Đám cưới ma hay chuyện người lấy ma quỷ làm vợ, thiên hạ nghe qua nếu chẳng bảo là thần thoại ắt sẽ bảo là chuyện bịa. Trong chủ đề bóng đè, khi tôi kể chuyện người phụ nữ ở một tỉnh miền trung bị một con quỷ đeo bám, sanh cho nó hai đứa ma con, một bạn đọc bảo: “Trong bài này mình thấy việc người có thai với ma thì chắc chắn là không thể. Người âm với người âm, hoặc người âm với người trần không thể sinh con cùng nhau. Đây là điều chắc chắn ạ! Đây có thể là 2 đứa con của họ từ kiếp trước chứ không thể là chị này mang thai sinh ra được.”
Tôi bảo: “Nẻo quỷ thần lắm chuyện linh dị kỳ đặc. Nếu không tự thân chứng kiến, không ai không bảo đấy là chuyện hoang đường.
- Chuyện hàng phục Hồ Ly Tinh.
- Cầu mưa linh nghiệm ký.
- Xá lợi Phật là gì.
- Sự thật về Cầu Cơ.
- Sự thật về Hạn Tam Tai.
- Tổ Bồ Đề Đạt Ma huyền tích truyện.
- Tu Tiên& Đạo giáo, góc nhìn từ Phật Pháp.
*
Trong Lục Đạo Tập, Hoằng Tán Đại Sư kể: “La Điền Phương, ở ấp Huy Châu, là cháu họ của Bá Vũ Tiên Sanh, mẹ ông có mang chưa đẻ thì mất, người nhà đem quan táng. Trong thôn có một quán điểm tâm, chủ quán thường ngày thấy một người phụ nữ đến mua bánh, sau hết tiền, người ấy mang một cái chăn đến để gán nợ, chủ quán bèn vắt chăn lên giá.
Nhà Phương có một nữ tì ngẫu nhiên đến quán thấy chăn liền bảo: “Đây là chăn khâm liệm cho bà chủ, cớ sao lại ở đây được?”
Chủ quán bảo: “Có một người phụ nữ hằng ngày qua mua bánh, sau hết tiền nên mang chăn này đến gán.”
Lại tả rõ hình ảnh, quần áo….Tỳ nữ đem chuyện ấy về báo lại chủ. Nhà ấy hôm sau cho người đến quán rình thì quả nhiên thấy người mua bánh chính là bà chủ. Họ đi theo đến mộ thì biến mất.
Người nhà đến mộ thì nghe tiếng trẻ con khóc liền về báo lại với chủ. Chủ sai người mở mộ thì thấy nhan sắc của mẹ Phương tươi tắn như lúc còn sống. Sau khi bế đứa bé ra thì sắc mẹ liền biến hoại. Lúc ấy chủ quán điểm tâm mới hiểu tại sao trước đây ngày nào trong khay đựng tiền cũng có ít tro giấy. Đứa con sau này trưởng thành, trong họ đều gọi là quỷ Thúc…”
*
Lại theo Kinh Phúc Điền, Tôn giả Tu Đà Da bạch Phật: “Mẹ tôi chửa tôi được mấy tháng thì bị bệnh chết. Người ta chôn mẹ tôi trong mộ, đủ tháng rồi mới sinh tôi. Tôi ở trong mộ 7 năm bú bầu sữa người mẹ đã chết mà tự sống. Sau thoát ra nhờ phước duyên được gặp Phật nên chứng được quả A La Hán…”
Những chuyện như thế sách vở ghi lại khá nhiều. Không nói dối là một trong năm trọng giới của người học Phật, cho nên bạn tin được thì tốt, như chẳng tin được thì cũng xem như mình đọc câu chuyện lúc trà dư. Tuệ Tâm thật không dám vọng ngữ để chuốc lấy cái họa phải trả trong địa ngục cắt lưỡi vậy!”
Đám Cưới Ma Tạp Chuyện
Bạn đọc thân mến! Tôi đọc Pháp Uyển Châu lâm, thấy có ít chuyện liên quan đến chủ đề người sống kết duyên với ma quỷ. Tôi mạo muội biên tập thành chủ đề “đám cưới ma”, dành cho những ai thích chuyện linh dị kỳ đặc. Xin rào trước rằng: “Những chuyện trong bài này không phải loại chuyện liêu trai chí dị. Tất cả đều là chuyện có thật, được những bậc Long Tượng, giới hạnh tinh nghiêm giám định và kể lại. Cho nên nếu bạn đọc mà tin được thì tốt lành, xem như để tăng trưởng kiến văn. Còn như chẳng tin, cũng xem như mình đọc chuyện giải trí, chớ sanh tâm hủy báng mà mang tội. Được như thế thì thật là may mắn lắm thay!”
