Phật tại tâm là gì? Quán Kinh dạy: “Chư Phật Như Lai là pháp giới thân vào trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh. Vì thế, lúc các ngươi nghĩ đến Phật thì tâm ấy chính là ba mươi hai tướng, tám mươi tùy hình hảo. Tâm này làm Phật, tâm này là Phật”.
Như người niệm Phật thì khi: “Niệm đến công thuần, tận sức thì toàn tâm là Phật, toàn Phật là tâm. Tâm và Phật không hai, tâm – Phật như một”. Phật tại tâm đơn giản như thế đó! Bạn không cần phải lên mặt trăng hay bay vào vũ trụ để tìm đâu. Phật ở rất gần, chỉ cần bạn nhớ Phật niệm Phật thì Phật ở trong tâm bạn đấy thôi.
Phật tại tâm gọi là Phật tánh
Kinh Phạm Võng dạy: “Hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh”. Lại nói: “Ngươi là Phật sẽ thành, ta là Phật đã thành”. Trong kinh Pháp Hoa, Thường Bất Khinh Bồ Tát trông thấy tứ chúng đều lễ bái thưa: “Tôi chẳng dám khinh quý ngài, quý ngài sẽ đều thành Phật”.
Trong hội Hoa Nghiêm, khi đức Như Lai thành Đẳng Chánh Giác, than rằng: “Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều có đủ trí huệ, đức tướng của Như Lai. Nhưng vì vọng tưởng, chấp trước, nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí sẽ được hiện tiền”. Do vậy biết chúng sanh về bản thể là Phật, nhưng vì mê muội nên chưa ngộ. Hoặc ngộ nhưng chưa chứng, nên chẳng thể tránh khỏi vẫn là chúng sanh!
*
Trong Khế Kinh, đức Phật khuyên dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, là cha mẹ đời quá khứ và chư Phật đời vị lai.” Chư Phật thấy chúng sanh là Phật, nên dùng tâm bình đẳng đại bi mà tế độ. Chúng sanh thấy chư Phật là chúng sanh, nên khởi lòng phiền não phân biệt ghét khinh. Cũng đồng một cái nhìn, nhưng lại khác nhau bởi mê và ngộ. Là đệ tử Phật, ta nên tuân lời đức Thế Tôn chỉ dạy, đối với chúng sanh phải có tâm bình đẳng và tôn trọng, bởi vì đó là chư Phật vị lai, đồng một Phật tánh.
Do đây thì biết Phật ở tại tâm ta và tâm hết thảy chúng sanh, tất cả đều sẽ thành Phật. Chỉ cần ta chí tâm sám hối nghiệp cũ, cải ác tu thiện. Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, dùng Giới để giữ thân, chẳng làm điều phi lễ. Dùng Định để nhiếp tâm, chẳng khởi vọng niệm, dùng Huệ đoạn Hoặc, thấy rõ bản tánh…Lâu ngày chày tháng vọng tiêu, chướng tận, phước tăng. Phật tánh dần dần hiển lộ, mọi phước báu không cầu mà tự được.
*
Vì thế, kinh Lăng Nghiêm nói: “Cầu vợ được vợ (cầu vợ là cầu người vợ hiền lành, trí huệ, trinh tịnh. Nếu không như thế, làm sao hướng về Bồ Tát cầu cho được!) cầu con được con. Cầu trường thọ được trường thọ. Cầu tam muội được tam-muội, như thế cho đến cầu Đại Niết Bàn đắc Đại Niết Bàn”.
Cốt yếu của Phật tại tâm là như thế! Ta cầu mong là cầu mong ở tâm mình, không phải ở bên ngoài. Như bạn lên Chùa là để lễ Phật, nghe Pháp. Rồi vận dụng lời Phật dạy để sống cho an vui hạnh phúc, chớ không phải lên Chùa để cầu tài cầu lộc như đa phần đang lầm tưởng!
