A Lại Da Thức còn gọi là Tàng Thức hay Thức Thứ tám. Nguyên Phạn âm của nó là Alaya, Tàu dịch là Tàng Thức. A Lại Da Thức là kho tàng tích chứa tất cả tập khí chủng tử từ vô thỉ kiếp cho đến nay của mỗi chúng sanh. Nó tích chứa tất cả mọi chủng tử, không phân biệt thiện ác, tốt xấu, sanh tử, Niết-bàn, mê ngộ, khổ vui, ngay cả vô ký đều được chứa đựng trong tàng thức này.
Thức này có công năng duy trì chủng tử, căn thân, thế giới và chịu cho các phép hiện hành huân tập vào. Thức này làm ông chủ sanh tử luân hồi của mọi loài hữu tình. Vì khi chúng hữu tình chết thì nó đi sau rốt, còn khi đầu thai thời nó lại đến trước tiên. Điều này hiểu một cách đơn giản là: Khi nhập thai, tàng thức là cái đầu tiên nhập vào khối Yết Lam hình thành bởi tinh cha huyết mẹ. Còn khi ta chết, Thần thức thoát ly cuối cùng. Nó từ nơi nào thoát ra thì chỗ đó nóng sau cùng.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- A La Hán là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Cách cắt duyên âm tại nhà.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
*
Bởi điều này nên Cổ nhân có làm bài kệ tả trạng thái người chết, trong lúc thần thức sắp rời thân xác. Có thể kinh nghiệm về chỗ thoát ra khỏi cơ thể của Thần thức mà biết người chết tái sanh trong cõi giới nào:
Đảnh Thánh, mắt sanh trời.
Người tim, ngạ quỷ bụng.
Bàng sanh ra đầu gối.
Địa ngục lòng bàn chân.
Khi người chết các nơi khác đều lạnh, duy đảnh đầu nóng sau rốt, là kẻ ấy đã sanh về cõi Thánh, cõi Phật; Mắt nóng sau rốt là sanh lên cõi trời; Chỗ tim ngực nóng sau rốt là sanh lại cõi người. Còn nếu ở bụng thì kẻ đó sanh về cõi Ngạ quỷ, ở đầu gối đầu thai vào loài bàng sanh; Ở lòng bàn chân, tất đọa xuống địa ngục. Thần thức thoát ly từ nơi nào, thì chỗ đó nóng sau cùng.
Đại lược về A Lại Da Thức
A Lại Da là âm của tiếng Phạn, Alaya, có nghĩa là cái kho tàng. Tất cả mọi chủng tử không phân biệt thiện ác, tốt xấu, sanh tử và niết bàn; Từ mê ngộ và khổ vui, ngay cả vô ký đều được chứa đựng trong tàng thức này. A Lại Da Thức có khả năng tiếp nhận, duy trì và làm các hạt giống chủng tử tăng trưởng, chuyển biến; Cho đến khi đầy đủ nhân duyên thuần thục chín muồi, thì mới được đi tái sanh vào những thế giới thích hợp với căn nghiệp của mình.
Tùy theo nghiệp lực của mỗi chúng sinh mà được thọ sanh vào trong lục đạo; Hoặc tái sinh về những cõi trời trong những cõi Sắc giới và Vô sắc giới. Nếu nhân trong A Lại Da Thức chứa nhiều chủng tử thiện thì khi đầy đủ nhân duyên sẽ chuyển biến và hiện khởi ra quả báo là người hay là trời. Ngược lại nếu chứa nhiều chủng tử bất thiện thì sẽ hiện khởi ra quả báo trong ba đường ác là súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.
Vì các sự huân tập và chuyển biến trong A Lại Da Thức thật tiềm ẩn và vi tế. Cho nên người chưa đắc đạo không thể biết được mình sẽ thọ thân làm loài gì và ở trong quốc độ nào. Thức thứ tám này cũng còn được gọi là A Đà Na Thức. Vậy cái tên này xuất xứ từ đâu? Trong kinh Giải Thâm Mật có bài tụng rằng:
*
A Đà Na Thức thậm thâm tế.
Tập khí chủng tử như bộc lưu.
