Có một viên Châu Như Ý vô giá dành cho chúng sanh thời mạt pháp mang tên: Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Sở dĩ xưng tán danh hiệu của đức Phật Dược Sư là vô giá bởi hai nguyên nhân vô cùng trọng yếu:
- Chúng sanh dù chỉ vô tình nghe danh hiệu của đức Dược Sư Phật lọt qua tai, thì do sức bản nguyện của Ngài, sẽ không bị đọa vào dường ác.
- Chúng sanh dù chỉ vô tình nghe danh hiệu của đức Dược Sư Phật lọt qua tai, thì giới hạnh đã phạm được phục hoàn đầy đủ.
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Chúng ta ngày nay sở dĩ không bị đọa vào ba đường ác là nhờ danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đã cứu chúng ta. Giả tỷ tên của Ngài không có trên thế gian này thì e rằng tất cả mọi người đã bị đọa vào địa ngục; làm loài quỷ đói, làm súc sanh, khó mà được làm thân người.”
Tôi đọc cuốn “Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh Thiển Thích – Hòa Thượng Tuyên Hóa”. Thấy lời giảng của Thượng Nhân thật đúng là muôn kiếp khó gặp, nên trích đăng lên đây. Nguyện pháp pháp giới chúng sanh đều được nghe danh hiệu của đức Phật Dược Sư. Để vĩnh viễn xa lìa ba đường ác, được lìa hết khổ nạn, được toại nguyện hết những mong cầu….
*
- Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Phật
- Nam mô A Di Đà Phật là gì.
- Tự lực và Tha lực niệm Phật.
- Giác ngộ là ra khỏi sanh tử luân hồi.
- Dấu hiệu người đắc quả Tu Đà Hoàn.
- Dấu hiệu người đắc quả A La Hán.
- Công đức niệm danh hiệu Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Nhân duyên của đức Phật Dược Sư với cõi Ta Bà
Vì vấn đề sanh tử của chúng sanh chúng ta mà đức Phật Thích Ca xuất hiện tại cõi Ta-bà này. Ngài được sanh ra trong một gia đình vương giả, nhưng Ngài đã từ bỏ sự giàu sang của cả một vương quốc để ra đi lo việc tu hành; và chứng thành Phật quả dưới gốc cây Bồ-đề. Sau khi chứng quả Phật, Ngài quán sát các chúng sanh trong thế giới Ta-bà và nhận thấy rằng: Các chúng sanh tại đây có một nhân duyên sâu đậm với hai vị Phật. Đó là đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở phương Đông và đức A-Di Đà Như Lai ở phương Tây.
Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở thế giới Lưu Ly nơi phương Đông có thể giúp chúng ta tăng phước tăng thọ, tiêu trừ tai nạn; còn đức A Di Đà Như Lai ở phương Tây thì có thể tiếp dẫn chúng ta mang theo nghiệp mà sanh về thế giới Cực lạc, “hoa nở liền trông thấy Phật, ngộ được pháp Vô sanh nhẫn.”
Trong bài Nhị Phật Chú có câu:
Nhị Phật diễn hóa tại Ta-bà,
Đông A-súc, Tây Di-đà”.
Hai câu này nghĩa là Phật A-Súc, tức Phật Dược Sư, và Phật Di-Đà đều giáo hóa chúng sanh tại thế giới Ta-bà. Hai vị Phật, một vị ở phương Đông, một vị ở phương Tây, nhưng cả hai đều có nhân duyên rất sâu đậm với chúng ta nơi cõi Ta-bà. Do đó Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật chính là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; còn Vô Lượng Thọ Phật, Vô Lượng Quang Phật chính là A-di-đà Như Lai.
*
Nếu có ai niệm danh hiệu của Đức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư, thì người đó được giải trừ tai nạn; bệnh tật tiêu tan, tội diệt, phước sanh, tâm ý mãn nguyện. Vậy, vị Phật giúp các chúng sanh kéo dài mạng sống chính là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư.
