Tâm thức là thể tổng hợp về cái biết của sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nó còn gọi là tâm thông thường, là cái tâm suy nghĩ, tâm nhị nguyên phân biệt.
Tâm thức là cái tâm suy nghĩ, đặt kế hoạch, ham muốn, vận động. Là cái tâm bừng lên trong cơn giận dữ, tạo ra và say mê trong những đợt sóng tư duy và cảm xúc tiêu cực. Nó luôn luôn phải tiếp tục quả quyết, đánh giá, và xác định lại hiện hữu của nó bằng cách cắt xén, đặt tên, củng cố kinh nghiệm
Tâm thức di chuyển không ngừng theo những ảnh hưởng bên ngoài. Theo những khuynh hướng tập quán và điều kiện: Những bậc thầy ví nó với một ngọn đèn cầy đặt trước gió. Phải bị lay động bởi tất cả những ngọn gió của hoàn cảnh. Nhìn từ một góc cạnh thì: Tâm thức là lay động, không dừng trụ, chấp thủ, luôn luôn xía vô việc của người khác
*
Năng lực nó bị tiêu hao do chiếu ra ngoài quá nhiều. Đôi khi nó như hột đậu nhảy của xứ Mexico. Hoặc là một con khỉ không ngừng nhảy chuyền cành. Tuy vậy nhìn một cách khác thì: Tâm thông thường có một tính cố định cùn nhụt giả tạm. Một tính trơ lì tự về và tự mãn, một sự bình thản lạnh lùng của thói quen ăn sâu.
Tâm thức láu cá như một chính trị gia quỷ quyệt, hoài nghi. Nhiều mưu mô lừa dối, và tinh vi với những trò lừa gạt. Chính trong kinh nghiệm của tâm thức, cái tâm hỗn mang vô trật tự này mà chúng ta chịu những đổi thay và chết chóc.
Tâm thức là một con rận quỷ quyệt
Hãy thử nhìn vào tâm bạn ít phút mà xem. Bạn sẽ thấy nó như một con rận luôn luôn nhảy qua nhảy lại. Bạn sẽ thấy những ý tưởng khởi nên một cách vô lối, không mạch lạc gì cả. Bị cuốn theo chiều gió bởi sự huyên náo trong mọi lúc. Chúng ta chính là nạn nhân của sự bốc đồng của tâm ta. Đây là cái trạng thái duy nhất của tâm mà chúng ta quen thuộc: Tâm thức!
Thường thì tâm thức không cần dùng đến việc quán sát để làm vui. Vì nó luôn luôn có quá khứ và tương lai để bận tâm đến. Nguồn gốc lớn của đau khổ phát xuất từ một cái tâm thức liên tục hồi tưởng và sống trở lại trong quá khứ. Nó không ngừng nghỉ lo lắng và hoang tưởng về tương lai. Chúng ta thường hay bị mất cơ hội trải nghiệm ngay hiện tại. Chỉ vì trí ta cứ lấy sự đau đớn, sự tiếc nuối từ quá khứ để hồi tưởng. Chúng ta sống lại những cảm xúc ấy như một cái máy hát đĩa cũ bị vấp ,dù đang sống trong hiện tại.
*
Ngoài ra, chúng ta cũng sống một phần của thời tương lai bằng sự lo lắng, sự toan tính và mơ mộng hoang tưởng quá mức. Đau khổ đến ngay khi chúng ta lo lắng những việc tương lai như: Khi nào kết hôn, khi nào có con, bao giờ thì sẽ có tiền v.v. Tâm thức cứ lẩn quẩn đeo đuổi những sự kiện hoàn toàn thuộc về một thời khắc khác. Rồi nó lôi kéo, thôi thúc ta đem chúng ra sống trong hiện tại. Nói tóm lại, thông qua cách vận hành rối loạn. Tâm thức tạo nên những đau khổ cho chúng ta:
- Nó bận rộn lặp đi lặp lại những phiền não từ quá khứ.
- Nó đắm chìm trong lo lắng, sợ hãi, và lẩn quẩn mơ tưởng việc tương lai.
- Nó khắc khoải, vật vã trong việc ứng dụng một cách cứng nhắc và bất kể lý lẽ các quan niệm, nhân sinh quan mà xã hội loài người đã đặt ra.
