Bồ Tát là gì? Bồ Tát là tiếng Phạn, nói đủ là Bồ Ðề Tát Ðỏa. Bồ Ðề là giác, Tát Ðỏa là hữu tình. Như vậy, Bồ Tát là bậc đã giác ngộ, đã không còn bị sanh tử luân luân hồi chi phối. Ngài dùng phương pháp và đạo lý giác ngộ, đi giác ngộ những hữu tình khác, giúp chúng hữu tình lìa khổ được vui như mình.
Chúng ta thường nghe đức Phật nói về các vị Bồ Tát trong Kinh. Tuy vậy lại hiếm người thấu rõ được nghĩa: Bồ Tát là gì? Tại sao gọi là Bồ Tát? Công hạnh của các Ngài thế nào, việc độ sanh của các Ngài ra sao. Ta hãy lắng lòng nghe Hóa Thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, Ngài Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng đại lược về Bồ Tát.
- Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả.
- A Nan Tôn Giả.
- Chú Đại Bi Tâm Đà Ra Ni.
- Kinh Đại Bi Tâm Đà Ra Ni
- Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Bồ Tát là gì
Một vị Bồ Tát giác ngộ hữu tình, tức cũng là trong hữu tình Bồ Tát là một vị giác ngộ. Ngài dùng phương pháp đạo lý giác ngộ, đi giác ngộ những hữu tình khác. Ngoài ra, còn có hai tên gọi khác là Chúng sinh đại đạo tâm, hoặc là Khai Sĩ. Bậc đại Bồ Tát có đầy đủ bảy Đại.
Bảy Đại của bậc Bồ Tát
1. Ðủ đại căn cơ
Căn cơ của Bồ Tát sâu rộng vô cùng. Ngài gieo trồng gốc công đức từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay. Ngài đã trồng xuống căn lành sâu rộng quảng đại, căn lành nầy gọi là gốc công đức. Căn lành Ngài trồng xuống nhiều vô lượng vô biên, cho nên nói là gieo trồng các gốc công đức.
Hơn nữa chẳng phải chỉ trồng căn lành ở nơi một vị Phật, hai vị Phật, ba, bốn, năm vị Phật, mà là giống như trong Kinh Kim Cang có nói: “Ở nơi vô lượng bô biên trăm ngàn vạn ức vị Phật, nhiều như số cát sông Hằng, đều đã từng gieo trồng các căn lành.” Ở trước vô lượng vô biên trăm ngàn vạn ức vị Phật, nhiều như số cát sông Hằng, đều đã từng gieo trồng các căn lành.
2. Ðủ đại trí huệ
Ngài phát đại bồ đề tâm rộng độ tất cả chúng sinh. Tuy độ khắp tất cả chúng sinh, nhưng chẳng chấp tướng độ chúng sinh, đó tức là đại trí huệ. Trong Kinh Kim Cang có nói: “Loài sinh bằng trứng, bằng thai, bằng ẩm ướt, bằng biến hóa; Loài có sắc, không sắc, có tưởng, không tưởng, chẳng có tưởng, chẳng không tưởng; Ta đều khiến cho vào Vô Dư Niết Bàn mà diệt độ. Diệt độ như vậy vô lượng vô số vô biên chúng sinh, mà thật chẳng có chúng sinh nào được diệt độ.” Chẳng có một chúng sinh nào là Phật độ, mà chúng sinh đều tự độ vậy.
Nghĩa là: Tuy nhiên độ chúng sinh mà chẳng chấp tướng độ sinh. Chẳng giống như chúng ta làm được một việc gì tốt thì tuyên dương: “Tôi độ được bao nhiêu người xuất gia, tôi độ được bao nhiêu người phát tâm tin Phật; Hoặc là người nào đó là do tôi độ, người nào đó là do tôi giới thiệu để tin Phật.” Ðó là chấp trước tướng. Vì sao chấp tướng? Vì ngu si. Người có đại trí huệ thì chẳng chấp tướng. Bồ Tát thì lìa tất cả tướng, tức là A Nậu Ða La Tam Miệu Tam Bồ Ðề. Nếu không lìa tướng thì chẳng phải là Bồ Tát.