Còn đức Phật A-di-đà thì sao? Ở đây là vấn đề vãng sanh. Như có ai muốn về thế giới Cực Lạc, thì phải niệm danh hiệu của đức Phật A-di-đà. Nếu quý vị muốn sanh về cõi Lưu Ly; tức là thế giới của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai thì hãy niệm danh hiệu của Ngài Dược Sư.
Khi còn sống, người ta muốn tiêu trừ tai nạn, kéo dài tuổi thọ; còn khi lâm chung người ta mong về nơi thế giới Cực Lạc. Bởi vậy, trong Phật giáo chúng ta thấy có những tấm bài vị mầu đỏ, gọi là bài vị diên thọ. Ngụ ý rằng Đức Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư phóng hào quang chiếu sáng ngôi sao bổn mạng của chúng ta. Còn khi vãng sanh, nếu không muốn tái sanh nơi thế giới Lưu Ly mà muốn về cõi Cực Lạc, thì người ta niệm “Nam Mô A Di Đà Phật”. Nhân duyên của chúng ta đối với hai vị Phật nói trên quả là rất mật thiết.
Ý Nghĩa của danh hiệu Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai
Theo Kinh Dược Sư: “Phật bảo Ngài Mạn Thù Thất Lợi: “Về phía đông kia, cách đây nhiều Phật độ bằng mười lần số cát sông Căng-già, có một thế giới tên là Tịnh Lưu Ly; đức Phật cõi ấy danh hiệu là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Ứng Chánh Đẳng Giác. Minh Hạnh Viên Mãn. Thiện Thệ Thế Gian Giải. Vô Thượng Sĩ. Điều Ngự Trượng Phu. Thiên Nhân Sư. Phật. Bạc Già Phạm.”
Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là vị Phật ở phương Đông. Ngài có một tên khác nữa là “Phật A Súc”. Phật Dược Sư thuộc Kim Cang Bộ ở phía Đông, và Bộ này chú trọng Pháp Hàng Phục. Pháp này chuyên hàng phục thiên ma, ngoại đạo. Khi chúng thấy các vị Kim Cang Hộ Pháp thuộc Bộ Kim Cang là chúng phải quy hàng.
” Dược Sư”:
“Dược” nghĩa là thuốc; “Sư” là thầy. Vị Phật đây là một thầy thuốc lớn, có thể trị tất cả mọi bệnh tật của con người trong thế gian. Bất kể quý vị bị chứng bệnh nan y gì, nếu được Ngài cứu chữa thì chắc chắn bệnh sẽ hết. Bệnh gì cũng được chữa lành; ở cửa tử mà được hồi sanh; bệnh đáng chết mà được cứu sống. Bởi vậy Ngài mới có tên gọi là “Dược Sư”.
“Lưu Ly”:
Lưu Ly là một chất trong suốt, ở trong có thể nhìn thấu ra ngoài, ở ngoài có thể nhìn xuyên vào trong. Lưu Ly là tên của quốc độ quả báo (báo độ) của Đức Dược Sư, gọi là thế giới Lưu Ly và Ngài là vị giáo chủ. Thân thể của Ngài cũng là chất lưu ly, nội ngoại đều sáng trong, tinh khiết. Ngài thông hiểu hết các loại thuốc.
Ở Trung Hoa đời xưa có vị vua tên Thần Nông, và có câu nói: “Thần Nông thường bách thảo”. Nghĩa là vua Thần Nông đã từng nếm hết thảy các thứ cỏ cây. Thân thể của vua Thần Nông cũng là chất lưu ly. Khi nếm các loại cỏ cây, thảo mộc, nuốt vào bụng rồi, vua có thể nhận ra tác dụng của vị thuốc, biết được vị thuốc đó đi vào đường kinh lạc nào trong cơ thể. Khi nếm đủ các loại dược thảo xong, vua phân tích ra từng tánh chất một (dược tánh): Vị nào chua, ngọt, đắng, cay, mặn, thứ nào là lạnh, nóng, ấm, trung bình, thứ nào độc, thứ nào không độc.
