàn kiếp. Huống gì đối với chánh pháp này biên chép đọc tụng thì phước đức họ đạt được gấp đôi lần trước, không thể so sánh. Lại nữa, này Phổ Dũng! Nếu ai được nghe chánh pháp này, khởi dậy lòng tin thanh tịnh, cung kính tôn trọng, thì người ấy chín mươi lăm kiếp được túc mạng trí, sáu vạn kiếp làm Chuyển Luân Vương, được tất cả mọi người tôn trọng kính mến, không bị đao gậy thuốc độc làm hại, lúc mạng chung thời có chín mươi lăm ức đức Phật hiện ra trước mặt, an ủi người đó.
*
Các Ngài dạy rằng: Chớ có sợ hãi, nhờ ông trước đã nghe kinh Chánh Pháp Đại Tập Hội, nên có phước đức rất lớn. Lúc ấy, chín mươi lăm ức Phật đều thọ ký cho vị ấy, mỗi lần sanh đều được sanh vào cõi Phật. Huống chi vị ấy lại đem chánh pháp này lưu bố rộng rãi khắp các cõi hữu tình, tất cả đều được nghe.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Nay con đối với Chánh Pháp Đại Tập Hội này, rất thích được nghe và thọ trì, tâm không nhàm chán.
Đức Phật dạy: – Lành thay! Lành thay! Đâu phải chỉ có ông ưa thích Pháp này không chán. Chính Ta đối với Pháp này, thích tuyên thuyết rộng rãi cũng không nhàm chán. Huống chi kẻ phàm phu, đối với chánh pháp này mà sanh tâm nhàm chán!
Lại nữa, này Phổ Dũng! Nếu có thiện nam hay thiện nữ nào, đối với chánh pháp thâm sâu này hết lòng tin tưởng và ưa thích thì người đó ở ngàn kiếp không hoại chánh tín, năm ngàn kiếp chẳng đọa ác thú, vạn hai ngàn kiếp xa lìa ngu si, tám ngàn kiếp không sanh biên địa, hai vạn kiếp dũng mãnh bố thí, hai vạn năm ngàn kiếp thường sanh cõi trời, hai vạn năm ngàn kiếp thường hành phạm hạnh, bốn vạn kiếp xa lìa u mê trói buộc của quyến thuộc, chẳng bị phiền não tăm tối ngăn che, năm vạn kiếp thọ trì chánh pháp, sáu vạn năm ngàn kiếp an trú chánh niệm.
*
Này Phổ Dũng! Thiện nam thiện nữ ấy chẳng khởi tâm làm ác, tất cả ma oán chẳng thể xâm hại, bất cứ ở đâu cũng chẳng sanh từ bào thai. Nếu lại có người ở trong chánh pháp này mà lắng nghe thọ trì đọc tụng, thì người ấy tám vạn kiếp được nghe chánh pháp thọ trì đầy đủ, một ngàn kiếp lìa xa nghiệp sát sanh, chín vạn chín ngàn kiếp lìa xa nghiệp nói dối, một vạn ba ngàn kiếp lìa xa nghiệp nói hai lưỡi. Này Phổ Dũng! Nên biết rằng do những việc như vậy, nên Đại Chánh Pháp này khó có thể được gặp, đến tên gọi cũng khó được nghe.
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Phổ Dũng càng thêm cung kính quỳ gối mặt sát đất, lạy dưới chân đức Thế Tôn bạch rằng: – Bạch Thế Tôn! Nếu có người khinh chê hủy báng chánh pháp này, thì người ấy mắc tội như thế nào?
Đức Phật dạy: – Rất nhiều.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật rằng: – Số lượng tội báo mà người ấy phải lãnh chịu là bao nhiêu?
Đức Phật dạy: – Này Phổ Dũng! Nếu ai đối với mười hai hằng hà sa số Phật mà sanh tâm đại ác, thì tội báo ấy vẫn còn nhẹ. Nhưng nếu ai đối với chánh pháp này mà khởi tâm khinh chê hủy báng thì bị tội báo nhiều hơn. Vì sao vậy? Này Phổ Dũng! Nếu ai đối với chánh pháp này khởi tâm khinh chê hủy báng, thì liền sanh tâm phá hoại Đại thừa, tự mình thiêu đốt vì lửa phiền não.