Tổ Ấn Quang giảng về Phật tánh
Hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Nhưng Phật và chúng sanh tâm hạnh, thọ dụng, tuyệt chẳng giống nhau, vì sao thế? Do Phật thì trái trần hiệp giác, còn chúng sanh thì trái giác hiệp trần. Phật tánh tuy đồng, nhưng mê ngộ thật khác. Cho nên sướng khổ, thăng trầm khác biệt một trời một vực. Nếu có thể suy xét kỹ nghĩa lý “tam nhân Phật tánh” thì không mối nghi nào chẳng phá, không ai chẳng muốn tu tập. Tam nhân chính là chánh nhân, liễu nhân và duyên nhân.
1.Chánh nhân Phật tánh: Chính là diệu tánh sẵn có ngay nơi cái tâm của chúng ta, là Pháp Thân chân thường được chứng bởi chư Phật. Đây chính là cái: “Tại phàm chẳng giảm, nơi thánh không tăng, ở trong sanh tử chẳng nhiễm, ngự Niết Bàn chẳng tịnh”. Chúng sanh triệt để mê trái, nhưng chư Phật rốt ráo viên chứng. Mê – chứng tuy khác, tánh thường bình đẳng.
*
2.Liễu nhân Phật tánh: Chính là Chánh Trí được phát sanh bởi chánh nhân Phật tánh. Do từ tri thức hoặc từ kinh giáo được nghe đến nghĩa lý chánh nhân Phật tánh bèn liễu ngộ. Biết do nhất niệm vô minh chướng lấp nguồn tâm, cho nên chẳng biết bản thể của cảnh giới lục trần vốn không, tưởng là thật có.
Bèn khởi tham sân si, tạo giết trộm dâm. Hoặc tạo nghiệp, do nghiệp chịu khổ, đâm ra làm cho chánh nhân Phật tánh biến thành cái gốc để khởi Hoặc tạo nghiệp chịu khổ. Từ đấy liễu ngộ, bèn muốn bỏ vọng theo chân, ngõ hầu khôi phục bản tánh.
3.Duyên nhân Phật tánh: Duyên là trợ duyên. Đã liễu ngộ thì cần phải tu tập đủ mọi thiện pháp hòng tiêu trừ Hoặc nghiệp, tăng trưởng phước huệ. Khiến cho đích thân chứng được rốt ráo cái lý sẵn có mà mình đã ngộ mới thôi!
*
Xin dùng thí dụ để làm sáng tỏ. Chánh nhân Phật tánh giống như vàng trong quặng, như lửa ẩn trong gỗ. Như ánh sáng từ nơi gương, như mầm nằm trong hạt ngũ cốc. Tuy sẵn có, nhưng nếu chẳng hiểu rõ và trải qua những duyên như chưng luyện: Xoi dùi, giồi mài, vun trồng, mưa thấm ướt v.v thì chất vàng, lửa, ánh sáng, mầm…vĩnh viễn chẳng có ngày phát sanh.
Do vậy, biết: Tuy có chánh nhân nhưng nếu không có duyên để hoàn thành thì chẳng thể thọ dụng được. Do vậy, đức Phật thấy hết thảy chúng sanh đều là Phật, muốn khiến cho họ được giải thoát. Chúng sanh do chẳng liễu ngộ nên chẳng chịu tu tập thiện pháp. Đến nỗi luân hồi sanh tử bao kiếp dài lâu chẳng thể thoát ra được! Do vậy, đức Như Lai rộng bày phương tiện tùy cơ chỉ dạy, dắt dìu ngõ hầu chúng sanh bỏ vọng theo chân, trái trần hiệp giác.
