Công đức cúng dường thức ăn, dù bạn gieo nơi phước điền Tam Bảo, hay bố thí cho người, cũng đều được vô lượng vô biên phước báo.
Kinh Thập Nhị Đầu Đà dạy: “Nếu có được thức ăn thì nên dấy lên nghĩ rằng: Thấy chúng sanh đói khát nên lấy một phần để giúp cho họ. Mình là thí chủ, họ là người nhận. Bố thí rồi phát lời nguyện như vậy khiến cho tất cả chúng sanh có được thức ăn, mình được phước thiện. Việc nên làm, chớ khởi tâm tham tiếc!
Phát tâm rồi mang đến nơi vắng lặng trống trải, chia bớt một phần, đặt trên hòn đá sạch bố thí cho các loài chim thú, cũng nguyện cầu như trước. Đang khi mình sắp ăn, cũng nên dấy lên ý niệm như vầy: Trong thân có tám vạn con trùng, trùng được thức ăn này thảy đều yên ổn; nay tôi dùng thức ăn bố thí cho các loài côn trùng này, sau này đắc đạo thì sẽ dùng pháp thí cho các vị”.
- Công đức là gì, phước đức là gì.
- Lòng tin là mẹ của mọi công đức.
- Mê tín dị đoan họa hại khôn lường.
- Tam Tịnh Nhục là gì.
- Thanh tịnh là gì.
- Tịnh nghiệp tam phước là gì.
- Ma ha bát nhã ba la mật đa Tâm Kinh.
Công đức cúng dường thức ăn
Kinh Thí Thực Hoạch Ngũ Phước Báo dạy: “Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Nên biết rằng ăn để duy trì mạng sống, thọ nhận mà không làm tổn hại. Đức Phật dạy: Người mang cơm ăn bố thí cho người khác, có năm công đức cho người đạt được đạo quả, người trí hiểu rõ ý vượt ra làm cho lớn mạnh, thì gặt hái năm loại phước thiện. Những gì là năm loại? Đó là:
- Bố thí mạng sống.
- Bố thí sắc diện.
- Bố thí sức lực.
- Bố thí an ổn.
- Bố thí biện giải.
Sao gọi là bố thí mạng sống?
Con người không được ăn uống thì nhan sắc tiều tụy không thể nào biểu hiện rõ ràng, không quá bảy ngày bỗng chốc thọ mạng chấm dứt, vì vậy người trí thì thực hành bố thí thức ăn, sự bố thí thức ăn đó tức là thực hành bố thí mạng sống, bố thí mạng sống ấy thì đời được thọ mạng lâu dài sanh lên cõi Trời và giữa thế gian, có thọ mạng lâu dài không bị chết yểu, phước báo tự nhiên của cải vô lượng; đây chính là bố thí mạng sống.
Sao gọi là bố thí sắc diện?
Con người không ăn uống thì nhan sắc tiều tụy không thể nào biểu hiện rõ ràng, vì vậy người trí thì thực hành bố thí thức ăn, sự bố thí thức ăn đó tức là thực hành bố thí sắc diện, bố thí sắc diện ấy thì đời được đoan chánh, sanh trên cõi Trời hay giữa thế gian luôn luôn có nhan sắc sáng ngời, người thấy hoan hỷ cúi đầu làm lễ; đây chính là bố thí sắc diện.
Sao nói là bố thí sức lực?
Con người không được ăn uống thì thân thể gầy yếu ý chí nhu nhược không có năng lực làm được điều gì, vì vậy người trí thì thực hành bố thí thức ăn, sự bố thí thức ăn đó tức là thực hành bố thí sức lực, bố thí sức lực ấy thì đời đời được nhiều sức lực, sanh trên cõi Trời hay giữa thế gian luôn luôn có sức lực không gì sánh bằng, ra vào đi lại không hao tổn gì đến sức lực; đây chính là bố thí sức lực.
Sao nói là bố thí an ổn?