“Quang”:
Quang là ánh sáng. Thân thể Đức Dược Sư Như Lai không những trong suốt, mà còn tỏa sáng, là một đại quang minh tạng.
“Như Lai”:
là một trong mười tôn hiệu của Phật: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Số là, mỗi vị Phật có mười vạn danh hiệu, nhưng kể đủ cả mười vạn danh hiệu ấy thì không ai nhớ được, nên người ta rút ngắn lại thành một vạn; tuy nhiên, một vạn kể ra cũng còn nhiều nên lại rút ngắn thêm thành một ngàn; sau rút gọn nữa thành một trăm và cuối cùng rút xuống chỉ còn lại mười danh hiệu.
Vị Phật nào cũng có mười danh hiệu trên, chứ chẳng phải vị Phật này có mà vị Phật kia thì không. Học Phật Pháp chúng ta phải hiểu điều đó. Tôi nghe những kẻ ngoại đạo nói về “Như Lai Phật Tổ”. Họ không hiểu “Như Lai Phật Tổ” là vị Phật nào. Kỳ thực, vị Phật nào cũng có hiệu là Như Lai. Như Lai nghĩa là “noi theo đạo như thực (Chân lý) mà đến và thành Chánh giác”
Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật: Viên Châu Như Ý
Theo Kinh Dược Sư, Đại Nguyện thứ năm của Đức Phật Dược Sư là: “Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Bồ-đề, nếu có vô lượng vô biên hữu tình, tu hành phạm hạnh trong pháp của ta, thì hết thảy đều được giới chẳng thiếu, đủ giới tam tụ; nếu có ai đã trót phạm giới, nghe tên ta rồi, lại trở về thanh tịnh, chẳng vào đường ác.“
Hòa Thượng giảng: Chúng ta ngày nay sở dĩ không bị đọa vào ba đường ác là nhờ danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đã cứu chúng ta. Giả tỷ tên của Ngài không có trên thế gian này thì e rằng tất cả mọi người đã bị đọa vào địa ngục, làm loài quỷ đói, làm súc sanh, khó mà được làm thân người. Thực vậy, với nguyện lực của Ngài thì dầu quý vị có phạm mười điều ác, ăn mặn phá giới, không làm điều lành, song nếu được nghe đến hồng danh vạn đức hạnh của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì quý vị sẽ được tiêu trừ hết tội nghiệp, lìa khổ, được vui, thoát vòng sanh tử.
Nguyên do là ngay từ thuở Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai gieo nhân tu đạo Bồ tát, Ngài đã sớm biết đa số chúng ta ngày nay không giữ giới luật, ở trong cảnh thiện ác hỗn tạp, chẳng rõ ràng, ví như nước với đất lẫn lộn, thành một chất bùn nhơ. “Nước” là trí huệ, “bùn” là vô minh. Giữ giới luật là trở về nguồn cội, là khôi phục lại trí huệ sẵn có của mình; không giữ giới luật tức là làm đục nước trí huệ bằng chất bùn vô minh vậy.
*
Tuy nhiên, giữ được giới luật chẳng phải là điều dễ dàng. Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai vốn biết trước tập khí và lỗi lầm của các chúng sanh là như vậy, nên trong “Nguyện lớn thứ năm”, Ngài đã nói:
“Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo Bồ-đề”, đến đời sau này, khi ta thành Phật, “nếu có vô lượng vô biên hữu tình” (tức là nói hết tất cả – tôi và quý vị cũng đều nằm trong số vô lượng vô biên hữu tình đó), “tu hành phạm hạnh trong pháp của ta…”
“Trong pháp của ta,” tức là Phật pháp, pháp chung của chư Phật; “tu hành phạm hạnh,” tức là tu hạnh thanh tịnh, hay nói khác là nghiêm trì giới luật. “Thì hết thảy đều được giới chẳng thiếu,” đối với bất cứ ai tu Phật pháp thì nguyện lực của ta là khiến cho tất cả giữ được giới hạnh đầy đủ, viên mãn giống như vầng mặt trăng không bị khuyết hãm; “đủ giới tam tụ”, đầy đủ giới tam tụ. Tam tụ giới gồm các giới như sau:
- Trì nhiếp chúng sanh giới.