* Bồ Tát là gì *
3. Tin đại pháp
Ðại pháp tức là pháp đại thừa. Bạn phải tin sâu pháp môn đại thừa thật tướng, tin sâu nhân quả, tin sâu trí huệ Bát Nhã. Phật pháp như biển cả, chỉ có niềm tin mới vào được. Nếu bạn thiếu niềm tin, thì dù Phật pháp rộng lớn, cũng không thể độ bạn được.
Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói: “Tin là nguồn gốc mẹ công đức. Nuôi lớn tất cả các căn lành.” Căn lành từ đâu đến? Từ niềm tin đến, từ niềm tin sinh ra, cho nên tin là mẹ của tất cả công đức. Ðại Bồ Tát tin sâu tất cả đại pháp, diệu pháp vô thượng. Nhất là đối với bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nầy, Ngài đặc biệt tin sâu coi trọng. Chúng ta có đại tín tâm chân chánh đối với Phật pháp, thì chúng ta cũng là đại Bồ Tát.
Trong Kinh Kim Cang có nói: “Cho đến trong một niệm sinh niềm tin thanh tịnh, thì phước đức ấy thắng hơn dùng bảy báu bố thí ba ngàn đại thiên thế giới.” Công đức của một niềm tin thanh tịnh của bạn, đồng như dùng bảy báu để bố thí cho tất cả thế giới. Ðức Như Lai hoàn toàn biết tâm niệm nầy của bạn, không thể khiến cho luống qua. Cho nên chúng ta là người học Phật pháp, đều phải đem niềm tin chân chánh ra, mới có thể đắc được sự tương ưng.
4. Hiểu đại lý
Trong Kinh Hoa Nghiêm có nói: Tin, hiểu, hành, chứng. Do đó, hiểu đại lý thì phải y chiếu tín tâm. Trước hết phải tin, sau mới hiểu, rồi thực hành, cuối cùng sẽ chứng đắc. Ðại lý là gì? Tức là minh bạch tất cả chúng sinh vốn là Phật, tức cũng là: “Lý tức Phật” ở trong “sự tức Phật”. Nói theo lý, thì mỗi chúng sinh đều là Phật, nhưng phải tu hành mới thành Phật được. Nếu không tu hành mà cứ nói mình là Phật thì chẳng ích gì.
Ví như bạn tự phong làm vua, suốt ngày tự hô: Ta là hoàng đế! Ta là hoàng đế! Nhưng chẳng có văn võ bá quan đến bảo hộ bạn, chẳng có nhân dân để chi trì. Nếu chẳng có, bạn chỉ là hoàng đế trống rỗng, có ích gì? Cho nên, theo lý mà nói thì tất cả chúng sinh vốn là Phật; Nhưng phải tu hành mới trở về nguồn cội được, nhận thức bộ mặt thật vốn có của mình. Tại sao phải minh bạch chúng sinh vốn là Phật? Vì trí huệ thật tướng không lìa tâm chúng sinh, đều đầy đủ trong mỗi tự tính của chúng sinh, cho nên phải hiểu đại lý.
* Bồ Tát là gì *
5. Tu đại hạnh
Ðại Bồ Tát siêng tu lục độ vạn hạnh: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ.
A. Bố thí: Gồm bố thí tài, bố thí pháp, bố thí không sợ hãi.
- Bố thí tài, lại có: Nội tài (đầu, mắt, tủy, não), và ngoại tài (ngai vàng, vợ con). Hành Bồ Tát đạo là chẳng có tướng ta, chẳng có tướng người. Cho nên Bồ Tát xả bỏ tất cả, bố thí cho mọi người.
- Bố thí pháp, tức là thuyết pháp lợi sinh, vì Chúng sinh mà thuyết giảng Phật pháp. Cho nên người học Phật pháp, đều phải học tập giảng Kinh thuyết pháp, để thuyết giảng cho mọi người nghe. Nếu biết chút ít thì nói chút ít, biết nhiều thì nói nhiều. Tùy theo sự hiểu biết của mình, mà giảng giải cho người nghe, đó tức là bố thí pháp, dùng pháp để bố thí giáo hóa chúng sinh.
