Treo ảnh Phật trong nhà là việc nên làm. Việc này ngoài gieo duyên với các chúng sanh vô hình, còn khiến chúng ta luôn nhìn thấy Phật để nhắc tâm hướng Phật, không quên đường giải thoát. Tuy vậy, người treo ảnh Phật trong nhà nhất định phải biết điều này: Nơi nào có ảnh Phật, tượng Phật, kinh Phật, tất nơi đó có Phật và chư tôn Long Thần Hộ Pháp! Vậy nên ảnh Phật cần được treo ở nơi thanh tịnh, sạch sẽ. Nếu chẳng được như thế tất sẽ vướng phải lỗi khinh nhờn, điều này chẳng thể không biết.
Tổ Ấn Quang dạy: “Đức Phật đã diệt độ, chỉ còn kinh tượng và tranh ảnh tồn tại. Nếu coi tượng bằng đất, gỗ, vàng, sơn, tranh ảnh v.v… là Phật thật, sẽ diệt được nghiệp chướng, phá phiền hoặc, chứng tam muội xuất sanh tử. Nếu coi là đất, gỗ, vàng, sơn vẽ v.v… thì chỉ là đất, gỗ, vàng, sơn vẽ mà thôi; Khinh nhờn đất, gỗ, vàng, sơn vẽ thì không mắc lỗi gì. Nếu khinh nhờn tượng Phật bằng đất, gỗ, vàng sơn vẽ thì tội ngập trời.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Cách sám hối tại nhà.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Cầu siêu thế nào là đúng chánh pháp.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
*
Chẳng riêng gì ảnh Phật mà phàm những thứ đeo giắt trên thân như chú Lăng Nghiêm, vòng đeo có in chú hoặc lục tự hồng danh v.v… Khi nằm nghỉ, lúc đại tiểu tiện nên cởi ra. Chỉ khi gặp cảnh nguy hiểm cùng cực là có thể không cần tháo ra. Nếu lúc bình thường không nguy hiểm vẫn không bỏ ra, sẽ trở thành cái tội khinh nhờn không thể kể xiết được!”
Cái hại của lỗi khinh nhờn này không hề đơn giản. Tổ Ấn Quang thường dạy: “Muốn được lợi ích thật sự nơi Phật pháp, phải cầu nơi cung kính. Có một phần cung kính liền tiêu được một phần tội nghiệp, tăng một phần phước huệ. Có mười phần cung kính, tiêu được mười phần tội nghiệp, tăng mười phần phước huệ”. Nếu chẳng cung kính mảy may thì tụng kinh niệm Phật tuy chẳng phải là không được mảy may lợi ích nào, nhưng trước hết phải chịu cái tội khinh nhờn, đọa lạc trong tam đồ bao nhiêu kiếp! Tội trả hết rồi, sẽ nhờ vào nhân lành ấy lại được nghe pháp, tu đạo, ăn chay, niệm Phật, cầu sanh Tây Phương, liễu sanh thoát tử.”
Treo ảnh Phật trong nhà như thế nào là đúng pháp
Muốn treo ảnh Phật trong nhà, bạn cần chọn nơi cao ráo sạch sẽ. Chớ xem ảnh Phật như tranh ảnh hoặc đồ trang trí bình thường. Tại sao thế? Bởi đức Phật là cha lành của Tam giới, là bậc đạo sư của Trời người, được chư Thiên và Long Thần Hộ Pháp phát nguyện hộ trì. Bất cứ nơi đâu có hình tượng Phật, tất nơi đó có sự hiện diện của các Ngài, chỉ là, chư vị ở trong vô hình nên mắt phàm chẳng thấy biết đó thôi. Đây là bản nguyện hộ trì chánh pháp của các Ngài thủa mới phát tâm. Do vậy: Nếu ta phát tâm cung kính tất được chư vị hộ trì, bằng ngược lại tất bị chư vị phẫn nộ trách phạt.
Có nên treo ảnh Phật trên bàn thờ gia tiên?