Con người không được ăn uống thì tâm buồn rầu thân tổn hại, đứng ngồi không nhất định không thể nào tự an lành được, vì vậy người trí thì thực hành bố thí thức ăn, sự bố thí thức ăn đó tức là thực hành bố thí an ổn, bố thí an ổn cho người thì đời đời được yên lành, sanh trên cõi Trời hay giữa thế gian không gặp phải những tai ương, đi đến chỗ nào cũng luôn luôn gặp được người có tài đức, của cải vô lượng không bị chết non; đây chính là bố thí an ổn.
Sao nói là bố thí biện giải?
Con người không được ăn uống thì thân thể gầy còm ý chí suy yếu miệng không thể nào nói năng, vì vậy người trí thì thực hành bố thí thức ăn, sự bố thí thức ăn đó tức là thực hành bố thí biện giải, miệng nói năng lưu loát không có gì chất vấn làm trở ngại, trí tuệ biện giải thông suốt, sanh lên cõi Trời hay giữa thế gian, người nghe hoan hỷ không ai không cúi đầu lắng nghe chọn lấy giáo pháp nói ra; đây chính là báo ứng của năm loại phước thiện về bố thí thức ăn”.
Công đức cúng dường thức ăn cho đức Phật
Kinh bách Duyên nói: “Thời Đức Phật tại thế, trong thành Vương-xá có một vị Trưởng giả, tiền bạc chân báu vô lượng không thể tính đếm được. Người vợ Trưởng giả sanh một bé gái trong chốc lát có thể nói năng; trong nhà tự nhiên đồ ăn thức uống đủ mùi vị thảy đều có đủ. Lúc ấy cha mẹ thấy sự việc như vậy, nói là quỷ Tỳ-xá-xà chứ không phải là người, sợ hãi không dám đến gần. Lúc ấy bé gái kia thấy cha mẹ sợ hãi, bèn chắp tay hướng về người mẹ mà nói kệ rằng:
Mong mẹ lắng nghe lời con nói,
Nay con đang nói đúng như thật
Thật không phải quỷ Tỳ-xá-xà,
Và không phải các loài quỷ khác
Con nay thật sự là loài người,
Hành tướng nghiệp duyên đi theo nhau
Bởi vì nhân duyên của thiện nghiệp,
Nay đạt được báo ứng như vậy.
Lúc bấy giờ cha mẹ nghe bé gái nói kệ, vui mừng không sao kể xiết; lao về phía trước ôm lấy con cho bú thật hạnh phúc; nhân đó đặt tên cho con, gọi là Thiện Ái. Lúc bé gái kia thấy mẹ hoan hỷ bèn chắp tay thưa với mẹ rằng: Thỉnh Đức Phật và Tỳ kheo tăng giúp con! Cha mẹ lập tức thỉnh cầu cho con, đồ ăn thức uống diệu kỳ thảy đều đầy đủ; liền ở trước Đức Phật khao khát được nghe pháp. Đức Phật liền thuyết pháp cho nghe và đạt đến quả Tu-đà-hoàn, sau đó cầu xin xuất gia.
*
Đức Phật bảo rằng: Hãy cố gắng nhé Tỳ kheo ni! Tức thì mái tóc tự nhiên rụng hết, pháp phục mang trên thân trở thành Tỳ kheo ni, tinh cần tu tập đạt được quả vị A-la-hán, chư Thiên và người thế gian trông thấy đều tôn kính ngưỡng mộ. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn dẫn một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ kheo, đi đến nước khác, đến giữa cánh đồng bát ngát, giờ ăn đã đến. Ngài bảo với Ni Thiện Ái rằng:
Bây giờ con có thể thiết bày đồ ăn thức uống cúng dường Phật và chúng Tăng. Thiện Ái liền lấy bình bát của Phật tung lên giữa hư không, trăm vị đồ ăn thức uống tự nhiên đầy đủ. Như vậy lần lượt lấy bình bát của một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ kheo, cơm và thức ăn cũng đều đầy đủ làm cho mọi người rất hoan hỷ.
A-nan trông thấy rồi ca ngợi là chưa từng có, thỉnh cầu Đức Phật thuyết về nhân duyên xưa kia. Đức Phật bảo với A-nan:
Trong Hiền kiếp này, có Đức Phật xuất thế danh hiệu là Ca-diếp, khoác y ôm bát dẫn các Tỳ kheo đi vào thành khất thực, sau đó đến nhà của Đại Trưởng giả. Trong nhà Trưởng giả chuẩn bị các thứ đồ ăn thức uống sắp mời khách bạn, khách bạn chưa đến thì lát sau có một cô giúp việc, thấy Phật và tăng đang đứng khất thực ở ngoài cổng, không thưa với Trưởng giả mà lấy tất cả đồ ăn thức uống mang bố thí cho Phật và chúng Tăng.