- Bố thí không sợ hãi, tức là nếu có người gặp hoàn cảnh bất như ý hoặc tai nạn, trong tâm sợ hại âu lo. Lúc đó bạn an ủi họ, khiến cho họ tiêu trừ hết tất cả sợ hãi lo âu, tâm được yên ổn.
B. Trì giới: Giới có: Năm giới, tám giới, mười giới, mười giới trọng bốn mươi tám giới khinh, giới Tỳ Kheo, giới Tỳ Kheo Ni.
*
C. Nhẫn nhục: Là phương pháp hữu dụng nhất. Nếu bạn nhẫn nhục được, thì giống như lượm được báu vật vậy. Có câu chuyện nầy tôi đã từng nói qua: Có vị tu hành, tu hạnh nhẫn nhục ghi câu “Tính của tôi như tro”, dán lên ở trước cửa. Ý nghĩa câu đó là: Tính của vị đó chẳng còn lửa, chưa bao giờ nóng giận. Vị tu hành nầy, ngày đêm tinh tấn dụng công, tính tình tu rất nhu hòa. Lúc đó, có vị Bồ Tát đến khảo nghiệm đạo hạnh của vị đó. Bồ Tát đến trước cửa của vị đó hỏi:
“Mấy chữ nầy là chữ gì ?”
Ðáp: “Tính như tro.”
Lát sau, Bồ Tát trở lại hỏi nữa: “Tấm đó biên cái gì vậy ? Vì tôi chẳng nhớ rõ.”
Ðáp: “Tính như tro.”
Cứ như thế trở lại hỏi mấy lần, cuối cùng vị tu hành nổi lửa sân lên, lớn tiếng la lớn: “Tính như tro! Tính như tro! Ông có nghe không! Ông có nghe không! Cứ đến nhiễu loạn sự tu hành của tôi.”
Bồ Tát cười nói:”Té ra tro vẫn còn lửa.” Nói xong vọt thân lên hư không biến mất.
Bạn biết vị Bồ Tát nầy là ai chăng? Ðó là Bồ Tát Quán Thế Âm đến khảo nghiệm ông ta. Kết quả tu mấy chục năm tính như tro nhưng vẫn còn lửa. Trước khi Bồ Tát Quán Âm đi có nói: “Ngươi hãy tiếp tục tu hành, hai mươi năm sau ta sẽ đến nữa.” Do đó, đủ thấy nhẫn nhục là việc cực đoan chẳng dễ dàng, quan trọng nhất là chẳng còn nóng giận.
*
D. Tinh tấn: Gồm thân tinh tấn và tâm tinh tấn. Thân tinh tấn là: Lạy Phật, tụng Kinh, trì Chú .v.v., Ngày đêm sáu thời đều tinh tấn dụng công, một phút một giây cũng không giải đãi phóng dật. Chân chánh dụng công chẳng phải cứ giả bề mặt bên ngoài, mà là tự mình chân thật dụng công. Đừng ở trước mặt đại chúng tạo tác, giả vờ. Tâm tinh tấn là luôn luôn siêng tu giới, định, huệ, diệt trừ tham, sân, si.
E. Thiền định: Tham thiền đả tọa thì phải cần tinh tấn để trợ giúp, có tinh tấn thì tất có nhẫn nại; Có nhẫn nại tất tu được công đức, tham thiền đả tọa nhập định. Nếu chẳng tinh tấn, một nóng mười lạnh, tu một ngày, nghỉ mười ngày, thì vĩnh viễn cũng chẳng đắc được thiền định.
* Bồ Tát là gì *
F. Bát Nhã: Bát Nhã là quan trọng nhất, người tu hành phải có trí huệ, thiếu trí huệ thì rất khó tu hành. Người có trí huệ thì bất cứ lúc nào cũng đều dụng công, thấy gì cũng đều là trí huệ, do đó: “Thuý trúc hoàng hoa vô phi Bát Nhã”. Nghĩa là: Trúc xanh hoa vàng đâu chẳng phải là Bát Nhã trí huệ.