- Nhiếp thiện pháp giới.
- Nhiếp luật nghi giới thanh tịnh.
Giữ được mấy giới này quả là một sự khó khăn, cho nên nguyện của Ngài là “nếu có ai đã trót phạm giới, nghe tên ta rồi, lại trở về thanh tịnh, chẳng vào đường ác.” Nếu phạm giới chẳng hạn, sau khi nghe đến tên ta, liền được thanh tịnh trở lại, không bị đọa vào đường ác như địa ngục, ngạ quỷ hay súc sanh.
*
Tại sao gọi là giới tam tụ (Tam tụ tịnh giới)? “Tụ” nghĩa là tụ tập, và chữ “tụ” nói lên ý nghĩa rằng các giới này không cùng một loại. Thí dụ, nói về nhiếp luật nghi tức là nói tới ba trăm lễ nghi, ba ngàn oai nghi. Chữ “nhiếp” có nghĩa là bao quát, gồm thâu hết thảy luật nghi và oai nghi. Thí dụ nói nhiếp thiện pháp, tức nói bao gồm hết thảy các thiện pháp, kể ra thì là vô lượng vô biên, chẳng phải chỉ một loại thiện pháp, như trong câu “không làm các điều ác, luôn làm các điều lành”. Còn nhiếp chúng sanh cũng là nghĩa bao gồm hết thảy các chúng sanh, và theo giới này là độ các chúng sanh thành Phật, nhiếp thâu hết tất cả không trừ một ai.
Giới tam tụ quả là nhiều, không dễ gì mà giữ được trọn vẹn. Vậy phải làm sao nếu trót lỡ phạm giới? Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đã nguyện rằng nếu người nào phạm giới luật mà nghe đến danh hiệu của Ngài thì sẽ được thanh tịnh trở lại và người đó sẽ khôi phục lại tình trạng như lúc chưa phạm giới, không còn lo sợ bị đọa vào đường ác.
*
Quý vị nghĩ xem. Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đối với mỗi người trong chúng ta quan tâm đến như vậy, chu đáo đến như vậy, chúng ta không lẽ không đáp ứng lòng từ bi của Ngài, để cố gắng tu hành, giữ gìn giới luật? Chúng ta có lý nào lại bảo rằng: “Đâu cần giữ giới làm gì, ta cứ việc phá giới! Đằng nào đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai cũng đã phát nguyện cứu giúp nếu chúng ta phạm giới mà!” Nghĩ như vậy là sai lầm. Chúng ta không thể cố ý phá giới rồi ỷ lại vào Ngài như vậy.
Cũng Theo Kinh Dược Sưu, Nguyện lớn thứ sáu của Ngài là: “Nguyện đời sau này khi ta đắc đạo vô thượng Bồ-đề, nếu những hữu tình, mang thân hèn kém, mọi căn chẳng đủ, xấu xa ngu ngốc, mù điếc ngọng câm, què quặt lưng còng, phong hủi điên cuồng, bao nhiêu bệnh khổ, nghe đến tên ta, hết thảy đều được đoan chánh sáng suốt, mọi căn hoàn toàn, không mọi tật khổ.“
*
Hòa Thượng giảng: Nguyện lớn thứ sáu của Ngài – “đệ lục đại nguyện” – là “Nguyện đời sau này”, nguyện rằng trong tương lai, tới đời sau này. . . Một số người không tin có đời sau. Nếu thực tế không có đời sau thì quý vị cứ việc đi giết người, đi đốt nhà người ta, tha hồ muốn làm gì thì làm. Kỳ thực, bởi có kiếp sau và mọi việc đều phát sinh hậu quả, nên quý vị không thể làm bậy được mà phải hành động cho hợp lẽ, chớ không thể bạ cái gì làm cái đó, không kể gì đến kết quả về sau.