Nhiều bạn đọc nhắn hỏi: Có nên treo ảnh Phật trên bàn thờ gia tiên không? Tuệ Tâm bảo: Ảnh hoặc tượng Phật nếu thỉnh về nhà, nên treo riêng ở một nơi cao ráo, thanh tịnh, hoàn toàn tách biệt với các bàn thờ khác trong nhà là tốt nhất. Chỉ treo ảnh Phật trên bàn thờ gia tiên nếu như:
- Nhà ở hoặc chung cư có diện tích quá bé, quá chật chội, không có không gian riêng để thờ Phật.
- Ngày giỗ chạp, lễ tết trong năm, gia đình chỉ cúng chay, không cúng mặn.
- Hằng ngày trong nhà có người hoặc niệm Phật, hoặc tụng kinh, hoặc trì chú.
Như thế, nếu bạn hàng ngày có tu trì và ở trong hoàn cảnh không đặng đừng được, thì hẵng nên treo ảnh Phật trên bàn thờ gia tiên. Còn không thì cứ chí tâm ngoảnh mặt sang hướng Tây mà hoặc niệm Phật, hoặc tụng kinh, hoặc trì chú là tốt nhất. Tâm luôn hướng Phật quan trọng hơn hình tướng và hoàn cảnh. Bởi vậy trong niệm Phật Thập Yếu, Ngài Thiền Tâm dạy: “Sự nóng bức, ồn ào, uế tạp, hoặc chỗ quá rét lạnh hay nhiều trùng kiến muỗi mòng, gọi là chướng cảnh. Gặp cảnh này cũng nên uyển chuyển, đừng chấp theo hình thức, chỉ cầu được an tâm.
*
Chẳng hạn như ở cảnh quá nóng bức, chẳng ngại gì mặc áo tràng mỏng lễ Phật, rồi ra ngồi chỗ mát mà trì niệm, đến khi xong lại trở vào bàn Phật phát nguyện hồi hướng. Hoặc gặp chỗ nhiều muỗi, có thể ngồi trong màn thưa mà niệm Phật. Như ở miền bắc Trung Hoa vì thời tiết quá lạnh, các sư khi lên chánh điện tụng kinh, cũng phải mang giày vớ và đội mũ cẩn thận.
Có hàng Phật tử vì nhà nghèo, làm lụng vất vả, đi sớm về khuya, hoặc nợ nần thiếu hụt, rách rưới đói lạnh, vợ yếu con đau, không có chỗ thờ cúng trang nghiêm. Trong hoàn cảnh ấy sự tu tập thật ra rất khó, phải có sự nhẫn nại cố gắng như bà lão ăn xin niệm Phật, mới có thể thành công. Hoặc có người vì nhiều chướng nghiệp, lúc không tu thì thôi, khi sắp vào bàn Phật lại nhức đầu chóng mặt sanh đủ chứng bịnh, hay có khách viếng thăm và nhiều việc bất thường xảy đến.
Gặp những cảnh như thế, phải cố gắng và khéo uyển chuyển tìm phương tu hành. Sự cố gắng uyển chuyển tùy trường hợp sai biệt mà ứng dụng không thể nói ra hết được. Nên nhớ gặp hoàn cảnh bất đắc dĩ, phải chú trọng phần tâm đừng câu nệ phần tướng mới có thể dung thông. Cõi Ta Bà ác trược vẫn nhiều khổ lụy, nếu không có sức cố gắng kham nhẫn, tất sự tu hành khó mong thành tựu.
Có nên treo ảnh Phật trong phòng ngủ hoặc nhà tắm?
Một bạn đọc hỏi: “Tôi nghe một Thầy dạy: Có thể treo ảnh Phật trong phòng ngủ hoặc nhà tắm. Việc này tốt và chẳng ảnh hưởng gì. Theo ý Tuệ Tâm thì thế nào?” Tuệ Tâm đọc xong mà thất kinh hồn vía! Thật không tưởng tượng nổi lại có Thầy nào dạy người như thế? Thật là điên đảo quá sức tưởng tượng!
Treo ảnh Phật như thế, trừ phi bạn đã đắc được “Như huyễn tam muội”, bằng không chớ dại dột mà rước họa vào thân. Bởi khi chứng được Như Huyễn Tam Muội, mới thấy mọi hình tướng thực là hư giả. Bằng chưa được như thế, vẫn thấy mọi hình tướng là thật, vẫn bị nó chi phối. Như vẫn còn biết khổ biết vui; Vào mùa nắng vẫn khó chịu về sự nóng bức, mùa đông vẫn thấy mình co ro trong giá lạnh; Cho đến việc rất nhỏ như con kiến, con muỗi cắn đốt cũng vẫn còn bị đớn đau…Như thế thì tốt nhất, bạn vẫn nên nghe lời cha ông ta đã dặn: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành.”