*
Pháp môn tuy nhiều, nhưng ba môn Giới – Định – Huệ bao trọn không sót. Vì thế, kinh Lăng Nghiêm chép: “Nhiếp tâm là Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Huệ. Đấy gọi là Tam Vô Lậu Học”. Nhưng trong ba thứ này, Giới là quan trọng nhất. Bởi lẽ giữ được Giới thì không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện. Hạnh gần với Phật, ắt tâm chẳng cách xa Phật cho lắm.
Do đó, trong kinh Phạm Võng, đức Như Lai bảo đảm cho chúng sanh như sau: “Ta là Phật đã thành, các ông là Phật chưa thành. Nếu tin được như vậy thì giới phẩm đã đầy đủ”. Lại nói: “Chúng sanh nhận lãnh giới của Phật liền nhập vào địa vị Phật, địa vị giống với bậc Đại Giác, thật sự là con chư Phật”.
Do vậy, pháp Trì Giới chính là đạo quan trọng bậc nhất để siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử. Nếu như chúng sanh chẳng có Phật tại tâm. Dẫu tu tập đủ mọi thiện pháp, cũng chẳng có lẽ nào thành Phật được! Như đá không chứa vàng, băng không có lửa. Ngói chẳng có ánh sáng, cát chẳng có mầm, dù có các duyên chưng luyện, tuy trải qua bao kiếp, mỗi thứ ấy vẫn chẳng thể sanh ra vàng, lửa, ánh sáng, mầm mộng…
*
Nếu biết nghĩa này, ai lại chịu dùng cái tánh sẵn có Bồ Đề, Niết Bàn, để lầm lạc tạo phiền não sanh tử. Nhường cho chư Phật và thánh nhân Tam Thừa riêng hưởng sự vui chân thường. Còn tự mình cam chịu nỗi khổ huyễn vọng nữa ư! Nhưng nếu ước theo cách dạy dỗ thông thường thì ở địa vị phàm phu. Muốn liễu sanh tử thật chẳng phải là chuyện dễ dàng! Nếu ước theo pháp môn đặc biệt “tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”. Thì ngay trong một đời này đều được liễu thoát.
Nếu thật sự đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha thì trong vạn người chắc chắn chẳng sót một ai. Chúng sanh đời Mạt chỉ có thể nương tựa vào một pháp này. Do đó, pháp vận càng về cuối thì pháp này càng thích hợp căn cơ. Thiện tri thức đề xướng càng khẩn thiết. Những chứng nghiệm do chân thật tu trì bèn được vãng sanh đôi khi vẫn thấy.
Phật tại tâm – Gương tu tập mà thoát sanh tử luân hồi
Ưu bà di Liễu Thường là vợ kế của cư sĩ Liễu Viên Trần Tích Châu ở huyện Vô Vi tỉnh An Huy. Họ Hồ bẩm tánh từ thiện, dốc lòng tin tưởng Phật pháp. Thoạt đầu, Tích Châu không biết Phật pháp. Người con trưởng là Thiên Thọ khá thông minh, mất năm mười bốn tuổi. Ông cho rằng mình suy nghĩ, xử sự không có lầm lỗi gì lớn lao, sao lại bị như thế này. Bèn đối với sự nhân quả báo ứng, sanh tử, luân hồi, nhất loạt cho là không có.
Phu nhân biết chẳng thể phá được kiến chấp ấy, bèn thầm lặng tu trì, chẳng để cho ông ta biết. Không lâu sau, phu nhân có thai, lúc sắp đến kỳ sanh nở, chợt mắc bệnh nặng. Trong hai mươi chín ngày không thể nói năng, ăn uống, trở mình được. Thân nóng như lửa, mình gầy như que củi. Danh y bó tay, không còn hy vọng sống còn nào!
Một tối, bà mộng thấy một bà lão cầm một cành sen dài, bảo: “Ngươi do túc nghiệp nên mắc phải ác bệnh này. May là có thiện căn, cho nên ta từ Nam Hải đến an ủi ngươi!” Bèn dùng cành sen phẩy từ đầu xuống chân, bảo: “Phủi đi nghiệp chướng, khéo sanh con ngoan”.