Quý vị hỏi rằng: “Sao tôi chẳng hiết gì về đời quá khứ của tôi và kiếp sau của tôi? ” Quý vị không biết ư? Vậy chớ khi quý vị ngủ, quý vị có biết gì về thời gian lúc quý vị thức không? Quý vị không biết. Bởi vậy trong đời này quý vị đâu có nhớ gì về những sự tình của kiếp xưa.
Phật dạy rằng:
Yếu tri tiền thế nhân
Kim sinh thọ giả thị
Yếu tri lai thế quả
Kim sinh tố giả thị
Nghĩa là muốn biết nhân của kiếp trước ra sao, hãy xem kiếp này ta lãnh thọ cảnh ngộ nào, vì cái mà ta đương lãnh thọ chính là cái quả, do nhân kiếp trước đã gieo trồng. Muốn biết kiếp sau ra sao, hãy xem những điều ta làm trong kiếp này như thế nào, vì gieo nhân trong kiếp này thì sẽ có kết quả trong kiếp sau. Đó là luật nhất định, không sai trái.
*
Phật biết rõ đạo lý này nên phát nguyện rằng đời sau khi Ngài “khi đắc đạo vô thượng Bồ-đề”, tức là chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nghĩa là thành Phật; “nếu những hữu tình”, nếu những chúng sanh, bao quát hết cả những loài có khí huyết; “mang thân hèn kém”, thân thể hèn kém, ý nói những ai có hình dung xấu xí, khó coi.
Có những người, trông diện mạo không bình thường, mắt, tai, mũi, miệng chẳng hạn, không mọc đúng chỗ, trông thật kỳ cục, xấu xí. Quý vị bảo: “Tôi chưa hề thấy người nào như vậy”. Quý vị chưa thấy lần nào ư? Mà quý vị cũng chẳng nên bắt chước họ làm gì. Tóm lại, có kẻ mang tướng mạo của loài chó, có kẻ tướng mèo, tướng chuột, tướng gấu, tướng ngựa, tướng con nai, đủ cả như vậy đó! Nhiều lắm, trông thấy mà ghê! Đó là các tướng hạ liệt, hèn kém.
Lại chẳng phải chỉ có vậy, còn những loại “mọi căn chẳng đủ”, các căn không đầy đủ, hoặc giả chỉ có một mắt, chỉ một tai, mũi có một lỗ; hoặc giả tay chân không cử động bình thường; hoặc giả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không điều hợp được với nhau, cũng gọi là các căn không đủ; hoặc giả chúng có đủ nhưng coi như không có vậy.
*
Sợ chúng ta không hiểu hết ý của câu kinh: “Mang thân hèn kém, mọi căn chẳng đủ”, nên đoạn kế tiếp còn nói rõ hơn nữa; “xấu xa ngu ngốc”. Xấu tức là không ưa nhìn, khó coi và ngu ngốc là đần độn, nói gì cũng không hiểu. Quý vị bảo cho biết hai với hai là bốn thì kẻ ngu trả lời rằng một với hai là ba, sao có thể thành bốn được. Tóm lại là hết sức ngu si.
“Mù điếc ngọng câm” (Manh lung ấm á). Manh là mù, lung là điếc, có tai có mắt mà không nghe không thấy. Ấm là ngọng, khi nói thì thanh âm như mắc lại trong cổ họng; nghe như tiếng muỗi kêu, nói chẳng ai hiểu gì; còn như á là câm hoàn toàn. Những người mù, điếc, ngọng, câm quả là khổ không biết chừng nào!