Đây có thể là ý vị Thầy này muốn phá chấp cho học trò mà dạy như thế. Vậy nhưng kể cả là để phá chấp, cũng không nên dạy người thực hiện hành vi bất kính! Những câu chuyện cuối bài là điển hình để cảnh báo ta về hậu quả của tội bất kính. Bạn nếu vẫn muốn treo hình Phật nơi bất tịnh như nhà tắm hoặc phòng ngủ, xin hãy đọc qua một lần rồi hẵng quyết định cũng chưa muộn…
Treo ảnh Phật trong nhà: Thận trọng với Kinh sách
Trong Báo Ứng Hiện Đời, Ngài Quả Khanh kể:
Năm 1995, có Ni cô làm trong Ban phiên dịch Kinh thuộc một tự viện ở Mỹ, cô đến hỏi Quả lâm:
– Không biết vì sao mấy ngày nay trong người cảm thấy không khỏe?
Quả Lâm hỏi:
– Có phải trong phòng chứa nhiều Kinh Phật?
– Đương nhiên rồi. Tôi làm công tác phiên dịch Kinh mà.
– Nhưng bình thường cô để kinh rất lôn xộn?
– Kinh sách nhiều quá, nên tôi không chú ý đến.
– Vậy sư hãy về kiểm lại xem, nếu thấy Kinh sách để trên bàn mà có quyển nào bị rớt xuống, thì hãy lượm lên sắp cho ngay ngắn. Như vậy thì chỗ bệnh nơi thân sẽ lành.
– Vậy sao? Để tôi về kiểm xem. Việc này hệ trọng như vậy ư?
*
– Kinh là pháp bảo hiện hữu, giống như có Phật tại đó, do vậy mà được Thiên Long Bát Bộ hộ vệ. Nên khi có quyển Kinh rơi xuống, dù sư không biết, nhưng hiện vẫn có một vị Thần Hộ Pháp đang đứng đó hai tay nâng đỡ mãi. Vị Thần này phải ở tại đó suốt mấy ngày nay rồi. Sư rất có lỗi vì đã khiến cho Thần Hộ Pháp không thoải mái; Như vậy thì sao bản thân sư dễ chịu được chứ? Mong sư từ nay về sau, đối với Kinh sách phải hết sức chú ý cẩn thận. Cất giữ nên tôn kính, trân trọng hết lòng…
Ni cô này về Chùa kiểm xem, thì thấy quả thực có quyển kinh trên bàn bị rớt xuống, nên vội chỉnh lại và sám hối trước Phật. Sau đó cô hướng Thần Hộ Pháp xin lỗi, thì bệnh đau trên thân liền lành.
Mọi người thử nghĩ xem, đối với Tam Bảo, không phải do ác ý vô tình mà lỡ phạm sai sót cũng còn lãnh ác báo, huống nữa là những ai cố ý phá hoại kinh tượng…Không cung kính Tam Bảo, thì hậu quả có thể tưởng tượng được.
Treo ảnh Phật trong nhà: Tu hành không giữ giới
Năm 2002, tôi cùng mấy pháp hữu cùng đến một ngôi Chùa ở Hà Nam. Nghe người trong Chùa kể: Căn gác nhỏ ở phía sau Chùa dành cho khách tăng du phương đến trú ngụ hay có Quỷ náo. Nhiều người vào đó ở, nửa đêm thường nghe tiếng đập cửa, họ giật mình thức giấc: Đi ra mở thì không thấy ai…Còn nữa, đang nằm trên giường thì bị khiêng xuống…Khiến họ phát khiếp nên chẳng dám trú trong đây.
Có người nói việc này là do những vị tăng quá cố làm ra! Chùa cũng đã tổ chức đại lễ cầu siêu, nhưng các trò quấy phá này vẫn diễn ra như cũ.
Chúng tôi liền đến đấy quan sát thì phát hiện: Té ra Long Thần Hộ Pháp đang ở trong đó.
Tôi hỏi:
– Là các ông quấy phá bọn họ phải không?