*
Bà chợt cảm thấy thân tâm mát mẻ, liền giật mình, tỉnh dậy, khỏe mạnh trở lại. Hôm sau sanh con, đứa bé đầy đặn mập mạp chẳng khác gì những đứa được sanh thường. Ông bà đặt tên là Thiên Dân, đến nay đã mười lăm tuổi rồi! Do vậy, Tích Châu mới biết lòng Từ rộng lớn của Phật. Hiểu rõ Phật tại tâm, hiểu rõ lý – sự tam thế nhân quả chân thật chẳng dối! Từ đấy, vợ chồng đều ăn chay, niệm Phật, nỗ lực tu trì. Đối với chuyện cứu giúp người nghèo cùng, hoạn nạn. Trai tăng, sửa chùa, tặng thiện thư, thí quan tài, thảy đều tận lực làm.
Mùa Xuân năm 1921. Bà lại mắc bệnh suy nhược, chẳng thiết ăn uống. Ngày 28/2 đang trong lúc niệm Phật thấy hai đồng tử cầm lá phan dài, trên đề bốn chữ: “Tây Phương tiếp dẫn”. Bà bảo Tích Châu rằng: “Đối với tôi đây là điềm rất may, còn đối với ông thì không may. Bởi tôi đã về Tây rồi thì trong nhà không ai chăm sóc. Nhưng người niệm Phật chẳng tham sống, chẳng sợ chết!”
Nhân đó thỉnh bốn vị Tăng tụng kinh lễ sám niệm Phật suốt 28 ngày để cầu nguyện. Hễ tuổi thọ chưa hết thì chóng lành, thọ đã hết sẽ mau sanh Tây Phương. Từ đó, thân tâm vui sướng, trọn không bệnh khổ.
*
Đến đầu tháng Tư bà lại cảm thấy không thoải mái, biết kỳ hạn về Tây đã đến. Bà liền buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật để cầu mau được sanh. Ngày mồng Năm, cả nhà đều niệm Phật. Lại thỉnh sư tăng thay phiên nhau trợ niệm liên tục. Ngày đêm tiếng niệm Phật không ngớt, phu nhân chỉ thầm niệm theo.
Đến trước Ngọ ngày mùng Sáu, bà liền bảo người nhà chuẩn bị đồ tắm rửa. Tắm xong, mặc áo sạch, đến Phật đường lễ bái, dâng cúng hương hoa. Trở về bèn sai dời giường hướng về Tây. Nằm nghiêng bên hông, chỉ chuyên niệm Phật, hoàn toàn chẳng nhắc đến chuyện khác.
Đến giờ Hợi, thấy Phật hiện đến, bà muốn ngồi dậy lễ bái, do vậy người nhà bèn đỡ ngồi lên. Bà chắp tay, cúi đầu, nói: “Còn ba ngàn câu niệm Phật nữa, niệm xong sẽ đi”. Toàn gia cùng Tăng – tục hơn ba mươi người đều lớn tiếng niệm. Phu nhân bèn lớn tiếng niệm Phật qua đời, mặt lộ vẻ mỉm cười, trong nhà thoảng mùi hương lạ. Cả nhà đều chẳng lộ vẻ bi ai. Lại niệm Phật hai tiếng nữa rồi mới sắp đặt ma chay. Ngày hôm sau, khâm liệm vào giờ Ngọ. Đảnh đầu vẫn còn nóng ấm, tứ chi mềm mại, mùi thơm vẫn còn.
*
Ôi! Có thể nói là phu nhân xưa đã có thiện căn, đời này gặp thiện duyên, chẳng bị tình yêu thương thế gian trong đời hiện tại phá hoại chánh niệm, chỉ cậy vào tiếng niệm Phật của nhiều người để thành tựu tịnh tâm. Vì thế, được cảm ứng đạo giao nhờ Phật tiếp dẫn, lìa khỏi cõi khổ này, lên Lạc Bang kia, may mắn chi bằng?