- Nó phán đoán, phân tích, nhục mạ, tranh cãi, xây dựng các hình ảnh và cảm xúc của bạo động, oán hờn, ganh tị, v.v…
- Nó cũng là tác nhân mang nhiều bệnh hoạn và đau đớn cho cơ thể vì sự miên man tai hại kia cứ liên tục chuyển tải sự nhiễu loạn của tư tưởng đến các tế bào.
*
Khi một người lẩm bẩm nói một mình suốt ngày thì ta cho rằng người ấy tâm thần. Còn bản thân ta và tất cả mọi người còn lại thì cũng nói suốt ngày đêm. Nói không ngừng nghỉ. Khác chăng là ta nói âm thầm trong đầu, không phát thành lời mà thôi. Đây là một căn bệnh trầm kha nhưng vì mọi người ai cũng bị. Nên tưởng rằng đây là một trạng thái “bình thường”.
Điều này có nghĩa rằng thay vì ta là người chủ điều khiển “tâm thức”. Nhưng trong thực tế, cái tâm thức đó đang miên man vận hành và điều khiển ta. Nó thúc đẩy từng ý tưởng, lời nói, việc làm. Nó thao túng cảm xúc mà ta tưởng rằng ta làm, ta muốn, ta cảm nhận hoặc ta đau khổ.
Tâm thức điều khiển và làm ta đau khổ như thế nào
Tổ Thiền Tâm bảo: “Chúng sanh thường chấp sắc thân này là ta. Chấp tâm thức có hiểu biết, có buồn giận thương vui là ta. Nhưng thật ra, sắc thân này giả dối. Ngày kia khi chết đi nó sẽ tan về với đất bụi, nên thân tứ đại không phải là ta.
Tâm thức cũng thế, nó chỉ là thể tổng hợp về cái biết của sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Như một người trước kia dốt, nay theo học chữ Việt, tiếng Anh. Khi học thành, có cái biết về chữ Việt, tiếng Anh.
Lại như một kẻ chưa biết Ba Lê, sau một dịp sang Pháp du ngoạn, thu thập hình ảnh của thành phố ấy vào tâm. Khi trở về bản xứ có ai nói đến Ba Lê, nơi tâm thức liền hiện rõ quang cảnh của đô thị ấy.”Ta hãy xem nó đã điều khiển và làm ta đau khổ một cách tinh vi như thế nào:
Lải nhải trong đầu
“Ngày nọ, mẹ tôi mắng tôi rất oan ức, tôi đau đớn và khóc. Sau đó, mỗi lần tôi kể lại cho người khác nghe, tôi cảm thấy đau đớn rồi khóc lần nữa. Thậm chí, khi không có ai bên cạnh để kể. Tôi đã nhớ và “sống” lại cảnh tượng, lời nói, cảm xúc lúc mẹ tôi mắng. Rồi tôi đau đớn và khóc như sự việc vừa mới xảy ra.
Sau hai tuần, tôi đã đau khổ và khóc lóc tổng cộng mười tám lần! Nếu tư tưởng trên theo tôi đến hết cuộc đời còn lại. Không biết sẽ còn bao nhiêu lần đau đớn và khóc lóc nữa. Trên thực tế thì trong quá khứ, mẹ tôi mắng tôi chỉ một lần mà thôi”.
………………………………..
Lúc vợ chồng còn trẻ, chồng bà ấy có lăng nhăng tình cảm với một cô bạn. Sau lỗi lầm đó thì ông ấy đã sửa đổi. Ông trở thành một người chồng tốt và thương yêu vợ hết mực. Tuy nhiên, bà cứ nhớ và nhắc lại chuyện cũ. Rồi bà đau lòng, khóc lóc như vậy suốt bốn mươi năm chung sống. Ngay cả sau khi ông đã mất, trí của bà vẫn không thể xóa nhòa những ký ức đau buồn kia. Mỗi lần bà ra thăm mộ, trí bà vẫn tiếp tục hồi tưởng lại chuyện cũ. Mãi cho đến bây giờ, ký ức ấy vẫn xuất hiện mỗi khi bà đi viếng mộ ông.