*
Sau đó khách bạn đến ngồi đầy đủ, Trưởng giả bảo người giúp việc ấy rằng: Sắp xếp bưng dọn thức ăn đến! Cô giúp việc đáp rằng: Thưa ông, hôm nay có Phật và tăng đang đứng khất thực ở ngoài cổng nhà mình, con mang thức ăn này dùng để bố thí hết rồi.
Trưởng giả nghe rồi rất là hoan hỷ liền nói với người giúp việc rằng: Chúng ta hôm nay gặp được phước điền như vậy, cô có thể mang thức ăn cơm nước này để bố thí, vui sướng không thể nói được, nay ta cho cô được mong cầu tùy theo ý muốn.
Cô giúp việc đáp rằng: Thưa ông, nếu như được cho phép mong cầu thì chỉ mong một lần nghe về đạo pháp! Trưởng giả lập tức đồng ý.
Người giúp việc làm một Tỳ kheo ni, trong một vạn năm tinh chuyên chăm chỉ không thay đổi, đến lúc mạng chung không rơi vào đường ác, sanh lên cõi Trời hay giữa loài người có cảm báo đồ ăn thức uống trăm vị thuận theo ý niệm liền hiện ra, nay được gặp Ta cầu xin xuất gia đắc đạo. Các Tỳ kheo nghe xong vô cùng hoan hỷ vâng mạng thực hành”.
Công đức cúng dường: Hưởng phước Trời người
Theo Kinh Bách Duyên: “Đức Phật an trú trong Tinh xá Kỳ hoàn, thuộc vườn cây Kỳ đà-Cấp Cô Độc ở nước Xá Vệ. Lúc ấy an cư mùa hạ đã xong; Ngài dẫn các Tỳ kheo sắp đi qua nước khác.
Bấy giờ vua Tần Bà Sa La khởi tâm cầu gặp Như Lai đến để sự cúng dường. Đức Thế tôn từ xa biết ý nhà vua nên cùng chúng Tăng trở về thành Vương Xá. Khi đến nước Ma kiệt đề gặp nhiều bầy chim. Chim Anh Vũ chúa từ xa trông thấy Đức Phật, liền bay đến đón đường cung kính nghênh tiếp. Nó quỳ bạch đức Phật rằng: Con cúi xin Thế tôn và các Tỳ kheo xót thương, đến trong khu rừng của con ở lại một đêm.
Đức Phật liền đồng ý. Chim Anh Vũ vui mừng quay trở về khu rừng; lại truyền cho quyến thuộc cùng đến nghinh đón Phật. Bấy giờ Đức Thế tôn dẫn các Tỳ kheo đến khu rừng của chim Anh Vũ; tất cả trải tọa cụ ở dưới tán cây, ngồi thiền định tư duy.
*
Chim Anh Vũ chúa thấy Phật và Tỳ kheo ngồi yên lặng, trong lòng rất vui sướng. Suốt đêm nó bay vòng quanh Đức Phật và Tỳ kheo tăng; giám sát bốn phía, không có các loài sư tử hổ lang cầm thú làm phiền Đức Thế tôn và các Tỳ kheo. Đến sáng sớm Đức Thế tôn tiếp tục lên đường. Chim Anh Vũ hoan hỷ dẫn đường ở phía trước. Nó bay về thành Vương-xá, thưa với vua Tần-bà-sa-la rằng: Đức Thế tôn nay đang dẫn các Tỳ kheo đi đến rất gần. Đại vương sớm bày các thứ đồ ăn thức uống mà đón đường.
Nhà vua liền truyền cho bày đồ ăn thức uống, cờ phướn, hương hoa, tấu nhạc đón đường nghênh tiếp.