*
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật rằng: – Tất cả chúng sanh nghiệp chướng tập quán ràng buộc, luân chuyển sanh tử chẳng thể giải thoát.
Đức Phật bảo Phổ Dũng: – Đúng vậy, đúng vậy! Ví như có người tự chặt đứt đầu, nếu lấy các loại mật, đường bơ mạch nha, hay dược phẩm làm thuốc thoa dán lên chỗ đầu bị chặt của người đó. Này Phổ Dũng! Ý ông nghĩ thế nào, ông bảo người ấy sẽ sống lại chăng?
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật rằng: – Không, Bạch Thế Tôn! Người ấy tuy được thoa thuốc hay nhưng không thể sống lại.
– Này Phổ Dũng! Sự luân chuyển sanh tử cũng lại như vậy. Lại nữa, này Phổ Dũng! Ví dụ như một thuở nọ có hai người đàn ông, đều cầm dao bén muốn giết hại lẫn nhau, họ ra sức đánh nhau nhưng chẳng hại nhau được, rồi cả hai đều bị thương nặng đau đớn tột cùng. Bỗng có người dùng thuốc tốt, trị lành vết thương, hai người đàn ông ấy được lành, nhớ đến sự đau đớn lúc trước, nên nói với nhau rằng: Từ nay về sau, chúng ta đừng bao giờ khởi tâm giết hại nhau nữa.
Đức Phật dạy: – Này Phổ Dũng! Người có trí cũng lại như vậy, dầu có tạo nghiệp liền biết hối hận, nên đối với chánh pháp, không sanh tâm chống báng, như vậy dần dần có thể hướng đến con đường thoát ly sanh tử.
*
Lại nữa, này Phổ Dũng! Như người thế gian khi đã chết rồi, tuy có cha mẹ buồn rầu than khóc, nhưng không thể làm nơi nương tựa. Kẻ phàm phu chẳng thể tự lợi, cũng chẳng thể lợi người, chẳng tạo nghiệp lành cũng lại như vậy. Đến lúc lâm chung, chẳng có gì để nương tựa. Tóm lại có hai loại người: Một tự tạo các nghiệp ác, lại khuyên người khác tạo nghiệp ác; hai đối với chánh pháp của Phật sanh tâm khinh chê, hủy báng.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Nếu có người đối với chánh pháp của Phật sanh tâm khinh chê hủy báng, thì người ấy khi mạng chung sẽ đọa vào đâu?
Đức Phật dạy: – Này Phổ Dũng! Người hủy báng chánh pháp ấy sau khi mạng chung, sẽ rơi xuống Địa ngục, chịu sự khổ não lớn. Đó là Địa ngục Đại Khả Bố, Địa ngục Chúng Hợp, Địa ngục Cháy Nóng, Địa ngục Nóng Cháy Cùng Cực, Địa ngục Xích Đen, Địa ngục Vô Gián, Địa ngục Than Khóc, Địa ngục Than Khóc Không Ngừng, trong tám Địa ngục lớn như vậy, cứ trong mỗi Địa ngục phải chịu khổ một kiếp.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Rất khổ! Nay con đối với sự khổ ấy không nỡ lòng nghe.
Lúc bấy giờ đức Thế Tôn liền vì Bồ Tát Phổ Dũng nói bài kệ tụng:
*
Ta nói về Địa ngục
Ông sợ chẳng nỡ nghe
Sự khổ não Địa ngục
Chúng sanh tự tạo nghiệp
Nếu làm các thiện nghiệp
Sẽ được quả an lạc
Còn tạo nghiệp bất thiện
Phải chịu báo khổ não
Sống khổ, chết cũng khổ
Lo khổ luôn trói buộc
Chẳng tạo các nhân vui
Kẻ ngu thường khổ não
Người trí được an lạc
Tin ưa pháp Đại thừa
Nhớ Phật, trí tối thượng
Mãi không đọa ác đạo
Phổ Dũng ông phải biết
Do đời trước nghiệp cảm
Gieo chút ít nhân lành
Đạt được quả to lớn
Như đời gieo lúa mạ
Trăm hạt còn không mất
Nhân lành sanh cõi Phật
Được quả cũng như vậy
Người trí tu thiện pháp
Xa lìa các nhân khổ
Tạo thành gốc công đức
Được an lạc tối thượng
Nếu bố thí bình đẳng
Một chút ít thiện pháp
Thì trong tám vạn kiếp
Được giàu có to lớn
Bất cứ sanh nơi nào
Thường niệm hành bố thí
Nhờ cúng dường Tam Bảo
Quả báo tăng vô tận.