Ngã ư phàm ngu bất khai diễn.
Khủng bỉ phân biệt chấp vi ngã.
Dịch là: A Đà Na Thức rất thậm thâm và tế nhị. Các tập khí chủng tử của nó sinh diệt như dòng nước thác. Ta (tức Phật) đối với chúng phàm phu và nhị thừa không nói thức này. Vì sợ chúng phân biệt chấp làm ngã.
Thức này là căn bản của chân và vọng vì thế thánh phàm đều nương ở nơi đây. Do đó A Đà Na Thức rất thâm sâu và tế nhị. Nó chứa nhóm các tập khí chủng tử từ vô thỉ đến nay. Nó làm chủ giữ gìn báo thân của hữu tình chúng sinh sống trong một thời kỳ.
Cũng như dòng nước thác, ở xa thấy như điềm tịnh mà kỳ thật nó chảy rất mau. Chẳng những chúng phàm phu không biết mà ngay cả hàng Tiểu thừa Thanh văn cũng mê lầm thức này. Đức Phật đối với hai hạng này chẳng hề giảng nói đến thức A Đà Na vì sợ họ mê lầm chấp làm Ngã. A Đà Na Thức còn được tìm thấy trong Nhiếp Đại thừa luận, Hiển dương thánh giáo luận; Hoặc tìm thấy nơi Thành Duy Thức luận và Du Dà Sư Địa luận…
Ba công năng chính của A Lại Da Thức
Trong Thành Duy Thức Luận quyển ba giải thích thức A Đà Na có ba công năng như sau:
1. Giữ gìn (chấp trì) chủng tử của các pháp:
Các pháp nói ở đây là chỉ cho tất cả các pháp hữu vi. Đó là “hữu lậu hữu vi”, tức là các pháp tạp nhiễm thuộc về chúng sinh; Và “vô lậu hữu vi”, tức là các pháp thanh tịnh thuộc về Thánh hiền. Tuy nhiên “chủng tử” chỉ có công năng tiềm tàng (ẩn núp) mà không khởi hiện. Nếu không có một cái gì để chứa giữ thì chủng tử của các pháp phải bị tản mất. Nếu chủng tử các pháp bị tản mất thì các pháp hiện hành ở thế gian và xuất thế gian cũng chẳng còn. Do đó phải có thức A-đà-na, tánh vô phú vô ký, nhất loại sinh diệt tương tục mới có thể duy trì chứa giữ chủng tử của các pháp.
2. Giữ chịu (chấp thọ) sắc căn và thế giới:
Đây là muốn chỉ cho cái công năng giữ gìn báo thân của chúng sinh hữu tình được tương tục tồn tại trong một thời kỳ không tan hoại.
3. Giữ lấy (chấp thủ) việc kết nối đời sau tức là “kiết sanh tương tục” là do ba pháp: phiền não, nghiệp và sanh.
Con người vì sống trong vô minh phiền não nên tạo ra nghiệp mà phải kết nối đời sau để thọ khổ. Chữ “kiết sanh” có nghĩa là thọ sanh, tức là bắt đầu từ khi kết thai cho đến lúc sanh ra vậy. Tiến trình kết mối đời sau bắt đầu từ thân đang sống đến thân đang chết. Rồi từ thân đang chết đến thân trung ấm (thân mới chết chưa đầu thai). Và sau cùng từ thân trung ấm đến thân đời sau. Nếu các thân được tương tục không gián đoạn như thế ắt phải có một cái gì thường lưu hành và giữ gìn (chấp thủ). Cái đó chính là A Lại Da Thức.
Sự vận hành tương tục của A Lại Da Thức
Thật vậy, nếu không có thức thứ tám này để nắm giữ việc “kết nối đời sau” thì khi một người chết rồi phải mất luôn, không còn tái sanh được nữa. Như thế thành ra bị rơi vào thuyết Đoạn diệt của ngoại đạo rồi. Thêm nữa tất cả những chủng tử tốt xấu đều được gieo vào mảnh đất A lại da trong trạng thái tiềm ẩn.