Đám cưới Ma: 1.
Thời nhà Hán có Đàm Sanh, năm 40 tuổi mà không có vợ. Ông ta thường ưa thích đọc kinh sách, có khi suốt đêm không ngủ. Một đêm nọ, trong lúc mơ màng chợt nghe tiếng kẹt cửa. Ông ngước nhìn thì thấy một cô gái đẹp bước vào. Cô gái vô cùng xinh đẹp, tuổi chừng 15-16, nhẹ nhàng đến trước mặt ông cất tiếng: “Tôi cùng với người có túc duyên. Nay gặp ở đây xin được cùng nên duyên vợ chồng.”
Đàm Sanh còn đang ngơ ngác thì cô ấy bảo: “Thiếp chỉ có thể ở cùng vào ban đêm. Chàng cẩn thận đừng để ánh đèn nến chiếu vào thiếp. Khoảng ba năm sau thiếp mới có thể sinh hoạt như người thường.”
Từ hôm ấy, cô gái ấy cứ đêm đến, ngày thì biến mất. Qua lại lâu ngày, cả hai cùng trở thành vợ chồng. Đủ chín tháng mười ngày, cô ấy sanh được một đưa con. Đàm Sanh giữ gìn cho vợ cho đến khi con gái lên hai tuổi rồi.
*
Một đêm, do không thể kiềm chế được sự tò mò, ông ta trộm soi đèn nhìn vợ ngủ. Thấy vợ mình từ eo lưng trở xuống thì da thịt như người, từ eo lưng trở lên chỉ toàn là xương khô.
Người vợ thức giấc liền buồn bã, khóc mà bảo rằng: “Chàng phụ tình thiếp! Thân hình thiếp đã gần như hoàn thiện, nay bị chàng phá hỏng mất rồi. Giờ không cách chi hoàn thiện cho được nữa, vợ chồng phải biệt ly.”
Vợ đau lòng khóc, gần sáng liền bảo với Đàm Sanh rằng: “Thiếp cùng với chàng tuy là nghĩa lớn, nhưng nay buộc phải chia ly. Thiếp thương hai cha con, sợ chàng nghèo, không thể một mình xoay xở được cuộc sống. Giờ chàng đi theo, thiếp sẽ để lại chút tài vật để cha con sinh sống.”
Đàm Sanh hối hận đi theo vợ, chợt thấy mình đến một gian phòng hoa lệ, vạn phần sang trọng. Vợ lấy một cái chăn quý báu trao cho bảo: “Chàng về bán chiếc chăn này. Số tiền có được có thể giúp hai cha con có một cuộc sống đủ đầy.”
Đưa chăn cho chồng xong, vợ liền xé vạt áo của Đàm Sanh, giữ lại một mảnh rồi từ biệt.
*
Về sau cha con túng thiếu, Đàm Sanh nuốt nước mắt mang cái chăn ấy ra chợ bán. Tuy Dương Vương hôm ấy ngẫu nhiên ra chợ. Ông ta nhận ra cái chăn liền hốt hoảng la lên: “Đây là chăn của con gái ta! Khi nó chết đích thân ta đặt cái chăn quý này vào trong hòm. Làm sao nhà người lại có được? Có phải ngươi đã đào mộ con gái ta không?”
Vương sai lính bắt Đàm Sanh để xét hỏi. Đàm Sanh liền kể lại cho Vương nghe mọi chuyện. Vương không tin, bèn cùng người nhà đến xem xét phần mộ con gái. Thấy phần mộ vẫn hoàn toàn như cũ, họ liền cùng nhau mở ra xem. Quả nhiên ở dưới nắp quan tài có cái vạt áo của Đàm Sanh.
Tuy Dương Vương kinh ngạc liền sai gọi đứa bé đến nhìn. Thấy dung mạo đứa bé giống hệt con gái, cả nhà liền bật khóc. Ngay hôm Vương liền bảo hai cha con ở lại, nhận Đàm Sanh làm con rể của mình rồi sắp xếp cho Đàm Sanh làm chức Lang trung.