Thần đáp:
– Phải! Tôi rất giận!…Đối tượng bị tôi phá toàn là những kẻ thọ cúng dường mà không lo tu! Chúng tôi rất giận và không muốn làm hộ pháp cho họ nữa! Không nói chi xa, Ngài thử hỏi họ xem: Hôm qua ngày 19/6 là lễ vía Bồ Tát Quán Âm, vậy họ đã làm gì, tu ra sao? Toàn là tu qua loa, xấu bát nháo hồ đồ, không ra thể thống gì cả!
*
Tôi bảo:
– Tức giận có ích gì? Không lẽ các ông dọa cho Tăng nhân chạy hết, khiến chùa không còn ai, là giải quyết được vấn đề hay sao? Từ rày, đừng có phá như vậy nữa.
Mặc dù Thần Hộ pháp chịu đáp ứng yêu cầu, trong Chùa không còn xảy ra cảnh quấy phá…Nhưng tâm tư tôi bỗng trở nên nặng nề, buồn bã.
Hiện nay là thời mạt pháp. Chúng ta là đệ tử Phật, không nên mong ngóng cầu thu tiền làm Phật sự, mà nên cầu cho mình: Trì giới tinh nghiêm, oai nghi chuẩn mực. Được vậy thì tự nhiên sẽ khiến Trời, người hoan hỉ, Long Thần vui vẻ hộ trì. Nếu không, sẽ bị quỷ thần và Long Thần Hộ Pháp nhìn nửa mắt, coi khinh!
*
Bất kể Thiện Long hay Ác Long, đều có tâm sân nhiều hay ít. Ngay tại cửa sông Tiền Đường, hằng năm thường có Thủy triều dâng, cuốn đi sinh mạng nhiều người.
Nhớ lại năm 1993, xảy ra sự cố đám đông đi ngắm sóng bị thủy triều cuốn mất. Lúc đó Quả Lâm quan sát: Thấy thần thức những người vừa chết này đều ở tại Long Cung (bị trói nằm trên đất). Quả Lâm hỏi Long Vương:
– Vì sao bắt họ?
Long Vương thịnh nộ đáp:
– Cho bọn họ sống để tuyên truyền cổ súy ăn giết dân chúng Thủy tộc của ta hay sao? Họ đã ăn vô số loài thủy tộc của ta rồi!
Quả Lâm hỏi:
– Nhưng vì sao Long Vương lại cho một người được tồn sinh và nổi sóng đưa họ vào bờ?
– Vì người này chỉ ưa tụ tập theo đám đông náo nhiệt, ngắm sóng vui chơi, chứ bản thân y hoàn toàn không tạo nghiệp sát. Trên Địa cầu sở dĩ xảy ra các tại nạn sóng thần..vv…Thảy đều có liên quan đến việc phóng túng sát sinh, là do những người thọ nạn đã tạo nghiệp sát quá nặng. Ai sống ra sao, làm thế nào, liếc qua một cái là biết ngay!
(Treo ảnh Phật trong nhà như thế nào là đúng pháp)
Tuệ Tâm 2021.
Chơn Diệu Phương viết
Nam Mô A Di Đà Phật! Con kính chào ngài Tuệ Tâm ạ! Con có duyên được biết đến trang này và đọc những chia sẻ cũng như các câu trả lời của ngài mà con thấy thật may mắn vô cùng . Nói về chủ đề treo ảnh phật trong nhà thì con cũng có câu hỏi muốn nhờ ngài Tuệ Tâm chỉ giáo giúp con. Khoảng vài năm trước con có được 1 người quen tặng bức ảnh Phật Ngọc . Con có mang đi đóng khung và chồng con đã treo ở phòng khách với ý là ảnh phật đẹp thế thì treo như vậy để được chiêm ngưỡng . Nên con cũng ko phản bác, cứ như thế mỗi sáng con đi làm con thường xá phật rồi mới ra khỏi nhà. Nhưng đến tầm cuối năm ngoái con có thêu 1 bức bồ tát với tâm nguyện treo lên sảnh tầng 3 để tiện cho việc lạy phật mỗi sáng. Thế nhưng hôm nhận tranh con đang ở khu cách li nên chồng con lại treo ở phòng khách . Con nghiệp nặng nên việc tu tập cũng chưa đc chồng con ủng hộ thành ra việc này con ko muốn nhắc nhiều lần dễ gây tranh cãi . Bây giờ mỗi sáng ra khỏi nhà con thường xá Phật Ngọc rồi xá Bồ Tát xong là đi làm. Nhưng con vẫn cảm thấy có lỗi. Xin ngài Tuệ Tâm giúp con ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Học Phật phải biết uyển chuyển, tùy thuận theo hoàn cảnh của mình: Trước gia đình phải an yên sau mới đến việc giải thoát. Cho nên bạn không nhắc chuyện để tránh gây tranh cãi là đúng rồi, nên như thế!