*
Lúc bấy giờ, Bồ Tát Phổ Dũng nghe đức Phật nói bài kệ xong, liền bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Làm sao đối với kinh Chánh Pháp Đại Tập Hội này, có thể biết rõ lắng nghe và thọ trì?
Đức Phật bảo: – Này Phổ Dũng! Nếu ai đối với mười hai hằng hà sa số đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác mà có đầy đủ thiện căn, thì liền được nghe kinh Chánh Pháp Đại Tập Hội này.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Làm sao để có thể đầy đủ được thiện căn như vậy?
Đức Phật bảo Phổ Dũng: – Nếu ai đối với tất cả các đức Như Lai, mà có tri kiến bình đẳng thì liền có đầy đủ thiện căn.
Bồ Tát Phổ Dũng lại bạch: – Làm sao có thể đối với tất cả Như Lai mà có được tri kiến bình đẳng?
Đức Phật dạy: Nếu ai đối với pháp sư mà tôn trọng cung kính, thì người đó có thể đối với tất cả Như Lai có tri kiến bình đẳng.
Bồ Tát Phổ Dũng lại thưa: – Như thế nào là pháp sư được tôn trọng cung kính?
Đức Phật dạy: – Nếu ai phát tâm hướng đến đạo xuất thế thì người ấy chính là pháp sư đáng được tôn trọng cung kính. Này Phổ Dũng! Những việc như thế có thể làm cho thiện căn đầy đủ.
*
Đức Phật bảo Phổ Dũng: – Kinh Chánh Pháp Đại Tập Hội này có công đức lớn lợi ích cho tất cả. Nếu ai có thể lắng nghe, thọ trì biên chép đọc tụng thì người ấy được Đại phước đức không thể tính lường. Này Phổ Dũng! Điều ấy chính là khắp bốn phương, mỗi phương đều có mười hai hằng hà sa số đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác, đều trụ trong mười hai kiếp nói kinh Chánh Pháp Đại Tập Hội này. Nên công đức của sự lắng nghe và thọ trì không thể cùng tận.
Lại nữa, trong bốn phương đều có hằng hà sa số đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác như trên đều trụ số kiếp như trên, nói về công đức của sự biên chép cũng không thể cùng tận. Lại nữa, trong bốn phương đều có hằng hà sa số đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác như trên, đều trụ số kiếp như trên, nói về công đức của sự đọc tụng, cũng lại không cùng tận.
Bồ Tát Phổ Dũng bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Cúi mong đức Thế Tôn lược nói về số lượng phước đức của sự đọc tụng như thế nào?
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói bài kệ tụng:
Nếu có người đọc tụng
Một bài kệ bốn câu
Phước đức họ đạt được
Cùng với tám mươi bốn
Hằng hà sa số Phật
Như nhau không có khác
Huống gì lại nhất tâm
An trú nơi chánh pháp
Phước họ được vô tận
Chư Phật hiện ở đời
Tuyên thuyết pháp vô biên
Nhưng rất khó được gặp.
*
Lúc bấy giờ có mười tám ức chúng Ni-kiền-đà đi đến chỗ Phật, đều vào trong pháp hội, ngồi xuống một bên và nói như vầy: – Này Cồ Đàm! Chúng tôi hơn ông!
Như vậy ba lần họ đều nói rằng: Chúng tôi hơn ông!
Khi ấy, đức Phật bảo chúng Ni-kiền-đà: – Chỉ có đức Phật Như Lai mới được gọi là bậc chiến thắng chân thật, ngoài ra khắp mọi nơi không ai có thể hơn Ngài.
Ni-kiền- đà nói: – Chỉ có một mình Cồ Đàm làm sao hơn được?
Đức Phật đáp: – Ni-kiền-đà các ngươi nghĩ rằng mình hơn, đó là cái thấy điên đảo, chẳng phải là cái thấy chân thật. Các ngươi lấy gì để nói mình hơn?
Bấy giờ, chúng Ni-kiền-đà im lặng lấm lét nhìn nhau.