Quá khứ và tương lai
“Những năm tháng trước đây tôi sống trong tình cảnh rất nghèo đói. Chúng tôi thường xuyên thiếu ăn. Giờ thì cuộc sống khá dễ chịu và luôn dư thừa thực phẩm. Thế nhưng tôi vẫn luôn nhớ lại cái cảm giác đói khổ và kinh sợ nó.
Cho đến nay, khi ngồi trước một bữa ăn thịnh soạn bày ra trước mặt, tôi chợt nhớ lại lúc thiếu thức ăn. Tôi lại lo sợ rằng trong tương lai biết đâu có ngày bất ngờ sẽ bị đói trở lại. Tôi mãi miên man lo lắng về hai chữ “biết đâu…”.Tôi cố gắng ăn tiếp nhưng thức ăn bây giờ đã không còn mùi vị gì nữa”.
.
Tôi sẵn lòng hy sinh và gạt bỏ những ham muốn riêng. Tôi muốn xây dựng tương lai cho bản thân và gia đình. Tôi làm việc hết lòng hết sức cho mục tiêu của mình. Giờ tôi đã đạt đến cái “tương lai” đó.
Tôi nhìn lại và nuối tiếc khi thấy tuổi thơ của con cái đã qua rồi. Tuổi thanh xuân của người bạn đời cũng đã mất. Sức khoẻ của tôi không còn đủ để vui hưởng cuộc sống gia đình ấm cúng. Những “hiện tại” tôi bỏ quên giờ đây đã trở thành quá khứ”.
Cần nhận thức đúng về Tâm thức
Thực ra, tâm thức cũng như một bộ phận của cơ thể. Ta hoàn toàn có thể điều khiển được như điều khiển tay chân mà thôi. Vấn đề chỉ là: Chẳng ai nhận ra điều đó cả! Ngày nào chúng ta chưa làm chủ được cái tâm thức này khi cần thiết. Thì chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đau khổ.
Mục tiêu ở đây không phải là bỏ quên quá khứ hay là không dự tính cho tương lai. Cũng không phải là không có ý niệm hay quan điểm. Vấn đề đặt ra ở đây là quá trình suy nghĩ đưa đến những tình trạng như trên xảy ra một cách vô thức và theo thói quen.
Khi chúng ta nói rằng chúng ta muốn làm chủ cái tâm thức ấy. Đó là lúc chúng ta cần lấy lại sự chủ động đối với quá trình đó. Chúng ta muốn vặn tắt cái công tắc tự động. Nghĩa là mục tiêu của chúng ta là phải có được khả năng chọn lựa và áp dụng. Chúng ta sẽ chọn lựa khi nào nên áp dụng một quan niệm hay một định kiến. Khi nào nên hồi tưởng việc quá khứ hoặc tương lai. Và chúng ta cần kiểm soát những cảm xúc sẵn có bên trong chúng ta.
*
Chúng ta cần lấy lại sự chủ động đối với tâm thức và tự giải phóng mình ra khỏi những thói quen tai hại của nó. Chỉ vậy ta mới tìm được hạnh phúc lâu dài. Một khi chúng ta đã trở thành chủ nhân của tâm thức. Chúng ta có thể vun bồi cho nó sự tích cực như sự sáng tạo và sự tỉnh giác. Một khi chúng ta hiểu được tiến trình lý luận và diễn giải của tâm thức. Chúng ta có thể dùng nó như là một công cụ để vun trồng, nâng cao hạnh phúc cho mình và cho người khác.
(Tâm thức là gì – Theo Tạng thư sống chết)
Tuệ Tâm 2020.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, tâm thức thông thường nó không buông bỏ- nó luôn nhớ lỗi của người khác, nó gây đau khổ cho mình và cho người khác …. Đệ tử đã thấy có người cứ kể lỗi của người khác rồi tự đau khổ, dù người kia mất lâu rồi – hay có người vợ kể lỗi lầm của chồng mấy mươi năm về trước, mỗi ngày đều oán trách, dù người chồng ấy giờ mỗi ngày bị vợ quát mắng chỉ yên lặng nghe và chịu đựng…..
Thưa thầy chỉ có người chân chính học phật, tâm thức mới dần thanh tịnh, buông bỏ quá khứ, không lo sợ tương lai, dần dần sẽ không nói thị phi của người khác…
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.