Chim Anh Vũ chúa vào giữa đêm đó liền mạng chung, sanh lên cõi Trời Đao lợi. Thiên nhân liền nghĩ rằng: Mình làm phước thiện gì mà sanh đến cõi Trời này? Sau khi quán sát nhân duyên liền trở về báo đáp ân đức của Thế tôn.
*
Thiên nhân đầu đội mũ cõi Trời, mang các chuỗi anh lạc. Thân tướng trang nghiêm, tay ôm hương hoa mà cúng dường Đức Phật; xong rồi lùi lại ngồi về một bên. Đức Phật liền thuyết cho nghe về pháp Tứ đế, tâm ý hiểu thông suốt đạt đến quả Tu-đà-hoàn. Thiên nhân đi quanh Đức Phật ba vòng rồi quay trở về cõi Trời.
Lúc ấy các Tỳ kheo thưa với Đức Phật rằng: Vị Trời này tạo nghiệp gì mà sanh trong loài chim Anh Vũ? Lại tu phước gì mà được sanh lên cõi Trời? Nhân duyên gì đến cúng dường Đức Phật, nghe pháp, đạt được quả vị như vậy?
Đức Thế tôn bảo với các Tỳ kheo: Trong Hiền kiếp này ở nước Ba-la-nại, có Đức Phật xuất thế danh hiệu là Ca-diếp. Ở trong giáo pháp của Ngài có một Trưởng giả thọ trì năm giới; Nhân vì lỡ hủy phạm một giới, cho nên sanh trong loài chim Anh Vũ. Do bốn giới còn lại nghiêm giữ nên nay được gặp ta xuất gia đắc đạo.
Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Cần phải biết rằng Ưu Bà tắc lúc ấy, nay chính là Chim Anh Vũ. Các Tỳ kheo nghe lời Đức Phật đã thuyết đều hoan hỷ vâng mạng thực hành”.
Công đức cúng dường Thuốc
Theo Kinh Phú Pháp Tạng: “Chín mươi mốt kiếp sau khi Đức Phật Tỳ-bà-thi nhập Niết-bàn. Có một Tỳ kheo mắc bệnh đau đầu. Bạc-câu-la lúc bấy giờ làm một người nghèo. Ông thấy Tỳ kheo bị bệnh liền mang đến một trái Ha lê Lặc cúng dường. Nhờ phước ấy nên trong chín mươi mốt kiếp luôn sanh trong cõi Trời người; được phước báo vui sướng, không bệnh tật. Kiếp cuối cùng sanh vào một gia đình Bà-la-môn, mẹ đã mất sớm, cha lại cưới vợ khác.
Bạc-câu-la tuổi nhỏ, thấy mẹ kế làm bánh nên đi theo. Người mẹ kế ganh ghét, liền tóm Bạc-câu-la ném vào trong chảo rán bánh; chảo rán tuy nóng nhưng không thể nào đốt cháy làm hại được. Người cha từ bên ngoài đi vào, thấy Bạc-câu-la ở trong chảo nóng vội ẵm con ra.
Người mẹ kế sau đó nấu thịt trong nồi lớn. Lúc ấy Bạc-câu-la đi theo đòi thịt; mẹ kế giận dữ liền tóm lấy ném vào trong nồi nước sôi; nước sôi cũng không đun nhừ cậu bé được. Người cha tìm con không thấy, bèn cất tiếng gọi. Bạc-câu-la nghe tiếng cha gọi, từ trong nồi đáp lại. Cha lại vội vàng bế ra, thấy con vẫn khỏe mạnh, không bị gì.
*
Mẹ kế bắt Bạc-câu-la đi về phía dòng sông rồi than: Vật này là loại yêu quái gì mà lửa cháy nước sôi không làm hại được! Than rồi ném xuống sông. Dưới sông có con cá lớn nhìn thấy liền nuốt vào bụng. Bạc-câu-la nhờ phước duyên cho nên vẫn yên lành không chết.
Ít hôm sau có người bắt được con cá này, mang đến chợ bán. Nhưng gã đòi giá cao nên không có người nào mua. Chiều tối, cá sắp ươn thì cha của Bạc-câu-la trông thấy liền mua về. Khi lấy dao mổ bụng cá thì nghe có tiếng trẻ trong bụng cá cao giọng bảo: Cha làm chầm chậm, đừng làm cho con bị tổn thương. Người cha phanh bụng cá rồi ôm con mà đưa ra ngoài.