Giống như tôi có một đệ tử nói với tôi: “Sư huynh nào đó khi nói chuyện với con thì mắng con”. Mắng ai? Ðó chẳng phải là ngu si chăng! Nếu bạn có trí huệ thì y mắng bạn mà bạn không nhận sự mắng nầy, thì sự mắng nầy trở về y! Ví như có người ngửa mặt lên trời phun nước miếng, nước miếng chẳng bao lâu lại trở về mặt mình. Hoặc là bạn có thể xem như người đó, vì mình mà ca hát, hoặc là nói tiếng ngoại quốc. Như thế thì việc lớn sẽ hóa nhỏ, việc nhỏ chẳng còn nữa, đó mới là thật sự có trí huệ.
Ðừng trách cứ rằng: Y mắng chưởi tôi. Cứu kính: Tôi lại là ai? Bồ Tát chẳng có tướng tôi, chẳng có tướng người, chẳng có tướng chúng sinh, chẳng có tướng thọ mạng, như vậy còn cái tôi chăng. Người xuất gia phải sớm trừ khử cái tướng tôi, đừng để nó tồn tại sẽ có chướng ngại.
*
Bồ Tát còn phải quét sạch ba tâm: Tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai.
Tâm quá khứ: Quá khứ đã qua rồi, cho nên tâm quá khứ không thể đắc được.
Tâm hiện tại: Nếu bạn nói bây giờ là hiện tại, nhưng từng sát na trôi qua không ngừng. Cho nên tâm hiện tại cũng không thể đắc được.
Tâm vị lai: Vị lai thì chưa đến, do đó tâm vị lai cũng không thể đắc được. Nếu bạn đã thấu rõ ba tâm không thể đắc được, thì còn có gì để chấp trước. Không chấp trước tất cả, tức là đắc được giải thoát, được tự tại thật sự.
*
Bồ Tát lại có bốn pháp nhiếp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Bố thí: Bồ Tát phải luôn luôn có tâm bố thí, bố thí khắp cho tất cả chúng sinh.
Ái ngữ: Bồ Tát chẳng có tướng ta, cho nên đối với tất cả chúng sinh thường sinh tâm thương xót, xem chúng sinh như chính mình, chẳng có chút phân biệt ta người. Bồ Tát tự độ độ tha, đối với bất cứ chúng sinh nào, cũng đều dùng lời dịu dàng ôn hòa để đối xử.
Lợi hành: Tất cả chúng sinh đều thích sự lợi ích, cho nên Bồ Tát thường làm việc lợi ích cho chúng sinh.
Ðồng sự: Bồ Tát hóa thân trăm ngàn ức, thấy thân gì độ được họ, thì hiện ra thân đó để độ họ.
Khi Ðức Phật hành Bồ Tát đạo, thì vì muốn độ một bầy nai mà hóa thành thân nai để giáo hóa chúng, đó là một trong những đồng sự.
Hành Bồ Tát đạo thì khó hành mà hành được, khó xả mà xả được, khó nhẫn mà nhẫn được, khó nhường mà nhường được. Ðó là những điều kiện tu hạnh Bồ Tát phải có.
* Bồ Tát là gì *
6. Trải qua đại kiếp
Một kiếp tức là mười ba vạn chín ngàn sáu trăm năm. Một ngàn kiếp hợp lại làm một tiểu kiếp, hai mươi tiểu kiếp làm một trung kiếp, bốn trung kiếp làm một đại kiếp. Vậy Bồ Tát phải tu bao nhiêu kiếp ? Ba đại A Tăng Kỳ kiếp. A Tăng Kỳ là tiếng Phạn dịch là “vô lượng số”. Cho nên làm Bồ Tát chẳng phải là việc dễ dàng, phải trải qua ba vô lượng số đại kiếp thời gian mới thành đại Bồ Tát.