Đám cưới Ma: 2.
Thời nhà Tấn có Lư Sung là người vùng Phạm Dương. Cách nhà 30 dặm về phía Tây có phần mộ của Thôi Thiếu Phủ. Một ngày trước tiết Đông Chí năm 20 tuổi, Sung ra khỏi nhà đi về phía Tây dạo chơi sắn bắn. Thấy có một con hoẵng Sung liền nhắm bắn trúng thân. Con hoẵng mang theo tên bỏ chạy.
Lư Sung mải miết đuổi theo, đến khi ngẩng mặt nhìn, chợt thấy phía Bắc đường, trong khoảng một dặm có một vùng lâu các, không còn thấy con hoẵng đâu nữa. Sung đến trước cổng, thấy có một người trên tay cầm sẵn một bộ quần áo. Người ấy bảo: “Phủ quân đem áo quần này đến đón lang quân.”
Lư Sung liền lấy mặc rồi theo vào Phủ. Thiếu phủ tiếp đón rồi bảo với Sung rằng: “Gần đây được thư của cha anh. Thấy ông bảo tìm tiểu nữ để kết hôn. Nay anh đã đến đây, âu cũng là duyên lành.”
Thiếu phủ lại đưa thư cho Sung xem. Lúc cha mất, Lư Sung tuy còn bé nhưng đã biết bút tích của cha. Vậy nên nhìn chữ trong thư thì đúng là chữ của cha mình. Họ Thôi liền báo trong nhà biết Lư Lang đã đến. Lại truyền bảo nữ lang trang nghiêm đến hành lang phía Đông. Đến hoàng hôn, thấy bên trong thưa rằng nữ lang đã trang nghiêm xong. Họ Thôi liền cùng với Lư Sung đến đấy.
*
Họ đến nơi thì thấy một thiếu nữ xinh đẹp chờ sẵn bên bàn tiệc. Khách khứa đông đảo, cùng vui với đôi uyên ương suốt ba ngày. Đến ngày thứ tư, vợ trẻ bảo với Sung: “Nay chàng có thể trở về. Sau này, nếu thiếp sanh con trai thì sẽ gặp lại chàng. Nếu sanh con gái thì sẽ tự mình nuôi dưỡng.”
Nói rồi sai người chuẩn bị xe để tiễn Lư Sung. Vợ chồng quyến luyến chia tay. Sung ra ngoài cổng thấy chỉ có một cỗ xe do trâu xanh kéo. Lại thấy áo quần và cung tên của mình vẫn ở bên ngoài cổng. Đang dùng dằng thì thấy vợ mang một bộ quần áo chạy ra bảo rằng: “Duyên vợ chồng bắt đầu như vậy. Biệt ly thật sầu thảm khôn nguôi. Nay trao cho chàng một bộ áo quần, một bộ chăn gối thiếp tự may.”
Lư Sung lên xe, thấy xe chạy nhanh như chớp, trong chốc lát đã thấy về đến nhà mình. Bà mẹ hỏi nguyên cớ, Lư Sung liền đem tất cả sự việc kể cho mẹ nghe. Bốn năm sau vào ngày 3 tháng 3, Lư Sung đến bên sông chơi đùa, bỗng thấy gần bờ sông có một cỗ xe lúc chìm lúc nổi. Một lát sau xe lên bờ, Lư Sung đến thì thấy con gái họ Thôi cùng bé trai 4 tuổi đang ngồi trên xe. Cô gái bế đứa bé trao cho Lư Sung, lại trao cho cái bát vàng rồi chia tay. Sung nhận con và bát vàng xong thì cô gái và chiếc xe bỗng nhiên không thấy nữa.
*
Về sau Lư Sung ngồi xe đến chợ bán chiếc bát vàng, hy vọng tìm ra tông tích của vợ. Lúc ấy có một người hầu gái nhận ra chiếc bát vàng liền vội chạy về báo với người nhà rằng: Trong chợ thấy một người ngồi xe bán chiếc bát vàng trong quan tài của Thôi nữ lang. Bà lớn trong nhà lúc bấy giờ chính là dì ruột của họ Thôi, sai con đến xem sao. Quả nhiên đúng như người hầu gái nói.