Việc chồng treo ảnh Phật ở phòng khách ấy âu cũng là chướng duyên của bạn, phải gắng an nhẫn, siêng năng nhớ Phật niệm Phật, cầu Phật gia bị cho mọi việc sớm được như ý nguyện. Mình chân thực học Phật thì một thời gian sau, thân tâm đều thay đổi: Thân sáng rỡ ít bệnh, tâm từ bi tăng trưởng nên tham sân si ít sanh khởi…khi ấy ai gặp cũng tự nhiên sanh tâm yếu mến. Cứ siêng năng niệm Phật, đến lúc nào đó cũng sẽ sớm cảm ứng được Tam bảo gia bị, khiến chồng được cảm hóa mà thôi, không có gì phải lo lắng cả đâu!
Bạn cũng nên đọc bài Cách niệm Phật tại nhà và bài Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân để nắm vững yếu chỉ niệm Phật hằng ngày nhé.
Mong Tam Bảo gia bị cho bạn sớm được an vui. Nam mô A Di Đà Phật.
Chơn Diệu Phương viết
Vâng ạ! Con cảm ơn ngài Tuệ Tâm rất nhiều ạ! Con sẽ cố gắng ! Con chúc ngài Tuệ Tâm luôn khỏe mạnh và an lạc trong ánh từ quang của mười phương chư Phật gia hộ. Nam Mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Hằng viết
Thưa thầy, nhà con phòng thờ khá nhỏ, đã có 1 ban thờ gia tiên, con muốn treo ảnh Phật Di Đà để thờ cúng thì phải treo như thế nào ạ, phải mua ban thờ riêng đặt cạnh đó với 1 bát hương hay treo lên cao trên ban thờ tổ tiên có 3 bát hương rồi ạ? Bát hương có thể tự mình bốc ko ạ? Nếu treo trên cùng ban thờ gia tiên thì ngày rằm mùng 1 có được lễ mặn cúng ko ạ?
Mong thầy chỉ dẫn con ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Những việc bạn hỏi, thật ra trong bài viết rõ cả rồi, tại bạn chưa đọc kỹ đó thôi. Nhà bạn thường cúng mặn thì chớ treo ảnh Phật phía trên bàn thờ gia tiên. Nên mua 1 bàn thờ mới, dạng treo, kích thước nhỏ thôi. Chọn vị trí nào mà bạn cảm thấy tốt lành nhất thì treo ảnh Phật lên cao, bàn thờ cũng cao hơn bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ Phật chỉ để 1 bát hương, 1 chung nước, 1 lọ cắm hoa và 1 dĩa đựng hoa quả. Bát hương bạn có thể tự bốc, chỉ cần giữ tâm thanh tịnh cùng niệm Phật là được, không cần phải đi thỉnh bát hương ở đâu cả. Ngày giờ thì cứ hôm nào thuận tiện thì treo bàn thờ, không phải chọn ngày gì cả. Thờ Phật trong nhà nên sớm làm, diệu dụng vô cùng tận!
Khuyên bạn thật lòng: Chớ cúng mặn gia tiên, việc này gây hại cho Tổ tiên vô cùng tận. Thế gian chẳng biết rằng mỗi khi cúng mặn, tổ tiên bị nghiệp chồng thêm nghiệp, họ phải thọ khổ thêm rất nhiều lần và cực khó được siêu thoát! Trên web này có nhiều bài đã viết về chủ đề ấy, bạn chịu khó tìm đọc để nắm rõ hơn nhé! Nam mô A Di Đà Phật.
Đặng Thúy viết
Nam Mô A Di Đà Phật!