Bạc-câu-la lớn lên liền cầu Phật xuất gia, đạt được quả vị A-la-hán. Từ lúc sanh ra cho đến lúc già nua, 160 tuổi mà chưa có bệnh tật gì. Nhờ cúng dường vị thuốc cho nên được cảm báo Trường thọ, năm chỗ không chết được:
- Chảo nóng không thể cháy.
- Nồi luộc không nát.
- Nước chìm không thể chết.
- Cá nuốt không thể tiêu.
- 5ao cắt không thể hại.
Bởi vì nhân duyên này, người trí cần phải làm sự việc như vậy.
Công đức cúng dường thức ăn: Đức Phật hóa độ người ác
Thập Tụng Luật có chuyện: “Trong thành Vương-xá có cư sĩ tên là Thi lợi cừu đa. Ông này rất giàu có, là đệ tử ngoại đạo của Bà-la-môn. Người này luôn luôn nghi ngờ sa môn Cù đàm có tất cả trí tuệ hay không?
Một hôm ông ta đến chỗ Phật thưa rằng: Sa môn Cù đàm! Ngày mai mời đến nhà tôi dùng cơm!
Đức Phật biết người đó thích hợp để hoá độ cho nên lặng lẽ nhận lời thỉnh cầu. Cư sĩ về nhà bày cơm ở trong; giữa cổng ngoài làm hầm lửa lớn, lấy cát phủ phía trên; sau đó đi vào nhà bày chỗ ngồi đơn sơ; lại dùng chất độc trộn vào thức ăn, tâm nghĩ miệng nói: “Cù đàm nếu như người có tất cả trí tuệ thì phải biết điều này. Nếu không phải là người có tất cả trí tuệ thì sẽ rơi xuống hầm lửa này và trúng độc mà chết.
Bày tiệc xong, ông ta sai người đến thưa mời Đức Phật cùng tăng chúng. Đức Phật bảo với A-nan: Bảo cho các tỳ kheo đi phía sau Đức Phật!
Đức Phật khoác y ôm bát đi phía trước, Tỳ kheo theo sau đi vào nhà Thi-lợi-cừu-đa. Đức Phật biến hầm lửa thành hồ hoa sen, nước sạch tràn đầy và mát lạnh. Trong hồ các loại hoa sen che kín trên mặt nước.
*
Lúc ấy đức Phật và chúng Tăng đều đi trên hoa sen bước vào nhà; ngồi vào chỗ rồi biến hoá làm cho mọi thứ trở thành rực rỡ. Đức Phật bảo với Thi-lợi-cừu-đa rằng: Ông nên phá trừ nghi ngờ trong tâm, ta thật sự là người có đủ mọi trí tuệ.
Cư sĩ này trông thấy hai thần lực biến hoá, tín tâm phát sinh, liền bạch với Đức Phật rằng: Thức ăn này có thuốc độc Đức Phật không thể ăn đước!
Đức Phật dạy: Bố thí thức ăn này cho Tăng không mắc phải bệnh tật gì đâu.
Đức Phật bảo với A-nan: Tuyên lệnh trong Tăng, chưa xướng lên cùng dâng cúng thì không một ai được ăn. Sau đó đức Phật chú nguyện: “Dâm dục sân giận ngu si là chất độc của thế giới này. Đức Phật có pháp chân thật, cho nên mọi chất độc đều được loại trừ, thức ăn lặp tức thanh tịnh.”
Lúc này cư sĩ đi lấy nước rửa tay cho chúng Tăng sau quỳ trước Phật nghe pháp; ngay nơi chỗ ngồi đạt được pháp nhãn tịnh.
Đức Phật trở về liền đem sự việc này tập hợp tăng chúng dạy rằng: Từ nay về sau không được đi ở trước Phật và đi trước Hòa thượng-Sư tăng-Thượng Tọa. Chưa xướng lên cùng dâng cúng thì không được ăn”.
( Công đức cúng dường thức ăn – Theo Pháp Uyển Châu Lâm )
Tuệ Tâm 2022.
Để lại một bình luận