Một cửa ải lâm chung thật là khẩn yếu. Đời có kẻ ngu trong lúc cha mẹ, quyến thuộc lâm chung, bèn bi thương, đau đớn, khóc lóc, tắm rửa, thay áo, chỉ cốt sao đẹp mắt người đời, chẳng tính kể đến chuyện gây hại cho người chết. Người không niệm Phật thì không nói làm chi, chứ người mang chí hướng khẩn thiết vãng sanh, lúc lâm chung gặp phải hạng quyến thuộc này đa phần đều bị phá hoại chánh niệm, vẫn phải ở lại thế giới này.
Trợ niệm lúc lâm chung ví như kẻ yếu đuối trèo núi, sức mình chẳng đủ, may có sức của người đằng trước lôi, người đằng sau đẩy, người hai bên nâng đỡ nên bèn có thể lên đến được đỉnh cao chót vót. Lâm chung chánh niệm rỡ ràng bị phá hoại bởi những chuyện như tình yêu thương của quyến thuộc, dời đổi chỗ v.v…
*
Ví như dũng sĩ trèo núi, sức mình sung mãn, nhưng thân hữu, người quen biết đều đem những vật của họ giao cho đội vác. Đội vác quá nhiều nên sức kiệt, thân nhọc, nhìn vách núi lùi bước. Lẽ được – mất này tuy do người khác gây ra, nhưng thật ra cũng do nghiệp lực thiện – ác của chính mình từ trong kiếp trước đã thành toàn hay phá hoại người khác mà ra.
Phàm những người tu Tịnh nghiệp hãy nên thành toàn chánh niệm cho người khác và bảo cho quyến thuộc biết sẵn về lẽ lợi – hại, khiến cho ai nấy đều biết quan trọng ở chỗ thần thức sẽ đạt được, chứ chẳng phải ở chỗ dễ coi thuộc về phương diện tình cảm thế gian, để khỏi phải lo lắng nữa! Do nhận được tin báo tang, tôi liền nêu ra ý nghĩa ẩn kín của Phật tại tâm và việc trợ niệm cũng như thuật đại lược hành trạng của phu nhân để mong sao người tu Tịnh nghiệp biết rồi sẽ bắt chước theo.
(Phật tại tâm – Theo Ấn Quang Văn Sao)
Tuệ Tâm 2020.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, chúng ta người một lòng niệm phật chỉ cầu vãng sanh Tây phương cực lạc, đệ tử nghĩ rằng chúng ta đã ở trên thuyền Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà từ lúc phát nguyện vãng sanh và mỗi ngày niệm phật đến lúc lâm chung, cho nên không cần hộ niệm- đúng không thầy?
Và dù cho quyến thuộc oan gia trái chủ, có khóc lóc hay làm gì thì cũng không ảnh hưởng, bởi người niệm phật cầu vãng sanh luôn ở trong hào quang nhiếp hộ của Đức Phật, luôn giữ được chánh niệm: theo sự tiếp dẫn của Đức Phật, không hề lưu luyến cõi Ta Bà ngũ trượt ác thế, tất cả đều là giả tạm thôi, phải không thầy
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Người chuyên tu niệm Phật thì gọi là Chánh Hạnh Niệm Phật, nghiệp vãng sanh đã thành tựu chớ không đợi đến lúc lâm chung. Vì thế chẳng cần hộ niệm, cũng chẳng phải lo sợ oan gia hay quyến thuộc làm chướng ngại. Trong ánh hào quang nhiếp hộ của Phật A Di Đà, họ muốn chướng ngại ta vãng sanh cũng không thể nào làm được. Lúc Sư Phụ về với Phật cũng biểu pháp, không cho hàng đệ tử hộ niệm, cứ thế an nhiên về với Phật…