Dạ con kính chào thầy ạ! Nhà con trường chay nên cúng gia tiên cũng là cúng chay ạ. Con thấy ảnh Tây Phương Tam Thánh rất đẹp, vậy con có thể treo ảnh Tây Phương Tam Thánh trên bàn thờ gia tiên có được không ạ hay con treo ảnh Đức Phật A Di Đà ạ. Dạ con mong thầy chỉ dạy ạ. Con xin tri ân công đức của thầy ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nhà bạn ăn chay, cúng chay nên treo ảnh Phật trên bàn thờ gia tiên được, nhớ thêm là đừng dùng vàng mã gì cả nhé. Ảnh Tây Phương Tam Thánh hay ảnh Phật A Di Đà đều diệu dụng như nhau, bạn có cái nào thì treo cái đó. Chỉ lưu ý rằng: Nên chọn ảnh nào đẹp, tướng hảo của Phật từ bi trang nghiêm. Đức Phật nào cũng có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp tùy hình, thế nhưng ngày nay người ta vẽ tranh ẩu nên có những hình Phật rất xấu, chớ nên treo trong nhà.
Đặng Thúy viết
Nam Mô A Di Đà Phật!
Dạ con cảm ơn thầy ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Ngọc Thảo viết
Nam Mô A Di Đà Phật! Con kính chào Ngài Tuệ Tâm ạ! Xin Ngài hoan hỷ giải đáp câu hỏi của con ạ.
Nhà con có 1 bàn thờ Phật trong phòng khách, đặt ở phía bên bàn thờ gia Tiên và bàn thờ Phật đã nằm chính giữa nhà. Trên bàn thờ, có 1 lư hương, 1 chung nước, 1 lọ hoa, 1 dĩa trái cây rồi.
Nay, con có thỉnh một bức tranh dạng treo của Ngài Địa Tạng Vương Bồ Tát. Con tính treo bức tranh phía bức tường bên cạnh (không phải treo chính giữa nhà). Vậy con có cần lập bàn thờ bên dưới tranh: đèn, nhang, hương hoa gì không ạ?
Mỗi ngày, con vẫn sẽ vái lạy trước tranh Bồ Tát Địa Tạng. Còn nhang, hương, hoa, chung nước con có thể chỉ để ở mỗi bàn thờ Phật được hay không? Không cần để dưới tranh Ngài Địa Tạng được không ạ? Như vậy có bị xem là thờ Ngài Địa Tạng mà không đủ lễ, không thành tâm không ạ?
Mong Ngài hoan hỷ giải đáp giúp con. Con cám ơn Ngài nhiều.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nhà đã có bàn thờ Phật rồi nên bạn cứ treo ảnh Ngài Địa Tạng ở bức tường ấy, không cần phải lập thêm bàn thờ làm gì cả! Hằng ngày thay nước, cắm hoa, thắp nhang ở bàn thờ Phật là đủ, đừng bày vẽ thêm làm gì, rối rắm không cần thiết. Ta thờ Phật là để nhắc mình luôn nhớ Phật niệm Phật, nhớ đến sanh tử đáng sợ mà không quên đường giải thoát. Cái tâm hướng về giải thoát ấy quan trọng gấp vạn lần lễ lạt.
Chỉ lưu ý rằng vì bàn thờ gia tiên ở phía dưới bàn thờ Phật, cho nên ngày giỗ chạp cũng chỉ nên cúng chay, đừng cúng mặn nhé!
Ngọc Thảo viết
Dạ con xin cám ơn nhiều ạ.
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ mẫn viết
Con xin hỏi nhà con có bàn thờ Bồ tát Quán thế âm, hàng ngày con vẫn tụng kinh địa tạng nay con muốn rước ảnh Đại tạng bồ tát có đc ko ah. Xin thầy hoan hỉ chỉ cho con ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn xét xem nếu nơi thờ cúng rộng rãi, có thể đặt thêm ảnh Ngài Địa Tạng thì đặt, nếu không thì thôi. Ngài Quán Thế Âm là cổ Phật, Ngài Địa Tạng là thầy của nhiều vị Phật, chỗ chứng đắc đồng như Phật không khác. Mà chư Phật đồng một pháp tánh nên bạn thờ 1 vị Phật cũng đồng như thờ Tam thế chư Phật vậy.