7. Cầu đại quả
Bồ Tát cầu đại quả gì? Ngài cầu quả Vô thượng chánh đẳng chánh giác, tức là thành Phật. Cho nên đại (Ma ha tát) đầy đủ bảy đại ý nghĩa nầy. Trong hội Pháp Hoa nầy có bao nhiêu vị đại Bồ Tát? Có tám vạn người. Tám vạn người nầy đều đắc đại đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác, do đó con đường nầy chỉ tiến về trước, cho nên nói: Ðều không thối chuyển nơi đạo Vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Bồ Tát là gì: Ba Bất thối và Chuyển bánh xe Pháp
Có ba bất thối chuyển.
1. Vị bất thối: Bồ Tát đại thừa không thối lùi về quả vị nhị thừa.
2. Niệm bất thối: Ðại Bồ Tát luôn luôn nghĩ nhớ hành Bồ Tát đạo, tu lục độ vạn hạnh, niệm niệm hướng về trước mà chẳng lui về sau, chưa từng nghĩ: Tôi không hành Bồ Tát đạo, mà làm tự liễu hán! Bồ Tát không bao giờ khởi ý niệm như thế.
3. Hành bất thối: Bồ Tát tinh tấn không giải đãi, chỉ có tiến chứ chẳng có lùi.
Chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển.
Chuyển bánh xe pháp là gì? Bồ Tát thường chuyển bánh xe pháp, tức là chuyển bánh xe pháp bất thối chuyển. Ví như hiện tại chúng ta giảng Kinh thuyết pháp. Hoặc phiên dịch Kinh ra tiếng Anh, tiếng ngoại ngữ khác. Hoặc giới thiệu Phật pháp cho mọi người đều biết, đó đều là chuyển bánh xe pháp.
Tất cả những công việc hoằng pháp, đều gọi là chuyển bánh xe pháp. Cho nên, chúng ta là Phật giáo đồ, đều phải coi công việc chuyển bánh xe pháp là trách nhiệm của mình, đem hết khả năng ra làm. Hơn nữa, hiện tại là thời đại khoa học. Có máy in, máy đánh chữ. Chúng ta lợi dụng những công cụ nầy, lưu truyền rộng rãi những bản Kinh đã dịch ra tiếng ngoại quốc, khiến cho mỗi người đều có phần, đó tức là chuyển bánh xe pháp; Khiến cho Phật pháp chảy mãi không ngừng, vĩnh viễn không dứt.
*
Khi tôi còn thiếu thời tại Ðông Bắc Trung Quốc, học Phật pháp chẳng bao lâu thì thích nhất là in Kinh Phật, in ra mấy trăm mấy ngàn bộ. Mỗi khi vào dịp lễ hoặc ngày sinh nhật của thân nhân bạn bè, thì tôi đều biếu cho họ làm quà; Khiến cho họ sinh ra cảm hứng đối với Phật pháp, đó là tôi chuyển bánh xe pháp bất thối trước kia.
Hy vọng mỗi người đều tận hết khả năng lưu truyền Phật pháp, khiến cho bánh xe pháp chuyển mãi không ngừng. Ðại Bồ Tát cúng dường vô lượng chư Phật. Ở nơi các đạo tràng của chư Phật trải qua vô lượng kiếp, vun bồi các gốc công đức lành. Bạn thường cúng dường Tam Bảo, tức là vun bồi gốc rễ đức hạnh của chính mình. Cho nên, tám vạn vị đại Bồ Tát nầy, thời khắc luôn luôn đều được chư Phật tán thán ca ngợi:”Thiện nam tử ! Ông hành Bồ Tát đạo bất thối chuyển, thật tốt thật không sai !”
Ðại Bồ Tát dùng tâm từ bi giáo hóa chúng sinh, tu dưỡng thân mình. Các Ngài khéo đắc được trí huệ của Phật, thông đạt đắc được đại trí huệ, cho nên đến được bờ kia. Nếu đắc được đại trí huệ thì đến được bờ kia (Ba La Mật). Danh hiệu của tám vạn đại Bồ Tát nầy, vang khắp trong vô lượng thế giới, tất cả chúng sinh thường nghe thường niệm thường biết. Trong tất cả vô lượng vô biên thế giới, Bồ Tát độ giáo hóa vô số trăm ngàn chúng sinh.
(Bồ Tát là gì – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng kinh Pháp Hoa)
Tuệ Tâm 2021.
Để lại một bình luận