Quả báo ra sao mà đến nỗi như vậy? Cũng tại trong kiếp trước đã tỏ ra hoài nghi khi nghe giảng Phật Pháp, không chịu lắng tai nghe nên nay thành điếc tai. Gặp Phật Pháp mà không nhận ra nên thành mù. Bảo học Phật Pháp mà không nghe lời nên thành ngọng, nặng hơn nữa là biến thành câm, các bệnh trên đều do quả báo.
“Què quặt lưng còng” (Luyến tích bối lũ), “luyến” là tay bị quắp lại, không duỗi thẳng ra được, các ngón tay thì nắm lại cũng không thể xoè ra; “tích” là bị tê liệt; “bối lũ” là còng lưng.
*
“Phong hủi điên cuồng” (Bạch lại điên cuồng). “Bạch lại” là khi có những nám trắng hay đỏ, giống như những miếng vá trên mặt; “điên cuồng” thì đó là bệnh của những đứa trẻ bị ngược đãi; bệnh của kẻ tự cắn xé chính mình, hành hạ mình, chửi rủa mình. Nguyên do bởi trước họ phỉ báng kinh Hoa Nghiêm, phỉ báng kinh Đại thừa, phỉ báng Phật Pháp. Tóm lại “bao nhiêu bệnh khổ” những loại bệnh khổ như vậy.
“Nghe đến tên ta”: Sau khi nghe tên ta “hết thảy đều được đoan chánh” thì tất cả đều được trở lại đoan chánh, hình dung không còn xấu xí, khó coi nữa; “sáng suốt” tức là thông minh, có trí tuệ; “mọi căn hoàn toàn” các thứ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cả sáu căn đều đầy đủ và thông lợi.
“Không mọi tật khổ”: Mọi tật bệnh, mọi sự thống khổ đều được giải trừ; khỏi cần phải dùng thuốc thang; khỏi cần y sĩ cứu chữa. Quý vị coi, như vậy có phải là thần diệu không? Mà chỉ cần nghe đến danh hiệu của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là tất cả các tật bệnh, các thống khổ đều tiêu tan. Phật Dược Sư đối với nhân loại quý giá như vậy đó! Mỗi hành động, cử chỉ của Ngài đều hướng về lợi ích cho các chúng sanh, không hề có điều gì bất lợi cho mọi người, không muốn chúng sanh phải gặp quả báo. Những điều Ngài phát nguyện chỉ cốt cho hết thảy được vừa lòng, được vui sướng. Ý của Ngài là như vậy.
12 Đại Nguyện của Đức Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật
Nguyện lớn thứ nhất:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Từ nơi thân thể hào quang rực rỡ chiếu sáng vô lượng, vô số, vô biên các cõi thế giới. Ta sẽ dùng ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp mà trang nghiêm thân thể. Khiến cho hết thảy hữu tình đều được thân thể như ta không khác.
Nguyện lớn thứ hai:
Nguyện về sau khi ta thành Phật thì thân thể như ngọc lưu ly. Sáng suốt cả trong ngoài, không chút tỳ vết, chiếu sáng rộng khắp, công đức to lớn. Thân thể khéo an trụ, ánh sáng trang nghiêm bao quanh, hơn cả mặt trời, mặt trăng. Các chúng sanh trong cõi u tối sẽ được mở mang chỉ bảo, rồi tùy theo chí hướng mà thành tựu sự nghiệp.
Nguyện lớn thứ ba:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Ta sẽ dùng vô lượng vô biên phương tiện trí huệ mà làm cho chúng hữu tình đều được đầy đủ vật dụng chẳng bao giờ hết. Không để cho chúng sanh phải có chỗ thiếu thốn.
Nguyện lớn thứ tư:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Nếu có những hữu tình tu tập theo tà đạo, ta sẽ khiến cho họ trụ yên trong đạo Bồ Đề. Còn nếu có những kẻ tu theo Thanh văn thừa hoặc Độc giác thừa, ta sẽ khiến cho đều vững tin vào Đại thừa.