Đức Phật bảo: – Các ngươi nên biết, chỉ có đức Phật Thế Tôn đối với tất cả chúng sanh đã vào trí tuệ Phật hay chưa vào trí tuệ Phật, lợi căn hay độn căn, Ngài đều độ thoát, bình đẳng lợi ích, không có sai khác. Cho nên mới nói không ai hơn Ngài. Các ngươi hãy khéo suy nghĩ. Các khổ bức bách chính thân tâm mình, còn không thể biết được, làm sao mà tự cho là thắng? Nay Ta chỉ cho các ngươi chánh pháp quảng đại vi diệu của chư Phật.
Các chúng Ni-kiền-đà nghe đức Phật nói như vậy, bừng bừng nổi giận sanh tâm bất tín.
*
Bấy giờ, Thiên Chủ Đế Thích đang ở tại Thiện Pháp Đường, dùng thiên nhãn xem thấy, liền cầm chày kim cương bước vào trong hội, muốn đập nát họ. Tất cả đều kinh hãi, sanh tâm sầu não, kêu khóc thật lâu.
Tức thời, đức Thế Tôn ở trong đại chúng ẩn thân không hiện. Các chúng Ni-kiền-đà khi ấy đối với đức Phật Thế Tôn mới sanh tâm kính ngưỡng, bỗng chẳng thấy đức Phật, họ càng thêm sầu khổ, liền nói bài kệ tụng:
Ví như ở một mình
Trong đồng hoang u tịch
Không cha cũng không mẹ
Hãi hùng không ai cứu
Như sông rạch khô nước
Cá làm sao bơi lội
Cây cối đã chặt gẫy
Chim bay không chỗ đậu
Chúng con nay hãi sợ
Đau khổ cũng như vậy
Không thấy Phật Thế Tôn
Ai cứu hộ chúng tôi!
Bấy giờ, các chúng Ni-kiền-đà nói bài kệ xong, muốn từ tòa đứng dậy. Khi hai đầu gối họ vừa quỳ xuống đất, ngay chỗ ấy phát ra tiếng lớn, chấn động tất cả đại chúng nhân thiên. Khi ấy, các Ni -kiền-đà đều nghĩ rằng: Đức Như Lai, bậc lưỡng túc tôn tối thắng, xin Ngài từ bi cứu độ chúng con!
*
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn tức thời hiện thân, ngồi lại chỗ cũ, bảo Bồ Tát Phổ Dũng: – Ông có thể thuyết pháp hóa độ các chúng Ni-kiền-đà này.
Bồ Tát Phổ Dũng bạch Phật rằng: – Không thể được, bạch Thế Tôn! Thí như núi chúa Tu Di, thù diệu vòi vọi, có hòn núi nhỏ một bên, làm sao có thể nói rằng hai núi bằng nhau. Nay đức Phật Thế Tôn ở trong đại chúng, bảo con thuyết pháp cũng như vậy.
Đức Phật bảo: – Thôi đi! Thôi đi! Này Thiện Nam Tử! Đức Như Lai phương tiện khéo léo ở mười phương thế giới, tùy theo người thuyết pháp, đều là do nguyện lực từ bi của các đức Như Lai tạo ra. Nếu các chúng Ni-kiền- đà này ưa thích Ta thuyết pháp, Ta sẽ vì họ nói pháp yếu tối thượng. Này Phổ Dũng! Nay ông có thể du hành mười phương thế giới thân cận chư Phật để tuyên dương giáo hóa.
Bồ Tát Phổ Dũng bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Sức thần thông của con rất yếu kém. Nếu không nhờ lòng đại từ bi của Phật, riêng thần lực của con không làm được gì cả.
Đức Phật bảo Phổ Dũng: – Ông hãy dùng sức thần thông của mình và thần lực của Phật, mới có thể du hành mười phương.
Bồ Tát Phổ Dũng vâng theo thánh chỉ của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy nhiễu quanh đức Phật ba vòng, bỗng ở trong hội ẩn thân không hiện.
*
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Ni-kiền-đà: – Các ngươi nên biết, sanh là khổ lớn, vì sanh khổ, tạo ra các sự sợ hãi, vì sanh mà có lo sợ về bệnh, vì có lo sợ về bệnh nên có lo sợ về già, có lo sợ về già nên có lo sợ về chết. Sanh vì sao mà sợ? Vì nó bị các khổ bức bách do sanh làm nhân mà có các lo sợ. Nếu không sanh thì làm gì có lo sợ!