Người ấy bèn lên xe nói rõ tên họ của mình và cho Lư Sung biết rằng: “Xưa con gái của dì tôi còn trẻ mà chết. Gia đình thân thích đau đớn vô cùng nên bỏ một chiếc bát vàng đặt trong quan tài. Nay anh do đâu lại có chiếc bát ấy thế này?”
Lư Sung đem sự việc mà kể lại. Chàng trai cũng nuốt lệ xót xa, liền ôm chiếc bát vàng trở về thưa với mẹ. Bà mẹ liền bảo Lư Sung về nhà đón con. Khi họ hàng thân thích quy tụ, thấy đứa bé có hình dáng của Thôi Thị, lại có diện mạo tựa như Lư Sung.
Bà dì nói: “Đây là cháu ngoại, con của Thôi Nữ Lang.”
Liền đặt tên là Ôn Hưu. Ôn Hưu ấy chính là U Hôn, tức là kết hôn với người đã chết vậy. Đứa bé lớn lên học hành đỗ đạt, sau làm Thái thú của quận.
Đám cưới Ma: 3.
Thời nhà Tấn có Thái thú Vũ đô là Lý Trọng Văn. Khi ông đang ở quận thì cô con gái mới 18 tuổi qua đời. Người nhà tạm thời mai táng ở phía Bắc thành của quận. Dưới quyền của Văn có người tên Trương Thế Chi. Con của Chi tên là Tử Trường, tuổi vừa 20, đi theo hầu hạ. Trường thường ở lại trong chuồng ngựa.
Một hôm anh ta mộng thấy một cô gái tuổi chừng 17-18, nhan sắc xinh đẹp. Cô gái tự nói là con gái của phủ quân trước đây, không may mất sớm. Lại bảo mình có duyên với Trường mà đến. Nếu Trường chịu gặp gỡ thì sẽ được sống lại. Liên tục trong 5-6 đêm liền, anh ta đều mơ thấy như vậy.
Ít hôm sau, ngay giữ ban ngày, Trường thấy cô gái hiện ra, áo quần thơm tho, vạn phần xinh đẹp. Tuổi trẻ chẳng cầm được lòng nên cả hai quan hệ với nhau. Điều kỳ lạ là trên quần áo cô gái xuất hiện vết bẩn, như là gái trinh.
*
Một hôm Trọng Văn cùng vợ có việc qua chỗ Thế Chi. Bà vợ đi qua chuồng ngựa chợt nhìn thấy một chiếc giày của con gái nằm dưới giường của Tử Trường. Bà khóc nức nở rồi cầm chiếc giày quay về đưa cho Trọng Văn xem. Trọng Văn kinh ngạc, sai người hỏi Thế Chi: “Con trai ông vì sao có được chiếc giày của con gái tôi vậy?”
Thế Chi gọi con đến hỏi, chàng trai trình bày đầy đủ đầu đuôi sự việc. Họ Lý và họ Trương đều nói là thật kỳ quái. Họ liền cùng mở quan tài cô gái ra xem, thấy thân thể của cô con gái đã sanh da thịt, dung mạo nhan sắc như xưa, chân phải có giày mà chân trái không có.
Ngay lúc ấy da thịt co gái liền nát rữa, không thể nào sống lại được. Họ Lý hối hận rơi nước mắt mà chôn lại con.
Đám cưới Ma: 4.
Thời nhà Tấn ở vùng Đông Bình có Bằng Hiếu Tương, làm Thái thú Quảng Châu. Ông có cậu con trai tên là Mã Tử, tuổi hơn 20, thường nằm ngủ một mình trong chuồng ngựa. Một đêm, Mã Tử mộng thấy cô gái tuổi chừng 18- 19 nói rằng: “Tôi là con gái của Từ Huyền Phương – Thái thú Bắc Hải trước đây. Từ khi mất đến nay khoảng chừng 4 năm. Do bị quỷ giết oan, nên Diêm Vương xem xét cho được sống lại. Nhưng muốn sống lại phải cần có Mã Tử để nương tựa thì mới được. Chàng có duyên phu thê với tôi, có thể cứu giúp tôi được chăng?”
Mã Tử đồng ý, cô gái liền hẹn ngày xuất hiện. Đến ngày hẹn, Mã Tử thấy đầu tóc cô gái xuất hiện trước giường, liền bảo người xung quanh tránh đi chỗ khác. Dần dần hiện ra cái trán, tiếp đến đồ trang sức trên đầu hiện ra, chốc lát hình hài thân thể bỗng xuất hiện. Mã Tử bèn bảo ngồi đối diện trên giường. Hai người nói chuyện tương giao, rất hợp. Ít ngày sau thì quan hệ với nhau như vợ chồng.