Nguyện lớn thứ năm:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Nếu có vô lượng vô biên những hữu tình theo lời dạy của ta mà tu hành, nghiêm giữ phạm hạnh; Ta sẽ khiến cho tất cả đều được giới hạnh chẳng thiếu sót, trọn vẹn Ba nhóm giới. Như có người phạm vào giới luật, nghe danh hiệu ta rồi liền được trong sạch như khi chưa phạm giới; Không phải đọa vào các nẻo ác.
Nguyện lớn thứ sáu:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Nếu có những hữu tình thân thể hèn yếu, các căn chẳng đủ, xấu xa, ngu ngốc; Đui điếc, câm ngọng, què cụt, lưng khòm, ghẻ lác, điên cuồng… đủ các thứ bệnh khổ. Khi nghe được danh hiệu ta rồi, hết thảy đều trở nên đoan chánh, sáng suốt. Các căn trọn đủ, không còn bệnh tật khổ não.
Nguyện lớn thứ bảy:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Nếu có những hữu tình bị nhiều bệnh hiểm nghèo, không người cứu giúp, không chỗ nương về; Không thầy, không thuốc, không thân thích, nhà cửa, nghèo túng, chịu nhiều khổ não…Khi nghe được danh hiệu ta một lần, thì bệnh tật dứt hết, thân tâm vui vẻ, yên ổn; Nhà cửa, thân thuộc, tiền của đầy đủ, mọi thứ đều dồi dào, dư dả; Thậm chí được chứng quả Phật.
Nguyện lớn thứ tám:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Nếu có những người nữ vì mang thân nữ mà bị cả trăm việc xấu làm cho bức bách, khổ não, hết sức chán ngán nên nguyện được bỏ thân nữ. Những người ấy nghe được danh hiệu ta rồi, hết thảy đều được chuyển thân nữ thành thân nam, đủ các tướng trượng phu; Thậm chí được chứng quả Phật.
Nguyện lớn thứ chín:
Nguyện về sau khi ta thành Phật, sẽ khiến cho các hữu tình thoát khỏi lưới ma bao phủ, giải thoát khỏi hết thảy trói buộc của ngoại đạo. Nếu như bị sa vào rất nhiều những chỗ ác kiến dày đặc như khu rừng rậm, ta sẽ dắt dẫn, đưa đến chánh kiến. Khiến cho dần dần tu tập các hạnh Bồ Tát và mau chứng quả Phật.
Nguyện lớn thứ mười:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Nếu có những hữu tình phạm vào luật nước, bị trói buộc, đánh đập, xiềng xích nơi lao ngục; Hoặc sẽ bị chém chết, hay bị vô số những tai nạn lăng nhục, sầu thảm bức bách, thân tâm khổ sở. Nếu nghe được danh hiệu ta, nhờ sức oai thần do phước đức của ta, hết thảy đều được thoát khỏi mọi sầu ưu khổ não.
Nguyện lớn thứ mười một:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Nếu có những hữu tình chịu khổ sở vì đói khát; Vì cầu được miếng ăn mà tạo các nghiệp dữ. Nghe được danh hiệu ta mà hết lòng trì niệm, trước tiên ta sẽ dùng các món ăn ngon nhất mà cho ăn uống no đủ; Rồi sau mới dùng chánh pháp mà giáo hóa, khiến cho được sự yên vui bền vững.
Nguyện lớn thứ mười hai:
Nguyện về sau khi ta thành Phật. Nếu có những hữu tình nghèo hèn không có quần áo; Ngày đêm chịu khổ sở vì nóng, vì rét, vì muỗi mòng. Nếu nghe danh hiệu ta mà chuyên niệm thọ trì. Tùy theo chỗ ưa thích mà sẽ được mọi thứ y phục tốt đẹp nhất; Cũng như đầy đủ hết thảy các món báu để trang sức, cùng với những vòng hoa, hương phết và các thứ âm nhạc. Tùy chỗ ưa thích trong lòng, ta đều khiến cho được đầy đủ.