Do đó mà có lo sợ về nạn vua quan, về nạn cướp bóc, lo sợ nạn ác độc, lo sợ nạn hỏa tai, lo sợ nạn lụt, lo sợ nạn bão, cho đến lo sợ nạn mưa đá, cùng lo sợ về các nghiệp bất thiện đã tạo. Những lo sợ như vậy đều do sanh mà có. Nếu hiểu biết pháp sanh, liền xa lìa các lo sợ.
*
Bấy giờ, đức Thế Tôn vì các chúng Ni-kiền-đà lược nói pháp lo sợ nầy xong, khi ấy các chúng Ni-kiền-đà hoát nhiên khai ngộ, hối hận tự trách, đồng bạch Phật rằng: – Bạch Thế Tôn! Chúng con ngu si khởi dậy cái thấy bất chánh, quay lưng với con đường chân thật, chống lại chánh pháp của Phật, tạo lỗi sâu nặng, nguyện đức Phật từ bi thu nhiếp chúng con!
Khi họ thưa như vậy lời xong, có tám mươi ức chúng Ni -kiền-đà đồng phát tâm vô thượng Bồ-đề. Ngay lúc đó mười tám ức chúng Đại Bồ Tát đều được viên mãn thập địa, đều dùng sức thần thông hiện ra các thứ thần biến, và hiện vô số thân Phật, thân Bồ Tát, thân Duyên giác, thân Thanh văn, cho đến thân các loài Thiên, Nhơn, Long, Thần ở các nơi, xong mỗi vị lại tự biến hóa tòa sen báu, mỗi tòa đều chia hai có Phật bên trái bên phải. Các vị đảnh lễ dưới chân đức Phật xong, đều ngồi vào tòa của mình.
( Kinh Đại Tập Hội Chánh Pháp – Hết quyển một )
Tô Chí Tâm viết
Kinh Đại Hội Chánh Pháp, con đọc gần hết rất hoan hỷ. Có đoạn người trẻ tuổi và người lớn tuổi. Có phải mình trôi lăn trong lục đạo này hoài sẽ thành người lớn tuổi không ạ? Với câu “đức Phật nhập diệt” là thế nào ạ? Có phải khi đã thành đức Phật rồi nhưng những kinh điển của Ngài đều không còn nửa hay là Ngài không còn trên thế gian nửa? Con xin chân thành cảm ơn sư Tuệ Tâm ạ! Với kinh này có bán ở đâu không ạ? Con tính mua về để hậu thế đời sau có duyên sẽ đọc được ạ. Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Phàm khi đọc kinh, đặc biệt là kinh điển Đại Thừa, chỗ nào hiểu được thì tốt, chỗ nào không hiểu được thì cứ để đó, đừng khởi tâm nghi hay thắc mắc làm gì thì mới đúng pháp. Kinh Đại Thừa nghĩa lý sâu thăm thẳm, trừ bậc Pháp thân Đại sĩ ra, e rằng khó có thể hiểu cho cặn kẽ được. Thực Tuệ Tâm không đủ trí huệ để có thế giảng được nghĩa trong kinh, mong bạn tùy hỉ! Ngay cả khái niệm “Đức Phật nhập diệt” để nói rõ nguồn cơn, thấu đáo tình lý, sợ rằng bậc Pháp sư giảng kinh cũng phải mất cả tháng, may ra mới xong được. Năm xưa, chỉ một chữ “Diệu” mà Trí Giả Đại sư giảng hết 90 ngày chưa xong. Một chuyện như thế đủ để thấy nghĩa kinh văn sâu như thế nào. Vậy nên Tuệ Tâm không dám lung lăng, phạm Đại vọng ngữ thì có hối cũng chẳng kịp…
Kinh này Tuệ Tâm cũng chỉ có bản PDF mà thôi. Bạn nếu phát tâm cầu kinh khẩn thiết, sau này đủ duyên cũng sẽ thấy mua được mà thôi.
Nam mô A Di Đà Phật!
Tô Chí Tâm viết
Cảm ơn sư Tuệ Tâm ạ.Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.