Cô gái luôn miệng nhắc nhở rằng: “Thiếp hãy còn hư huyễn nên tự mình hạn chế.”
Hỏi: Lúc nào có thể xuất hiện?
*
Đáp rằng: “Xuất hiện sẽ được sống lại như ngày xưa. Nhưng hiện nay ngày sanh hãy còn chưa đến.”
Gần đến ngày tái sinh. Cô gái bày cho Mã Tử phương pháp nuôi dưỡng khi sinh ra, nói xong chào mà ra đi. Mã Tử nghe theo lời dặn, đến ngày ấy lấy một còn gà trống đỏ – một bát cơm, một bình rượu trắng, tế lễ ở trước chỗ cô gái mất, cách chuồng ngựa mười mấy bước. Cúng lễ xong đào đất lấy cỗ quan tài lên. Khi mở ra thấy thân thể cô gái hoàn toàn như người còn sống. Họ Mã từ từ ẵm ra, đặt giữa tấm chăn trong lều. Thấy dưới phần ngực có hơi ấm và miệng có hơi thở, nên trông nom nuôi dưỡng, giữ gìn rất cẩn thận. Hằng ngày thường dùng nước sữa dê nhỏ vào hai mắt của cô gái.
Được ít ngày thì cô bắt đầu mở miệng, có thể nuốt cháo. Lâu dần có thể nói năng được. 200 ngày sau thì nắm gậy chống đi được. Sau một năm tròn thì da thịt, nhan sắc và sức lực đều trở lại bình thường. Cô bèn sai người báo tin cho nhà họ Từ biết. Họ hàng lớn nhỏ kinh ngạc đều đến thăm. Lại chọn ngày lành tháng tốt làm lễ, kết thân làm vợ chồng.
Sau họ sanh được hai trai một gái, con trai lớn lên là Nguyên Khánh, đầu thời Tấn Vĩnh Gia làm quan đến chức Lang Trung. Con trai nhỏ tên là Kính Độ, làm Thái Sử. Còn cô con gái lấy chồng là Lưu Tử Ngạn ở Tế Nam, cháu nhiều đời của Trưng Sĩ.
(Chuyện Đám Cưới Ma – Theo Pháp Uyển Châu Lâm)
Tuệ Tâm 2022.
Nguyễn Tiệp viết
Dạ hoan hỉ được Tuệ Tâm trích dẫn bình luận đưa lên bài viết!
Do nông cạn nên mới hỏi như vậy, nay xin được sám hối ạ!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nhiều chuyện ở cõi quỷ thần thực rất khó tin, đặc biệt những chuyện như kiểu trong bài này. Tuệ Tâm vốn chẳng định viết về chủ đề này, vì sợ người ta không tin rồi hủy báng mà mang tội. Tuy nhiên, cũng nhờ câu hỏi của bạn nên mới quyết định đưa bài này lên, thực phải cảm ơn bạn mới đúng!
Học Đạo quý ở nơi không biết thì hỏi, mình phá nghi cho mình trên môi trường web này sẽ giúp nhiều người cũng phá được cái nghi của họ. Thế giới tâm linh nhiều chuyện lạ kỳ, rất khó tin nhận. Như trên web này, Tuệ Tâm từng chứng kiến có bạn đọc bị khoảng chừng 7-8 vong linh gá nhập. Hễ mỗi lần bạn ấy bình luận là một giọng hỏi khác nhau…
Nói ra thật xấu hổ, nhưng thực sự thì những phản hồi của bạn đọc là niềm vui và cũng là động lực để Tuệ Tâm viết bài vậy! Nam mô A Di Đà Phật.