( Theo Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức Kinh Thiển Thích – Hòa Thượng Tuyên Hóa)
Phuoc Duyen viết
Dạ vậy nếu muốn thoát khỏi bệnh tật là mình ngày đêm niệm Nam mô Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai phải không ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Sự diệu dụng vô song của danh hiệu Phật Dược Sư là ở chỗ: Nếu vô tình phạm giới mà nghe đươc danh hiệu của Ngài thì do sức bản nguyện của Ngài, giới tự nhiên được hồi phục lại. Thứ hai là phàm chúng sanh được nghe được danh hiệu của Ngài đều không bị đọa vào ác đạo. Thượng Nhân Tuyên Hóa giảng rất kỹ, do bạn đọc lướt nên không nắm được yếu chỉ đó thôi.
Về bệnh tật thì: Hết thảy mọi bệnh tật của chúng sanh đều do nghiệp lực mà sinh ra, không phải tự nhiên mà có. Dù bệnh nhẹ hay là nặng, rốt ráo chữa dứt được đều phải bắt nguồn từ “nghiệp lực được tiêu trừ”. Cho nên khi bạn chí tâm làm lành lánh ác, lại hoặc niệm Phật, lạy Phật, tụng kinh, trì chú…đều được khỏi bệnh. Do nghiệp lực được tiêu trừ nên khỏi bệnh, chớ không phải chỉ có niệm danh hiệu của Ngài Dược Sư thì mới khỏi như nhiều người lầm tưởng!
Ví như: Người bị bệnh ngứa ngáy, lở loét trên thân là do cảm từ cái nghiệp đánh đập và giam nhốt chúng sanh; Bệnh hôi miệng do chiêu cảm bởi khẩu nghiệp, Bệnh hôi nách do ác nghiệp từ tiền kiếp nên bị một loài quỷ đeo bám nơi nách phát ra mùi hôi thối…Những bệnh ấy nếu chẳng biết sám hối rồi tụng kinh, trì chú, niệm Phật…để tiêu trừ túc nghiệp thì nó cứ dây dưa, thuốc thang gần như không bao giờ khỏi được.
Cho nên nếu bạn bệnh thì cứ chọn một pháp tu rồi chí tâm sám hối hành trì. Đến một lúc nào đó, nghiệp lực được tiêu trừ thì bệnh tự nhiên sẽ khỏi vậy!
Nam mô A Di Đà Phật.
Phuoc Duyen viết
dạ cảm ơn ngài Tuệ Tâm, cho em hỏi thêm nếu muốn đem công đức kiên trị niệm phật để nguyện cho ba mẹ được sống khỏe và hạnh phúc, thì phải nguyện thế nào ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Ông bà tổ tiên, Cha mẹ và con cái có sợi dây liên kết trong vô hình rất mạnh, nên bạn chân thực học Phật, tất cả đều được hưởng phước. Tuy nhiên để công đức được viên mãn thì mỗi ngày nên nguyện hồi hướng công đức cho Pháp giới chúng sanh cùng linh hồn tổ tiên, cha mẹ, quyến thuộc. Cách thức đã có bài viết rồi, bạn xem ở đây nhé: Cách hồi hướng công đức.
Nguyen Hung viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Thưa Tuệ Tâm, với người đang bệnh hoạn mà ko có tin Phật Pháp, mình có thể dụ họ niệm Phật Dược sư để cầu khỏi bệnh. Sau này khi lâm chung thì khuyên họ Niệm Phật A Di Đà. Như thế là cũng hợp lí phải ko ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Cũng được bạn ạ, ta phương tiện giúp người nhập đạo. Chỉ cần họ vào được cửa Đạo, chư Phật và Bồ Tát sẽ có phương tiện dẫn dắt và độ họ.
Nguyen Hung viết
Nam mô A Di Đà Phật! Con xin cám ơn Tuệ Tâm!