Các chủng tử này được huân tập, chuyển biến, tương sanh, tương duyên, tương diệt liên tục. Tất cả những sự chuyển biến này xảy ra liên tục và tức thời, chớp nhoáng và liên tiếp. Cái này diệt thì cái kia sinh, tương tục liên miên bất tận nên được gọi là Sát Na Sinh Diệt. Sát Na Sinh Diệt có thể được ví như những khối nước liên tục chuyển động chảy trong dòng thác lũ. Khối nước trước đổ qua thì có khối nước khác đổ tới. Tiếp nối liên tục không ngừng và dĩ nhiên dòng nước cũ không thể chảy trở lại nơi mà nó đã chảy qua.
Sự sinh diệt triền miên đó cũng có thể ví như những đợt sóng dạt dào trên biển cả. Đợt sóng này đẩy đợt sóng kia, đợt sóng mới đẩy đợt sóng cũ. Bởi có gió vọng tưởng thổi sóng dạt dào trên biển cả, làm các ngọn sóng liên tiếp trồi lên lặn xuống không ngừng. Cho nên ngọn sóng này diệt thì ngọn sóng mới khởi sanh.
*
Khi chúng sinh biết tu tập làm cho tâm được thanh tịnh. Các chủng tử vô lậu được huân tập, tăng trưởng và phát sinh ra hiện hành. Các hiện hành này được huân tập trở vào thức A lại da thành các chủng tử vô lậu mới. Tùy theo tánh chất của các chủng tử vô lậu mới này mà chủng tử hữu lậu tiềm ẩn sẵn có trong tàng thức bị suy thoái và tiêu diệt; Hoặc các chủng tử vô lậu sẵn có ở trong đó được tăng trưởng và phát sinh thêm.
Nếu chúng sinh trì công tu tập có nghĩa là tiếp tục huân tập các chủng tử vô lậu thanh tịnh. Đến khi tất cả các chủng tử và hiện hành hữu lậu hoàn toàn bị tiêu diệt; Lúc đó họ sẽ chứng đắc được quả vị A la hán trong hàng Thanh văn; Hoặc là bát địa Bồ-tát của Đại thừa. Đến đây thì tàng thức chỉ chứa toàn các chủng tử vô lậu. Các hạt giống hữu lậu của phiền não, nghiệp báo luân hồi sinh tử không còn nữa. Khi ấy A lại da thức chuyển thành “Vô cấu thức”.
Vô cấu thức cũng còn cái tên khác là Yêm-ma-la thức, Bạch tịnh thức. Hoặc gọi là Thanh tịnh thức, Chân như thức, Như Lai tạng thức hay thức thứ chín. Tuy có rất nhiều tên như thế nhưng chúng quy cũng chỉ có một ý nghĩa “thanh tịnh”. Khi chúng sinh đạt đến quả vị A la hán hay bát địa Bồ-tát thì các chủng tử hữu lậu làm chướng ngại chân tâm sẽ bị hủy diệt. Tuy vậy nhưng thật ra vẫn còn những chủng tử hữu lậu vi tế nằm tiềm ẩn trong thức thứ tám này.
A Lại Da Thức: Lời kết
Chỉ khi nào các vị A la hán hay bát địa Bồ-tát tiếp tục tiến tu pháp tối thắng vô phân biệt trí, được gọi là Thắng Pháp Không Quán, để vượt qua khỏi bậc Bồ-tát Thập địa mà đến bậc Đẳng Giác; Lại khởi Kim Cang Dụ Định mà đạt tới Phật quả thì thức thứ tám này mới xóa tan hoàn toàn tất cả các vô lậu thậm thâm vi tế và chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí.
Khi đó các chủng tử vô lậu và cấu nhiễm đã hết. A Lại Da Thức chuyển thành trí thanh tịnh, chiếu khắp mười phương các cõi nhiều như vi trần nên gọi là Đại Viên Cảnh Trí. Đây chính là cái thể thanh tịnh của Chơn Tâm. Như mặt gương sáng chiếu soi tất cả vạn pháp một cách chân thật. Đây là điều mà nhà Phật gọi là “như thị bất khả tư nghì”.