Nguyễn Tiệp viết
Dạ mong được Tuệ Tâm làm chủ đề tháng 7 cô hồn: họ có được thả ra khỏi ngục thật hay không? đồ cũng cô hồn xong có nên ăn hay không? có nên đốt vàng mã cho cô hồn không (vì họ ở ngục khổ vô cùng, cũng khó có thể từ bỏ chấp niệm được ạ)
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Để có thời gian, Tuệ Tâm sẽ gắng thu thập tài liệu để viết về chủ đề ấy. Chủ đề cô hồn rộng và rất dễ đụng chạm. Chúng sanh nơi cõi ngạ quỷ rất nhiều vị có đại quyền năng, nhưng họ bị tâm sân si che mất chánh pháp nên chấp rất nặng. Mà nếu viết đúng với chánh pháp, ắt không tránh khỏi việc đụng chạm đến họ, thật không phải việc dễ dàng gì. Còn chúng sanh nơi Địa ngục, dù cực khó nhưng vẫn có cơ hội thoát ra nếu gặp được một bậc có đạo hạnh giúp đỡ. Nhưng để làm được việc ấy, sự tổn hại tâm lực là không thể tính đếm…Trước đây, một bậc chân tu có giúp đỡ cho ông tổ của một gia đình ở miền bắc. Khi ông ta thoát lên, hiện tướng địa ngục vô cùng kinh sợ, Thầy do cứu chúng sanh nên cũng hao tổn khí lực vô cùng, không thể dùng bút mực mà diễn tả được…
Nguyễn Tiệp viết
Dạ kính thưa Tuệ Tâm! Em đọc những câu chuyện này thấy giống liêu trai chí dị, phần vì đều ở Trung Quốc thời xưa, khó xác minh thực hư. phần vì nhiều tình tiết ly kỳ. Không biết là những chuyện này thì khác gì những câu chuyện liêu trai chí dị ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Liêu trai chí dị là loại sách tà thuyết và dâm thuyết, những chuyện trong đó là do hạng ngu si dâm dật bịa đặt ra nên nó độc hại. Còn những chuyện trong bài này được trích từ “Pháp Uyển Châu Lâm” – Đây là bộ sách đồ sộ của Phật pháp, do một bậc Chân tu trích từ Tam Tạng Kinh Điển mà soạn ra. Sách này gần như là một bộ đại cương về Phật pháp, được lưu truyền đến ngày nay là bởi lời lời chân thật, đúng với chánh pháp. Vả lại, Không nói dối là một trong 5 trọng giới của Phật pháp, cho nên người Phật tử chân chánh thường không bao giờ bịa chuyện để mua vui cho người, đừng nói những bậc Chân tu. Khác biệt là ở chỗ đó bạn ạ!
Nguyễn Tiệp viết
dạ em đã hiểu rồi ạ! cảm tạ ơn của Tuệ Tâm rất nhiều ạ!
An Diệp viết
Nam mô A Di Đà Phật!
con luôn tin những câu chuyện này có thật ,con rất thích đọc tuy có phần sợ hãi nhưng thấy rất hay và huyền bí
con luôn cảm nhận thấy ở TRUNG QUỐC luôn có rất nhiều kì bí đến rùng rợn và người trung quốc có cái gì đó rất đặc biệt k giống người việt
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Thực ra những chuyện này ở Việt Nam ta cũng nhiều, chẳng kém cạnh đâu. Chỉ vì từ ngàn xưa đến nay chiến tranh liên miên, mỗi lần người Trung Quốc sang xâm lược, họ cho đốt phá sạch sách vở và tư liệu nên ngày nay cháu con chẳng có nhiều thứ để xem đó thôi. Trung Hoa họ rất chú trọng việc lưu giữ các tài liệu văn hóa, học thuật. Các triều đại phong kiến đa phần đều trọng Phật pháp nên tư liệu được gìn giữ đời này qua đời khác. Lý do là như thế, chớ họ cũng chẳng đặc biệt hơn mình lắm đâu bạn ạ.
Nam Mô A Di Đà Phật Chuyên Lại Càng Chuyên viết
Chị gái em bị người âm theo mười mấy năm bắt làm vợ. Đi hết thầy này đến thầy khác nhưng cứ qua 1,2 tháng lại bị nữa. Nó cứ về qh như vợ chồng. Giờ nó quậy chị em càng ngày càng xanh xao ốm đi nhiều. Gia đình em khổ sở đi hết thầy này đến thầy khác nhưng vẫn không hết ạ.
Giúp Bạn Ấy Như Thế Nào Ạ Tuệ Tâm🙏
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Những vụ kiểu này, trên web có cả rồi, bạn chịu khó đọc đi. Tuệ Tâm thật sự không có nhiều thời gian nên không thể trả lời những câu hỏi mà trên web đã có chủ đề. Mong bạn tùy hỷ!