Chúng sinh vì có những nghiệp báo khác nhau nên khi đi thọ báo tái sinh có nhiều sai biệt. Họ sống trong những môi trường, những tin tưởng, những mục đích, những chọn lựa và những hành động khác nhau. Chính vì có sự khác biệt về sinh lý, tâm lý và vật lý này; Đức Thế Tôn phải tùy theo trình độ, căn cơ của mỗi hạng người mà phương tiện chỉ bày ra những pháp môn thích hợp; Ngõ hầu giúp họ có thể hội nhập Phật tri kiến. Tuy con người căn nghiệp, tánh nết không đều cũng như tu có mau có chậm. Nhưng khi giác ngộ được chân tánh thì đồng một thể chân như.
*
Trong Truyền Tâm Pháp Yếu, tổ Hoàng Bá đã dạy rằng: – Phật cùng chúng sinh một tâm không khác. Cũng giống như hư không, không tạp loạn, không hư hoại. Như ánh sáng mặt trời chiếu khắp thiên hạ. Khi mặt trời lên thì chiếu sáng khắp nơi mà hư không chưa từng sáng. Đến lúc mặt trời lặn, u tối khắp nơi mà hư không cũng chưa từng tối. Cảnh sáng tối tự tranh nhau, còn tánh của hư không thì rỗng rang không thay đổi. Tâm của Phật và tâm của chúng sinh cũng như vậy.
Nếu quán Phật mà thấy cái tướng thanh tịnh, quang minh, giải thoát; Quán chúng sinh mà thấy cái tướng ô nhiễm, ám muội, sinh tử. Với kiến giải như thế, trải qua hằng hà vô số kiếp vẫn không chứng đạt được đạo quả Bồ-đề. Đó cũng vì còn chấp sắc tướng vậy.
Tức tâm là Phật. Tâm đó là vô tâm nghĩa là biết xa rời mọi tướng để thấy biết rằng chúng sinh và Phật không hề khác nhau. Chỉ cần được vô tâm tức thì thành Đạo. Người học đạo nếu không có được cái vô tâm thì tu hành kiếp kiếp cũng không thành “Đạo” được.
*
Tu hành có mau có chậm. Có kẻ mới nghe pháp liền được vô tâm. Có kẻ phải tu hành đến thập tín, thập trụ, thập trụ, thập hồi hướng mới được vô tâm. Lại có kẻ đến hàng thập địa mới được vô tâm. Tóm lại, dù mau dù chậm, hễ chúng sinh có được vô tâm là sẽ an trụ ở đó chứ chẳng còn gì để tu, để chứng nữa. Thật chẳng có gì sở đắc.
Sự thật như vậy, quả không hư dối. Sau cùng Chân Như tuyệt đối chỉ có đạt được bằng công năng tu trì và thiền quán nhằm loại bỏ các tập nhiễm từ thô đến tế có từ vô thỉ để đưa tâm thức trở về với tự tánh thanh tịnh bản nhiên tức là bản lai diện mục. Chỉ khi ấy chúng sinh mới nhận chân ra cái cảnh giới như thị, không thể nghĩ bàn mà chư Phật trong tam thế mười phương đã chứng đắc.
(A Lại Da Thức là gì – Theo Giảng giải Kinh Lăng Nghiêm)
Tuệ Tâm 2021.
Xin thường niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật 🙏 viết
Chúng sanh Vô Tình có thể lên Chúng Sanh Hữu Tình không ạ linh hồn từ đâu mà có ạ chúng ta từ đâu đến ạ và chúng sanh vô tận vậy có nghĩa là không bảo giờ có thể độ hết tất cả ạ và tất cả chúng ta được sanh ra từ đâu ạ Nam Mô A Di Đà Phật 🙏
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Anh bạn trẻ, lâu lắm lại mới thấy bình luận. Theo Tuệ Tâm thì những việc ấy chẳng nên quan tâm làm gì, không cẩn thận lại lại rơi vào cái nạn “Thế Trí Biện Thông” thì nhọc lắm. Ta để thời gian mà niệm Phật tốt hơn. Mai mốt vãng sanh thì tự biết mà thôi, hỏi hạng phàm phu như Tuệ Tâm thì có ích lợi gì!